Thursday, May 29, 2008

Nếu gọi là tự truyện thì cái truyện ngắn viết năm 1987, đã đăng trên TTChủ Nhật nầy gần với chuyện thiệt của tôi hơn. Tôi cũng đã được phong tổ chức đề nghị ‘tự kiếm việc làm’ rồi ‘tự viết một lá đơn ghi rằng tự xin chuyển công tác vì thích chỗ làm mới hơn’.
Ðưa truyện nầy để tặng những ai thường được coi là con cờ thấp nhất trên ván cờ đời.
Cho tới bây giờ, dù vĩnh viễn là Tốt đen nhưng tôi vẫn có thể lý sự như ‘chị Bảy-Ngọc Giàu’ trong vở ‘Ðời cô Lựu’ : “Tôi tuy là kẻ hầu người hạ nhưng tôi cũng có cái ‘cương vị’ của tôi chớ!”.

‘CƯƠNG VỊ’ CỦA CON TỐT ÐEN

Thấm thoát, anh Bảy được ‘tinh giảm biên chế’ đã gần một năm. Cần một năm để ‘tự kiếm việc làm’ rồi sẽ ‘tự viết một lá đơn ghi rằng tự xin chuyển công tác vì thích chỗ làm mới hơn’ theo lời khuyên của ông cán bộ phòng tổ chức. Gần một năm lãnh được 70% lương với sự thỏa thuận đừng kiện cáo gì phòng tổ chức cả. Mất đi 30% lương hàng tháng có đáng là bao, nhưng anh sẽ làm gì sau một năm, đó là câu hỏi lớn ám ảnh hằng đêm không chỉ cho anh mà còn cho đám con anh nữa.
Thật ra, chỗ làm mới thì không thiếu, chỉ sợ anh không đủ sức khỏe thôi. Bao nhiêu năm nuốt bụi phấn vào người, lá phổi của anh ở tình trạng rung chuông báo động thường trực. Anh em có người giới thiệu anh đi làm hợp đồng thời vụ ở một xí nghiệp xuất khẩu. Công việc hứa hẹn sẽ kiếm nhiều tiền nhưng nghe nói phải đứng suốt tám tiếng ngâm hai tay trong nước, đám con của anh can. Con Út Trang mới tập nói bi bô đã lên giọng: “Ba đừng đi làm nữa. Ðể Út đi dạy học nuôi ba”. Có lẽ nó nghe con Trinh, thằng Trung bàn chuyện nên nghe lóm chớ nó mà biết cái gì. Nó cũng biết ước mơ chung của anh chị nó là lớn lên được đi dạy học...
Ðiều đó có được do lỗi của anh. Ngày trước, yêu nghề, anh thường gieo vào đầu óc thơ dại của chúng nó chất men say nghề của vợ chồng anh. Vừa rồi, nghe con bé Trinh đưa đơn xin thi vào Ðại học Sư phạm. anh định can nhưng không kịp. Không như thằng Trung đang học lớp chuyên toán hứa hẹn theo ngành anh, con Trinh lại chọn ngành văn của mẹ nó. Mớ sách khổng lồ của chị Bảy để lại dường như không đủ cho nó đọc. Từ lúc ngơi việc trường, có dịp theo dõi các con hơn, anh thấy con Trinh cứ có sách mới đọc luôn. Lật bìa sau thấy giá rất cao, lại thấy nó luôn giữ gìn sạch sẽ cẩn thận, anh thắc mắc thì được giải thích là nó xem xong cuốn này lại bán đi để lấy tiền mua cuốn khác. Trước lúc chết, chị Bảy có dặn anh lúc nào kẹt tiền cứ bán bớt mớ sách của chị . Nhưng quá nhớ thương vợ, anh đã bán nhiều thứ cần thiết hơn, còn sách của chị thì anh chưa động tới.

