Friday, June 20, 2008

Nhận được bài thơ nầy từ ông Bùi Thụy Băng, người con trưởng của cô Thụy An đã lâu nhưng hôm nay mới đưa lên được.
Theo bản viết tay của mẹ ông để lại thì Anh giáo trẻ trong bài thơ sau nầy chính là Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông cũng phủ nhận hoàn toàn chuyện quan hệ tình cảm giữa cô Thụy An và ông Ðỗ Ðình Ðạo là người mà “người ta” cho là cô đã đầu độc.
Theo ông thì ngoài người chồng (mà sau nầy chung sống với em gái của vợ mình, tức dì ruột của ông) thì mẹ mình chỉ có một rung động thời mười sáu tuổi nầy thôi.
Ðưa lên đây khi Anh Ðồ Xứ Nghệ còn sống để mọi người còn có thể kiểm tra lại.
Cô Thụy An đã mất, và cùng với vài người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, cô vừa được nhà nước ‘chiêu tuyết’ trong một thông báo năm rồi.
Nhân blog của chú Tô Hải đang nhắc đến Phùng Cung và Tuân Nguyễn, tưởng cũng nên nhắc đến người phụ nữ viết văn nầy, chủ bút tờ báo Ðàn Bà Mới tại Hà Nội, từng đứng trước toà, tự móc một mắt trái để minh oan vào những năm tháng nghiệt ngã nhất của đất nước cũng như của đời bà.
Sau lời nhắc của anh Nhơn là ông VNG quê Quảng Bình, có hỏi lại gia đình bà, ông Bùi Thụy Băng cho biết sẽ gửi những trang viết tay của bà khẳng định người thầy là ông VNG, nhưng có lẽ hồi nhỏ, nghe tiếng trọ trẹ, không hỏi kỷ, cô thiếu nữ bấy giờ ngỡ rằng thầy gốc Nghệ. Ông Băng cũng cho biết thêm, ông Trần Trọng Kim có nói đến chuyện nầy trong một bài viết. (ông Bùi Kỷ là bà con bên cha ông, Bùi Băng Sơn)
Ông Băng sẽ xuất bản một cuốn sách về mẹ mình, Thụy An, cuộc đời và tác phẩm, trong năm nay. Trong đó nói rõ hơn về tám năm sống trong Hỏa Lò (1958-1965) với chuột bọ của bà. Bà cũng có một tác phẩm được giải thưởng của Anh.
Sao Lại Mùa Thu?
Chuyện Anh Ðồ Xứ Nghệ
Thụy An
Năm ấy xuân vừa mười sáu
Mộng trinh bừng nở má tơ
Môi đào cười rung mắt biếc
Xôn xao lắm ngã học trò
Tay mềm ngoan ngoan cắp sách
Nghỉ hè theo học lớp riêng
Anh giáo trẻ mà mô phạm
“Các cô phải học cho siêng”
Vâng dạ bên ngoài lấy lệ
Ra về khúc khích bảo nhau
“Khéo ghét Anh Ðồ Xứ Nghệ
Hơn mình mấy tí tuổi đầu
Ðã thế...” Một ..chương trình nghịch
Phăng phăng được thảo ra liền
Mấy cô dẩu mồm đanh đá
“Muốn siêng, anh sẽ được siêng”.
Bài học cho chừng trang rưỡi
Mà hôm anh gọi đọc bài
Lập tức thao thao bất tuyệt
Liếm mồm đọc mãi không thôi
Liên tiếp cô này cô khác
Ðọc không dứt đoạn cầm hơi
Phút ngạc nhiên rồi, anh hiểu
Run run anh giận tái môi
Lớp học tan trong tẻ lạnh
Học trò lầm lũi bước ra
Mắt anh tối sầm tức. tưởi
Thương anh có kẻ trở vô
Ðã có lời gì qua lại?
Giữa đôi thầy giáo, học trò
Thầy vốn mang thân hàn sĩ
Trò nhiều tình cảm vẩn vơ
Chỉ biết kể từ buổi ấy
Lớp riêng ghi một lý riêng.
Trò gái chanh chua đáo để
Làm thinh, anh vẫn thản nhiên
...
Lặng lẽ nhìn vào góc khuất
Long lanh đôi mắt to đen
Ðôi mắt vuốt ve an ủi:
“Binh anh có tấm lòng em”
Hai tháng, chao! đi chóng quá
Qua rồi lớp học nghỉ hè
Nhưng người kia thôi chẳng tiếc
Nhìn em mắt chẳng nỡ lìa
Quê anh xa trong Xứ Nghệ
Núi cao, sông thật là sâu
Hung hãn vọng vào tiếng bể
Hờn căm rít ngọn gió Lào
Anh mang trùng dương giận dữ
Anh mang hoang dại khô khan.
Dìu dịu mùa Thu Xứ Bắc
Dạy anh biết thú mơ màng.
Ðẹp là mắt người em gái
Nhìn vai áo rách rưng rưng
Ðẹp là bàn tay mềm mại
Ðôi khi vuốt trán nóng bừng
Em thương cảnh anh hàn sĩ
E rằng trọ học không lương
Em về kêu nài thầy mẹ
Ðể cho anh giảng bài trường
Hận quá lòng em mười sáu
Dịu sao thương những là thương
Ngây thơ em đâu có biết
Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận non sông
Môi bẳm tai nghe rên xiết
Áo cơm đọa dưới cùm gông
...
Máu anh chẩy giòng uất hận
Anh là thù của chữ Thương
Rạt về mùa Thu Hà Nội
Sao lòng anh bỗng vương vương
Sao bỗng vui niềm trưởng giả
Ánh đèn sáng mái đầu tơ
Khô khan chàng trai Xứ Nghệ
Có chiều lại biết làm thơ.
Có chiều nhìn bàn tay trắng
Bút cầm trên giấy nhẹ đưa
Ám tả anh ngừng, quên đọc
Rằng: Em có nghĩ bao giờ
Về thăm quê anh trong đó
Ngắm nhìn Hồng Lĩnh cao cao
Hùng vĩ chín mươi chín ngọn
Khí thiêng sản xuất anh hào.”
Em cười giòn tan buồng học
“Em yêu Hà Nội mà thôi”
Lơ đãng ảo huyền cất bước
Thời gian bóng đổ u hoài
Nhưng anh vẫn chăm rèn cặp
Và em vẫn cố học hành
Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất
Ðời chưa vẽ nét đan thanh
Công lý tù đầy uất uất
Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh.
Anh mơ buổi mai nhân loại
Anh mơ cháy rực mắt sâu
Anh mơ lõm đôi gò má
Anh mơ tóc chĩu mái đầu
Ngoan ngoãn là người em gái
Cùng anh chung một mối mơ
Cùng anh chia niềm uất hận
Tương lai nhân loại hẹn hò
Ðổi thay cũng người em ấy
Mấy chiều chẳng đến học anh
Bóng vẽ lê mình gác xép
Tiếp phong thư ngỏ giật mình
“Em sắp lấy chồng, anh ạ
Mừng em, anh có gì không?”
Cười gằn, phong thư xé nhỏ
Xé tơi những ngón tay hồng.
Ghê cái mùa Thu Hà Nội
Hững hờ mấy lá vàng bay
Ru nỗi buồn câm phố vằng
Lê chân vẹt mấy gót giầy.
Em những âu vui duyên mới
Lâu lâu chợt nhớ tới anh
Môi đào nhoẻn cười hóm hỉnh:
“Hẳn là anh ấy giận mình”
Nhẩm tính thăm anh một buổi
Chần chừ nay hẹn đến mai
Riêng những tấm lòng phơi phới
Thời gian thâu vắn chẳng dài
Vun vút thoi bay cửa sổ
Mùa thu qua mấy mùa thu
Em đã con bồng con bế
Vô tình quên hết bạn xưa.
Ðể có hôm kia một buổi
Trời cuồng trút hết gió mưa
Kẻ lớn trong nhà xa vắng
Mình em nghe đổ phong ba
Anh bỗng hiện ngoài khung cửa
Xé trời tiếng sét nổ theo
Mắt cháy bừng bừng cuồng nhiệt,
Nhếch môi nửa hận nửa kiêu
Run rẩy thương lòng thiếu phụ
Phút giây bừng hiểu muộn rồi
Cúi mặt lắng nghe ân hận
Tràn dâng khóe mắt đầu môi
Anh đã nói gì anh hỡi!
Em nghe loáng thoáng mơ hồ
Tình lỡ sầu theo nửa mộng
Hẹn về toàn thắng mùa Thu
Mùa Thu mùa Thu về đây
Có người ghìm mộng trong tay
Có người mang tin chiến thắng
Ði tìm em của những ngày.
Em đã khóc rồi, em đã...
Biển dâu nào lại biển dâu
Vừa mới rụng tàn thế hệ
Ai còn “Hải thị thấn lâu”?
Thôi nhé, em về bên ấy
Mỏi rồi, chơi cuộc hú tim
Ðã rẽ đôi giòng lý tưởng
Hương xưa: ngọc đắm châu chìm
Em còn hẹn hò Hậu Kiếp
Anh không tin chuyện luân hồi
Lai sinh em chờ người đó
Kiếp này anh mộng cùng ai?
Mưa gió nấc câu tương biệt
Ai nhìn theo hút Tiêu Lang?
Ai đến bước chân luân lạc
Ai chờ nghe khúc khải hoàn.

