Thursday, June 19, 2008

5. RỪNG

Vừa thi học kỳ bốn cuối năm thứ hai, lớp rụng bớt Anh Hoa và Thiên Kiều, còn lại mười ba người. Thấy lớp đã có một số vốn kha khá, thầy Minh quyết định đưa lớp lên rừng biểu diễn.
Daknon là một khu định cư mới ở Tây nguyên. Dân thành phố lên đó nhiều: Thanh niên Xung phong cấp thành và cấp quận, lao động cải tạo, làm rừng, đốn cây, trồng cao su, đập đá v.. v... Cả lớp đều reo mừng hớn hở (rất nhiều đứa chưa biết rừng là gì), trừ Tiên.
Tiên xin gặp riêng thầy Minh để xin phép ở nhà và xin được không nói rõ lý do. Thầy kéo Tiên đến một quán cà phê vỉa hè, hút thuốc như thở ra bằng khói, rồi hỏi:
- “Em không nói nhưng tôi biết, định ở nhà để đi thăm nuôi bố ở Chấp Pháp phải không?”.
Tiên đành phải gật đầu. Chẳng dám hỏi tại sao thầy biết. Lại phun khói mịt mù, thầy Minh tiếp:
- “Chuyến tới em hẳn đi thăm bố. Ông vẫn sẽ còn ở đó vài tháng nữa, trễ một đợt cũng không ảnh hưởng gì đâu, nhưng mà, vì em, tôi đề nghị em nên đi chuyến này”.
Tiên băn khoăn, đắn đo. Ít khi thầy Minh năn nỉ ai. Mà thật ra thầy có năn nỉ đâu. Thầy cứ ngồi đó, hút thuốc, mặt thừ ra buồn bã. Rồi nói tùy em. Nếu tùy thì Tiên đi. Cứ coi như đang học bài giả sử của học kỳ I đi. Giả sử như ba vẫn còn ở nhà. Hoặc giả sử không có cơn bão, giờ này ba đã đến một cái đảo nào đó rồi.
*
* *
Ðường từ ngã tư Ðồng Xoài trở lên xấu không tả được. Cả đám vui như trẻ con khi được thấy rừng cây giá tỵ lá to xanh chuyển vàng nâu đẹp như tranh. Có những cái lổ thủng trên đường phải gọi là ổ voi chứ không thể gọi ổ gà. Tiên cười đùa với các bạn và đồng thời nghe cồn cào nổi nhớ thương ba. Thỉnh thoảng bắt gặp thầy Minh nhìn mình, ánh mắt rất lạ. Khi xe ngừng ăn trưa, Mã Yến tới thầm thì:
- “Hôm nay đúng là ngày bồ của thầy Minh đi Pháp. Ông ấy gan thật. Không ở nhà mà đi tiển”.
Anh Mẫn bên lớp đạo diễn tức tối:
- “Ngày đi diễn có thể dời được mà. Cái ông Minh này thật !”.
Mọi người kết luận, chắc thầy Minh không yêu cô ấy. Nhưng mình có yêu ba không? Tiên cho rằng mình vẫn rất yêu ba, nhưng yêu theo kiểu của mình. Cô rất không muốn ba cứ lao vào những cuộc phiêu lưu mà hết 90% là tuyệt vọng. Nhưng cô cũng biết mình không đủ sức can ba mình được. Cô lãng mạn nghĩ rằng. Với ý chí của riêng mình, bằng những bước của ốc sên, cô cũng sẽ đi được nước ngoài, đi chơi thôi rồi về, nghĩa là sẽ đến được các nơi mà ba cô muốn đến, mà không cần phải “gót rỗ kỳ khu” như thế kia.

