Độc thoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm (viết cho Minh Ngọc)
Entry for June 29, 2009
Dung truoc World's Biggest Bookstore o Toronto, Ontario June 2009.
Con bai duoi day luom duoc o nha nguoi ma co Ngoc Trinh cu goi la Ong Ban Du cua co.
Độc thoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm (viết cho Minh Ngọc)
Có người bạn hỏi ta lúc về trí sĩ có chạnh lòng không. Sao lại không, khi mà ta không thể tiếp tục đi trên con đường và theo cách thức mà mình đã chọn. Có quyền thì dễ giúp nước giúp dân hơn chứ. Nhưng chẳng lẽ chỉ làm quan trong triều mới có thể giúp nước giúp dân sao? Lúc đất nước bị ngoại bang đô hộ, không có triều đình thì thôi không giúp nước giúp dân à? Triều đình là một phương tiện cho kẻ sĩ tế thế kinh bang thôi, cũng như kẻ sĩ là một phương tiện để triều đình giữ ngai trị nước vậy. Gia Cát Lượng nắm đại quyền vào tướng văn ra tướng võ của nhà Thục Hán, thì chỉ thua cha con họ Lưu ở chỗ không ngồi trên ngai vàng chứ chắc gì đã ít quyền hành hơn. Vả lại nói thẳng ra thì kẻ sĩ không chỉ cần giúp nước giúp dân, mà còn cần được tự do để trở thành chính mình nữa. Có quyền hành mà mất tự do, mà không còn là mình thì có gì vinh dự chứ.
Kẻ sĩ phải dấn thân hành đạo, phải quên mình vì đời. Câu ấy nói thì dễ mà làm thì khó đấy. Lúc dân nước lầm than dưới gót giày ngoại tộc, thì tự nhiên là kẻ sĩ phải hy sinh. Nhưng vào thời ta sống thì dấn thân cho một ông vua chưa chắc đã hành được đạo, quên mình cho một phe nhóm chưa chắc đã vì được đời. Xung đột Lê Mạc chưa chấm dứt thì mâu thuẫn Trịnh Nguyễn đã nảy sinh, kẻ sĩ có nhiều phương tiện hơn nhưng ai dám nói là mình có thể dùng một trong các phe nhóm ấy để kinh bang tế thế ? Trong hoàn cảnh mà đạo trung quân với lòng ái quốc đã chia đường, thì cẩn thận đừng để rơi vào ảo tưởng giúp nước giúp dân mà thành đắc tội với trăm họ. Khoan hãy kết án ta lỗi đạo trung quân. Trung thành với một ông vua, một dòng họ thì cần gì phải là kẻ sĩ ? Bọn tôi tớ mới coi việc trung quân là lẽ sống, chứ kẻ sĩ chỉ coi đạo trung quân là điều kiện khi làm quan với triều đình thôi. Kẻ sĩ và triều đình sử dụng nhau, phản biện nhau, giúp đỡ nhau làm cho dân giàu nước mạnh thì là ứng mệnh trời thuận lòng người rồi, đạo tu tề trị bình chỉ cốt ở chỗ đó, việc trung với quân vương là nhằm đạt tới chỗ đó, chứ chỉ biết trung thành với một dòng họ, cố chấp trên một tín điều thì kẻ sĩ có gì khác ngựa trâu, hiền thần có gì khác nô bộc ? Để Thái miếu hư nát mà lo cho dân gian no ấm so với làm quốc khố đầy ắp mà phó mặc trăm họ lầm than thì ai có công với dân với nước hơn? Việc ngộ nhận trung quân là mục tiêu phấn đấu chứ không phải điều kiện hành động đã làm lầm lỡ không biết bao nhiêu kẻ sĩ tài năng xuất chúng, nhân cách siêu quần rồi. Không phải ta dám bất kính chê bai tiền bối, nhưng Ức Trai tiên sinh là một vết xe đổ đấy. Ông đã đi trước ta trong chuyện bất kể chính thống chỉ theo truyền thống lúc ra thi Thái học sinh với nhà Hồ, nhưng tiếc là sau khi bình được giặc Ngô lại quay về trên lối mòn coi triều là nước. Nhà Lê ngờ sợ công thần, giết Trần Nguyên Hãn, Lê Sát và bao nhiêu người khác, mở ra mối tệ tranh giành quyền lực giữa các đại thần mà tiên sinh còn lưu luyến chuyện tôi hiền chúa sáng, thì vụ án Vườn Vải làm sao mà không xảy ra ?
Cũng cần nói thêm về lẽ tôi hiền chúa sáng. Nước non bất hạnh thi nhân may, Đời lắm bể dâu thơ lại hay, kẻ sĩ thời loạn thường dễ thành danh hơn kẻ sĩ thời bình. Nhiều người cứ tiếc cho Ức Trai tiên sinh chỉ gặp được minh chủ thời Bình định vương chứ không có được minh quân thời Lê Thái tổ. Ta lại thấy Quản Trọng có lý, vua tốt càng hay mà vua xấu cũng được, miễn họ muốn và biết dùng kẻ sĩ thì ta theo, mà nói thẳng ra thì phò tá vua kém có khi còn dễ giúp nước giúp dân hơn truy tùy vua giỏi đấy nhé. Vua giỏi thì bề tôi dễ trở thành bất tài, mà làm một con rối đi hia đội mão, trở thành cái bóng tiếng vang trong triều đình thì không kẻ sĩ nào chịu cam tâm đâu. Ta là kẻ sĩ, ta phải làm điều ta muốn, theo cách ta muốn nữa, không được làm thì thôi. Ta có mưu cầu gì cho riêng mình mà phải chịu ủy khuất chứ. Làm quan trong một triều đình thối nát thì dù nhân cách cao thượng cũng phải học cách suy nghĩ gian trá, tập lối hành sự khuất tất để đối phó với bọn đồng liêu bất chính, cho dù thành công cũng đã làm hỏng tâm thuật kẻ sĩ, đánh mất phong độ quân tử rồi. Mà nói cho cùng thì ông vua tài đức trong một triều đình mục ruỗng cũng bất lực như một kẻ thất phu, có đáng gì mà kẻ sĩ phải tận tâm phò tá ? Vua chúa mong gặp tôi hiền, coi nhà là triều thì vì quyền lợi của họ đã đành, chứ kẻ sĩ mong gặp chúa sáng, coi triều là nước là đã tự trói buộc mình trong chuyện giúp nước giúp dân, nói lời hay làm chuyện đúng cũng phải nhìn trước ngó sau, thậm chí có lúc còn phải dùng ngụy kế âm mưu cứ như toan soán đoạt, công chưa có mà tội đã thành, ơn chưa ra thì họa đã tới, bậc đại trí chí nhân không xử sự như thế được. Vua không dùng thì đời dùng, đời này không dùng người thì đời sau dùng lời, kẻ sĩ có học biết đạo đâu lại nôn nóng công lao trong một lúc mà lơ là nghĩa lớn với muôn đời được, ta tình nguyện về trí sĩ cũng chỉ vì lẽ ấy đó thôi.
Tháng 11. 2002
Labels: Cao Tu Thanh
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home