Sunday, August 31, 2008

http://www.thethaovanhoa.vn/home/van-hoa-toan-canh/Nhung-ngay-cuoi-cung-cua-Xuan-Quynh-va-Luu-Quang-Vu-Kỳ-4/133/20080827085513416,14.htm

Người đầu tiên viết kịch bản về Phạm Xuân Ẩn

Năm 1983, Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản Nữ kí giả. Rất ít người biết: nguyên mẫu nữ kí giả Hà Thu trong kịch bản chính là huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn. Theo lời kể gia đình, đó là kịch bản đầu tiên Vũ viết theo "đặt hàng" của Bộ Nội Vụ. Những tài liệu ở dạng "mật" về Phạm Xuân Ẩn đã được chuyển tới tay Vũ để xây dựng kịch bản này.
Năm 1985, Đoàn Kịch Bộ Nội vụ đã mang Nữ kí giả tới tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó cũng là lần duy nhất trong đời, Lưu Quang Vũ bước lên sàn diễn với vai trò... diễn viên. Thiếu diễn viên quần chúng, cả anh và họa sĩ Doãn Châu đều được huy động vào vai binh lính của quân đội Sài Gòn cũ trong ngày thất trận, và xuất hiện trên sân khấu chỉ trong vài phút.


Trich Ký Sự Người Ðàn Bà Bị Chồng Bỏ

(trang 73-80)
“… Có một điều bất công là, anh tưởng chỉ các anh, những người đảng viên trẻ nói riêng, và những người thanh niên trẻ nói chung như Hãn là độc quyền nỗi đau của một đất nước đang phấn đấu phục hồi lại một nền kinh tế ít ra cũng trở lại bằng thời trước 1975, lúc còn được bao cấp hai đầu, Liên Xô và Mỹ. Có lẽ anh đã thành kiến còn hơn những người đại thành kiến. Dường như anh xếp tôi vào loại bất tri vong quốc hận, anh quên tôi đã một thời và luôn là bạn tri kỷ của anh.
Khoảng mùa thu năm 1987, theo bước Liên Xô, một số chủ trương đổi mới ra đời. Ða số đều phấn khởi với một mức độ dè dặt thường lệ. “Võ Tắc Thiên” bị báo chí đánh bại sau những loạt bài kêu cứu thống thiết trong giới chúng tôi. Mọi người nói thầm với nhau. Bà ấy tạm lánh mặt cho mình ăn xong cái Tết rồi về. Các trại tập trung ở Thái Lan đóng cửa. Một số người Việt Nam bị trả về. Khán giả một phần nào đó trở lại sân khấu nhưng không thể nào đông đúc trở lại như trước thời “Võ Tắc Thiên”. Một lý do đơn giản là không có tuồng hay dù đất nước nói chung và thành phố nói riêng thật sự không thiếu người tài. Tôi được nhiều tác giả gởi kịch bản đến cho đọc vì tôi đã là đào chánh. Họ cứ tin tưởng rằng nếu tôi ủng hộ kịch bản họ thì cả đoàn quan tâm theo. Ðiều đó cũng đúng, nhưng là với những đoàn khác. Chứ ở gánh “Thanh Xuân”, gần như kịch bản nào tôi thích, họ đều không dám dựng và tương tợ, kịch bản nào tôi quan tâm thì không gặp trục trặc ở đoàn cũng rắc rối khi lên cấp sở.
Trong những tác giả tôi quen, đặc biệt Quân Lam là một người viết rất có tài. Anh là một người làm thơ, vì yêu một diễn viên nên xoay ra viết kịch. Kịch bản của anh lúc đầu quá nghiêng về tính văn học nên các đoàn dội ra. Lăn lóc giới sân khấu một thời gian, được sự góp sức của nhiều đạo diễn đàn chị, đàn anh, Lam trở thành một ngôi sao rực chói trong số những người nuôi sân khấu sống bằng công trình máu tủy của mình.
Tôi quen Lam trong dịp đoàn ra Hà Nội. Lúc ấy đang là mùa đông, tôi vừa ở bệnh viện ra, người xanh khướt, không muốn tiếp xúc ai. Mong có tiền để bồi dưỡng sức khỏe, tôi lại phải theo đoàn đi lưu diễn. Cái nghề nầy nó vậy. Mong có lá dâu cho óng đẹp sắc tơ, con tằm lại phải vét sạch tơ trong ruột nhã ra.
Chuyến ra Bắc chúng tôi đi tàu, lẫn lộn trong tôi nhiều cảm giác buồn vui. Vui vì Hà Nội và cả miền Bắc bên kia Bến Hải chúng tôi mơ gặp đã từ lâu bây giờ mới tới. Còn buồn có lẽ vì thấy quê hương sao còn nghèo nàn quá. Xe lửa chỉ vòng qua những vùng quê. Có nhiều nơi vẫn còn là người và trâu bì bõm trong bùn. Tôi yêu những phố cổ mơ hồ phảng phất bóng người xưaà Những bà Hồ Xuân Hương, ông Chiêu Hổ.. những Ngọc Hân và Quang Trung.. Khi Quang Trung ở miền Nam ra, không biết nàng công chúa của một triều đại sắp tàn ấy có đưa người anh hùng áo vải đi viếng thăm những cảnh đẹp Bắc Hà?...
Những ngày đầu, ngoài giờ diễn tôi thường đi tha thẩn một mình, thỉnh thoảng lại tạt qua Bưu điện bờ Hồ để đánh điện về cho Hãn.
