Truyện nầy tôi viết có trên mười năm. Nhiều người chê truyện nầy nên khi làm tuyển tập, ít người cho vô. Nhưng không hiểu sao khi đọc lại tôi vẫn thấy còn nguyên nỗi đau. Nó vẫn nằm trong những đứa con khiến tôi đau đớn khi viết ra và đọc lại. Vì sự giả hình đến mức trơ tráo, ác độc quanh ta ngày mỗi tăng thêm theo cấp số nhân. Nhân vật người cha tôi dán ghép từ những người khá thân quen, nhưng may quá không có chút nào lay mẫu từ cha tôi. Cha tôi là một công chức được gọi là lưu dung. Ông sống hào sảng và luôn khiến chúng tôi thương yêu, hãnh diện khi nhớ về. Gọi hồn ta đó Chuông điện thoại reng. Ông Ứng nhấc máy. Vang lên từ đầu dây bên kia: - Làm ơn cho tôi gặp cô Phong! - Nó đi vắng rồi. Xin lỗi cô là ai? - Chào bác! Bác Ðông Mặc phải không ạ? Cháu là Diễm Lệ, phóng viên “Phụ Nữ Thời Báo”. Bác nói giúp Mặc Phong cho cháu xin một cái hẹn, được không ạ? - Có gấp lắm không cô? Tôi thấy cháu có vẻ bận lắm. Ði làm suốt ngày, chẳng còn giờ để sáng tác. - Nhưng sẽ thiệt thòi cho tụi cháu vô cùng nếu Tết này báo của tụi cháu thiếu gương mặt của Mặc Phong. - Thôi được, tôi sẽ cố nói giúp cô. - Ðiện thoại của tụi cháu là... - Tôi biết mà... Hay là sáng mai, giờ này, cô gọi lại thử xem sao? - Cám ơn bác nhiều. À, bác nhớ dặn Phong cho tụi cháu một tấm hình. Gác máy. Vừa cho dầu vào quánh nhỏ, chưa kịp đập tỏi, chuông điện thoại lại réo. Tiếng chuông nghe khó chịu. Ông Ứng vặn lửa xuống, khóa đường dẫn ga. Lại báo! Lại báo cho số Tết. Lần này là “Công Nhân Mới”. Anh phóng viên đọc số máy nhắn tin. Ông lấy viết chì ghi. Hữu Ứng 107-085302. Anh ta trùng tên với ông nhưng có vẻ anh ta không biết Ðông Mặc là ai, thì mong chi anh ta biết tới tên tộc của Ðông Mặc là Trần Thích Ứng. Ðập một quả trứng vào quánh, đang phân vân không biết có nên đập thêm một quả trứng nữa hay chỉ nên dùng một theo lời dặn của Phong thì chuông điện thoại lại reo. Lần này ông cương quyết không đến nghe. Mặc nó. Chắc lại báo. Báo Xuân. Chắc lại tìm Phong. Tiếng chuông kiên nhẩn, lì lợm... có vẻ như muốn réo đến hết mức mà nó có thể... Ông chợt hốt hoảng. Hay là nó gọi mình. Ông chộp lấy điện thoại: - Tôi đây, Ðông Mặc đây! - Ông làm tôi hết hồn. Tôi biết chắc chắn sáng nay ông ở nhà và đang chuẩn bị buổi ăn sáng. Mười lăm phút nữa cô ta mới tới. Chờ mãi mà không ai nhắc máy, tôi đâm sợ... - Sợ một tai nạn gì chăng? Hay bà sợ tôi tự tử? - Nếu ông dám làm chuyện đó, biết đâu tôi chẳng... hết thương ông? - Bà không thấy lố bịch khi nói đến ba cái chuyện yêu đương, tự tử ở tuổi tôi với bà sao? - Dẹp đi, tôi gọi về chỉ để nhắc ông một chuyện. Lúc này quá nhiều nhà báo gặp tôi ngỏ ý muốn viết bài về con Phong nhà mình cho báo Tết. - Tôi hiểu, và tôi cũng lo như bà! - Vậy thì ông biết phải làm gì! - Tôi sẽ cố gắng! Máy cúp từ bên kia. Ông ngồi với bữa ăn sáng gồm một quả trứng vữa nát trước mặt ông với lát bánh mì vuông và hình dung ra bà đang ăn sáng với cậu ta, người đã một thời làm đàn em trong văn giới của ông. Chuông điện thoại vẫn réo gọi liên tục. Ban đến đúng giờ nhưng bữa ăn sáng của ông chưa xong với bản danh sách đã có tới chín tờ báo cần liên hệ với Phong. Thời vàng son nhất của ông cao lắm cũng chỉ có sáu tờ. Nhưng lúc ấy số lượng báo chỉ bằng một phần mười mấy lúc này. Thành ra chẳng thể nói ai hơn ai. Ông cười một mình. sao lại đi so đo với con những chuyện ấy. Chẳng phải việc tạo nên tên tuổi Mặc Phong, đứa con gái ruột của ông và bà, chính là điều ông ao ước bao lâu nay hay