Monday, July 13, 2009

Giữa Sương và Khói

Entry for July 13, 2009
Giữa Sương và Khói

Nguyễn thị Minh Ngọc

1. Hai nữ nghệ sĩ ấy cùng yêu một người đàn ông. Một đã mất. Một còn sống. Nam nghệ sĩ kiêm soạn giả tên tuổi ấy cũng không còn. Tôi may mắn được biết cả hai cô dù tuổi đời của họ có thể là mẹ, thậm chí chí là bà ngoại của tôi.

Những gì tôi biết về họ, đủ cho tôi viết một truyện đầy cảm xúc về tình yêu. Nhưng mãi đến giờ tôi vẩn chùn tay vì sức tưởng tượng của tôi không thể cao hơn những gì tôi đã được nghe thấy; mà sự thật của người nầy có thể làm tổn thương sự thật kia. Dù người không còn sống, người đã lẫn lộn các loại ký ức, nhưng quanh họ vẫn còn biết bao nhiêu con cháu, học trò và nhiều hệ lụy ràng buộc chung quanh, cần có những sự thật theo ý họ mong muốn. Mà đã chắc gì sự thật chính tôi được nghe, sờ.. trực tiếp là đúng, hay cũng đã được gia cố, tưởng tượng thêm của người nữ vĩnh viễn chọn, tặng đời cho yêu chỉ một lần. Có thể, họ cũng đã từng có những mối tình - coi như phụ - khác; nhưng với họ, phụ có nghĩa là âm, hay là không.

Nam nghệ sĩ kia, theo tôi biết, vị thế và tài năng của ông khiến quanh ông không chỉ có trái tim của hai người phụ nữ ấy mà còn nhiều, rất nhiều .. Lâu lắm rồi, nhân dịp giổ tổ sân khấu, được ngồi cạnh vợ của ông - người đã sanh cho ông những người con đã có những nỗ lực đáng kể để xứng đáng với tên ông, tôi đã làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ, xin bà cho biết bí quyết nào đã giúp bà chiến thắng bao mỹ nhân tài sắc khác trong ngành để trở thành “hoàng hậu”. Lúc ấy bà đã thất tuần, chiếc miệng móm vẫn tràn đầy duyên dáng, thì thào:

- Cô đã chinh phục thầy bằng tài năng. Cỡ như ông ấy mà kém tài thì không cách nào giữ được chân. Làm sao ông ấy có thể sống được bên những người đẹp vô hồn.

“Cô gái kia” thật ra đâu có kém tài năng, thậm chí có phần vượt trội. Quanh cô không bao giờ thiếu những người lụy vì cô và cô lụy. Như một số phần, ông đơn lẽ thì cô đã có đôi và ngược lại, khi cô một mình thì ông không thể đến với cô. Ðể rồi đến cuối đời, ai cũng thấy cô chỉ muốn nhắc đến MỘT, và tin rằng đời mình có một đó đã đủ lắm rồi. Chẳng thế mà cô buông tất cả để vào sống trong khuôn viên ngôi chùa cạnh nghĩa trang nghệ sĩ để chiều chiều còn ghé sang ngôi mộ của “chàng trai” và hát cho chàng nghe bốn câu vọng cổ mà cô vẫn khoe với mọi người rằng người ấy soạn cho cô.

Ngày được tin ngôi mộ ấy phải được bốc đi, chuyển thành tro bụi mang về một ngôi chùa khác - mà cũng phải thôi - để nằm cạnh tro bụi của thân nhân và người vợ đã sanh cho mình những người con mà cả hai đều tự hào; chúng tôi rất sợ một sang chấn tâm thần nào sẽ đến với người phụ nữ đơn thân ở tuổi gần trăm nhưng vẫn níu chút tình xưa làm lẽ sống.

