Monday, July 13, 2009

luom duoc bai cu hoi con Doc Than

Entry for May 28, 2009
http://www.gio-o.com/NguyenThiMinhNgocNguyenDat.html

luom duoc bai cu hoi con Doc Than
Ng u y ễ n Đ ạ t

N g u y ễ n T h ị M i n h N g ọ c: Nữ Sĩ Đa Tài

Nguyễn Thị Minh Ngọc sinh năm 1953 tại Bà Rịa. Nhà văn - Đạo diễn, diễn viên, viết kịch bản sân khấu kịch nghệ, giảng viên trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2, trường đào tạo diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang. Thường trú tại Sài Gòn.


Có những nhà văn suốt đời viết đi viết lại một cuốn sách, cuốn sách về chính họ, dù những cuốn sách họ viết về những chuyện gì, về những cuộc đời ai chăng nữa, cũng là thông qua chuyện của chính họ, thông qua cuộc đời của chính họ, hoặc những chuyện ấy, những cuộc đời ấy phản chiếu, soi rọi cho chuyện của họ, cuộc đời của họ. Nguyễn Thị Minh Ngọc nhà văn, lại thêm Nguyễn Thị Minh Ngọc của sân khấu kịch nghệ, càng tô đậm tính chất này, tính chất của một nhà văn, Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Buổi sáng muộn, một cuộc hẹn của bạn văn cố tri lâu ngày không gặp, đặc biệt Minh Ngọc lại sắp đi Mỹ dựng kịch. Khi bài viết này có trên trang báo, Minh Ngọc cũng đã có mặt tại một địa điểm nào đó ở Mỹ.

Chúng tôi ngồi bên trong cửa kính có tạo dòng mưa tuôn phía ngoài, nhìn nắng gay gắt, nắng bốc hơi trên mặt nhựa đường, nhà hàng Lotus ở góc hai con phố: Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Trãi. Minh Ngọc trước mặt tôi, sao tôi không thấy khác đi chút nào Minh Ngọc mà chúng tôi -Hoàng Ngọc Tuấn và tôi- vẫn gặp ở tòa soạn tạp chí Văn, số 38 Phạm Ngũ Lão, cách đây gần 40 năm. Nghĩa là tôi vẫn gặp cô bé có đôi mắt to, tôi gọi là đôi mắt bò mộng, và tất nhiên theo tôi là đôi mắt đẹp. Miệng cười mà như sắp khóc. Và phục sức lúc nào cũng là thứ quần áo không vừa, hơi lùng thùng dài ngắn so le có duyên và ngộ nghĩnh như ‘chú vịt Donald’. Mấy năm trước, hồi Minh Phượng, em của Minh Ngọc đi định cư ở Canada, vẫn phục sức như vậy, Minh Ngọc bảo quần áo như vậy vì là quần áo của Minh Phương bỏ lại.

Minh Ngọc được biết đến như một NHÀ VĂN rất sớm.

“Ba của Minh Ngọc người Huế, có cuộc sống của một công chức di chuyển làm việc ở nhiều nơi. Mẹ là người xứ Quảng. Minh Ngọc được sinh ra tại Bà Rịa. Rồi lớn lên, gia đình vẫn theo công việc của viên công chức đi nhiều nơi, Minh Ngọc học bậc trung học ở Phan Thiết, học bậc đại học ở Huế. Từ lúc gia đình ở Phan Thiết, Minh Ngọc viết văn, những bài viết của thuở ban đầu, Minh Ngọc gửi báo Tuổi Ngọc. Thời gian đó là năm 1968, Minh Ngọc mới mười lăm tuổi”.

