Người no không biết lòng kẻ đói.
Entry for July 06, 2009
Người no không biết lòng kẻ đói.
http://blog.360.yahoo.com/blog-0lIwRp4yeqlSlANVd_hNqS7b?p=3907
1.
Năm 1975 về nam, mau chóng bất đắc chí, sau giờ làm việc về nhà mà có tiền là ra đường uống rượu. Cũng chẳng uống nhiều, đại khái khoảng hai xị với một con khô gì đó, có khi cũng khỏi khô luôn, ngồi một mình ở quán cóc cạnh nhà, thờ ơ nhìn người qua lại. Đám bảo vệ của ông già cũng không hỏi han gì, chỉ lâu lâu mở cửa ra nhìn nhìn rồi vào. Uống xong vào nhà là lên thẳng phòng đọc sách, say quá thì ngủ, không nói với ai câu nào. Nhung có lần đang lắc lư lên cầu thang thì thấy ông già đi xuống bèn đứng lại né qua một bên, hôm ấy đương sự lại tỏ vẻ quan tâm, xuống tới ngang mặt thì nghiêng nghiêng đầu khịt khịt mũi (ý là hôi rượu quá) rồi thản nhiên hỏi Con đi đâu về vậy. Uống rượu. Uống chi con. Buồn. Buồn chi con. (Mịa, tôi mà rắp tâm buồn để làm gì đó thì đâu phải là tôi buồn, ba hỏi gì kỳ vậy?). Im lặng lên lầu, nhưng vẫn nhớ cuộc đối thoại không sao có đoạn kết ấy tới tận bây giờ.
Cách nay mấy năm tới dự cuộc họp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, giờ giải lao bước qua chào chú Trần Bạch Đằng, ông hỏi Mày khỏe không, thưa cháu bịnh lắm. Ông hỏi mày bị bịnh gì, cười thưa chắc uống hơi nhiều, buồn thôi chứ bịnh gì đâu. Chú Tư xì một tiếng, nói Tao năm nay tám chục tuổi mà chưa có ngày nào buồn, mày bây lớn cũng bày đặt buồn. Á ạ ông già ơi, chú sinh năm 1926, chỉ thua ba cháu hai tuổi, các ông chiến đấu hơn nửa đời người, lúc sắp già thì thằng trận, tinh thần nó lên dữ lắm, tối nào nằm mơ cũng cười nên ông nào cũng sống quá tám mươi. Chứ cháu năm 1975 hai mươi tuổi về nam, qua mười năm đói nghèo thời bao cấp, qua thời mở cửa thì nghỉ việc nhà nước ra làm thường dân, cuộc đời cứ xuống dốc, tương lai đen thui như mõm chó mực, làm sao mà khỏe mà vui. Chú Tư hình như thấm ý, gật gật đầu.
Đúng là người no không biết lòng kẻ đói. Mịa, buồn chi con!
2.
Tam tự kinh có đoạn "Viết hỷ nộ, viết ai oán, Ái ố dục, nãi thất tình" (Nói mừng giận, nói thương oán, Yêu ghét muốn, ấy bảy tình), nhưng ngoài từ ai thì Hán ngữ còn có các từ bi, sầu, phiền, muộn... để chỉ khái niệm buồn. Tương tự, tiếng Việt chỉ có từ buồn nhưng các kết hợp buồn bã, buồn rầu, buồn phiền, buồn thương, buồn man mác, buồn se sắt, buồn não nuột, buồn vu vơ vân vân đều có chức năng chỉ rõ các khía cạnh và cấp độ khác nhau của khái niệm buồn, điều này cho thấy trong tình cảm và tâm trạng con người buồn là một vùng có biên độ rất rộng. Hơn thế nữa, với những tổng kết loại Vui quá hóa buồn, những kết hợp như Buồn lo, Vửa buồn vừa giận, có thể thấy cái vùng tâm trạng này còn đan xen, giao thoa với một số nếu không phải là tất cả các vùng còn lại trong tâm cảnh. Có thể nghĩ rằng ngoài các lý do xã hội và cá nhân, nỗi buồn còn có nguồn gốc tiềm thức hay vô thức.
