Tuesday, October 30, 2007

doc duoc tren Tin Van
http://www.tanvien.net/

Trân trọng giới thiệu chương I cuốn tiểu thuyết đang gây chấn động giang hồ, và hiện đang tái bản.

MỘT
Trứng Âu Cơ và đôi chân màu môn luộc.

Các bạn thân mến, không, chúng tôi không bao giờ chết, chúng tôi vẫn sống mãi trong xã hội tươi đẹp này, cái xã hội mà chúng tôi đã góp máu xương xây dựng chúng”.

Bàn tay xậm nâu, đầy những đường gân nổi, lấm tấm những nốt đồi mồi đen, đang run run vuốt thẳng những trang bản thảo viết tay rồi sau đó rút kính xuống lau, ông Bảy Háp có vẻ nôn nóng đợi chờ chúng tôi phát biểu ý kiến. Nôn thì đâu phải một mình ông nôn. Còn một tháng nữa Tết rồi. Năm nay, giờ này các đoàn khác đều chuẩn bị tuồng Tết đâu ra đó. Chỉ có cái gánh Thanh-Xuân này già kén kẹn hom để rồi bao nhiêu kịch bản khá đều bị nơi khác phỗng tay trên hết.
Tuồng “Huyền thoại một vầng trăng” tôi xin được của Lâm Thành sớm hơn ai hết nhưng trưởng đoàn Năm Cơ cứ sợ nhân vật phản diện trong ấy hơi giống sếp mình qua một chi tiết nhỏ nên cứ bàn ra. Chẳng ngờ, đoàn Hương Trầm đưa lên duyệt, sếp gật đầu cái rụp làm cả đám tiếc ngẩn ngơ.
Kịch bản “Người mất quê hương” cũng do tôi nài nỉ tác giả Bích-La cho người chuyển thể, phó đoàn Bảy Dự lại sợ anh Hai Ðê vốn đã rất không ưa những kịch bản đề cập tới chuyện vượt biên nên đề nghị đoàn không nên dại dột đụng vô. Ôi, mà cái anh Hai Ðê đó có cảm tình với ai đâu, ngoài những sáng tác của ảnh. Tất cả đều là những chuyện không lường trước được. Nhiều tuồng, ai cũng thấy không ra tuồng, nhưng vì anh Hai khen tận nóc nhà nên các nhà phê bình chung quanh cũng xúm lại, khen theo tuốt trời xanh. Lại có tuồng, anh Hai rút cái kính hiển vi ra dí vào một câu nói, coi như đứt vốn cả đoàn... Sợ cho nhiều vô, rốt rồi đoàn Ánh Dương liều mạng dựng, anh Hai có ghé coi, khen tuồng đáp ứng được sự mong đợi của quần chúng. Diễn viên bên đó lãnh lương cữ 4, cữ 5. Lúc đó, lãnh đạo đoàn Thanh Xuân mới ngồi than trời trách đất.
Bây giờ, thì đã quá trễ rồi. May sao, năm nay là năm kỷ niệm hai mươi năm Tết Mậu Thân, Sở Văn hóa có phát động phong trào viết kịch về biến cố lịch sử nầy. Nghe nói đâu được năm, bẩy vở gì đó. Nhưng ngoài đoàn kịch nói Hồng Ðăng lãnh một cây vàng của Sở để làm vở “Lại một mùa xuân”, đa số các kịch bản nầy đều không được các đoàn còn lại săn đón cho lắm. Mùa xuân, khán giả sợ nói đến cái chết, chiến tranh. Mà nhắc lại Mậu Thân thì làm sao xa lìa những điều đó được. Ða số các đoàn đều tìm cách lánh né. Ðoàn Thanh Xuân thì lúc này không còn kén chọn nữa rồi.
Ông Bẩy Háp là một tác giả viết tương đối cẩn thận. Những vở trước của ông (mà ngó bộ vở này cũng vậy) đạt yêu cầu cao về chính trị, nhưng không bán vé được. Ông được Năm Cơ mời đọc vì ông có chân trong Hội Ðồng Nghệ Thuật của Sở, vở sẽ không sợ bị duyệt tới, duyệt lui trong thời gian cấp bách. Bẩy Dự thì hy vọng một tay đạo diễn có nghề nào đó sẽ cứu được vở về mặt doanh thu.
Mọi người đều có vẻ e dè, không muốn phát biểu sau khi ông Bẩy đọc xong lời thoại cuối cùng của nhân vật nữ chính: “không, chúng tôi không bao giờ chết, chúng tôi vẫn sống mãi”. Trong những buổi này, cái Hội Ðồng Nghệ Thuật của đoàn tôi, thường thì không biết nói gì. Ðúng hơn là ít ai dám nói thẳng những ý nghĩ của mình, có chăng thì cũng chỉ là những ý kiến hết sức phụ, hết sức râu ria, Nói gì thì nói, người trực tiếp lãnh đủ là diễn viên chúng tôi. Ở nhiều đoàn, các diễn viên chính thường giữ vai trò quan trọng trong việc chọn vở. Ở đoàn nầy cũng vậy, mọi người đều có vẻ như đợi chờ phát biểu của tôi và Khánh Huy. Huy thò tay dưới bàn, bấm khẽ vào tay tôi, nháy mắt, ra hiệu xù đi. Dĩ nhiên là tôi không thích vở “Mùa xuân, em vẫn đợi” nầy rồi. Vấn đề đặt ra không có gì mới. Cái nhìn về các nhân vật Mỹ, sĩ quan Ngụy vẫn đơn sơ như hồi mới giải phóng ở các vở kịch phường khóm nghiệp dư. Hình ảnh anh giải phóng quân đẹp một cách bài bản, không thuyết phục. Nhân vật nữ trong ấy cũng không có gì đặc sắc so với những cô gái tôi đã gặp ngoài đời nhưng tôi phải phát biểu như thế nào đây cho ông Bẩy Háp đừng buồn, để thuyết phục Năm Cơ, Bẩy Dự đừng dại dột mà đầu tư vào mặc dù cái thời hạn một tháng khắc nghiệt đang lù lù trước mắt.
Và tôi sẽ phát biểu gì đây khi máu vẫn đang âm ỉ chảy giữa hai chân tôi. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ. Những áng mây trôi uể oải luời biếng. Trên cành xanh cây muồng hực hở hoa vàng. Những con chim tôi không biết tên đang lượn trên nệm hoa. Màu nâu của chúng sáng hơn màu nâu của trái muồng một chút. Trắng, xanh, lục, nâu, vàng, đó là những màu của bức tranh ngoài cửa sổ. Tôi muốn nhìn nó để quên đi mầu đỏ ám ảnh của máu. Không phải máu của tôi mà máu của con tôi.
Năm Cơ đã phát biểu xong. Ông đề nghị nên bớt người chết đi. Cứ giữ kiểu khăn sô trắng xóa sân khấu kiểu đó thì Tết phải diễn tuồng cũ. Ít nào cũng phải mồng 10 mới dám khai trương vở này. Bẩy Dự đề nghị có lẽ phải ráng mời cho được đại đạo diễn Huỳnh Ba. Ông sẽ phá được sự nặng nề của những cái chết cuối vở. Ðoàn Giang, phó đoàn ngoại vụ thì đề nghị bỏ hẳn đoạn cuối đi làm ông Bẩy Háp phản đối quá trời. Ông kêu nhân vật của ông đẹp nhất trước lúc chết mà bỏ đi thì còn gì là tuồng. Khánh Huy thì nói rất gọn. Anh cho biết anh không thích nhân vật nam chính trong vở. Nếu dựng, anh đề nghị giao Minh Hiền đóng, anh sẽ ngồi ghế dự bị, đúp vai. Ông Bẩy Háp hỏi anh có yêu cầu sửa đoạn nào không. Huy chỉ nói, vai không hợp với cháu, vậy thôi!.
Tới phiên tôi phát biểu rồi đây. Theo một cách thức khá phổ biến, tôi mở đầu bằng vài lời ngợi khen rồi cố gắng trình bày những suy nghĩ của mình cho thật tế nhị. Sợi gân máu hai bên thái dương của ông Bẩy Háp giật mạnh. Nó lại làm tôi liên tưởng tới những giọt máu cứ tiếp tục rỉ ra bên dưới của tôi. Ðột nhiên tôi không muốn nói gì nữa hết. Tại sao giờ nầy tôi ngồi đây? Ờ, tại sao giờ nầy tôi lại ngồi đây, không đi nhanh tới Bệnh Viện Phụ Sản cho rồi?. Không trốn được sự thật đâu, Châu ơi! Trần Thị Bội Châu! Ðào cải lương Bội Bội Châu! Ôi, tôi có là gì đi nữa thì tính mạng của con tôi cũng đang nguy hiểm vô cùng.
Tôi chợt đứng phắt dậy, xem đồng hồ, xin lỗi phải đi vì có hẹn quan trọng. Năm Cơ la làng chói lói, không được, quan trọng gì cũng không bằng sinh mạng của bẩy chục con người ta trong cái Tết nầy, cô phải ở lại gút cho xong có dựng hay không để còn tính tới. Bắt chước Khánh Huy, tôi cũng nói gọn. Nếu có dựng, chú để Thảo Uyên đóng thay. Cháu sẽ đúp như Khánh Huy vậy. Rồi tôi hối hả đi ra khỏi phòng. Có tiếng than lớn của ông Bẩy Háp sau lưng. Ðào kép chánh không ai chịu đóng thì còn gì tuồng của tôi nữa. Ðoàn Giang phóng mấy bậc cầu thang dẫn xuống tầng dưới rượt theo tôi. Ở lại một chút đã bà ơi, không dựng vở nầy thì phải kiếm ngay một vở khác, không thôi Tết hát tuồng cũ, chết chùm cả đám. Tôi nói, để mai đi! Tôi còn ở lại đây giây nào thì người chết là tôi, còn các anh coi vậy chớ còn sống lâu lắm.
Trên cầu thang xoắn đi xuống, hai chân tôi run rẩy mềm oặt. Tôi la tôi! Tại sao lại nghĩ tới chữ chết trong lúc nầy. Tôi ngồi xuống ở bậc thang cuối cùng. Dần, vợ anh Hai Bảo Vệ đang dỗ con, vội bỏ đó lại đỡ tôi. Tôi nói kêu giùm tôi chiếc xích lô lại Bệnh Viện Phụ Sản. Chị ta lại đét thằng con một cái rồi mới đi. Thằng nhỏ khóc nấc lên. Tôi ngó nó. Nước mắt tôi muốn ứa ra. Nó lem luốc, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Cái đầu hớt lam nham bôi thuốc xanh vì đầy ghẻ chốc. Cái lưỡi đỏ hỏn của nó đang cong giật giữa mấy hột răng đen vàng vì bị xiết ăn. Chiếc áo đầm cũ dường như của chị nó để lại đã ố vàng đen xỉn và rách te hai bên hông. Nhưng ơi trời, nó có thật! Còn con tôi. Hà Anh Ngạc! Tôi gọi tên nó âu yếm, thầm thì. Con hãy sống, nghe con!.
Dần định đỡ tôi ra xe nhưng tôi ra dấu tự đi được. Chị cho biết đã ngã giá hai trăm năm chục đồng, khoe vậy là rẽ được ít nhất năm chục đồng. Tôi mở bóp ra cho chị một trăm đồng, bảo cho thằng Ty ăn kẹo. Thằng nhỏ khôn lanh nghe nói tới tên mình là im bặt tiếng khóc. Trên mặt nó có một vẻ gì đó nghi ngờ và nó chỉ thật sự cười khi mẹ nó dí tờ giấy bạc vào mũi nó rồi giật đi lúc nó quơ chụp. Nó đã biết thế nào là mùi tiền. Tôi bỗng nhớ tới tựa đề của một truyện trinh thám ngày xưa “Tiền và Máu”. Phải chăng, bây giờ đó là hai ám ảnh lớn nhất của tôi. Còn nghệ thuật? Còn khán giả? Còn ánh đèn sân khấu? Còn Hà Thạch Hãn - chồng tôi?, còn nồi cơm toàn gánh?, còn những ai ai?
Anh xích lô nhìn ra tôi là đào Bội Bội Châu. Anh khoe anh đã khóc khi xem “Ðời cô Nguyệt”, “Vực thẳm non cao”, “Tình sử Nùng Lan”, “Anh hùng gánh củi”, “Chín đỏ sầu riêng”à Anh hỏi tôi sao khóc được trên sân khấu hay quá vậy? Tôi nói đùa, cứ bôi dầu cù là vô là khóc được ngay. Anh biết tôi giỡn nên cứ theo gặng hỏi mãi. Làm sao trên quãng đường trị giá hai trăm năm chục đồng xích lô tôi có thể nói hết cho anh hiểu cách ép tim để nước mắt chảy ra ngoài.
Khi tôi bước xuống xích lô, nhiều người bán hàng quanh cổng bệnh viện dường như đã có xem tôi diễn, cũng cười ngỏn ngoẻn như đã quen tự kiếp nào. Anh xích lô cương quyết không lấy tiền. Tôi liếc vội nhìn lên tấm nệm bọc vải màu xanh lợt của anh, sợ mình làm bẩn thì ê mặt nhưng may quá, không sao! Tôi bước hết sức chậm vào bên trong tựa trẻ em tập đi như là tôi sợ nếu bước nhanh quá con tôi sẽ vỡ oà ra mất. Vậy mà có đêm diễn, tôi đã đi những đường vũ đạo xoạc cẳng gần 180 độ khi bụng vẫn đau dần. Có tiếng xì xào bàn tán sau lưng tôi. “Chồng cổ đâu sao không đưa cổ tới? ”. - “Tao biết mặt thằng cha đó rồi”. - “Nghe nói làm báo “Hoa Niên”. - “Ðâu có, chuyển qua Ðài Phát Thanh rồi”. - “Ðẹp trai không mậy?”. - “Dĩ nhiên là phải đẹp!”.
Khán giả của em đang nói về anh đó Hãn. Dù sao tên anh cũng đã gắn với tên em rồi. Dĩ nhiên là phải đẹp! Còn con nữa. Hà Anh Ngạc! Dĩ nhiên là con cũng phải đẹp, nghe con! Tôi lên phòng sản bệnh kiếm bác sĩ quen. Cô ta la như thường lệ. Ði giờ nầy làm sao siêu âm được. Tôi đã nói với chị rồi. Sáng dậy sớm, khoan đi tiểu cho bụng căng to mới dễ siêu. Tôi nói nhỏ, nhưng lúc trước bụng tôi mới một tháng. Còn bây giờ đã lớn bộn rồi, có thể không cần nước. Bác sĩ Thái Hoa đẩy tôi. Ði uống nước đi bà nội, cho chắc ăn! Tôi cầm tờ giấy của Thái Hoa xuống đóng tiền rồi lấy thẻ. Khi tôi đưa 200 đồng, cô thâu ngân trả lại. Tưởng tiền bị rách té ra không phải. Tiền phí tổn đã tăng 500 đồng. Thời gian đã trôi qua. Nếu không có gì bất trắc, giờ nầy con đang tượng hình dần. Không biết cái gì hình thành trước. Trái tim hay bộ não, cái miệng hay bàn tay?.
Tôi lại bước những bước đi của trẻ nhỏ tiến dần xuống phòng siêu âm với miếng phiếu số 28 trên tay. Số bù trất. Sẽ không còn gì. Quang cảnh rất đông đúc trước cửa phòng. Những người chồng đưa vợ đi lăng xăng mở bi-đông nước đem theo cho vợ uống. Có những cô vợ nhăn nhó đòi đi đái vì không chờ nổi đến lượt mình. Cô gái ngồi nhận hồ sơ nơi cửa bị cự nự vì cứ để mấy người không có phiếu nhưng quen biết sao đó với những người đồng nghiệp khác, được vào trước. Tôi tới bên bình lọc nước, rót đầy mấy ca uống rồi kiếm chỗ ngồi đợi. Ðôi kính đen to vẫn không dấu được tôi. Một bà hình như người Tàu ngồi nép sát tấm thân khá đồ sộ để nhường một chỗ trên băng gỗ cho tôi.
Dọc hành lang chúng tôi ngồi, người tới lui tấp nập. Những chiếc xe đẩy mang nước, thuốc, dụng cụ y tế chạy tới chạy lui. Có cả những bệnh nhân được ngồi trên xe lăn đưa đến đây xếp hàng. Cô y tá ló mặt ra cho biết phải nghỉ một tiếng để bảo dưỡng máy. Chị vợ năn nỉ xin anh chồng cho đi đái nãy giờ, nay được dịp chạy xổ đi. Nhiều tiếng chưởi lầm bầm. Có tiếng nói:
- “Ðám ăn gian chen trước chạy re vô cầu tiêu hết rồi, chưởi ai nghe!”.
- Có bầu bì không nên dối gian kẻo sanh con có đường ăn không đường ỉa.
Cô gái ngồi nhận hồ sơ cảm giác người ta nói xiên xỏ mình nhưng cố tình bơ đi. Cô còn quá trẻ, mặt sáng, hơi gầy như tôi hồi còn con gái.
Hãn sẽ lại nổi nóng nếu trưa nay tôi không về đúng hẹn dể dùng cơm chung như đã hứa. Sau khi máy chạy lại, tôi rất muốn xin được ưu tiên nhưng lại thấy mắc cỡ vì ý nghĩ này. Những người phụ nữ đang ngồi đây, ai lại không có một người đang đợi ở nhà, không chồng thì con, hoặc một người thân nào đó. Có tiếng xôn xao ở phía thang máy. Người ta chỉ cho chúng tôi thấy chiếc xe hơi đang mở cánh cửa sau chờ chở người bệnh về. Nghe nói bà ta bị thai trứng. Mổ xong, bác sĩ chê nên người nhà thuê xe mang về.
Thai trứng! Tôi đã được thấy những mẫu thai trứng được ngâm formol cất trong những thẩu thủy tinh đậy nắp. Chúng nằm chung với những cái thai bất thường khác trong một căn phòng cuối dãy hành lang nầy. Khi tôi còn là con gái, đang học năm cuối của trường Nghệ Thuật Sân Khấu, đi vào đây diễn một vở kịch ngắn vui về kế hoạch hóa gia đình cho nhân viên bệnh viện nầy xem nhân ngày 8/3. Trong lúc chúng tôi đứng coi, một đứa bé gái khoảng mươi tuổi chen vào coi đã bị cha nó, một ông già làm thợ hồ cho dãy nhà mới gần đó, kêu con ra, bợp cho một bợp vào đầu. Nhiều người không cho con gái chưa sinh đẻ coi, sợ bị ảnh hưởng xấu cho đứa con tương lai. Y như những người mẹ sắp có con thường treo tranh ảnh những đứa bé xinh xắn với hy vọng con mình sẽ đẹp như vậy. Bỗng dưng, như hiện rõ trước mặt tôi từng cái lọ thủy tinh với những thai nhi dị dạng chất đầy phòng. Những mảng trứng như san hô hoặc những chùm nho li tià Thuở ấy, tôi đã tò mò quan sát kỹ. Quá kỹ! Sau nầy, qua những buổi hội họp, có dịp làm quen với bác sĩ Phi, phó giám đốc của bệnh viện nầy, một nhân vật khá nổi tiếng của thành phố, chị nói riêng với tôi:
- “Tôi thường dự những hội nghị thế giới, trình chiếu những thai nhi dị dạng ấy với lời phỏng đoán rằng đó là một trong những hậu quả của chất độc mầu da cam. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người phụ nữ nước ngoài ói mửa, bước ra khỏi phòng chiếu khi mới xem một vài hình ảnh đầu tiên. Hình như những người phụ nữ ấy cũng đang cấn thai. Ðôi khi tôi cũng tự hỏi, nên chăng, cứ đi làm công việc vạch vết thương mình ra cho thiên hạ xem như vậy!”.
Chiếc thang máy hạ xuống, mở ra. Chiếc băng ca bằng inox được đẩy tới. Ðập vào mắt tôi là hai bàn chân trắng tím như mầu khoai môn luộc của người sản phụ mang trong lòng chùm thai trứng. Chiếc mền nâu sọc đỏ trùm kín mặt, đầu. Ðột nhiên tôi muốn ói! Cùng lúc đó cửa phòng siêu âm mở, không biết đã đến số 28 của tôi hay vì tôi là đào cải lương Bội Bội Châu mà người ta đẩy tôi vào.
Phụ trách máy siêu âm té ra cũng là một người quen. Cô ta trùng tên với tôi. Cô nói:
- “Bác sĩ Thái Hoa biểu chị làm siêu âm mấy lần rồi bây giờ mới đi được đó hả?”.
Tôi kể mấy lần trước, tôi đã lấy số rồi, uống đầy một bụng nước rồi, nhưng sắp được gọi bổng phải về. Một phần vì công việc. Tôi không dám cà kê thêm vì sợ Hãn nổi nóng nếu cứ bị ngồi ăn một mình. Cô gái tên Bạch Châu cười:
- “Chị làm như cái máy siêu âm nầy là ông kẹ không bằng. Phải biết tình hình để liệu mà chữa trị chớ”.
Tôi nằm trên giường, kéo xệ quần xuống, hơi mắc cỡ với Bạch Châu vì chiếc quần lót bằng vải thô của mình. Vâng, tôi, nữ diễn viên nổi tiếng Bội Bội Châu không dám mua một chiếc quần lót rẽ tiền bằng vải trơn láng của Việt Nam mà phải chắt mót những mảng vải vụn lại để may thành quần nhỏ. Gia đình tôi cứ thắc mắc sao tôi làm ra tiền khá nhiều nhưng không hiểu tiền chạy đi đâu hết. Mẹ tôi thường đay nghiến, nó lại dồn tiền lo cho thằng Hãn thôi, chớ gia đình nầy đâu có hưởng được cái gì. Dẹp! Lại tiền và máu, máu và tiền!.
Cô y tá phụ với Bạch Châu dường như biết tôi mắc cỡ nên giả lơ quay mặt đi. Bạch Châu xoa một chất gì như mở trên da bụng tôi, vùng dưới lỗ rún, rồi bắt đầu di chuyển máy. Tôi ngó chiếc máy màu xanh sắt đang chuyển động dọc ngang trên bụng và nhìn lên khung ảnh xanh nhợt có những vùng trắng, chấm đen. Bạch Châu nói rất nhỏ nhưng phòng khá yên lặng nên nghe thật rõ:
- “Thai trứng rồi, Bội Châu ơi!”.
Thật tình mà nói, tôi tưởng cô ta đùa. Nhưng khi nhìn kỹ vẻ mặt Bạch Châu, thấy cô y tá phụ việc đang hí hoáy ghi, tôi hiểu rằng không ai đùa những trường hợp như vậy. Tôi không nghe máu chảy giữa hai chân mình nữa. Nhưng tôi cảm giác vùng bụng mình mở hoác ra. Thằng bé tuột ra đang bò chạy ở đâu đó, nước mắt chảy ràn trên mặt. Tôi gọi rất nhỏ: “Con ơi!”.