“Em vẫn khỏe, vẫn mạnh, nhớ anh”.
“Nhớ uống thuốc trước khi ngủ, yêu anh”
Ngày thứ ba tôi ở Hà Nội có chị Cúc Thiên ghé thăm. Ðó là một nữ đạo diễn đang độ sung sức. Nhiều tỉnh đang xếp hàng để rước chị. Công việc có thể nói là đang ngập cổ nhưng chị vẫn đến gặp tôi, hỏi chỗ ở có gì khó khăn thì về chị mà ở. Chị đang làm Phó Giám Ðốc một nhà hát mới lập. Khi đưa đoàn vào Sài Gòn, gặp tôi ở Hội Sân Khấu, sau đó chị có đi xem tôi diễn; và tôi có đưa chị đi thăm một số các hốc lạ của Sài Gòn. Có lẽ chị đến thăm để trả lễ.
Cùng đến với chị có một anh chàng trông tướng tá bặm trợn như dân đá banh. Cúc Thiên nói đó là cậu em Lâm Vân Quân, khi viết ký Quân Lam. Tôi nhìn không ra tác giả của những vở “Tiếng hát về khuya”, “Cái chết của loài chim hiếm”.. mà tôi đã diễn. Lam nói:
- “Ðêm qua tôi có đi xem Châu diễn! Khi viết, tôi đã không hình dung vai Xuân An như vậy!”.
Tôi hỏi:
- “Sao, anh đúng hay tôi đúng?”.
Lam cười:
- “Dĩ nhiên là Châu, vì làm sao tôi hiểu được tâm lý và nhiều chi tiết khác của dân miền Nam bằng Châu!”.
Tôi nói thẳng:
-“ Ðề nghị anh không nên viết những gì mình chưa nghiên cứu sâu.”.
Với một người mới gặp nói năng như thế có vẻ không tế nhị nhưng có lẽ chưa ai nói với Lam những lời như vậy. Anh chàng phân trần ngay:
- “Tôi sẽ đưa Châu coi những kịch bản chưa được cho diễn của tôi. Bảo đảm Châu sẽ rất thích. Còn cái cô Xuân An ấy, hãy thông cảm cho tôi. Cô ta ra đời do đơn đặt hàng của Bộ Nội Vụ. Mà cái ông trưởng đoàn của Châu cũng kỳ, sao lại chọn vở ấy mà làm.”.
Chúng tôi đã quen nhau như thế. Những ngày còn lại ở Hà Nội, không ngày nào là chúng tôi không gặp nhau. Tôi đọc và có ý kiến về những vở Lâm viết dưới con mắt của một cô đào lớn lên trong cái gọi là vùng tạm chiến với tất cả sự kiêu ngạo của nó. Tôi có một cơn giận bùng nổ làm bất ngờ cả chị Thiên và Lam khi tôi biết được Xuân An lấy mẫu từ một người bà con xa với tôi tên A. Cuộc đời nhiều uẩn khúc của ông A, một nhà báo kiêm điệp viên với những bí ẩn ít người biết cần phải một cuốn sách dày mới thể hiện được phần nào, không thể vẽ thành một cô ký giả xinh đẹp đơn giản như vai Xuân An mà Lam đã viết và tôi đã diễn. Chị Thiên binh vực Lam:
- “Ðừng trách Lam, tại sao trong miền Nam này có quá nhiều chuyện hay như vậy mà không nhà văn, nhà soạn kịch nào chịu viết?”
Nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc đã nói với tôi câu đó khi bị trách về những tác phẩm của họ thay người miền Nam kể tâm tình sâu kín của dân Sài Gòn. Những câu hỏi mà tôi không thể thay mặt những nhà văn và nhà soạn kịch của miền Nam để trả lời. Tôi chỉ biết một điều, khi cần đặt hàng, Bộ Nội Vụ chọn người miền Bắc như Lam thì thuận tiện hơn cho cả bên A lẫn bên B. Khi đã hơi thân, Quân Lam nói đùa:
- “Khốn khổ thay cho người nào làm chồng cô”.
Tôi độp ngay:
- “Nhưng bảo đảm chồng tôi sẽ hạnh phúc hơn ai là vợ của anh”.
Nguồn cảm hứng hiện tại của Lam là một nữ diễn viên trẻ đang say đắm yêu Lam, bất chấp sự bế tắc trong quan hệ ảo, thực của họ. Người vợ hiện tại của anh cũng là một diễn viên, đẹp kiểu cổ điển và chín chắn sâu sắc hơn cô kia nhiều. Chị ấy tên Ðông Tâm. Tất cả những người ấy, Lam, Cúc Thiên, Ðông Tâm đều rất quý tôi. Qua ba người nầy, tôi càng trân trọng những người Hà Nội thật sự hơn. Ở họ tỏa ra một nhân cách rất đáng quý như làm việc quần quật, cho đi nhiều hơn nhận vào và giàu có lòng tự trọng; không như một số người chúng tôi bị gặp khi họ đến Sài Gòn. Lam tâm sự:
- “Ða số những người miền Bắc có lòng tự trọng cao ít muốn vào miền Nam, nguyên do vì đã có một thiểu số vào trong ấy làm bậy. Chúng tôi rất sợ dân miền Nam đồng hóa chúng tôi với những người ấy”.
