Monday, June 2, 2008

Ghi chép về cuộc rút quân cách đây 19 năm.

Những chỗ khác đang sôi động những chuyện cho người sống, còn ai muốn thắp nhang, mời ghé vào đây.
Cũng có lúc mình được (hay bị) coi là nhà báo.
Ghi chép về cuộc rút quân cách đây 19 năm.
1980, tôi tốt nghiệp đạo diễn, đi bán vé số dạo thì trường kêu về dạy.
Ðào tạo được hai khóa thì có học bổng đi học ở Ba Lan.
Giờ chót, trong Ðảng Uỷ và Ban Giám Hiệu có nhiều người nghi ngờ nếu cho một đứa độc thân, tư tưởng không rõ ràng như tôi đi, tôi sẽ trốn luôn nên thay tôi bằng anh bạn cùng lớp là một đối tượng Ðảng, có một vợ, hai con.
Mười người đi đợt đó, nghe nói chỉ có một mình anh Văn Thành về.
1985, khi anh Lưu Quang Vũ vào Sài Gòn, tôi xin anh kịch bản “Nguồn Sáng Trong Ðời” để dựng vở tốt nghiệp cho lớp của Quang Minh, Hồng Ðào.
Ngày 21 tháng 6 năm đó, cùng với Thanh Bạch, Xuân Hương, Tất My Loan, Bích Thủy, Minh Phượng, Quang Minh, chúng tôi lập nhóm “Tuổi Trẻ Cười Sống”. Ðó là lý do trong bài có lúc tôi được gọi là chị nhà báo “Tuổi Trẻ Cười” . Vài năm sau, còn hợp đồng biểu diễn nhưng .. không cười nổi nữa trước những tiêu cực ngày càng thiên hình vạn trạng, nhóm chúng tôi tự giải tán .
1988, cả gia đình anh Vũ mất, tôi xin dựng vở “Linh Hồn của Ðá”(tức Hòn Vọng Phu) của anh cho Trần Hữu Trang II với Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm.
Khi HTV chuẩn bị quay thì có đợt rút quân toàn diện nầy, tôi xin ngưng lại để nhảy lên trực thăng theo danh sách báo chí để được ra khỏi Việt Nam vài ngày, vừa để thoát khỏi ám ảnh con ngựa bị chém phải đao trong cung Thiên Di của tử vi.
Cô nhà văn M. trong đây là Trần Thùy Mai, không ngờ sau nầy chúng tôi lại có dịp làm chung truyện “Trăng nơi đáy giếng”. Còn T.N. là Tiana Thanh Nga, mới gọi cho tôi hỏi có cách nào liên hệ để làm film về bà NÐN không. Ðợt rút quân đó người viết nhiều bài nhất là anh Huy Ðức với Xuân Tùng. Giờ chỉ biết anh Ðức có blog Osin
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4
còn Xuân Tùng không biết trôi đi đâu. Chuyến đi nầy thay đỗi nhiều cái nhìn về sống, chết trong tôi. Vừa về đến thành phố thì nghe ngay một vụ cướp xe gần nhà tôi, cô gái trẻ chết có người chị giữ xe đạp ở 5 B, chị rất giỏi tiếng Pháp. Khoảng mươi năm gần đây, giữ xe ở nhà hát nầy là cán bộ của công an PA 25.
Cậu em ruột mà tôi nhắc một dòng trong đây đã chết năm ngoái. Tôi chuẩn bị đối diện với chính mình rằng với quỷ thời gian ngày càng hẹp lại, và vẫn treo câu hỏi hai mươi năm nay“ mình đã được thật sự sống đúng như mình mơ là” chưa? Nhiều người cùng làm nghề với tôi bây giờ trở thành những người kinh doanh văn hoá chuyên nghiệp, được đóng dấu bảo kê bởi nhiều người có quyền lực trong ngành nầy, cấp quốc gia. Có người mới động thổ một resort lớn, nơi sẽ mở casino. Có người vẫn xuất hiện trên báo như những chính nhân quân tử, quên rằng đó vẫn là một vai trá ngụy, được diễn hơi lâu.