(Nguyên Quy cũng là một bút hiệu của Thụy An)

Labels:

Thursday, June 19, 2008

5. RỪNG

Vừa thi học kỳ bốn cuối năm thứ hai, lớp rụng bớt Anh Hoa và Thiên Kiều, còn lại mười ba người. Thấy lớp đã có một số vốn kha khá, thầy Minh quyết định đưa lớp lên rừng biểu diễn.
Daknon là một khu định cư mới ở Tây nguyên. Dân thành phố lên đó nhiều: Thanh niên Xung phong cấp thành và cấp quận, lao động cải tạo, làm rừng, đốn cây, trồng cao su, đập đá v.. v... Cả lớp đều reo mừng hớn hở (rất nhiều đứa chưa biết rừng là gì), trừ Tiên.
Tiên xin gặp riêng thầy Minh để xin phép ở nhà và xin được không nói rõ lý do. Thầy kéo Tiên đến một quán cà phê vỉa hè, hút thuốc như thở ra bằng khói, rồi hỏi:
- “Em không nói nhưng tôi biết, định ở nhà để đi thăm nuôi bố ở Chấp Pháp phải không?”.
Tiên đành phải gật đầu. Chẳng dám hỏi tại sao thầy biết. Lại phun khói mịt mù, thầy Minh tiếp:
- “Chuyến tới em hẳn đi thăm bố. Ông vẫn sẽ còn ở đó vài tháng nữa, trễ một đợt cũng không ảnh hưởng gì đâu, nhưng mà, vì em, tôi đề nghị em nên đi chuyến này”.
Tiên băn khoăn, đắn đo. Ít khi thầy Minh năn nỉ ai. Mà thật ra thầy có năn nỉ đâu. Thầy cứ ngồi đó, hút thuốc, mặt thừ ra buồn bã. Rồi nói tùy em. Nếu tùy thì Tiên đi. Cứ coi như đang học bài giả sử của học kỳ I đi. Giả sử như ba vẫn còn ở nhà. Hoặc giả sử không có cơn bão, giờ này ba đã đến một cái đảo nào đó rồi.
*
* *
Ðường từ ngã tư Ðồng Xoài trở lên xấu không tả được. Cả đám vui như trẻ con khi được thấy rừng cây giá tỵ lá to xanh chuyển vàng nâu đẹp như tranh. Có những cái lổ thủng trên đường phải gọi là ổ voi chứ không thể gọi ổ gà. Tiên cười đùa với các bạn và đồng thời nghe cồn cào nổi nhớ thương ba. Thỉnh thoảng bắt gặp thầy Minh nhìn mình, ánh mắt rất lạ. Khi xe ngừng ăn trưa, Mã Yến tới thầm thì:
- “Hôm nay đúng là ngày bồ của thầy Minh đi Pháp. Ông ấy gan thật. Không ở nhà mà đi tiển”.
Anh Mẫn bên lớp đạo diễn tức tối:
- “Ngày đi diễn có thể dời được mà. Cái ông Minh này thật !”.
Mọi người kết luận, chắc thầy Minh không yêu cô ấy. Nhưng mình có yêu ba không? Tiên cho rằng mình vẫn rất yêu ba, nhưng yêu theo kiểu của mình. Cô rất không muốn ba cứ lao vào những cuộc phiêu lưu mà hết 90% là tuyệt vọng. Nhưng cô cũng biết mình không đủ sức can ba mình được. Cô lãng mạn nghĩ rằng. Với ý chí của riêng mình, bằng những bước của ốc sên, cô cũng sẽ đi được nước ngoài, đi chơi thôi rồi về, nghĩa là sẽ đến được các nơi mà ba cô muốn đến, mà không cần phải “gót rỗ kỳ khu” như thế kia.

Dọc đường đi, nhà cửa thưa dần, lác đác người đi. Núi chập chùng thoáng hiện. Bỗng dưng cô thấy thương quá, đất nườc nghèo khổ của cô. Bỗng dưng cô thèm được làm một cái gì đó, chia sẻ với những người sống nơi tù mù ánh sáng này. Ðám con trai hét vang khi xe rẽ vào hướng hồ Doãn Văn:
- “Tối nay nhớ đi vô trỏng coi nhá”. Những người dân đen đủi đứng vẩy tay cười. Từ những ngôi nhà ấy vào điểm diễn có đến trên dưới hai mươi cây số. Vậy mà đêm đến họ lũ lượt đi bộ, kéo vào xem đông nghẹt.
Vẫn là Hà Phi được tán thưởng nhất với cây đàn guitar. Còn khi Trinh Tiên bước ra, cô nghe khán giả ngồi gần-những cô cậu học viên cải tạo rất ngầu, bàn tán:
- “Ðẹp quá !”.
- “Nhưng không biết diễn có hay không ?”.
- “Cần gì, ngó cũng đờ “vã”, đỡ nhớ nhà !”.
- “Phải sống ở đây một thời gian xem có giữ được sắc đẹp đó không mới biết vàng, biết đá !”.
Tiên ung dung diễn. Bề gì cô cũng đã từng là Carmen và Jeanne d’Arc. Còn ở đây cô đóng vai một cô gái ở thành phố lên rừng núi thăm bồ là Thanh niên Xung phong. Tiên cứ diễn như không. Như cô có mặt trong chuyến lưu diễn này cũng chỉ để thăm một anh chàng người yêu nào đó. Trong đoạn kịch vui ấy, người yêu cô xấu hổ vì chỉ là một anh “hỏa đầu quân” nên đã nhờ bạn bè giả vờ xưng tụng anh như một người chỉ huy đầy bản lãnh. Sự thật cuối cùng rồi rõ ra. Họ vẫn tiếp tục yêu nhau. Rồi hết.

Khán giả cười nhiều nhưng bên cạnh tiếng hát Hà Phi, người được nhiệt liệt hoan hô nhất lại là Hiền Chi. Cô bé loắt choắt nhưng lại rất duyên dáng trong vai một con bé khờ khạo trong vở “Sống giả, chết thật”.

Sau buổi diễn, khán giả bày tỏ sự ái mộ nhiều nhất vào ba cô Chi, Phi và Tiên. Người ta nói một cô hát hay, một cô diễn hay, còn cô kia (ý nói Tiên) thì đẹp. Tiên tiếc rằng Thiên Kiều và Anh Hoa đã nghỉ, nên khi chọn người đẹp trong lớp người ta cứ nghĩ đến cô. Cô không hy vọng ca hay được như Phi. Cô chỉ mong hai năm còn lại, mình cố học sao để khi nhắc đến cô, người ta sẽ nhớ đến nét diễn hơn là dáng vẻ bên ngoài.

Diễn xong, cả đoàn được mời sang một chỗ cách đó khoảng hơn 100 mét để ăn cháo gà. Nhiều đứa để nguyên mặt diễn lau chau đi trước. Một số ít chùi sạch mặt rồi mới đi. Thi không biết lấy được ở đâu một thau nước, đem đến cho Tiên rửa mặt. Nhưng đến khi Tiên thu dọn đồ đạc xong thì quay qua quay lại chẳng có ai. Tiên giận dỗi, sẳn cái khăn rằn của Chi bỏ quên, Tiên lấy trùm kín mặt nhắm hướng đèn xa đi tới để khỏi còn những người tới lui xì xào về cái vẻ ngoài sáng rở của mình.

Mặt hồ đêm trăng lãng đãng sương mù đẹp như một huyền thoại. Giữa mặt hồ, những gốc cây khô đen cháy đứng chơ vơ như những linh hồn cô đơn tụ về từ thiên cổ. Tiên mãi ngó cảnh, lơ mơ thế nào mà đi lạc xuống dốc hồ. Cô muốn la lên khi, như trồi từ dưới đáy hồ lên, một bóng đen to, dị dạng hơn cô với mũ áo trùm đầy người. Cái bóng ấy la trước cô:
- “A, diễn viên! Sao không đi ăn cháo mà rẽ lối xuống hồ. Nếu định tự tử thì chờ sáng mai. Nước hồ lúc này lạnh lắm”.
Cô run rẩy:
- “Vậy tôi lạc rồi sao? Chỉ giúp tôi đến chỗ ăn”.
Ánh đèn pin lóe vào mặt cô:
- “Cô Ðẹp đây mà, Ði trước đi. Tôi sẽ đi sau cô chừng một mét và soi đường cho cô bước”.

Cô và anh ta trò chuyện với nhau cách nhau một mét như vậy. Anh ta cứ luôn miệng kêu cô Ðẹp! cô Ðẹp! tới độ Tiên muốn khóc:
- “Ðừng kêu tôi như vậy !”.
- “Ai biểu không xưng tên. Tôi là Văn, chẳng có gì phải dấu như cô”.

Cô dậm chân:
- “Không thèm dấu. Nhưng không thích nói tên, Và cũng không thích bị kêu là đẹp!”.
- “Vậy tôi sẽ gọi cô là cô Sấu. S chớ không phải X. Vì sấu là gầy, và cô gầy quá. Hồi nãy ngó cô từ trên dốc xuống tôi cứ ngỡ một con hạc ma...”.

Ðến chỗ sáng đèn người tên Văn quay lưng đi. Cô chạy ào vô nhưng khi đến cửa cô chợt khựng lại, giận dỗi ngó bạn bè. Phi nói, mấy ông con trai bung đi khắp nẻo để kiếm Tiên. Mọi người về đủ, trừ Thi, hình như chàng này cũng đi lạc như Tiên. Mọi người cứ nghĩ hai người thích ngắm hồ trăng hơn cháo khuya nên không đi tím nữa.

Tiên vừa ăn xong là Thi vừa đến, hối các bạn sang bên kia đầu dốc Lầm Bầm, Ban Chỉ huy Nông trường và thầy Minh đang đợi. Họ muốn nhậu với dân thành phố. Ai không uống được rượu thì có cà phê...
Anh Loa bên lớp đạo diễn Năm, người của đoàn trường cử đi theo để “coi sóc” bọn Tiên, phụ với thầy Minh, phản đối ngay:
- “Phải “dưỡng quân”, mai còn diễn hai xuất. Nhất là ba cô sau đây : Phi, Chi và Tiên. Tinh hoa của đoàn đêm nay chứng tỏ đã tập trung vào ba cô. Các cô không được quyền phung phí sức khỏe”.
Cả đám cười rần vì hai chữ “tinh hoa” của anh Loa. Người to mồm nhất là Chinh:
- “Lên đây rồi đừng căng cứng nữa anh Loa. Ðứa nào vui chơi được cứ để nó vui chơi. Ðó chính là sức khỏe. Phần em sẽ đi ngủ vì em không thích rượu. Ðứa nào đi về nơi ngủ, theo Chinh”.
Cả đám con gái đều theo Chinh, trừ Phi. Nhưng Phi kéo theo Tiên :
- “Nhỏ ơi, đi với tao, đêm đẹp quá. Tao muốn ngắm trăng rừng”.

Nhưng rồi có ngắm được trăng đâu. Phòng nhậu kín cửa vì sợ gió. Chỉ có con đường đi đến, bọc một góc hồ, trăng vàng óng, sóng nước gợn như tơ và như mơ. Những người chỉ huy của các nông, lâm trường gần đó cũng tụ về. Tiên đoán Văn là một trong những người lạ ngồi đó nhưng khi thầy Minh giới thiệu một vòng, cô vờ buồn ngủ dúi vào lưng Phi, không ngó. Và rồi chung quanh cô mọi người đua nhau kể chuyện tiếu lâm, rũ nhau ca hát- những bài đàng hoàng lẫn những bài sửa lời méo mó như “úp mặt vào hơi em thở” thành “úp mặt vào mông em thở”- rồi cười, rồi ép nhau uống rượu...