Tôi nhớ cô bé ‘nữ sĩ’ đó, những lần tới báo Tuổi Ngọc nhận nhuận bút, gọi chúng tôi: Từ Kế Tường - Nguyễn Tôn Nhan - Hoàng Ngọc Tuấn và tôi là ‘chú’. Tôi nhớ lúc đó cô bé ‘nữ sĩ’ rất thích đọc thơ, không chừng cô bé có làm thơ, và thơ chú Phạm Thiên Thư đã ‘lọt vào cửa sổ tâm hồn’ của cô. Ấy tuy nhiên, lúc nhìn thấy ‘chân dung thi sĩ’ họ Phạm, chúng tôi đoán chừng cô ngạc nhiên sao khuôn mặt người chẳng giống khuôn mặt thơ. Và tác giả Hình Như Là Tình Yêu gặp Minh Ngọc, sản sinh mối tình Thư Về Đường Sơn Cúc (tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn).

“Sơn cúc chính là dã quỳ của anh đấy. Hồi đó Minh Ngọc ở Pleiku, thường đi chơi ở con đường có hoa sơn cúc nở đầy, rất đẹp. Minh Ngọc viết trong thư gửi anh Hoàng Ngọc Tuấn về con đường ấy… Hồi gặp anh Tuấn, Minh Ngọc thấy ở anh Tuấn một vẻ bí ẩn thật quyến rũ. Hóa ra chỉ vì anh Tuấn trốn lính. Trốn lính thì phản ứng tự vệ là phải giấu những gì về mình, sợ lộ ra là bị bắt đi lính…”.

Minh Ngọc viết. Từ Tuổi Ngọc báo của tuổi mới lớn, tới các báo văn nghệ Sài Gòn. Tôi đọc Trăng Huyết và phục tài viết truyện ngắn của cô, từ đây nhìn nhận nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Họa sĩ Nguyễn Trung nhận định về nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NHỮNG TRUYỆN NGẮN của cô: Đó là những thiếu nữ vừa biết yêu, được yêu lòng tràn hạnh phúc và rồi bỗng nhiên cái hạnh phúc ấy không còn nữa… cái lòng cầu thị của những tâm hồn muốn vươn tới cái đẹp - cái đẹp của riêng mình, cái đẹp không-giống-ai. Đó cũng là những thiếu nữ chưa bao giờ có thể nhí nhảnh được. Họ đã bị cái hoàn cảnh cùng quẫn úp chụp lên đầu ngay từ đầu đời, cái gánh đời nặng trĩu hai vai mà họ sớm chia xẻ với gia đình, tâm hồn tràn ngập nỗi cay đắng, cái chén đắng mà họ đã phải uống từ khi mới lọt lòng mẹ. Đó cũng là những bài thơ xuôi đọc lên từ những tâm hồn phiêu bạt, cô đơn, lầm lũi đi trong con đường độc đạo của nội tâm. Đó cũng là những con người mộng du, đi nghiêng ngả giữa mộng và thực, giữa tỉnh và mê, giữa rừng núi và phố thị…

… Trong khi làm lộ chân tướng những thân phận bé bỏng, cùng nhục, một thân một mình, ta tưởng đâu đó là tiền đề của những lời than khóc thì ngược lại, ta thấy ẩn dấu trong lời văn của tác giả sự tự ý thức, tự đấu tranh để vượt lên chính mình.

Trong khi đi tìm tình yêu đích thực, nguồn hy vọng đích thực, những con người ấy đã chối bỏ không tiếc thương những tình cảm giả dối, đạo đức trá ngụy.

“KÝ SỰ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ CHỒNG BỎ, đây là cuốn truyện dài đầu tiên của Minh Ngọc, nhưng là cuốn sách dở dang, xong được có lẽ quá nửa theo dự tính, Minh Ngọc không thấy cần thiết viết nó nữa”, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã in ở mép bìa gập của một tập truyên ngắn, báo Sẽ In cuốn truyện dài này. Nay thì Minh Ngọc thôi không hoàn thành nó. Tôi liên tưởng tới tác phẩm ‘Con Bạc’, Dostoyevsky viết xong nó để đoạn tuyệt với cuộc đỏ đen. Với Minh Ngọc, như cánh cửa cuả ngày và đêm khép mở, cuộc hẹn của số phận tiếp diễn, không thể đoạn tuyệt như Dostoyevsky đoạn tuyệt con bạc. Nên Nguyễn Thị Minh Ngọc mơ một giải pháp khá bi kịch: XÚY VÂN GIẢ DẠI.