Dịp giỗ tổ năm nay, cô vẫn nền nã áo dài, yểu điệu khăn san buông lơi quanh vai, cổ. Trân trọng cô như một vị tổ sống của nghề, ban tổ chức mời cô thắp nhang khai lễ. Nói chuyện với mọi người, cô vẫn đau đáu làm sao xây Ký Nhi Viện để con em nghệ sĩ có chỗ yên tâm học hành, kẻo mẹ cha nổi trôi nghề hát, con cái thất học theo. Trong cõi nhớ của cô, sân khấu vẫn đang là những năm 50, 60.. với những gánh hát còn là ghe hát, nghệ sĩ sống đời dọc đường gió bụi, đêm áo mão xênh xang, ngày lâm thâm khấn vái ông trời đừng chơi ác mua giàn... Nói chuyện một hồi, quên, cô lại đòi ra thắp nhang khai lễ, và mọi người lại dìu đỡ cô ra dù buổi lễ đã xong quá nửa. Giữa khói nhang mờ ảo, tôi hiểu người nữ nghệ sĩ ấy đã chọn con đường quên để sống. Trong cõi quên ấy, hẵn cô đã xóa rồi, cái ngày cô quyết định không đồng ý cho nhục thân người vợ, cũng là một nghệ sĩ khác, được táng kề nấm mộ người nghệ sĩ chồng mình.

Nhìn dáng thanh mãnh của cô trong tà áo dài sắc nhã, khuôn mặt rạng rỡ ngó thế hệ trẻ của Nhà hát Nghệ Thuật Hát Bội Thành Phố ra múa Tứ Ðại Thiên Vương, chúng tôi hiểu người yêu của cô - như cố nghệ sĩ Thanh Nga đã trả lời - có tên là Nghệ Thuật.

Cũng trong cùng bài phỏng vấn đó, Thanh Nga cho biết, điều cô sợ nhất, thậm chí coi là kẻ thù nữa, đó chính là Thời Gian. Riêng cô đào hát ngày xưa và là người Nghệ Sĩ Lão Thành bây giờ, sau lần cô liệm đi ba ngày rồi trở lại cõi thế cùng nhiệt huyết nguyên vẹn với nghề mà mãi bây giờ chúng tôi vẫn chưa tìm được người thay để làm lá cờ đầu cho Sân Khấu, luôn tạo cho chúng tôi cảm tưởng rằng cô không hề biết sợ Thời Gian.

2. Có ai ở Việt Nam sang, đi ngang một nhà hàng nằm ở góc đường gần khu Bolsa, sẽ ngạc nhiên không ít khi gặp một đạo diễn lừng danh một thời ở trong nước, nay an nhàn với tuổi già, thỉnh thoảng ghé đó, phụ một tay cho vui ngó hàng giúp con giúp cháu. Ông cũng là thầy của bao thế hệ đạo diễn tài năng trong nước. Nhìn đời của nhiều tiền bối đi trước lẫn đời mình, ông cho rằng tài năng là hệ lụy của những thân phận.

Như một số phận, ông là một đứa bé bị đẻ rơi khi mẹ ông cố nán ở lại chỗ chồng đang dạy học để coi cho hết đêm hát. Cha rời nhà vô bưng biền đi kháng chiến, mẹ ông ngày nào cũng bị Tây bắt tra hỏi nên bà phải đùm túm ba đứa con nhỏ vào khu, thoát chết trong gang tấc với tầu tuần của Pháp. Bẩy tuổi, mẹ mất, cha ông đốt căn nhà lá bà con che cho ở tạm để kéo mấy đứa con nhỏ lang thang với mình. Sau một trận càn, phải một mình chèo xuồng qua khúc sông đầy xác Tây lẫn xác dân thường chưa vớt kịp. Trăng sáng soi rõ từng thân thể úp sát be xuồng,cậu bé chưa tới mười tuổi đầu chỉ thèm mẹ còn sống để được trấn an mình bằng hai tiếng “Má ơi!”.

Sau nầy có lúc đóng vai đứa nhỏ bị má bắt đánh đòn, người diễn viên nhỏ được chứng kiến cảnh người bảo vệ dùng roi tre để ngăn một đứa bé đứng dưới hố, gác đầu vào bờ đất để xem vở ấy. Cả người quất roi và người bị quất đều vừa cười vừa khóc nhưng mắt không rời lớp kịch có thằng bé bị đòn. Sau nầy, trong Hồi ký ông ghi: “trong vai thằng bé đang nằm dài để chịu đòn, nhìn thấy cảnh đó, cổ họng tôi như nghẹn lại, trái tim tôi quặn đau.. Tôi đã khóc cho em bé khán giả dưới kia, khóc cho nhân vật thằng bé trong tôi, và tôi cũng khóc.. cho tôi”.