Tôi lục được bài nầy và đưa bài đây vì đọc được tin ở đây
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=260329&ChannelID=2
Mong là trong những hài cốt đó không có ai trong những người tôi đã gặp..
Nếu những người lính nầy là người nước khác, xương cốt của họ có được xem trọng hơn chăng?
Những chỗ khác đang sôi động những chuyện cho người sống, còn ai muốn thắp nhang, mời ghé vào đây.
Ngày 20-9-1989
Buổi tối trước ngày hành quân, mấy anh lính ở cách chỗ chúng tôi ở mấy trăm mét mời xuống ăn chè do các anh nấu. Ðêm hôm trước, do mưa lớn, tôi và M ố cô gái viết văn người Huế mà các anh rất thích nghe giọng nói, đã thất hẹn với họ. Do cơn mưa khi chiều, đường nhão nhoét, trơn lầy đến độ tôi phải lột dép đi chân không. Nghe nói mấy ngày trước có điện. Nhưng đúng ngày đoàn của chúng tôi đến Xiêm Rệp, máy điện của Mặt trận 479 đã được chuyển tới cho nhà trẻ của thành phố. Dây diện thoại cũng được cuốn sạch ngay sau đó.
Những đốm lửa từ các vỏ chai đặc biệt được đốt lên. Câu chuyện xoay quanh đề tài những ngày sắp tới. Ra quân, em sẽ đi học tiếp. Ra quân, em sẽ theo ông chú chạy xe đò. Còn em, thế nào cũng phải đi làm nhưng chưa biết sẽ làm việc gì...
- Không ai nghĩ đến chuyện lập gia đình sao?
- Ðó là chuyện thứ nhì, chị ạ! Có công việc, tự khắc sẽ có người yêu...
Những người đi cùng với tôi vội lấy sổ tay ra ghi chép. Trong số ấy có người đã nằm ở đây ròng rã cả tháng trời. Họ là những người làm báo, viết văn, làm thơ, chụp hình, quay phim... Họ đang cố gắng thu vào, ghi lại tối đa những mẫu người, mẫu đời chung quanh. Tôi là một người đến muộn, và dường như tôi bị sững người trước cái khối lượng người lao xao trong bóng mờ của đêm này, không ghi chép nổi, cho dù sổ tay tôi cũng ghi dày đặc những Sơn, những Trí, những Long, những Hoàng, những Việt, những Tiềm, những Thy... Chắc chắn trong những người lính chết trẻ sẽ có rất nhiều người trùng tên với những người lính còn sống...
Cái sững người tương tự khi tôi được đứng trước rồi chạm tay vào những người lính được tạc vào đá ở Ăngko Vát.
Ngày 21-9-1989
Chúng tôi được đánh thức lúc hai giờ sáng. Ăn cơm cho chắc bụng để bộ phận hậu cần còn thu dọn chén đũa nồi niêu chở về. Năm giờ xe chạy. Anh em báo chí được chất lên một chiếc Zin-Ba-Càng len lõi chạy lên đầu hàng quân để dễ thu hình, quay phim. Xe chúng tôi lướt qua những chiếc xe đầy nhóc những người lính đội mũ nghiêm chỉnh trong bóng tối lờ nhờ. Loáng thoáng thấy những bó củi và chiếc ghế gẩy, tấm vạt giường, có lẽ để nấu nước dọc đường.
