DEPARTURES
Entry for July 08, 2009
DEPARTURES
Giàn nhạc giao hưởng ở Tokyo mà Daigo Kobayashi (Masahiro Motoki) chơi cello bị giải tán vì ế khách khiến người nhạc công trẻ nầy bán đàn, cùng người vợ trẻ Mika (Ruoko Hirosue) về sống ở một thị trấn nhỏ vùng núi phía bắc Tokyo trong căn nhà của mẹ anh ngày xưa. Đọc quảng cáo trên báo địa phương, Daigo đến với ông xếp có tuổi (Tsutomu Yamazaki), tưởng mình sẽ có việc làm mới liên quan tới một công ty du lịch. Không ngờ đó là một công ty tẩn liệm người chết. Báo chí quảng cáo in lộn “departed” (quá vãng) ra “departures” (khởi hành). Anh được nhận ngay. Được trả lương hậu. Chỗ làm mới chọn anh làm người mẫu quá vãng, quay một phim viđêo nói về những nghi thức đầy đủ gồm tẩy uế, mặc quần áo, chải gỡ, cho vào quan tài của người chết để ăn tiền người sống. Daigo giấu vợ chuyện mình làm. Khách hàng chết nhiều cách. Gia đình đông đảo của họ còn lại, không ai giống ai. Riêng anh có tuổi thơ học âm nhạc, lớn lên thì nay mẹ đã mất. Ông xếp của anh và cô phụ tá cũng có kỷ niệm riêng. Anh ngồi trên đồi nhìn xuống con đường ngoại ô thành phố, kéo cây đàn 3/4 thời còn nhỏ một bài nhạc thời thơ ấu.
Masahiro Motoki trong vai Daigo Kobayashi. Movieweb.com
Tiếng nhạc vang lên chấm hết một câu chuyện có nhân vật chính “tẩn liệm” cha mình sau mấy chục năm không cha. Xen cuối nửa khôi hài nửa cảm động: nhạc sĩ thất nghiệp, ngồi trên đồi, chơi một bản nhạc xưa mà cha thích, người sống và kẻ chết – đời sống và sự chết – có hòa giải được không? Dóp mới liên hệ tới cái chết có hóa giải lòng thù hận người cha đã “liệng anh vô thùng rác” khi bỏ đi, theo một người đàn bà khác?
Đạo diễn lão luyện Yojiro Takita quay một phim truyện dài 2 tiếng 10 phút chiếu, đoạt Oscar Giải phim truyện nước ngoài hay nhất (Oscar lần 81, năm 2009) vừa qua, sau Rashomon của đạo diễn Akiro Kurosawa (Oscar 1953) và 3 phim khác của Nhật như, Bảy người hiệp sĩ (1957). Tác phẩm văn học mà đạo diễn Takita dựa vào: Okuribito (Kẻ tiễn người đi), hồi ký của Shinmon Aoki. Chủ tịch phân bộ Oscar phim nước ngoài Mark Johnson phát biểu: “Cảm xúc luôn lấn át não trạng” để nói về nội dung đã chọn làm phim nước ngoài hay nhất của Oscar 2009, lấn át luôn The Class của Pháp (Giải Nhành cọ vàng Cannes), Waltz with Bazir (Hoạt hình Do thái), Revanche (Áo).. Departures đã khiến khán giả cười, khóc, nghĩ ngợi về lẽ sống chết. Trên hết, phim về sự chết và người chết có làm cho đời sống và kẻ sống tốt với nhau hơn? Thủ thuật của đạo diễn trước sau có cố tình làm cho “cảm xúc lấn át não trạng” trong một phim dài trên hai tiếng?
Gì thì gì, thủ thuật đó hết sức tế nhị – đó là nhận xét thứ nhất của chúng ta. Một nhạc sĩ mất dóp, chưa hề sờ tới một cái xác chết, bây giờ sờ tới – không phải cây đàn – mà là người chết với những nghi thức cổ truyền trước mặt gia đình người sống đang quỳ gối xung quanh, chứng kiến. Dóp mới khiến anh có nhiều tiền mang về cho vợ, nhưng anh phải làm đủ mọi lề thói, nghi lễ, làm nhẹ nhàng, thay quần áo, thoa son lên môi, đặt vào bàn tay sâu chuỗi niệm, tiết kiệm từng chỗ da thịt người chết không cho ai thấy.. tất cả tỏ một lòng tôn kính với người đi qua bên kia thế giới mà còn đối với người còn lại bên nầy. Camêra và sự im lặng của màn ảnh khiến khán giả chúng ta biết thêm một thủ tục nước ngoài mà còn khuấy động trong chúng ta niềm tôn kính sau cùng của người sống đối với kẻ chết. Huống là sự chết – trong tin tưởng của khán giả đông phương – không phải là nơi chấm hết. Đó là nơi mở cánh cửa ra một đời sống miên viễn khác, một cõi khác như màn ảnh của Takita gợi lên. Những hình ảnh đi kèm có bầy chim cánh trắng bay lên. Màn ảnh của Takita chỗ nầy thật đẹp, thật rộng, bao la hơn nhiều so với sự sống mà ông mô tả gồm những được, mất, thù hận chật hẹp.