Labels:

Sunday, October 28, 2007

Vẫy gọi Nhau, làm Nghề...

Một bạn trẻ hỏi tôi, sao chị không viết chuyện nghề nghiệp, như bên blog của anh đạo diễn BTC.
Dạ, thưa bạn, sau khi xem những cuốn sách về nghề của Nga(Stanislavski), Mỹ (Anne Borgat), “em” đã viết gần như một cuốn sách về chuyện luyện kỷ năng biểu diễn cho sanh viên Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trên cơ sở thực tiễn mà mình và cô giáo của mình nghiên cứu. Cái tựa cho cuốn này dự kiến là:“Thư gửi người diễn viên trẻ”. Nhưng khi viết đến chương cuối thì thấy hình như các sanh viên trẻ của mình đã không còn kiên nhẫn ngồi nghe nữa mà đã chạy mất dép, hoặc bỏ nghề, hoặc theo cuộc mưu sanh.
Kiếm bài cũ đăng lại thôi.
Mà loại bài đơn giản như nầy, cũng không biết có sanh viên sân khấu nào chịu đọc hay không?
Bài nầy viết cách đây khá lâu, hình như đâu khoảng 2000. Thấy anh Phan Huy Ðường viết, “Vẫy gọi Nhau, làm Người” mình cũng bắt chước.

Vẫy gọi Nhau, làm Nghề...

Một
Bọn trẻ ở một vùng hẻo lánh thường canh giờ tàu chạy để vẫy tay chào hành khách từ những thành phố, thị xã, làng mạc khác lướt... Chẳng ai quan tâm tới chúng dù họ luôn trong tầm nhìn của nhau. Một ngày nọ, như một phép lạ, có một “quý ông” nhiệt tình vẫy tay đáp lại. Nhiêu đó cũng đủ cho bọn trẻ vững lòng tin, sống và hy vọng về cõi đời. Ở những nơi khác sẽ là bè bạn thân tình nếu có ngày chúng lìa quê, trôi giạt... Chẳng ai biết “quý ông” đó là một chú hề già đã giải nghệ, sống không xa bọn trẻ. Chính vai diễn cuối đời này đã giúp chú gần với chúng và cũng gần với nghiệp dĩ biểu diễn của chú hơn bao giờ hết.
Nghệ thuật sân khấu, như thế rất gần với đời sống, và cũng rất gần với một chữ ÐẠO viết hoa. Soạn giả Lê Hoài Nở đã từng “thuyết pháp” với đồng nghiệp rằng ông muốn đổi hai chữ “nghề hát” thành “đạo hát” vì với ông đó là “một cái gì thiêng liêng, cao đẹp, phụng sự cho tâm hồn, là tiếng nói của lòng dạ, tim gan trí óc; nó không phải là một nghề buôn bán, và nếu có nhờ nghề này để có cơm ăn áo mặc cũng là vấn đề thứ yếu”. (Vui buồn của 39 năm trên sân khấu ố Hồi ký viết năm 1966 của cô Bảy Nam). Chính NSND Bảy Nam cũng cho biết “...thú thật, tôi là người mê hát hơn mê tiền bạc, quý sân khấu hơn cả bản thân...” (Sđd).
Hai
Và bây giờ, cái nghệ thuật từ đời trở thành đạo rồi từ đạo bước ra đời này đang đứng trước một thách đố lớn của thời đại là vừa phải theo kịp trình độ và nhịp điệu phát triển chung của quốc tế bằng kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường, vừa phải giữ được bản sắc của riêng mình.
Một nhà nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không nên quên những bước: hàng hóa hóa, xã hội hóa, quy chế hóa và vật phẩm hóa.
Sân khấu truyền thống nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung, trên vòng tròn khép mở đời đạo - đạo đời này có lẽ cũng nên vận hành theo đó để vừa phát triển, tồn tại mà vẫn giữ được mình. Nó phải có khả năng tái sản xuất, mở rộng chính mình như những vật thể sống, những yếu tố cấu thành của xã hội hiện tại mà vẫn phải tránh được nguy cơ tha hóa vì khuynh hướng thương mại hóa...
Tháng 10-1999 ra Hà Nội xem Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc như một khán giả và nhân đó đến những cơ quan hữu trách xin những kịch bản hay để giới thiệu cho các nhà hát miền Nam (đặc biệt cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang của chúng tôi), tôi nhận được những lời từ chối nửa đùa, nửa thật: “Liệu đem về có xử dụng được không khi những kịch bản bị rớt và đánh giá không cao ở đây thì khi vào Nam lại chiếm được vị trí cao trong các cuộc thi lẫn trong khán giả; và khi các cuộn băng vidéo cải lương được mang ra đây duyệt cứ có những cốt truyện na ná như nhau với những mối tình tay ba, tay tư để kết thúc nếu không nối lại tình xưa thì cũng đi tu hay chết chóc...”. Nhân có đủ cặp trưởng, phó phòng sân khấu của Sở Thông tin Văn hóa Thành phố HCM đang có mặt ngoài đó, tôi hỏi ngay thì được đáp: “Ðó là những kịch bản chúng tôi chê dở, không duyệt, nhóm sản xuất vội tuồn sang xin giấy phép ở những hang khác thuộc trung ương nên mới có chuyện hội đồng duyệt bị xem các loại thứ và phế phẩm như vậy”...
Ba
Những năm sau này, chúng ta rất vui khi thấy có những kịch bản ở miền Nam được các đoàn ở miền Bắc dàn dựng và ngược lại. Một đạo diễn, NSND nổi danh như một “người truyền đạo” ở phía Bắc, tỏ ý băn khoăn, không biết tác phẩm nặng phần ÐẠO của ông có được “nhập thế” ở phương Nam. Theo ông quan sát, đã có một khối lượng lớn khán giả ở phía Nam đang tiếp tay làm xuống cấp nghệ thuật cải lương khi mê đắm vô lối những “thần tượng” ố bất chấp nhân vật nào ố của họ, chạy theo những vỏ ngoài hào nhoáng, những tình tiết sướt mướt, ly kỳ, những pha chọc cười đơn thuần giải trí bất chấp tính văn học và triết lý cần và đủ để một tác phẩm tồn tại lâu dài.
Ðiểm bất đồng độc nhất giữa ông và tôi là tôi tin trong tương lai điều này có thể xoay chuyển được vì nếu cho rằng loại khán giả này phải có trách nhiệm với nghệ thuật sân khấu của chúng ta thì chính chúng ta ố những người hoạt động sân khấu nói riêng và cả xã hội nói chung phải có trách nhiệm trong việc thay đổi phần nào nhận thức của họ. Ðiểm thống nhất lớn giữa ông và chúng tôi là đã có nhiều nơi cố tình hiểu sai ba chữ xã hội hóa nhằm mục đích bẻ quẹo sân khấu của họ theo một kiểu nào đó để chỉ phục vụ cho một thiểu số điều hành.
Nếu ở phương này có nhiều nhóm mừng rỡ trước ba chữ xã hội hóa như một chiêu bài để họ phục hồi những kiểu kinh doanh sân khấu tệ hại trước đây bằng cách mướn bảng hiệu, tuồn vốn đầu cơ nghệ thuật, chỉ o bế những nghệ sĩ đẻ ra tiền cho họ và đối xử bạc bẻo với những diễn viên, hậu đài không ảnh huỏng tới túi tiền của họ bằng giá thuê mướn rẻ mạt... thì ở phương khác cũng có khá nhiều những đoàn kịch quốc doanh coi ba chữ xã hội hóa như một thứ cấm kỵ (ôn dịch) không nên đụng đến.
Chúng tôi rất tâm đắc với cáo nhìn của người NSND đồng nghiệp, lớn tuổi đời và tuổi nghề ấy, rằng những ông trưởng đoàn này cũng làm việc theo một kiểu chạy theo tiền, nhưng là loại tiền của Nhà nuóc (dĩ nhiên, đó cũng là tiền thuế của nhân dân), loại tiền đổ ra không thương xót trong số kinh phí lớn rót xuống đoàn hằng năm, cả những lượng tiền rót về bất thường một cách bình thường trong những ngày lễ lớn, những đợt hội diễn, để đầu tư cho những tiết mục xa lạ với dân nhưng đẹp lòng các viên chức, chỉ diễn vài lần rồi xếp xó, những lễ hội xa hoa, nhân hay mạo danh truyền thống làm nhói tim những người dân vùng lũ lụt vì dường như ai cũng ngửi được trong đó mùi mồ hôi và cả máu của đồng bào.
Bốn
Trong số các thành phố ở Úc và Âu châu mà chúng tôi đã được đi qua, tôi đặc biệt thích cách thức quản lý của sân khấu Ðức. Nhà nuóc rót tiền xuống cho các Nhà hát rồi để họ độc lập trong việc lựa chọn tiết mục sao cho vừa thể nghiệm những tìm tòi, sáng tạo vừa lôi kéo khán giả đến với mình để có thể xoay vòng đồng vốn, tái đầu tư. Nghệ thuật sân khấu ở đây được nhận định như một hoạt động mang tính xã hội cao, nhất hóa nghệ thuật và kinh tế, đưa tác phẩm vào đời sống, liên kết hoạt động nghệ thuật của nhiều người, ứng dụng kết quả sáng tạo của nhiều ngành... đồng thời góp phần đẩy mạnh sự giao lưu và đồng cảm giữa nhiều dân tộc, nhiều thế hệ.
Những người bạn ở đó đồng ý với chúng tôi, đây là loại hình hoạt động tự do và nhân bản nhất của con người. Khi anh hoạt động nghiêm túc sẽ tái sản xuất, mở rộng tài năng trên đường hướng tái tạo và hoàn thiện nhân cách con người, đồng thời là nơi đào thải những cá nhân không xứng đáng và không đủ năng lực một cách nghiêm khắc, công bằng nhất. Thế nên việc quản lý trong ngành này không chỉ là kiểm tra và giám sát mà phải tạo ra được những điều kiện giúp phát triển tài năng và phát huy được vai trò chân chánh của người nghệ sĩ trong sinh hoạt xã hội.
Quy chế hóa không chỉ là chuyện gom các nghệ sĩ lại cho học tập rồi cấp giấy phép hành nghề mà đòi hỏi những kế hoạch đầu tư cho trước mắt lẫn lâu dài, đặc biệt trong hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Bởi vì hơn ai hết, Nhà nước phải là một “ông bầu lớn” với tất cả tài năng quản lý, tầm nhìn xa rộng và một tấm lòng trải rộng cho ÐẠO ố nghề hát này để không dẫm lên tội ác của một số bầu sô coi đồng tiền là mục đích tối thượng, vắt kiệt những nghệ sĩ khi họ còn đang sức cống hiến và thiếu sự “trồng mới” cho những thế hệ diễn viên và khán giả trong tương lai.
Cũng ở Berlin, thấy rất rõ hai vùng sân khấu cũ của Ðông và Tây Ðức đã học tập ưu khuyết lẫn nhau để vun đắp một nền sân khấu chung mạnh mẽ, năng động và đậm đặc một bản sắc mới. Ở đó Shakespears, Chekhov, Bretch, Goethe, Schiller... đứng kề những tác giả ở toàn Châu Âu với lứa tuổi hai mươi, ba mươi... Và qua cách bày tỏ của những người làm sân khấu Ðức tôi nghĩ rằng vẫn lấp lánh trong các bản dựng của họ, những vấn đề của chính chúng ta, những con người đang sống trong cõi nhân sinh này.
Năm
Bên cạnh vở múa “Thế đấy, thế đấy” của Ea Sola, vở kịch khiến chúng tôi “xao xuyến” nhiều mang tên “Tẩy rửa” của Sarak Kane, 23 tuổi (cô vừa mất vào tháng 4-99) và được dựng bởi một đạo diễn ở Hamburg, 70 tuổi.
Cô gái đến một bệnh viện để xin lại bộ đồ của người Anh vừa mất. Giám đốc ở đó là một tay bệnh hoạn, bất lực. Ông ta đối xử tàn bạo với những quan hệ tình cảm bất thường của những người đồng giới tính. Còn với khát vọng muốn hòa hợp tâm hồn cùng linh hồn người anh của cô gái, ông ta cho chuyển đổi giới tính của cô ta. Vật thể vô hồn tổng hợp hai anh em cô gái ở cuối vở không khỏi gợi chúng tôi liên tuỏng đến những việc làm trái quy luật, cái vùng đất, con người bị tách nhập một cách thô bạo, ác độc thay vì nghĩ ra cách để họ có thể sống chung hòa nhập hổ trợ nhau...
Vâng, trong thời đại hiện nay, chúng tôi luôn cảnh giác những khuynh hướng cực đoan (dù bài ngoại hay phục cổ) nhưng thực tế cũng không khỏi chạnh lòng khi ngó quanh thấy những tác phẩm nghe nhìn của nước ngoài đôi khi đã chiếm lĩnh lòng tin yêu của khán, thính và độc giả nuóc mình. Ngay cả khi cầm được trên tay đồng tiền của bạn bè các nước đưa lại, chúng tôi cũng luôn giữ ý thức đây là chuyện giao lưu, hợp tác, cố tìm một tiếng nói chung để những tác phẩm giá trị của chúng ta cũng được vật phẩm hóa với số lượng và mức độ một cách tương xứng chớ không bị đẩy lùi trên chính quê hương ta bởi chính những người nhà; bởi vì nếu không cẩn thận, ta sẽ chỉ là những người làm dịch vụ, gia công để bạn bè nơi khác đến đây thể hiện những sản phẩm văn hóa của họ mà thôi.
Sáu
Nếu vở “Tẩy rửa” của Sarak Kane báo động về một cái ác đang muốn thống trị, khống chế quy luật cuộc sống thì vở “Tình nghệ sĩ” của Paul Galico gợi ra cảm giác yên tâm dù triết lý nhận được từ vở đó không mới lắm: “Cái ÐẸP sẽ cứu chuộc thế giới”... Một gã đàn ông cộc cằn luôn hành hạ thiếu nữ phụ việc cho mình. Chịu không nổi, cô gái bỏ đi. Y cảm giác lẻ loi và tâm sự với những con rối của mình. Cô gái tình cờ nghe được và họ yêu nhau...
Sẽ cứu chuộc thế giới, cái ÐẸP? Một trong những đại diện cho cái đẹp là sân khấu. Dĩ nhiên, trong thực tế, sân khấu của chúng ta và những mẫu vụn bếp núc hậu trường của nó không phải lúc nào cũng đẹp... Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải cố vẫy lại, để không phụ lòng những cánh tay đang giơ lên, vẫy gọi chúng ta./.