Trời sáng dần, những người dân Campuchia đã ngồi đầy trước lễ đài trước nhà văn hóa mà Mặt trận 479 đã xây tặng cho Xiêm Rệp. Mội nhà báo đang phỏng vấn một cô bé Campuchia: “Vì sao em thích vẽ hình Aằngko?”. Cô bé khoảng mười ba tuổi ấy cười thơ dại trả lời: “Vì đó là nỗi tự hào của dân tộc em mà ít nước khác có công trình sánh được”.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, phóng viên các nước khác ào xuống bằng đường máy bay. Bài diễn văn hơi dài, lại được dịch một lần nữa nên càng dài hơn. Nhiều phóng niên nóng ruột tỏa đi xuống các xe xin ghi hình và phỏng vấn. Với số vốn tiếng Anh tồi tệ của mình, tôi trở thành một người phiên dịch bất đắc dĩ. Những câu trả lời đơn giản, tôi dịch tương đối thong thả. Gặp những câu trả lời khá văn hoa với những từ dao to búa lớn, tôi tìm từ toát mồ hôi. Nhiều anh lính đứng cạnh nháy mắt với tôi, ra điều: “Cái ông đang trả lời kia thuộc bài quá”.
Một cô phóng viên người Thái Lan nhân được thấy một cây đàn nằm lăn lóc giũa đám nồi niêu xoong chảo đã xin được quay cảnh chủ nhân cây đàn đang xử dụng nó. Nhiều cameramen đến xin quay ké. Xong, cô nằng nặc xin địa chỉ của anh chiến sĩ kiêm nhạc sĩ kia mặc dù anh ta cương quyết từ chối vì “chưa ổn định chỗ ở”. Mãi đến khi ghi được địa chỉ của cha anh ấy ở một xã xa xôi thuộc huyện Bình Chánh, cô ta mới tiết lộ rằng muốn gởi ít quà tặng anh ấy và gia đình.
Một phóng viên người Nhật thì không chịu tin anh sĩ quan tên Dương chỉ mang về nhà một chiếc ba lô đựng quân trang quân dụng. Anh năn nỉ được chụp hình những món trong ba lô. Anh Dương bẽn lẽn mở ra ố dù anh có quyền từ chối ố ngoài áo quần chỉ có tấm ảnh vợ anh và cô diễn viên Thanh Loan cắt ra từ một bào báo. Tại sao lại giữ tấm ảnh kia? Người sĩ quan bẽn lẽn hơn: “Vì tôi yêu nghệ thuật, dù tấm hình trên báo xỉn mờ, không đẹp lắm...”.
Một phóng viên người Mỹ xin được chụp hình chung với các chiến sĩ lái xe tăng. Ông ta cho biết đã chiến đấu ở Việt Nam năm 1969, còn sống độc thân và vẫn đang tìm đủ mọi cách để trở lại vùng đất đã làm ông ta suýt chết.
Ngày đầu tiên là ngày các xe rút về nhận được nhiều quà nhất. Dân Campuchia quăng lên xe mía, cam, dừa, ổi, kẹo, thuốc lá, chuối, bánh tét, cả nước đá trong bịch nylon. Nước mắt chảy nhiều ở những người lớn tuổi. Nhiều ông già tiễn bộ đội bằng cách vặn tay, cong mình uyển chuyển múa. Lắm cậu nhóc khoảng dưới năm tuổi, chờ đợi mỏi mòn, tụt cả áo quần nhào xuống ao tắm, khi đoàn xe qua, mừng rỡ vội ào lên bờ tồng ngồng chụp cờ nhảy, vẫy...
Ở mỗi điểm đông dân cư lại có một tốp ca nhạc đứng hát ca, có cả múa rối hay hát tuồng làm mặt đậm như hát bội, cải lương của mình... Những lời chào mừng bằng hai thứ tiếng. Ai cũng cười khi đi ngang qua huyện Puốc, nghe có tiếng Việt Nam lơ lớ:
- Chúng tôi đại diện nhân dân ba nước Lào, Việt Nam, Camphuchia...
Một bà già cầm cái bánh tét nhỏ xíu từ trong nhà chạy ra, định đưa cho xe nhà báo nhưng không thấy có ai mặc áo lính nên rụt lại:
- Cái này để cho bộ đội Việt Nam...
Ngày 22-9-1989
Sau đêm ngủ tạm ở căn nhà rộng hoang tàn trống cửa ở khu trại lúa giống nổi tiếng trước đây, năm giờ sáng chúng tôi lại lên đường cho kịp bảy giờ làm lễ ở Batdomboong. Mặt trời chưa lên. Xe chúng tôi chạy sau lưng một chiếc xe đồng ca hết tình ca này sang tình ca khác từ thời... Bảo Ðại đến bây giờ. Lúc nghe đến bài: ... Như hoa phong lan chờ đợi ... bên xe tôi một người hét vọng qua: “Không còn ai chờ đợi đâu. Tụi nó đi lấy chồng cả rồi...”.
Tiếng hát vẫn không nao núng, trầm trầm vang vọng làm tôi dưng không muốn ứa nước mắt vì một nguồn sống âm thầm an nhiên tồn tại chẳng vì một đua đòi bon chen hào nhoáng nào cả. Họ hát vì họ không thể không hát. Vậy thôi! Tưởng chừng như tiếng hát của họ đẩy lùi bóng tối. Tưởng chừng như tiếng ca của họ lôi dậy mặt trời. Tưởng chừng như họ hát để khóc chào tiễn những người kém may không được sống sót trở về như họ...
Ở Batdomboong, trước lễ đài có một cô gái Campuchia hát Bài ca không quên bằng tiếng Việt. Cô gái tên Vannary ấy cho biết được một anh bộ đội Việt Nam dạy hát nhiều bài hay lắm. Trong đó có cả bài Hà Nội, niềm tin và hy vọng và Mùa thu lá bay... Trong lúc bài diễn văn được đọc, tôi lại bị làm thông dịch viên bất đắt dĩ. Những phóng viên nước ngoài bao giờ cũng mở đầu bằng câu hỏi: “Cảm tưởng của các anh khi trở về Việt Nam...”. Những anh lính trả lời vô cùng đơn giản: “Vui, rất vui và rất vui!”. Những người chỉ huy thì trả lời dài dòng hơn: “Rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, cũng rất vui vì lực lượỳng phòng thủ bảo vệ tổ quốc của bạn đã vững vàng để độc lập tác chiến”...
Hai trung đoàn anh hùng 16 và 88 lên đường trước một ngày, nay dẫn đầu hành quân. Các anh kể, vì đi trước nên không tổ chức tiễn đưa, rời núi Hồng khi trời chưa sáng, dân trong vùng phải phóng Honda theo tặng quà và đưa tiễn suốt một đoạn đường dài. Một sĩ quan hơi lo khi thấy lính của mình đàn và hát những bài tiếng Việt lẫn tiếng Anh cho phóng viên nước ngoài quay phim, hỏi nhỏ tôi cái bài hát đó nói cái gì vậy chị...
Mãi loay hoay với cái vai trò bất đắt dĩ này, xe của nhóm báo chí đã di chuyển mà tôi không hay. Tôi nhảy đại lên một chiếc xe không quen nhưng dần dà rồi cũng biết hết...
“àHồi nãy chị giúp những người nước ngoài hỏi chúng tôi, tới phiên chúng tôi hỏi lại nè:
- Chị ở quận mấy?...
- Vậy là đồng hương với tụi này?
- Chị thấy lính cực không?
- Có cách nào kiếm việc làm nhanh nhất khi xuất ngũ hả chị?
- Ðơn vị tôi có mấy anh tốt lắm, tôi muốn tụi nó được đi lao động hợp tác, không biết có được không?
- Em thích đi học lại quá mà không biết có phải đi làm để giúp gia đình không?
- Chị ơi, sao chẳng có bài nào tả người lính giống tụi em hết, mà dường như giống lời mấy ông chỉ huy nói về tụi em?
- Thành phố lúc này ra sao chị?
- Mấy ông Công an thế nào rồi?