Dọc đường đi, nhà cửa thưa dần, lác đác người đi. Núi chập chùng thoáng hiện. Bỗng dưng cô thấy thương quá, đất nườc nghèo khổ của cô. Bỗng dưng cô thèm được làm một cái gì đó, chia sẻ với những người sống nơi tù mù ánh sáng này. Ðám con trai hét vang khi xe rẽ vào hướng hồ Doãn Văn:
- “Tối nay nhớ đi vô trỏng coi nhá”. Những người dân đen đủi đứng vẩy tay cười. Từ những ngôi nhà ấy vào điểm diễn có đến trên dưới hai mươi cây số. Vậy mà đêm đến họ lũ lượt đi bộ, kéo vào xem đông nghẹt.
Vẫn là Hà Phi được tán thưởng nhất với cây đàn guitar. Còn khi Trinh Tiên bước ra, cô nghe khán giả ngồi gần-những cô cậu học viên cải tạo rất ngầu, bàn tán:
- “Ðẹp quá !”.
- “Nhưng không biết diễn có hay không ?”.
- “Cần gì, ngó cũng đờ “vã”, đỡ nhớ nhà !”.
- “Phải sống ở đây một thời gian xem có giữ được sắc đẹp đó không mới biết vàng, biết đá !”.
Tiên ung dung diễn. Bề gì cô cũng đã từng là Carmen và Jeanne d’Arc. Còn ở đây cô đóng vai một cô gái ở thành phố lên rừng núi thăm bồ là Thanh niên Xung phong. Tiên cứ diễn như không. Như cô có mặt trong chuyến lưu diễn này cũng chỉ để thăm một anh chàng người yêu nào đó. Trong đoạn kịch vui ấy, người yêu cô xấu hổ vì chỉ là một anh “hỏa đầu quân” nên đã nhờ bạn bè giả vờ xưng tụng anh như một người chỉ huy đầy bản lãnh. Sự thật cuối cùng rồi rõ ra. Họ vẫn tiếp tục yêu nhau. Rồi hết.

Khán giả cười nhiều nhưng bên cạnh tiếng hát Hà Phi, người được nhiệt liệt hoan hô nhất lại là Hiền Chi. Cô bé loắt choắt nhưng lại rất duyên dáng trong vai một con bé khờ khạo trong vở “Sống giả, chết thật”.

Sau buổi diễn, khán giả bày tỏ sự ái mộ nhiều nhất vào ba cô Chi, Phi và Tiên. Người ta nói một cô hát hay, một cô diễn hay, còn cô kia (ý nói Tiên) thì đẹp. Tiên tiếc rằng Thiên Kiều và Anh Hoa đã nghỉ, nên khi chọn người đẹp trong lớp người ta cứ nghĩ đến cô. Cô không hy vọng ca hay được như Phi. Cô chỉ mong hai năm còn lại, mình cố học sao để khi nhắc đến cô, người ta sẽ nhớ đến nét diễn hơn là dáng vẻ bên ngoài.

Diễn xong, cả đoàn được mời sang một chỗ cách đó khoảng hơn 100 mét để ăn cháo gà. Nhiều đứa để nguyên mặt diễn lau chau đi trước. Một số ít chùi sạch mặt rồi mới đi. Thi không biết lấy được ở đâu một thau nước, đem đến cho Tiên rửa mặt. Nhưng đến khi Tiên thu dọn đồ đạc xong thì quay qua quay lại chẳng có ai. Tiên giận dỗi, sẳn cái khăn rằn của Chi bỏ quên, Tiên lấy trùm kín mặt nhắm hướng đèn xa đi tới để khỏi còn những người tới lui xì xào về cái vẻ ngoài sáng rở của mình.

Mặt hồ đêm trăng lãng đãng sương mù đẹp như một huyền thoại. Giữa mặt hồ, những gốc cây khô đen cháy đứng chơ vơ như những linh hồn cô đơn tụ về từ thiên cổ. Tiên mãi ngó cảnh, lơ mơ thế nào mà đi lạc xuống dốc hồ. Cô muốn la lên khi, như trồi từ dưới đáy hồ lên, một bóng đen to, dị dạng hơn cô với mũ áo trùm đầy người. Cái bóng ấy la trước cô:
- “A, diễn viên! Sao không đi ăn cháo mà rẽ lối xuống hồ. Nếu định tự tử thì chờ sáng mai. Nước hồ lúc này lạnh lắm”.
Cô run rẩy:
- “Vậy tôi lạc rồi sao? Chỉ giúp tôi đến chỗ ăn”.
Ánh đèn pin lóe vào mặt cô:
- “Cô Ðẹp đây mà, Ði trước đi. Tôi sẽ đi sau cô chừng một mét và soi đường cho cô bước”.

Cô và anh ta trò chuyện với nhau cách nhau một mét như vậy. Anh ta cứ luôn miệng kêu cô Ðẹp! cô Ðẹp! tới độ Tiên muốn khóc:
- “Ðừng kêu tôi như vậy !”.
- “Ai biểu không xưng tên. Tôi là Văn, chẳng có gì phải dấu như cô”.

Cô dậm chân:
- “Không thèm dấu. Nhưng không thích nói tên, Và cũng không thích bị kêu là đẹp!”.
- “Vậy tôi sẽ gọi cô là cô Sấu. S chớ không phải X. Vì sấu là gầy, và cô gầy quá. Hồi nãy ngó cô từ trên dốc xuống tôi cứ ngỡ một con hạc ma...”.