Labels:

Saturday, October 27, 2007

Ly Lan film

Day la kich ban film tai lieu ve co ban van, viet cach day nhieu nam, khi Ly Lan vua ra sach moi, va doc than.
Ly Lan và những góc riêng

Một. Chiếc nôi ấu thời.
Sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương, Lý Lan gần gũi với Lái Thiêu quê mẹ hơn là quê cha, vùng Quảng Ðông Trung Quốc mà cô chưa một lần được về thăm...
Trước bước ngoặt lớn của đời mình - mất mẹ ở tuổi lên tám - những vườn cây trái ngọt ngào cùng những mảng đất sét nâu hồng ở Lái Thiêu đã là khu vườn cổ tích của Lý Lan.
Người ta thấy thấp thoáng trong truyện của Lý Lan, bên cạnh những người khách trú tha phương, còn là những con người miền Ðông hồn hậu chất phát mà không kém phần duyên dáng của vùng đất nơi cô đã được sinh ra.
Ðất vườn chia năm xẻ bảy nhưng ngôi nhà tự vẫn còn... Chiếc võng đu đưa trong vườn nhà vẫn là nơi cô về ngã lưng thả mình trong thế giới sáng tạo mà chất liệu như đã bày sẵn chung quanh cho cô xếp lại theo ý mình...
Con sông Búng như ngày nào vẫn lượn quanh chợ Búng. Ngôi chợ không lớn, không khác nhiều những ngôi chợ lâu đời khác, chỉ đậm đà thêm hình ảnh những ghe thuyền chở lu, hủ đổ xuống một góc chợ...
Từ chiếc võng giăng ngó lên những đọt cau màu ngọc và trông ra những mương nước trong vườn, cô hồi ức lại mùa mưa lầy lội, những con đường ghề ghề trở thành những con đường nước, thậm chí thành suối... Ðâu đó gần nhà vẫn còn một con suối nhỏ bé những bụi cây che khuất.
Theo những lối mòn được che mát bởi những cụm tre trúc cong đầu, cô đi lần về khu gò mả của dòng họ cùng nén nhang thắp cho mộ mẹ với nỗi lo trong một tương lai không xa gò đất này sẽ không còn... Như gò đất lớn hơn ngoài kia, xưa được bọn trẻ cho trâu tràn lên ấy để thả diều nay đã bị phạt gần hết chỉ còn một mảng gò được giữ lại để làm Ðài Liệt sĩ. Không biết tìm đâu ra những người bạn ấu thời cùng đi xúc cá, nặn đạn đất sét bắn chim.
Có vẻ như không khác lắm dòng sông kia, vườn cây nọ... Vẫn những đứa trẻ say sưa vọc vầy đất sét bày ra một góc nhỏ cảnh đời với ngựa, trâu, voi chó, với những quả măng cụt, sầu riêng, chôm chôm bằng đất sét... như thời nhỏ cô vẫn thường cùng bè bạn chơi đùa. Vẫn những quán bánh bèo bì tấp nập người từ các phương khác cần chút thanh tịnh vườn cây...
Nhưng thật ra đã khác lắm rồi, quê xưa của cô.
Các khu vườn đã bớt dần vẻ dân dã ngày nào mà đã được quy hoạch lại... Và cái nghề gốm thủ công đâu còn nữa những người thợ xoay những mẩu đất trên bàn quay bằng tay chân chậm chạp.
Dọc xa lộ và những nơi có xe hơi, xe tải ra vô thuận lợi đã có khá nhiều công ty gốm sứ chiếm diện tích đất khá lớn với những dãy nhà xưởng, lò nung hiện đại cũng như những phòng trưng bày đầy những món đồ với kiều dáng hiện đại để phục vụ đời sống đang thay đổi hàng ngày... Dĩ nhiên, rãi rác đâu đó vẫn còn những lò gốm cổ đổ nát với những dấu vết xưa đứng khá ngậm ngùi.
Bên kia xa lộ mọc lên khu công nghiệp Singapore tấp nập những công nhân trong các đồng phục chính là những người bạn nông dân ấu thời của cô nay được khoát vào y trang khác...
Chính cô cũng bớt giờ cầm viết để những con chữ chạy dài dưới tay cô gọi ra trong chiếc máy tính xách tay nay luôn sát theo cô.
Thỉnh thoảng cô dừng tay và võng lại đong đưa...
Sự đổi thay này nhóm trong cô nỗi buồn vui lẩn lộn... Trong sâu thẳm, chính những điều này tạo nên tác phẩm... Nỗi đau mất mẹ... Sự câm lặng truyền sức cho đám con thơ của người cha... Khu vườn thất lạc... Những người tha hương phương Bắc lại phải tái tha hương ở các phương trời xa lạ khác... Màu xanh cây, ruộng mất dần để những ống khói mọc lên.
Tất cả những sự thay đổi đó được ghi rõ trong các tác phẩm của Lý Lan, đã và đang... Những con chữ rơi ra từ chiếc máy... vẫn không ngăn nhịp võng đong đưa... Ðó là Lý Lan!

Hai. “Nhà!”.
Trong cuốn “Sàigòn - Chợ lớn rong chơi”, người ta có thể hình dung được cái xóm lao động mà ngày rời thế giới cổ tích của cái lò gốm và vườn cây ăn trái mà cô cùng gia đình đã trôi giạt về...
Ngôi nhà cũ của cô có lẽ là ngôi nhà độc nhất còn để đổ nát trong lúc các nhà chung quanh đã xây mới hoàn toàn tạo nét khang trang cho xóm cũ... Hiếm hoi lắm những người Hoa lớn tuổi mang hàng rong đi bán lang thang (bánh bò, bánh tiêu, ve chai, lông vịt...)... Tháng 7 và tháng 8 âm lịch vừa qua nhưng xóm cũ vẫn gợi nhớ được những tháng 7 âm đi giựt cô hồn và tháng trung thu thắp nến chưng lồng đèn, xếp cổ cúng trăng.
Trong căn nhà ọp ẹp của xóm cũ, náo nhiệt những mảnh đời cơ cực, cô đã được theo học các trường: Tiểu học Chợ Quán, Trung học Gia Long và Ðại học Sư phạm...
Ra trường cô nổi trôi mấy năm (4) ở vùng Cần Giuộc để dạy học rồi về lại Sàigòn dạy cho Trung học Hùng Vương, Trung học Lê Hồng Phong, Ðại học Dân lập Văn Lang, Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội (Chi nhánh Nguyễn Du - Sàigòn).
Bây giờ thì cô đã phải tạm ngưng các buổi lên lớp (ở trường cũng như ở nhà) để chỉ dồn sức vào cái việc dịch thuật, sáng tác và viết báo...
Cũng bây giờ, tương đối đời riêng cô đã ổn định trong căn phòng dành riêng cho gia đình cô ở lầu ba một chung cư góc Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương.
Nơi đó, cha cô không được khỏe lắm, nhưng tinh thần đã thanh thản hơn, đang sống chung với ba cô con gái và đứa cháu ngoại. Cô đã viết nhiều về ông, đôi chân trần lăn lộn các nẽo phố Sàigòn của ông, nỗi đau tha hương, gánh nặng gà trống nuôi con của ông... Một trong như?ng việc hiếu cô đã thực hiện được khi cha còn sống là đã tổ chức được một chuyến hồi hương thăm đất đai, dòng họ, bạn bè vùng Quảng Ðông cho ông...
Và tiếp nối với cái ấu thời đứt đoạn ở Lái Thiêu là những mẫu chuyện rời được chắp vá từ ông, đã un đúc nên tinh thần cương nghị nơi cô... Qua đó, cô hiểu, gia tộc xưa là dòng dõi khoa bảng, luôn coi trọng chữ nghĩa nên có trôi giạt đến đâu vẫn phải “giấy rách giữ lấy lề”...
Cha cô không nói nhiều, bằng chính những việc làm để mưu sinh và gồng gánh gia đình của ông, bằng sức khỏe và sự câm lặng không muốn làm phiền con cháu của ông đã truyền dạy bao điều lớn lao cho cô.
Giờ thì ông đang vui những ngày cuối đời với cậu cháu ngoại nghịch ngợm - con trai của cô Út - và chờ đến giờ chiếu những bộ phim Trung Quốc để các con bật máy lên xem...
Một góc khác trong nhà bề bộn sách vở là góc viết của Lý Lan... Cô cho biết đã có lúc cô ở lì nơi đó suốt bảy ngày trong tuần mà không hề thấy trống vắng... Công việc luôn đầy cho cô trong một thời gian dài trước mắt...
Như khá nhiều người viết văn nữ ở thành phố này, đất nước này, cô đã, đang và hứa hẹn sẽ kéo dài khá lâu cuộc sống của một người “đơn thân bận rộn”... Riêng với Lý Lan, cái bóng của người cha cùng gia tộc vắng mặt của ông luôn là một điều gì to lớn với cô. Chuyện lập gia đình riêng không quan trọng bằng việc cô đã dấn thân vào hai nghề mà ông chỉ mong con cái góp tay vào: viết văn và dạy học...

Ba. Tác phẩm và bạn bè.
Lý Lan đến với công chúng khá sớm qua truyện ngắn đầu tiên “Chàng nghệ sĩ” vào năm 1978.
Cô được mời dự ngay những trại viết đầu tiên của thành phố cho cả khu vực phía Nam. Ở đó, cô quen được Trần Thùy Mai đến từ Huế và họ in chung tập “Cỏ hát”.
Năm 1984, tập truyện thiếu nhi đầu tiên của cô cũng mang tên “cỏ” được giải thưởng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà Văn Việt Nam: “Ngôi nhà trong cỏ”.
Ðến năm 2000, Lý Lan đã có trên 20 đầu sách được in, trong đó có:
* “Chút lãng mạn trong mưa”.
* “Nơi bình minh chim hót”.
* “Hội lồng đèn”.
* “Chiêm bao thấy núi”.
* “Những người lớn”.
* “Mưa chuồn chuồn”.
* “Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh”.
* “Ðất khách”.
* “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”.
Gần đây, cô vừa được Nhà Xuất bản Văn Nghệ in một loạt sách để kịp ra mắt trong ngày hội sách toàn thành phố:
* “Sàigòn - Chợ lớn rong chơi”.
* “Quá chén”.
* “Khi nhà văn khóc”.
Với một người đã có số lượng sách đã in như Lý Lan có lẽ cũng không cần phải giới thiệu nhiều về tác phẩm của cô.
Ðó là những cuốn sách được nhiều giới, nhiều tần trình độ khác nhau đón nhận... Ðặc biệt, sách của Lý Lan được ưa thích nhiều ở môi trường học đường và cũng rất được những người Việt tha hương ưa chuộng... Có lẽ vì những mẫu chuyện thú vị nhân ái của Lý Lan luôn được kể bằng một văn phong giản dị, duyên dáng, chứng tỏ bản lĩnh vững vàng của một cây bút nữ tinh tế, đôn hậu, nếu không muốn nói là thông minh...
Lý Lan viết nhiều lý, tạp ghi... bên cạnh truyện ngắn. Cùng với hai cô bạn thân, Thanh Nguyên và Lưu thị Lương, họ có cùng in chung một tập thơ. Chúng ta có thể nghe phát biểu của những người bước vào văn đàn một lượt với Lý Lan này để hiểu thêm một đôi chút nào đó về Lý Lan...
Bên cạnh những người bạn viết đồng niên này, Lý Lan cũng có những người viết đi trước nhưng luôn theo dõi để có những trao đổi, động viên cô, nhất là khi cô gặp những khó khăn trên đường văn, đường đời... Ta có thể nhận ra sự trân trọng của lớp người này với một đồng nghiệp đi sau mình qua các lời phát biểu của: Sơn Nam, Trần Bạch Ðằng...
Không như những người viết văn khác, cô giao du không nhiều... Có thể kể thêm vài khuôn mặt để làm việc và rong chơi như: Kim Hạnh, Ngô thị Kim Cúc, Nguyễn thị Minh Ngọc, Hoàng Hưng, Nguyễn Hải Chí (Chóe) v.. v...

Bốn. Góc riêng.
Lý Lan thường nói với bạn bè: “Nếu có bạn có những góc riêng như sân khấu, tuổi mới lớn, bình nguyên châu thổ, vùng cao, tuổi già... thì tôi cũng có một góc riêng là thế giới người Hoa đang sống ở thành phố này: khu Chợ lớn với những góc phố, ngôi chùa và những con người rất đặc biệt, rất riêng”.
Ðã từng tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Thành phố và cũng đã từng sớm xin ra khỏi Hội, hiện Lý Lan vẫn còn trong Ban Chấp hành của Hội Văn nghệ các Dân tộc Thiểu số.
“Ðất khách” là một trong những tập truyện bán chạy của Lý Lan đến độ sau này cô đứng ra tự phát hành cuốn “Quá chén” để tránh tình trạng sách bán bao năm trường mà người viết vẫn không có thêm thu nhập. “Ðất khách” cũng là tên bộ phim do Lý Lan chuyển từ truyện dài “Lệ Mai”, viết về một lớp người Hoa trẻ trưởng thành trên quê hương thứ hai của họ là vùng Chợ Lớn, sau ngày giải phóng. Lý Lan cũng được nhiều khán giả biết đến qua bộ phim này, dù trước đó cô đã viết nhiều kịch bản phim như “Nơi bình minh chim hót” (Hảng phim Giải phóng - Việt Linh đạo diễn).
Một tập sách về những người thành đạt ở vùng Chợ Lớn cũng đưa Lý Lan đến gần hơn những người đồng hương của mình . Người ta đã đọc được những trang viết cảm động về cô Bảy Phùng Há, những doanh nhân, những họa sĩ thủy mặc như Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Lư Tòng Ðạo.
Ngôi nhà trà đạo cùng xưởng vẽ của họa sĩ Lý Khắc Nhu trong Ðầm Sen vẫn là nơi những người đồng hương này gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi những thông tin trong thế giới của họ khi có dịp...
Những nhát cọ vẽ phác ra những cánh hạc, đóa sen vờn bay thư pháp như phụng như rồng...
Cô còn được gặp đồng hương ở các ngôi chùa cổ trong Chợ Lớn (chùa Ông, chùa Bà)... Nhiều người Hoa lớn tuổi đến đó thắp nhang đèn cúng bái với tất cả sự thành kính như để nguôi ngoai nỗi nhớ quê xưa, hoài vọng lại một nền văn hóa cũ... Những khu phố ăn trong Chợ Lớn cũng là nơi cô dễ gặp đồng hương hoặc Câu lạc bộ tiếng Hoa của báo Sàigòn Giải phóng bản Hoa ngữ.
Sau nhiều lần trắc trở, Lý Lan cũng dự được vài cuộc hội thảo và trại viết ở nước ngoài với tư cách một nhà văn... Ở những nước khác, những thành phố khác, cô cũng được gặp những người Hoa - Chợ Lớn trôi dạt đến đó...
Hiện cô đang tiếp tục dịch tiếp tập truyện thiếu nhi “Harry Porter” đang làm xôn xao nước Mỹ vì sự được ưa chuộng của nó ...
Còn dỡ dang trên bàn cô, tập truyện về thời niên thiếu của các danh nhân Việt Nam đương đại và nhiều công trình khác.
So với những cùng thời, Lý Lan có vẻ vượt trội về cường độ lao động cũng như bản sắc riêng tư... Ðược như vậy, theo cô, có lẽ vì hoàn cảnh đã đẩy cô vào những góc rất riêng...
Và trên tất cả những công việc đang làm: dịch, viết tạp ghi, viết báo... có lẽ trên tất cả với Lý Lan-nhà văn vẫn là được tiếp tục viết truyện ngắn - Những chuyện bình dị, duyên dáng, tưởng như không có gì dao to búa lớn nhưng cái hậu quả của chúng cứ theo ta như một làn hương lưu luyến mãi không thôi...



Friday, October 26, 2007

Ngụy Tín


Cảm tác từ “The Fat anh The Lean”
(Le Gros et le Maigre, 1961, 15’, đen trắng. Ðạo diễn Roman Polanski (đồng sáng tác với Jean-Pierre Roussaeu, âm nhạc Krzysztof T.Komeda.)

Phần Một: Tư Duy Cô Ðơn

Trên bãi cỏ xanh ngát hoa và bướm, Chủ đang phơi mình trong nắng mai, đong đưa trên chiếc ghế chao. Chủ không có ý kiến gì về khúc nhạc mà Ta đang vừa thổi sáo, vừa gỏ nhịp trống. Ðời Ta vậy là vui khi Chủ không lên tiếng phàn nàn về những âm thanh dìu đặt do ta Sáng Tạo ra. Nhưng kìa, hình như Chủ đang có một ý định gì đó? Không, chỉ là Chủ lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt béo tốt của Chủ mà thôi. Cứ vậy mà Sáng Tạo Nghệ Thuật, nhé Ta.

Không được, Chủ đang cho hai ngón tay béo tốt tự ngoáy lấy hai vành tai dày thọ sống lâu. Có vẻ như Chủ bắt đầu khó chịu với những âm tiết bật ra từ chiếc sáo và chiếc trốạng này. Chủ vẫy kìa, nhanh chân mà chạy đến ngay. Hoá ra Chủ muốn đích thân chơi trống. Chủ còn ra hiệu ta hãy nhảy múa lên. Thì múa! Như Kiến kêu Ve hãy múa thử coi vậy.Nhảy múa là nghề của Ta mà. Ta nhảy đây, các tư thế của ballet lẫn dân vũ. Cho dù Chủ có đập trống loạn xạ bất kể nhịp nội, nhịp ngoại và cả vô nhịp như thế nào. Là nghệ sĩ, còn niềm vui nào hơn khi ta được tung tăng nhảy múa với tất cả những kỷ năng đã được đào tạo và khát vọng của cả một kiếp người.
Nhịp trống lơi rồi, Chủ rút chiếc nón phe phẩy quạt. Sao lại như vậy? Ðó là việc của Ta mà! Chiếc túi bên mình luôn chứa những chiếc khăn thơm chỉ mong được dùng trong những dịp nầy. Chấm nhanh những giọt mồ hôi rồi vào nhà vác ngay chiếc quạt “Khổ Lòng-Khổng Lồ “ ra. To béo như Chủ phải được quạt bằng những chiếc quạt xứng tầm vóc Chủ. Chân Chủ thoáng gợn xao động kìa, phải vác ra ngay chậu nước cho Chủ ngâm đôi chân cũng Vĩ Ðại chẳng kém mặt Ngài.