- Tại sao chín mươi phần trăm người yêu của tụi em đều “xù” khi tụi em sang đây? - Chị bao nhiêu tuổi?-
- Lập gia đình chưa?
- Tại sao chị không đi lính mà cũng bị “xù”?...
Một phóng viên nước ngoài hỏi tôi:
- “Tại sao chị lại đi theo chuyến rút quân này?”. Có lẽ vì những người lính này giống như em tôi. Tôi cũng có một người em trai đã là bộ đội...
Mưa vừa trút ở đó buổi chiều nên đường vô cùng trơn nhớt. Ðằng sau từng mỗi xe là từng đốm lửa nấu cơm với mớ củi đã đem theo. Trông cứ như những phim cao bồi của Mỹ về một thời tung hoành khai hoang về vùng Viễn Tây xa tít... Văng vẳng cho tới sáng đủ loại nhạc từ chiếc cassette xách tay. Một vài cây guitare đơn lẻ... Loáng thoáng có tiếng hợp ca bài Nếu một mai giả từ vũ khí...
Tôi cứ bị phỏng vấn liên miên. Những người lính trẻ có những lo lắng vô cùng dễ thương... Tụi em được lãnh trước hai tháng lương, ra chợ thấy hàng Sài Gòn nhiều quá, mua đại mấy hộp kem UP, Arché cho em gái mà cứ lo kem giả của Sài Gòn đem qua, em gái nó cười... Tôi phác giác nhiều người lên đem về những chú chó và khỉ, cả sáo sậu mặc dầu đã có lịnh không được mang theo súc vật... Nó khôn lắm chị ơi! Ăn ở có nghĩa, có tình hơn... Tôi cười, thôi khỏi nói khúc sau, hiểu rồi! Anh bộ đội hát bài tiếng Anh khi sáng kể cho tôi nghe những vở kịch anh em tự dàn dựng để đi thi cấp sư đoàn. Có một vở hài kịch tụi em giễu cợt một ông xếp ăn chận gạo và thực phẩm của anh em. Ngoài đời có một ông giống như vậy. Ông không cho vở ấy đi thi rồi còn đì em sói trán, hăm không đề nghị cho đi hợp tác lao động khi xuất ngũ nhưng em đâu có cần. Bây giờ ổng bị ở tù rồi, tại về phép gây lộn bắn ẩu ở nhà. Giải nhất kịch về tay đội bạn. Vở kịch tụi nó phê phán vụ chơi bồ đà nên lúc bị đạp mìn máu loãng không cầm được. Bồ đà ở đây rẻ lắm. Nè, tụi em có cả một bài ca về bồ đàà “Ngày con ra đi. Mẹ khuyên con chớ chơi bồ đà. Nhưng mạ ơi con quá nhớ nhà”. A! Quên khoe chị, lúc tụi phóng viên Hồng Kông chụp hình bà cụ người Campuchia đến cho kẹo tụi em là mẹ nuôi thằng này. Không phải bộ đội nào cũng được có mẹ nuôi đâu. Phải có một chuyện gì đó. Như anh T giữ nhà giùm cho mẹ mà vàng không mất. Mà mỗi bà chỉ nhận nuôi một anh thôi. Nhận rồi thì thương hơn con ruộtà Em không hiểu sao cảnh mấy bà mẹ Campuchia khóc tiễn tụi em, “xếp” của em lại không cho phép những người phóng viên quay phim.
Ðiều ấy tôi cũng không hiểuà Tôi giải đáp mọi chuyện theo cách nhìn có khi rất thiển cận của mình. Và tôi cũng nhắc những người chiến sĩ ấy nhớ rằng, không phải chuyện gì họ không biết là tôi cũng biết cả đâu. Ví dụ tôi cũng không phân biệt được kem thật và giả. Ví dụ tại sao chín mươi chín phần trăm người yêu của bộ đội “xù” họ. Ví dụ như tại sao Sơn, Trí, Long, Hoàng, Việt, Tiềm, Thyà này được sống mà tại sao những Sơn, Trí, Long, Hoàng, Việt, Tiềm, Thyà kia lại chết.