Như với Duy Hoàng thuở nào, tôi và Lam đều đồng ý với nhau rằng cuộc chiến tranh đã qua, nhưng sự tàn độc của nó sẽ còn di hại rất lâu đến nhiều thế hệ sau nầy. Những vết chém chia cắt hồn nhau của từng người trong dân tộc tôi còn nặng nề gấp mấy lần những hố bom và vết chém lớn đã xắn xuống cái vĩ tuyến mười bẩy trong hơn hai mươi năm qua. Từ rất lâu, bị đọc một vài tác phẩm văn học giả ố vì người viết không cảm xúc thật nên không thể thuyết phục được - tôi đã bị dị ứng với cái thế giới văn chương khác với bối cảnh sống của tôi. Những kịch bản giả loại đó mà tôi phải diễn cũng làm tôi chán ngán. Nhưng nghề nghiệp dần dà buộc tôi phải xúc động tới mức độ thể hiện thuần thục những tâm lý giảà Hơn mười năm sau ngày đất nước thống nhất, được đọc những điều Lam viết, nhất là những trang viết không được ra đời của anh, tôi khám phá đời sống sáng tạo còn có một mạch ngầm khác, những khát vọng lớn luôn muốn đẩy con người tới chân - thiện - mỹ và một tham vọng muốn xóa đi nỗi cô đơn khủng khiếp của con người.
Giai đoạn sau, do nhu cầu quá lớn của nhiều đoàn tạo một sức ép mạnh, Lam viết nhanh. Vài vở không được sâu sắc lắm nhưng rất nhiều người trong giới thọ ân anh đã đem lại cơm no áo ấm cho họ. Cả vợ chồng anh lẫn chị Cúc Thiên đều làm việc quá nhiều nhưng không giàu. Ở Lam luôn có một mơ ước thoát khỏi cái hiện thực mà anh đang miệt mài với nó. Anh kêu thèm thuồng thời bước ra khỏi nhà, đến ngã ba, tung đồng xu xem xấp hay ngửa để định hướng lên Hà Nội hay xuống Hải Phòng trong những cuộc viễn du không định trước.
Tôi cũng vậy, tôi rong chơi giữa thủ đô nầy, lúc một mình, lúc cùng một hay hai người nào đó, với một tấm lòng tham lam khao khát được biết thêm những vùng đất khác của miền Bắc. Ðồng thời tôi không khỏi lo âu cho Hãn ở nhà, khi tôi biết tâm hồn anh yếu đuối hơn tôi, lại có nhiều dấu hiệu báo trước điềm bất an cho hạnh phúc chúng tôi trước ngày tôi rời nhà.
Thường các đêm ở Hà Nội, khoảng nửa đêm chúng tôi mới rời rạp hát, đi quẩn quanh những con đường yên ắng, kiếm một chỗ bán phở khuya. Phở Hà Nội có nhiều chi tiết không giống phở Sài Gòn. Tôi không thể nào tả nổi cho Lam và chị Thu nghe nỗi nhớ lạ kỳ của tôi với Sài Gòn, thành phố mà tôi vừa rời, với khán giả tôi, với những nẻo phố khuya tôi về sau giờ diễn, và với chồng tôi, một nửa của tôi đang mong manh sắp vỡ trong kia.
Có lúc đang nằm ngủ với chị Cúc Thiên, nửa đêm tôi bỗng choàng dậy, mượn một kịch bản của chị đang làm với Lam để đọc. Ðó là vở “Sống mãi những tháng năm”. Rồi tôi cũng không tài nào đọc được. Tôi thèm đi ra ngoài đường, hoặc tung cửa ra, phóng tới nhà ga, đi một mạch về nhà. Tôi linh cảm đã vuột khỏi tay tôi cái một nửa trong miền Nam kia. Tôi thấy thế gian yên ắng lạ thường. Tôi thấy chị Cúc Thiên nằm như xác chết và dường như tôi đã xuất được hồn lơ lững giữa trời khuya, mặc dù tay chân tôi không còn cục cựa được. Hôm ấy là một ngày cuối tháng âm lịch. Trong suốt thời gian sống chung, vợ chồng tôi luôn có những chu kỳ ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Hãn thường dễ thương vô cùng trong những ngày trăng sáng và đâm ra bức bối gây gỗ từ những chuyện vặt vào những đêm cuối tháng âm trời đầy sao.
Sau nầy, rà lại cùng thời điểm ấy khi tôi đang ở Hà Nội, tôi biết được một bóng ma nữa đã len được vào nhà tôi ở Sài Gòn. Hãn đã không chung thủy với tôi trong cái đêm tôi không tài nào yên giấc được. Và một loại acid tinh thần bắt đầu gặm mòn cuộc sống của tôi nói chung và sinh hoạt nghệ thuật của tôi nói riêng. Tôi biết được điều đó khi tôi vừa đặt chân vào nhà. Hãn ôm cứng lấy tôi và hôn tôi đến nghẹt thở. Sau đó chúng tôi yêu nhau, vội vã một cách bất thường. Tôi là một nữ diễn viên nên sau cái giờ khắc bất thường ấy tôi quay lưng nằm khóc. Chồng tôi biết tôi đã hiểu. Anh ngồi dậy châm thuốc hút, chờ tôi nguôi ngoai phần nào anh mới nói, giọng tâm tình:
- “Bộ em tưởng anh vui lắm hả? Anh cũng tưởng tượng bao điều. Anh hình dung ra em đã yêu người khác. Có người ở ngoài ấy về, bảo gặp em đi chơi với Quân Lam !...”.
Tội nghiệp Lam, anh ấy không biết gì hết. Những cơn say khướt sau đó của Hãn thường đem Lam ra đay nghiến. Còn tôi có thể đoán ra anh đã gục ngã với ai trong số các phụ nữ tới đến nhà chúng tôi xin được làm em gái của anh chị .