Là một trong những học trò của ông, trước khi sang bên đây sống, tôi đã kịp tham gia làm chương trình riêng cho ông, gọi ông là “người của những thân phận”. Số lượng nghệ sĩ muốn tham gia quá đông, với khoảng ba trăm vở, hơn ba ngàn nhân vật do ông đầu tư, dàn và viết thêm những lớp độc thoại bổ sung cho tác giả, thật khó cho công việc tuyển chọn lại. Những ngày cuối, nghệ sĩ Hồng Nga còn ở nước ngoài không tham gia được, tôi tiếc cho thân phận người mẹ đó quá nên đã cố học vai để được diễn. Ngồi chờ đến lượt đóng một phim khác, đem lời của vai nầy ra học, nước mắt bỗng trôi ra không ngăn được, đến độ chung quanh ai cũng ngạc nhiên, tưởng tôi gặp “vấn đề về thần kinh”. Có gì đâu, chỉ từ một người đàn bà bán chuối dạo có thật, bị chồng bỏ, đã nuôi được mấy đứa con vào được đại học - mà người thầy của chúng tôi đã chứng kiến từ lúc tụi nhỏ còn được xếp ngồi gọn trong lòng xe ba bánh đẩy. Tên vở là “Lặng lẽ khóc cười”. Mắt khóc nhưng thâm tâm tôi lại có nỗi hân hoan mới khi thấy mình có thể bổ sung vào danh sách các vai diễn của mình, người phụ nữ đã vượt qua những bất trắc vô thường do người đàn ông - đặc biệt người đàn ông mình yêu - để lại.

Người thầy của chúng tôi đã từng được báo chí trong nước và đồng nghiệp đặt cho danh xưng “Ðạo diễn ấm áp”, “Cây đàn muôn điệu”, “Lão Phù Thủy”. Dĩ nhiên để có được những danh xưng đó, trong nhập nhoạng khói hương của hậu truờng sân khấu, đời cũng xả xuống lưng ông vài nhát, có khi chính từ những cọng sự thân thiết với mình. Ông hiểu hơn nổi đau đời của người sáng tạo cũng là ân huệ do nhân gian ban cho từng số phận mà không phải ai muốn cũng được.

Giờ đây, sang đây nhưng nỗi nhớ nghề vẫn âm thầm ngun ngút tro than trong ông. Cũng may cô con gái đầu là nghệ sĩ Mai Phương đã tạo nhiều thuận lợi cho ông được “hành nghề”. Vở “Ngôi nhà không có đàn ông” của tác giả Ngọc Linh đã được ông “hải ngoại hóa” và dựng lại cho dàn diễn viên ngôi sao tại đây đang chờ ngày ngôi rạp mới hoàn thành để ra mắt. Còn được làm nghề, đạo diễn Ðoàn Bá vẫn cho rằng mình hạnh phúc hơn biết bao người đồng tuế.

3. Lâu lắm rồi chúng tôi mới được nghe lại “Áo anh sứt chỉ dường tà”, “Ðôi mắt người Sơn Tây”.

Cậu ca sĩ trẻ nầy nói trước công chúng rất vụng về, không được hay như khi cậu hát, dù rất chân thành. Cậu tâm sự với khán giả rằng cậu đã được nghe và mê dòng nhạc nầy khi còn nhỏ xíu, vì gần như mẹ cậu ru cho câu ngủ bằng loại âm nhạc có một thời bị cấm phổ biến nầy. Ði học Ngoại thương, cậu có mơ nhưng không tưởng tượng nổi có lúc mình là người được giao phó cho việc trình bày những mẫu nhạc nầy cho Hội Ðồng thẩm định để cấp phép. Ðược cho phép rồi, cậu lại là người được hát với công chúng đầu tiên.

Khi nghe cậu hát, có lẽ vì những ký ức tâm trạng riêng tư giữa chúng tôi và gia đình mẹ của cậu - tôi là học trò của một người dì của cậu và là bạn ngang lớp với một người cậu của Tuấn - tôi cảm được chàng trai nầy đã gồng gánh trên vai mình một nỗi trầm luân nào đó. Có thể đó là cái chết của người thân nầy, sự mất tích của người thân kia. Cậu của người ca sĩ trẻ nầy là tay vợt hạng nhất thiếu niên toàn miền Nam những năm bẩy mươi ở tuổi chưa tới hai mươi đã bỏ xác đâu đó trong lòng biển, còn bà ngoại của cậu đã ra đi trong một cái chết khá thảm khốc trong những ngày thị xã ấy có chiến dịch đánh tư sản. Một quá khứ khá nặng đè trên vai chàng trai hai mươi bẩy tuổi. Có vẻ như bằng giọng hát đầy nam tính của mình, cậu đã vượt được hệ lụy của thân phận, vượt được những khói sương khỏa lấp đời mẹ cha rồi đến cuộc đời chính mình.

