Sunday, June 15, 2008

Năm đêm với bé Su

MỞ ÐẦU
THẰNG BÉ TÊN SU

Má thằng Su phải vào nằm nhà thương. Ba nó phải nấu nướng, đem cơm nước và giặt giũ, lo mọi chuyện cho má nó. Su được gởi về nhà bà nội của nó -và là má của tôi - mấy ngày. Ðiều này làm cả nhà tôi rất khoái, đồng thời cũng rất “kinh hoàng”! Bởi Su là một thằng bé lém lỉnh, thông minh, cũng là một thằng nhóc quậy phá nhất mà chúng tôi từng được gặp.
Ngay khi nó còn nằm trong võng, ba má nó đã chịu không vì chẳng bao giờ nó chịu nằm yên, cứ luôn tìm cách chòi để đòi chui ra khỏi võng. Ðến chừng bỏ được nó vào chiếc xe đi thì chẳng đồ đạc nào còn yên với nó. Hình như nó thấy hứng thú trong việc bứt xé, đập bể đồ chơi và tất cả những chai lọ vật dụng nào lọt vào tay nó. Như một con khủng long con trong các phim giả tưởng. Lớn lên một chút, nó còn khoái leo trèo, nhảy tưng trên những ghế nệm và gối mền sách vở các thứ.. Gặp vòi nước, nó coi chuyện vặn vòi để xả cả hồ nước là chuyện đương nhiên. Cầm được chìa khóa nào trong tay, nó thích bỏ xuống lổ cống. Nó làm mọi chuyện với một khuôn mặt trong sáng và luôn làm bộ ngơ ngác khi bị má nó đánh đòn.
Má nó thường tức mà hét tới muốn bể nhà:
- Su! Nằm xuống nghe má hỏi! Tại sao con lại phá như vậy?.
Nó bình thản:
- Má đừng đánh con! Con phải phá con mới khỏe mạnh được. Nếu con không phá, con sẽ nằm một chỗ, má lại than khóc bây giờ.
Khi ấy nó khoảng ba tuổi. Nói năng như một ông cụ. Mỗi ngày ăn một trận đòn là ít nhất. Má nó đánh xong rồi thấy tội, lại ôm hun. Chẳng ai ghét được nó vì bên cạnh tài phá, anh chàng này còn một biệt tài nữa là, dưới sự chỉ dạy của ba nó, nó đã có thể đọc được những chữ to in trên các báo như Tuổi Trẻ, Công An, Lao động chủ nhật, Thanh Niên, Phụ Nữ.. Nó đọc được từ tháng Giêng đến tháng Chạp bằng tiếng Anh, cùng một số từ đơn giản như boy, girl, ship, fish v.v... (con trai, con gái, chiếc tàu, con cá..). Mọi quảng cáo trên ti-vi nó thuộc nằm lòng. Từ công ty Lam Sơn có bài “Quê hương là chùm khế ngọt..” tới giày Lưu Luyến, bột ngọt Ajinomoto “Xin kính chào các bạn”. Gà rán Hamburger và giày Biti’s “Xin mến chào các em”à Với cái máy chơi xếp gạch trong tay nó có thể chơi một lèo hai trăm điểm và lúc đi ngang chỗ những người lớn hơn nó đang mày mò được đôi, ba điểm, nó thường nhìn với cặp mắt coi thường..