Cũng nhờ được nghỉ việc gần một năm, anh Bảy có thời giờ rãnh rỗi để kết thân với nhiều người trong xóm, nhất là những người lớn tuổi... Buổi sáng, anh cùng đi tập dưỡng sinh với họ ở Tao Ðàn. Họ vẽ ra một viễn cảnh là anh sẽ thoát được bệnh suyễn kinh niên. Nói chung, anh thấy họ đều là người tốt, từ ông Sáu Linh thợ mộc hứa sẽ truyền nghề mộc không công cho anh nếu chịu học, tới bà Chín Hảo bán chè, khuya khuya thường bưng qua cho mấy cha con anh mớ chè mà anh nghĩ bà cố tình chừa lại.
Có lẽ noi gương bà Chín Hảo, ông phở Gió Thu thỉnh thoảng cũng bưng qua một bát xương xíu quách biếu anh, khoảng giờ cơm chiều. Nhà anh Bảy vốn đâu lưng bếp nhà ông Gió Thu. Hương phở trước kia là một cái gì có đó nhưng rất đỗi xa xôi, nhân dịp này đã trở thành hiện thực. Chè của bà Chín Hảo ít làm anh ngại bằng mớ xíu quách của ông Gió Thu. Bởi thằng Trung thường chỉ thêm toán cho đám con bà Chín. Còn đối với ông Gió Thu thì đâu có nghĩa ân gì. Thậm chí việc chiều chiều ông Gió Thu bưng bát xương qua rồi ngồi khề khà uống trà theo dõi những ván cờ của anh Bảy cùng những ông cụ khác còn làm bà vợ ông ngứa mắt. Hình như lúc đầu bà có cờm rờm, không phải bà tiếc mớ xương, nhưng tiệm phở vắng ông một chút thì bọn trẻ nhỏ chực thức ăn thừa thường ào vào đông nghẹt. Biết anh Bảy ngại, ông Gió Thu tìm cách thu xếp chuyện bán buôn với vợ, rốt rồi cũng yên. Ông trách lẽ ra bà phải mừng vì ông đang được học một môn giải trí thanh cao : đánh cờ tướng...
Ông Gió Thu người mập bệu. Thịt dưới cặp má núc mỡ dường như đùn lên che đôi mắt vốn đã quá nhỏ của ông. Ngó bộ ông hợp với những trò đen đỏ hơn là môn giải trí tương đối mệt óc này. Mới tập chơi, ông thường ngồi nhìn để học. Ông cũng ham chỉ chỏ này nọ nhưng chẳng ai nghe theo. Ðể bù lại sự đóng góp ít ỏi của mình cho cái ‘câu lạc bộ cờ tướng’ này, ông thường chờ giải lao giữa các ván cờ để tranh thủ kể chuyện vui về những người thường đến ăn phở nhà ông.
Ông kể chuyện không có duyên nhưng để ông không bị trơ, mấy người bị nghe phải ráng cười. Có lần ông mưu đồ kể một chuyện vui nhưng khi ông kể xong, không khí lặng trang. Riêng con bé Trinh kêu nghe cái chuyện này tức tới muốn khóc được. Ðó là chuyện của đôi nam nữ ăn bận rất xinh đẹp thường đến ăn phở nhà ông với một con chó berger lông nâu vàng mà họ thường âu yếm gọi là con Bim Hổ. Bim Hổ bao giờ cũng chiếm một cái ghế riêng với một tô tái nạm tủy. Có hôm có lẽ cặp chủ cảm thấy một tô chưa đủ đô nên gọi thêm tô thứ hai. Con Bim Hổ làm gọn lớp thịt tái trên mặt rồi nhơi mớ bánh phở trắng bệch bên dưới. Khi họ đi, bọn trẻ con bâu lại định trút vào gô riêng. Nhưng rồi thằng này lại huých thằng kia: “Của chó đó mày...”. Bọn nhỏ suy nghĩ vài giây rồi cuối cùng, chẳng ai bảo ai, cả đám lãng xa tô phở cho bỏ mứa...
Con bé Trinh không lý giải được vì sao nó muốn khóc khi nghe câu chuyện trên. Anh Bảy dặn nó hoài. Không nên đa sầu đa cảm chuyện người khác nhiều, dễ bị thua thiệt mọi bề. Bây giờ là thời đại của những người năng động. Ở đó thương vay khóc mướn rồi cũng vận vào thân như Thúy Kiều sùi sụt chuyện Ðạm Tiên thôi... Nhưng mà chuyện người cha bị cho thôi việc một cách tức nghẹn, Trinh không hề khóc. Theo sự điều tra riêng, con bé được biết người ta đã muốn nhổ ba nó từ lâu ra khỏi trường như nhổ một cái gai nằm cộm trong lòng đen của mắt. Nó xui anh Bảy:
- Chuyển trường đi ba! Không dạy được chỗ này thì dạy chỗ khác. Thiếu gì trường!...
Anh Bảy cho là đứa con gái đầu hơi thần thánh hóa mình. Có gì đâu, thỉnh thoãng trong buổi họp, ngứa tai trước những lời phát biểu ngang ngược của vài người nắm quyền, anh có bất bình phản đối. Nhưng mà chuyện anh bị nghỉ làm đâu phải họ muốn trả đủa anh. Ðúng như cô giáo Lang nhận xét. Chẳng qua bà X. nghĩ anh là người của ông Y. nên cần ‘dứt’ anh để dằn mặt ông Y. Nội bộ họ chia rẽ lủng củng nhau và họ cứ nghĩ rằng giải quyết xong anh là có thể giải quyết xong mọi chuyện. So trên bàn cờ, anh chỉ đóng vai trò tốt đỏ, tốt đen chứ chẳng được là mã, pháo, xe như con nhỏ tưởng đâu...
Bạn bè cũ ở một số trường khác cũng muốn kéo anh về. Nhưng những cán bộ tổ chức đi xin người của các trường ấy khi mới ngồi căng-tin trường anh, được nghe những ‘thành tích đấu đá’ của anh đã dội ngang. Có gì đâu, thầu căng-tin là cô kế toán Tám Vân. Mà ai cũng biết Tám Vân là bộ não của bà X. Chọn người vừa độc vừa ngu như Tám Vân làm cố vấn, ai cũng chê bà X. dại. Riêng anh, anh chỉ xót cho trường, xót đám học sinh...