Labels:

Saturday, August 30, 2008

Tháng Bảy
ngày rằm xá tội vong nhân
Vũ Bằng
Thương Nhớ Mười Hai
.....
Nước khe cơm vắt gian nan, Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời Buổi chiến trận mạng người như rác, Phận đã đành, đạn lạc tên rơi. Lập loè ngọn lửa ma trơi, Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương. Công danh, phú quý, sắc đẹp, ngai vàng, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu trí tuệ, mưu cơ, rút cục lại cũng chỉ còn là những oan hồn đi vất vưởng đó đây, chờ lúc lặn mặt trời thì kéo ra để ăn xin một nắm cơm, bát cháo, la cà các đền chùa miếu mạo nghe kinh và suy nghĩ về chữ “giai không vạn cảnh”. Thôi rồi, lại nói chuyện “chiến bại” rồi. Thế thì còn đâu là tinh thần đấu tranh, tiến bộ? Nhưng giả thử ở đời ai cũng suy nghĩ một cách chiến bại như thế, chưa biết chừng thù hận sẽ ít đi, chiến tranh giảm bớt và do đó số oan hồn cơ khổ sẽ giảm rất nhiều cũng nên! Nhưng nói vậy mà chơi thôi chớ thế giới làm sao mà “thoái hoá” như thế được? Còn giống người thì còn ganh đua, còn ganh đua thì còn mâu thuẫn mà còn mâu thuẫn thì còn đâm chém giết chóc nhau, lẽ đó khó mà tránh được. Còn nhớ ngày xưa có một anh chàng tên là Candide, trong một cuộc lãng du cuối cùng, nhìn thấy ở giữa đại dương có một hòn đảo trên có người ở đông đúc như kiến cỏ. Candide quay lại hỏi ông cố vấn theo sau: - Người ta làm việc mà tấp nập như vậy? Vị cố vấn trả lời: - Thưa, họ chém giết nhau. Đất nước chia làm hai bọn: một bọn mang tiếng là bảo thủ, một bọn tự nhận là tân tiến. Bọn tân tiến lật bọn bảo thủ, hai bên giết nhau hơn cả người khác giống. Đi một lát nữa, đến một eo đất kia thấy người ta làm việc quên cả ngày đêm, Candide vỗ tay khen: - Học chăm chỉ quá. Chắc là họ kiến thiết quốc gia. Vị cố vấn chậm rãi nói: - Họ đang xây cất nhà tù đấy, là vì có mỗi khi có cách mạng thì có một số người chống cách mạng. Phe thắng sẽ bắt hết những người của phe bại, hoặc giết chết, hoặc cho vào nhà giam. Thế rồi, không còn chỗ để mà giam người nữa, họ phải hối hả xây thêm nhà giam mới để nhốt những đồng bào của họ. Candide hơi buồn nhưng chỉ một lát sau, chàng vui lại vì thấy ở trên một đảo khác có đèn giăng lá kết và từ trên chiếc tàu chạy giữa biển khi chàng nghe thấy tiếng đàn hát từ đàng xa vọng lại. Candide vỗ tay, bảo viên cố vấn: - Thôi, chắc chắn ở đây là thiên đường rồi. Nếu không, sao lại có nhã nhạc và sinh ca như thế? Viên cố vấn lắc đầu: - Bẩm, cũng lại không đúng nữa. Đây chính là địa ngục: những người đàn hát múa may đó có phải vui sướng gì đâu; họ phải theo lịnh chủ, múa hát đàn ca như thế để che lấp tiếng khóc than của muôn dân đói khổ rên xiết dưới gông cùm nô lệ. Có thế, chủ họ mới có lý do để tỏ cho thế giới biết là dân chúng không đồ thán mà trái lại, lại vui vẻ tôn thờ cả tớ lẫn thầy… Lần này, Candide không còn bám được vào cái gì để mà tin tưởng và yêu đời nữa. Chàng ngửa mặt lên trời mà than: “Đời đến thế này thì ra còn biết phân biệt ai là người, ai là quỷ. Chẳng thà toàn là quỷ cả lại còn dễ sống hơn! “Nói như thế là nói phẫn. Có nước nào chịu đựng chiến tranh và chét chóc nhiều đến như nước Việt Nam không? Oan hồn, ma quỷ hằng hà sa số, nhưng chính mắt người thì có mấy ai thấy chúng đâu, hay chỉ thấy toàn người – mà những người đẹp như tiên, thơm như mít, mỗi ngày nghĩ ra được thêm thú vui kỳ quái để tiêu khiển trong tiếngnhạc “sốt gơn” huyền ảo. “Anh ơi, đừng bỏ em ở nghĩa trang một mình…” Không. Có ai bỏ em đâu. Trăng chiếu lên nấm mộ em, hãy đứng dậy đi, chúng ta cùng hát một bản “sun”. Thế giới sẽ chụp lại hình ta và đó là một cách tuyên truyền hùng hồn nhất để tỏ cho c trần hoàn này biết là ở Việt Nam, cả người sống lẫn người chết đều sung sướng.