Ðặc biệt, trong chương trình ti-vi nó mê nhất là lúc có dự báo thời tiết. Lúc đó đừng hòng ai chuyển sang kênh khác được với nó. Mắt nhìn, miệng đờn theo điệu nhạc và thỉnh thoảng, nó ngừng đờn để giành đọc trước người xướng ngôn viên tên các thành phố và vùng biển. Nó cứ tiếc rẻ trước những trò kỷ xảo làm các chữ của nó rớt ùm cả xuống biển trôi đi..Su sợ nhất là một phút tuyên truyền chống ma túy với những con người dị dạng. Nó năn nỉ ba nó hoài: “Ba ơi! Lên đài truyền hình xin người ta đừng phát hình ma túy nữa đi ba!”. Duyên nợ làm sao mà cách đây hai năm, khi làm phim “Ma túy, S.O.S.”, chúng tôi đã mở đầu phim bằng hình ảnh má Su đang cho Su bú. Nụ cười nghịch ngợm của nó lúc đang ngậm vú mẹ đã được ông Chín Vân, hiệu trưởng trường Thanh niên mới lúc bấy giờ, thưởng riêng cho Su năm mươi ngàn đồng.
Có lẽ nên nói sơ về lai lịch của thằng nhóc tên Su này. Ba nó tên Nhu, là con trai áp út của một gia đình có chín người con. Ông nội nó (là ba của tôi) là con trai út của một gia đình đông anh em. Ông cố nội của nó (là ông nội của tôi) là một ông quan triều Nguyễn, có nhiều thê thiếp nên có rất nhiều dòng con. Ba tôi thuộc về dòng chính và là người lãng tử nhất trong các anh em. Trong lúc những người khác học hành, đỗ đạt, lập gia đình, ổn định sự nghiệp quanh ông nội tôi như một đại-gia-đình thì ba tôi lại bỏ xứ đi lang thang khắp nơi, ra Bắc sang Lào với nhiều nghề lương thiện khác nhau.
Ba tôi gặp má tôi ở trại tù Bà Rá. Ông cưới bà bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Họ nội tôi rất hãi sợ quá khứ tù cách mạng của má tôi. Ðó cũng là lý do khiến ba tôi chẳng ở yên một chỗ. Ở mỗi tỉnh chừng hai, ba năm, ba tôi lại bị chính quyền bấy giờ buộc phải dời đi vì họ sợ má tôi móc nối, gây cơ sở. Do vậy, chín anh em của chúng tôi mỗi đứa sanh mỗi tỉnh khác nhau..
Nói là chín, nhưng thật sự má tôi có nhiều người con hơn mà không thể tính thêm vào vì họ chỉ sống được vài tuổi. Trong số ấy, ba má tôi thương tiếc nhất là người con trai thứ hai tên Dao, vì sự thông minh tuyệt vời của anh ấy. Má tôi kể, anh Dao mới ba tuổi mà chững chạc như người lớn. Chuyện gì cũng nói “Ðể Dao làm cho, Dao tự làm được mà, để ba má đỡ cực”. Bên cạnh một trí não sớm phát triển hơn trẻ bình thường cùng tuổi, nơi anh ấy còn là một sự tĩnh lặng, lễ phép ít khi tìm thấy ở một trẻ lên ba. Anh ấy không hề phá phách kiểu của thằng bé Su bây giờ, mà luôn có ý thức phải làm sao cho ba má vui..
Nhưng mà anh Dao hay bị bệnh. Bệnh kỳ lắm. Không biết có phải vì con bé giúp việc cho nhà tôi lúc bấy giờ là Sơn, đã lỡ để anh ấy ngã từ trên lầu xuống một lần và từ bàn cao xuống hai lần không mà anh ấy cứ kêu nhức đầu. Một hôm, ba tôi đi công tác xa, anh ấy trở sốt. Ðưa anh Dao đi bác sĩ xong, má tôi về ôm anh ấy suốt đêm vì anh cứ bị động kinh. Gần đến sáng, anh ấy gạt má tôi:
- Dao hết nóng rồi. Dao đói bụng quá. Má nấu cho Dao miếng cháo đi!.
Thế là má tôi ra sau bếp nhen lửa, chạy lên chạy xuống vừa trông chừng anh ấy, vừa trông nồi cháo. Khi nồi cháo vừa chín thì anh ấy cũng lặng lẽ đi luôn.