Mười tháng trôi nhanh như đám mây trắng thoắt đầu trời, thoắt cuối đất. Anh theo phụ lặt vặt cho ông Sáu Linh không ngờ lại kiếm được khá tiền. Ai cũng khen anh Bảy có phần mập hơn. Rõ ràng không phải do tiền mà do tâm não anh được thoãi mái. Nhưng đó chỉ là nghề tạm. Anh vẫn chờ! Theo đúng như lời dặn dò của các vị cán bộ phòng tổ chức của cái trường mới.
Tháng thứ mười một kể từ ngày anh bị giảm lương, có một người khách anh không ngờ lại đến. Ðó là Ðoàn, cán bộ phòng tổ chức của ngôi trường đã khuyên anh nên tự viết một lá đơn ghi là ‘tự- xin- chuyển- công- tác- vì- thích- chỗ- làm- mới- hơn’. Anh Ðoàn bô xô ba xa: “Ðổi mới rồi, bà X. nghỉ hưu rồi. Tám Vân ra đi trong nhục nhã. Anh chuẩn bị về làm việc với chúng tôi. Mọi việc sẽ trở lại như cũ... “.
Chẳng phải hạnh phúc sao, một điều tưởng đã mất đi nay được phục hồi lại, nghề nghiệp anh, danh dự anh, lòng tự trọng của anh... Anh chợt nhớ đến những bài thơ mà thuở sinh thời chị Bảy rất yêu, thường đọc cho cả nhà nghe... Trong đó có bài ‘Giữa đường gặp người đói’ của Cao Bá Quát kể chuyện anh thầy đồ gặp cơn bỉ phải bán cả tráp nghề để về quê. Ðến khi gặp một bửa no, anh được dặn phải từ tốn, giữ phép mà ăn kẻo ảnh hưởng tới phép dưỡng sinh... Anh Bảy hẹn Ðoàn lần sau sẽ trả lời việc có về dạy lại hay không!
Chiều lại, sau giờ bào gỗ phụ với ông Sáu Linh, ngồi đánh cờ với bạn bè, tâm trí anh để đâu đâu. Loáng thoáng nhà ai mở băng vở ‘Ðời cô Lựu’, có đoạn ‘chị Bảy-Ngọc Giàu’ lý sự: “Tôi tuy là kẻ hầu người hạ nhưng tôi cũng có cái ‘cương vị’ của tôi chớ!”.
Giũa hai ván cờ, ông phở Gió Thu còn tống thêm cái hậu của chuyện chó ăn phở:
- Mấy ông biết không, sáng qua hai cô cậu ấy lại dắt con chó berger vào, cũng đòi một ghế. Bà nhà tôi định bưng ba tô phở ra nhưng tôi giữ lại. Tôi ra bảo với họ: “Tôi bán phở cho người, không bán cho chó! Muốn cho chó ăn thì mang theo đồ đựng, xách về nhà...”. Ðứa con gái, giọng chua như giấm: “Tiệm này không bán thì đi tiệm khác. Ở đất này thiếu gì chỗ bán phở cho chó ăn!”... Thế rồi, cả chó, cả người dắt nhau đi luôn. Coi như tôi mất ba người khách xộp. Nhưng tôi là chủ tiệm. Bán hay không là quyền của tôi!”.
Ông Sáu Linh đế thêm:
- Hồi xưa, bọn nhà giàu muốn cho chó ăn phở cũng không dắt ra tiệm như vậy đâu...
Ông Hai Bền phát giác:
- Hai đứa này tôi gặp hoài. Tụi nó làm đâu ở miệt Tân Sơn Nhất. Ông làm như vậy là đúng, ông Thu!.

