Monday, July 13, 2009

Người Thầy NSND Phùng Há

Entry for July 12, 2009
Người Thầy NSND Phùng Há

- trọn đời trả nợ dâu.


Tài năng và cực kỳ khiêm tốn, đó là những điều đầu tiên đến trong đầu tôi khi xung phong làm chương trình “Nghệ Sĩ Nhân Dân Phùng Há, trọn đời trả nợ dâu.”, xuất hát cải lương độc nhất vào 20 giờ ngày 14 tháng 7 năm 2001 của các thế hệ học trò của cô Bẩy để tri ân cô do Nhà Hát Trần Hữu Trang tổ chức. Thử ngó coi, tôi đang là một đứa thất nghiệp, đi lang thang, được chọn về phụ một tay đào tạo cho trường dạy nghề của một nhà hát cải lương, có cơ duyên được ngồi cùng phòng, đôi khi cùng bàn với cô, vậy mà có những giờ giải lao cô cứ thì thầm với tôi: “Cô Ngọc ơi, tôi là người không có học hành trường lớp, chỉ học rồi dạy theo lối truyền nghề kiểu ông bà mình xưa nay, còn cô chắc là có cơ bản sư phạm kiến thức của Tây Au, có gì mình cứ thẳng thắn trao đổi với nhau.”. Những lời đó cô không chỉ nói một lần, dù tôi đã tình thiệt thưa với cô là mình tu mấy kiếp mới được cái duyên làm việc chung và cũng là học nghề từ cô.


Trong những giờ giải lao đó, tôi cũng được nghe nhiều tâm tình thời trẻ của cô, cái mối tình với nghề, với người mà cô đã nhập đạo đời làm một. Khi thành phố tôi ở kỷ niệm 300 năm tuổi, tôi chuẩn bị tài liệu để soạn hai kịch bản mà với tôi trong đó có những nét đặc thù của Sài Gòn, một về thần tượng của tôi, với tên “Nguyễn An Ninh, người lãng mạn đầu thế kỷ”, một về những nhân vật trong hai lãnh vực đặc biệt của vùng Nam Bộ: Cải Lương và Báo chí. Vì nhiều lý do, hai kịch bản đó không dựng được ở sân khấu mà trôi giạt sang truyền hình. Phần thưởng lớn nhất cho tôi là khi tặng cô cuốn băng thâu lại vở “Vầng Trăng Ai Xẻ”, nghe Thảo, cô cháu sống chung khúc cuối đời của cô kể, cô thường khoe với nhiều người: vở đó cô Ngọc viết về cuộc đời tôi. Vai nữ chánh trong đó là một cô đào có mối tình dài gần cả thế kỷ với người ký giả kiêm soạn giả viết tuồng cho mình nhưng chưa bao giờ họ độc thân cùng lúc để đến với nhau; rồi vận nước nổi trôi, mãi đến lúc cô ôm được ông trong tay thì chỉ là một phần thân thể chết. Cuối đời, cô chọn nơi sống gần ngôi mộ rỗng của người xưa. Hình ảnh cô đào chỉ mượn từ đời cô, còn nhân vật nam thì phải cọng vào một chút chú Năm Châu, một chút soạn giả Trần Hữu Trang và có cả hình ảnh của người khai sanh ra giải Thanh Tâm là ông Trần Tấn Quốc.


Khi đi đây đó một mình, tôi đành phải làm liều diễn nhiều trích đoạn trong đó có đoạn độc thoại của một cô đào hát, nhiều khán giả lớn tuổi trong ngoài nước, ra vẻ hiểu biết, hỏi tôi, đó là chuyện đời của cô Bảy Phùng Há phải không? Ðúng là trong kịch bản “Người đàn bà đức hạnh” mà NSƯT Hồng Vân và “Cô Ðào Hát” mà NSƯT Phương Hồng Thủy diễn thì không có đoạn khi bé, cô đào đi làm ở lò gạch và thường được người lớn làm choàng với yêu cầu cô bé hát cho mọi người nghe. Có thể nói những khúc đời mà cô thủ thỉ kể cho tôi nghe trong giờ giải lao giữa các tiết dạy ròng rã suốt mấy năm đã ngấm vào tôi và khi có dịp, mọi thứ cứ trào ra. Cô cũng là một trong những nhân vật sống hiếm hoi không than phiền mà còn hãnh diện khi được mời vào những ký sự của tôi.