Ðến chỗ sáng đèn người tên Văn quay lưng đi. Cô chạy ào vô nhưng khi đến cửa cô chợt khựng lại, giận dỗi ngó bạn bè. Phi nói, mấy ông con trai bung đi khắp nẻo để kiếm Tiên. Mọi người về đủ, trừ Thi, hình như chàng này cũng đi lạc như Tiên. Mọi người cứ nghĩ hai người thích ngắm hồ trăng hơn cháo khuya nên không đi tím nữa.

Tiên vừa ăn xong là Thi vừa đến, hối các bạn sang bên kia đầu dốc Lầm Bầm, Ban Chỉ huy Nông trường và thầy Minh đang đợi. Họ muốn nhậu với dân thành phố. Ai không uống được rượu thì có cà phê...
Anh Loa bên lớp đạo diễn Năm, người của đoàn trường cử đi theo để “coi sóc” bọn Tiên, phụ với thầy Minh, phản đối ngay:
- “Phải “dưỡng quân”, mai còn diễn hai xuất. Nhất là ba cô sau đây : Phi, Chi và Tiên. Tinh hoa của đoàn đêm nay chứng tỏ đã tập trung vào ba cô. Các cô không được quyền phung phí sức khỏe”.
Cả đám cười rần vì hai chữ “tinh hoa” của anh Loa. Người to mồm nhất là Chinh:
- “Lên đây rồi đừng căng cứng nữa anh Loa. Ðứa nào vui chơi được cứ để nó vui chơi. Ðó chính là sức khỏe. Phần em sẽ đi ngủ vì em không thích rượu. Ðứa nào đi về nơi ngủ, theo Chinh”.
Cả đám con gái đều theo Chinh, trừ Phi. Nhưng Phi kéo theo Tiên :
- “Nhỏ ơi, đi với tao, đêm đẹp quá. Tao muốn ngắm trăng rừng”.

Nhưng rồi có ngắm được trăng đâu. Phòng nhậu kín cửa vì sợ gió. Chỉ có con đường đi đến, bọc một góc hồ, trăng vàng óng, sóng nước gợn như tơ và như mơ. Những người chỉ huy của các nông, lâm trường gần đó cũng tụ về. Tiên đoán Văn là một trong những người lạ ngồi đó nhưng khi thầy Minh giới thiệu một vòng, cô vờ buồn ngủ dúi vào lưng Phi, không ngó. Và rồi chung quanh cô mọi người đua nhau kể chuyện tiếu lâm, rũ nhau ca hát- những bài đàng hoàng lẫn những bài sửa lời méo mó như “úp mặt vào hơi em thở” thành “úp mặt vào mông em thở”- rồi cười, rồi ép nhau uống rượu...

Những lúc này cô càng nhớ ba cô. Nhất là khi một anh kể:
- “Các bạn biết không, khi người ta trao cho chúng tôi giữ phạm nhân, lần đầu tiên, lọng cọng biết là bao nhiêu. Có người tù nhảy từ trên xe xuống. Súng trong tay, học bắn rồi, nhưng chẳng đứa nào dám bắn. Lẽ ra không nên giao súng cho những đứa như mình...”.

Cô phải đòi về phòng mấy lần nhưng bao nhiêu người níu kéo. Cuối cùng, cô nhìn Thi cầu cứu. Thi đứng dậy kéo cô đi. Có lẽ những người lạ tưởng cô là người yêu của Thi. Ðưa cô đến cửa phòng, Thi nói:
- “Dưới ánh trăng, trông Thi rất Carmen”.
- “Nghĩa là sao ?”.
- “Nghĩa là... “Ðừng kêu tôi như vậy? - “Ai biểu không xưng tên?”.
Thi đọc vanh vách đoạn đối đáp giữa cô và Văn như một con ma xó làm Tiên lạnh cả người.
- “Chúc ngủ ngon!”.