Hôm sau, Ðoàn chưa vô tới nhà, anh đã nghe tiếng cô Lang:
- Sao chưa vô trường đi ông?.
Anh Bảy mỉm cười chưa nói, cô đã tiếp:
- Xưa, anh được cho thôi việc để họ bảo vệ tình đoàn kết nội bộ. Nay, cũng để bảo vệ tình đoàn kết ấy, họ chuẩn bị đón anh về...
Vốn thân thuộc với nhà này, cô vò đầu con Trang, đưa ký chôm chôm cho thằng Trung rồi hối con Trinh đi kiếm hộp quẹt để cô thắp nhang trên bàn thờ chị Bảy...
Cây nhang mới cháy đâu được một lóng tay, anh Bảy cười:
- Tôi không về trường vì cái tình đoàn kết ấy đâu”.

Cô Lang im lặng, biết không gì thay đổi được quyết định của một người đã một thời là đồng nghiệp của mình... Anh vẫn được nhìn như một con tốt đen... Nên như chị Bảy-Ngọc Giàu đã lý sự, như ông phở Gió Thu thoải mái xử dụng quyền chủ tiệm của mình, cho dù có là một con cờ hạng chót trên bàn, anh cũng nắm rất rõ ‘cương vị’ của nó...
Dường như trên bàn thờ, chị Bảy cười bằng mắt với anh...
1987- NtMinhNgọc

Labels:

Tuesday, May 27, 2008

Neu ban chi con mot it gio de song, ban se lam gi?
Voi toi:
- Uu tien la duoc gan Me. Khg ve duoc thi se fone ve tham hoi suc khoe cua Me thuong
Nhan tien hoi them ve nhg gi ma Me chua nho kip de ghi vao hoi ky cua Me.
- Khg nhan loi lam nhg viec ma minh Khong Thich.
- Khg vuong vao nhg chuyen mang mau sac san, han, si, tham
- Neu con dieu gi can de lai, thi cho het vao cuon tieu thuyet dang viet "Toi Choi Tu Toi"
- va de gio ma thuong thuc nhung giay fut cuoi cua cuoc song hien tai
- neu con du suc, nen nhan vai Viola cua " Dem Thu 12" cua Shakespeare hon la cam cui viet, dung vi dien van nhe nhat so voi hai viec kia

Labels:

He nay con khg ve
Cong An Van Hoa cho cong an khu vuc den nha me toi de hoi Minh Ngoc co song o day khg?
Cai vu gi vay, pa con ??????