Những lúc này cô càng nhớ ba cô. Nhất là khi một anh kể:
- “Các bạn biết không, khi người ta trao cho chúng tôi giữ phạm nhân, lần đầu tiên, lọng cọng biết là bao nhiêu. Có người tù nhảy từ trên xe xuống. Súng trong tay, học bắn rồi, nhưng chẳng đứa nào dám bắn. Lẽ ra không nên giao súng cho những đứa như mình...”.

Cô phải đòi về phòng mấy lần nhưng bao nhiêu người níu kéo. Cuối cùng, cô nhìn Thi cầu cứu. Thi đứng dậy kéo cô đi. Có lẽ những người lạ tưởng cô là người yêu của Thi. Ðưa cô đến cửa phòng, Thi nói:
- “Dưới ánh trăng, trông Thi rất Carmen”.
- “Nghĩa là sao ?”.
- “Nghĩa là... “Ðừng kêu tôi như vậy? - “Ai biểu không xưng tên?”.
Thi đọc vanh vách đoạn đối đáp giữa cô và Văn như một con ma xó làm Tiên lạnh cả người.
- “Chúc ngủ ngon!”.

Thi nói. Rồi Thi quay gót đi. Tiên kêu quay lại đi Thi. Nhưng Thi đi luôn. Ðêm đó Tiên chỉ ngủ được khi gần sáng. Cô nhớ ánh trăng vàng tỏa lan trên mặt hồ. Nhớ sương mù lảng đảng lối đi. nhớ tên Sấu - nghĩa là gầy, mà người tên Văn đặt cho cô. Nhớ Carmen. Và nhớ Thi. Khi gần thiếp ngủ cô tự hỏi. Lẽ nào Thi đã yêu mình. Và nhờ vậy, cô bớt thấy nhớ ba.
*
* *
Những ngày hôm sau là những ngày rất đẹp với Tiên. Dù có lúc mưa. Có lúc đói. Có lúc phụ tụi con trai mang đồ diễn vào những điểm rất xa. Nhiều cô học viên tóc vàng cháy, tay chân đen mốc, đến nựng nịu Tiên. Những chàng trai thì tặng cô lan rừng, mật ong, tặng thơ, tặng cả dao có cán chạm khắc rất đẹp. Dù biết người dặn cử tặng dao cho nhau nhưng họ nói biết đời nào gặp lại cô nữa. Thỉnh thoãng cô hỏi dò thầy Minh:
- “Thầy thấy em diễn có tiến bộ không?”.
Thầy nói:
- “Dở ẹt!”.
Cô không buồn mà hỏi tiếp:
- “Thế thầy có nhớ cô ấy không?”.
Thầy nhún vai:
- “Tất nhiên! Và tôi tin từ bây giờ nếu có dịp diễn hay viết lại. Tôi tin mình sẽ thể hiện mọi thứ hay hơn. Ðiều đó rất quan trọng. những nổi mất mát, đau buồn bao giờ cũng làm mình lớn hơn những lời xưng tụng, niềm hạnh phúc. Riêng trường hợp của tôi là như vậy”.

Gần như nhóm Tiên diễn ở đâu, những người đã gặp nhau đều tụ đến gặp nhau sau buổi diễn gần đủ mặt. Họ buồn! Tiên nghĩ vậy. Nên gặp nhau là ca hát, rượu, và chuyện tiếu lâm... Loa lúc này đã chịu lê la, bớt căng cứng.

Có hôm, ngồi ăn cơm cạnh Tiên, Loa bỏ nhỏ:
- “Thấy anh ta có vẻ thích Tiên lắm, hỏi thăm tôi luôn”.
Tưởng anh nói Thi, hóa ra là Loa muốn ám chỉ Văn, mà bây giờ Tiên đã biết, là Giám đốc của một lâm trường gần hồ, còn độc thân, và theo lời bạn bè anh thì đang rất cần kiếm vợ, không cần phải lên rừng sống.

Quân thì cứ theo trêu Tiên và Thi. Cô phải ngoắc Quân ra, nói riêng:
- “Ê, chọc kiểu đó, không khéo em yêu anh ấy thiệt cho coi”.
Mặt Quân đờ ra:
- “Vậy em không yêu anh sao?”.
Tiên cười ngất:
- “Cho em mười cây vàng, em tuy đang rất cần tiền, cũng chẳng dám nhận vàng để phải yêu anh”.

Thi vẫn tiếp tục tỏ ra tử tế với cô như bao giờ. Nhưng luôn giữ một khoảng cách mong manh nào đó với Tiên, ngắn hơn nhiều so với “cái khoản một mét” của Văn, nhưng có vẻ khó xóa hơn. Ðôi khi, Tiên nghĩ, có lẽ ở bối cảnh rừng núi nên thơ như vầy, tim người ta mềm đi, dễ cảm nhau. Vậy thôi.
Ngay cả anh Loa nổi tiếng căng cứng, nay còn muốn mềm trước sức trẻ làm việc quên mình của bọn Tiên, hà huống gì ai. Tiên cứ sợ khi về thành phố, nắng bụi sẽ làm mọi thứ đông cứng lại, khổ nhọc nặng nề ngó nhau, không cảm nổi.
*
* *
Ðêm diễn ở Dakmil là một trong những đêm diễn ly kỳ nhất. Vác rương đồ diễn đi bộ vào vài cây số. Ðến nơi mới biết điểm đó chỉ độ hơn mười anh Thanh niên Xung phong. Ông chỉ huy chỗ đó nói:
- “Diễn chi bây, ở nhậu mai về”.

Vậy mà Thi và thầy Minh cũng chế được một sân khấu dã chiến mà cánh gà là những vạt giường cài phong lan và đèn sân khấu có được bởi cặp đèn mắt của chiếc jeep lùn rọi thẳng vào.
Khán giả đến đông không ngờ. Ða số là những người dân tộc K’Ho địu con đi từ rừng núi rất xa đổ đến. Chẳng có anh Thanh niên Xung phong nào ở dưới khán giả. Diễn xong mới biết người chỉ huy rãi quân dọc suối để canh chừng vì mới tuần trước Fulro còn bơi qua bắn phá.

Khuya đó, Văn từ một điểm cách Dakmil cả trăm cây chạy đến, ngồi uống rượu cần suốt đêm với người chỉ huy ở đây, thầy Minh và toàn đoàn, trừ Thi. Tiên ngồi đó với Phi vì nghĩ thế nào Thi cũng phải đến.

Gần sáng họ mới giải tán vì rượu cần uống không say (hoặc say chậm). Và cũng gần sáng, ra suối, Tiên mới biết Thi cũng thức suốt đêm nhưng ngồi ngoài này uống rượu với những anh thanh niên Xung phong phải trực gát. Loa là người “gục” đầu tiên. Thầy Minh sau đó phải họp đoàn, yêu cầu chấm dứt những đêm thức trắng như vậy cho đến ngày về kẻo mọi người gục hết, chỉ còn mình tôi độc diễn thì chỉ có ma xem.

Không nói ra nhưng gần như cả đoàn đều cho rằng vì Tiên mà Văn lặn lội ghé Dakmil. Sau đó Tiên cảm thấy như Thi giận mình. Anh chàng không nói chuyện nữa. Ði ăn không kêu đi cùng như trước đó. Lại xoay sang chơi với ba cô nhỏ làm Hữu rất vui vì có thêm đồng minh.

Những người bạn của Văn lại cứ nói vun vào như đã có một cái gì giữa Tiên và Văn. Hà Phi cũng có một anh chàng thi sĩ, Phó Giám đốc Nông trường theo sát từng chặng đi. Có bửa Thi vụt miệng:
- “Lúc về chắc đoàn sẽ mất thêm mấy người đó, thầy ơi!”.
Thầy Minh nửa thật, nửa đùa:
- “Tôi tưởng các em đàn ông hơn tôi. Tôi đã quá yếu ớt không đủ lôi cô người yêu của tôi ở lại. Dù tôi biết chừng mươi năm nữa, tôi sẽ hối hận vô cùng vì đã không cố có con với cô ta”.

Gần đến ngày về, Tiên không thấy buồn như các bạn mà thấy vui (hình như tâm thế cô luôn ở chiều ngược với các bạn). Cô trở lại thấy nhớ nhiều đến ba. Nhất là có lần đi ngang chỗ những phạm nhân đang đập đá, cô cứ băn khoăn không biết ba cô đã bị kêu án, chuyển đi lao động chưa?.

Ðêm cuối, cô và Phi móc nghéo tay nhau không thức nữa, mặc ai kêu réo. Nhưng diễn xong Tiên bị trúng gió. Mã Yến đưa cô vào một văn phòng gần đó cạo gió. Và khi tỉnh, cô nhận ra đó chính là phòng riêng của Văn. Chiếc giường đơn nằm lạnh ở góc phòng. Vài tờ bằng khen nằm trên bàn xáo xác. Cô quét dọn mọi thứ ngay ngắn lại cho anh mà thấy ngùi ngùi. Rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Cô sẽ về thành phố. Sẽ quên Văn ngay sau đó vài tuần. Rồi sẽ có những đoàn khác lên. Báo chí. Công tác xã hội. Văn công. Thống kê. Tham quan kiểm tra v.. v... Rồi sẽ có một người đàn ông hay đàn bà nào đó nằm đây. Và rồi họ cũng sẽ lại đi như đã đến. Như bụi áo thay phiên đến và đi. Cô bỗng thấy thương cho cô gái nào đó sẽ lên đây và ở lại luôn làm vợ của anh. Cô hỏi mình. Dám không? Và câu trả lời của cô là 50/50 như ba cô thường nói.

Giữa Văn và Thi, cô thấy mình chẳng có lỗi với ai nếu yêu người này, bỏ người kia. Cô nghĩ rằng nếu ai ngỏ lời trước, cô sẽ chọn người ấy ngay. Và cô tin cô sẽ là một trong những người tình chung thủy nhất thế gian.
Nhưng cho đến lúc về, vẫn chẳng có ai nói tiếng nào với cô. Dù qua ánh mắt cô biết cả hai đều rất yêu cô. Có lẽ cả hai đều giống nhau ở chỗ sợ cô lắc đầu.
Ngày về, cô ngồi trên xe ngó những cảnh sắc cô đã thấy lúc đi nhưng hình như đã lạ đi. Có lẽ vì cô cũng thấy lạ hơn chính mình.
*
* *
Sau chuyến đi biểu diễn phục vụ ở những độ cao ba trăm mét, giữa rừng, mùa hè năm ấy, về đến thành phố, khi mở nhật ký ra, Tiên ghi:
“Những lời tỏ tình, dường như chỉ xảy ra trong thơ, tiểu thuyết”.