Chủ nằm ngửa ngó trời, đàn chim thoáng hiện trong đôi mắt híp nheo. Khẩu súng được chĩa lên. Ðó là loại vũ khí mà loại Nghệ Sĩ như Ta mãn đời không nên nghĩ tới, đừng nói chạm vào. Một chú chim trời rơi.
Chủ đã ra tay giết sinh vật nào, ít khi Chủ trật.
Ta lo phần chế biến chú chim thành món ăn cho Chủ bởi cơn khoái khẩu của Chủ cũng là hạnh phúc bé mọn trong Ta.
Thường thì “xây lúa khỏi bồng em”. Nhưng thế giới này chỉ có Chủ và Ta nên Ta cần làm tất, từ rô ti chim đến xoa bóp tay chân, lau mồ hôi trán, cả nâng niu giũa móng.. chứ không lẽ để Chủ dùng chính tay này giũa móng tay kia.

Khói đâu bốc lên từ nhà bếp. Chú chim bị rô ti quá lửa rồi, phải buông những ngón tay chuối mắn này mà chạy đi chửa lửa thôi. Ta thề có trời, có ai vô đây chia việc với Ta, Ta lạy mà rước về ngay, tuyệt đối không xấu bụng muốn độc quyền phục vụ như bao người bên ngoài dèm xiễm. Ta có mọc bốn tay, tám chân cũng không thể nào làm kịp tất cả những chuyện để giúp Chủ có cảm giác an nhàn, khoan khoái. và thấy cuộc đời này mới đáng sống làm sao.
Bóp nghẹt đi ngọn lửa. Cho em chim ngoan ngoãn vào lò.
Bỗng nhớ những câu thơ của Nazim Hikmet.
“Nếu tôi không cháy lên,
Nếu anh không cháy lên,
Thì làm sao,
Bóng tối,
Có thể trở thành
Ánh sáng?”
Khói vấn vương linh hồn thơ dại nào đã chết mà sao cứ trôi nỗi thế này.
Khói đi đâu?
Về đâu?
Ta sống với khung cửa kính trên cao kia biết bao năm tháng, sao mãi giờ Ta mới nhìn thấy nó?.

Một thoáng nhón chân.
Toàn thân Ta bỗng tràn ngập một niềm khoái cảm lạ lùng.
Hoá ra ngoài trời kia còn có trời, ngoài bãi cỏ xanh của Ta còn có những phố chợ làng mạc khác.
Chiếc tháp vút lên trời như biểu tượng của Ðộc Lập, Văn Minh, Tự Do gần sát bên Ta thế mà bao năm nay Ta chẳng thể nhìn ra?.

Ngừng mơ mộng ngay. Trể rồi! Phải bay nhanh ra ngoài kia chùi bóng đôi giầy không thể bóng hơn, trước khi khuân bàn ra ngoài cho Chủ thưởng thức món ngổng trời rô ti ngoài sân cỏ. Xì gà thượng hảo hạng có ngay sau bữa ăn. Có dù che ngay khi nắng soi gắt mặt Chủ kìa. Sẽ không hoàn hảo nếu thiếu chiếc bình cho Chủ tè vào trong tư thế ngửa.

Nhưng lạ quá, vẫn là những chuyện Ta làm hằng ngày nhưng mọi thứ trong lòng Ta nay đã khác.
Tất cả chỉ vì làn khói đong đưa khốn kiếp kia đưa Ta mộng ngoài khung kính để biết rằng ngoài trời nầy còn có những điều kỳ diệu hơn, và cần biết bao cho một Nghệ Sĩ Sáng Tạo như Ta.
Sau ăn là Ngủ. Tay miết máu vào vĩ cầm nhưng đừng quên dùng chân đong đưa chiếc ghế chao ru Chủ ngủ, nhé Ta!
Cám ơn những giấc mộng bình thường lẫn hay bất thường đang khép hai đường rãnh trên khuôn mặt nọng Chủ để thằng Ta nầy mới có thể phục hồi sức lực mà phục vụ lẫn Sáng Tạo cho đời.

Ô hay, đầu của Ta ơi, sao chỉ hướng về cõi ấy? Như những hoa Không Hướng Dương chỉ hướng về những hướng Không Trời
Dù củ cà rốt này hoàn toàn không có chiếc gậy đi kèm Ta cũng không thể nào bình tâm ăn tiếp; một khi những hạt giống của Văn Minh, Tự Do đã ám vào đôi mắt hèn mọn của Ta rồi. Cái mà Ta lâu nay ta vẫn tưởng là Hạnh Phúc Tư Duy Cô Ðơn hoá ra không phải là như vậy.
Ði thôi, Ta quẳng củ cà rốt gặm dỡ dang qua một bên và cất bước chạy về chân trời mới của Ta.

Phần Hai: Tự Do Có Thưởng

Làm sao Chủ ngủ yên được khi cảm giác không còn Ta bên cạnh?.
Chuyện nầy thì Chủ khá nhậy.
Mấy thế hệ nhà Chủ làm Chủ, cũng như nhà Ta bao đời được làm Ta.
Chủ chạy theo Ta.
Coi vậy chớ khó bắt kịp một đứa nhẹ nhàng bụng đói là Ta khi Chủ đang nặng nề thêm với một con ngổng (trừ xương) trong bụng.
Cái trò gì thế này?
Có ai tưởng tượng được không, Chủ mang cả một con Dê to lớn, trinh tuyền với bầu vú căng đầy sữa đến tặng cho Ta. Ta gần như muốn nằm mẹp sát đất để ngắm kỷ bầu vú cương lên của Nàng Dê từ đây sẽ thuộc về Ta. Một gia sản mà cả đời Ta không mơ thấy được. Thất lễ quá, Ta luống cuống với Hạnh Phúc bất ngờ mà suýt quên chuyện quỳ xuống hôn tay cám ơn người đại diện cho những người Chủ thân thương với bao thế hệ làm Ta của dòng giống nhà Ta.

“Từ đây Ta đã có Nàng, Có em đi đứng bên đời líu lo”. (Trịnh Công Sơn)
Ta ngồi vắt sửa dê bên Chủ lim dim đi vào giấc mộng trên chiếc ghế chao. Sữa nầy sẽ giúp Ta đổi trứng, trứng đổi gà, gà đổi heo, heo đổi bò, bò đổi đất, đất đổi xe chạy, và biết đâu xe đổi được cả căn hộ trên cao. Hình như các cụ kỵ ngày xưa của Ta vẫn mơ thế .
Nhưng ôi trời, tan cả nhà, xe, đất, bò, heo, gà, trứng và cả sữa. Con dê cái khốn kiếp kia le lưỡi liếm Chủ khiến Chủ nhột nhạt quơ gậy và toàn bộ giấc mơ Ta tan biến cảợ rồi.
Mơ tan cho Ta kịp thoát đi.

Chủ lại bay nhanh hơn ta, chân thành nắm chặt đôi tay nhỏ gầy nầy để trao vào chiếc Xích, ổ Khóa cùng chiếc Chìa be bé.
Chả cần đau đáu To Be or not To Be nữa.
Vấn đề được giải quyết rồi!
Ta lại hôn tay của người mang lại giấc mơ Aãm No Hạnh Phúc đời Ta.
Giờ Ta có Dê căng sữa, có Khóa, có Xiềng, Ta cứ việc mình làm. Ðốã ai ngăn cản Ta lại Lao Ðộng, Sáng Tạo.
Và Mơ.
Ta lại tay Trống, tay Sáo, tuy nhịp Trống có khác đi vì Nàng Dê húc Trống.
Chủ lại lên cơn ngẫu hứng sáng tạo kìa, Ta lại được dân vũ, được ballet. Mọi thứ sanh hoạt đời thường lẫn Sáng Tạo Nghệ Thuật của Ta giờ luôn đi kèm với Nàng Dê cùng chiếc Xiềng, ổ Khóa.

Lỗi có phải do thằng người ốm o, quần rách toẹt cả hai gối Ta đâu, khi điệu múa không còn rừng rực lửa, chiếc quạt bị kéo đi xa, chậu nước ngâm chân Chủ bị đổ ào khi gần đến đích, mùi hôi thúi toát ra quanh Ta quanh Chủ. Thức ăn được phục vụ muộn màng như bao lời thú tội muộn màng đã thốt.
Ta chẳng cần phải Tố điêu ai hay Tố không điêu. Ai có mù cũng thấy thủ phạm đích thật là Nàng Dê Cái, phần thưởng của Chủ dành riêng để níu chân Ta.
Ngoài khung cửa bếp, Chân trời xa, Phố chợ, Chiếc tháp biểu tượng cho Văn Minh, Ðộc Lập và Tự Do vẫn nằm đó. Không còn giờ để nghĩ về nó nữa! Bửa ăn phải đúng giờ cho Chủ. Ðiếu xì gà cần cắm ngay vào hai vành môi như hai con đĩa béo ngay sau giờ ăn cho dù Dê Cái cùng Khóa Xiềng này có quấn chân, quấn cẳng Ta đến độ Ta chỉ cò được một chân.

Chủ có nhận ra không? Ðiệu nhạc do Ta kéo vĩ cầm ru Chủ ngủ đã biến đổỉ đứt đoạn đi nhiều. Con Dê Cái nầy khiến Ta bật ngửa té lăn nhào nhưng Ta thà nát mông lưng nhưng còn hơn dang dỡ khúc ru giúp Chủ trôi vào mộng.
Chân trời ơi, Tháp cao ơi, Phố thị ơi, có biết là khi các ngươi đã đến hồn Ta, dù chỉ qua ngỏ mắt nhưng rỏ ràng chỉ có cái chết mới xóa được các ngươi trong tâm tưởng Ta thôi.
Chỉ một dê, một xiềng, một khóa; mà cho dù có đến chục dê, trăm xiềng, ngàn khóa, khi có cơ hội Ta cũng sẽ tìm đủ cách để tiếp cận với Người.
Cùng đào tẩu với Ta nhé Dê, hãy cùng về chân trời ấy khi phận Dê và Ta đã là hai kẻ chung xiềng.

Sau lưng chúng Ta, Chủ lại bừng tỉnh thức.
Hy vọng Chủ sẽ không cần truy đuổi nữa.
Loại số nhiều như Ta ông quơ ở đâu chẳng có.
UƯa mà lạ, sao các ngài Chủ luôn là số ít, lại thích ôm vào người chữ bôn- sơ vích rồi liệng sang chữ men-sơ-vích để gán cho Ta cùng đồng bọn (nếu có) của Ta?.
Ta có hoa mắt không? Lóng lánh trong tay Chủ chiếc khóa vàng bé nhỏ.
Ta có mơ không?
Hoá ra Chủ luôn canh cánh quan tâm tới hạnh phúc của kẻ hầu người hạ nầy. Lại phải quỳ xuống hôn tay cảm tạ Chủ thôi!
Ðã nhìn ra Chân Lý chưa?

Kiếm tìm Hạnh Phúc đâu xa khi chính Ðộc Lập, Tự Do đang nằm ở hành động Chủ quyết tâm cỡi xích xiềng nô lệ cho Ta.


Phần Ba: Hạnh Phúc Ngụy Tín

“Từ đây Ta đã phá xiềng, Không ai đi đứng bên đời líu lo”.
Không nàng Dê vướng víu bên người cùng Xiềng xích.
Ta còn được thêm nhiều thứ khác.
Tăng cường trống trên dàn cho Ta sáng tạo Cuồng Loạn hơn.
Khi dùi trống sang tay Chủ, Ta nhảy múa bay bỗng hơn xưa, tưởng như có thể chạm được tới trời cao.
Cách thức hầu quạt Chủ của Ta cũng tràn trề ngẫu hứng.
Máu nóng tuôn trào rần rần trong huyết quản Ta lúc được giũa những chiếc móng thô tháp cắm vào những ngón tay như những quá chuối úc núc úc na.

Khi được Chủ giao hẳn một con dao cạo, chiếc mặt nọng cùng một cổ họng đầy xà bông của Chủ, Ta cũng quên béng mất đi ngày xưa Ta đã từng mơ được cầm chiếc dao nầy cứa đứt phăng chiếc cổ mập ú ấy cho máu trào ngưng sự sống của sinh vật ấy đi. Ai nói Hạnh Phúc và Tự Do có thể đi kèm với hành động giết người? Ta quên rồi! Dù con người ấy cùng dòng họ Chủ đã đầy đọa bóc lột dòng họ Ta qua bao nhiêu kiếp.
Ta tiếp tục tung tăng đánh giầy khác xưa, cung kính đút xì gà vào miệng chủ, đưa bình cho Chủ nằm ngửa đái, kéo vĩ cầm cho Chủ nghe, tất cả đều đã khác xưa. Bởi một sự thật hiển nhiên ai cũng thấy và chính Ta cảm nhận vào từng sớ thịt là Ta vừa được CỠI XIỀNG.

Giờ Chủ đã yên ngủ thật rồi, những Chân trời, Phố thị, Kiến trúc Tháp cao xa tít xa, dù có thật như sức nóng của mặt trời đang làm tuôn mồ hôi nhỏ giọt trong Ta vẫn không còn sức quyến rũ Ta chạy trốn.
Ta cũng không thấy cồn cào bụng để mang những củ cà rốt héo ra gặm nhấm như trước đây vẫn nhắm nỗi đau đời mà Sáng Tạo.

Ðố mọi người biết Ta sẽ xử dụng giờ phút tuyệt vời này để làm gì khi Chủ của Ta đang ngủ?.
Ta lại tìm ngọn lửa để đốt mình lên. Ta Sáng Tạo!.
Nhại thơ Nazim Hikmet vậy. Cho nhanh!.
“Cần gì Ta cháy lên,
Cần gì Chủ cháy lên,
Bóng tối,
Vẫn trở thành
Ánh sáng!”
(Như sứcngười đã biến Sỏi thành Cơm)
Này đây nến nhỏ bập bùng trong bếp tối, ta hơ chảy để ráp vào những nụ búp hoa bằng nylon. Chúng có tên gì Ta không cần biết. Có thể ở Aạu Châu nó là Uất Kim Hương, Nhụ Hương hay Hoắc Hương gì đó; còn Châu Á có thể chúng là Sen hay Mai, Ðào gì đó. (Có Sáng Tạo gì thì cũng có chán vạn đứa đã viết ve,ờ hát, múa, quay, diễn,khắc trước mình rồi)
Chỉ biết Ta đã được cỡi xiềng rồi, ai Cấm được Ta Tự Do Sáng Tạo?.
Cắm những đoá hoa thừa sự vĩnh cửu của nhan sắc nhưng vĩnh viễn thiếu hương trên bãi cỏ xanh quanh chiếc ghế chao gần mục nát theo tháng năm của Chủ, Ta nhào lăn, lộn ngửa với khoái cảm Sáng Tạo vừa mới trào ra. Cần gì phải “cầm dao khắc văn trên đá”( như “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán)?, cần gì phải có đôi mắt tỉnh thức của Chủ để Chấm Công cho lập trường phục vụ Ta tự nguyện hiến dâng?.

Cuộc sống có hai loại người.
Loại A còng lưng làm tất cả từ tài sản tinh thần đến vật chất; còn loại B hưởng những thành quả làm ra bởi loại trước.
Loại Thúy Kiều và loại Thúy Vân.
Loại làm Mọi (như cậu Vania của Anton Chekhov) và loại Chủ Nô hưởng thụ những gì bọn Mọi làm ra (như gã giáo sư trong vở kịch cùng tên của Chekhov, chuyên nói và viết ra những điều mà “người thông minh thì biết hết cả rồi, còn bọn ngu ngốc lại không bao giờ quan tâm tới” . )

Cùng với những nông dân chân đất cùng những công nhân tay đen Ta vĩnh viển thuộc loại đầu tiên.
2007.



Phải Chăng Tự Nói Xấu Mình là Ðỡ Bị Rắc Rối Nhất?

NGỤY TÍN
@
22/10. Có ai đã xem film nầy chưa?
“The Fat anh The Lean”
(Le Gros et le Maigre, 1961, 15’, đen trắng. Ðạo diễn Roman Polanski (đồng sáng tác với Jean-Pierre Roussaeu, âm nhạc Krzysztof T.Komeda.)
“Diễn nôm” là Thằng Mập và Thằng Oãm (hay Ngài Béo và Tên Gầy?)

Thấy một tờ báo mạng đang mở chuyên đề về Ðiện Anh, định viết chơi, nói lòng vòng quanh cốt chuyện thôi, ai dè viết thành một cái gì đó gần 3.000 chữ (không biết xếp vào thể loại gì), tạm đặt tựa là NGỤY TÍN, gồm có ba phần. Biết chắc sẽ không ai đăng, nhưng mà cũng ngần ngại hỗm rầy, không biết có nên đưa lên đây hay không? Người bạn thường giúp tôi đăng được những bài khó đăng ở Việt Nam vẫn khuyên đừng đăng các trang ở hải ngoại kẻo về Việt Nam khó cộng tác làm việc được nữa. Giờ thì cái tờ của bạn ấy cũng bị treo giò rồi.
http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/cao-xuan-hao-mot-tri-thuc-mot-than-phan/


@
23/10 . Nhân đọc bên Diễn Ðàn,bài về nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo của ông Tương Lai mới biết cái tờ chuyên tiêu thụ những bài mà không báo nào dám đăng hết là tờ Người Ðại Biểu Nhân Dân đà phải tạm ngưng hoạt động.
Mới thấy may (hay xui ) mà có cái blog nầy.
Coi gương ông Nguyễn Du kìa, có muốn thở dài cũng chỉ dám chui vào tấm áo Từ Hải, mở to mắt ra nhìn mà nghĩ thầm thôi:
“Bó thân về với triều đình.
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao?”
Nếu ông sống trong thời đại này, biết ông có trở thành một Bờ Văn Lốc Gơ hay không?
@
24/10. Entry này có bởi đạo diễn Song Chi mới gọi sang kể, Chi mới đãi diễn viên và cọng sự cho film “Nữ Bác Sĩ” . Chi nói nghe học trò chị kể xấu về chị mà cười ôm bụng. Tui nói, chúng nó kể toàn chuyện thiệt hết đó. Nhưng tui không thấy những chuyện đó xấu chút nào hết, mà còn cám ơn là những chuyện đó đã được kể ra đúng như sự thiệt nó đã diễn ra.
Ví dụ như có một thời tui bị mang danh là Ng. Can (can 20 lít rượu đế). Mọi chuyện xảy ra chỉ vì tui cứu bồ học trò trong những chuyến lưu diễn xa, ai cũng thích nhậu hơn thích coi diễn. Chỉ có một con duy nhất trong đoàn đi theo mà không diễn là “con cô giáo”. Mang tiếng như vậy nhưng nói thiệt là tui không thấy cái món đó ngon chút nào hết. Nói chung tui chống Tứ Ðổ Tường. Và trời trả báo sao mà chung quanh tui toàn những người dính, không bốn đó thì cũng hai, ba.