Labels:

Friday, August 29, 2008

Những Ngày Tháng Bảy Âm.

Thương Má,
Vì Má đã chọn Ba rồi banh da xẻ thịt đẻ ra tụi con.
Vì hồi mới đôi mươi Má bị tụi phòng nhì Pháp dợt Má bằng đủ các trò chơi dã man nhất mà các cuốn sách viết về các trại tù chưa viết hết; rồi bây giờ Má lãnh bao hậu quả.
Vì ngay sau hoà bình một thời gian dài, Má không đi tìm gặp những bạn cũ nên trong cuốn “Những Năm Tháng Ngục Tù” tên của Má nằm ở danh sách “không liên lạc được.”
Vì chưa biết bao giờ mới phát hành đưọc cuốn Hồi Ký của Má dù má không thể nào ghi hết những chuyện ly kỳ quanh đời Má.

Vì Má không chỉ nói láp dáp như tụi con mà Má là người của Hành Ðộng.

Má là một Rebel đúng nghĩa.

Labels:

Monday, August 25, 2008

Truyện nầy dựa theo một chuyến đi có thật.
Cũng có gần hai mươi năm trước, anh CHÓE (Nguyễn Hải Chí- thân phụ của Hải Ðông) cùng Lý Lan và tôi có gom truyện ngắn in chung. Không nhớ sách bán được không nhưng nhân anh Chí mới có xe bốn bánh là chuyện rất bảnh thời đó, chúng tôi rũ nhau lên thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Cùng đi có nhà văn Sơn Nam.
Nhân vật Vân Mộng trong truyện thì dựa theo hình ảnh một phụ nữ khác.Giờ hai người đàn ông trên chuyến xe ấy đã qua đời. Lan và tôi kết hôn muộn và đều lọt vào hoàn cảnh “Một Kiểng Hai Huê” (Wê?), chị Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn còn ở Lộc Ninh. Nhân vật Vân Mộng cũng đã rời Hà Nội, Việt Nam.
Giờ thì tôi rất muốn được tự hỏi mình như câu cuối trong truyện: “Truyện là gì ?”.