sao? Ban ở tư thế sẳn sàng làm việc. Cô kiên nhẩn trước những nụ cười vu vơ bất chợt của ông, không bao giờ dò hỏi tọc mạch như bà ấy. Cô biết phận cô. Chính đó là điểm khiến ông quý rồi yêu cô hồi nào không hay. Còn cái quan hệ giữa bà ấy và cậu ta, chẳng biết lúc nào. Trước hay sau lúc bà khám phá ra cái tình cảm ông dành cho cô gái đang phụ ông ghi chép lại những trang hồi ký. - Mình làm việc đến đâu tồi? - Thưa, ở đoạn mối tình thơ đầu tiên của ông, nguyên nhân khiến ông sáng tác được những bài thơ lãng mạn mà cho đến bây giờ nhiều cô cậu mới lớn vẫn chép vào lưu bút tặng nhau... Ông đang chạm tới nổi đau lớn nhất của bà. Lấy nhau có một mặt con, bà mới khám phá ra bà chưa hề là nàng thơ của ông. Công trạng lớn nhất mà bà ấy đóng góp vào đời ông là tạo hứng khởi cho ông viết kịch. Sống chung với một người đàn bà có tính cách mãnh liệt như bà ấy, ông mới hiểu con người ta có thể bị xé tướt làm đôi để đấu tranh với nhau, đồng thời có thể thỏa hiệp để cùng tồn tại. - Ông đang nói đến những đồi cát hoang dã ở vùng cực nam Trung bộ và người thiếu nữ chập chờn trong nắng trưa lóe sáng... Ðó là chuyện mẹ của Chuyên: bà Thiên. Mười mấy năm sau gặp lại, ông sửng sờ trước cô con gái mà bà đã có với một người đàn ông khác. Với bà Thiên, không phải là tình yêu, chỉ là độ cảm trước một vẻ đẹp... như người ta vẫn cảm biển cát, đồi trăng, dứa hoang, cỏ long chong chạy loăn xoăn trên cồn triều rút... Còn với Chuyên, ông yêu thật sự. Yêu đến độ không dám chạm đến đời nhau. Sợ vỡ. Bà Thiên nhăm nhăm chỉ muốn giết ông. Chỉ sau khi biết được con gái mình vẫn còn trinh trắng khi về với chồng, bà mới đến khóc lạy cám ơn ông, mà không hiểu rằng bi kịch đời Chuyên bắt đầu từ đó... Chuông điện thoại lại reng. Ông lại ghi thêm số điện thoại thứ mười của một cộng tác viên báo Sàigòn Sống Trẻ 090709139. Ban nhìn ông ái ngại: - Sáng nay, có vẻ ông không được khỏe. Hay là em về để ông nghỉ. Ông nói như ra lệnh: - Ngồi đó, nghe điện thoại giúp tôi. Lẽ ra ông phải nói như năn nỉ. Hãy ngồi lại, để tôi được chia xẻ, những điều tôi không thể nói với ai. Nhưng liệu cô gái bằng tuổi con ông này, có hiểu nổi không, nỗi niềm của một người cha. Một người cha đã từng lừng lẫy tên tuổi trên văn đàn. Thơ. Kịch. Biên khảo. Nhận định. Phê bình... Cả những lời khuyên bảo thanh niên. Rồi một ngày ông đã điên khùng nghĩ ra. Chẳng tác phẩm nào sống lâu hơn chính đứa con ruột của mình. Ông gần như ngưng viết, dồn sức đầu tư cho con. Thật ra nó đã định hướng cuộc đời riêng của nó rồi. Nó chọn là một kiến trúc sư. Ông lại đổ công khơi thêm một mạch nguồn sáng tạo khác nữa của nó. Ông ép nó đọc những cuốn sách do ông tuyển, đưa nó đi nghe nhạc, xem tranh, xem phim... Ðể rồi khi những sáng tác của nó ra đời, ông hốt hoảng nhận ra: nó là một tài năng thật sự. Nhưng ghê sợ quá, cái tài năng ấy không chịu một chút gì ảnh hưởng của ông. Và ngày nào nó chưa lên tiếng phủ nhận ông, đó là do chút lòng hiếu thảo mà ông tin rằng con bé nhân hậu ấy luôn luôn còn giữ. Khi cô Ban về, cô ghi thêm cho ông độ mươi số điện thoại và số máy nhắn tin nữa. Báo các tỉnh. Báo chuyên ngành. Nam phụ lão ấu. Thời trang. các ngành nghệ thuật. Bếp núc. Tình yêu. Tôn giáo. Du lịch. Giao thông... Bà ấy cũng gọi về, cho biết sẽ đi ba ngày ra miền Trung. Cùng với phái đoàn phụ nữ Quận với danh xưng cứu trợ. Nửa khuya thì nó về. Nôn ọe dường như tất cả những gì ăn được trong ngày. Ðặt ly nước mơ trước mặt nó xong, ông định về phòng ngủ thì nó kêu: - Con muốn nói chuyện với ba. Ông chìa danh sách những số điện thoại và tên phóng viên các báo trước mặt nó: - Họ bảo sáng mai sẽ gọi lại cho con. - Sáng mai con đi sớm. Nhưng nếu ai gọi lại ba từ chối hết giùm con. Cứ nói con đi công tác xa, sau Tết mới về. - Bây giờ mới tháng chín ta. - Con biết, nhưng bài cho báo Xuân thì phải được chuẩn bị trong mùa Thu để phát hành vào mùa Ðông. Ba có thấy là mọi việc làm của mình cứ luôn bị lệch đi thời điểm cần có, phải không ba? - Nó ngưng một chút, rồi tiếp - Ở xa, khi được đọc và nghe những tin tức thời sự trên các báo, đài... con hết sức nhớ ba. Âm điệu của nó có vẻ như đang bị kích động. Có lẽ do trận nhậu khi chiều ở vĩa hè một tỉnh khác mà nó vừa cho ông hay sau khi ói. Ông nói, giọng dè dặt: - Nói đi con, ba nghe... - Tất cả những chuyện đó sẽ giảm đi nhiều nếu những người như ba, bạn bè ba, cấp trên ba... bớt đi một chút nhát gan. Cách đây mười năm, con đã được nghe ba nói với má về những chuyện ấy rồi. Ma túy, tham những, lũ lụt, buôn người, chảy máu rừng... Ba than người ta đề nghị bôi nhẹ những vấn đề ấy đi trong các vở kịch của ba. Nó ra dấu cho ông đừng ngắt lời: - Và cách đây năm năm, ba cũng đã khuyên những người trẻ hơn ba bôi nhẹ những vấn đề ấy đi trong những cuốn phim, truyện ngắn, vở kịch của họ khi họ đến đây nhờ ba ủng hộ. Nó lại ra dấu cho ông đừng ngắt lời: - Con không chỉ đọc báo. Con sống với họ. Con khóc đau và cười mếu với họ. Con phụ chôn xác thân nhân họ. Con đã ở với những thôn xã nghèo đến độ có trên hai trăm cô gái bỏ làng đi kiếm nơi thị tứ làm tiếp viên nhà hàng máy lạnh karaoke. Con cũng đã nghiên cứu để có thể vẽ một cách tuyệt vọng những ngôi nhà, ngôi trường có thể sống chung với lũ... Thậm chí, mới đây thôi, con định hít thử bồ đà với bọn trẻ để có thể hiểu vì sao nó lại quyến rũ hơn nhiều so với những lời hô hào đẹp đẽ nhưng chỉ xuất phát từ cổ họng mà thiếu phần sâu thẳm của một nỗi đau. Hiện con đang quyết định sẽ không sáng tác gì nữa và đang suy nghĩ xem có nên tiếp tục cái nghề thiết kế những công trình nhà cửa thế này... Rồi nó bỏ vô phòng, không cho ông nói một câu, một chữ nào hết. * * * Sáng hôm sau, chuông điện thoại như những điệp khúc buồn nản lập đi, lập lại ở nhà ông nhưng ông không buồn nhấc máy. Âm như âm gọi hồn. Hồn ta chứ chẳng hồn ai khác. Thì cứ gọi. Ta nghe. Ông đứng trước quả trứng vữa nát và tiếp tục băn khoăn không biết có nên đập thêm một quả nữa hay không? Thật ra con bé đã đặt ra những vấn đề xa vời quá so với nổi lo sợ của vợ chồng ông. Ông và bà chỉ sợ khi vui miệng trả lời phỏng vấn nó dại dột phun ra về một thực trạng không còn hạnh phúc của mẹ cha. Hai người đã từng được nhiều bài báo ca ngợi là cặp vợ chồng lý tưởng suốt bao nhiêu năm. Với nhiều người, họ ngỡ bà đang giúp ông ghi lại hồi ký và đang cùng với con gái lao vào những công tác xã hội như giúp trẻ em nghèo tàn tật, người già cả neo đơn, chuyển quà đến tận tay đồng bào các vùng đang chìm trong cơn lũ... Tên ông lại đang nằm trong danh sách xét duyệt bổ sung để khen tặng về những sáng tác đã qua. Nó bị già quá, so với mình hồi cùng tuổi. Chẳng biết khi được bằng mình rồi, con bé ấy sẽ còn già cỗi tới đâu? Tội nghiệp nó! Ông quyết định lập thêm một quả trứng sau khi nghĩ như vây. Nhưng khi quả trứng thứ hai vừa rơi xuống, ông chợt nhận ra quả trứng vữa nát khi nãy đã cháy xém vàng nâu... |
Labels: Gọi hồn ta đó
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home