Ðược biết “Ðôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng không phải là của hai người phụ nữ - hai nàng thơ, trong cuộc đời thi sĩ, mà lại là của chàng thanh niên mà Quang Dũng đã được gặp ở vùng Sơn Tây. Cách đây đâu khoảng bẩy mươi năm, cùng với những Hữu Loan, Văn Cao, Trần Dần, Tô Hoài, Phùng Quán.. , người thi sĩ ấy cùng bạn bè của ông đều còn rất trẻ, trẻ hơn cả chàng ca sĩ trẻ tên Ðức Tuấn nầy, chỉ khoảng trên hai mươi một chút, họ đã lao vào khói lửa chiến tranh với một tình yêu tha thiết, mối tình lớn cho quê hương đất nước, bấp chấp những sương mờ khói tỏa, ngăn họ đến, sống, và sáng tạo, trong cõi đời nầy
Tags: | Edit Tags



Monday July 13, 2009 - 08:50pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for July 13, 2009

Previous Post: Entry for July 12, 2009

Comments(1 total) Post a CommentMAP M Offline Em xin phép được comment cuối ở đây trong ngày cuối của Yahoo!360 cho entry của chị :giữa sương và khói của son phấn nghi trang lộng lẫy , của óng ả trang phục sàn diễn , của những cười khóc màn nhung là những đóng góp rất thực cho đời của những nghệ sỹ này ...
Làm nghệ sỹ , thành nghệ sỹ ... ai cũng hiểu là phải mang hết một kiếp tằm mà trả nợ dâu . Người nghệ sỹ tự gặm nhắm những biển dâu đời mình - không những thế , cả biển dâu của người - rồi xay xát , rồi nhào nặn rồi vắt kiệt nó ra thành những mảng tinh tế của nghề ...quay trở lại như một vòng tròn vay trả , những vai diễn đó mang đến cho họ ánh hào quang danh vọng , trả cho họ những cuộc vui xưng tụng ngất trời ... mang đến cho họ thênh thang ngựa xe …
Song tận trong lòng họ và cùng chung số phận , cả trong lòng chị nữa , đều hiểu : Cuộc sống thực ngòai kia đã lấy đi của họ một cuộc đời …
Cái cuộc đời nhiều khi yêu ghét cũng hư vô …


Monday July 13, 2009 - 10:28pm (ICT) Remove Comment

Labels:

1 Comments:

At July 14, 2009 at 3:08 AM , Blogger margarita said...

Người nghệ sỹ, hơn ai hết thấm đẫm ý nghĩa câu quan họ xưa "Còn duyên kẻ đón người đưa..."> Những phận người về già thì đa số là buồn lắm mà những nghệ sỹ về già còn tôi nghiệp hơn. Mấy lần coi các phóng sự về Nhà dưỡng lão của nghệ sỹ phía Nam tôi lại thương những lão nghệ sỹ phía Bắc. Họ ko có Mãnh thượng quân để ủng hộ một căn nhà dưỡng lão riêng, cũng thi thoảng có tổ chức "Hội nghệ sỹ" thăm nom khi đau ốm với số tiền tượng trưng được trích từ quỹ hội của các cụ về hưu.Nhưng số tiền thăm hỏi ít ỏi này cũng chỉ tới được với ít cụ ở thành phố thôi, các cụ nào về quê thì thôi_ nhất là những người ko có mấy tên tuổi thì chìm ngay vào quên lãng. Ko biết có phải do có chút "duyên, tình" với các nghễ sỹ sân khấu ko mà tôi hay xúc động trước những số phận nghệ sỹ. Và tôi thấy những tình cảm sâu xa, chân thực ấy từ những trang viết của chị; tình cảm thực sự của một tâm hồn yêu người, yêu nghề, yêu thương những thân phận Người_ không "diễn".

 

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home