Ði thăm

1. Trên xe gồm có bốn người : anh Huê, chủ xe kiêm tài xế, kiêm người tổ chức chuyến đi, ông Sâm, một soạn giả cải lương đã từ lâu không viết được, cô Vân Mộng và Thà. Bốn người này không thân với nhau lắm. Ba người, ông Sâm, cô Mộng và Thà lần đầu tiên mới được gặp nhau. Họ ngồi cùng xe vì có một mục đích chung: lên vùng đất tên L. để thăm chị Kiêu.
Qua khỏi Bình Triệu, anh Huê kiếm một quán Ba Bê: Bánh Bèo Bì. để cho cả xe ăn sáng. Trước 1975, thỉnh thoảng anh có sáng tác nhạc. Sau 1975, do một sự hiểu lầm, anh bị ở tù, chung phòng với những người bạn của chị Kiêu. Khi đã định cư ở nước ngoài, họ có nhờ anh khi nào thu xếp được, nhớ lên L. thăm chị Kiêu coi sống ra sao rồi viết thư cho họ rõ.
Cũng chính mấy người đó, khi được gặp cô Mộng ở một ngày hội về sách ở nước ngoài đã nhờ cô cầm một số tiền về cho đưa anh Huê gởi tặng chị Kiêu. Nghe nói anh Huê đích thân lái xe lên thăm chị Kiêu, cô Mộng dời chuyến về Hà Nội để được đi theo. Là một người viết văn, cô tò mò muốn ngó tận mặt một phụ nữ viết văn lừng lẫy trước đây, mà cuộc đời đã gắn ít nhiều với một số huyền thoại.
2. Thà đi không phải vì tò mò. Cô đang có một số việc làm ăn chung với vợ anh Huê. Xe trống một chỗ, anh Huê rủ Thà đi. Hơn nữa, cô là bạn thân của Tuyến, em trai của chị Kiêu. Nghe nói bây giờ ở Mỹ, Tuyến đã đi giải phẩu để chuyển làm phụ nữ.
Ông Sâm có mặt trong chuyến đi với một nỗi hào hứng riêng. Thời vàng son của ông cũng là thời vàng son của mẹ chị Kiêu. Bà không thích để cho khán giả thấy giai đoạn suy tàn của mình nên khi không còn lãnh những vai chánh trẻ đẹp bà chuyển nghề bán thức ăn chay, rảnh ra thì viết sáu câu cho bè bạn ca chơi. Khi tên tuổi chị Kiêu tạo được tiếng vang trên văn đàn, ai cũng cho là người mẹ sân khấu này có phần nào ảnh hưởng tới chị. Suốt dọc đường đi, ông Sâm ca ngợi chị Kiêu không tiếc lời:
- “ Nhờ dạy tiếng Anh cho các cô ‘me Mỹ’ nên nó rành chuyện đổi máu lấy cơm. Ðọc truyện nó nhiều người tưởng nó là gái bán ba. Những lớp tả cảnh trên giường của nó làm cho người ta khóc hơn là gợi dục. Thằng Minh Xồm, chủ bút tờ ‘Phụ Nữ Thời Ðàm’ thấy nó đang ăn khách, mời đến, đặt viết một feilleton trong đó có một cặp làm tình từ phòng khách lăn vô phòng ngủ, lết tới phòng ăn, rồi lôi tuột ra vườn. Kiêu không thèm trả lời, về thẳng. Chả tung chuyện nói xấu nó. Chờ Văn Bút nhóm họp có mặt đầy đủ văn giới, nó ngoắc Minh Xồm lại, tát cho một cái như trời giáng. Tụi tao ‘đã’ gì đâu!”.
3. Từ chuyện chị Kiêu, ông Sâm phác họa thêm vài nét về những nhân vật viết văn cùng thời với chị. Ông Hải Hà thích thắt cravate chống batone đi tới đi lui đọc cho một cô gái xinh đẹp đánh máy trong phòng có vách kính trong suốt để bên ngoài chiêm ngưỡng. Cô Y Minh thì thích dấu đôi mắt đẹp của mình đằng sau một cặp kính đen to bản. Họa hoằn lắm cô mới mở mắt kính ra thì bên trong cô luôn tô màu nước đen đậm kịt quanh mắt như một cặp kính thứ hai. Bà Sơn Nhã lại có cách chứng tỏ gia đình mình là một gia đình đạo đức bằng cách kéo các cô gái ra mắng la trước mặt các nam văn sĩ đến chơi nhà. Ðặc biệt ông Linh Vỹ nổi tiếng chẻ sợi tóc ra làm tám, ngó mặt mày nhăn nheo như khỉ già vậy mà bà vợ thứ tư ghen can không nổi.
Cách kể chuyện của ông Sâm dí dỏm, sôi động. Cùng ngồi ờ phía trên kể vọng xuống nhưng cái giọng rì rầm, chậm rãi, tiếng được tiếng mất của anh Huê làm Thà chỉ muốn thiếp ngủ mỗi khi anh xen vào. Anh đang kể về những năm tháng khó khăn của chị Kiêu :