Mộ anh Dao an táng ở Biên Hòa. Ba má tôi nhớ tiếc anh ấy lắm. Mùa Thanh Minh hàng năm, có dịp thuận tiện, má tôi vẫn về thăm mộ anh ấy luôn. Anh Dao ra đi khi ba tuổi hơn, nhưng qua những mẫu chuyện kể của má tôi, chúng tôi vẫn kính trọng và thương mến anh ấy như với một người anh vẫn đang sống, vẫn lớn hơn chúng tôi và đang đi vắng đâu đó, chưa về. Có lẽ còn vì mỗi lần Tết đến, má tôi cứ nhắc hoài: “Năm nay Dao mà còn sống, là nó cũng đã từng nầy tuổi rồi.”.
Má tôi là một người kể chuyện rất hay. Cuộc đời của má tôi cũng khá ly kỳ. Cùng với ba tôi, má tôi phải đi đó đi đây nhiều. Bà hoạt động cách mạng một cách bí mật. Thỉnh thoảng lại có một vài người cùng hoạt động bị tra tấn đau quá, khai tên bà nên bà bị bắt. Rồi sau đó bà lại được ba tôi tìm cách lãnh ra nên tuổi thơ của chúng tôi được nghe kể đầy ắp những mẫu chuyện kỳ thú.
Trong nhà tôi còn có hai người kể chuyện hay nữa là anh trai đầu của tôi, tên Sỹ, và người chị thứ sáu tên Mai. Hai người này có hai kiểu kể chuyện khác nhau. Anh Sỹ do đọc được nhiều sách trong và ngoài nước nên có cả một kho đủ các loại truyện cổ tích lẫn kinh dị, trinh thám lạ quen. Mỗi khi phải thay ba má chăm sóc các em, anh ấy thường kể chuyện đời xưa lẫn đời nay để chúng tôi chịu xếp hàng nằm ngủ trưa, hoặc chịu ngồi xuống một chỗ ăn cho hết phần cơm của mỗi đứa.
Chị Mai thì không có nhiệm vụ chăm sóc nhiều người em như vậy. Chị chỉ lãnh phần đút cơm cho thằng Nhu nên chỉ thằng Nhu được nghe chuyện của chị. Còn tôi thì thỉnh thoảng được nghe ké mà thôi. Chị Mai thường sửa đổi những mẫu chuyện tiếp thu từ anh Sỹ. Ví dụ chuyện Con Yêu Râu Xanh, khi lấy được chiếc chìa khóa màu đỏ để mở căn phòng cấm, thì cô vợ út còn phải đi qua nhiều hành lang bí ẩn mang lại những chuyện lạ lùng khác, và nhờ cô ta có đồng hồ nên luôn canh kịp giờ chồng về mà trả lại chìa khóa. Cứ như thế, mãi đến tuần sau, cô ta mới khám phá được bí mật của ông chồng.
Chuyện công chúa được bảy con chim tha đi thì chị Mai cho cả đám bay qua biết bao quốc gia kỳ ảo. Bọn chim dạy công chúa học bằng những điều mắt thấy tai nghe vô cùng thú vị nên khi được thả về với mẹ cha, vua cha đã già không còn con trai nối dõi, công chúa giả trai trị vì thử một năm. Công chúa đã xử nhiều vụ án rất sáng suốt. Nhưng chân công chúa đã quen đi, công chúa ngán ngồi mãi ở ngai vàng nên đã dụ người khác vào làm vua thay để mình được đi chơi.
Còn thằng Nhu là đứa con trai áp út trong nhà. Má tôi sanh nó ở Pleiku là một nơi rất ngộ. Nó cũng là thằng bé khá khác thường. Mới tám tháng tuổi, nghe ba tôi ngâm thơ, nó bập bẹ ngâm theo. Những người bạn của ba má tôi đến, tình cờ nghe được đều hết hồn:
- Ơ kìa! Bé con tại sao có thể biết nói sớm đến như vậy?.