@
Bên film có thể ít cần chia fe rạch rời: chánh diện và fản diện như bên SK. (Dù trên lý thuyết, film có The main character, or protagonist, wants something very badly and will do anything to get it; kế đó sẽ có loại nhân vật kêu là The antagonist tries to stop the protagonist from achieving his goal. This opposition creates conflict, and conflict is the heart of drama.)
Nhớ một thời, (mà hình như bây giờ vẫn vậy) cứ hể nhân vật fản diện dính tới ngành nào là ngành đó lên tiếng kiện tụng, rằng thì là tỉnh tui, ngành Ðiện, Nước, Công Chánh, Giao Thông, Giáo Dục, Y Tế, Tài Chánh, Ngoại- Nội Thương, Ngoại Giao, Nội Vụ, Công An, Cảnh Sát, Quân Ðội, Báo Chí (chữ lẫn hình), Văn Hoá, Thể Thao, Bà Mẹ, Trẻ Em, Người Già, Thương Binh Xã Hội, v.v và v.v. KHÔNG BAO GIỜ có loại người tệ hại như vậy Hiện hữu trên cõi đời này.

@
Nhớ hồi liên hoan sân khấu Sài Gòn 300 năm (1998), từ một vở kịch ngắn “Xóm Nhỏ Sài Gòn” của chị Vương Huyền Cơ đạt giải thưởng ở quận Ba, đạo diễn Trần Minh Ngọc và giám đốc công ty Thái Dương, anh Huỳnh Anh Tuấn đề nghị tui phát triển thành một vở kịch dài để sân khấu IDECAF dựng đi tham gia hội diễn. Trong đó có một con bé bán báo muốn mẹ mình có tiền mua xe nước sâm để bỏ kiếp là điếm nên đã chôm một cái ba lô của một cô nhỏ việt kiều. Khi duyệt, phải chỉnh sửa ngay cái nghề điếm thành nghề công nhân sở Vệ Sinh vì có thắc mắc là chẳng lẽ phơi bày ra ở Sài Gòn chỉ có đỉ điếm và ăn cắp?
(May mà sau đó sở Vệ Sinh không kiện là chẳng lẽ tụi tui khg chăm sóc tốt công nhân để tới độ con cái phải chôm chỉa; đó là chưa kể các tờ báo+ các công ty phát hành sách báo cũng có thể kiện tiếp với lý do tại sao lại cho cô bé bán cái sản phẩm của họ lâm vào cảnh ăn cắp)

@
- Ðể khỏi phải đáo tụng đình đem lại nguy cơ bể nồi gạo không chỉ cá nhân mình mà còn biết bao nhơn khẩu khác, nhiều anh em tác giả rũ nhau cho nhân vật phản diện là CHÍNH MÌNH và NGHỀ CỦA MÌNH cho yên tâm.
Chính vì vậy mà một thời sân khấu rộ lên khá nhiều kịch bản về chuyện nội bộ gánh hát. Nhưng mà rồi cũng có yên đâu. Bởi gánh hát do ai quản lý? Có là một gánh bầu tèo cũng phải thuộc một cái Phòng, cái Sở nào đó.
- Một biện pháp an toàn nữa là đẩy cho nó trôi về Sài Gòn trước 1975.
(Giờ thì ai cũng thấy là chuyện gì mình chê + mắng chưởi người ta thì ngó bộ mình còn hoàn thành xuất sắc vượt mức kế hoạch năm, mười năm về một số chuyện tiêu cực.)
- Một cách nữa là chỉ nói chuyện trời mây non nước hoa cỏ bốn mùa. (Noí chuyện thú vật cũng bị suy diễn nữa đó cha)

@
25/10. Chuyện Hậu Trường của Người Ðờn Bà Bị Chồng Bỏ có phải cũng là một kiểu mang mình ra tự bêu xấu cho yên?!.
Nhưng đem mình ra tự nói xấu có phải là phương pháp tối ưu để tránh mọi rắc rối chưa?
Ví dụ như tui viết chuyện đi hiếp dâm (hay bị hiếp dâm), giết người, tham nhũng, khuấy rối tình dục nam + nữ diễn viên, chuyện đạo nhạc, đạo văn rồi tui nói đó là chuyện thiệt đời tui, tui tự khai chuyện xấu của nhà tui ra chớ không có nói động gì tới ai hết.
Nhưng nói vậy rồi mà liệu mọi người có tin mà để yên cho không? Hay là các đại sư huynh, đại sư tỉ cứ nghĩ rằng mình muốn bịa chuyện để nói xiên nói xỏ Người Mà Ai Cũng Biết Là Ai Ðó, lẫn Người Mà Ông Cố Nội Ai Cũng KHÔNG Biết Là Ai Ðó?.

Rồi còn những dòng trên các loại Bờ văn Lốc Ao nữa.
Nếu Không Cấm (hay Không Nói Ra )Thì Có Ai Biết Ðâu?!
Vậy sao cứ có nhu cầu “lạy ông tui ở bụi nầy”?!
Nói một cách khác là “không ai đánh” mà cứ “tự khai” ra!
@
Gọn nhất là cứ dán một chữ Hèn ngay trên trán. Vậy đã yên chưa?
Bỗng nhớ tới hồi những năm đầu tiên học chánh trị ở trường Sân Khấu, N. cứ ngồi diễn vô thực vật là rút chỉ ra may hai vành môi lại với nhau.
Sau nầy thì có người may phẹt -mơ - tuya. Nhanh hơn!


