Thursday, May 29, 2008

Nếu gọi là tự truyện thì cái truyện ngắn viết năm 1987, đã đăng trên TTChủ Nhật nầy gần với chuyện thiệt của tôi hơn. Tôi cũng đã được phong tổ chức đề nghị ‘tự kiếm việc làm’ rồi ‘tự viết một lá đơn ghi rằng tự xin chuyển công tác vì thích chỗ làm mới hơn’.
Ðưa truyện nầy để tặng những ai thường được coi là con cờ thấp nhất trên ván cờ đời.
Cho tới bây giờ, dù vĩnh viễn là Tốt đen nhưng tôi vẫn có thể lý sự như ‘chị Bảy-Ngọc Giàu’ trong vở ‘Ðời cô Lựu’ : “Tôi tuy là kẻ hầu người hạ nhưng tôi cũng có cái ‘cương vị’ của tôi chớ!”.

‘CƯƠNG VỊ’ CỦA CON TỐT ÐEN

Thấm thoát, anh Bảy được ‘tinh giảm biên chế’ đã gần một năm. Cần một năm để ‘tự kiếm việc làm’ rồi sẽ ‘tự viết một lá đơn ghi rằng tự xin chuyển công tác vì thích chỗ làm mới hơn’ theo lời khuyên của ông cán bộ phòng tổ chức. Gần một năm lãnh được 70% lương với sự thỏa thuận đừng kiện cáo gì phòng tổ chức cả. Mất đi 30% lương hàng tháng có đáng là bao, nhưng anh sẽ làm gì sau một năm, đó là câu hỏi lớn ám ảnh hằng đêm không chỉ cho anh mà còn cho đám con anh nữa.
Thật ra, chỗ làm mới thì không thiếu, chỉ sợ anh không đủ sức khỏe thôi. Bao nhiêu năm nuốt bụi phấn vào người, lá phổi của anh ở tình trạng rung chuông báo động thường trực. Anh em có người giới thiệu anh đi làm hợp đồng thời vụ ở một xí nghiệp xuất khẩu. Công việc hứa hẹn sẽ kiếm nhiều tiền nhưng nghe nói phải đứng suốt tám tiếng ngâm hai tay trong nước, đám con của anh can. Con Út Trang mới tập nói bi bô đã lên giọng: “Ba đừng đi làm nữa. Ðể Út đi dạy học nuôi ba”. Có lẽ nó nghe con Trinh, thằng Trung bàn chuyện nên nghe lóm chớ nó mà biết cái gì. Nó cũng biết ước mơ chung của anh chị nó là lớn lên được đi dạy học...
Ðiều đó có được do lỗi của anh. Ngày trước, yêu nghề, anh thường gieo vào đầu óc thơ dại của chúng nó chất men say nghề của vợ chồng anh. Vừa rồi, nghe con bé Trinh đưa đơn xin thi vào Ðại học Sư phạm. anh định can nhưng không kịp. Không như thằng Trung đang học lớp chuyên toán hứa hẹn theo ngành anh, con Trinh lại chọn ngành văn của mẹ nó. Mớ sách khổng lồ của chị Bảy để lại dường như không đủ cho nó đọc. Từ lúc ngơi việc trường, có dịp theo dõi các con hơn, anh thấy con Trinh cứ có sách mới đọc luôn. Lật bìa sau thấy giá rất cao, lại thấy nó luôn giữ gìn sạch sẽ cẩn thận, anh thắc mắc thì được giải thích là nó xem xong cuốn này lại bán đi để lấy tiền mua cuốn khác. Trước lúc chết, chị Bảy có dặn anh lúc nào kẹt tiền cứ bán bớt mớ sách của chị . Nhưng quá nhớ thương vợ, anh đã bán nhiều thứ cần thiết hơn, còn sách của chị thì anh chưa động tới.