Nhu cũng bị ngã nhiều lần, mà một trong những thủ phạm làm nó ngã chính là tôi (tôi vẫn nổi tiếng là người vụng về nhất nhà). Chúng tôi thích nó lắm. Riêng má tôi thì rất sợ. Bà thấy ở Nhu có hai điểm giống anh Dao: Thông minh sớm và bị ngã nhiều lần. Bà cứ sợ có điều gì đó không hay lại xảy ra, Nhưng may thay, mặc dù bây giờ vẫn đau yếu luôn nhưng Nhu vẫn lớn bình thường, lấy vợ, sanh con. Và đứa con độc nhất của nó hiện nay chính là thằng Su.
Nhu khi bé không phá bằng con nó bây giờ. Má tôi nói Nhu khá giống tính anh Dao. Chỉ khác một điểm lớn là tính khí của nó khá lạnh lùng, không đầy ắp tình cảm như anh Dao trước đây. Có lẽ vì ba tôi ca ngợi nó quá sớm, cứ bắt nó biểu diễn tài đọc thơ cho nhiều người nghe. Nó đâm ra có một phản ứng ngược lại là ghét đám đông, thù những cuộc tiếp xúc. Nhu chỉ thích một mình, loay hoay đọc sách hoặc tháo banh những thứ máy móc trong nhà ra rồi tìm cách ráp lại như đồng hồ, bàn ủi, máy may.
Những hình ảnh còn lưu lại của anh Dao thì không hề giống Nhu nhưng chẳng hiểu sao, thuở nhỏ chúng tôi bỗng có cái liên tưởng kỳ quặc này: Hay Nhu chính là anh Dao đầu thai vào gia đình tôi lại, vì những người giữ sổ tử sanh thấy gia đình tôi còn quyến luyến anh quá.
Ý nghĩ này có được có lẽ một phần vì cái bối cảnh nơi chúng tôi ở lúc đó khá hoang lạnh, liêu trai. Chung quanh nhà là cỏ dại ngút đầu. Ðồi núi thì kề sau lưng. Ðêm nằm gió núi lạnh thấu xương. Và những tháng mưa rừng, đất đỏ bê bết người, cứ té loạch oạch như chụp ếch, chúng tôi phải mang ủng để vững vàng đến lớp. Cùng lớp thì rất nhiều những đứa bạn người dân tộc đeo đầy kiềng và bùa. Tỉnh mới mở, còn có nhiều người ở các tỉnh đông dân khác lác đác về đây lập nghiệp.
Nhu lớn lên trong một không khí như vậy. Chuyện học hành với nó hoàn toàn không là chuyện khó khăn. Hàng tháng nó đều có bảng danh dự và cuối niên học, bao giờ cũng có phần thưởng ô, về. Nhưng nó sống không vui. Nó không có bạn nhiều. Trong nhà, Nhu chỉ thân với ba tôi và thỉnh thoảng, với chị Mai. Ba tôi ngủ chung với nó và đi đâu cũng dắt nó đi theo. Mặc dầu sau này má tôi còn sanh thêm thằng bé Hân nhưng Nhu vẫn là Nhu. Nó chẳng bận tâm tới chuyện bị mất “ngôi” con út. Nó như một người anh lớn khó tính trong nhà chứ không có vẻ một đứa áp út. Ðậu vào Ðại học Bách khoa rồi tốt nghiệp kỹ sư, ngành cơ khí, nó càng sống khép kín hơn.
Chúng tôi cũng ngạc nhiên vì một đứa khó chịu như nó lại lập gia đình rất sớm (sớm lá so với chín anh chị em chúng tôi). Vợ nó là công nhân ở một nhà máy mà khi tốt nghiệp nó được về làm. Ðám cưới được một năm sau, vợ Nhu mang bầu. Thằng Su ở trong bụng mẹ nó đến hơn mười tháng mới chịu chun ra. Người ta gọi như vậy là chửa trâu. Khi mới sanh ra, Nhu bực bội vì con nó không xinh như con của người ta. Mặt bé Su già như ông cụ bảy mươi tuổi (có lẽ vì nó phải nằm trong bụng mẹ quá lâu).