Thi nói. Rồi Thi quay gót đi. Tiên kêu quay lại đi Thi. Nhưng Thi đi luôn. Ðêm đó Tiên chỉ ngủ được khi gần sáng. Cô nhớ ánh trăng vàng tỏa lan trên mặt hồ. Nhớ sương mù lảng đảng lối đi. nhớ tên Sấu - nghĩa là gầy, mà người tên Văn đặt cho cô. Nhớ Carmen. Và nhớ Thi. Khi gần thiếp ngủ cô tự hỏi. Lẽ nào Thi đã yêu mình. Và nhờ vậy, cô bớt thấy nhớ ba.
*
* *
Những ngày hôm sau là những ngày rất đẹp với Tiên. Dù có lúc mưa. Có lúc đói. Có lúc phụ tụi con trai mang đồ diễn vào những điểm rất xa. Nhiều cô học viên tóc vàng cháy, tay chân đen mốc, đến nựng nịu Tiên. Những chàng trai thì tặng cô lan rừng, mật ong, tặng thơ, tặng cả dao có cán chạm khắc rất đẹp. Dù biết người dặn cử tặng dao cho nhau nhưng họ nói biết đời nào gặp lại cô nữa. Thỉnh thoãng cô hỏi dò thầy Minh:
- “Thầy thấy em diễn có tiến bộ không?”.
Thầy nói:
- “Dở ẹt!”.
Cô không buồn mà hỏi tiếp:
- “Thế thầy có nhớ cô ấy không?”.
Thầy nhún vai:
- “Tất nhiên! Và tôi tin từ bây giờ nếu có dịp diễn hay viết lại. Tôi tin mình sẽ thể hiện mọi thứ hay hơn. Ðiều đó rất quan trọng. những nổi mất mát, đau buồn bao giờ cũng làm mình lớn hơn những lời xưng tụng, niềm hạnh phúc. Riêng trường hợp của tôi là như vậy”.

Gần như nhóm Tiên diễn ở đâu, những người đã gặp nhau đều tụ đến gặp nhau sau buổi diễn gần đủ mặt. Họ buồn! Tiên nghĩ vậy. Nên gặp nhau là ca hát, rượu, và chuyện tiếu lâm... Loa lúc này đã chịu lê la, bớt căng cứng.

Có hôm, ngồi ăn cơm cạnh Tiên, Loa bỏ nhỏ:
- “Thấy anh ta có vẻ thích Tiên lắm, hỏi thăm tôi luôn”.
Tưởng anh nói Thi, hóa ra là Loa muốn ám chỉ Văn, mà bây giờ Tiên đã biết, là Giám đốc của một lâm trường gần hồ, còn độc thân, và theo lời bạn bè anh thì đang rất cần kiếm vợ, không cần phải lên rừng sống.

Quân thì cứ theo trêu Tiên và Thi. Cô phải ngoắc Quân ra, nói riêng:
- “Ê, chọc kiểu đó, không khéo em yêu anh ấy thiệt cho coi”.
Mặt Quân đờ ra:
- “Vậy em không yêu anh sao?”.
Tiên cười ngất:
- “Cho em mười cây vàng, em tuy đang rất cần tiền, cũng chẳng dám nhận vàng để phải yêu anh”.

Thi vẫn tiếp tục tỏ ra tử tế với cô như bao giờ. Nhưng luôn giữ một khoảng cách mong manh nào đó với Tiên, ngắn hơn nhiều so với “cái khoản một mét” của Văn, nhưng có vẻ khó xóa hơn. Ðôi khi, Tiên nghĩ, có lẽ ở bối cảnh rừng núi nên thơ như vầy, tim người ta mềm đi, dễ cảm nhau. Vậy thôi.
Ngay cả anh Loa nổi tiếng căng cứng, nay còn muốn mềm trước sức trẻ làm việc quên mình của bọn Tiên, hà huống gì ai. Tiên cứ sợ khi về thành phố, nắng bụi sẽ làm mọi thứ đông cứng lại, khổ nhọc nặng nề ngó nhau, không cảm nổi.
*
* *
Ðêm diễn ở Dakmil là một trong những đêm diễn ly kỳ nhất. Vác rương đồ diễn đi bộ vào vài cây số. Ðến nơi mới biết điểm đó chỉ độ hơn mười anh Thanh niên Xung phong. Ông chỉ huy chỗ đó nói:
- “Diễn chi bây, ở nhậu mai về”.

Vậy mà Thi và thầy Minh cũng chế được một sân khấu dã chiến mà cánh gà là những vạt giường cài phong lan và đèn sân khấu có được bởi cặp đèn mắt của chiếc jeep lùn rọi thẳng vào.
Khán giả đến đông không ngờ. Ða số là những người dân tộc K’Ho địu con đi từ rừng núi rất xa đổ đến. Chẳng có anh Thanh niên Xung phong nào ở dưới khán giả. Diễn xong mới biết người chỉ huy rãi quân dọc suối để canh chừng vì mới tuần trước Fulro còn bơi qua bắn phá.