Tuesday, October 23, 2007

Con đường không dài

Những ngày sống vô tri, khỏe khoắn như đá như là đã qua. Ngày cũ, những dịp này, bạn cũ thường nhắc nhở: “Mắt hãy biếc đi nào, tháng giêng đang tới”. Bây giờ thì cười một mình được rồi. Mặc kệ tháng giêng.
Tôi mặc kệ nó nhưng nó không mặc kệ tôi, những tia nắng quỷ quái bóc vỡ lớp tuyết đóng trên mặt khiến tôi bỗng dưng cảm thấy như thể trơ trụi. cái nỗi lạnh lẽo trần truồng của mấy bà quen phấn sáp, ngày nọ súng đạn về sát chân tường chưa kịp bôi hết. Tôi nhắn nhẹ với má. Tết này con không về. Má ừ, được thế thì tốt. Em gái tôi thêm, xì, chỉ sợ bà khoác lác rồi lại chịu không nổi bò về như mọi lần. Một ngàn hai trăn chín mươi tám cây số, nếu bò được, ắt hẳn tiêu mất ngày nghỉ của trường để men theo quốc lộ mà về.
Những ngày được gọi là cận Tết, người anh ruột ở đồn Vệ La xuống cho tôi một lít rượu. Ðừng cho ai nha mầy nhỏ. Của lính tao biếu đó. Chôn dười đất đúng chín mươi chín ngày. Tôi chiết sang chai thuốc ho đã hết. Thả vào vài hột nhãn. Lúc lắc. Lúc lắc.
Rất không ngờ, Phần ra thăm tôi. Hắn hỏi mừng không. Tôi cười mênh mang: “Mừng chết đi được”. Hắn chê bai: “Cái mắt bạn không mừng. Cái mũi bạn không mừng. Cái môi càng không mừng. Cả cái tiếng thốt ra cũng lạnh lẽo như băng. Mấy tháng xa bạn không thay đổi chút nào hết. Vừa lười lĩnh không chịu ngụy trang đóng kịch cho tròn vai”. Tôi không thay đổi thật à? Ðó là một người ngoài nhận xét. Dầu có đúng hay sai. Cũng đành vậy. Tôi đã gắng hết sức tôi để thay đổi mình.
Phần cười khẩy thêm: “Cái mốt đó xưa rồi”. Ðố các bạn biết hắn ám chỉ điều gì. Dù tôi thừa sức hiểu nhưng hắn cứ giảng nghĩa thêm “Cái mốt mấy con nhỏ mới lớn thương mấy thằng cha bằng tuổi ba mình vợ con đùm đề đã xa rồi. Xi-nê, sách vở nói nhiều quá rồi. Bồ thích khác người lắm mà. Dám đi ngược lại mốt không”. Khích dở quá. Tôi ấp tay Phấn vào giữa tay tôi: “Dừng nổi nóng, bạn yêu dấu. Khác người là sao. Không khác người là sao. tại sao tôi lại phải khác người. Tôi có để ý người là thế nào đâu, thì làm sao có thể đi ngược lại họ được. Hơn nữa, chính đầu óc bạn mới bị xệch xạc bởi xi-nê, sách vở. Lên chưa có vợ con dầu tuổi ông ta quá suýt soát tuổi ba tôi. Nhưng mà tôi đâu có yêu Lên, tôi đâu có yêu ai! Không sợ gì mà tôi phải che lấp tiếng thở dài mà cũng là nỗi kiêu hãnh đó. Mấy tháng xa nhau, được nghe nhớ bạn cũ một chút. Trong những bạn cũ, có bạn tên Phần, có bạn tên Lên. Bây giờ, bạn ra thăm tôi. Cái mốt đó đã không còn. Có vậy thôi!
Khi Phần bỏ đi thì ba tôi đến. Tôi cao lêu nghêu và ốm hơn ba tôi. Có thể định nghĩa tôi là ba tôi ép dài ra. Và nói theo sách vở của phù thủy Gà-Mên, ép thêm vào, ít hoàn độc-ác-của-tuổi-trẻ, vài giọt nhõng-nhẽo-của-con-gái, chút bột du-côn-của-con-trai. Tôi rút trong quần ra điếu Cẩm Lệ quấn bằng lá theo kiểu xì-gà đưa cho ông. Thịt nơi mắt trái ông giật giật: “Mày xài thứ này sao, bẩn vậy”. Tôi lúc lắc cái cổ cao: “Con mua để dành cách đây mấy tháng rồi. Con biết thế nào ba cũng ra”. Ba tôi lơ đãng đốt thuốc: “Ừ, nếu chẳng có mầy nhắc chẳng bao giờ tao về lại chốn này. Hồi bằng mầy, tao thèm hút thứ Cẩm Lệ cho biết chết đi được. Ông không cho dù ngày nào ông cũng tì tì một gói. Tụi bạn thì chế nhạo chỉ có dân Ăng-Lô-Si-A mới xài thứ đó. Bây giờ thì thấy dửng dưng ghê. Mầy thấy đó. Mọi thứ thuốc tao đều nếm qua. Ðể biết. Nhưng chẳng thấy ghiền thứ nào hết. Bạc tình, vô nghĩa là tao”. Tôi vòng tay, chùng người xuống ôm ngang cái bụng phệ của ông: “Con ao ước được như ba biết bao”. Ông cười. Bụng rung. Miệng móm. Gần lục tuần rồi đấy. Có cô gái nào tin được không? Ngang qua Ty Ngân Khố, ông chỉ cho tôi thấy cái góc lầu ngày xưa ông ngồi đó. Ngày qua ngày. Cho đến một ngày vẫn như mọi ngày, ông thản nhiên xách va-ly bạc ra Vinh với một cô gái nhỏ nào đó ở đây. Người ta gọi cái sự thản nhiên đó là thụt két, và cái sự lãng mạn kia là theo trai. Dĩ nhiên, cô gái đó không phải là má tôi, người nữ chính trị phạm đã khiến ba tôi bị họ nội từ bỏ trong khi cái chuyến lãng du ra Vinh kia được tha thứ, tẩy xóa. Má tôi được coi như nguy hiểm trên mọi sự nguy hiểm khác. Thích chưa! Tôi hỏi thời vàng son của ba ắt hẳn đã tàn. Thế mà con nghe phong phanh vẫn có người mê ba. Cái miệng móm cười: “Tao không phải chứng kiến cái thời qua. Vì thời chỉ hết khi tao chết”. Ui chù chào, là thương quá cái miệng móm, cái cằm lẹm chẻ đôi.
Tôi muốn liệng cái gối vào mặt bà Quán già khi bà lấy cái que sóng lá thò qua ô cửa vỡ khều chân tôi: “Dậy đi cô, dậy mà đón giao thừa”. Cái que sóng lá này hôm qua còn thừa sau buổi gói bánh ú. Tại sao không là bánh tét bánh chưng? Những chiếc bánh chưng thịt đùn ra bốn góc, nếp chính giữa để bẫy khách, to bằng hai đòn gạch thẻ của má tôi thường gói mỗi tối áp Tết. Rõ ràng ba tôi có mang ra. Có dắt tôi vào một quán cà-phê nào đó ở đường Hồ Quý Ly có cây đèn lồng cổ lổ kiểu Pháp trước cửa vào giống hệt mấy cây đèn đứng buồn hiu trong Grall. Rõ ràng ba tôi có nhờ người hầu bàn mang bánh vào chiên vàng cháy rốp. Rõ ràng ông có xắn một muỗng dù mỡ da nếp đậu, gắp thêm cà-rốt đỏ, hành tím, củ cải vàng, kiệu trắng trong thẩu dưa món định đút cho tôi. Rõ ràng tôi có há miệng to gần bằng khuôn mặt choắt cheo của người hầu bàn. Tại sao bà già lựa lúc ấy mà đến. Bạc ác thì thôi! Song dù tôi có liệng tung cái gối úc núc này thì cũng bị bật lại. Bà già đã được che chở bởi những chấn song. Trông bà có vẻ là một người tù dù người bị nhốt là tôi. Chùm chìa khóa lạnh lẽo dưới gới chệch đi áp lạnh lên gáy nhỏ. Tôi dở sổ ra đếm coi mình có mấy người bà con trong thành phố này. Nếu trí nhớ ba tôi không lầm thì tôi còn bảy bà o, hai ông bác, một ông chú. Tôi nhắm mắt chấm đại một hàng. Vừa thay quần áo vừa nhẩm trong đầu một địa chỉ khó tiêu. Thăm viếng vào giờ này sẽ bị cho là khiêu khích chăng. Hình như cái bộ mặt của tôi đủ là một hãm tài cho mọi người.
Khi đi ngang Thư Viện thì tôi như đã tiêu hóa và cho ra dễ dàng các địa chỉ nợ. Cái bóng đen lầm lũi đó làm tôi xúc động. Chúng tôi quen nhau ba tháng rưỡi nay, gặp nhau đều đặn mỗi tuần sáu lần. Cũng gặp gỡ nhiều, nhưng ngôi trường đứng kia sao mà lạt lẽo. Trừ một sáng rất tinh mơ. Ô cửa thứ chín trên lầu mở ra, cái đầu tóc dài của một người đàn ông ngó xuống, cười tươi như cỏ non. Tôi cũng rút khăn quàng thân mật vẫy. Ðã tan mờ cái hình ảnh đẹp đẽ đó. Một lần đủ cho một đời chưa? Những sáng cố đi học sớm nhưng không bao giờ gặp nữa tôi vẫn thường ngẩn ngơ tự hỏi.
Cái cổng không bao giờ khép của Thư Viện có vẻ lúng túng trong cái áo mới màu trắng. Chào cô, không về quê ăn Tếợt à. Bác hỏi kỳ cục, bộ ở đây không phải là quê của con sao. “Quê-nội-yêu-dấu” đó bác. Trong cái hốc tối êm ấm của bậc thềm trước cửa tôi thấy lờ mờ dòng sông trước mặt và bên kia sông người chen chúc trôi đi, trôi đi. Còn năm phút nữa mới giao thừa. Tôi áo mới, quần mới đứng trên bậc cao cười một mình giữa hành lang màu trắng bệch. Khung kính này một lần ghi tên tôi trong danh sách những người tự ý mang sách ra khỏi thư viện không có giấy phép. Tôi yêu cái tính bạc bẽo đó của Thư Viện dầu đôi lần tưởng đã khóc vì gã. Mọi Thư Viện đều có ít nhiều nét dễ yêu. Chẳngh hạn một Thư Viện ở Sàigòn có tấm bảng đề: “...cấm mọi giao du thân mật giữa nam và nữ”. Bởi vì cấm đoán bao giờ cũng là một hình thức của sự khuyến khích ngấm ngầm. Ðến một phố lạ bao giờ tôi cũng xục xạo đi kiếm Thư Viện để ngắm. Nơi ba má tôi đang ở không có được một Thư Viện nhỏ. Mấy ông già bảo: “Văn chương không bằng xương cá mòi”. Biệt danh của tôi ở đây là Nhân Cá Mòi. Tự bản chất, cá mòi và văn chương có một cái gì đó khắc chế lẫn nhau. Chẳng thế mà bọn bạn thân biết tính chẳng bao giờ mang văn chương phú lục ra nói lảm nhảm với tôi.
Quanh Thư Viện, ngoài cỏ non chẳng một cành cây bóng lá để hái lộc. Khi những ánh pháo tóe lên trên mặt sông hắt sóng đến hốc tối tôi đứng, tôi hối hả quay về. Năm mới hạnh phúc cho cô. Cám ơn bác. Cháu chỉ mong bác đỡ vất vả hơn. Mỗi lần thấy bao nhiêu người đứng chờ bác há miệng để chui vào đứng đen nghịt xô đẩy giành giự nhau quanh quầy gỗ đen nâu... để mượn những cuốn sách hiếm thấy thương bác làm sao! Bọn này vẫn nói đùa: “Ðời sao mà bon chen”, dĩ nhiên, cuốn hút trong guồng máy của bác, cháu thường như mình bon chen hơn ai hết. Trời không lạnh lắm trên đường trở về cư xá. Cọng cỏ non ngậm ngang môi ngọt mướt màu lục mạ. Ðó là lộc đầu năm nay.
Mồng một tôi ngủ gần cả ngày. Những thức ăn dự trữ từ 23 tết - ngày thi thực tập xong, lười lĩnh rời nhà - chỉ còn sót lại đồ ngọt. Ngủ để bớt nghe nhớ quặn món thịt kho nước dừa với dưa giá chua của má và nồi măng hầm rục cuộn bánh tráng. Những miếng mỡ trong veo mềm mũm dầu được cột kỹ, đũa đen vân đỏ chạm vào là tan, chẳng thể gắp lên. Ngủ với chút hy vọng gặp ai đó trong gia đình ra thăm với thức ăn đầy ắp hai tay.
Mồng hai chợ đã lác đác nhóm. Tôi lơn yơn xách giỏ qua sông. Ghé thăm o Duyên. O giận ra mặt. Nhưng không nói ra một lời. Huyền và Tuyên diện đẹp như những thức ăn gói bằng giấy kính đủ màu. Nguyễn nhét vào túi quần tôi một phong bì màu đỏ: “Lì xì cho chị đó”. Chuyên líu lo: “Mấy hôm nay có mấy người đến hỏi thăm chị Nhân nhiều lắm, có một ông ở Sàigòn ra”. Tôi nhăn mặt, chẳng lẽ lại là Lên. Huyền cười cợt: “Chàng đó à!”. Mà Lên thật, trời ạ! Tôi muốn đưa hai tay lên trời. Hết Phần lại đến Lên. Trong khi những người tôi mong là ba, má, anh, chị, em lại không thấy bóng. Không phải tôi chuộng hai tay đầy ắp thức ăn hơn hai cánh tay đầy ắp tình thương mến. Nhưng tất cả, thành phố cũ, bạn cũ, tất cả những gì đã sống qua, tôi chỉ thương được khi mất hết.
Lên điềm tĩnh hơn Phần trước sự thất vọng của tôi. Anh chàng được điểm của o Duyên lắm khi lên mặt la lối: “Sao em lung tung như con lật đật vậy. Ðang ở với O sung sướng như tiên lại xin vào cư xá. Cái xóm đó nổi tiếng du đãng. Ba má biết được chắc buồn lắm”. Tôi phải lôi Lên đi, đi chỗ nào cũng được. Ðể ngồi một chỗ anh chàng sẽ còn phải nói nhiều hơn nữa. Ðàn ông nói nhiều thường thì không tốt đẹp hay ho gì lắm. Tôi lẩm bẩm dọc đường: “Anh nói không sai. Em đã là tiên. Em đã ở thiên đàng. Thế mà em bỏ, em chui xuống hỏa ngục chơi với quỷ dữ. Quỷ dữ là bạn của em. Anh cũng có vẻ tiên ông lắm. Em có lới khuyên đừng nên chơi với quỷ sứ kẻo bị truyền nhiểm”.
Thật ra, Lên chưa đủ thân thiết để tôi nói thật như thế này. O Duyên rất tốt, các en Huyền, Tuyên, Nguyễn, Chuyên, Luyến càng tốt hơn. Nhưng cái không khí ở đó quá giống gia đình tôi làm tôi sợ. Họ nhà tôi, phách tấu và rong chơi luân lưu ít nhiều trong máu, dầu thế có thất, cơ có sa đi nữa. Trong khi tôi đang cố gắng bỏ rơi con người cũ của mình để cong lưng chạy hụt hơi theo vòng xoắn bon chen cùng thiên hạ. Lên trầm ngâm: “Em có vẻ dễ làm cho người khác tin tưởng. Như bọn con cô Duyên, ai chiêu dụ cách mấy cũng chẳng có đứa nào hé môi tiết lộ chỗ ở mới của em. Ðến lúc anh phăng lần ra mối, đụng phải bà già lì lợm như em, cứ khăng khăng không mở cửa, bảo em đi về quê dù anh biết trong đó em đang lui cui với thức ăn. Rõ ràng người độc nhất còn lại trong cư xá là em. Chỉ em thôi trong căn phòng đèn sáng có cửa sổ nhìn ra cây đu dủ tía. Nhưng rồi em sẽ thấy, chẳng ai phục tòng em lâu đâu”. Tô lơ đãng: “Hình như điều gì đó chẳng cần thiết lắm đối với em”.
Lên lầm lầm đưa tôi đến một chỗ lạ. Tôi ngủ ngon trong lòng xe. Gió thì mát mẻ. Gió Xuân mà! Vài phút trước khi xẽ ngừng tôi mở mắt ra, thích thú: “Thiên đàng hay địa ngục đây!”. Lên cố làm ra vẻ bao dung: “Chỉ là một chỗ để thần kinh em dịu xuống. Ngó bộ lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, đầu óc em bị căng thẳng, trái tim em đập không được điều hòa”. Tôi biết đã từ lâu tôi có một trái tim không được điều hòa nhịp đập, đâu phải mới tuần nay. Như một kẻ mang vết thương, mê mải rong chơi, không băng bó, ngày ngày mở hoác thêm ra...
Và tôi phải bắt đầu như thế nào đây. Người chồng, người vợ, hai đứa con ngon như hai cục kẹo, ngôi nhà cổ mênh mang khuất khúc, khu vườn đi hoài không hết, những tấu khúc trộn hương hoa mơ hồ lãng đãng. Tôi kêu lên với Lên, em ngộp thở quá chừng chừng. Tay tôi níu chặc tay Lên. Như sắp mất thăng bằng, tôi sợ ngã. Sợ cũng không thoát. Tôi áp một bàn tay lên ngực. Không phải rơi ngã. Mà là trôi. Quả tim rõ ràng thoát khỏi lồng ngực tôi trôi nổi bồng bềnh. Dưới mắt Lên có một đường vòng sung sướng. Cám ơn anh đã đem tôi đến chốn này. Người vợ là cháu của Lên. Bà ta không đẹp rực nhưng sang trọng, quý phái, dịu dàng và mỏng manh như mây. Người chồng có một nét lạnh bạc rất sát nhân hiện lên trên cái mũi gồ. Môi dưới bĩu ra, rõ là một kẻ khinh thế ngạo vật. Ðôi uyên ương này toát ra một vẻ gì tách bạch lạnh lùng mà trí thức. Vẻ cổ kính ma quái của ngôi nhà, vẻ bí mật của ngôi vườn như ướp lên mặt những người sống ở đây, chủ và gia nhân. Tôi thì thầm vào tai Lên: “Em sợ hai đứa bé lớn lên rồi cũng lạnh lùng như ba má tụi nó”. Lên không chăm chú nghe. Anh mãi ngẩng lên trời kiếm cho tôi một chùm nhãn. Người nữ chủ cố gắng vồn vã với tôi. Những người ở đây mặc nhiên coi như tôi thuộc về Lên, không chạy đâu cho thoát. Cả Lên cũng ngỡ vậy. Nếu quả tim không tê ngất trong khí ấm của lá mục tôi hẳn đã cười to vì sự lầm lạc này.
Vết thương ẩn trong tôi được mơn man. Khi chủ nhân mời mọc ở lại qua đêm, tôi thở phào như trút được gánh nặng. Mới gặp ngôi nhà trong tôi đã nảy ý chiếm đoạt, mới một vòng quanh vườn cây tôi đã cầu được sở hữu. Thì có bao giờ tôi lại không ao ước chụp lấy những gì vừa mất dầu biết không thể. Bởi những mong mỏi của tôi chẳng bao giờ được ai nghe, nhất là chẳng có quỷ thần nào phò trợ cho những cầu mong - mà quanh tôi, người người cho là nhảm nhí - như vậy. Lượt này, chưa bao giờ tôi nghe dâng nỗi ước cầu ấy mãnh liệt nhồi nhụp tâm thần đến như vậy. Ở-lại-đêm có giá trị như cái vẻ an ủi cho kẻ trích tim mua hạnh phúc như tôi mà biết chắc trước mọi sự sẽ không lọt qua như không hạt cát nào chịu ở lại những kẽ tay. Chẳng bao nhiêu đủ thỏa kẻ tham lam như tôi huống hồ một ngày.
Một ngày qua chưa đủ đi hết vườn rộng, chưa tách mở được chút nào nguồn bí ẩn khiêu khích của người và vật ở đây. Người chồng có cái lối nói chuyện lạnh lùng hơn cả khuôn mặt sẵn có. Tiếng ấm, trầm và nhỏ, mắt như hút trong hư vô, bất kể người đối diện. Ðề tài là những đất lạ đã được đi qua. Ông có vẻ ngóng tai một cách lơ đãng mà thâu thập hết những điều tôi kể. Phải nghe rất kỹ ông mới có thể nói với tôi như thế này: “Cô làm tôi liên tưởng đến Vêra...”. Lời nói, chỉ đủ một tôi nghe, như một con trùng lạnh luồn lẩy chạy dọc theo đường tủy sống. Vêra, tôi biết chứ, biết kỹ hơn Vêra của thầy Quyền mới dạy tháng trước vì hồi còn ngồi ẳm giữa hai tay ba tôi đã nghe ông kể đến thuộc câu chuyện mà ông thích nhất. Ðó là Vêra của Saki. Chưa người nào bộc lộ sự thấu hiểu về tôi một cách tế nhị và bạc ác như người chồng.
Tôi nói để khỏa lấp: “Tôi không tin những người xông xáo mạo hiểm như ông lại chịu thúc chân từ đây đến xế đời”. Ông nhắm mắt: “Tôi già rồi”. Người vợ cười: “Nhà tôi cảm thấy già có lẽ lỗi ở tôi. Cám ơn cô đã khiến cậu Lên tôi cảm thấy trẻ lại”. Tôi cười gượng gạo: “Lên trẻ lại nhưng tôi già đi. Cũng như ông nhà già để nhường sự trẻ tươi cho bà. Những khóm hoa quanh đây như được chiếu hắt từ sắc đẹp của chủ nhân”. Câu tán tỉnh vụng về của tôi gây được tiếng cười ầm của mọi người. Má người vợ hồng lên. Mắt người chồng sậm màu hẳn. Tôi hơi giận. Như thế có vẻ ông không vừa lòng vì tôi chạm đến một chút sở hữu quý báu của ông chăng?
Tôi xoay sang chơi với hai đứa bé. Ở trường là Ðại Hán và Tiểu Hán, ở nhà là Ali và Aline. Nhận xét của Lên quá đúng. Tôi dễ được lòng mọi người nhưng không bền. Mọi lần tôi không cần sự bền bỉ, thủy chung nơi bất cứ ai. Nhưng vây giờ, tôi như đang trôi trong cơn mê, tôi đang cần được thấy. Ali vỗ tay reo: “Cô kể cho em nghe rồi. Mỗi lần thằng bé nói dối, mũi nó dài ra, bà tiên áo xanh phải gọi chim đến mổ cho ngắn lại”. Aline suỵt anh nó: “Im nào, nghe chị kể”. Dĩ nhiên, chuyện của tôi phải khác chuyện của cô giáo Ali. Con bé bằng gỗ của tôi mỗi lần nói dối nó trở nên xinh đẹp hơn, và chim chóc tụ về ca ngợi. Vêra chỉ là Vêra khi nó nói dối.
Buổi tối người vợ đề nghị sang cù lao Hống ăn thạch. Bên đò ngay sau nhà. Người chồng và Lên chèo. Người vợ kêu lạnh chui vào khoang. Tôi ngồi nơi đầu mũi, tựa lưng Lên, thòng chân khuấy nước. Cả bọn trốn Ali và Aline mà đi. Trời đầy sao, nước óc ách vỗ mạn thuyền, những bóng đen của cây cối nhà cửa ven bờ, cành củi khô như cánh tay gầy guộc của ai nhô lên kêu cứu. Tôi tưởng mình có thể chết được ngay đêm nay, hoặc như củi, rơi xuống âm thầm, trôi đi âm thầm. Rất khẽ, rất nhẹ, người chồng hát. Những bài dân ca lạ tai nơi những vùng ông đã đi qua. Những câu hỏi của Lên vẳng lên, trơ trẽn. Anh chàng phải lập lại mấy lần tôi mới nghe. Lúc rời thuyền, Lên hỏi khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn hồi nào không rõ: “Nhớ nhà à?”. Người vợ đưa t6oi khăn tay. Một mảng lụa mềm thơm mùi hoa Lung Thảo. Những sợi thạch trắng dòn bỗng như nhắc kỳ thi cuối học phần 13 Tết, những loại tảo thanh, hồng, cát, lục... Những cái tên Latin nuốt chẳng trôi như agar mềm trong miệng ngậm, polisiphonia, porphyra, gracilaiopsis, sangassul, turbinaria, dictyota...
Làm thếợ nào để trở lại chốn đó. Trong những ngày nằm ngồi với đống cours tung vải khắp giường, tôi cứ như bị ám ảnh bởi một cơn mộng. Sẽ là mộng dữ hay lành? Những chiếc xe đi về An Long thấp thoáng sau hàng bàng ngoai cổng những dạng sặc sở của áo hoa. Vẫn còn là Tết. Chưa trôi qua một phần sáu của tháng giêng. Lên về Sàigòn ngay sau hôm đi chơi về. Trước đó có một cơn gây gổ giữa tôi và anh, gây rất êm đềm nhưng chắc chắn không còn gì để nói nữa (mà có bao giờ, có gì để nói đâu).
Mồng mười Tết, người chị ở Ðà Lạt nhờ người mang cuống mưòi tám đóa hoa hồng vàng còn nguyên nụ. Khí hậu ở đây không trồng được loài hoa đó. Trong nhà ươm của họ thiếu hạt giống hoa này. Tôi sung sướng với ý nghĩ mang đến cho họ những thứ mà họ không có. Trời vần vũ, gió nhiều nhưng không mưa. Ðường xa mô mấp. Cứ sợ đau những nụ hoa đang lần hồi mở cánh. Chiếc khăn ca-rô lướt thướt bay cho biết tôi đang đạp xe ngược chiều gió. Qua cây cầu sắt lớn sơn hắc ín đen nhưng lại có tên là Bạch Sư, gió như muốn xô dập tôi sang phần cầu dành cho xe lửa qua. Ðôi lúc đã định vòng xe về. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng đến. Cổng vào mở hoác. Nhà trước không người, nhà sau, cách một lối đi có mái che dài thấp thoáng những người làm. Và tôi nghe tiếng violon dặt dặt từ một chỗ nào, xa lắm. Những dáng lờ mờ trong nhà ươm hoa đủ cho tôi tưởng tượng như thế này. Trong đó người chồng đang kéo violon cho hoa nghe. Ali và Aline mắt đen như thỏ, cố gắng giữ im lặng trong hai tay ôm của má nó.
Nhiêu đó, đủ để tôi về. Sau khi đặt chai rượu-chín-mươi-chín-ngày vơi đi một ít, bó hồng vàng đang nở và mấy phong sô-cô-la cho Ali và Aline... trong một hốc tường dầy khoét lõm vuông dùng làm kệ sách. Trên đường về, tôi đạp nhẹ nhàng. Trời thôi gió nhưng tôi vẫn như bay trôi. Về đên cư xá, vẫn chưa có người nào ra học lại. Rất nhiều rêu xanh trên lối gạch. Và cây bàng thì lá đỏ hung hung. Tôi ngồi lặng hằng giờ trong bầu không khí như ướp mật, dầu tôi biết, nếu nhắm mắt, nằm xuống, hẳn tôi sẽ có những giấc mơ ngọt và thơm.
Như thế, xem như tôi rớt thực tập Thực Vật. Nhưng với người thầy này không có chuyện rớt. Ông bắt thi mãi đến khi đậu mới thôi. Nhiều cô cứ phải lên trường hoài trong khi bạn bè nghỉ chờ ngày sang học khóa hai, đã vừa khóc vừa thi. Trong năm lần tôi bốc thăm, mở ra hêt bốn lần là tìm glucid trong rễ thược dược. Những lần về sau tôi càng vụng về tệ hại hơn trước. Lần thứ năm máu nơi ngón trỏ nhỏ xuống lame. Thuận tay tôi bỏ vào kính hiển vi, ngắm nghía. Người trưởng phòng ghé mắt vào kính, la lối. Lamelle nát nhầu trong lòng bàn tay trái. Tôi không nghe đau. Chỉ hơi tê và buôn buốt.
Khi rời phòng, trời đã tối, trăng mới nhú chưa tròn. Vẫn như bao ngày, đường sá khuất khúc thưa người. Những người hình như là cùng lớp đi ngược chiều nói thoáng qua những lời lẽ nào đó không nghe rõ. Gió lật tóc rối bung, trăng ướt nhễu, những ô cửa của cư xá đều sáng loáng ánh đèn. Một vài vòng khóa khua lách cách, cửa mở hé, tôi dẫm lên một thứ gì cộm dưới giày. Khi lột giày ra, soi đế dưới chân nhận ra nhúm hoa Tử Mai nhầy nhụa bênh bếch màu đỏ. Trong bốn người yêu mới của tôi, người vơ, người chồng, Ali và Aline, ai là người mang hoa đến vất vào khe cửa? Có phải trả nợ chăng? Vết thương ngỡ được chữa dứt, đâu ngờ mênh mang chỉ là những vết xoa để chuẩn bị cắm vào xẻ xuống một ngọn kim mũi giáo dùi đụt khuấy ra. Loại kim này không bao giờ sắc bén. Dĩ nhiên, nên sẽ tiếp tục nhầy nhục nhỏ máu hoài.
Trong bóng sáng hắt của trăng qua song cửa, tôi mệt nhọc quờ quạng tìm nước sôi chế vào tách nhỏ chứa nhúm túy cúc, cam thảo, xí muội và gừng già. Có đêm bụng trống, tôi ngồi nhẩm tì tì mười tách rồi thiếp ngủ ngon lành quên cả những bài học phải sửa soạn cho sáng hôm sau. Ở đây, nhất là phân khoa tôi đang học, rõ ràng có cái không khí của một thứ trung-học-đệ-tam-cấp. Mà ngẫm, ép buộc vào khuôn, bon chen theo người, đôi lúc cũng hay hay. Dù không muốn, sự học hành coi như một thứ rong chơi trá hình. Nhưng biết sao đây! Tự bản chất tôi đã là một loài gì đó bạt bạt, không cố định. Không bao giờ được cố định.
Nằm vắt vểnh lưng chừng giường sắt lạnh. Những tiếng động không khác gì năm cũ. Cũng tiếng học bài rào rào những phòng bên. Tiếng côn trùng thì thào. Tàu lá chuối quất vào nhau lách bách. Và vẫn muỗi - những con muỗi đói máu không chỉ bâu vào phần thịt hở mà còn đâm vòi qua lớp vải toil dày hút giùm tôi lượng máu thừa - vẫn ồn ào và kiêu hãnh một cách tội nghiệp. Chúng còn quá trẻ đã sớm hấp thụ tính hùng hổ, bon chen. Tôi muốn cứu chúng khỏi chết nhưng sự lạnh lẽo làm tôi không điều động nổi bó cơ nào đó trên cái thi thể như đang độc lập với những ý tưởng lềnh bềnh. Tưởng như mình đang được tách đôi ra để thong dong hồn ngắm xác. Như một lần được đàng hoàng trước bức tranh La Rêve lờ mờ dáng một thiếu nữ đang ngã xoài ngang lưng ngựa phi, tóc quện áo choàng bay theo đường ngang, mắt mở lớn nhưng đôi tròng trong veo không nhìn thấy gì hết. Họa sĩ và người yêu anh ta - người mẫu cho hầu hết các bức tranh trong phòng hôm đó, trừ La Rêve - đang đứng trong một góc tối thương lượng giá cả với một người ngoại quốc. Những đồng bạc rổn rẻng trong túi áo manteau tôi đêm đó mua một cái vé xi-nê chiếu ở phòng bên cạnh. Phim đầu ngoài âm thanh huyền hoặc của tiếng tù và vẳng vọng từ xa, không tiếng động nào khác. Phim kể, một truyện trinh thám xoàng, gã đàn ông giết vợ quăng xuống một cái hố quá đẹp dưới chân một ngọn núi tuyết. Bà đầm già bên cạnh đánh thức tôi dậy khi người chồng bị còng tay. Hình như tôi cố gắng thiếp ngủ đi một chút để khỏi phải thấy cảnh đó.
Ra khỏi phòng chiếu, đã tắt mọi ngọn đèn bên phòng triễn lãm, thật dễ dàng để ăn cắp bức tranh. Trên đường về tôi đã hối hận toan quay lại nhiều lần vì đã bỏ qua cơ hội đó. Ðường vắng, thành phố đáng yêu biết bao nhiêu với những cửa sắt đóng kín, những ông tàu đẩy xe bò viên lục cục về nhà, những cây đèn bão đu đưa trong tay bà già bán trứng lộn. Và càng đáng yêu hơn, khi áp trong túi áo ngực trên tôi tấm điện tín báo tin đậu, ra gấp để kịp ngày khai trường và tấm vé máy bay sáu giờ sáng mai.
Những ngày lầm lầm, những đêm lầm lầm... cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể xác định được đây là cơn mộng lành hay mộng dữ...

