Tuesday, July 28, 2009

HUONG PHAN gui cho nhg dong nay tu blog cua NGOC LAN

Tôi ôm cuốn “Ký sự người đàn bà bỏ chồng” để giở ra đọc lúc leo lên giường ngủ là đã 12 giờ đêm.
Cái đèn đọc sách sắp hết pin, sáng leo lét, chữ tối chữ sáng, nhưng cứ nghĩ đọc vài trang rồi ngủ. Ðến lúc thấy mắt mỏi quá, đành với tay dưới gối, lôi cái cellphone ra nhấp nhấp cho nó sáng lên, đọc tiếp.
Ðọc đến “Có lẽ tôi đã chứng kiến được một điều quá thật: giọt nước mắt trong giờ phút hấp hối của cuộc đời nghệ thuật của bạn tôi!” tôi gấp sách, khóc.
Tôi thấy tôi, một buổi chiều còn gắt nắng, trên dãy hành lang lầu 1 sân sau của trường, tựa vào góc cột, khóc như chưa bao giờ được khóc. Ðám học trò chạy đi tìm cô, bắt gặp, chúng quay vào lớp. Lặng thinh.
Tôi thấy tôi, cũng một buổi chiều, để lại các đồng nghiệp và học trò trong phòng tập cho một hội diễn, chui vào một lớp học đã tan, ôm mặt, khóc. Bích Châu chạy đi tìm. Lẳng lặng đưa những miếng khăn giấy. Châu bao giờ cũng vậy. Nó chẳng nói gì khi thấy tôi im, hay lúc nhìn tôi khóc.
Có lạ lùng không khi công việc chính của tôi là bục giảng, nhưng nơi lấy của tôi những đam mê, những suy nghĩ, những sức lực nhiều nhất lại là sân khấu, chỉ là cái sân khấu của một ngôi trường có khoảng 4 ngàn học sinh. Vậy mà đam mê. Vậy mà thao thức.
Sân khấu có ma lực rất riêng của nó. Có bị cuốn vào đó, mới hiểu được tại sao những người nghệ sĩ chỉ cảm thấy mình tồn tại và cuộc đời mình có ý nghĩa khi mình có một sân khấu để mà đứng, mà diễn.
Tôi không là nghệ sĩ như họ, nhưng tôi có cơ hội để hiểu điều đó, và tôi khóc ngon lành cho nhân vật người nghệ sĩ bị buộc phải rời khỏi sàn diễn vì tội của những vết xâm không thể xóa nhòa trong truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Lau nước mắt. Tôi lại nhấp nháy cái điện thoại soi vào những trang sách, dõi theo những thăng trầm của Bội Bội Châu từ những ngày mới thi vào trường nghệ thuật sân khấu, đến lúc ra trường đi diễn, những chuyến lên các trại cải tạo, và một tình yêu như định mệnh...
Tôi không là một độc giả khó tính. Truyện hay với tôi không thuộc về nó có những cách viết mới, hay hiện đại, hay mang tính triết lý hay không, mà hay, với tôi, là khi tôi bắt gặp tôi, con người tôi, cảm xúc tôi thấp thoáng trong đó.
Những ngóc ngách của lòng người, đôi khi mình đối diện, mình soi vào, cũng chẳng nhận ra, xem được cụ thể nó là cái gì. Nhưng những trang sách hay, chỉ vài đoạn, vài câu, đôi khi tưởng như bâng quơ, lại sáng bừng tất cả. Ừ, mình đây mà, cảm xúc mà mình không định nghĩa được là cái này đây mà.
Phần đầu của “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”, Minh Ngọc viết từ những 20 năm về trước, hay theo cách đó.
Tôi đọc phần hai và kết thúc, Minh Ngọc viết tiếp từ năm 2006 - sau gần 20 năm gián đoạn - sau giờ ăn trưa hôm nay. Tôi ôm cuốn sách leo ra xe, mở air trong cái tiết trời nóng hầm hầm, ngấu nghiến tiếp phần còn dang dở.
Tôi vẫn thấy tôi đâu đó trong cá tính của Bội Bội Châu, tuy không thích phần này như phần Một, nhưng nó giúp tôi hiểu thêm về một thế giới khác sau ánh đèn sân khấu.
Ai đó đã nói cuộc đời là một sân khấu, và mọi người trong đó đều là những diễn viên. Có đúng không?
Với tôi, điều đó đúng.
Mỗi người trong cuộc đời này đều cố gắng hoàn hảo hết những vai diễn mà mình được giao, bị chọn, hay tự nguyện nhận lãnh. Nếu mình diễn tốt, mình sẽ là đứa con ngoan của bố mẹ, đứa trò giỏi của thầy cô, cô vợ vén khéo của chồng, nhân viên gương mẫu của sếp. Bằng không thì ngược lại.
Bao giờ thì cuộc đời đúng là cuộc đời đích thực như nó phải có? Nghĩa là trong đó người ta được sống như chính mình mong muốn, với những hỉ nộ ái ố có thể rất dung tục thấp hèn, có thể rất trong sáng thánh thiện?
Hình như là không.
Người ta nhìn bánh dày thì nó phải ra hình tròn. Nhìn bánh chưng thì phải là hình vuông. A là hình mẫu này. B là hình mẫu kia. Khó thay đổi lắm những mặc định sẵn rồi. Mình muốn diễn khác đi không dễ chút nào.
Bạn bảo cứ đạp đổ đi, cứ gào, cứ khóc, cứ la, cứ chửi cho thỏa thích. Ðược sao? Bạn làm được vì bạn đã được mặc định như vậy, người ta thấy bạn như vậy mới là bạn. Người khác thì không, bởi họ có một mặc định khác. Người ta nhìn như thế này mới ra người ta. Người ta mặc định bạn là kẻ nhu mì, thì sẽ luôn là kẻ nhu mì, cho dù trong lòng bạn thật sự là một kẻ nổi loạn.
Cũng như người ta “cho rằng” Bội Bội Châu là đồng tính thì một câu bông đùa của cô cũng là một bằng chứng sống chết chứng minh điều đó là đúng.
Bao giờ thì người ta sẽ sống thực như bản ngã chính họ? Ai dám nói rằng có?
Tương đối, tất cả đều chỉ là tương đối.
Ừ, đọc đi, “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ” của Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home