- “Mặt chị Kiêu lúc đó choắt lại chỉ bằng hai ngón tay gác chéo. Bạn bè chị bỏ đi gần hết. Ai rủ đi chị cũng lắc đầu. Nói ở lại chưa viết được mà đi rồi chắc gì sẽ viết được đâu. Khó mà tưởng nổi chị Kiêu buông bút. Không phải chỉ vì mưu sinh mà ai cũng thấy chị cần viết như cần thở. Chị nói với tôi dù có thế nào chị cũng sẽ tìm cách viết, cho dù sẽ rất khó in, cho dù sẽ có rất ít người chịu đọc nếu may ra người ta cho phổ biến...
Gia đình chị lúc đó đã hiến nhà, bỏ quê kéo rốc lên L. lập nghiệp, trừ Tuyến đã xuống tàu. Chị vẫn gắng bám lấy vùng ngoại ô Saigon cho các con đi học, hằng tháng phải đi ký giấy tạm trú trên ngôi nhà của chính mình. Cho đến ngày người ta không chịu ký nữa chị đành phải bán rẻ căn nhà cho anh Trưởng Công an xã rồi đi.
Sau này anh ta treo cổ tự tử chết trong ngày cưới của con gái chính trong ngôi nhà đó. Bạn bè chị Kiêu bên kia nghe được chuyện này có lời bình phẩm : “Văn phong Kiêu độc quá nên ngôi nhà cũ của nó cũng độc khí tràn đầy...”.
4. Nhắc tới một số tên tuổi ở nước ngoài là khơi trúng mạch nói của Vân Mộng. Cô kể cà kê về những người bạn của chị Kiêu mà cô vừa được gặp bên kia. Cuối cùng rồi cũng quẹo về chị Kiêu :
- “Họ năn nỉ lắm tôi mới cầm tiền về chuyển cho chị Kiêu. Mấy cái vụ tiền bạc này làm ơn dễ mắc oán lắm. Tôi chưa đọc sách chị Kiêu nhưng thấy bên kia quý chị lắm. Có lẽ người ta ưa dồn tình thương cho những người bất hạnh hơn mình? Về nước tôi có ý tìm sách chị Kiêu đọc nhưng không kiếm ra. Anh Cân, một đầu nậu sách cho hay mấy năm trước Thông tin Văn hóa ở quê chị có cho in lại một số sách của chị. Và chính điều này gây rắc rối cho chị Kiêu. Một bài báo, rồi tiếp theo rất nhiều bài báo nổi lên phê bình khuynh hướng văn chương khiêu dâm của Ngân Kiêu. Sách chị bán chợ đen đắt như tôm tươi nhưng kể như chị ‘tiêu’, anh Cân nói vậy”
Ông Sâm ra vẻ hiểu biết, sôi sục quay xuống kể:
- “Ðứa châm lửa đầu tiên là thằng Bốn Hải đó mà. Hồi xưa ba con Kiêu nuôi cho nó ăn học thành tài. Bỏ đi thời gian, khi giải phóng về người ta giao toàn bộ rạp hát trong tỉnh cho nó coi. Nó cho phá đền thờ ông Ðịnh Quốc Công để làm Nhà Văn hóa chiếu phim. Chính nó xúi ba con Kiêu đem nhà tự hiến cho Nhà Nước làm Hợp Tác Xã đan chiếu cói. Chưa hết, lấy tư cách em nuôi, nó lên Saigon, xin con Kiêu ủy quyền cho nó in lại toàn bộ sách của Trần thị Ngân Kiêu. Kiêu nói đã hứa giao cho bên Sở Văn Hóa in rồi. Nó tức, viết bài phá đám chơi. Ðám a dua nghe lời chửi có lý bèn chửi hùa. Trong đám đó có nhiều đứa chưa đọc con Kiêu một chữ...”.
Bởi hồi đó má con Kiêu cứ than với tao hoài. Bả nói vì quá thương nhớ bạn bè nên viết đôi ba câu vọng cổ ca chơi. Ai dè nẩy nòi ra con Kiêu này viết lách ngang tàng, không khéo cả nhà bị luỵ như thằng Tiết Cương làm cả nhà họ Tiết lãnh án tru di trong truyện Thuyết Ðường, Tàn Ðường gì đó”.
Chuyện cái gia tự của gia tộc chị Kiêu bị hiến, Thà có biết. Cô quen Hồng, một người bà con xa với chị Kiêu. Mẹ Hồng than cha chị Kiêu nổi hứng bất tử làm liều chớ nhà gì của riêng ổng mà ổng hiến, để bây giờ cả nhà họ muốn bán chia nhau cứu đói thì không có cách chi đòi lại được. Có lần trong họ phái chị Hồng lên L. kéo chị Kiêu về quê làm đơn xin lại nhà. Người ta vẫn nhận đơn nhưng biểu chờ, lại không cho Hồng và chị Kiêu vào thăm nhà xưa, viện cớ Hợp Tác Xã đang nghỉ chờ hàng, không dám cho người lạ vô cơ quan, sợ thất thoát tài sản chung của tập thể.