Thang 6 nay, rat muon ve, nhung khg co du $ mua ve + cho xet nghiem mau xem co giai fau khg.
Vay thoi.
Hy vong thang 9, co duoc 1 cong viec gi do + ban cu tra no du mua ve ve.
Neu chua ve, chi la ly do suc khoe + $

Labels:


Truyện nầy tôi viết có trên mười năm.
Nhiều người chê truyện nầy nên khi làm tuyển tập, ít người cho vô. Nhưng không hiểu sao khi đọc lại tôi vẫn thấy còn nguyên nỗi đau.
Nó vẫn nằm trong những đứa con khiến tôi đau đớn khi viết ra và đọc lại. Vì sự giả hình đến mức trơ tráo, ác độc quanh ta ngày mỗi tăng thêm theo cấp số nhân.
Nhân vật người cha tôi dán ghép từ những người khá thân quen, nhưng may quá không có chút nào lay mẫu từ cha tôi.
Cha tôi là một công chức được gọi là lưu dung. Ông sống hào sảng và luôn khiến chúng tôi thương yêu, hãnh diện khi nhớ về.


Gọi hồn ta đó
Chuông điện thoại reng. Ông Ứng nhấc máy. Vang lên từ đầu dây bên kia:
- Làm ơn cho tôi gặp cô Phong!
- Nó đi vắng rồi. Xin lỗi cô là ai?
- Chào bác! Bác Ðông Mặc phải không ạ? Cháu là Diễm Lệ, phóng viên “Phụ Nữ Thời Báo”. Bác nói giúp Mặc Phong cho cháu xin một cái hẹn, được không ạ?
- Có gấp lắm không cô? Tôi thấy cháu có vẻ bận lắm. Ði làm suốt ngày, chẳng còn giờ để sáng tác.
- Nhưng sẽ thiệt thòi cho tụi cháu vô cùng nếu Tết này báo của tụi cháu thiếu gương mặt của Mặc Phong.
- Thôi được, tôi sẽ cố nói giúp cô.
- Ðiện thoại của tụi cháu là...
- Tôi biết mà... Hay là sáng mai, giờ này, cô gọi lại thử xem sao?
- Cám ơn bác nhiều. À, bác nhớ dặn Phong cho tụi cháu một tấm hình.
Gác máy. Vừa cho dầu vào quánh nhỏ, chưa kịp đập tỏi, chuông điện thoại lại réo. Tiếng chuông nghe khó chịu. Ông Ứng vặn lửa xuống, khóa đường dẫn ga. Lại báo! Lại báo cho số Tết. Lần này là “Công Nhân Mới”. Anh phóng viên đọc số máy nhắn tin. Ông lấy viết chì ghi. Hữu Ứng 107-085302. Anh ta trùng tên với ông nhưng có vẻ anh ta không biết Ðông Mặc là ai, thì mong chi anh ta biết tới tên tộc của Ðông Mặc là Trần Thích Ứng.
Ðập một quả trứng vào quánh, đang phân vân không biết có nên đập thêm một quả trứng nữa hay chỉ nên dùng một theo lời dặn của Phong thì chuông điện thoại lại reo. Lần này ông cương quyết không đến nghe. Mặc nó. Chắc lại báo. Báo Xuân. Chắc lại tìm Phong. Tiếng chuông kiên nhẩn, lì lợm... có vẻ như muốn réo đến hết mức mà nó có thể... Ông chợt hốt hoảng. Hay là nó gọi mình. Ông chộp lấy điện thoại:
- Tôi đây, Ðông Mặc đây!
- Ông làm tôi hết hồn. Tôi biết chắc chắn sáng nay ông ở nhà và đang chuẩn bị buổi ăn sáng. Mười lăm phút nữa cô ta mới tới. Chờ mãi mà không ai nhắc máy, tôi đâm sợ...
- Sợ một tai nạn gì chăng? Hay bà sợ tôi tự tử?
- Nếu ông dám làm chuyện đó, biết đâu tôi chẳng... hết thương ông?
- Bà không thấy lố bịch khi nói đến ba cái chuyện yêu đương, tự tử ở tuổi tôi với bà sao?
- Dẹp đi, tôi gọi về chỉ để nhắc ông một chuyện. Lúc này quá nhiều nhà báo gặp tôi ngỏ ý muốn viết bài về con Phong nhà mình cho báo Tết.
- Tôi hiểu, và tôi cũng lo như bà!
- Vậy thì ông biết phải làm gì!
- Tôi sẽ cố gắng!
Máy cúp từ bên kia. Ông ngồi với bữa ăn sáng gồm một quả trứng vữa nát trước mặt ông với lát bánh mì vuông và hình dung ra bà đang ăn sáng với cậu ta, người đã một thời làm đàn em trong văn giới của ông. Chuông điện thoại vẫn réo gọi liên tục. Ban đến đúng giờ nhưng bữa ăn sáng của ông chưa xong với bản danh sách đã có tới chín tờ báo cần liên hệ với Phong. Thời vàng son nhất của ông cao lắm cũng chỉ có sáu tờ. Nhưng lúc ấy số lượng báo chỉ bằng một phần mười mấy lúc này. Thành ra chẳng thể nói ai hơn ai. Ông cười một mình. sao lại đi so đo với con những chuyện ấy. Chẳng phải việc tạo nên tên tuổi Mặc Phong, đứa con gái ruột của ông và bà, chính là điều ông ao ước bao lâu nay hay sao?