Cũng may là mỗi ngày qua thêm, mặt thằng bé trẻ đi và bộc lộ thêm năng khiếu quậy phá, hiếu động, thông minh. Mũi nó không cao lắm nhưng mắt thì quá to, sáng rực trên cả khuôn mặt. Miệng Su khá rộng nhưng khi tập trung vào một chuyện gì nó mím lại chỉ còn thấy được một đường thẳng nằm ngang. Ðặc biệt, nó có một nụ cười ra vẻ hiểu mọi vấn đề, thường được nó sử dụng khá đúng chỗ khiến chúng tôi cứ liên tưởng đến ba của chúng tôi, khi còn sống cũng có một nụ cười y như vậy.
Rất tiếc ba tôi mất khi Su mới hai tuổi. Loại trẻ con nhiều ý kiến dù đôi khi đem lại sự bực mình như Su rất được ông thương quý. Ông không thích những đứa con nhút nhát vì sợ khi lớn lên không đủ sức chống chọi với đời. Ngoài tư chất thông minh sớm như ba nó, bé Su còn thừa hưởng được một nét đáng khen của má nó là tính tình xã giao, vui vẻ với mọi người, thậm chí hơi lố, đi đến chỗ tò mò, thắc mắc mọi chuyện.
Những câu hỏi luôn luôn ở đầu lưỡi nó:
- Tại sao người ta trồng cây ngoài đường vậy ba?.
- Tại sao người ta vẽ chữ đầy hết trên mấy tấm bảng với mấy tấm vải vậy ba?.
- Hôm nay ngày mười ba, trăng nó hình ra làm sao vậy ba?.
Thằng bé này rất khoái những gì dính líu tới cỏ cây trăng sao. Nó cũng là một thằng bé khá nhạy cảm. Nghe kể lại lúc mới sanh nó ra, ba má nó còn thuê nhà ở gần một con kênh nước đen, nó cứ rơm rớm nước mắt mà kể lại cho người khác, với một chút thêm thắt của nó, rằng:
- Hồi nhỏ, ba má con phải tắm con bằng nước trên kênh đen thui.
Ở nhà trẻ, cô gọi nó là “trùm mafia” vì nó ưa bày đầu bạn bè phá đủ kiểu nhưng các cô cũng rất thương nó vì nó ca khá hay lại có tài kể chuyện tuyệt vời. Nó có thể ca một bài ca bằng ba thứ giọng: giọng Bắc (như cô nó), giọng Nam (như bạn nó) và giọng Huế (như ông ngoại nó).
Tài hư cấu của bé Su không hề kém chị Mai của tôi. Những mẫu chuyện cổ tích trong và ngoài nước của ba nó kể cho nghe, khi kể lại cho chúng tôi, bao giờ nó cũng thêm thắt vào những chi tiết riêng của nó. Như chuyện “chuột đồng và chuột thành”, ba nó chỉ kể chuột thành đưa chuột đồng xuống bếp, vít một miếng bơ cho chuột đồng ăn. Sang đến thằng bé Su, nó thêm: “vít một miếng canh rau tần ô nới cá thác lác, vít một miếng trứng chiên nấm, vít một miếng nước mắm, vít một miếng sữa chua”. Ðó là những món nó vừa được ăn trước khi sang chơi nhà bà nội.
Còn chuyện “Ông thần gió với ba món quà”, khi cô yêu cầu nó cầm micro kể cho cả nhà trẻ nghe, nó tự động đổi tên nhân vật bị thần gió làm đổ cháo là Su. Nó kể lưu loát y như ba nó, “sau khi được thần gió đền cho cái khăn bàn có thể ăn bất cứ món gì mình thích, bé Su ra về. Nhưng đường thì xa, trời thì tối, bé Su phải vào một quán trọ ngủ tạm.”.