Labels:

Sunday, June 15, 2008

Năm đêm với bé Su

MỞ ÐẦU
THẰNG BÉ TÊN SU

Má thằng Su phải vào nằm nhà thương. Ba nó phải nấu nướng, đem cơm nước và giặt giũ, lo mọi chuyện cho má nó. Su được gởi về nhà bà nội của nó -và là má của tôi - mấy ngày. Ðiều này làm cả nhà tôi rất khoái, đồng thời cũng rất “kinh hoàng”! Bởi Su là một thằng bé lém lỉnh, thông minh, cũng là một thằng nhóc quậy phá nhất mà chúng tôi từng được gặp.
Ngay khi nó còn nằm trong võng, ba má nó đã chịu không vì chẳng bao giờ nó chịu nằm yên, cứ luôn tìm cách chòi để đòi chui ra khỏi võng. Ðến chừng bỏ được nó vào chiếc xe đi thì chẳng đồ đạc nào còn yên với nó. Hình như nó thấy hứng thú trong việc bứt xé, đập bể đồ chơi và tất cả những chai lọ vật dụng nào lọt vào tay nó. Như một con khủng long con trong các phim giả tưởng. Lớn lên một chút, nó còn khoái leo trèo, nhảy tưng trên những ghế nệm và gối mền sách vở các thứ.. Gặp vòi nước, nó coi chuyện vặn vòi để xả cả hồ nước là chuyện đương nhiên. Cầm được chìa khóa nào trong tay, nó thích bỏ xuống lổ cống. Nó làm mọi chuyện với một khuôn mặt trong sáng và luôn làm bộ ngơ ngác khi bị má nó đánh đòn.
Má nó thường tức mà hét tới muốn bể nhà:
- Su! Nằm xuống nghe má hỏi! Tại sao con lại phá như vậy?.
Nó bình thản:
- Má đừng đánh con! Con phải phá con mới khỏe mạnh được. Nếu con không phá, con sẽ nằm một chỗ, má lại than khóc bây giờ.
Khi ấy nó khoảng ba tuổi. Nói năng như một ông cụ. Mỗi ngày ăn một trận đòn là ít nhất. Má nó đánh xong rồi thấy tội, lại ôm hun. Chẳng ai ghét được nó vì bên cạnh tài phá, anh chàng này còn một biệt tài nữa là, dưới sự chỉ dạy của ba nó, nó đã có thể đọc được những chữ to in trên các báo như Tuổi Trẻ, Công An, Lao động chủ nhật, Thanh Niên, Phụ Nữ.. Nó đọc được từ tháng Giêng đến tháng Chạp bằng tiếng Anh, cùng một số từ đơn giản như boy, girl, ship, fish v.v... (con trai, con gái, chiếc tàu, con cá..). Mọi quảng cáo trên ti-vi nó thuộc nằm lòng. Từ công ty Lam Sơn có bài “Quê hương là chùm khế ngọt..” tới giày Lưu Luyến, bột ngọt Ajinomoto “Xin kính chào các bạn”. Gà rán Hamburger và giày Biti’s “Xin mến chào các em”à Với cái máy chơi xếp gạch trong tay nó có thể chơi một lèo hai trăm điểm và lúc đi ngang chỗ những người lớn hơn nó đang mày mò được đôi, ba điểm, nó thường nhìn với cặp mắt coi thường..
Ðặc biệt, trong chương trình ti-vi nó mê nhất là lúc có dự báo thời tiết. Lúc đó đừng hòng ai chuyển sang kênh khác được với nó. Mắt nhìn, miệng đờn theo điệu nhạc và thỉnh thoảng, nó ngừng đờn để giành đọc trước người xướng ngôn viên tên các thành phố và vùng biển. Nó cứ tiếc rẻ trước những trò kỷ xảo làm các chữ của nó rớt ùm cả xuống biển trôi đi..Su sợ nhất là một phút tuyên truyền chống ma túy với những con người dị dạng. Nó năn nỉ ba nó hoài: “Ba ơi! Lên đài truyền hình xin người ta đừng phát hình ma túy nữa đi ba!”. Duyên nợ làm sao mà cách đây hai năm, khi làm phim “Ma túy, S.O.S.”, chúng tôi đã mở đầu phim bằng hình ảnh má Su đang cho Su bú. Nụ cười nghịch ngợm của nó lúc đang ngậm vú mẹ đã được ông Chín Vân, hiệu trưởng trường Thanh niên mới lúc bấy giờ, thưởng riêng cho Su năm mươi ngàn đồng.
Có lẽ nên nói sơ về lai lịch của thằng nhóc tên Su này. Ba nó tên Nhu, là con trai áp út của một gia đình có chín người con. Ông nội nó (là ba của tôi) là con trai út của một gia đình đông anh em. Ông cố nội của nó (là ông nội của tôi) là một ông quan triều Nguyễn, có nhiều thê thiếp nên có rất nhiều dòng con. Ba tôi thuộc về dòng chính và là người lãng tử nhất trong các anh em. Trong lúc những người khác học hành, đỗ đạt, lập gia đình, ổn định sự nghiệp quanh ông nội tôi như một đại-gia-đình thì ba tôi lại bỏ xứ đi lang thang khắp nơi, ra Bắc sang Lào với nhiều nghề lương thiện khác nhau.
Ba tôi gặp má tôi ở trại tù Bà Rá. Ông cưới bà bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Họ nội tôi rất hãi sợ quá khứ tù cách mạng của má tôi. Ðó cũng là lý do khiến ba tôi chẳng ở yên một chỗ. Ở mỗi tỉnh chừng hai, ba năm, ba tôi lại bị chính quyền bấy giờ buộc phải dời đi vì họ sợ má tôi móc nối, gây cơ sở. Do vậy, chín anh em của chúng tôi mỗi đứa sanh mỗi tỉnh khác nhau..
Nói là chín, nhưng thật sự má tôi có nhiều người con hơn mà không thể tính thêm vào vì họ chỉ sống được vài tuổi. Trong số ấy, ba má tôi thương tiếc nhất là người con trai thứ hai tên Dao, vì sự thông minh tuyệt vời của anh ấy. Má tôi kể, anh Dao mới ba tuổi mà chững chạc như người lớn. Chuyện gì cũng nói “Ðể Dao làm cho, Dao tự làm được mà, để ba má đỡ cực”. Bên cạnh một trí não sớm phát triển hơn trẻ bình thường cùng tuổi, nơi anh ấy còn là một sự tĩnh lặng, lễ phép ít khi tìm thấy ở một trẻ lên ba. Anh ấy không hề phá phách kiểu của thằng bé Su bây giờ, mà luôn có ý thức phải làm sao cho ba má vui..
Nhưng mà anh Dao hay bị bệnh. Bệnh kỳ lắm. Không biết có phải vì con bé giúp việc cho nhà tôi lúc bấy giờ là Sơn, đã lỡ để anh ấy ngã từ trên lầu xuống một lần và từ bàn cao xuống hai lần không mà anh ấy cứ kêu nhức đầu. Một hôm, ba tôi đi công tác xa, anh ấy trở sốt. Ðưa anh Dao đi bác sĩ xong, má tôi về ôm anh ấy suốt đêm vì anh cứ bị động kinh. Gần đến sáng, anh ấy gạt má tôi:
- Dao hết nóng rồi. Dao đói bụng quá. Má nấu cho Dao miếng cháo đi!.
Thế là má tôi ra sau bếp nhen lửa, chạy lên chạy xuống vừa trông chừng anh ấy, vừa trông nồi cháo. Khi nồi cháo vừa chín thì anh ấy cũng lặng lẽ đi luôn.
Mộ anh Dao an táng ở Biên Hòa. Ba má tôi nhớ tiếc anh ấy lắm. Mùa Thanh Minh hàng năm, có dịp thuận tiện, má tôi vẫn về thăm mộ anh ấy luôn. Anh Dao ra đi khi ba tuổi hơn, nhưng qua những mẫu chuyện kể của má tôi, chúng tôi vẫn kính trọng và thương mến anh ấy như với một người anh vẫn đang sống, vẫn lớn hơn chúng tôi và đang đi vắng đâu đó, chưa về. Có lẽ còn vì mỗi lần Tết đến, má tôi cứ nhắc hoài: “Năm nay Dao mà còn sống, là nó cũng đã từng nầy tuổi rồi.”.
Má tôi là một người kể chuyện rất hay. Cuộc đời của má tôi cũng khá ly kỳ. Cùng với ba tôi, má tôi phải đi đó đi đây nhiều. Bà hoạt động cách mạng một cách bí mật. Thỉnh thoảng lại có một vài người cùng hoạt động bị tra tấn đau quá, khai tên bà nên bà bị bắt. Rồi sau đó bà lại được ba tôi tìm cách lãnh ra nên tuổi thơ của chúng tôi được nghe kể đầy ắp những mẫu chuyện kỳ thú.
Trong nhà tôi còn có hai người kể chuyện hay nữa là anh trai đầu của tôi, tên Sỹ, và người chị thứ sáu tên Mai. Hai người này có hai kiểu kể chuyện khác nhau. Anh Sỹ do đọc được nhiều sách trong và ngoài nước nên có cả một kho đủ các loại truyện cổ tích lẫn kinh dị, trinh thám lạ quen. Mỗi khi phải thay ba má chăm sóc các em, anh ấy thường kể chuyện đời xưa lẫn đời nay để chúng tôi chịu xếp hàng nằm ngủ trưa, hoặc chịu ngồi xuống một chỗ ăn cho hết phần cơm của mỗi đứa.
Chị Mai thì không có nhiệm vụ chăm sóc nhiều người em như vậy. Chị chỉ lãnh phần đút cơm cho thằng Nhu nên chỉ thằng Nhu được nghe chuyện của chị. Còn tôi thì thỉnh thoảng được nghe ké mà thôi. Chị Mai thường sửa đổi những mẫu chuyện tiếp thu từ anh Sỹ. Ví dụ chuyện Con Yêu Râu Xanh, khi lấy được chiếc chìa khóa màu đỏ để mở căn phòng cấm, thì cô vợ út còn phải đi qua nhiều hành lang bí ẩn mang lại những chuyện lạ lùng khác, và nhờ cô ta có đồng hồ nên luôn canh kịp giờ chồng về mà trả lại chìa khóa. Cứ như thế, mãi đến tuần sau, cô ta mới khám phá được bí mật của ông chồng.
Chuyện công chúa được bảy con chim tha đi thì chị Mai cho cả đám bay qua biết bao quốc gia kỳ ảo. Bọn chim dạy công chúa học bằng những điều mắt thấy tai nghe vô cùng thú vị nên khi được thả về với mẹ cha, vua cha đã già không còn con trai nối dõi, công chúa giả trai trị vì thử một năm. Công chúa đã xử nhiều vụ án rất sáng suốt. Nhưng chân công chúa đã quen đi, công chúa ngán ngồi mãi ở ngai vàng nên đã dụ người khác vào làm vua thay để mình được đi chơi.
Còn thằng Nhu là đứa con trai áp út trong nhà. Má tôi sanh nó ở Pleiku là một nơi rất ngộ. Nó cũng là thằng bé khá khác thường. Mới tám tháng tuổi, nghe ba tôi ngâm thơ, nó bập bẹ ngâm theo. Những người bạn của ba má tôi đến, tình cờ nghe được đều hết hồn:
- Ơ kìa! Bé con tại sao có thể biết nói sớm đến như vậy?.
Nhu cũng bị ngã nhiều lần, mà một trong những thủ phạm làm nó ngã chính là tôi (tôi vẫn nổi tiếng là người vụng về nhất nhà). Chúng tôi thích nó lắm. Riêng má tôi thì rất sợ. Bà thấy ở Nhu có hai điểm giống anh Dao: Thông minh sớm và bị ngã nhiều lần. Bà cứ sợ có điều gì đó không hay lại xảy ra, Nhưng may thay, mặc dù bây giờ vẫn đau yếu luôn nhưng Nhu vẫn lớn bình thường, lấy vợ, sanh con. Và đứa con độc nhất của nó hiện nay chính là thằng Su.
Nhu khi bé không phá bằng con nó bây giờ. Má tôi nói Nhu khá giống tính anh Dao. Chỉ khác một điểm lớn là tính khí của nó khá lạnh lùng, không đầy ắp tình cảm như anh Dao trước đây. Có lẽ vì ba tôi ca ngợi nó quá sớm, cứ bắt nó biểu diễn tài đọc thơ cho nhiều người nghe. Nó đâm ra có một phản ứng ngược lại là ghét đám đông, thù những cuộc tiếp xúc. Nhu chỉ thích một mình, loay hoay đọc sách hoặc tháo banh những thứ máy móc trong nhà ra rồi tìm cách ráp lại như đồng hồ, bàn ủi, máy may.
Những hình ảnh còn lưu lại của anh Dao thì không hề giống Nhu nhưng chẳng hiểu sao, thuở nhỏ chúng tôi bỗng có cái liên tưởng kỳ quặc này: Hay Nhu chính là anh Dao đầu thai vào gia đình tôi lại, vì những người giữ sổ tử sanh thấy gia đình tôi còn quyến luyến anh quá.
Ý nghĩ này có được có lẽ một phần vì cái bối cảnh nơi chúng tôi ở lúc đó khá hoang lạnh, liêu trai. Chung quanh nhà là cỏ dại ngút đầu. Ðồi núi thì kề sau lưng. Ðêm nằm gió núi lạnh thấu xương. Và những tháng mưa rừng, đất đỏ bê bết người, cứ té loạch oạch như chụp ếch, chúng tôi phải mang ủng để vững vàng đến lớp. Cùng lớp thì rất nhiều những đứa bạn người dân tộc đeo đầy kiềng và bùa. Tỉnh mới mở, còn có nhiều người ở các tỉnh đông dân khác lác đác về đây lập nghiệp.
Nhu lớn lên trong một không khí như vậy. Chuyện học hành với nó hoàn toàn không là chuyện khó khăn. Hàng tháng nó đều có bảng danh dự và cuối niên học, bao giờ cũng có phần thưởng ô, về. Nhưng nó sống không vui. Nó không có bạn nhiều. Trong nhà, Nhu chỉ thân với ba tôi và thỉnh thoảng, với chị Mai. Ba tôi ngủ chung với nó và đi đâu cũng dắt nó đi theo. Mặc dầu sau này má tôi còn sanh thêm thằng bé Hân nhưng Nhu vẫn là Nhu. Nó chẳng bận tâm tới chuyện bị mất “ngôi” con út. Nó như một người anh lớn khó tính trong nhà chứ không có vẻ một đứa áp út. Ðậu vào Ðại học Bách khoa rồi tốt nghiệp kỹ sư, ngành cơ khí, nó càng sống khép kín hơn.
Chúng tôi cũng ngạc nhiên vì một đứa khó chịu như nó lại lập gia đình rất sớm (sớm lá so với chín anh chị em chúng tôi). Vợ nó là công nhân ở một nhà máy mà khi tốt nghiệp nó được về làm. Ðám cưới được một năm sau, vợ Nhu mang bầu. Thằng Su ở trong bụng mẹ nó đến hơn mười tháng mới chịu chun ra. Người ta gọi như vậy là chửa trâu. Khi mới sanh ra, Nhu bực bội vì con nó không xinh như con của người ta. Mặt bé Su già như ông cụ bảy mươi tuổi (có lẽ vì nó phải nằm trong bụng mẹ quá lâu).
Cũng may là mỗi ngày qua thêm, mặt thằng bé trẻ đi và bộc lộ thêm năng khiếu quậy phá, hiếu động, thông minh. Mũi nó không cao lắm nhưng mắt thì quá to, sáng rực trên cả khuôn mặt. Miệng Su khá rộng nhưng khi tập trung vào một chuyện gì nó mím lại chỉ còn thấy được một đường thẳng nằm ngang. Ðặc biệt, nó có một nụ cười ra vẻ hiểu mọi vấn đề, thường được nó sử dụng khá đúng chỗ khiến chúng tôi cứ liên tưởng đến ba của chúng tôi, khi còn sống cũng có một nụ cười y như vậy.
Rất tiếc ba tôi mất khi Su mới hai tuổi. Loại trẻ con nhiều ý kiến dù đôi khi đem lại sự bực mình như Su rất được ông thương quý. Ông không thích những đứa con nhút nhát vì sợ khi lớn lên không đủ sức chống chọi với đời. Ngoài tư chất thông minh sớm như ba nó, bé Su còn thừa hưởng được một nét đáng khen của má nó là tính tình xã giao, vui vẻ với mọi người, thậm chí hơi lố, đi đến chỗ tò mò, thắc mắc mọi chuyện.
Những câu hỏi luôn luôn ở đầu lưỡi nó:
- Tại sao người ta trồng cây ngoài đường vậy ba?.
- Tại sao người ta vẽ chữ đầy hết trên mấy tấm bảng với mấy tấm vải vậy ba?.
- Hôm nay ngày mười ba, trăng nó hình ra làm sao vậy ba?.
Thằng bé này rất khoái những gì dính líu tới cỏ cây trăng sao. Nó cũng là một thằng bé khá nhạy cảm. Nghe kể lại lúc mới sanh nó ra, ba má nó còn thuê nhà ở gần một con kênh nước đen, nó cứ rơm rớm nước mắt mà kể lại cho người khác, với một chút thêm thắt của nó, rằng:
- Hồi nhỏ, ba má con phải tắm con bằng nước trên kênh đen thui.
Ở nhà trẻ, cô gọi nó là “trùm mafia” vì nó ưa bày đầu bạn bè phá đủ kiểu nhưng các cô cũng rất thương nó vì nó ca khá hay lại có tài kể chuyện tuyệt vời. Nó có thể ca một bài ca bằng ba thứ giọng: giọng Bắc (như cô nó), giọng Nam (như bạn nó) và giọng Huế (như ông ngoại nó).
Tài hư cấu của bé Su không hề kém chị Mai của tôi. Những mẫu chuyện cổ tích trong và ngoài nước của ba nó kể cho nghe, khi kể lại cho chúng tôi, bao giờ nó cũng thêm thắt vào những chi tiết riêng của nó. Như chuyện “chuột đồng và chuột thành”, ba nó chỉ kể chuột thành đưa chuột đồng xuống bếp, vít một miếng bơ cho chuột đồng ăn. Sang đến thằng bé Su, nó thêm: “vít một miếng canh rau tần ô nới cá thác lác, vít một miếng trứng chiên nấm, vít một miếng nước mắm, vít một miếng sữa chua”. Ðó là những món nó vừa được ăn trước khi sang chơi nhà bà nội.
Còn chuyện “Ông thần gió với ba món quà”, khi cô yêu cầu nó cầm micro kể cho cả nhà trẻ nghe, nó tự động đổi tên nhân vật bị thần gió làm đổ cháo là Su. Nó kể lưu loát y như ba nó, “sau khi được thần gió đền cho cái khăn bàn có thể ăn bất cứ món gì mình thích, bé Su ra về. Nhưng đường thì xa, trời thì tối, bé Su phải vào một quán trọ ngủ tạm.”.
Nhưng đến đoạn trong lúc khăn bàn làm phép, có ông chủ quán đứng rình ở khe cửa, nó đổi lại là có ông Bảy Bụng đứng rình ở cửa sổ. (Bảy Bụng là một ông láng giềng của nó. Sáng nào, vào khoảng năm giờ ông cũng đánh thức cả xóm dậy vì cái tiếng nói chuyện mà như gây lộn của ông, sát ngay cửa sổ nhà Su. Không thích ông, nó bèn gán cho ông là nhân vật có hành động không hay, “chôm” khăn bàn cho thức ăn và con la cho đồng tiền vàng của nó để cuối cùng bị roi đánh tơi bời).
Ngày nào đi nhà trẻ về, Su cũng có rất nhiều chuyện để kể. Không cảnh giác tài hư cấu của nó thì người lớn dễ xích mích như chơi. Nó kể cô bắt em nào cũng phải ngủ trưa (điều này thì đúng), không thì cô bắt con gián bỏ vào miệng từng đứa (câu này nó lượm được của một bà ở gần bô rác dọa con). Nhưng cũng nhờ nó, các cô không dám nói những điều cộc cằn, thô lỗ. Nó như cái máy cassette, thu thì chính xác, khi phát lại có hơi cường điệu hoặc trộn thêm nhiều nguồn, nhưng nghe nó nói, có thể hình dung ra tính tình các cô. Chẳng bao giờ nó gán những câu dữ dằn vào miệng của một cô hiền như đất. Và dù có hư cấu thêm, Su vẫn là tấm gương hắt trả phần nào sự thật từ những người mà nó tiếp xúc.
Thử coi, để đối phó, canh giữ một thằng bé hiếu động và khôn trước tuổi như nó, chúng tôi - bà nội và các cô, chú của nó - phải làm gì? Nó lại là thằng rất lười ăn. Tay chân lỏng khỏng leo kheo chỉ có cái đầu là to chần vần. Ði thi bé giỏi bé ngoan nó chẳng bao giờ được điểm dẫn đầu vì không đạt điểm về trọng lượng chứ về tài ứng xử thì chưa ai qua nổi nó. Ba nó báo trước là sẽ rất cực khi cho nó ăn và dỗ nó ngủ. Chị Mai lãnh phần đút cơm cho nó như hơn hai mươi năm trước chị đã đút cơm cho ba nó. Còn tôi lãnh phần kể chuyện cho nó ngủ.
Tội nghiệp chị Mai, bé Su ăn cơm trong tư thế chạy nhảy, leo trèo chứ chẳng như ba nó ngày xưa nên chị ấy mệt nhoài. Phần tôi thì đỡ hơn, tôi kể chuyện cho nó nghe khi nó đã có một ngày tung hoành nên vào giờ đó anh chàng đã thấm mệt.
Ðêm đầu tiên, tắm rửa cho Su thơm tho, tôi đưa bé lên giường. Trước đó, tôi đã hỏi dò xem Nhu đã kể gì cho con nó nghe. Tôi than thầm, trời đất ơi, cái thằng Nhu này, nó đã kể gần sạch kho cổ tích cho trẻ nhỏ lứa tuổi lên năm trở xuống của tôi rồi.
Tôi đành kể cho Su nghe loại chuyện mới. Loại chuyện mà ngoài tôi ra, không ai biết để kể cho nó nghe được, Vì đó là chuyện về những đứa trẻ mà tôi đã gặp hoặc biết khi “chúng” đã không còn nhỏ nữa.
Ðêm ấy, tôi kể cho Su nghe chuyện cô bé Hường Trâm và con Bê.