5. Xe đi ngang những phố chợ đông đúc. Núi chập chùng trước mặt. Anh Huê nói điệu này mình lên kéo chị Kiêu ra quán ăn bữa trưa rồi về ngay. Ðường không còn tốt nữa, cô Vân Mộng bị dằn xốc, đòi ói luôn miệng. Ông Sâm galant đòi đổi chỗ cho cô. Cửa xe mở ra, bụi mù mịt đỏ lòm. Cho xe lăn bánh tiếp, anh Huê chuyển câu chuyện sang đời sống hiện tại của chị Kiêu:
- “Ngó bộ sống nghèo. Vậy mà bữa hôm công an, thuế vụ, kiểm lâm ghé thăm bà già, trầm trồ khen mấy câu đối sơn son thiếp vàng của ông già chị tha từ dưới quê lên, có người nài nỉ mua, ‘nàng’ cương quyết không bán. Ở trên đây ngoài bà già, chỉ còn phải lo cho đứa con bị bại. Cũng may mà hai đứa ở dưới Saigon học giỏi, đứa đầu đã vào Ðại học, đứa thứ hai sắp thi vô”.
Có bữa Thà đi với Hồng gặp đứa con thứ hai của chị Kiêu, hỏi chuyện về ba nó. Nó nói: “Cut him! Cắt ông ta đi cho rồi!..”.
Xe bị lộn lên lạc xuống mấy lần mới tìm ra nhà của chị Kiêu. Hồi giỗ đầu của cha chị, Hồng có kéo Thà lên đây. Nhưng ở phố núi này, chỗ thì xây cất nhiều, chỗ lại hoang sơ thêm, nhìn không ra chốn cũ. Hỏi tên chị không ai biết, nhưng nói tên bà già, mấy người ở Hạt Kiểm Lâm kêu a biết rồi, nhà bà Hai bán giấm có con gái dạy Anh văn.
6. Khoảng sân rộng nhà chị trước đây nay đã lau sậy um tùm. Cây cổ thụ đốn ngang. Ðóng trên thân cây là miếng carton ghi chữ “TẠI ÐÂY CÓ BÁN GIẤM NUÔI”. Bước vào trong thấy có che một cái chái. Lèo tèo một hai dãy bàn ghế với tấm bảng đen và mấy dòng phấn trắng “Is he a teacher? I’m a student. You’re a farmer”
Chị Kiêu đang làm cỏ ngoài vườn. Ðòi rửa tay vô nấu cơm đãi khách nhưng anh Huê gạt ngang, mời cả nhà ra quán dùng cơm. Chị Kiêu ra dấu nhờ mẹ ở nhà ngó chừng đứa con út. Bà cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ nâu chạm trỗ công phu, trên đầu là hoành phi thiếp vàng lốm đốm khờn mẻ, trước mặt là những hủ giấm nuôi... Mỗi người tới chào được bà phát cho ít cục kẹo dừa dù tai đã hết nghe, miệng luôn mỉm cười trên một khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn sâu hút bao dong như mắt Phật.
Thà ra sau vườn xin mấy trái ớt chỉ thiên mang ra quán ăn. Chị Kiêu ngồi ngó mọi người, thỉnh thoảng huơ đũa nhẩn nha, dường như vui quá không muốn ăn. Ông Sâm nói hay sẵn xe mày về Saigon chơi. Chị Kiêu lắc đầu, đất đai nhà cửa còn có thể nhờ người trông ngó, nhưng má mình, con mình ai săn sóc thay được mà bỏ đi chơi.
Người nói nhiều nhất bây giờ là cô Vân Mộng. Mộng nói tình hình văn đàn thế giới bên ngoài đang cần những người như Mộng. như Kiêu. Chị Kiêu ghé vào tai Thà hỏi nhỏ :
-”Con nhỏ đó là ai ?”.
Ớt cay xé lưỡi khiến Thà nghe lùng bùng. Mà cũng chẳng biết nói về cô Vân Mộng thế nào cho chị Kiêu rõ. Gần đây ai từ nước ngoài về cũng kiếm sách Vân Mộng mua, cùng với lời trách móc, sao mọi người ở đây hèn thế, không ai binh Vân Mộng lấy một lời. Chị Kiêu kể lâu lâu có một tờ báo tình cờ lọt vào tay, chị đọc cho chí những dòng quảng cáo. Chỉ tiếc những bài báo có nhắc tới Vân Mộng không lên được tới đây. Ông Sâm ngồi nghe cô Mộng nói huyên thuyên bổng, trầm, đôi khi đanh thép... với một vẻ ngoài thán phục. Anh Huê vẫn cười cười, chậm rãi, ba lơn đế vào những khi cô Mộng nghỉ, thở:
- “Này, cô có vẻ là một dũng sĩ hơn là một văn sĩ”.
7. Bữa ăn tàn, cô Mộng ngó đồng hồ, tô lại cánh môi, rồi hỏi xin chị Kiêu một cái truyện để gởi ra ngoài nước. Chị Kiêu ngẩn người, như vừa xong một cơn mộng nhỏ, rồi hỏi nhẹ, hệt một thiền sư bất chợt cảm được một công án lướt qua:
- “Truyện là gì ?”.

Labels: