Hàng chục nghìn người ký đơn vì sông Mekong
Entry for June 22, 2009
Hàng chục nghìn người ký đơn vì sông Mekong
Sông Mekong chảy qua sáu nước
Hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong.
Lá đơn do tổ chức Liên minh Save the Mekong khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ Mekong.
Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Campuchia.
Lý do là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh vật sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông vĩ đại này.
Mới đây, đã có cảnh báo từ các nhà bảo vệ môi trường về nguy cơ tuyệt chủng của loài cá heo Mekong.
Tuy nhiên, lá đơn không được gửi tới lãnh đạo Trung Quốc, nước nằm ở thượng nguồn dòng sông này và cũng là quốc gia xây nhiều đập trên dòng sông này nhất.
Bốn nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam có mặt trong Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission) nhằm mục đích bảo tồn dòng sông, nhưng Trung Quốc cùng Miến Điện đã từ chối không gia nhập ủy hội.
Đơn do Liên minh Save the Mekong chấp bút viết bằng bảy thứ tiếng đã được chuyển tới Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva hồi cuối tuần.
Sông Mekong chảy qua sáu nước là Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông bắt nguồn trên vùng núi cao nguyên Tây Tạng và hạ lưu sông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nhất
Là nước nằm ở hạ nguồn, nơi dòng Mekong đổ ra biển, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất.
17 triệu người Việt, tương đương khoảng 1/3 số người sống dọc dòng Mekong, sẽ phải trực tiếp chịu các hệ quả môi trường mà các dự án năng lượng khi triển khai gây ra.
Tiến sỹ Ngô Xuân Quảng từ Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam được báo chí trích lời nói quan ngại chính của Việt Nam là hệ thống môi sinh bị phá vỡ, tình trạng xói lở, thay đổi dòng chảy và nguy cơ thiếu nước.
Theo ông Quảng, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đang phải chịu tình trạng xói lở nặng nhất, trong khi Tiền Giang là nơi bị khô hạn nhất.
Không chỉ nông dân Việt Nam, nông dân các nước ở hạ nguồn như Lào và Campuchia cũng đang chịu nhiều thiệt hại của tác động môi trường liên quan tới dòng Mekong.
Website của Liên minh Save the Mekong nói dòng sông này là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới đang nuôi sống hơn 60 triệu người.
Liên minh này cũng phân tích về ảnh hưởng của các công trình thượng nguồn: "Các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mê kông (Lancang) của Trung quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho những nước hạ lưu như Miến Điện, bắc Thái Lan, và bắc Lào".
"Trữ lượng cá giảm sút và mực nước sông biến đổi không dự đoán được đã làm cuộc sống của những cộng đồng dưới hạ lưu dòng sông thêm khó khăn, điều này cho thấy rằng các con đập trên dòng chảy chính của sông sẽ gây ra sự tàn phá.
Giới chuyên gia nói rằng Việt Nam và các nước ở hạ lưu cần chú tâm vận động quốc tế, mà trước tiên là có thể đưa Trung Quốc ra trước diễn đàn LHQ về thái độ độc quyền khai thác sông Mekong mà bất kể tới hậu quả nơi các quốc gia hạ nguồn.
Tags: | Edit Tags
Monday June 22, 2009 - 02:41am (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for June 22, 2009
Labels: Bao
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home