Nhưng đến đoạn trong lúc khăn bàn làm phép, có ông chủ quán đứng rình ở khe cửa, nó đổi lại là có ông Bảy Bụng đứng rình ở cửa sổ. (Bảy Bụng là một ông láng giềng của nó. Sáng nào, vào khoảng năm giờ ông cũng đánh thức cả xóm dậy vì cái tiếng nói chuyện mà như gây lộn của ông, sát ngay cửa sổ nhà Su. Không thích ông, nó bèn gán cho ông là nhân vật có hành động không hay, “chôm” khăn bàn cho thức ăn và con la cho đồng tiền vàng của nó để cuối cùng bị roi đánh tơi bời).
Ngày nào đi nhà trẻ về, Su cũng có rất nhiều chuyện để kể. Không cảnh giác tài hư cấu của nó thì người lớn dễ xích mích như chơi. Nó kể cô bắt em nào cũng phải ngủ trưa (điều này thì đúng), không thì cô bắt con gián bỏ vào miệng từng đứa (câu này nó lượm được của một bà ở gần bô rác dọa con). Nhưng cũng nhờ nó, các cô không dám nói những điều cộc cằn, thô lỗ. Nó như cái máy cassette, thu thì chính xác, khi phát lại có hơi cường điệu hoặc trộn thêm nhiều nguồn, nhưng nghe nó nói, có thể hình dung ra tính tình các cô. Chẳng bao giờ nó gán những câu dữ dằn vào miệng của một cô hiền như đất. Và dù có hư cấu thêm, Su vẫn là tấm gương hắt trả phần nào sự thật từ những người mà nó tiếp xúc.
Thử coi, để đối phó, canh giữ một thằng bé hiếu động và khôn trước tuổi như nó, chúng tôi - bà nội và các cô, chú của nó - phải làm gì? Nó lại là thằng rất lười ăn. Tay chân lỏng khỏng leo kheo chỉ có cái đầu là to chần vần. Ði thi bé giỏi bé ngoan nó chẳng bao giờ được điểm dẫn đầu vì không đạt điểm về trọng lượng chứ về tài ứng xử thì chưa ai qua nổi nó. Ba nó báo trước là sẽ rất cực khi cho nó ăn và dỗ nó ngủ. Chị Mai lãnh phần đút cơm cho nó như hơn hai mươi năm trước chị đã đút cơm cho ba nó. Còn tôi lãnh phần kể chuyện cho nó ngủ.
Tội nghiệp chị Mai, bé Su ăn cơm trong tư thế chạy nhảy, leo trèo chứ chẳng như ba nó ngày xưa nên chị ấy mệt nhoài. Phần tôi thì đỡ hơn, tôi kể chuyện cho nó nghe khi nó đã có một ngày tung hoành nên vào giờ đó anh chàng đã thấm mệt.
Ðêm đầu tiên, tắm rửa cho Su thơm tho, tôi đưa bé lên giường. Trước đó, tôi đã hỏi dò xem Nhu đã kể gì cho con nó nghe. Tôi than thầm, trời đất ơi, cái thằng Nhu này, nó đã kể gần sạch kho cổ tích cho trẻ nhỏ lứa tuổi lên năm trở xuống của tôi rồi.
Tôi đành kể cho Su nghe loại chuyện mới. Loại chuyện mà ngoài tôi ra, không ai biết để kể cho nó nghe được, Vì đó là chuyện về những đứa trẻ mà tôi đã gặp hoặc biết khi “chúng” đã không còn nhỏ nữa.
Ðêm ấy, tôi kể cho Su nghe chuyện cô bé Hường Trâm và con Bê.

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home