Mất? Ông xếp của Daigo ngậm ngùi: “Bà ấy ra đi trước. Thật khổ mà sống tiếp như người còn lại (trỏ lên ảnh treo tường). Bả là kẻ thứ nhất tôi lo mọi sự. Sau đó đem những chung sự ấy làm thành nghề của mình.” Nghề ấy nay là của Daigo. Người chết thì đủ tuổi và đủ kiểu: có ông già, bà ngoại (gia đình vừa thương tiếc vừa cười lăn). Có người tự tử, xác đã sình thúi. Có người trẻ nạn nhân ngồi sau xe hai bánh khiến gia đình còn lại ấu đả nhau ngày tẩn liệm. Cái mất in dấu ấn không phai trong đời Daigo là cha anh, kẻ đã bỏ mẹ anh, bỏ rơi anh, đi tìm “cái khác” – khiến anh phẩn nộ: “Mọi người đàn ông bỏ rơi con mình đều giống nhau thế sao?”
Thật ra, Daigo được nhiều thứ: tuổi nhỏ học cây đàn 3/4, mặt mũi ngốc nghếch kéo một bản nhạc cho cha ngồi nghe khiến cha tấm tắc. Trong bao ka-ki cây đàn cỡ nhỏ còn rớt ra một hòn sỏi to của mẹ anh cho. “Hễ trơn láng là tương lai ngon lành, hễ nhám là cha mẹ còn lo âu.” Lớn lên có người vợ trẻ đẹp, kẻ đã khám phá Daigo hiện đang làm nghề gì, yêu cầu chồng bỏ ngay. “Sờ người chết là bậy ư? Ngày nào đó cả tôi lẫn cô đều lăn ra chết, chết là điều tất yếu.” – “Nhưng anh phải quit nó ngay. Em đã cười mỉm, nghe tin anh bán cây đàn, quit giàn nhạc. Lúc đó lòng em tan nát thế nào.” – “Bây giờ nếu tôi không quit?”
Thì vợ anh quit! Miko đón xe lửa về với mẹ. Lại ..trở về cùng Daigo: “Em tưởng anh cần em.” Đó cũng là lúc nàng nhận được thư báo tử của cha chồng do người phát thư mang tới. Daigo miễn cưỡng tới gặp xác cha. Anh tần ngần. Nhà đòn tới, “thô bạo” định mang đi, cho vào quan tài đem chôn. Nhưng vợ anh cản lại: “Anh ấy là người tẩn liệm chuyên môn.” Daigo làm chuyện chuyên môn. Anh lẩm bẩm: “Một người đàn ông, cả đời làm lụng, khi chết, đồ vật riêng chỉ gồm một cái thùng giấy đó ư?” Anh làm tiếp những nghi thức, mở các ngón tay người chết, anh gặp một hòn sỏi nhám rơi ra. Daigo nhìn cái xác chết. Nước mắt anh chảy dài.
Departures là một phim cảm động. Cái chết trên phim khiến cho cái sống còn lại của chúng ta trở nên tốt hơn cùng nhau? Đầu phim, Daigo ra nghề lần đầu, sạch sẽ hóa cái xác một cô gái, sờ vào chỗ phải tẩy rửa, gặp phải “the thing” của đàn ông. Sự hóm hỉnh ấy của đạo diễn một phim nói về cái chết và cái sống khiến khán giả phì cười. Phim chậm và dài. Có tác giả cho đoạn cuối không cần thiết: Daigo ngồi trên đồi cao, phía sau là núi Phú sĩ đỉnh tuyết vạn niên.
Diễn viên Masahiro Mitoki kéo cây đàn cello cỡ 3/4. Diễn viên nầy nhướng mắt ngạc nhiên, môi mím như cố cầm cái khóc. Đoạn cuối ấy không thừa: Anh nhạc công mất dóp nầy hòa giải được hết thảy, hóa giải được với cái mất mát đeo đẳng anh cả đời như của một đứa con bị bỏ rơi. Anh ngồi đàn một bài hát dành cho cha, giữa trời, như nói điều đó với những người sống còn lại, những người sống khán giả của đầu phim trong bản giao hưởng số 9 có hợp xướng bài Ngợi ca Niềm vui, những người sống thỏn mỏn dần con số đến sập tiệm luôn giàn nhạc. Dùng một nhạc công thất nghiệp, để nói lên ý nghĩa của đời sống và cái chết trong dóp mới của nhạc công ấy chẳng ăn thua gì tới dóp cũ, đạo diễn Yojiro Takita vừa khôi hài vừa sâu sắc, khiến Departures xứng đáng là một phim không thể không xem.
Cao Thanh Tùng
Labels: film
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home