Monday, July 13, 2009

Thế giới làm gì trên sân khấu?

Entry for July 06, 2009
Chuyên đề: Thế giới làm gì trên sân khấu? (Bài cuối)Thứ Tư, 06/05/2009 06:00 http://www.thethaovanhoa.vn/326N20090429104716509T133/san-khau-aau-va-nhung-v...
Sân khấu Á - Âu và những vấn đề thời sự Sân khấu Bắc Mỹ: Trăm hoa đua nởTừ Broadway, Of-Broadway, Off-Broadway đến sân khấu Sài Gòn(TT&VH Cuối tuần) - Trên sân khấu các nước Âu châu chúng tôi đã có dịp xem qua là Anh, Pháp, Đức và các nước Bắc Âu, rõ ràng có các phong cách khác nhau cho dù có một số kịch bản được sử dụng chung. Sân khấu Pháp dùng nhiều kịch bản dạng phi lý, như kịch của Samuel Bekett, Ionesco, Pirandello… không cần cốt truyện. Trong lúc sân khấu Đức đa phần chuộng loại có câu chuyện có thể kể được.
Bertolt Brecht kịch tác gia Đức, người có ảnh hưởng lớn đến nhiều nền sân khấu, trong đó có Việt Nam.
Tẩy rửa là một trong những vở hay chúng tôi được xem ở Berlin. Nhà viết kịch người Anh Sarah Kane viết vở ấy khi mới 23 tuổi và tự tử hai năm sau đó mà theo những bạn bè của cô cho biết thì hình như cô không chịu nổi áp lực khi thành công đến quá sớm. Chuyện kể về một cô gái đến một bệnh viện để xin lại bộ đồ của người anh vừa mất. Giám đốc ở đó là một tay bệnh hoạn, bất lực. Ông ta cắt tay, xẻo lưỡi, xén chân nạn nhân mỗi khi bắt gặp quan hệ tình cảm bất thường của những người đồng tính trong khi bản thân mình lén lút đi xem cô gái múa cột để thỏa tính “thị dâm”. Muốn nhập thể xác (mà quên phần tâm linh) của hai anh em cô gái vào một, ông ta cho chuyển đổi giới tính của cô gái. Vật thể vô hồn tổng hợp hai anh em cô gái ở cuối vở gợi nhớ đến những việc làm trái quy luật cuộc sống, những đất nước, con người bị cắt lìa, tách nhập một cách tàn bạo, phi nhân thay vì tạo ra cách để họ có thể sống chung hòa hợp cùng nhau. Ảnh hưởng của nhà viết kịch Bertolt Brecht vẫn còn thấy rõ qua các vở tưởng như chống lại cách đặt vấn đề của ông. Nhưng hệt như quy luật “phủ định của phủ định”, càng chống Bertolt Brecht, rồi chống - chống Bertolt Brecht, chống - chống - chống Bertolt Brecht, chúng ta càng thấy sân khấu Đức vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quá lớn luôn yêu cầu lật ngược mọi vấn đề của Bertolt Brecht...Khỏi phải nói, ai cũng biết cái bóng của Shakespeare hiện diện rõ nhất ở sân khấu Anh. Có một đêm ở London vào những năm cuối thế kỷ trước có đến sáu vở Giấc mộng đêm hè, mà một trong sáu vở đó đến từ Nhật và diễn bằng tiếng Nhật. Nước Anh, nơi tưởng chừng rất bảo thủ với những chiếc xe bus hai tầng đỏ chói, những căn nhà xám xịt, vẫn bùng nổ được những The Beatles khuấy động cả toàn cầu. Sân khấu đó có những vở kinh điển lớn nằm kề những vở thể nghiệm nhỏ với sức bùng nổ khó lường. Đặc biệt loại hình sân khấu giáo dục sử dụng sân khấu như một phương cách để góp phần hình thành nhân cách con người rất được phát triển ở Anh. Những giáo viên của loại sân khấu này đi đến nhiều nước thuộc thế giới thứ ba để phổ biến loại hình sân khấu ấy như đi “truyền giáo”. Điều này không phải dễ khi chính họ ý thức được rằng các nước độc tài rất sợ loại hình sân khấu giáo dục. Chúng tôi đã được xem một đạo diễn 22 tuổi của Anh dựng vở Vua Lear bằng phương pháp này. Diễn viên của vở là những con người lưu lạc từ nhiều nước sống trong một trại tỵ nạn. Trong vòng kẽm gai, khán giả của họ chỉ là hai anh lính gác mặt vô hồn nhai nhóc nhách kẹo cao su. Tiếng động của trận bão đảo lộn đất trời được tạo ra từ một miếng tôn nilon rách nát. Vài đạo cụ bị diễn viên quá tay làm văng ra khỏi vòng kẽm gai được nhặt cho vào trong ngay lập tức cho thấy đồ vật còn không thoát khỏi những ràng buộc huống hồ con người. Chưa định hồn với kết thúc của Shakespeare, lệnh dời trại được công bố, những con người mới là vua, tướng, công chúa, quan quân đó lại phải trở về kiếp tị nạn, bồng bế nhau lếch thếch lên đường. Khán giả được mời tham gia theo từng đoạn cao trào với hy vọng cuộc đời chính họ rồi sẽ không bị diễn ra với những khuôn mặt vô hồn canh gác như vậy. Năm 2001, Roger Chamberlain, một đạo diễn người Anh đã đến Việt Nam và cùng dựng với chúng tôi vở Romeo và Juliet theo cách làm tương tự khi cho diễn viên đóng vai những trẻ em đường phố tụ tập lại làm vở kịch này để cùng với khán giả trả lời ba câu hỏi: “Tuổi trẻ hôm nay gặp khó khăn gì? Có vượt qua được không? Và vượt qua bằng cách nào?”.Tác phẩm của Bertolt Brecht
Các nước Bắc Âu gần với sân khấu diễn đàn hơn, đó là loại sân khấu chuyển quyền quyết định đoạn kết của vở về phía khán giả. Họ luôn đưa ra những kết thúc bi thảm “vô hậu” rồi kêu gọi khán giả rời cái ghế của mình bước lên sân khấu để thay đổi các kết thúc khá hơn với hy vọng khi không còn là khán giả họ cũng sẽ giải quyết mọi việc theo chiều hướng tích cực hơn trong đời sống.

