Friday, April 25, 2008


NGƯỜI ĐÀN BÀ THẤT LẠC và cuộc hội nhập sân khấuChuyên mục : Ngã bảy nghệ thuật Vào lúc : 2008-04-23 14:03:46
“NGƯỜI ĐÀN BÀ THẤT LẠC” VÀ CUỘC HỘI NHẬP SÂN KHẤU

da dang tren day

http://www.lethieunhon.com/web/showpost.php?id=2796


Một trong những sự kiện sân khấu được công chúng phấn khởi đón nhận nhất trong tháng 4-2008 có lẽ là vở kịch “Người đàn bà thất lạc” (The missing woman) trình diễn tại Nhà hát West End, New York, Mỹ. Dấu ấn hội nhập này liệu có mở ra triển vọng mới mẻ cho sàn diễn kịch nghệ Việt Nam trong tương lai gần không? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, tác giả kiêm đạo diễn “Người đàn bà thất lạc” sau khi vở kịch nhận được ít nhiều sự tán thưởng của khán giả phía bên kia bán cầu!

@ Khi vở kịch “Người đàn bà thất lạc” công diễn tại Việt Nam, người ta chỉ biết đó là một sự thể nghiệm. Có phải vì tác phẩm quá “đẳng cấp” nên xa lạ với khán giả không?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Người đàn bà thất lạc” không diễn nhiều xuất ở Việt Nam vì được tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, nên không có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm cho vở kịch. Cái ngày chúng tôi mang tác phẩm đi trình diễn ở Manila, giấy phép của Sở VHTT TPHCM ghi “của Nhóm Minh Ngọc”, còn cái ngày thâu đài truyền hình có xin được Nhà Hát Cải Lương Trần Hữu Trang đứng tên để tiện việc sổ sách. Còn khi diễn tại Nhà Văn hoá Phụ Nữ TPHCM thì coi như đó là công trình của Câu Lạc Bộ Nữ Nghệ Sĩ mà tôi có trong Ban chấp hành. Tôi chỉ là người viết kịch bản rồi dàn dựng, khi túng người thì bước vào thể hiện vai trò diễn viên luôn. Tóm lại, “Người đàn bà thất lạc” không được phổ biến nhiều, vì thiếu người đứng mũi chịu sào về mặt quản lý văn hóa. Năm 2005, cũng may vở kịch được Hội đồng tuyển sinh của Trường Cao Ðẳng Sân Khấu và Ðiện Ảnh TPHCM chọn làm đề thi để thí sinh dự tuyển vào khoa Ðạo diễn xem và viết bài bình.
@ Trước khi “Người đàn bà thất lạc” đến Mỹ, chị đã từng mang vở kịch này giới thiệu tại Philipines. Vậy hiệu quả ra sao?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Chính xác là vì có Liên hoan Sân khấu Châu Á Thái Bình Dương với chủ đề “Phụ nữ trong các ngành nhệ thuật” nên tôi mới nhận lời viết và dựng nên vở này để đại diện sân khấu Việt Nam mang đi thi thố với bạn bè. Phụ nữ đồng nghiệp từ nhiều nước Ấn Độ, Mỹ, Pakistan, Thái, Ðài Loan, Trung Quốc, Lào, Úc, Anh, Hà Lan ... đều cho là thấy có chuyện của họ qua tác phẩm. Tôi cảm thấy hãnh diện, vì đa số đồng nghiệp quốc tế tỏ ra thú vị và bất ngờ trước âm nhạc và vũ đạo của sân khấu truyền thống lẫn sân khấu đương đại của Việt Nam.
@ Chị có nói, người đầu tiên chấp bút chuyển ngữ vở kịch là cố nhà báo Trịnh Ðình Khôi. Sự hợp tác này chỉ là tình cờ, hay ở đó đã có khát vọng mang kịch nghệ Việt Nam ra thế giới?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Sau cố nhà báo Trịnh Ðình Khôi, còn là những dịch giả giỏi như Phan Thanh Hảo, người đã dịch cuốn “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh sang tiếng Anh, và anh Phạm Viêm Phương, dịch giả cuốn “Tên Tôi Là Ðỏ” của Orhan Pamuk sang tiếng Việt, cùng góp tay vào chỉnh sửa. Cả ba người đều là bạn của tôi, và biết rằng mục đích tôi cần một bản dịch tốt để giúp người nước ngoài hiểu hơn tâm hồn con người Việt Nam nói chung và sân khấu Việt Nam nói riêng.

@ Sự xuất hiện của “Người đàn bà thất lạc” tại Mỹ gây được chút tiếng vang tốt đẹp, nếu nói sòng phẳng nhất, thì nhờ giá trị thực sự của vở diễn hay nhờ chúng ta biết tiếp thị?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Trước tôi cũng có nhiều người có vị trí cao, nhiều lợi thế hơn tôi, đã muốn thực hiện việc đưa kịch Việt Nam sang bán vé cho công chúng Mỹ. Tôi có giới thiệu nhiều vở khác của mình cũng như của đồng nghiệp, nhưng bà Tisa Chang - Giám đốc trung tâm sân khấu Liên Á cho rằng, nếu chọn vở “Người đàn bà thất lạc” như một vở đương đại đầu tiên của Việt Nam để giới thiệu cho công chúng New York, sẽ có nhiều thuận lợi cho cả hai bên. Kết quả cho thấy bà đã không lầm. Cá nhân tôi luôn cần có một người tiếp thị giỏi bên cạnh, vì đó là một ngành học chưa được xem trọng trong lĩnh vực phát triển văn hóa ở Việt Nam.
@ Bằng đánh giá chủ quan, chị thấy “Người đàn bà thất lạc” có ưu điểm gì về mặt nghệ thuật (tất nhiên, không thể nói chuyện ăn khách ở đây!)?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tình cờ tôi biết được, một số vở của các sân khấu Off-Broadway gần đây cũng khai thác đề tài này. Hạt nhân xúc cảm mình và khán giả có điểm tương đồng. Hình thức thể hiện của mình lại đưa được những màu sắc riêng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam vào trong vở kịch một cách khéo léo. Hình thức song ngữ được coi như có tính sáng tạo cao. Tạo được cảm giác vừa mới lạ với hình thức phong phú nhưng cũng khá thân quen với vấn đề hiện tại của tác phẩm đặt ra. Nhiều khán giả Mỹ xem xong có nói với tôi là, sẽ rủ rê nhiều người tìm cơ hội thưởng thức “Người đàn bà thất lạc”, vì người xem sẽ soi được tâm tình của chính họ và người hôn phối trong những tình tiết và số phận các nhân vật.
@ Tạm thời, sự có mặt của “Người đàn bà thất lạc” ở New York đã đáng để chúng ta vui mừng. Tuy nhiên, kịch nghệ Việt Nam vẫn “bế quan tỏa cảng” so với các nước. Chị có nghĩ như vậy chăng?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Một dịch giả và chuyên viên nổi tiếng của sân khấu Hà Nội là anh Hồ Ngọc có than phiền với tôi rằng, chúng ta chi tiền ít quá mà cứ đòi phải có hiệu quả cao, lại muốn an toàn tuyệt đối nên ngại tìm tòi cái mới. Anh Hồ Ngọc là người dịch nhiều kịch ngắn “Ðời Cười” cho Nhà Hát Tuổi Trẻ từ nguyên bản Trung Quốc, chính anh cũng là người không tin rằng vở “Hồn Xuân Thu” của bốn tác giả trẻ của Trung Quốc viết lại về tích Khuất Nguyên sẽ được thông qua nên đã tặng cho tôi. Nhận được món quà bất ngờ, tôi mang vào Sài Gòn để anh Cao Tự Thanh dịch và tôi dựng vở tốt nghiệp cho sinh viên khóa có vài gương mặt trẻ triển vọng như Thanh Phương, Hoà Hiệp, Xuân Trang, Xuân Phương, Quỳnh Thi.
Bằng tất cả thiện chí, tôi tin rằng, chúng ta không thiếu những tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ đầy đủ tài năng để vươn ra so vai với thế giới, mà chúng ta đang bị “khô hạn” vì quá thiếu những nhà quản lý văn hóa có “tâm” cùng có “tầm” để làm bà đỡ nghệ thuật cho những tác phẩm có chất lượng cao được ra đời. Có lần tôi thấm thía vô cùng khi được đọc một tiếng thở dài của Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Ðôi khi chúng ta đã làm ngán trở thiện chí của nhau!”. Chị Lan Hương đã là một người được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân mà còn phải bật lên tiếng kêu như vậy. Tôi có một dự án định cùng làm với chị cách đây mấy năm, nhưng vẫn còn là dự án.
@ Nếu có “Người đàn bà thất lạc” mở đường, thì chị có dự định sẽ tiếp tục làm một vở khác để chứng minh sức hấp dẫn của sân khấu Việt chăng?
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Các đồng nghiệp và khán giả của chúng tôi ở nước ngoài luôn hỏi chúng tôi bao giờ sẽ mang đến một vở mới. Câu trả lời này tôi không thể đơn phương trả lời được. Riêng tôi bao giờ cũng trong tư thế chuẩn bị và làm việc. Và những dự án như thế này thường phải mất vài năm.
@ Cảm ơn cuộc trò chuyện cởi mở của chị. Chúng tôi cũng mong rằng, những dự án sân khấu của chị sẽ nhanh chóng rời khỏi trang giấy để bước lên sàn diễn như một minh chứng cho sức sống mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập!



Box: Vở kịch “Người đàn bà thất lạc” dài 60 phút, xoay quanh gia đình của đôi nghệ sĩ: Chồng là hoạ sĩ, vợ là tài năng nghệ thuật. Tình cờ, người vợ đi ra khỏi ngôi nhà tưởng như rất hạnh phúc của mình mà không rõ lý do. Người chồng ngày đêm hồi tưởng về người vợ, trò chuyện, đối thoại cùng những hình tượng phụ nữ trong lịch sử, văn học sử, tích truyện dân gian, truyền thuyết mà anh từng vẽ để tìm ra nguyên nhân người vợ ra đi. Và câu trả lời để mở dành cho khán giả và người chồng...Thành phần diễn viên tham gia vở diễn gồm NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nghệ sĩ cải lương Mỹ Hằng, NSƯT Ngọc Đáng, nghệ sĩ Minh Ngọc cùng 2 diễn viên người Mỹ gốc Việt.


Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home