Ngày 23-9-1989
Dự định chỉ làm lễ tiễn lớn ở ba nơi nhưng nhiều huyện không chịu. Họ nói vậy là không thương, không có tình với họ. Dân bắt buộc phải làm lễ mới cho đi. Mà làm lễ là phải có Tổng Tư lệnh. Phải chờ phái đoàn chỉ huy cách đó hai mươi cây số đi lên. Trong hai giờ chờ đợi, một vài anh quấy ở một cái ao rau muống gần đó được mấy con ốc bươu to ơi là to. Nhưng một vị chỉ huy ra lệnh không được “phát huy”, sợ có ai nhìn vào thấy không đẹp mắt. Trong lúc chờ đợi, tôi đi dọc theo đoàn xe. Những anh bộ đội đang đồn tôi là phóng viên của báo Tuổi Trẻ Cười, gọi tôi đến để tặng những chuyện cười đặc biệt lính.
Buổi tối, chúng tôi dừng xe cách thủ đô khoảng hơn mười cây số. Tôi cùng vài người vào thành phố trước, tình cờ gặp T.N. T.N rủ tôi đi ăn tối ở nhà một phụ nữ người Campuchia lấy chồng người Việt. Có cả một số phóng viên nước ngoài. Một vài người tỏ vẻ chê cuộc rút quân không được hấp dẫn lắm. Tôi hỏi bộ mấy người muốn có lính Pôn Pốt ra chận đánh nhau mới hấp dẫn hay sao? Họ bảo không phải vậy, họ chỉ mong rằng buổi lễ ở Xiêm Rệp được đặt ở Ăngko Vát thì hay và đẹp hơn. Họ còn than phiền buổi lễ tiễn ở một hướng hành quân khác, họ bị đặt trên một tòa nhà cao không xuống được mà ở góc đó ngược sáng nên chụp không thể đẹp được... Có cả những người làm phim Cánh đồng chết. Giữa những người này có nhiều chuyện bất hòa. Tôi cũng có được gặp những người Việt Nam di tản năm 1975, nay lấy tên Mỹ, làm cho Mỹ. Hỏi cảm giác chung về cuộc rút quân, họ bảo: Tốt lắm! Tốt lắm! Theo họ, đây là một cuộc rút quân thất sự... Lúc trưa, nhân lúc gặp viên tướng Tổng Tư lệnh đi dẹp mấy xe vượt ẩu cho lên lề ráo, có hỏi cảm tưởng chung, ông nói không ngờ nhân dân Campuchia thương bộ đội mình dữ vậy...
Ngày 24-9-1989
Ðưa T.N. ra hàng quân, chụp được nhiều hình đẹp. T.N. thích nhất là hình bộ đội ngồi làm cá dưới tấm hình Uncle Hồ. Những chiến sĩ đong đường nấu chè rủ chúng tôi lúc quay về ghé ăn.
Buổi chiều được dự cuộc họp báo của ông Hun Xen. Nhiều phóng viên nước ngoài rất mê người lãnh đạo trẻ tuổi khôn khéo này. Mỗi lần nghe tiếng máy xè xè nổi to mồn một trong phòng họp, biết ngay là máy quay của Việt Nam. Những Việt kiều ở Campuchia lâu thì rất vững. Những người mới qua khoảng năm 80 thì rất lo, chỉ muốn theo đoàn quân về nước luôn.
Ngày 25-9-1989
Sau hơn một ngày giặt giũ tắm rửa sạch sẽ cho xe lẫn người, tôi gần như nhận không ra những người lính mình đã đi cùng. Khi xe chạy ngang qua Hoàng Cung, họ tỏ vẻ hiền ngoan và nghiêm túc quá đáng đến độ từng bó mía, từng quày dừa được bà con đưa lên họ cũng không buồn nhận. Tôi hỏi một sĩ quan: “Bộ không có lệnh nhận quà à?”. Ông ta lắc đầu: “Tự họ tôn trọng điều lệnh đội ngũ khi chỗ tặng quà gần khán đài quá”. Vẫn là những người dân và cờ, hoa, quả nghịt đường suốt dọc lối về.
Ngang qua bến phà Niếc Lương, ở một sân khấu lộ thiên là những nhạc công và ca sĩ Campuchia đang trình tấu. Những chàng bộ đội Việt Nam hừng chí nhảy lên tham gia. Chàng người Bắc ca một bài dân ca quan họ, chàng người Nam hát bài Trị An và Thành phố trẻ. Một chàng đập trống rất tận tình. Những vị khác nhảy xuống xe đứng nghe dưới nắng trưa. Người hát lẫn người nghe đều có vẻ rất hạnh phúc.
Ðêm ở Svay Riêng, sau buổi chiêu đãi, mọi người đang nhảy múa thì bỗng một cơn mưa tầm tã... Tôi quá giang chiếc xe của Truyền hình Thành phố chạy từ giữa lên đến đầu hàng quân vào khoảng chín giờ tối. Những người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nằm ngủ ố hay thao thức? ố thẳng chân trên mặt đường tráng nhựa. Chỉ còn vài cây số nữa là tới quê hương. Có người lót chiếu, lót khăn cà ma. Có người, chẳng cần gì cả, nằm lăn kềnh ra đất... Tôi cũng được nằm trên một mảng đường vài tiếng trước năm giờ. Một anh kiểm soát quân sự cho biết chỉ khoảng hơn mươi xe về làm lễ ở cửa khẩu Mộc Bài, còn thì lướt qua luôn.
Ngày 26-9-1989
Trời còn lờ mờ, những ao nước ven đường được vốc lên rửa mặt. Lần cuối cùng được rửa mặt bằng những bụm nước ở xứ bạn?.. Tiếng xe âm âm mặt đường... Những người lính nín hơi để hét lớn lúc xe qua cửa khẩu của Campuchia. Mấy người lính quen mặt hỏi tôi:
- Chị rờ coi cửa khẩu có nứt vì tiếng hét của tụi em không?
Các phóng viên quay, chụp và phỏng vấn các bà mẹ đi tìm con. Tôi đến Trạm Y tế thuộc khu vực Việt Nam. Có một người lính nằm ở đó. Rớt từ xe xuống vì bắt tay, nhưng không nặng lắm. Gặp các cô cậu học trò trường Nghệ thuật Sân khấu đang là lính của đoàn Văn công Quân khu 7 ra Mộc Bài hát. Tôi ngồi ở trạm cấp cứu trông từng xe qua. Ðoàn quân qua gần hết tôi mới nhảy lên được một chiếc xe của những người cảnh vệ. Một anh hét lên khi xe qua cửa khẩu của Việt Nam bằng giọng Hà Tĩnh:
- Má ơi! Con về rồi nè má! Con Lan có còn đợi con không má?
Nhiều người tỏ vẻ lo âu. Dân Campuchia đưa tiễn mình hết lòng hết dạ như vậy còn dân mình không biết thế nào? Có thương bộ đội như vậy không? Hay là các chàng trai ở thành phố lại sợ tụi này về tranh mất việc làm và bạn gái?
Ngày cuối được phát gạo nhưng không ai buồn nấu. Các anh cho biết vì lương được phát trước hai tháng nên giờ này không ai còn xu nào. còn sót mấy miếng cơm nguội hôm qua và gói muối đựng trong cái nón được chia đều ra cho mười hai người trên xe và một con chó. Tôi hỏi con chó sẽ thuộc về ai khi tất cả ra quân hết? Trả lời: “Bao giờ cũng có người còn lại. Những người lính mới bổ sung sẽ làm chủ con chó ấy. Tụi em không có cái gì là của riêng. Vào bộ đội mà đứa nào còn tính chuyện ăn riêng sẽ được xây riêng một căn nhà cho ở. Ở đây, tụi em thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Một lá thư riêng được đọc chung. Chuyện buồn chuyện vui luôn xẻ đều. Cha đứa này chết. Bồ đứa kia “xù”. Xẻ đều cho nhau cả”.