(viet truoc 75)

Thursday, October 18, 2007

HOA CỦA ÐẤT






1. Chuyến đi Mỹ đầu tiên của tôi, tôi được ở chung phòng với biên đạo múa Bùi Thục Anh. Những ngày đầu còn sung sức, chị rủ viết một cốt truyện nào đó để chị làm múa. Trong lúc tôi nối mạng với bạn bè cũ mới thì gần như chị chỉ băn khoăn tìm cách gọi về cho chồng và nhất là cho con. Tôi rất thích chất mềm mại, dịu dàng, đầy nữ tính toát ra từ vở múa gần nhất có tên “Hoa của đất” của chị. Chị giải thích thêm, đó là con người. Bỗng nhớ đến gần 500 xuất, vở “Dư luận quần chúng” của câu lạc bộ Ðạo diễn của chúng tôi ngày ấy, lúc nào cũng có banner với dòng chữ: “Con người là vốn quý nhất”.
Bài học đầu tiên tôi được học nơi đây - mà lẽ ra tôi phải học nhuần nhuyễn từ thuở có đủ trí khôn để tự lo cho mình được - là phải ngủ thật đầy đủ. Một cô bạn cũ của tôi đang làm việc cho chính phủ Mỹ ở W.D.C. cho biết, hôm nào không ngủ đủ tám tiếng là hôm sau bị “ngu” ngay. Với loại bài học này, tôi không phải là loại ngoan. Ngày đi dự lớp hay đi nhồi thân thể mình vào các lớp múa đương đại hay hình thể nhẹ lẫn nặng, tối đi xem, khuya viết. Cứ thế, tôi kéo dài gần bốn tháng ở New York. Chính vở “Hãy khóc đi em” được tôi tẳn mẳn ngồi viết tay rồi fax về cho Ái Như trong khoảng từ 0 giờ trở đi của những ngày đầu năm 2004.
Phải, khi ở Mỹ, vào lúc nửa khuya, 0 giờ là giờ được tôi tặng mình cho những trang viết. Với một người mà quỹ thời gian không còn nhiều như tôi, thật là quý báu khi ở xứ người, tôi vẫn cố cày được vài chương tiểu thuyết, và cũng kinh khủng biết bao khi về đây ròng rã hơn nửa năm, tôi không viết thêm được một chữ nào cho cuốn tiểu thuyết dỡ dang.
2. Tôi thường đặt và bị đặt câu hỏi - cho những người vì nhiều lý do, mục đích phải đi nhiều - rằng bạn thích nơi nào nhất? Vì sao? Những câu hỏi này để giúp một cô gái già hai lần kết hôn giả chỉ để giúp em, giúp cháuà Cô luôn bị di chuyển từ nước này sang nước khác để làm người trông cháu không công. Gặp lại người xưa trong hoàn cảnh éo le. Chàng ngày trước có quan niệm cho rằng “Quê hương là chỗ nào người yêu của tôi ở”. Nàng ngày nay thì ngậm ngùi nghiệm ra cho bản thân mình: “Bao năm nay, với em, quê hương là chỗ nào - cháu tôi sắp đẻ” - . Nàng đang là nhân vật chính của tôi trong vở “Người vợ còn trinh”.
Phần tôi, người viết, thì đơn giản hơn, chỉ mong được tạo điều kiện để làm việc, được cảm nhận những món quà của thiên nhiên trời đất như nước, không khí, ánh sáng.. để loại hoa của đất như chúng tôi được sống, sống với dưỡng khí tràn đầy buồng phổi và thải ra thán khí sau đó, chứ không phải ngược lại. Một trong những giây phút hạnh phúc ở xứ người là lúc được dắt hai cháu đến trường dưới rừng đào ở Vancouver, cảm được hương dịu dàng của cơn mưa hồng đào, nhạc là tiếng cười vô tư của bọn trẻ chạy lăng quăng trên nệm hoa phủ hồng cỏ biếc.
Hạnh phúc nữa là lúc được tưới cây ở vườn hoa nhà Ý Nhi và Trân Sa. Tưởng chừng như nghe được hoa lá reo vui mỗi lần được chúng tôi tắm mát. Ngôi nhà yên ắng đầy đá, cỏ và hoa, nhạc của Nhi và thơ của Sa, nơi mà họ đã cặm cụi chăm sóc bọn trẻ đủ màu da để có những đồng tiền sạch lâu lâu về thăm nhàà Họ là loại hoa của đất đã biết cách đâm mình, luồn rể vào đất đen để đem lại sự sống, để tạo cảm giác ấm áp và chia xẻ cho đời, cho người.
3. Ở New York tôi cũng gặp được nhiều phụ nữ giỏi của Việt Nam. Ví dụ Nguyễn Bội Cơ. Cô đã ở Mỹ bảy năm để học và làm một nghề mà thầy của chị đã báo trước từ đầu rằng đây là một nghề cô độc, khó có bạn vì đồng nghiệp thường cũng là đối thủ. Rất tiếc mấy lần Cơ chỉ huy dàn nhạc Philadelphia ở Lincoln Center, tôi lại kẹt dự lớp bên New York University nên chưa có dịp chứng kiến tài nghệ của cô, nhưng ở xứ người, tôi thường được nghe nhiều người nhắc cô với một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Lần thoáng gặp Cơ ở nhà hát BAM với Kim Ngọc từ Ðức sang, được biết có thể sau Mỹ, nước cô dự định sẽ đến để học và làm là Ðức. Lần ngồi ăn chung với nhau ở nhà chị Minh Khai, nổi bật cạnh cô hoa hậu Thân Thanh Hà sôi nổi chuẩn bị đám cưới ở tuổi U50, là ánh mắt long lanh và nụ cười bình dị của Nguyễn Bội Cơ. Dĩ nhiên, cô cũng có một điểm tựa tình cảm để sống được với cái nghề có thù lao khá cao nhưng vô cùng khắc nghiệt này.
Minh Khai họ Nguyễn, thua tôi vài tuổi, đại diện Vinatex ở Mỹ, trông trẻ đến độ đến văn phòng của chị ở New York, nhiều người cứ ngỡ người Mỹ đang được thuê để làm trợ lý cho chị là xếp chứ không phải chị. Chị có một nhóm bạn, lúc nào cũng hùng hục làm, gần như không biết đến chuyện giải trí ở New York, dịp rảnh tụ tập ăn uống còn là dịp cùng ngồi điểm lại những chuyện buồn đang xảy ra ở trong lẫn ngoài nước do các thế lực đen gây ra, để cùng đau; rồi tan ra, lại cũng phải tiếp tục tươi cười, tiếp tục hừng hực làm như chưa hề có lời phẩn nộ, đau đời trước đó.
Ở nhà chị Minh Khai, tôi còn được gặp Trang Thu trong ngành ngoại giao, cũng xinh đẹp, tài giỏi và độc thân. Chính Thu là người “tiếp cứu” cho tôi mấy đôi giầy gót thấp để tôi liệng ngay đôi giầy rách nát tôi vừa lê lết ở Chicago. Chúng tôi ngồi nhắc lại người cô tài năng và đầy bất hạnh của Thu là cô Bình Thanh, người khởi xướng cuộc tọa đàm “Tâm hồn và trí tuệ của Phụ nữ Việt Nam” năm nào ở Idécaf. Cô cũng là một trong những nguồn cảm hứng giúp tôi ngồi xâu lại những vai đã diễn để diễn lại cho bạn bè xem. Một người con trai ở Cali sau khi xem xong đã nói với tôi: đàn ông Việt Nam có nên xem chương trình độc diễn này không, bởi qua đó thấy phụ nữ Việt bị thói trá ngụy và vô trách nhiệm của phái nam đày đọa quá.
Tôi không thích những thắc mắc phân biệt nữ, nam. Khi tôi hạnh phúc chẳng phải vì tôi không phải đàn ông; khi tôi bị ngược đãi, phản bội, bị tai họa giáng xuống từ trời, chẳng phải vì tôi là đàn bà mà chỉ vì tính cách của tôi, can đảm, hèn.. hay hòa hợp, thỏa hiệp sống, tôi có dám nói lên không, trong tác phẩm, sự thật về những người đối xử tệ hại không chỉ với cá nhân tôi mà còn với đất nước tôi, dân tộc tôi; và đôi khi cũng chính những người ấy luôn tìm cách chứng tỏ một cách hùng hồn cho mọi người thấy họ đã hết dạ yêu thương đất nước này, họ còn phải hy sinh thêm một khúc thời gian nữa dù sức đã cùng kiệt để lao vào nghĩa lớn giúp nghề, giúp đời.
Và dĩ nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở lời.
4. Vâng, đã cùng là hoa của đất, là con người, bất luận nữ nam, chúng tôi đều là những sinh vật sống, cũng có một trái tim biết đau, một cái đầu biết nghĩ. Có người mơ nhỏ, có người mộng lớn. Những đóa hoa của trời có thể lẫn vào nhau, có thể giống nhau hàng loạt, nhưng chúng tôi là hoa của đất, là con người, là phải khác nhau.
Những ngày cuối năm 2004, đi dự đại hội sân khấu Việt Nam lần thứ sáu ở Hà Nội, khi tàn cuộc bầu bán vắng vẻ những người tâm huyết với nghề, rưng rưng lời từ biệt của một người lớn biết thoát ra khỏi cái “trò đùa của người bé” để nhường sân cho lớp trẻ, chúng tôi, những phụ nữ trong ngành sân khấu ở miền Nam, từ nỗi nhớ nhung những người đã tặng nghề cả não, cả tim như Ngô Y Linh, Lưu Quang Vũ, Ngọc Linh.. bỗng thấy có nhu cầu đi thắp nhang cho những người trong nghề đã mất và thăm viếng gấp gáp những nghệ sĩ lão thành U100 trên đất Hà Thành.
Tương tợ như người phụ nữ 97 tuổi cô Bảy Phùng Há cứ thích hát đi hát lại bốn câu vọng cổ mà người tri âm Năm Châu đã viết tặng cô thời xuân sắc, người phụ nữ 91 tuổi Song Kim nhớ không sai một chữ trong những dòng mà người tri kỷ Thế Lữ đã ghi sau lưng tấm ảnh tặng nhau trước phút tạm chia tay đi công tác về hai hướng thuở 1950: “Ðể Song Kim nhớ những vất vả trong yêu thương và hạnh phúc trong sáng tạo nghệ thuật. Anh sẽ theo dõi bóng em yêu dấu, gắng gỏi làm nhiệm vụ với đoàn, với sân khấu và với kháng chiến”.
NSND đã 91 tuổi Ðào Mộng Long cũng rất trẻ trung khi hào sảng cười: “Làm sân khấu mà chỉ mong kiếm tiền và danh cho riêng mình là hỏng cả. Cái thời của chúng tôi, viết và diễn một vở có thể bị bỏ tù là vài tháng chuyện thường. Dưới mũi súng bọn cướp nước, chúng tôi vẫn viết và diễn kịch để chửi bọn chúng với bọn Nam triều hèn hạ liếm giầy Tây.”.
Tiếc rằng chẳng còn giờ để ghé về Yên Tử, nơi các vua đời Trần đã đổi long bao lấy áo tu màu đất, khói:
“Mặc ai tranh bá đồ vương,
Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này”.
5. Ðất sẽ trở về đất; còn sẽ đi về đâu, “hoa của đất” - con người?.
Khi đến Montréal, được anh Ph. và chị Th. đưa đến ngôi đền thiêng mà người cầu nguyện phải đi bằng hai đầu gối từ chân đồi lên đến đỉnh. Anh Ph. cho biết có một nữ khoa học gia khá giỏi đến từ Việt Nam đã thành tâm cầu cho căn chứng nan y trong mình tuyệt căn nhưng vài tháng sau, tin dữ sang, chị đã bỏ cuộc, đầu hàng.
Nếu bạn là tôi, bạn có đi bằng hai đầu gối trần để nguyện cho mình, cho người; cho những người Việt trong và ngoài nước đừng nặng nề khích bác chia rẽ nhau để cùng tìm cách làm đẹp thêm hai chữ Việt Nam?.
Trước đó, trên đất khách, rất khó khăn khi tôi mời những người bạn thân trước 75 đến xem tôi diễn, dù là trong những buổi có mục đích từ thiện. Họ có thể cùng đi ăn, đi ngoạn cảnh nhưng riêng việc này thì họ luôn tìm mọi cách để tránh né như sợ bị phỏng bởi một thứ lửa đỏ được xuất khẩu chuyển khỏi quê nhà. Ðó cũng là lý do khiến tôi đã từ chối khi vài bạn trẻ đề nghị mang những vở hay từ Việt Nam sang dựng ở xứ người. Kịch là chia xẻ. Hãy xẻ chia từ những trăn trở ngay tại nơi đó, bây giờ. Tôi rất thích cách làm việc của những người bạn trẻ ở Club O’Noodles. Trong “Love Stories”, họ đã xắn từng khúc đời của chính họ để kể bày ra trên sân khấu: kẻ tu xuất, người đồng tính, kẻ đánh rồi yêu, người yêu rồi tử biệt.
Tôi rất thông cảm những người bạn muốn tôi giúp cho một vở kịch với tư cách tác giả hoặc đạo diễn nhưng không nên làm diễn viên vì e rằng sẽ rắc rối hoặc khó bán vé. Chẳng ai tin được một người đã đi lang thang trên mười nước như tôi, luôn tìm đủ mọi cách để giới thiệu một vùng văn hóa và sân khấu phía Nam lại vĩnh viễn chỉ đơn thuần là một người làm nghệ thuật.
Vâng, một trong những buổi sáng mùa hè 2004, trong một tâm thế pha trộn giữa hy vọng và tuyệt vọng, tôi đã lết hai đầu gối của mình trên những dốc nguyện khu đền thiêng với lời khẩn cầu như vậy, cho tất cả những hoa của đất Việt, trong và ngoài nước, của tôi. Ðể rồi, khi còn vài ngày nữa, chuẩn bị trở về lại quê nhà, nhận lời cầu hôn bất ngờ trên đất khách, tôi chợt như cảm được những hạt cát nhám chắc chắn và đau đớn dưới hai đầu gối của mình.
Xin lỗi vì không thể kể nhiều thêm về người bạn đời của tôi. Anh ấy không có thói quen phơi bày đời riêng của mình ra cho công chúng.
Bạn hãy tin một điều, một năm bắt đầu từ mùa xuân, mọi đời người , đời hoa của đất, dầu truân chuyên chìm nổi, rốt cũng sẽ phải gặp những kết thúc có hậu. Ðiều linh ứng này không chỉ xảy ra cho mỗi tôi mà sẽ còn hiện đến với nhiều người Việt nữa.
Hãy cùng tin với tôi...
Nhân dịp Xuân về!.
2004

Thursday, October 4, 2007

Nhân mệnh

Kịch bản
Viết tặng Thành Lộc và “you”
Đ&Ng.

Nhân vật:
Y: nhân vật trung tâm từ nghĩa đen tới nghĩa bóng, thường ở vị thế trung tâm so với A, B, C, D
A: thường gắn với chiếc gậy đen.
B: gắn với thanh kiếm bạc.
C: những mẫu giấy báo nợ có sắc vàng được gắn vào.
D: gắn với quả tim và những đóa hồng xanh.

Thời gian:
Có thể từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại.