Khuya đó, Văn từ một điểm cách Dakmil cả trăm cây chạy đến, ngồi uống rượu cần suốt đêm với người chỉ huy ở đây, thầy Minh và toàn đoàn, trừ Thi. Tiên ngồi đó với Phi vì nghĩ thế nào Thi cũng phải đến.

Gần sáng họ mới giải tán vì rượu cần uống không say (hoặc say chậm). Và cũng gần sáng, ra suối, Tiên mới biết Thi cũng thức suốt đêm nhưng ngồi ngoài này uống rượu với những anh thanh niên Xung phong phải trực gát. Loa là người “gục” đầu tiên. Thầy Minh sau đó phải họp đoàn, yêu cầu chấm dứt những đêm thức trắng như vậy cho đến ngày về kẻo mọi người gục hết, chỉ còn mình tôi độc diễn thì chỉ có ma xem.

Không nói ra nhưng gần như cả đoàn đều cho rằng vì Tiên mà Văn lặn lội ghé Dakmil. Sau đó Tiên cảm thấy như Thi giận mình. Anh chàng không nói chuyện nữa. Ði ăn không kêu đi cùng như trước đó. Lại xoay sang chơi với ba cô nhỏ làm Hữu rất vui vì có thêm đồng minh.

Những người bạn của Văn lại cứ nói vun vào như đã có một cái gì giữa Tiên và Văn. Hà Phi cũng có một anh chàng thi sĩ, Phó Giám đốc Nông trường theo sát từng chặng đi. Có bửa Thi vụt miệng:
- “Lúc về chắc đoàn sẽ mất thêm mấy người đó, thầy ơi!”.
Thầy Minh nửa thật, nửa đùa:
- “Tôi tưởng các em đàn ông hơn tôi. Tôi đã quá yếu ớt không đủ lôi cô người yêu của tôi ở lại. Dù tôi biết chừng mươi năm nữa, tôi sẽ hối hận vô cùng vì đã không cố có con với cô ta”.

Gần đến ngày về, Tiên không thấy buồn như các bạn mà thấy vui (hình như tâm thế cô luôn ở chiều ngược với các bạn). Cô trở lại thấy nhớ nhiều đến ba. Nhất là có lần đi ngang chỗ những phạm nhân đang đập đá, cô cứ băn khoăn không biết ba cô đã bị kêu án, chuyển đi lao động chưa?.

Ðêm cuối, cô và Phi móc nghéo tay nhau không thức nữa, mặc ai kêu réo. Nhưng diễn xong Tiên bị trúng gió. Mã Yến đưa cô vào một văn phòng gần đó cạo gió. Và khi tỉnh, cô nhận ra đó chính là phòng riêng của Văn. Chiếc giường đơn nằm lạnh ở góc phòng. Vài tờ bằng khen nằm trên bàn xáo xác. Cô quét dọn mọi thứ ngay ngắn lại cho anh mà thấy ngùi ngùi. Rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Cô sẽ về thành phố. Sẽ quên Văn ngay sau đó vài tuần. Rồi sẽ có những đoàn khác lên. Báo chí. Công tác xã hội. Văn công. Thống kê. Tham quan kiểm tra v.. v... Rồi sẽ có một người đàn ông hay đàn bà nào đó nằm đây. Và rồi họ cũng sẽ lại đi như đã đến. Như bụi áo thay phiên đến và đi. Cô bỗng thấy thương cho cô gái nào đó sẽ lên đây và ở lại luôn làm vợ của anh. Cô hỏi mình. Dám không? Và câu trả lời của cô là 50/50 như ba cô thường nói.

Giữa Văn và Thi, cô thấy mình chẳng có lỗi với ai nếu yêu người này, bỏ người kia. Cô nghĩ rằng nếu ai ngỏ lời trước, cô sẽ chọn người ấy ngay. Và cô tin cô sẽ là một trong những người tình chung thủy nhất thế gian.
Nhưng cho đến lúc về, vẫn chẳng có ai nói tiếng nào với cô. Dù qua ánh mắt cô biết cả hai đều rất yêu cô. Có lẽ cả hai đều giống nhau ở chỗ sợ cô lắc đầu.
Ngày về, cô ngồi trên xe ngó những cảnh sắc cô đã thấy lúc đi nhưng hình như đã lạ đi. Có lẽ vì cô cũng thấy lạ hơn chính mình.
*
* *
Sau chuyến đi biểu diễn phục vụ ở những độ cao ba trăm mét, giữa rừng, mùa hè năm ấy, về đến thành phố, khi mở nhật ký ra, Tiên ghi:
“Những lời tỏ tình, dường như chỉ xảy ra trong thơ, tiểu thuyết”.







Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home