Xe chạy ngang nhà máy dệt, các nữ công nhân ào ra đứng đầy đường và có cả ca hát ở Nhà máy dệt Thắng Lợi. Quê nhà đón về cũng không tệ lắm.
Ngày 28-9-1989
Khi tôi đi ngang dinh Ðộc Lập, buổi lễ thành phố đón quân ta đã xong. Còn sót lại vài chiếc xe bộ đội kẹt đèn đỏ ở nhà thờ Ðức Bà. Những cô sinh viên Ðại học Sư phạm đang học quân sự gần đó đứng phân vân trước lời dụ dỗ đổi nón lính lấy khăn tay và địa chỉ của bộ đội trên xe. Xe bộ đội rồ chạy, các cô quyết định chạy theo xe, tuột lẹ chiếc khăn tay cột tóc liệng lên, những chiếc nón liệng xuống. Họ đổi địa chỉ cho nhau.
Ngày 29-9-1989
Buổi tối, tôi đi dạy về, chợt nghe tiếng kêu:
- Chị nhà báo Tuổi trẻ Cười ơi!
Anh bộ đội vác hai ba lô còn đang nấp mưa dưới một mái hiên. Anh đi tìm bà con, không biết địa chỉ ghi thế nào mà tốn mấy ngàn đồng xích lô vẫn chưa tìm ra.
Tôi hỏi lễ hôm qua có vui hơn Campuchia không?
ố “Vui hơn chớ, con gái nước mình biết tiếng nhau nói chuyện dễ hơn. Em sẽ về thi lại Ðại học Thủy Sản. Bao giờ đất nước cần sẽ đi lại. Nước bạn mà tụi em còn chiến đấu hết mình huống chi là nước mình khi có chuyện. Chị biết không? Trung đoàn em tiêu gần phân nửa số quân. Phần lớn vì bị gài mìn chớ bộ đội mình đánh giỏi lắm. Ðêm qua em nghe nói có mấy đứa quậy trong quận Năm, phải có Kiểm soát Quân sự tới giải tán”.
Tôi nói bây giờ đi đâu để tôi chở cho.
Anh lính từ chối: “Em đi bộ được rồi. Em sẽ kiếm bạn cũ đang làm ở xí nghiệp in gần đây xin ngủ nhờ đêm nay.”
Tôi nhớ những học sinh của tôi có một tiểu phẩm về một tình huống tương tự, một anh bộ đội về xơ xác quá, bạn cũ không muốn nhìn. Tôi mong đó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng. Ngoài đời thường mọi thứ phải tươi sáng hơn. Mong là như vậy, ít ra cũng là nhiều điều may mắn hơn cho những người tôi đã gặp.
Ghi chép của Nguyễn thị Minh Ngọc -1989
Campuchia bàn giao hài cốt chiến sĩ tình nguyện VN
TT - Sáng 28-5, chính quyền và tỉnh đội tỉnh Preah Vihear đã tổ chức trọng thể lễ đưa tiễn và bàn giao cho đại diện phía VN 50 bộ hài cốt chiến sĩ tình nguyện VN hi sinh tại tỉnh này trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt ban lãnh đạo, quân đội và nhân dân tỉnh Preah Vihear, ông Prap Dan chia sẻ nỗi thương tiếc với gia đình các chiến sĩ tình nguyện VN đã hi sinh và tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh cao cả của quân tình nguyện VN, những người đã không tiếc máu xương giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chế độ Khơme Đỏ.
TTXVN -2008
hinh tren la Nghia trang o Bismarck

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home