Ban ở tư thế sẳn sàng làm việc. Cô kiên nhẩn trước những nụ cười vu vơ bất chợt của ông, không bao giờ dò hỏi tọc mạch như bà ấy. Cô biết phận cô. Chính đó là điểm khiến ông quý rồi yêu cô hồi nào không hay. Còn cái quan hệ giữa bà ấy và cậu ta, chẳng biết lúc nào. Trước hay sau lúc bà khám phá ra cái tình cảm ông dành cho cô gái đang phụ ông ghi chép lại những trang hồi ký.
- Mình làm việc đến đâu tồi?
- Thưa, ở đoạn mối tình thơ đầu tiên của ông, nguyên nhân khiến ông sáng tác được những bài thơ lãng mạn mà cho đến bây giờ nhiều cô cậu mới lớn vẫn chép vào lưu bút tặng nhau...
Ông đang chạm tới nổi đau lớn nhất của bà. Lấy nhau có một mặt con, bà mới khám phá ra bà chưa hề là nàng thơ của ông. Công trạng lớn nhất mà bà ấy đóng góp vào đời ông là tạo hứng khởi cho ông viết kịch. Sống chung với một người đàn bà có tính cách mãnh liệt như bà ấy, ông mới hiểu con người ta có thể bị xé tướt làm đôi để đấu tranh với nhau, đồng thời có thể thỏa hiệp để cùng tồn tại.
- Ông đang nói đến những đồi cát hoang dã ở vùng cực nam Trung bộ và người thiếu nữ chập chờn trong nắng trưa lóe sáng...
Ðó là chuyện mẹ của Chuyên: bà Thiên. Mười mấy năm sau gặp lại, ông sửng sờ trước cô con gái mà bà đã có với một người đàn ông khác. Với bà Thiên, không phải là tình yêu, chỉ là độ cảm trước một vẻ đẹp... như người ta vẫn cảm biển cát, đồi trăng, dứa hoang, cỏ long chong chạy loăn xoăn trên cồn triều rút... Còn với Chuyên, ông yêu thật sự. Yêu đến độ không dám chạm đến đời nhau. Sợ vỡ. Bà Thiên nhăm nhăm chỉ muốn giết ông. Chỉ sau khi biết được con gái mình vẫn còn trinh trắng khi về với chồng, bà mới đến khóc lạy cám ơn ông, mà không hiểu rằng bi kịch đời Chuyên bắt đầu từ đó...
Chuông điện thoại lại reng. Ông lại ghi thêm số điện thoại thứ mười của một cộng tác viên báo Sàigòn Sống Trẻ 090709139. Ban nhìn ông ái ngại:
- Sáng nay, có vẻ ông không được khỏe. Hay là em về để ông nghỉ.
Ông nói như ra lệnh:
- Ngồi đó, nghe điện thoại giúp tôi.
Lẽ ra ông phải nói như năn nỉ. Hãy ngồi lại, để tôi được chia xẻ, những điều tôi không thể nói với ai. Nhưng liệu cô gái bằng tuổi con ông này, có hiểu nổi không, nỗi niềm của một người cha. Một người cha đã từng lừng lẫy tên tuổi trên văn đàn. Thơ. Kịch. Biên khảo. Nhận định. Phê bình... Cả những lời khuyên bảo thanh niên. Rồi một ngày ông đã điên khùng nghĩ ra. Chẳng tác phẩm nào sống lâu hơn chính đứa con ruột của mình. Ông gần như ngưng viết, dồn sức đầu tư cho con. Thật ra nó đã định hướng cuộc đời riêng của nó rồi. Nó chọn là một kiến trúc sư. Ông lại đổ công khơi thêm một mạch nguồn sáng tạo khác nữa của nó. Ông ép nó đọc những cuốn sách do ông tuyển, đưa nó đi nghe nhạc, xem tranh, xem phim... Ðể rồi khi những sáng tác của nó ra đời, ông hốt hoảng nhận ra: nó là một tài năng thật sự. Nhưng ghê sợ quá, cái tài năng ấy không chịu một chút gì ảnh hưởng của ông. Và ngày nào nó chưa lên tiếng phủ nhận ông, đó là do chút lòng hiếu thảo mà ông tin rằng con bé nhân hậu ấy luôn luôn còn giữ.
Khi cô Ban về, cô ghi thêm cho ông độ mươi số điện thoại và số máy nhắn tin nữa. Báo các tỉnh. Báo chuyên ngành. Nam phụ lão ấu. Thời trang. các ngành nghệ thuật. Bếp núc. Tình yêu. Tôn giáo. Du lịch. Giao thông... Bà ấy cũng gọi về, cho biết sẽ đi ba ngày ra miền Trung. Cùng với phái đoàn phụ nữ Quận với danh xưng cứu trợ.