Labels:

Monday, June 2, 2008

Ghi chép về cuộc rút quân cách đây 19 năm.

Những chỗ khác đang sôi động những chuyện cho người sống, còn ai muốn thắp nhang, mời ghé vào đây.
Cũng có lúc mình được (hay bị) coi là nhà báo.
Ghi chép về cuộc rút quân cách đây 19 năm.
1980, tôi tốt nghiệp đạo diễn, đi bán vé số dạo thì trường kêu về dạy.
Ðào tạo được hai khóa thì có học bổng đi học ở Ba Lan.
Giờ chót, trong Ðảng Uỷ và Ban Giám Hiệu có nhiều người nghi ngờ nếu cho một đứa độc thân, tư tưởng không rõ ràng như tôi đi, tôi sẽ trốn luôn nên thay tôi bằng anh bạn cùng lớp là một đối tượng Ðảng, có một vợ, hai con.
Mười người đi đợt đó, nghe nói chỉ có một mình anh Văn Thành về.
1985, khi anh Lưu Quang Vũ vào Sài Gòn, tôi xin anh kịch bản “Nguồn Sáng Trong Ðời” để dựng vở tốt nghiệp cho lớp của Quang Minh, Hồng Ðào.
Ngày 21 tháng 6 năm đó, cùng với Thanh Bạch, Xuân Hương, Tất My Loan, Bích Thủy, Minh Phượng, Quang Minh, chúng tôi lập nhóm “Tuổi Trẻ Cười Sống”. Ðó là lý do trong bài có lúc tôi được gọi là chị nhà báo “Tuổi Trẻ Cười” . Vài năm sau, còn hợp đồng biểu diễn nhưng .. không cười nổi nữa trước những tiêu cực ngày càng thiên hình vạn trạng, nhóm chúng tôi tự giải tán .
1988, cả gia đình anh Vũ mất, tôi xin dựng vở “Linh Hồn của Ðá”(tức Hòn Vọng Phu) của anh cho Trần Hữu Trang II với Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm.
Khi HTV chuẩn bị quay thì có đợt rút quân toàn diện nầy, tôi xin ngưng lại để nhảy lên trực thăng theo danh sách báo chí để được ra khỏi Việt Nam vài ngày, vừa để thoát khỏi ám ảnh con ngựa bị chém phải đao trong cung Thiên Di của tử vi.
Cô nhà văn M. trong đây là Trần Thùy Mai, không ngờ sau nầy chúng tôi lại có dịp làm chung truyện “Trăng nơi đáy giếng”. Còn T.N. là Tiana Thanh Nga, mới gọi cho tôi hỏi có cách nào liên hệ để làm film về bà NÐN không. Ðợt rút quân đó người viết nhiều bài nhất là anh Huy Ðức với Xuân Tùng. Giờ chỉ biết anh Ðức có blog Osin
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4
còn Xuân Tùng không biết trôi đi đâu. Chuyến đi nầy thay đỗi nhiều cái nhìn về sống, chết trong tôi. Vừa về đến thành phố thì nghe ngay một vụ cướp xe gần nhà tôi, cô gái trẻ chết có người chị giữ xe đạp ở 5 B, chị rất giỏi tiếng Pháp. Khoảng mươi năm gần đây, giữ xe ở nhà hát nầy là cán bộ của công an PA 25.
Cậu em ruột mà tôi nhắc một dòng trong đây đã chết năm ngoái. Tôi chuẩn bị đối diện với chính mình rằng với quỷ thời gian ngày càng hẹp lại, và vẫn treo câu hỏi hai mươi năm nay“ mình đã được thật sự sống đúng như mình mơ là” chưa? Nhiều người cùng làm nghề với tôi bây giờ trở thành những người kinh doanh văn hoá chuyên nghiệp, được đóng dấu bảo kê bởi nhiều người có quyền lực trong ngành nầy, cấp quốc gia. Có người mới động thổ một resort lớn, nơi sẽ mở casino. Có người vẫn xuất hiện trên báo như những chính nhân quân tử, quên rằng đó vẫn là một vai trá ngụy, được diễn hơi lâu.
Tôi lục được bài nầy và đưa bài đây vì đọc được tin ở đây
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=260329&ChannelID=2
Mong là trong những hài cốt đó không có ai trong những người tôi đã gặp..
Nếu những người lính nầy là người nước khác, xương cốt của họ có được xem trọng hơn chăng?
Những chỗ khác đang sôi động những chuyện cho người sống, còn ai muốn thắp nhang, mời ghé vào đây.
Ngày 20-9-1989
Buổi tối trước ngày hành quân, mấy anh lính ở cách chỗ chúng tôi ở mấy trăm mét mời xuống ăn chè do các anh nấu. Ðêm hôm trước, do mưa lớn, tôi và M ố cô gái viết văn người Huế mà các anh rất thích nghe giọng nói, đã thất hẹn với họ. Do cơn mưa khi chiều, đường nhão nhoét, trơn lầy đến độ tôi phải lột dép đi chân không. Nghe nói mấy ngày trước có điện. Nhưng đúng ngày đoàn của chúng tôi đến Xiêm Rệp, máy điện của Mặt trận 479 đã được chuyển tới cho nhà trẻ của thành phố. Dây diện thoại cũng được cuốn sạch ngay sau đó.
Những đốm lửa từ các vỏ chai đặc biệt được đốt lên. Câu chuyện xoay quanh đề tài những ngày sắp tới. Ra quân, em sẽ đi học tiếp. Ra quân, em sẽ theo ông chú chạy xe đò. Còn em, thế nào cũng phải đi làm nhưng chưa biết sẽ làm việc gì...
- Không ai nghĩ đến chuyện lập gia đình sao?
- Ðó là chuyện thứ nhì, chị ạ! Có công việc, tự khắc sẽ có người yêu...
Những người đi cùng với tôi vội lấy sổ tay ra ghi chép. Trong số ấy có người đã nằm ở đây ròng rã cả tháng trời. Họ là những người làm báo, viết văn, làm thơ, chụp hình, quay phim... Họ đang cố gắng thu vào, ghi lại tối đa những mẫu người, mẫu đời chung quanh. Tôi là một người đến muộn, và dường như tôi bị sững người trước cái khối lượng người lao xao trong bóng mờ của đêm này, không ghi chép nổi, cho dù sổ tay tôi cũng ghi dày đặc những Sơn, những Trí, những Long, những Hoàng, những Việt, những Tiềm, những Thy... Chắc chắn trong những người lính chết trẻ sẽ có rất nhiều người trùng tên với những người lính còn sống...
Cái sững người tương tự khi tôi được đứng trước rồi chạm tay vào những người lính được tạc vào đá ở Ăngko Vát.
Ngày 21-9-1989
Chúng tôi được đánh thức lúc hai giờ sáng. Ăn cơm cho chắc bụng để bộ phận hậu cần còn thu dọn chén đũa nồi niêu chở về. Năm giờ xe chạy. Anh em báo chí được chất lên một chiếc Zin-Ba-Càng len lõi chạy lên đầu hàng quân để dễ thu hình, quay phim. Xe chúng tôi lướt qua những chiếc xe đầy nhóc những người lính đội mũ nghiêm chỉnh trong bóng tối lờ nhờ. Loáng thoáng thấy những bó củi và chiếc ghế gẩy, tấm vạt giường, có lẽ để nấu nước dọc đường.
Trời sáng dần, những người dân Campuchia đã ngồi đầy trước lễ đài trước nhà văn hóa mà Mặt trận 479 đã xây tặng cho Xiêm Rệp. Mội nhà báo đang phỏng vấn một cô bé Campuchia: “Vì sao em thích vẽ hình Aằngko?”. Cô bé khoảng mười ba tuổi ấy cười thơ dại trả lời: “Vì đó là nỗi tự hào của dân tộc em mà ít nước khác có công trình sánh được”.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, phóng viên các nước khác ào xuống bằng đường máy bay. Bài diễn văn hơi dài, lại được dịch một lần nữa nên càng dài hơn. Nhiều phóng niên nóng ruột tỏa đi xuống các xe xin ghi hình và phỏng vấn. Với số vốn tiếng Anh tồi tệ của mình, tôi trở thành một người phiên dịch bất đắc dĩ. Những câu trả lời đơn giản, tôi dịch tương đối thong thả. Gặp những câu trả lời khá văn hoa với những từ dao to búa lớn, tôi tìm từ toát mồ hôi. Nhiều anh lính đứng cạnh nháy mắt với tôi, ra điều: “Cái ông đang trả lời kia thuộc bài quá”.
Một cô phóng viên người Thái Lan nhân được thấy một cây đàn nằm lăn lóc giũa đám nồi niêu xoong chảo đã xin được quay cảnh chủ nhân cây đàn đang xử dụng nó. Nhiều cameramen đến xin quay ké. Xong, cô nằng nặc xin địa chỉ của anh chiến sĩ kiêm nhạc sĩ kia mặc dù anh ta cương quyết từ chối vì “chưa ổn định chỗ ở”. Mãi đến khi ghi được địa chỉ của cha anh ấy ở một xã xa xôi thuộc huyện Bình Chánh, cô ta mới tiết lộ rằng muốn gởi ít quà tặng anh ấy và gia đình.
Một phóng viên người Nhật thì không chịu tin anh sĩ quan tên Dương chỉ mang về nhà một chiếc ba lô đựng quân trang quân dụng. Anh năn nỉ được chụp hình những món trong ba lô. Anh Dương bẽn lẽn mở ra ố dù anh có quyền từ chối ố ngoài áo quần chỉ có tấm ảnh vợ anh và cô diễn viên Thanh Loan cắt ra từ một bào báo. Tại sao lại giữ tấm ảnh kia? Người sĩ quan bẽn lẽn hơn: “Vì tôi yêu nghệ thuật, dù tấm hình trên báo xỉn mờ, không đẹp lắm...”.
Một phóng viên người Mỹ xin được chụp hình chung với các chiến sĩ lái xe tăng. Ông ta cho biết đã chiến đấu ở Việt Nam năm 1969, còn sống độc thân và vẫn đang tìm đủ mọi cách để trở lại vùng đất đã làm ông ta suýt chết.
Ngày đầu tiên là ngày các xe rút về nhận được nhiều quà nhất. Dân Campuchia quăng lên xe mía, cam, dừa, ổi, kẹo, thuốc lá, chuối, bánh tét, cả nước đá trong bịch nylon. Nước mắt chảy nhiều ở những người lớn tuổi. Nhiều ông già tiễn bộ đội bằng cách vặn tay, cong mình uyển chuyển múa. Lắm cậu nhóc khoảng dưới năm tuổi, chờ đợi mỏi mòn, tụt cả áo quần nhào xuống ao tắm, khi đoàn xe qua, mừng rỡ vội ào lên bờ tồng ngồng chụp cờ nhảy, vẫy...
Ở mỗi điểm đông dân cư lại có một tốp ca nhạc đứng hát ca, có cả múa rối hay hát tuồng làm mặt đậm như hát bội, cải lương của mình... Những lời chào mừng bằng hai thứ tiếng. Ai cũng cười khi đi ngang qua huyện Puốc, nghe có tiếng Việt Nam lơ lớ:
- Chúng tôi đại diện nhân dân ba nước Lào, Việt Nam, Camphuchia...
Một bà già cầm cái bánh tét nhỏ xíu từ trong nhà chạy ra, định đưa cho xe nhà báo nhưng không thấy có ai mặc áo lính nên rụt lại:
- Cái này để cho bộ đội Việt Nam...
Ngày 22-9-1989
Sau đêm ngủ tạm ở căn nhà rộng hoang tàn trống cửa ở khu trại lúa giống nổi tiếng trước đây, năm giờ sáng chúng tôi lại lên đường cho kịp bảy giờ làm lễ ở Batdomboong. Mặt trời chưa lên. Xe chúng tôi chạy sau lưng một chiếc xe đồng ca hết tình ca này sang tình ca khác từ thời... Bảo Ðại đến bây giờ. Lúc nghe đến bài: ... Như hoa phong lan chờ đợi ... bên xe tôi một người hét vọng qua: “Không còn ai chờ đợi đâu. Tụi nó đi lấy chồng cả rồi...”.
Tiếng hát vẫn không nao núng, trầm trầm vang vọng làm tôi dưng không muốn ứa nước mắt vì một nguồn sống âm thầm an nhiên tồn tại chẳng vì một đua đòi bon chen hào nhoáng nào cả. Họ hát vì họ không thể không hát. Vậy thôi! Tưởng chừng như tiếng hát của họ đẩy lùi bóng tối. Tưởng chừng như tiếng ca của họ lôi dậy mặt trời. Tưởng chừng như họ hát để khóc chào tiễn những người kém may không được sống sót trở về như họ...
Ở Batdomboong, trước lễ đài có một cô gái Campuchia hát Bài ca không quên bằng tiếng Việt. Cô gái tên Vannary ấy cho biết được một anh bộ đội Việt Nam dạy hát nhiều bài hay lắm. Trong đó có cả bài Hà Nội, niềm tin và hy vọng và Mùa thu lá bay... Trong lúc bài diễn văn được đọc, tôi lại bị làm thông dịch viên bất đắt dĩ. Những phóng viên nước ngoài bao giờ cũng mở đầu bằng câu hỏi: “Cảm tưởng của các anh khi trở về Việt Nam...”. Những anh lính trả lời vô cùng đơn giản: “Vui, rất vui và rất vui!”. Những người chỉ huy thì trả lời dài dòng hơn: “Rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, cũng rất vui vì lực lượỳng phòng thủ bảo vệ tổ quốc của bạn đã vững vàng để độc lập tác chiến”...
Hai trung đoàn anh hùng 16 và 88 lên đường trước một ngày, nay dẫn đầu hành quân. Các anh kể, vì đi trước nên không tổ chức tiễn đưa, rời núi Hồng khi trời chưa sáng, dân trong vùng phải phóng Honda theo tặng quà và đưa tiễn suốt một đoạn đường dài. Một sĩ quan hơi lo khi thấy lính của mình đàn và hát những bài tiếng Việt lẫn tiếng Anh cho phóng viên nước ngoài quay phim, hỏi nhỏ tôi cái bài hát đó nói cái gì vậy chị...
Mãi loay hoay với cái vai trò bất đắt dĩ này, xe của nhóm báo chí đã di chuyển mà tôi không hay. Tôi nhảy đại lên một chiếc xe không quen nhưng dần dà rồi cũng biết hết...
“àHồi nãy chị giúp những người nước ngoài hỏi chúng tôi, tới phiên chúng tôi hỏi lại nè:
- Chị ở quận mấy?...
- Vậy là đồng hương với tụi này?
- Chị thấy lính cực không?
- Có cách nào kiếm việc làm nhanh nhất khi xuất ngũ hả chị?
- Ðơn vị tôi có mấy anh tốt lắm, tôi muốn tụi nó được đi lao động hợp tác, không biết có được không?
- Em thích đi học lại quá mà không biết có phải đi làm để giúp gia đình không?
- Chị ơi, sao chẳng có bài nào tả người lính giống tụi em hết, mà dường như giống lời mấy ông chỉ huy nói về tụi em?
- Thành phố lúc này ra sao chị?
- Mấy ông Công an thế nào rồi?
- Tại sao chín mươi phần trăm người yêu của tụi em đều “xù” khi tụi em sang đây? - Chị bao nhiêu tuổi?-
- Lập gia đình chưa?
- Tại sao chị không đi lính mà cũng bị “xù”?...
Một phóng viên nước ngoài hỏi tôi:
- “Tại sao chị lại đi theo chuyến rút quân này?”. Có lẽ vì những người lính này giống như em tôi. Tôi cũng có một người em trai đã là bộ đội...
Mưa vừa trút ở đó buổi chiều nên đường vô cùng trơn nhớt. Ðằng sau từng mỗi xe là từng đốm lửa nấu cơm với mớ củi đã đem theo. Trông cứ như những phim cao bồi của Mỹ về một thời tung hoành khai hoang về vùng Viễn Tây xa tít... Văng vẳng cho tới sáng đủ loại nhạc từ chiếc cassette xách tay. Một vài cây guitare đơn lẻ... Loáng thoáng có tiếng hợp ca bài Nếu một mai giả từ vũ khí...
Tôi cứ bị phỏng vấn liên miên. Những người lính trẻ có những lo lắng vô cùng dễ thương... Tụi em được lãnh trước hai tháng lương, ra chợ thấy hàng Sài Gòn nhiều quá, mua đại mấy hộp kem UP, Arché cho em gái mà cứ lo kem giả của Sài Gòn đem qua, em gái nó cười... Tôi phác giác nhiều người lên đem về những chú chó và khỉ, cả sáo sậu mặc dầu đã có lịnh không được mang theo súc vật... Nó khôn lắm chị ơi! Ăn ở có nghĩa, có tình hơn... Tôi cười, thôi khỏi nói khúc sau, hiểu rồi! Anh bộ đội hát bài tiếng Anh khi sáng kể cho tôi nghe những vở kịch anh em tự dàn dựng để đi thi cấp sư đoàn. Có một vở hài kịch tụi em giễu cợt một ông xếp ăn chận gạo và thực phẩm của anh em. Ngoài đời có một ông giống như vậy. Ông không cho vở ấy đi thi rồi còn đì em sói trán, hăm không đề nghị cho đi hợp tác lao động khi xuất ngũ nhưng em đâu có cần. Bây giờ ổng bị ở tù rồi, tại về phép gây lộn bắn ẩu ở nhà. Giải nhất kịch về tay đội bạn. Vở kịch tụi nó phê phán vụ chơi bồ đà nên lúc bị đạp mìn máu loãng không cầm được. Bồ đà ở đây rẻ lắm. Nè, tụi em có cả một bài ca về bồ đàà “Ngày con ra đi. Mẹ khuyên con chớ chơi bồ đà. Nhưng mạ ơi con quá nhớ nhà”. A! Quên khoe chị, lúc tụi phóng viên Hồng Kông chụp hình bà cụ người Campuchia đến cho kẹo tụi em là mẹ nuôi thằng này. Không phải bộ đội nào cũng được có mẹ nuôi đâu. Phải có một chuyện gì đó. Như anh T giữ nhà giùm cho mẹ mà vàng không mất. Mà mỗi bà chỉ nhận nuôi một anh thôi. Nhận rồi thì thương hơn con ruộtà Em không hiểu sao cảnh mấy bà mẹ Campuchia khóc tiễn tụi em, “xếp” của em lại không cho phép những người phóng viên quay phim.
Ðiều ấy tôi cũng không hiểuà Tôi giải đáp mọi chuyện theo cách nhìn có khi rất thiển cận của mình. Và tôi cũng nhắc những người chiến sĩ ấy nhớ rằng, không phải chuyện gì họ không biết là tôi cũng biết cả đâu. Ví dụ tôi cũng không phân biệt được kem thật và giả. Ví dụ tại sao chín mươi chín phần trăm người yêu của bộ đội “xù” họ. Ví dụ như tại sao Sơn, Trí, Long, Hoàng, Việt, Tiềm, Thyà này được sống mà tại sao những Sơn, Trí, Long, Hoàng, Việt, Tiềm, Thyà kia lại chết.
Ngày 23-9-1989
Dự định chỉ làm lễ tiễn lớn ở ba nơi nhưng nhiều huyện không chịu. Họ nói vậy là không thương, không có tình với họ. Dân bắt buộc phải làm lễ mới cho đi. Mà làm lễ là phải có Tổng Tư lệnh. Phải chờ phái đoàn chỉ huy cách đó hai mươi cây số đi lên. Trong hai giờ chờ đợi, một vài anh quấy ở một cái ao rau muống gần đó được mấy con ốc bươu to ơi là to. Nhưng một vị chỉ huy ra lệnh không được “phát huy”, sợ có ai nhìn vào thấy không đẹp mắt. Trong lúc chờ đợi, tôi đi dọc theo đoàn xe. Những anh bộ đội đang đồn tôi là phóng viên của báo Tuổi Trẻ Cười, gọi tôi đến để tặng những chuyện cười đặc biệt lính.