Khúc đời đi dạy một bộ môn mà có lúc chỗ dạy cũng nổi trôi, học viên tới lớp nhiều khi ít hơn số người đứng lớp (cô, tôi, và mấy cây đờn, thầy dạy hát, dạy vũ đạo nữa) cảm hứng làm nghề của tôi nhiều khi tuột xuống điểm âm, nếu không ngó trực ngay sát cạnh mình, một lão bà bà lưng thẳng hơn cả bọn trẻ chúng tôi, áo dài, khăn choàng phơ phất, vẫn hiên ngang cầm đao ra hươi bộ làm mẫu, vẫn lặng lẽ leo mấy bậc thang lên tận tầng cao nhất ở building Thuận Kiều khi ngôi biệt thự xinh xắn ở Nguyễn Gia Thiều được ông Võ Văn Kiệt cho để làm trường đã bị đổi về đó, vẫn ngồi phơi nắng dạy ngoài sân khấu 126 khi căn phòng thuê nơi đó cần trưng dụng lại để họp, không bỏ giây nào cho chuyện than van vì còn bận hừng hực truyền nghề.


Ở tuổi gần 90, bác sĩ cấm diễn, cấm dạy nhưng cô vẫn cố trốn lệnh để dạy cho cả những học viên tưởng không dạy được. Thử hình dung xem có lúc số thi vào mấy ngàn, tuột còn mấy trăm, xuống mấy chục và đến khóa cuối cô dạy thì gần như bao nhiêu người đi thi thì đều được nhận vào. Cô vẫn dạy cho đến ngày chúng tôi không còn kinh phí để đào tạo nữa. Cô kể có lần cô ngưng thở có đến ba ngày, gia đình chưa đưa vào áo quan vội, ngờ đâu đến ngày thứ ba cô thở lại. Rồi cô kết luận, những người mà diêm vương đã tha một lần như vậy thường sống thọ lắm. Và cô cho là để trả cái nợ được sống thêm đó, không dạy thì cô cũng tiếp tục làm từ thiện bằng chính con người và trái tim thật của mình, cô cũng biết chỉ khi thấy cô lao vào làm như vậy mới lay động được những người còn quan tâm đến cô tiếp nối công việc này.


Kỷ niệm chung của cô và tôi thì nhiều. Ðợt làm chương trình cho cô, cô dặn tới dặn lui, đây là lần chót nghen, tôi sẽ nhân dịp này chào từ biệt khán giả luôn, mình là đào hát, chưng ra một nhan sắc tàn héo là có lỗi với khán giả tri âm. Quyết là vậy nhưng đợt lên chùa nghệ sĩ để cùng cô lên sóc Bom Bo tặng quà, vẫn thấy cô tập thể dục thẩm mỹ trước phút lên đường, nằm đá ngược chân lên tới gần chót mũi, tự chăm sóc mình lần này không phải để chường ra máy quay mà để đủ sức đi khúc đường trường còn lại. Lo người cùng nghiệp, lo từ kẻ sống đến lo cho người chết, lo cho trẻ thơ con em nghệ sĩ và nghĩ đến cả trẻ chưa sanh, cuộc đời cô chắc không có giờ để than trách mà chỉ có hành động như một cách tri ân những gì cuộc sống cho lẫn lấy đi của mình.


Một lần cùng ra thăm mộ chú Năm Châu cách nơi cô ở vài bước, nghe cô hát lại những câu vọng cổ mà chú viết riêng tặng cho cô, thấy cô hồi hộp rất thương. Cô lặng ngưng một chút với một nhịp trật, ra hiệu cho đàn ngưng rồi nói với tấm bia: “Rung quá mà trật mất một nhịp rồi, để hát lại nghen.”. Bây giờ, chắc chắn là cô không còn xôn xao vội vã nữa, mà thanh thản khi trở về một cõi đầy đủ các tri âm đợi mình.


Nguyễn Thị Minh Ngọc





Tags: | Edit Tags



Sunday July 12, 2009 - 10:24pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for July 13, 2009

Previous Post: Entry for July 12, 2009

Comments(1 total) Post a CommentFiamm… Offline Em qua chào cô! Chào cả bà Bảy nữa! Bài cô viết cho bà Bảy thấy cả chân tình, em đọc rất xúc động.
Em học cô ba chục tiết, không phải học trò trong nghề, nhưng rất nhớ cung cách lên lớp của cô, không chỉ là một giáo viên mô phạm, cô quả thực có lúc đã là một cô đào trên bục giảng cho một môn học không phải chỉ có lý thuyết!

Monday July 13, 2009 - 01:27pm (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home