Không gian:
Bất cứ nơi nào đó trên mặt đất trơ trọi.
Không bóng dáng các loại động, thực vật và con người. Chập chùng màu đen bao quanh.
Trên mặt đất lờ mờ một vật hình bầu dục hai màu xanh đỏ trong văn vắt…
Ngổn ngang đâu đó, bốn bức tượng Tứ đại thiên vương…


Nhất


Sấm sét dữ dội…
Y vác ra một chậu đất rộng miệng đặt giữa miếng trong bầu dục, trong đó có chiếc rương bằng giấy và Tứ đại thiên vương cũng bằng giấy.
Dường như vừa có điều gì mất mát trong Y.
Y bày tỏ nỗi oán trách sấm sét đã đem đến cái chết, sự thất lạc những gì Y đang yêu mến rồi châm lửa hóa vàng tất cả hàng mã trong chậu đất.
Sấm ngưng.
Cuồng phong. Mưa tuôn xối xả. Y lạnh. Và để khống chế cái lạnh, Y chuyển động toàn thân để đến một lúc nào đó cả gió và mưa đều ngừng.
Lũ ào ạt tràn về. Y đi quơ được một thân cây to (khá giống chiếc rương giấy vừa đốt) và leo lên trên để khỏi bị nước cuốn.
Y thử làm lại các điều đã làm mà ngẩu nhiên sau đó sấm ngưng, mưa gió tạnh. Nhưng dòng cuồng lưu vẫn bất trị. Y loay hoay tìm cách khác… Một trong những cách đó là vỗ thân cây hát khúc Ai Ca:
Bài hát thứ nhất: KHÚC AI CA
Đất trời vô cùng, ta rơi lệ
Trời còn nhỏ lệ, ta tựa vào ai?
Đất mãi tuôn lệ, hãy tựa vào ta, cùng sống.
Khi trời đất đổi thay, cạn lệ, ta vẫn là ta…
Khi Y hát đến đây lũ bỗng ngưng tuông.
Y ngồi ôn lại những gì mình đã làm, cơ mặt chuyển động để bày tỏ nỗi oán giận, lòng thương tiếc rồi toàn thân phải xoay trở vùng vẫy để đỡ lạnh và cuối cùng là khúc hát bật ra từ cổ họng bỗng mọi vật bình thường.
Song song với những việc làm ôn lại của Y, sấm, gió, mưa, lũ lại lần lượt vây bủa nhưng trước sự cố sức thoát ra của Y; và cũng có thể là do ngẫu nhiên… cuối cùng mọi thứ dừng lại.
(Sấm, gió, mưa, lũ đợt hai được tạo bởi A, B, C, D bước ra từ bốn tượng Tứ đại thiên vương).
Y hân hoan vỗ tay reo cười như đã tìm ra khí giới để chống chọi lại mọi bất trắc của thiên nhiên. Như để thưởng mình, Y phủi cho êm thân cây to rồi nằm xuống, yên tâm ngủ.
(A, B, C, D đứng bốn góc quay lưng lại. Phía lưng họ đều màu đen, tương phản với màu trắng phía trước. Họ chìm vào màu đen của vạn vật phía sau).

nhị

Y vừa nằm xuống, một nửa màu đỏ trong của tấm hình bầu dục vươn trùm lấy Y vào trong như dáng bọc của vỏ bào thai.
Giấc ngủ chưa kịp chui vào đầu Y thì B đã rút cần câu sau lưng gắn mồi là một thanh kiếm bạc đưa tít lên cao.
Đồng thời A rút chiếc gậy đen sau lưng ra gỏ nhẹ vào Y. Y mở mắt, chiếc gậy đen chỉ về thanh kiếm bạc – giờ đã ở trên cao – như vạch ra một hướng mà Y phải vươn tới, đạt được…
Gậy đen chỉ thẳng lên trời, B thay thanh kiếm bằng một bức vẽ hình người đàn ông như một đích tới dễ dàng hơn. Y chỉnh trang, lục lọi phần ruột của thân cây và cả bên ngoài nó để buộc gắn vào mình những thứ sao cho gần giống bức vẽ. Vừa xong phần hình thức, Y nhái theo động tác của người đàn ông đang làm rồi còn phát triển hơn.
Tấm vải bọc đỏ rớt xuống. Y vót cây làm lao, mài đá và kim loại làm mũi giáo, mũi tên để đi săn bắn. Theo những kết quả Y làm được, chiếc gậy trắng dần và thanh kiếm mờ đen hơn.
Gậy đen lại được A chỉ lên cao. B thay thanh kiếm bằng bức vẽ người đàn bà. Y lại chỉnh trang, sửa đổi mình để được giống người phụ nữ đó. Xong, Y đi gieo trồng, may vá, chăn nuôi…
Y cảm thụ cây nẩy lá, nở hoa và cho trái. Y đi giữa cánh đồng trĩu hạt, gặt hái, trèo cây hái trái rời đỡ đẻ cho súc vật.
Bụng Y lớn dần lên. Bản thân Y cũng cảm thấy nỗi thôi thúc đẻ. Y ngồi thắt chiếc võng, ngồi đong đưa ru con như ru lấy chính mình
Bài hát thứ hai: ĐIỆU RU ĐƠN
Ngẫm kỹ đi, thấu nguồn cơn,
Cõi trần buộc khóc nhiều hơn nụ cười.
Đời tôi không thấy mặt người,
Tự ta ngủ, tự hôn dỗ mình.
Ngủ đi giấc ngủ linh đình,
Rồi hoàng hôn đến, rồi bình minh xa.
Sông vô thường chảy quanh ta,
Mập mờ nhân ảnh, tịch tà lạc nhau.
Khi Y hát, khúc gậy vẫn bớt đen và thanh kiếm vẫn bớt bạc đi như chúng đang cố đổi màu cho nhau.
Lượt này, Y ngủ do chính lời ru của mình. Một nửa màu xanh trong của tấm hình bầu dục vươn trùm lấy Y vào trong.

tam

Ánh sáng chuyển. A, B, C, D… đi tới lui như trong một xã hội công nghiệp hiện đại… Các loại tiếng động xôn xao của đời sống bên ngoài và bên trên vọng xuống nơi đây. Một trong bốn người A, B, C, D đưa ra tấm bảng ở đầu cần câu: “Đến giờ rồi, dậy đi, Y!”..
Y choàng dậy ngay, làm những động tác cần làm của một con người trước một ngày mới.
Một tấm giấy nợ (1) xuất hiện với nhiều con số cộng, trừ, nhân, chia, căn số, tam thừa… phức tạp để con số thành cuối cùng là – 4.700.000 đồng.
Bước ra vỏ thai, Y lục thân cây, lấy ra một hộp giấy vừa, mở vừa lấy một hộp nhỏ, mở hộp nhỏ lấy mày ra để hóa trang.
Mới làm được nửa mặt đã thòng ngay trước mặt Y một micro và một headphon. Y chụp headphone đeo vào đầu, đứng trước micro và hát bài “Để sống”.
Bài hát thứ ba: ĐỂ SỐNG
Bây giờ tôi còn là tôi, để sống
Tôi là cục bột, hãy nắn tôi.
Trời bập bềnh mây, bạn muốn tôi yêu hay ghét nó?.
Tim tôi lạnh đá,
nhưng nếu bạn muốn nó nóng bao nhiêu độ,
hãy báo ngay!
Tôi cho thuê tôi, một ngàt tám giờ hay hơn nữa,
Bạn cần gì, chiếc tai, ngón tai, mớ tóc, hay môi?
Phổi, tim đều cho thuê, mọi thứ trong tôi đều có giá,
Theo giá vàng lên, đô rớt…
thận, gan tôi xuống giá, lên đời…
Bây giờ tôi không là tôi, để sống
Bạn muốn nhuộm tôi màu gì,
Nói gấp, kẻo mất tôi.
Tôi cho thuê bụng, thuê tim
chín tháng mười ngày,
hay chỉ cần dăm phút
Chí giúp một điều, hãy chừa tôi một chút hồn nhỏ
Để hồi sinh
Người nghệ sĩ cạn lòng, cạn đời để vong thân
nhưng không bao giờ tha hóa..
Sau giờ đóng màn, được sống, tôi còn nguyên vẹn là tôi.
Khi Y hát xong, tấm giấy nợ (1) biến đi và tấm giấy nợ (2) xuất hiện với những con số mới để ra kết quả cuối cùng là – 2.900.000 đồng.
Y giự một sợi giây chuông đang đòng đưa trước mặt. Một cần câu khác thòng xuống gói xôi và ly nước. Y chưa xong bữa ăn, lại thêm một tấm giấy nợ (3) với con số – 150.000 đ có gắn những vật khua để lắc, kêu inh ỏi.
Y đẩy bữa ăn sang một bên, soạn trong khúc cây ra chiếc áo tứ thân… Y kiếm que gõ trống để diễn trích đoạn “Xúy Vân giả dại”.
Khi Y diễn xong, tấm giấy nợ (3) không còn nữa, tấm giấy nợ (4) ghi – 1.080.000 đ.
Y chụp lấy bữa ăn dang dỡ của mình nhưng lần này chưa kịp ăn thì tấm giấy nợ (4) lại lắc kêu thôi thúc.
Y lại đẩy bữa ăn sang một bên, lục trong thận cây ra chiếc áo gillet, nải chuối cùng chiếc xe đạp một bánh. Y vẽ ngay mặt khỉ, choàng gillet, lột chuối ăn rồi đạp xe đi lòng vòng. Cuối cùng Y trồng cây chuối ngược. Tiếng vỗ tay vang dội.
Tấm giấy nợ (5) xuất hiện với con số – 420.000 đ.
Tiếng vỗ tay càng lúc càng to hơn, đòi hỏi một sự đáp ứng hơn.
Y chụp tờ giấy trắng, đục lổ cho thành chữ BỆNH rồi máng vào một cần câu bất chợt của ai đó trong A, B, C, D.
Tiếng vỗ tay tạm lắng xuống.
Y ngó gói xôi và ly nước dỡ dang, không ăn nổi.
Y ngồi lảm nhảm một mình.
Độc thoại của Y:
Hồi nhỏ tôi thích chôn đồ ăn dưới đáy chén… Ăn cơm trắng trước, rồi một lúc nào đó, một phần tư quả trứng hiện ra, như một truyện thần tiên.
Đúng, chỉ là một phần tư quả trứng nhưng với một đứa bé con là con áp út của một gia đình đông anh em như tôi, ít khi được ăn trọn quả thì đó là một niềm vui khó tả.
Mẹ tôi là người chế biến giỏi, bà luôn tạo cảm giác chúng tôi được ăn ngon mặc đẹp dù số tiền cha tôi đưa bà hằng tháng chẳng bao nhiêu.
Có những bữa ăn chỉ là mớ rau muống với bát nước rau luộc dằm vào đó một quả cà nhưng dỗ cho chúng tôi ăn ngon miệng nhờ những chuyện cổ tích hết sức thơ mộng, kỳ ảo của mẹ.
Đã lâu rồi chẳng ai dỗ tôi ăn cả, cũng chẳng ai dỗ tôi sống, người ta chỉ bảo tôi làm việc đi.
A, B, C, D móc vào cần câu các hình của một số món ăn hấp dẫn nhưng điều đó không làm Y xao động. Rồi như chợt nhớ ra, Y nói:
Ờ, tại sao mình lại không tự dỗ dành mình…

tứ

Y lục lọi trong bụng thân cây ra một tấm gương to, chống dựng lên. Y lôi ra một tấm lụa mỏng, khoác vào người.
Y đứng quay lưng lại, hai tay che mặt, từ từ quay ra, đôi mắt bộc lộ sự sợ hại dưới bức tường thành tạo bởi hai tay che.
Bỗng từ đâu đó, phọt ra một trái tim với khá nhiều hoa hồng bên trong, Y rũ tay chạy theo chụp quả tim.
Quả tim không đứng yên, luôn tuột khỏi tay khiến Y mệt nhoài. Y phải liệng tấm lụa, đágiày để chạy cho dễ.
Không bắt được tim, Y lột gần sạch những gì còn lại trên người. Vẫn không tóm được, Y lỡ tay lột cả lớp da trước ngực, lòi cả khung xương bọc tim mình.
Trái tim lạ vẫn lững lơ trêu ghẹo, thách thức.
Y mõi mệt ngồi phệt xuống.
Quả tim như hối hận, mon men đến gần, cạ vào người Y, âu yếm.
Y chộp lấy nó, ôm vào người…
Góc xương trên người Y lòi ra, chạm vào quả tim làm cả hai đều thốn đau, nó vọy khỏi người Y.
Y ngơ ngẩn, ngồi lấy da đắp thịt lại, lượm vải quấn vào người cho đỡ lạnh.
Y kéo trong bọng cây ra khúc tre, buộc vào một sợi dây, khảy đàn hát khúc Độc huyền cầm.
Bài hát thứ tư: ĐỘC HUYỀN CẦM
Ai như là mẹ ta,
lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ai như là chị ta
buốt tim khi ta xước trầy.
Ai như là em ta,
sụt xùi khi ta lỡ tiếng.
Ai như là trò ta,
nuốt từng lời ta như thánh.
Ai như là bạn ta,
hoạn nạn, về sớm quanh ta.
Ai như người ta yêu,
sang sông cùng người xa lạ.
Ai như người yêu ta,
dã quỳ chỉ một hướng đông.
Nhưng giờ ai còn ai mất,
Mà sao lạnh vắng quanh ta.
Đá, sương, đất hòa giun dế,
Chỉ còn một độc huyền cầm.
Ai trôi như là bóng ta,
Trên mây và trong lòng nước.
Độc huyền làm bạn tri âm,
Giạt về khúc cuối vô thanh. (*)
Bài hát cứ bị đứt khúc bởi tiếng khua từ những tờ giấy nợ dữ tợn, của trái tim lỡn vỡn mời gọi âu yếm chở che, của khúc gậy đen trắng dần lên và của thanh gươm bạc xạm đen trên đầu Y.
Y bứt dây đàn, lôi ra trong thân đàn khúc gậy bạc của mình. Cây gậy (của A) trở nên bất động. Thanh kiếm (của B) mất hút trong màn đêm. Các giấy nợ (của C) run rẩy xếp lại.
Y múa gậy bạc một mình. Vài cánh hoa từ quả tim (của D) được rứt ra tung rơi, đỏ thắm.
Y thanh thản, yên vị, cắm gậy bạc sau lưng, ngồi nối lại dây đàn. Lượt này đàn chỉ cho ra những âm thanh thô đục, chông chênh…
Y bực dọc liệng đàn, chỉa gậy lên trời. Vô số micro và headphone các nơi hiện ra.
Y cố hát nhưng tiếng tắt, không ra.
Y hiểu ra, rút gậy định liệng bỏ.
Chẳng ngờ gậy đã dính chặt vào người.
Bằng tất cả sức lực còn được, Y cố nhổ gậy bạc ra khỏi mình. Tấm vỏ da người bị lột theo, Y hóa cáo, chống cẳng tru dài.
Và rồi như tích trò “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” được tua ngược lại, Y cố cô tu luyện để trở ngược lại làm người.



ngũ

Bốn hướng đông tây nam bắc đã được trấn giữ bởi:
· A với cây gậy thắt nơ đen.
· B với thanh kiếm bạc cột tua rua bạc.
· C với trang phục là những lá vàng.
· D với quả tim đeo trên ngực, đầy ắp hồng đỏ buộc giải lụa xanh.
Chiêng trống khắp nơi dồn dập như thông báo một tình hình hỗn loạn đang dồn về chí sát thành lũy cuối cùng của họ.
Y nhổm dậy, chỉnh sửa tóc tai trang phục trong thế quay lưng với tất cả. Rồi bất ngờ quay phắt lại, ra dấu cho mọi âm thanh im bặt để cất lời.
Y: Thế giặc đã công sát chân thành, hỡi các quan tướng đầu ngành, hãy cho ta biết chánh kiến của các ông nên hòa hay nên chiến?.
Tất cả im lặng. Y đảo mắt nhìn bốn hướng rồi trầm giọng, nén thấp rồi khạc ra như phun đi một sự nhục nhã cái từ này.
Y: Sao? Hòa à?.
Y khụy chân xuống, thét lên một tiếng thét câm rồi bật dậy, điềm tĩnh, khoan thai.
Y: Thôi được, trước khi các vị ký một hòa ước mới, cho ta được trao mỗi vị một lời thôi.
Y túm cổ cây gậy một cách giận dữ:
Này A, tôi biết A không phải là người tệ, thậm chí A đã từng là người rất tốt nhưng hóa ra A chỉ yêu đất nước này qua một chiếc ghế nên ôm chặt chiếc gậy này. Khi không thể níu kéo, gán ép chiếc ngai cho cháu con, phe nhóm, mọi việc thiêng liêng nơi đây đều bị A đẩy về hướng hư vô.
Y bẻ gậy, quăng ra.
Y kính cẩn đến vái lạy thanh kiếm bạc.
Thưa ngài B, chúng tôi rất quý trọng ngài qua những điều trong quá khứ ngài đã làm cho dân cho nước. Nhưng để giữ nguyên tình cảm quý trọng ấy, chân thành rước ngài buông việc nghỉ ngơi kẻo vô tình, ngài trở thành khối đá triều dâng.
Y vác thanh kiếm, đặt vào chỗ khác.
Y đến gần những lá vàng của C, khinh bỉ, không ngó tới.
Có lẽ ta không nên tốn giờ nói gì đó với mi khi người ta đặt ngươi vào đây chỉ để đủ mâm, đủ bát chén đũa cho trọn một bàn cờ. Để giờ này ta đi trò chuyện với cỏ đất dế giun hay đầu gối của chính mình chắc chắn sẽ thú vị hơn.
C khúm núm tháo dâng các lá vàng kim trên người. Y đá thốc, lá vàng kim loảng xoảng văng ra. Y thất vọng nhưng vẫn cố hy vọng.
Còn có ai không, các chiến hữu cùng giọng hót với ta.
Y chợt thấy quả tim thân thuộc.
Ôi D, may mà ta còn có D luôn ở lại quanh ta.
Chẳng phải bao lâu nay ta đã sống, làm việc và vượt bao nỗi nhục nhằn bởi điểm tựa tinh thần êm ái này sao?.
Này D, giờ chỉ còn có hai ta, hãy cùng với ta vượt bao khúc quanh đầy ghềnh thác, hiểm nguy này.
Y khoác dãi lụa xanh buộc tim để máng vào người với quả tim được cỏng trên lưng.
Y bước từng bước thận trọng hướng về phía trước, bỗng cảm giác nhói đau như bị đâm lén vào tim, từ phía sau lưng.
Y quay phắt lại, chẳng thấy ai, chợt hiểu ra.
D hỡi D, sao lại nỡ tấn công từ phía sau lưng với người đã xem mình như tình yêu duy nhất. Hóa ra thủ phạm dấu mặt đem nước non này đi bán chính là mi.
Như thế thì, trong hai ta, chỉ một người được sống…
Y vật lộn với vật thể đã dính chặt vào mình như một cách đấu với chính mình, cuối cùng nằm vật ra… Im lặng.
Mọi tiếng động ban đầu trở lại: Sấm, mưa, gió và lũ…
Y ngóc đầu dậy, ngoài bọng cây to, một mặt đất hoang vu trống trãi.
Y: Không một ai sao?.
(Chợt nghe tiếng lạ, áp tai xuống đất, nghe)
Róc rách dưới đất sâu, ôi may sao
Vẫn còn có máu của tiền nhân muôn kiếp trước.
Đã đổ ra tửa sạch nhục ngoại xâm.
Âm thầm bước những bàn chân đất.
Những người vô danh đi không có ngày về.
Những người vợ đứng ngàn năm với đá.
Hãy cùng với ta, hát lại một lần khúc ca.
Khuya nghe tiếng trống gõ, nhớ chồng.
Y gom sức tàn, hát bài “Dạ cổ hoài lang” rồi lết tới vác khúc cây lên vai đi.
Mặt đất nơi đó lún dần.
Nhưng rồi Y cũng thoát được bãi lầy đó để tiếp tục đi trên những hướng đi vô định một cách có định hướng của mình.
Và với một gánh nặng như một nghiệp chướng, trên vai…
_______________________
(*)Dựa ý thơ Ðỗ Trung Lai