Sunday, May 4, 2008


Người đàn bà bốc mộ

Trời mưa lầy. Xe phải ghé nhiều chỗ. Chẳng chuyện gì xong. Ngang khúc đèo Mẹ Bồng Con có một xe vừa lật. Mọi người nhắc anh tài đang là tháng bảy âm. Chạy cẩn thận dù tới trễ vẫn hơn.
Chúng tôi đến huyện Ðắc L. trời đã tối lung. Buổi cơm ở văn phòng ủy ban được dọn lên trong ánh đèn dầu. Người thanh niên dọn cơm nói nếu tới sớm một chút thì có điện...
Vẫn mưa. Tôi lầm lũi ăn, và đã thấy nhớ chồng. Lúc tôi báo tin sẽ vắng nhà đâm nay, Trân có vẻ không bằng lòng. Anh hỏi, bỏ được không? Tôi kêu kẹt quá. Cứ đổi người khác đi hoài thì thấy mình không biết điều. Mấy người đàn ông đang bàn, xem nên gầy “độ” gì sau bữa cơm. Rượu hay bài? Những đêm tối vắng nhà, Trân cũng thường chọn một trong hai thứ đó. Bạn tôi an ủi, dù sao cũng đỡ hơn một phụ nữ nào khác. Giai đoạn đó tôi cũng đã nếm qua. Tưởng đã bỏ nhau. Vì hai đứa sống không con cái, không tài sản là hai thứ rất vướng víu khi ra tòa. May mà Trân và cô gái kia đã tự giải quyết trước khi tôi quyết định. Người phụ trách tiếp khách ở ủy ban cho biết sau bữa ăn sẽ gởi tôi qua đêm ở chỗ chị Trinh. Có lẽ thấy đám khách có vẻ không vui, người thanh niên dọn cơm tự hào hứng bằng cách giới thiệu những mẫu chuyện khá ly kỳ về người phụ nữ tên Trinh này. Thử tưởng tượng coi, chị ta đã đứng ra hốt được trên một trăm bộ cốt ở khắp huyện Ðắc L.. Rồi hai người, ông phụ trách tiếp khách cùng người thanh niên lo việc cơm nước kia, đua nhau kể những huyền thoại về chị Trinh. Có người cho rằng chị ấy có người yêu là bộ đội, trên đường đi tìm người yêu, chị đã thuận tay hốt giúp hơn trăm bộ cốt khác, riết thành nghề, nhưng mãi không tìm ra tung tích người yêu. Người khác giả thiết đây là vợ một sĩ quan phía đối nghịch, chắt mót, tần tảo nuôi chồng học tập bên trong và đàn con bên ngoài, đến khi chồng ra trại lại dắt con đi vượt biên với người đàn bà khác. Một anh nói:
- Cô hên, đợt này đã có người đến nhận cốt hết rồi. Hôm trước, có cán bộ trung ương tới thanh tra phải ngủ lại, chị nhường phòng ra nhà dân ở. Chẳng ông nào ngủ được vì sau tấm màn mỏng cứ lịch kịch suốt đêạm. sáng hôm sau, nghe kể lại, chị tỉnh bơ nói các cậu bộ đội ấy trẻ nên nghịch lắm. lúc vén màn ra các ông muốn xỉu, độ mươi cái cốt đang nằm đợi thân nhân đến rước về.
Ông phụ trách tiếp khách của ủy ban dặn thêm:
- Chị Trinh không thích những người viết văn, viết báo và đặc biệt càng không thích ai viết về chị ấy.
Những người đàn ông cùng đoàn với tôi thắc mắc tại sao. Anh thanh niên bênh vực giả thiết của mình:
- Có người cho biết, hóa ra người yêu của chị Trinh còn sống, lấy một cô làm thơ, con của một ông có uy có cánh viết báo. Anh ta cùng vợ đã có dịp về đây nhưng không dám nhìn chị.
Ðám đàn ông còn lại cười:
- Ðủ cho cô này viết được một vở cải lương rồi.
Vậy là họ yên tâm khi giao tôi cho người đàn bà chuyên bốc mộ ấy.
(
Không ai nói với tôi chị Trinh là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện này. Chỗ ở của chị là một góc cơ quan. Ánh đèn dầu làm tăng thêm chất kỳ bí của nhân vật này. Bóng chị in trên vách cứ khiến tôi nhớ tới tích Nam Xương. Chị uống trà khá đậm, hỏi tôi có sợ mất ngủ thì pha loãng hơn.
Trời vẫn mưa. Căn nhà tựa lưng một góc núi. Hơi mưa luồn qua lá rừng nghe càng hung bạo. Chị Trinh đưa tôi vớ và mền, nói có mệt thì cứ lên giường ngủ trước. Phần chị thì chiếc ghế bố gần đó. Tôi quả có mệt sau một ngày đường, vì nhiều chuyện phiền toái chưa giải quyết hết ở những điểm ghé trước, nhưng không ngủ được vì nhớ Trân và... sợ ma. Gió lay tấm màn sau ngọn đèn chong cứ tạo cảm giác có người đang lúi húi làm gì sau đó.
Phòng ngoài, vẫn có người đội mưa tới gặp chị Trinh nhờ giải quyết chuyện chế độ chính sách. Có cả một ông thương binh ở chân núi bên kia tới nhờ chị lo chỗ ở cho con gái sắp lên huyện học cấp ba.
Tiếng chị Trinh:
- Chỗ ở thật ra không khó. Kẹt lắm thì ở chung với tôi. Có điều cháu nó đang tuổi mới lớn. Biết tôi có trông coi được nó? Lỡ có chuyện gì, biết nói sao với anh chị đây?
Người đàn ông nằn nì mãi, rằng con bé học giỏi, ngoan, lại thương mạ, thương em, chắc không đến nỗi phụ lòng chị.
Tiếng chị Trinh:
- Thôi anh về đi kẻo khuya. Mai tôi lên xã anh trả lời.
- Mai chị lên vụ gì?
- Tặng nhà với miếng vườn cho mệ Khoai.
- Chị cũng kỳ, lo nhà đất vườn cho bao người mà không kiếm được miếng đất xây nhà riêng ở, chẳng lẽ ở chung với hài cốt suốt đời vậy sao? Nói chị bỏ lỗi, chị có an cư, mấy ông mới dám nhào vô xin cưới. Khi chị về hưu càng không có chỗ mà về.
- Mấy ông ủy ban có biểu ưng miếng nào thì nói, họ sẽ cho ngay nhưng tôi không nhận.
- Chị cứ nhận đại đi, chết ai đâu!
- Sao không! Chết tôi đây nè, tiền đâu mà xây? Chi phí bốc mộ không đủ cho tôi sửa xe. vay mượn khắp nơi mua được chiếc Honda... sắp trả hết nợ thì xe vừa nát, đổi lấy chiếc Simson để lội rừng núi gai góc, sắp bung vỏ chưa có tiền thay đây.
- Tôi không biết. Nhưng báo trước cho chị rồi. Về già không chồng, không con, không đất cắm dùi, lúc đó có hối cũng không còn kịp nữa.
Im lặng.
- Thôi, tôi về! Chị đi nghỉ đi. Còn ai tới nữa thì hẹn mai. Tôi không định đến khuya vậy đâu. Nhưng mưa lớn quá. Chắc là bão rớt.
Khác về. Chị Trinh lịch ca lịch kịch một hồi rồi mới sè sẹ bày chiếc ghế bố ra, giăng mùng và chui vô. Chắc chị tưởng tôi ngủ rồi. Một lát tôi nghe tiếng hít mũi mấy lần. Tôi vội chìa chai dầu sang:
- Xức dầu đi chị Trinh! Trời trở gió vầy chắc chị cảm rồi.
Tiếng chị như sũng nước:
- Trưa nay trời còn nắng lắm. Nắng như hạn. Lên tới đỉnh núi. Trời khô. Cây đứng gió. Ðào mãi không ra cốt. Người chỉ đường cũng phải sốt ruột, hối về.
Bây giờ thì mưa và gió. Gió như rúc trong xương, chẳng thấm gì đâu tấm vải mong manh chị đắp vì phải nhường mền cho tôi. Trong lúc đưa chai dầu sang bàn tay lạnh ngắt của chị, tôi chợt có cảm giác người đàn bà này đang khóc. Chưa biết nói chuyện gì để chị vui, thì như có ai nhập, tôi kể một mạch những giả thiết tôi đã được nghe về chị, chỉ giấu tên người nói.
Chẳng ngờ những câu chuyện ấy làm chị vui thật. Chị cười sặc sụa khiến tôi có cảm giác nỗi buồn nào đó trong chị đã vơi nhanh.
- Chẳng có chuyện nào đúng cả. Họ chỉ vin vào một vài câu nói đùa của tôi rồi tán ra. Thôi được, tôi sẽ phác sơ vài nét về tôi, nhưng phải hứa với tôi là tuyệt đối không được viết gì về tôi trên báo...
Khi tôi còn bé, gia đình tôi là một gia đình du mục. Cuộc sống trôi nổi hết nơi này đến nơi kia chưa đủ thì giờ cho tôi có những mối tình, dù rất ngắn. Lý do vì sao cha mẹ tôi phải luôn du cư có thể viết thành truyện nhưng tôi sẽ không kể. Cô chỉ nên biết là chúng tôi, những đứa con của gia đình ấy, khá vất vả để có thể học và thi. Thường thì mẹ dạy chúng tôi. Rồi đến một lúc cha mẹ tôi quyết định phải rải mỗi đứa con ở mỗi chốn khác nhau...
Cuối cùng tôi trôi dạt về đây và lạc dấu mọi người thân. Với hai bàn tay của mình tôi đã làm nhiều nghề để sống. Nghề đơn giản nhất ở đây là nghề đốt than. Mặt và tay chân trùm kín nhưng vẫn bị nắng lửa táp đen. Giải phóng xong, trong lúc đi làm than tôi biết được có nhiều mồ hoang mả lạc nên đến đây báo. Người chỉ đường luôn được thưởng. Nhưng nói có vong hồn những hài cốt xiêu lạc chứng giám, tôi làm những việc này chẳng phải vì tiền mà vì tôi thấy họ giống tôi, cũng đứt rể, đứt nguồn. Chỉ khác họ chết còn tôi sống.
Nhân viên ở phòng này thường mướn những đàn ông đi hốt cốt nhưng không phải lúc nào cũng mướn được vì tiền công thấp quá. Tôi thấy vậy lãnh đào giúp. Dần dà họ khám phá ra tôi có một số vốn văn hóa khá ngang với những người trưởng phòng ở huyện này. Họ kêu tôi làm giấy tờ để vào biên chế luôn. Lãnh lương rồi thì sẽ không có tiền thưởng, nhưng đó là chuyện phụ. Vui nhất là khi thân nhân của những người thất lạc từ các miền xa xôi khác đến đây nhận được xác con. Có những bà cụ già chân đã đi run rẩy, mắt nhìn đã bớt tinh, da dẻ đã nhăn nứt như đất trong cơn hạn... Thường thì mẹ đi tìm cốt con nhiều hơn vợ đi kiếm xương chồng...
- Vì sao chị trở thành trưởng phòng?
- Có lẽ vì những người đàn ông lần lượt bỏ đi. Huyện núi nghèo cằn, không diện, không trò vui. Có mỗi cô gái độc thân là tôi thì phải hì hục với người chết hơn là người sống nên họ bỏ cả mà đi. Người ta lần lượt đưa những người khác lên làm. Riết rồi họ giao cả cái phòng này cho tôi.
- Nhưng tôi tin là chị làm được việc, họ mới giao.
- Dù là trưởng phòng hay không, tôi vẫn chủ trương từ lâu là với những gia đình liệt sĩ thương binh không chỉ tặng nhà tình nghĩa suông mà phải cho luôn đất, vườn và vốn trồng cây để có thể sống được lâu dài.
- Còn chuyện chị không ưa những người làm báo viết văn?
- Nói vậy kể cũng oan cho tôi và oan cho những người đó. Thật ra vì quá gần những người chết, tôi rất ngại khi nói về mình. Người ta biến thành bụi kia sao không nói tới. Khổ lắm, hàng năm, cứ trước khi bước vào những ngày lễ lớn là có những người viết văn, viết báo đi truy tìm nhân vật và cốt truyện. Có lẽ khi đi ngang đây, họ đã được nghe những mẫu chuyện tưởng tượng về tôi như cô vừa kể. Thế là họ đi săn lùng tôi cũng gần như tôi đi truy tìm hài cốt. Có lẽ tạng của mỗi người mỗi khác. Tạng của tôi thì khi bị lôi lên mặt báo hay một cốt truyện hư cấu nào, cảm giác ngượng cứ như có một cắp mắt tò mò nhìn vào những sinh hoạt thầm kín riêng tư. Mà có gì ghê gớm lắm đâu. Tôi chỉ là người do đi đốt than rồi trở thành nhân viên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội này. Tôi làm việc hết sức mình vì tôi yêu nghề của tôi. Vậy thôi!
- Nhưng xin lỗi chị, hồi nãy nghe lén chuyện của chị và của ông thương binh kia tôi thấy ông ta có lý. Chị cũng nên kiếm một cái nhà, sống mãi như vầy sao?
- Ngoài việc đi tìm cốt người chết và kiếm đất cho những người đang sống đáng được có, tôi chủ trương chẳng đi tìm kiếm thêm cái gì khác. Gia đình, hạnh phúc, người yêu... nếu đến được thì nó sẽ đến. Mà không có cũng chẳng sao... Tôi biết có nhiều người nay đã hóa cốt mà chẳng có được một mối tình lận lưng. Tôi ít ra còn có cái may được sống.
- Chị đừng đi so với những người đã chết đó nữa. Cốt hài kiếm hoài rồi cũng có lúc hết.
-... Nhưng những người sống thì việc còn hoài. Như cô biết đó, trong ngày mai. cạnh việc cấp nhà, vườn cho mệ Khoai, tôi còn phải tính cho xong chỗ ở tạm của cô nữ sinh chuẩn bị bước vào cấp ba kia. Thôi nói chuyện khác đi, kể chuyện con của cô cho tôi nghe với. Tôi mê trẻ con lắm. Ai cũng xúi kiếm một đứa mà nuôi. Ðể công việc thư thư, chắc tôi sẽ kiếm.
(
Chuyện gia đình của tôi thì không được vui lắm dù tôi rất yêu chồng tôi. Ðứa con của tôi chết khi còn trong bụng mẹ và rất ít hy vọng tôi sẽ còn có khả năng sinh sản nữa bì bệnh tình của tôi. Tôi phải mượn mẫu từ những đứa cháu thông minh xinh xắn của tôi và những lời nói ngộ nghĩnh của tụi nó để kể cho chị Trinh nghe...
Gió đã dịu hơn. Nhưng mưa thì vẫn gõ đều trên mái tôn như tiếng ru của đất, từ một thuở nào, xưa thật là xưa... Khi tôi dứt chuyện, tôi tưởng chị Trinh đã ngủ. Hốt nhiên, trên nền mưa rải, tiếng chị nhỏ đều, vẳng qua từ chiếc ghế bố, như một huyệt sống, bên kia:
- Có một lần, tôi tưởng đã lấy chồng. Nhưng chuyện đã không thành như một định mệnh, hay đó chính là phần số của tôi. Anh ấy là người tiền nhiệm của phòng này. Tôi lúc ấy vừa vào biên chế. Anh đề nghị tôi trở lại nhiệm vụ đầu tiên chuyên đi tìm nơi có xác chứ không bốc mộ nữa. Anh ấy là con độc nhất. Bà mẹ rất mong có cháu. Phải giữ gìn sức khỏe để có những đứa con ngoan, đẹp cho bà. Anh không hút thuốc uống tượu và càng không đụng tới những thứ linh tinh khác có hại cho sức khỏe.
Bấy giờ có một ẩn số lớn chúng tôi cần phải giải. Trước 1975, có một trận giao tranh ác liệt ở khu vực giáo đường. Bộ đội vào đó hơn mười người. Bên kia ào vào đông gấp đôi. Rồi hình như do một sự nhầm lẫn nào đó, bom Mỹ dội vào chết sạch. Và cho đến năm đó, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được một mẩu xương con dù thân nhân của cả hai phía vẫn đến phòng van nài khóc lóc nhờ hổ trợ kiếm xương con, cốt chồng. Ai cũng biết những cái xác nằm đâu đó trong khu vực giáo đường, nhưng đó là nơi bất khả xâm phạm. Bên cạnh tháp chuông cổ đổ nát, người ta vẫn dựng lên những nhà nguyện mới. Chắc chắn một trong những linh mục ở đó biết nơi vùi xác nhưng làm cách nào để ông ta nói thì mọi người đầu hàng.
Cũng năm đó, nạn đói kém mất mùa gây bao hậu quả tệ hại ở vùng này. Nhất là những gia đình từ phương xa đổ về đây lập nghiệp. Con cầm dao rượt mẹ.Chồng say đòi đốt rẫy đốt luôn cả vợ con. Tôi đến gặp ông linh mục già nhất ở nơi ấy, đặt thẳng vấn đề phải giúp những người đã chết được siêu thoát hầu cầu an cho mảnh đất này. Ông giễu cợt tôi đã đem triết lý nhà Phật rao giảng một cách nghiệp dư cho một nhà thần học chuyên nghiệp là ông. Nhưng cuối cùng rồi ông cũng siêu lòng trước sự kiên trì lì lợm của tôi. Ông đưa anh ấy và tôi đến một cái giếng cũ bên hông tháp chuông, kéo tấm đan đậy kín qua một bên và chỉ vào: “Ở dưới đó!”.
Không người đàn ông nào trong huyện chịu làm cái việc bốc vác lên cái nấm mồ khổng lồ phức tạp ấy. Nhiều người đề nghị cứ đổ thêm đất vào, vun thành một nấm mồ tập thể cho xong. Ngay cả thân nhân của một vài người nằm trong đó cũng đề nghị như vậy. Nhưng tôi thì không chịu được điều đó. Có lẽ tôi tin vào những điều tôi đã nói để thuyết phục ông linh mục. Trong những người nằm kia, có người không vợ, không con, không cả một mối tình. Giấc ngủ cuối cùng trong lòng giếng chật chội với họ vậy là không yên. Và mảnh đất này bất ổn theo.
Tôi trèo xuống lòng giếng cạn trong ánh mắt thảng thốt của ông linh mục và trước khuôn mặt tái xanh của người đề nghị cưới tôi. Tôi tưởng đã ngất đi bao lần trong quá trình chuyển xác lên trên. Sau này, người ta kể lại, khi cái xác cuối cùng được kéo lên, tôi không còn đủ sức lên trở lại mặt đất. Chính anh ấy đã xuống mang tôi lên và mọi người kinh hãi khi thấy được mặt tôi, một bộ mặt đã bị dị dạng sưng phù bầm đen vì hơi thịt người thối rữa đã tạo nên độc khí.
Anh ấy vẫn chăm sóc suốt thời gian tôi nằm ở bệnh viện, nhưng khi tôi bình phục thì anh ấy bỏ đi. Trống chỗ trưởng phòng, người ta đề nghị tôi thay. Ông linh mục thì sau đó cởi áo và chọn đất khác làm nơi sinh sống. Trong một lá thư cho tôi, ông viết: “Khi cô bước xuống lòng giếng, hốt nhiên tôi liên tưởng đến Thạch Sanh. Và than ôi, không có công chúa, không cả chằn tinh đợi cô dưới ấy mà chỉ trơ trên miệng giếng những Lý Thông - trong đó có tôi...”.
Cơ hội lấy chồng độc nhất của tôi đã trôi qua như vậy. Tôi đã không gặp “công chúa” dưới hang sâu nhưng nếu mọi chuyện được lập lại, và nếu cũng không có người đàn ông nào chịu trèo xuống thì tôi cũng sẽ lại xuống hang thôi.
Tôi kể lại cho cô nghe những chuyện này vì khi kể những mẫu chuyện vui về những đứa bé thông minh kia, tôi nghe cô khóc. Tôi hiểu cô vì tôi cũng thèm được có con biết là bao nhiêu. Có lẽ thư thư một chút, tôi sẽ kiếm một đứa bé bị bỏ rơi nào đó, nuôi và nhận làm con...
(
Cho đến sáng, tiếng mưa vẫn gõ đều như tiếng kể chuyện. Nhưng khi tôi thức dậy, chiếc ghế bố đã được xếp gọn vào một góc. Một nhân viên của phòng cho biết chị Trinh đã đi công tác ở một xã xa, nằm ở chân núi bên kia.

1995

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home