Nguyễn Thị Minh Ngọc tự nhận mình là Xúy Vân giả dại. Xúy Vân là nhân vật chính của vở tuồng chèo Kim Nham, khuyết danh tác giả. Để thoát khỏi người chồng mà Xúy Vân không thương yêu, nàng đã giả dại, mong vì thế sẽ được sống với người mình thương yêu. “Không biết sao Minh Ngọc thường gặp những cuộc tình với người nhỏ tuổi hơn mình… Tất cả đều lỡ duyên. Tất cả đã trôi qua… Và bao giờ cũng vậy, nghĩa là cả bây giờ đây, Minh Ngọc vẫn chỉ mong muốn có một người chồng bình thường như mọi người phụ nữ có chồng”.

Tôi thì cho rằng sự độc thân trong cuộc sống viết văn đã là mơ ước của nhiều nữ sĩ: “Cô không biết Virginia Woolf nói rằng, cuộc sống của người phụ nữ trong gia đình cản trở việc viết của họ rất nhiều”. Tôi nhìn Minh Ngọc, liên tưởng khuôn mặt một diễn viên điện ảnh, Annie Girardot: Khuôn mặt cuả người đàn bà đã không có tuổi thiếu nữ, hay khuôn mặt một thiếu nữ đầy ẩn chứa nỗi niềm. Một buổi sớm mai không tươi, mà khô. Không là khô héo mà khô nén một mùa lá chết. Một thứ phụ nữ định mệnh. Tôi nghĩ vậy nhưng không nói gì với Minh Ngọc. Tôi không thể gọi tên, một cái tên biết đâu người mang nó không muốn nhận mặt.

“Ngày mốt (4-6-2004) Minh Ngọc mới đi Mỹ dựng vở diễn. Chiều mai Minh Ngọc có buổi diễn tập cho học trò Nhà Hát Trần Hữu Trang, ở số 515 Trần Hưng Đạo.

Tôi đã xem Minh Ngọc diễn, những bi kịch đan lồng, những lời thoại thảm thiết, buồn rầu. Nước mắt rơi khi người ấy cô đơn. Tôi nhìn sàn diễn, một căn phòng trống rỗng, nghèo nàn trên một tầng lầu của một cao ốc không cao lắm, những lời thơ Thanh Tâm Tuyền viết cho kịch tác gia Trần Lê Nguyễn hiện lên trong đầu:

Khóc đi Nguyễn / Mùa này gió biển thổi điên lên lục địa / Trời thành phố ngục tù /… Khóc đi Nguyễn / Trong giấc mộng hằng đêm / Sân khấu lặng thinh / Mưa dột trên sàn gỗ / Mồ hôi giữa ngực và lưng /… Khi tỉnh dậy / Chẳng một ai ôm mình / Đêm dài tiếng kèn thê thiết /… Kể lể toàn truyện tình vô vọng / Với một mình cấu lấy tóc mình…

LÀM VIỆC HẾT MÌNH, có cả những đêm gần như thức trắng, viết nhiều truyện ngắn được giải thưởng, truyện cho thiếu nhi: Năm Đêm Của Bé Su được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà Văn Việt Nam, hoạt động sân khấu được đề nghị phụ trách vai trò phó giám đốc nhà hát… nhưng Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn hướng miết về việc viết một truyên dài khác, và nói muốn yêu một người trầm cảm, và những gì nữa nhỉ… nỗi ám ảnh không rời: Người phụ nữ ‘chờ duyên’. Chúc ‘chú vịt Donald’ tới chỗ vui vẻ cả làng. Mà cho dù không tới chỗ vui vẻ cả làng, làm ‘chú vịt Donald’ vốn dĩ vui rồi.

N G U Y Ễ N Đ Ạ T

đọc sáng tác của Nguyễn Thị Minh Ngọc:
http://www.gio-o.com/nguyenthiminhngoc

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home