Nửa khuya thì nó về. Nôn ọe dường như tất cả những gì ăn được trong ngày. Ðặt ly nước mơ trước mặt nó xong, ông định về phòng ngủ thì nó kêu:
- Con muốn nói chuyện với ba.
Ông chìa danh sách những số điện thoại và tên phóng viên các báo trước mặt nó:
- Họ bảo sáng mai sẽ gọi lại cho con.
- Sáng mai con đi sớm. Nhưng nếu ai gọi lại ba từ chối hết giùm con. Cứ nói con đi công tác xa, sau Tết mới về.
- Bây giờ mới tháng chín ta.
- Con biết, nhưng bài cho báo Xuân thì phải được chuẩn bị trong mùa Thu để phát hành vào mùa Ðông. Ba có thấy là mọi việc làm của mình cứ luôn bị lệch đi thời điểm cần có, phải không ba? - Nó ngưng một chút, rồi tiếp - Ở xa, khi được đọc và nghe những tin tức thời sự trên các báo, đài... con hết sức nhớ ba.
Âm điệu của nó có vẻ như đang bị kích động. Có lẽ do trận nhậu khi chiều ở vĩa hè một tỉnh khác mà nó vừa cho ông hay sau khi ói. Ông nói, giọng dè dặt:
- Nói đi con, ba nghe...
- Tất cả những chuyện đó sẽ giảm đi nhiều nếu những người như ba, bạn bè ba, cấp trên ba... bớt đi một chút nhát gan. Cách đây mười năm, con đã được nghe ba nói với má về những chuyện ấy rồi. Ma túy, tham những, lũ lụt, buôn người, chảy máu rừng... Ba than người ta đề nghị bôi nhẹ những vấn đề ấy đi trong các vở kịch của ba.
Nó ra dấu cho ông đừng ngắt lời:
- Và cách đây năm năm, ba cũng đã khuyên những người trẻ hơn ba bôi nhẹ những vấn đề ấy đi trong những cuốn phim, truyện ngắn, vở kịch của họ khi họ đến đây nhờ ba ủng hộ.
Nó lại ra dấu cho ông đừng ngắt lời:
- Con không chỉ đọc báo. Con sống với họ. Con khóc đau và cười mếu với họ. Con phụ chôn xác thân nhân họ. Con đã ở với những thôn xã nghèo đến độ có trên hai trăm cô gái bỏ làng đi kiếm nơi thị tứ làm tiếp viên nhà hàng máy lạnh karaoke. Con cũng đã nghiên cứu để có thể vẽ một cách tuyệt vọng những ngôi nhà, ngôi trường có thể sống chung với lũ... Thậm chí, mới đây thôi, con định hít thử bồ đà với bọn trẻ để có thể hiểu vì sao nó lại quyến rũ hơn nhiều so với những lời hô hào đẹp đẽ nhưng chỉ xuất phát từ cổ họng mà thiếu phần sâu thẳm của một nỗi đau. Hiện con đang quyết định sẽ không sáng tác gì nữa và đang suy nghĩ xem có nên tiếp tục cái nghề thiết kế những công trình nhà cửa thế này...
Rồi nó bỏ vô phòng, không cho ông nói một câu, một chữ nào hết.
*
* *
Sáng hôm sau, chuông điện thoại như những điệp khúc buồn nản lập đi, lập lại ở nhà ông nhưng ông không buồn nhấc máy. Âm như âm gọi hồn. Hồn ta chứ chẳng hồn ai khác. Thì cứ gọi. Ta nghe. Ông đứng trước quả trứng vữa nát và tiếp tục băn khoăn không biết có nên đập thêm một quả nữa hay không? Thật ra con bé đã đặt ra những vấn đề xa vời quá so với nổi lo sợ của vợ chồng ông. Ông và bà chỉ sợ khi vui miệng trả lời phỏng vấn nó dại dột phun ra về một thực trạng không còn hạnh phúc của mẹ cha. Hai người đã từng được nhiều bài báo ca ngợi là cặp vợ chồng lý tưởng suốt bao nhiêu năm. Với nhiều người, họ ngỡ bà đang giúp ông ghi lại hồi ký và đang cùng với con gái lao vào những công tác xã hội như giúp trẻ em nghèo tàn tật, người già cả neo đơn, chuyển quà đến tận tay đồng bào các vùng đang chìm trong cơn lũ... Tên ông lại đang nằm trong danh sách xét duyệt bổ sung để khen tặng về những sáng tác đã qua. Nó bị già quá, so với mình hồi cùng tuổi. Chẳng biết khi được bằng mình rồi, con bé ấy sẽ còn già cỗi tới đâu?
Tội nghiệp nó! Ông quyết định lập thêm một quả trứng sau khi nghĩ như vây. Nhưng khi quả trứng thứ hai vừa rơi xuống, ông chợt nhận ra quả trứng vữa nát khi nãy đã cháy xém vàng nâu...