Nhưng không nói tới những khoái cảm sinh lý hay bệnh lý, nỗi buồn còn là một động lực giúp tinh thần và trí tuệ thăng hoa. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật có danh hiệu Đại bi: sự thương xót lo buồn cho số phận của tất cả chúng sinh đã đưa vương tử Tất Đạt Đa lên vị trí một triết nhân cứu thế. Cho nên ngoài nỗi buồn bệnh hoạn nơi những kẻ không bệnh mà rên cứ cố gắng để buồn tới mức buồn thật vì không có lý do để buồn (ví dụ một số người muốn thành nhà thơ hay nhà yêu nước thương dân) thì quả thật nỗi buồn là một tài sản tinh thần đáng quý. Bởi ngoài ý nghĩa là phản ứng tự nhiên truớc những mất mát và thất bại cá nhân, nó còn gắn liền với những khát vọng cao xa và niềm đau nhân thế. Không phải chỉ trên phương diện triết học mà cả trên phương diện mỹ học, nỗi buồn cũng là cái giúp con người trở nên Người hơn. Phạm trù Cái bi trong mỹ học cổ điển là một minh chứng. Cảm hứng buồn tràn ngập, thấm sâu và hiển hiện ở tất cả các bộ môn nghệ thuật của loài người từ Đông sang Tây, từ cổ tới kim. Nếu không biết tới nỗi buồn đích thực, thế giới đã không có tranh Lêvitan, nhạc Mozart, kịch Shakespeare, thơ Vương Duy, Đỗ Phủ... và Việt Nam cũng đã không có sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương sau 1975 yếu đi rồi đến nay thì ngắc ngoải chính vì yếu tố bi trong thi pháp của nó đã không được coi trọng.
Đối lập với nỗi buồn là niềm vui. Còn nhớ năm 2002 trả lời phỏng vấn của Minh Ngọc, có một câu hỏi đại khái là anh sống không thấy vui sao, trả lời Niềm vui thể hiện sự thỏa mãn, nhưng bản chất con người là không bao giờ thỏa mãn nên niềm vui dễ làm con người tha hóa.
Nỗi buồn đích thực cũng là một diện mạo của Lương tri.
Tháng 7. 2008
_____
3.
Năm trước đang nháp entry này, chưa đề ngày tháng đã có mấy vị phá lệ xông vào comment, thậm chí chọc ghẹo nhau nghe rất vui vẻ, nên đành ráng viết cho tạm gọi là có đầu có đuôi rồi Buồn ơi chào mi luôn trong ngày, không phải hẹp hòi mà là có lý do.
Trang học có một nghịch luận là "Nhân giám vu chỉ thủy mạc giám vu lưu thủy. Duy chỉ năng chỉ chúng chỉ" (Người ta ai cũng soi mình chỗ nước dừng chứ không ai soi chỗ nước chảy - ý nói ai cũng muốn dừng lại. Nhưng chỉ có kẻ dừng lại được mới có thể làm dừng lại tấm lòng muốn dừng lại của mọi người). Một trong những điểm dừng quan trọng ấy chính là nỗi buồn. Thích Ca dừng lại ở đó thì nhiều người bỏ tham sân si, Jésus dừng lại ở đó thì nhiều người đem yêu thương làm kẻ thù bối rối, entry này dừng lại ở đó thì sau khi buồn có người sẽ vui hơn vì thấy mình vẫn còn có thể buồn nỗi buồn nhân thế.
Khuya nay post lên đã định thêm phần 3 này, nhưng sực nghĩ tới lần trước nên nén lòng để chờ xem người thiên hạ vui buồn ra sao. Thì quả nhiên lại như lần trước...
Amen A di đà!
Labels: Cao Tu Thanh
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home