Buổi tối, chúng tôi dừng xe cách thủ đô khoảng hơn mười cây số. Tôi cùng vài người vào thành phố trước, tình cờ gặp T.N. T.N rủ tôi đi ăn tối ở nhà một phụ nữ người Campuchia lấy chồng người Việt. Có cả một số phóng viên nước ngoài. Một vài người tỏ vẻ chê cuộc rút quân không được hấp dẫn lắm. Tôi hỏi bộ mấy người muốn có lính Pôn Pốt ra chận đánh nhau mới hấp dẫn hay sao? Họ bảo không phải vậy, họ chỉ mong rằng buổi lễ ở Xiêm Rệp được đặt ở Ăngko Vát thì hay và đẹp hơn. Họ còn than phiền buổi lễ tiễn ở một hướng hành quân khác, họ bị đặt trên một tòa nhà cao không xuống được mà ở góc đó ngược sáng nên chụp không thể đẹp được... Có cả những người làm phim Cánh đồng chết. Giữa những người này có nhiều chuyện bất hòa. Tôi cũng có được gặp những người Việt Nam di tản năm 1975, nay lấy tên Mỹ, làm cho Mỹ. Hỏi cảm giác chung về cuộc rút quân, họ bảo: Tốt lắm! Tốt lắm! Theo họ, đây là một cuộc rút quân thất sự... Lúc trưa, nhân lúc gặp viên tướng Tổng Tư lệnh đi dẹp mấy xe vượt ẩu cho lên lề ráo, có hỏi cảm tưởng chung, ông nói không ngờ nhân dân Campuchia thương bộ đội mình dữ vậy...
Ngày 24-9-1989
Ðưa T.N. ra hàng quân, chụp được nhiều hình đẹp. T.N. thích nhất là hình bộ đội ngồi làm cá dưới tấm hình Uncle Hồ. Những chiến sĩ đong đường nấu chè rủ chúng tôi lúc quay về ghé ăn.
Buổi chiều được dự cuộc họp báo của ông Hun Xen. Nhiều phóng viên nước ngoài rất mê người lãnh đạo trẻ tuổi khôn khéo này. Mỗi lần nghe tiếng máy xè xè nổi to mồn một trong phòng họp, biết ngay là máy quay của Việt Nam. Những Việt kiều ở Campuchia lâu thì rất vững. Những người mới qua khoảng năm 80 thì rất lo, chỉ muốn theo đoàn quân về nước luôn.
Ngày 25-9-1989
Sau hơn một ngày giặt giũ tắm rửa sạch sẽ cho xe lẫn người, tôi gần như nhận không ra những người lính mình đã đi cùng. Khi xe chạy ngang qua Hoàng Cung, họ tỏ vẻ hiền ngoan và nghiêm túc quá đáng đến độ từng bó mía, từng quày dừa được bà con đưa lên họ cũng không buồn nhận. Tôi hỏi một sĩ quan: “Bộ không có lệnh nhận quà à?”. Ông ta lắc đầu: “Tự họ tôn trọng điều lệnh đội ngũ khi chỗ tặng quà gần khán đài quá”. Vẫn là những người dân và cờ, hoa, quả nghịt đường suốt dọc lối về.
Ngang qua bến phà Niếc Lương, ở một sân khấu lộ thiên là những nhạc công và ca sĩ Campuchia đang trình tấu. Những chàng bộ đội Việt Nam hừng chí nhảy lên tham gia. Chàng người Bắc ca một bài dân ca quan họ, chàng người Nam hát bài Trị An và Thành phố trẻ. Một chàng đập trống rất tận tình. Những vị khác nhảy xuống xe đứng nghe dưới nắng trưa. Người hát lẫn người nghe đều có vẻ rất hạnh phúc.
Ðêm ở Svay Riêng, sau buổi chiêu đãi, mọi người đang nhảy múa thì bỗng một cơn mưa tầm tã... Tôi quá giang chiếc xe của Truyền hình Thành phố chạy từ giữa lên đến đầu hàng quân vào khoảng chín giờ tối. Những người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nằm ngủ ố hay thao thức? ố thẳng chân trên mặt đường tráng nhựa. Chỉ còn vài cây số nữa là tới quê hương. Có người lót chiếu, lót khăn cà ma. Có người, chẳng cần gì cả, nằm lăn kềnh ra đất... Tôi cũng được nằm trên một mảng đường vài tiếng trước năm giờ. Một anh kiểm soát quân sự cho biết chỉ khoảng hơn mươi xe về làm lễ ở cửa khẩu Mộc Bài, còn thì lướt qua luôn.
Ngày 26-9-1989
Trời còn lờ mờ, những ao nước ven đường được vốc lên rửa mặt. Lần cuối cùng được rửa mặt bằng những bụm nước ở xứ bạn?.. Tiếng xe âm âm mặt đường... Những người lính nín hơi để hét lớn lúc xe qua cửa khẩu của Campuchia. Mấy người lính quen mặt hỏi tôi:
- Chị rờ coi cửa khẩu có nứt vì tiếng hét của tụi em không?
Các phóng viên quay, chụp và phỏng vấn các bà mẹ đi tìm con. Tôi đến Trạm Y tế thuộc khu vực Việt Nam. Có một người lính nằm ở đó. Rớt từ xe xuống vì bắt tay, nhưng không nặng lắm. Gặp các cô cậu học trò trường Nghệ thuật Sân khấu đang là lính của đoàn Văn công Quân khu 7 ra Mộc Bài hát. Tôi ngồi ở trạm cấp cứu trông từng xe qua. Ðoàn quân qua gần hết tôi mới nhảy lên được một chiếc xe của những người cảnh vệ. Một anh hét lên khi xe qua cửa khẩu của Việt Nam bằng giọng Hà Tĩnh:
- Má ơi! Con về rồi nè má! Con Lan có còn đợi con không má?
Nhiều người tỏ vẻ lo âu. Dân Campuchia đưa tiễn mình hết lòng hết dạ như vậy còn dân mình không biết thế nào? Có thương bộ đội như vậy không? Hay là các chàng trai ở thành phố lại sợ tụi này về tranh mất việc làm và bạn gái?
Ngày cuối được phát gạo nhưng không ai buồn nấu. Các anh cho biết vì lương được phát trước hai tháng nên giờ này không ai còn xu nào. còn sót mấy miếng cơm nguội hôm qua và gói muối đựng trong cái nón được chia đều ra cho mười hai người trên xe và một con chó. Tôi hỏi con chó sẽ thuộc về ai khi tất cả ra quân hết? Trả lời: “Bao giờ cũng có người còn lại. Những người lính mới bổ sung sẽ làm chủ con chó ấy. Tụi em không có cái gì là của riêng. Vào bộ đội mà đứa nào còn tính chuyện ăn riêng sẽ được xây riêng một căn nhà cho ở. Ở đây, tụi em thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Một lá thư riêng được đọc chung. Chuyện buồn chuyện vui luôn xẻ đều. Cha đứa này chết. Bồ đứa kia “xù”. Xẻ đều cho nhau cả”.
Xe chạy ngang nhà máy dệt, các nữ công nhân ào ra đứng đầy đường và có cả ca hát ở Nhà máy dệt Thắng Lợi. Quê nhà đón về cũng không tệ lắm.
Ngày 28-9-1989
Khi tôi đi ngang dinh Ðộc Lập, buổi lễ thành phố đón quân ta đã xong. Còn sót lại vài chiếc xe bộ đội kẹt đèn đỏ ở nhà thờ Ðức Bà. Những cô sinh viên Ðại học Sư phạm đang học quân sự gần đó đứng phân vân trước lời dụ dỗ đổi nón lính lấy khăn tay và địa chỉ của bộ đội trên xe. Xe bộ đội rồ chạy, các cô quyết định chạy theo xe, tuột lẹ chiếc khăn tay cột tóc liệng lên, những chiếc nón liệng xuống. Họ đổi địa chỉ cho nhau.
Ngày 29-9-1989
Buổi tối, tôi đi dạy về, chợt nghe tiếng kêu:
- Chị nhà báo Tuổi trẻ Cười ơi!
Anh bộ đội vác hai ba lô còn đang nấp mưa dưới một mái hiên. Anh đi tìm bà con, không biết địa chỉ ghi thế nào mà tốn mấy ngàn đồng xích lô vẫn chưa tìm ra.
Tôi hỏi lễ hôm qua có vui hơn Campuchia không?
ố “Vui hơn chớ, con gái nước mình biết tiếng nhau nói chuyện dễ hơn. Em sẽ về thi lại Ðại học Thủy Sản. Bao giờ đất nước cần sẽ đi lại. Nước bạn mà tụi em còn chiến đấu hết mình huống chi là nước mình khi có chuyện. Chị biết không? Trung đoàn em tiêu gần phân nửa số quân. Phần lớn vì bị gài mìn chớ bộ đội mình đánh giỏi lắm. Ðêm qua em nghe nói có mấy đứa quậy trong quận Năm, phải có Kiểm soát Quân sự tới giải tán”.
Tôi nói bây giờ đi đâu để tôi chở cho.
Anh lính từ chối: “Em đi bộ được rồi. Em sẽ kiếm bạn cũ đang làm ở xí nghiệp in gần đây xin ngủ nhờ đêm nay.”
Tôi nhớ những học sinh của tôi có một tiểu phẩm về một tình huống tương tự, một anh bộ đội về xơ xác quá, bạn cũ không muốn nhìn. Tôi mong đó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng. Ngoài đời thường mọi thứ phải tươi sáng hơn. Mong là như vậy, ít ra cũng là nhiều điều may mắn hơn cho những người tôi đã gặp.
Ghi chép của Nguyễn thị Minh Ngọc -1989
Campuchia bàn giao hài cốt chiến sĩ tình nguyện VN
TT - Sáng 28-5, chính quyền và tỉnh đội tỉnh Preah Vihear đã tổ chức trọng thể lễ đưa tiễn và bàn giao cho đại diện phía VN 50 bộ hài cốt chiến sĩ tình nguyện VN hi sinh tại tỉnh này trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt ban lãnh đạo, quân đội và nhân dân tỉnh Preah Vihear, ông Prap Dan chia sẻ nỗi thương tiếc với gia đình các chiến sĩ tình nguyện VN đã hi sinh và tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh cao cả của quân tình nguyện VN, những người đã không tiếc máu xương giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chế độ Khơme Đỏ.
TTXVN -2008
hinh tren la Nghia trang o Bismarck

Labels: