Monday, July 13, 2009

Những Vấn Ðề Của Sân Khấu Bắc Mỹ.

Entry for May 02, 2009
Tang Minh bai nay, khan gia nhiet tinh hon ca hai chu Nhiet Tinh cua chung toi o NY.

Những Vấn Ðề Của Sân Khấu Bắc Mỹ.


Khi trao đổi với các bạn đồng nghiệp làm sân khấu ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả trên nước Mỹ, họ có vẻ không mặn mà với sân khấu Broadway lắm. Với họ, loại kịch nghệ thuật chỉ có thể tìm ở off - Broadway. Còn những vở nhạc kịch đầu tư nhiều tiền, cần những diễn viên tinh luyện cả về múa, hát và diễn như ở Broadway thì dành cho du khách, hay những khán giả dư tiền, mà trong lúc kinh tế đang khó khăn như thế này, những khán giả trước đây phải khó khăn mua được một tấm vé ở Broadway nay có thể rất dễ dàng tìm mua được đôi khi chỉ còn nửa giá. Thử ngó xem kịch mục của sân khấu Broadway hiện còn những vở cũ nào và có thêm được vở nào trong mùa này. Có tuổi thọ dài nhất ở Broadway đến hôm nay vẫn là “The Phantom of the Opera”, sau đó là “Lion King”, “Chicago”.. những vở này cũng như “Billy Elliot”, “Mamma Mia”, “Mary Poppins”, “The Little Mermaid”,“Wicked, “Shrek”, “Boys and Girls”, bạn dễ dàng tìm xem ở những cuốn film hay sách cùng tên dù bằng ngôn ngữ nghệ thuật khác.

Ngó sơ qua những cái tên như “Vua Sư Tử”, “Nàng Tiên Cá”, “Bà vú Mary Poppins”, “Gã chằn tinh tốt bụng Shrek”, “Cậu bé Billy Elliot”.. bạn có thể thấy đó là những tiết mục mà người lớn có thể cùng đi xem với trẻ con trong nhà. Mà đã có trẻ con thì các yếu tố gợi dục, bạo lực chắc chắn là không có. Ngược lại, nơi đó luôn yêu cầu một thẩm mỹ cao, gây được cảm giác thần tiên bay bỗng càng tốt; loại thẫm mỹ cổ điển mà thậm chí nhiều người cho là cứng ngắc, xưa cũ. Như nhiều film Mỹ khác, đa số những vở diễn này thường có các kết thúc có hậu.

Năm 2003, một trong những vở nằm trong Top Ten của Broadway là “Man of La Mancha”. (Kịch bản này được làm film vào những năm 60 với cô đào Ý( Sophia Loren.). Nhà viết kịch Cervantes bị liệng xuống nhà ngục xây âm trong lòng đất cùng với chiếc rương chứa mới bản thảo của ông. Họ nhốt chung ông với những người dưới đáy xã hội, lưu manh, gái điếm. Dưới chân tầng ngục đó vẫn còn tầng thấp hơn. Trong lúc những người ít chữ đang lục tung chiếc rương, giễu cợt ông, người còn đầy ảo tưởng với mớ chữ của mình thì dưới chân ông vẫn còn những bàn tay chồm lên níu chân ông như muốn chất vấn ông sao đời họ phải chìm trong đáy ngục. Tập hợp những người cùng khổ, kẻ cướp, gái điếm lại, mời họ làm diễn viên kiên khán giả để tập vở “Don Ki Khốt” mà chính ông lãnh vai chánh, Cervante đã dựng tác phẩm tâm huyết của mình trong một tâm thế đầy tuyệt vọng. Quá trình dựng vở cũng là quá trình ông bị bầm dập bởi những người mà ông đã sống chết để viết cho họ. Khi vở dựng gần xong, ông chỉ còn chút hơi tàn trong cơn hấp hối. Rồi như không đành lòng truớc những giọt nước mắt của khán giả (trong đó, phải nhận có cả tôi), Cervantes bật dậy, múa ca lần cuối trong trận sống chết với các kẻ thù ảo mà khí giới của ông chỉ là một trái tim trần trụi và một nỗi đau đớn thật. Khán giả ra về với nụ cười nhưng có lẽ ít nhiều họ cảm thông hơn với những nhà viết kịch, khi phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn đôi khi hơn cả ngục tù, phải kìm nước mắt lại vào trong để cái trào ra ngọn bút của họ phải là những điều gì đó không chỉ đơn thuần là giải trí.

Một vở làm nơi đây khá tốn kém nên các nhà sản xuất rất muốn vở diễn mình được an toàn và sống lâu khi ra công chúng. Hiện tại, một kịch bản musical về cuộc đời của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) đang tuyển diển viên cho mùa kịch tới tại Broadway.

Như đã nói, bạn cần phóng túng trong nghệ thuật, cần đưa ra những vấn đề gây shock, bạn nên kiếm một sân khấu khác ngoài Broadway, đôi khi cách đó chỉ vài bước. Các bạn của tôi là diễn viên ở nhiều thành phố ở Bắc Mỹ cho biết họ vẫn dựng lại các tác giả nổi tiếng của thế giới và của Mỹ như Shakespear, Chekhov, Ipsen, Samuel Becket, Arthur Miller, Thornton Wilder, Eugene O’Neill, Tennessee Williams, Edward Albee. Dĩ nhiên, họ hiện đại hóa những câu chuyện cũ. Một số vở kịch mới sáng tác còn có khuynh hướng mượn những nhân vật xưa để nói những vấn đề đương đại của cuộc sống quanh họ như quan điểm chính trị, tự do, nổi loạn, giới tính, nữ quyền,

Chúng tôi vừa được xem một vở kịch hát thú vị khai thác ba tầng kịch (kịch trong kịch trong kịch) mang tên “A Man of No Importance”. Vở nầy đã từng đoạt giải nhất năm 2002 của những nhà phê bình cho sân khấu Off- Broadway. Nhân vật chính là Alfie, một người soát vé trên xe bus ở Dublin vào những năm 60, thường đọc thơ cho các hành khách của mình và có ý muốn dựng vở kịch “Salomé” của Oscar Wilde. Ngay trong nhà, anh bị người chị là một cô gái già kiểm duyệt, ra ngoài xã hội, các chức sắc tôn giáo cũng lên án vở kịch ấy, họ cho đó là một vở kịch bẩn thỉu được viết bởi một tác giả đồng tính chứ không phải nghệ thuật như anh biện minh. Người độc nhất có thể chia sẻ với anh lại là linh hồn của Oscar Wilde. Cuối vở kịch đời mình, anh bị đánh bầm mình bởi người cùng giới, thân phận đồng tính của anh bị bộc lộ, anh mất việc, vở kịch không còn đất diễn vì nhà thờ không cho mượn sân khấu. Giữa lúc tuởng chừng tuyệt vọng nhất thì chính những hành khách yêu thơ, cậu bạn anh thầm yêu, dùng những câu thơ Oscar Wilde để vực anh dậy. Và khán giả tin sẽ có một sân khấu khác dành cho họ, những người rất không quan trọng, nhưng luôn mong đời sống sẽ là những cảm thông với những điều trái thường để sống được.

Vở “Moliere” của Sabina Berman, nhà viết kịch hàng đầu của Mexico do Richard Rose mà chúng tôi vừa được xem ở nhà hát Tarragon ở Toronto cũng là một vở kịch thông minh, được nhiều nhà phê bình ngợi khen. Nó đạt được điều mà những ai làm sân khấu ở bất cứ nơi đâu cũng mơ ước: vừa chinh phục bạn nghề, vừa đạt doanh thu cao. Hai nhân vật chính nơi đây là hai nhà viết kịch hàng đầu về hài kịch (Moliere) và bi kịch (Racin). Trong lúc Moliere đã đạt tới đỉnh cao của danh vọng khi được nhà vua trọng vọng lẫn sự thù hận của những kẻ thấy bóng mình thấp thoáng trong các nhân vật phản diện trong các vở kịch hài kịch của ông thì Racin mới bước vào nghề. Ðể có thể làm người viết kịch cho triều đình, thay thế chỗ của người đi trước và cũng là thầy mình, Racin đành chấp nhận phản bội, nhận lời với viên Tổng Giám Mục bắt tay vào việc hại thầy. Một trong những lớp kịch hay là đoạn đánh cá của nhà vua và viên tổng giám mục trước khi được xem Moliere giúp vui cho họ. Họ biết rành cuộc đời ông đang gặp quá nhiều thảm kịch, sức khỏe báo nguy, gánh hát sắp mất, mất cả tình yêu, học trò.. thế lát nữa ra sân khấu liệu có khả năng gây cười được chăng. Vua bắt độ là tay hề cung đình này sẽ phải làm tốt công việc của mình. Quả nhiên, nhà vua thắng. Qua vở diễn, còn nhiều tranh cãi về cái bi, cái hài, điều gì sẽ cứu chuộc, thanh tẩy con người hơn; nhưng qua vở diễn cũng có nhà phê bình thấy đề tài này không chỉ đơn thuần nói về những người sáng tác cho sân khấu mà họ cảm nhận được bàng bạc đâu đó không khí của thời khủng hoảng kinh tế hiện tại, các thang giá trị đảo lộn, các chuẩn mục lệch lạc, người đối với người tệ bạc hết nghĩa, cạn tình.

Ba vở diễn vừa kể tình cờ đều có liên quan đến người viết kịch. Có lẽ phải kể thêm những vở khác của các sân khấu nhỏ hơn Off- Broadway. Chúng tôi được xem “The Middle East” của Joe Kodeih viết và dựng ở sân khấu LaMaMa vào những năm mà vấn đề Trung Ðông đang là quan tâm hàng đầu của Mỹ. Vở khôi hài đen này xoay quanh một cô gái và ba chàng trai khác quốc tịch và văn hóa, tôn giáo: Jewwish, Chritian, Muslim. Họ đang thoả thuận một việc kinh doanh mà anh chàng Chritian đứng giữa lúc nào cũng nhắc tới 10% của anh ta. Trước khi hợp đồng được ký, một thân thể bỗng rơi ngay đúng khoảnh đất họ đang đứng. Bất đồng văn hoá lẫn tôn giáo, họ không thể giải quyết vấn đề trách nhiệm lẫn quyền lợi trên cái xác tình cờ đó. Cuối cùng, nhờ một áp lực đến từ nơi cao hơn (có thể là thiên đình) mà một cô gái đứng ra đại diện, hai anh Jewwish và Muslim đành phải xé đôi cái xác. Với anh chàng Chritian vẫn còn ấm ức về 10% chưa được giao nhận cho phần nước bọt của anh ta đã đổ ra, cái phần đàn ông nhất nằm giữa hai chân được bứt ra cho anh. Ba nhân vật kéo ba phần thân thể thuộc phần mình về góc riêng cầu nguyện, hài lòng với những gì mình thâu được rồi đi về ba hướng khác nhau.

Các tác giả trẻ cũng có cơ hội chen chân vào các sàn diễn nhỏ ở các sân khấu có vài ba chữ off trước chữ Broadway. Họ cũng có thể giới thiệu kịch bản của mình trong các buổi đọc kịch. Những vở kịch hiện tại đa phần nghiêng về hình thể và pha trộn với các nghệ thuật khác như múa, điện ảnh, xếp đặt, xiếc, ảo thuật, kịch câm. Tìm đủ mọi các để lôi kéo khán giả tham gia trò chơi sân khấu với mình cũng là một khuynh hướng. Ví dụ như ở vở hài kịch “Shear madness”, cuối cảnh một có một người bị giết, câu hỏi được đặt ra cho những người còn lại, kể cả khán giả là “Thủ phạm là ai?”. Sau nhiều trao đổi, nếu thấy khán giả dồn nghi ngờ vào hướng nào là cả một tập thể diễn viên cho kịch bản kết thúc theo hướng đó.

Còn nhiều điều có thể nói về khuynh hướng “trăm hoa đua nở” ở Sân Khấu vùng Bắc Mỹ. Nhưng dù biến đỗi đến đâu, truyền thống của nó hình như vẫn còn là cho con người và vì con người.

Nguyễn Thị Minh Ngọc.




Tags: | Edit Tags



Saturday May 2, 2009 - 01:38am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for May 03, 2009

Comments(3 total) Post a CommentJack … Offline IM ôi sao mà hay quá ! ước gì em cũng có cơ hội để được xem những vở như thế này ??? huhuhuhu biết đến bao giờ hả chị Ngọc ơi ! huhuhuhu !!!

Saturday May 2, 2009 - 01:51am (ICT) Remove Comment
Le Rêve Offline Chinh xac!!! sinh vien du hoc nhu em thi tien dau mua ve xem broadway (cai duy nhat duoc di coi la Wizard of Oz), nen chi tranh thu xem nhu vo kich cua sinh vien trong truong hoac do truong dung len, cung khong thua gi Broadway ma co khi duoc xem nhung vo kich hien dai hon voi suy nghi cua tuoi tre bay gio. Hehe, nhung du sao cung muon di xem Broadway, dinh cuoi tuan nay di xem Movin' out o Atlanta de tu tang qua` ra truong, nhung vi con phai thi final tuan sau, nen danh dip khac vay, hic hic

Friday May 1, 2009 - 06:21pm (PDT) Remove Comment
minh Offline em xem Broadway thì giống như xem một lần cho biết vậy, tới giờ chỉ thích nhất mỗi vở "phantom of the opera" thôi, còn những vở còn lại chủ yếu là nhảy múa và hát, trong khi đó thì em lại thích được xem diễn kịch hơn! thực lòng mà nói em thích kiểu ca nhạc kịch của chú Lộc hơn vì nó vừa là kịch nói và vừa là kịch hát chứ không phải là nhạc kịch! phần diễn trong những vở như thế sâu hơn, và xem thấy đã hơn! :)
như em có kể với chị, trường cũ em học có ngành kịch nghệ rất phát triển, và em vẫn nhớ nhung cái thời được đi xem những sinh viên như em diễn những vở ấn tượng mãi không quên được! thích nhất là những vở diễn trong "black box theater" = cái hộp đen - mọi thứ trong đó sơn đen thui, đôi lúc đêm vào đó một mình, nằm ngửa trên sàn nhà nhìn lên trần nhà, thấy vừa thoải mái, thư giãn, vừa sờ sợ... em có đứa bạn nó đóng vai chính trong vở kịch ma "the black woman" - nó đã vào trong cái phòng ấy, ở lại qua đêm và học lời thoại để có thể bắt được cái thần của vở kịch... những người như vậy thật đáng nể đối với em.. em lại lan man rồi hì hì

Tuesday May 5, 2009 - 01:01am (EDT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home