Cũng nhờ được nghỉ việc gần một năm, anh Bảy có thời giờ rãnh rỗi để kết thân với nhiều người trong xóm, nhất là những người lớn tuổi... Buổi sáng, anh cùng đi tập dưỡng sinh với họ ở Tao Ðàn. Họ vẽ ra một viễn cảnh là anh sẽ thoát được bệnh suyễn kinh niên. Nói chung, anh thấy họ đều là người tốt, từ ông Sáu Linh thợ mộc hứa sẽ truyền nghề mộc không công cho anh nếu chịu học, tới bà Chín Hảo bán chè, khuya khuya thường bưng qua cho mấy cha con anh mớ chè mà anh nghĩ bà cố tình chừa lại.
Có lẽ noi gương bà Chín Hảo, ông phở Gió Thu thỉnh thoảng cũng bưng qua một bát xương xíu quách biếu anh, khoảng giờ cơm chiều. Nhà anh Bảy vốn đâu lưng bếp nhà ông Gió Thu. Hương phở trước kia là một cái gì có đó nhưng rất đỗi xa xôi, nhân dịp này đã trở thành hiện thực. Chè của bà Chín Hảo ít làm anh ngại bằng mớ xíu quách của ông Gió Thu. Bởi thằng Trung thường chỉ thêm toán cho đám con bà Chín. Còn đối với ông Gió Thu thì đâu có nghĩa ân gì. Thậm chí việc chiều chiều ông Gió Thu bưng bát xương qua rồi ngồi khề khà uống trà theo dõi những ván cờ của anh Bảy cùng những ông cụ khác còn làm bà vợ ông ngứa mắt. Hình như lúc đầu bà có cờm rờm, không phải bà tiếc mớ xương, nhưng tiệm phở vắng ông một chút thì bọn trẻ nhỏ chực thức ăn thừa thường ào vào đông nghẹt. Biết anh Bảy ngại, ông Gió Thu tìm cách thu xếp chuyện bán buôn với vợ, rốt rồi cũng yên. Ông trách lẽ ra bà phải mừng vì ông đang được học một môn giải trí thanh cao : đánh cờ tướng...
Ông Gió Thu người mập bệu. Thịt dưới cặp má núc mỡ dường như đùn lên che đôi mắt vốn đã quá nhỏ của ông. Ngó bộ ông hợp với những trò đen đỏ hơn là môn giải trí tương đối mệt óc này. Mới tập chơi, ông thường ngồi nhìn để học. Ông cũng ham chỉ chỏ này nọ nhưng chẳng ai nghe theo. Ðể bù lại sự đóng góp ít ỏi của mình cho cái ‘câu lạc bộ cờ tướng’ này, ông thường chờ giải lao giữa các ván cờ để tranh thủ kể chuyện vui về những người thường đến ăn phở nhà ông.
Ông kể chuyện không có duyên nhưng để ông không bị trơ, mấy người bị nghe phải ráng cười. Có lần ông mưu đồ kể một chuyện vui nhưng khi ông kể xong, không khí lặng trang. Riêng con bé Trinh kêu nghe cái chuyện này tức tới muốn khóc được. Ðó là chuyện của đôi nam nữ ăn bận rất xinh đẹp thường đến ăn phở nhà ông với một con chó berger lông nâu vàng mà họ thường âu yếm gọi là con Bim Hổ. Bim Hổ bao giờ cũng chiếm một cái ghế riêng với một tô tái nạm tủy. Có hôm có lẽ cặp chủ cảm thấy một tô chưa đủ đô nên gọi thêm tô thứ hai. Con Bim Hổ làm gọn lớp thịt tái trên mặt rồi nhơi mớ bánh phở trắng bệch bên dưới. Khi họ đi, bọn trẻ con bâu lại định trút vào gô riêng. Nhưng rồi thằng này lại huých thằng kia: “Của chó đó mày...”. Bọn nhỏ suy nghĩ vài giây rồi cuối cùng, chẳng ai bảo ai, cả đám lãng xa tô phở cho bỏ mứa...
Con bé Trinh không lý giải được vì sao nó muốn khóc khi nghe câu chuyện trên. Anh Bảy dặn nó hoài. Không nên đa sầu đa cảm chuyện người khác nhiều, dễ bị thua thiệt mọi bề. Bây giờ là thời đại của những người năng động. Ở đó thương vay khóc mướn rồi cũng vận vào thân như Thúy Kiều sùi sụt chuyện Ðạm Tiên thôi... Nhưng mà chuyện người cha bị cho thôi việc một cách tức nghẹn, Trinh không hề khóc. Theo sự điều tra riêng, con bé được biết người ta đã muốn nhổ ba nó từ lâu ra khỏi trường như nhổ một cái gai nằm cộm trong lòng đen của mắt. Nó xui anh Bảy:
- Chuyển trường đi ba! Không dạy được chỗ này thì dạy chỗ khác. Thiếu gì trường!...
Anh Bảy cho là đứa con gái đầu hơi thần thánh hóa mình. Có gì đâu, thỉnh thoãng trong buổi họp, ngứa tai trước những lời phát biểu ngang ngược của vài người nắm quyền, anh có bất bình phản đối. Nhưng mà chuyện anh bị nghỉ làm đâu phải họ muốn trả đủa anh. Ðúng như cô giáo Lang nhận xét. Chẳng qua bà X. nghĩ anh là người của ông Y. nên cần ‘dứt’ anh để dằn mặt ông Y. Nội bộ họ chia rẽ lủng củng nhau và họ cứ nghĩ rằng giải quyết xong anh là có thể giải quyết xong mọi chuyện. So trên bàn cờ, anh chỉ đóng vai trò tốt đỏ, tốt đen chứ chẳng được là mã, pháo, xe như con nhỏ tưởng đâu...
Bạn bè cũ ở một số trường khác cũng muốn kéo anh về. Nhưng những cán bộ tổ chức đi xin người của các trường ấy khi mới ngồi căng-tin trường anh, được nghe những ‘thành tích đấu đá’ của anh đã dội ngang. Có gì đâu, thầu căng-tin là cô kế toán Tám Vân. Mà ai cũng biết Tám Vân là bộ não của bà X. Chọn người vừa độc vừa ngu như Tám Vân làm cố vấn, ai cũng chê bà X. dại. Riêng anh, anh chỉ xót cho trường, xót đám học sinh...

Mười tháng trôi nhanh như đám mây trắng thoắt đầu trời, thoắt cuối đất. Anh theo phụ lặt vặt cho ông Sáu Linh không ngờ lại kiếm được khá tiền. Ai cũng khen anh Bảy có phần mập hơn. Rõ ràng không phải do tiền mà do tâm não anh được thoãi mái. Nhưng đó chỉ là nghề tạm. Anh vẫn chờ! Theo đúng như lời dặn dò của các vị cán bộ phòng tổ chức của cái trường mới.
Tháng thứ mười một kể từ ngày anh bị giảm lương, có một người khách anh không ngờ lại đến. Ðó là Ðoàn, cán bộ phòng tổ chức của ngôi trường đã khuyên anh nên tự viết một lá đơn ghi là ‘tự- xin- chuyển- công- tác- vì- thích- chỗ- làm- mới- hơn’. Anh Ðoàn bô xô ba xa: “Ðổi mới rồi, bà X. nghỉ hưu rồi. Tám Vân ra đi trong nhục nhã. Anh chuẩn bị về làm việc với chúng tôi. Mọi việc sẽ trở lại như cũ... “.
Chẳng phải hạnh phúc sao, một điều tưởng đã mất đi nay được phục hồi lại, nghề nghiệp anh, danh dự anh, lòng tự trọng của anh... Anh chợt nhớ đến những bài thơ mà thuở sinh thời chị Bảy rất yêu, thường đọc cho cả nhà nghe... Trong đó có bài ‘Giữa đường gặp người đói’ của Cao Bá Quát kể chuyện anh thầy đồ gặp cơn bỉ phải bán cả tráp nghề để về quê. Ðến khi gặp một bửa no, anh được dặn phải từ tốn, giữ phép mà ăn kẻo ảnh hưởng tới phép dưỡng sinh... Anh Bảy hẹn Ðoàn lần sau sẽ trả lời việc có về dạy lại hay không!
Chiều lại, sau giờ bào gỗ phụ với ông Sáu Linh, ngồi đánh cờ với bạn bè, tâm trí anh để đâu đâu. Loáng thoáng nhà ai mở băng vở ‘Ðời cô Lựu’, có đoạn ‘chị Bảy-Ngọc Giàu’ lý sự: “Tôi tuy là kẻ hầu người hạ nhưng tôi cũng có cái ‘cương vị’ của tôi chớ!”.
Giũa hai ván cờ, ông phở Gió Thu còn tống thêm cái hậu của chuyện chó ăn phở:
- Mấy ông biết không, sáng qua hai cô cậu ấy lại dắt con chó berger vào, cũng đòi một ghế. Bà nhà tôi định bưng ba tô phở ra nhưng tôi giữ lại. Tôi ra bảo với họ: “Tôi bán phở cho người, không bán cho chó! Muốn cho chó ăn thì mang theo đồ đựng, xách về nhà...”. Ðứa con gái, giọng chua như giấm: “Tiệm này không bán thì đi tiệm khác. Ở đất này thiếu gì chỗ bán phở cho chó ăn!”... Thế rồi, cả chó, cả người dắt nhau đi luôn. Coi như tôi mất ba người khách xộp. Nhưng tôi là chủ tiệm. Bán hay không là quyền của tôi!”.
Ông Sáu Linh đế thêm:
- Hồi xưa, bọn nhà giàu muốn cho chó ăn phở cũng không dắt ra tiệm như vậy đâu...
Ông Hai Bền phát giác:
- Hai đứa này tôi gặp hoài. Tụi nó làm đâu ở miệt Tân Sơn Nhất. Ông làm như vậy là đúng, ông Thu!.

Hôm sau, Ðoàn chưa vô tới nhà, anh đã nghe tiếng cô Lang:
- Sao chưa vô trường đi ông?.
Anh Bảy mỉm cười chưa nói, cô đã tiếp:
- Xưa, anh được cho thôi việc để họ bảo vệ tình đoàn kết nội bộ. Nay, cũng để bảo vệ tình đoàn kết ấy, họ chuẩn bị đón anh về...
Vốn thân thuộc với nhà này, cô vò đầu con Trang, đưa ký chôm chôm cho thằng Trung rồi hối con Trinh đi kiếm hộp quẹt để cô thắp nhang trên bàn thờ chị Bảy...
Cây nhang mới cháy đâu được một lóng tay, anh Bảy cười:
- Tôi không về trường vì cái tình đoàn kết ấy đâu”.

Cô Lang im lặng, biết không gì thay đổi được quyết định của một người đã một thời là đồng nghiệp của mình... Anh vẫn được nhìn như một con tốt đen... Nên như chị Bảy-Ngọc Giàu đã lý sự, như ông phở Gió Thu thoải mái xử dụng quyền chủ tiệm của mình, cho dù có là một con cờ hạng chót trên bàn, anh cũng nắm rất rõ ‘cương vị’ của nó...
Dường như trên bàn thờ, chị Bảy cười bằng mắt với anh...
1987- NtMinhNgọc

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home