Tất cả loại sân khấu này không để doanh thu mà cần sự trợ giá tối đa của nhà nước. Geoff Gillham, một “kiện tướng” của sân khấu học đường của Anh, từng đi khắp nước Anh, các nước châu Phi, Đông Âu cũ, và cả Việt Nam để phát triển loại hình sân khấu này, ông than phiền nhà nước chỉ muốn đổ tiền vào cho các xuất phẩm có đóng dấu Shakespeare cho giai cấp thượng lưu nhiều chữ chứ không quan tâm đến loại sân khấu dành cho những người chân đất. Không chịu nổi hiện tượng các khán giả (trẻ) thụ động trong lúc đi xem kịch, ông mãnh liệt tin rằng sân khấu đủ mạnh để giúp cuộc sống nhân bản hơn và là nguồn động lực thay đổi thế giới. Nếu căn bệnh ung thư không cướp đi cuộc sống của ông vào năm 2001, ông đã giúp chúng ta phát triển sân khấu như một cái đạo của ông ở đây, trong đó có cả việc tổ chức một hội diễn sân khấu giáo dục thế giới tại Hà Nội.

Cùng niềm tin với Geoff nhưng vẫn dùng cách kể chuyện bình thường có Ratna Sarumpaet, tác giả kiêm đạo diễn vở Cô điếm và ngài tổng thống, vở diễn bế mạc Đại hội phụ nữ viết kịch toàn thế giới lần thứ bảy tại Jakarta, Indonesia năm 2006. Khi mang vở này đi lưu diễn toàn quốc, đôi khi chính quyền địa phương phải cho xe tăng để bảo vệ nữ tác giả. Nhức nhối trước con số quá lớn trẻ em phải sớm trở thành gái điếm và bị buôn bán trong nước mình, cô viết vở này với màn mở đầu là cảnh cô điếm trẻ bắn chết viên bộ trưởng đáng kính thuộc đảng cầm quyền khi đang trong mùa bầu cử tổng thống. Cuộc đời cô điếm được kể lại song song với những cuộc thương lượng hậu trường chính trị mà đoạn ấn tượng nhất là cảnh viên chức sắc tôn giáo vào ngục giúp cô xưng tội trước giờ thực thi án tử. Cuộc song thoại xảy ra, lời kinh Koran cứ được đọc đều đều, bất chấp những câu hỏi: “Khi tôi bị bán đi ở tuổi lên năm, ông ở đâu?” - “Khi tôi thành đàn bà ở tuổi 13, ông ở đâu?” (tiếc là khi được in thành sách, không có đoạn kịch này). Tuy vậy, viên chức sắc lớn nhất của Hồi Giáo tại Indonesia đã đến tặng hoa cho Ratna sau khi xem vì trân trọng người phụ nữ viết kịch vào tù ra khám và bị đốt nhà từ đời Tổng thống trước.Những vở của Bertolt Brecht vẫn luôn được dàn dựng lại trên sân khấu khắp thế giới
Cũng ở những đại hội tương tự, chúng tôi cũng biết được ít nhiều sân khấu vài nước Á Phi qua các tác giả tiêu biểu đến dự. Khó khăn nhất là những nhà làm kịch phụ nữ ở Afghanistan, có thể bị giết thời Taliban, nhưng nhìn chung các tác phẩm sân khấu của các nước thuộc thế giới thứ ba vẫn là phản ánh các trăn trở về những vấn đề nóng đang xảy ra ngoài xã hội. Pornrat Damrhung ở Thái Lan đưa lên sân khấu những nàng Sita thời hiện tại, cũng để phản ánh tệ nạn buôn người, đẩy người phụ nữ thành món hàng buôn bán tại những thành phố phát triển về du lịch tại quê hương bà. Athol Fugard, một tác giả ở châu Phi viết Nơi chốn cùng lợn với ba nhân vật, cô vợ cùng hai anh chồng mới, cũ. Cô vợ vừa nhận các huân huy chương tưởng thưởng từ sự hy sinh anh dũng của người chồng cũ khi đang chung sống với chồng mới thì “người chết” trở về. Để giữ uy tín cho cộng đồng đang sống, anh chồng cũ đành chấp nhận để vợ giấu mình trong chuồng heo và lén lút ra thăm.

Những nhân vật, mối tình lãng mạn, các xung đột quen thuộc trong các vở cổ điển, nhiều chất vấn về sự phi lý của cuộc đời, vẫn tồn tại song song với những trăn trở về nhịp sống ngổn ngang thời toàn cầu hóa với các mặt xấu tốt của nó trong các vở mới sáng tác trên sân khấu các nước Âu, Á, Phi. Và những gì được chứng kiến, được trao đổi với các đồng nghiệp của mình từ nhiều nơi trên thế giới vẫn giúp chúng tôi khẳng định niềm tin này “nghệ thuật sân khấu, lẽ ra, thuộc về trí tuệ”, như câu phát biểu của biên đạo múa Ea Sola khi tiếp cận sân khấu nước nhà.

Nguyễn Thị Minh NgọcTags: | Edit Tags



Monday July 6, 2009 - 08:45am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for July 08, 2009

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home