Labels:

Wednesday, May 14, 2008


Riêng tôi, khi xem cảnh làm tình giữa cô gái với hồn ma người mình yêu nhất, trong thời điểm đó, không gian đó lại là một cảm xúc ngậm ngùi khi liên tưởng đến một đất nước bị tách đôi; đến lúc được ráp lại làm một, luôn phải có khá nhiều đắng cay, nghiệt ngã phải trả.
(1)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=257434&ChannelID=10
Những cảnh sex ấy có nói được chăng quy luật của cuộc sống, tình yêu?
(2)
@ Năm 1993, lần đầu tiên dự đại hội phụ nữ viết kịch toàn thế giới ở Adelaide, Australia, tôi chỉ được xem những vở không có một tí gì gọi là sex. Hàn Quốc đem đến một vở nặng phần tâm linh, nhập đồng. Một cô bạn kể mới xem một vở thể nghiệm ở Sidney trong đó có một diễn viên làm tình với một .. con cá. Theo cô thì khá vô nghĩa và không thú vị.
Khi sang New York, được xem một nữ nghệ sĩ biểu diễn với một tấm voan mỏng khoảng 60’, tôi thấy ngây ngất với bửa tiệc của cái đẹp mà mình được thưởng thức. Có thể nói là cô ta đã .. làm tình với mảng voan đó để tạo cho mình liên tưởng đến sự giao hòa của đất trời rồi thiên nhiên và sự sống sanh sôi nảy nở từ đó, mầm chồi nứt nụ, hoa nở, sương tan, tuyết trôi, con người lao động chống chỏi bảo táp phong ba, cánh bướm, chim bay, sự hồi sinh và tình yêu tái tạo thế giới như đợt sóng nhân gian liên hồi vô tận. Giây phút cuối cùng, cũng là lần đầu buông tuột tấm voan, chào khán giả với một thân thể trần truồng đẩm mồ hôi, người nghệ sĩ đã nhận những tràng pháo tay không phải cho những đường cong diễm tuyệt mà dành cho một tài năng.

@ Năm 1999, vở Thanh tẩy (Cleansed) của Sarah Kane, có hai cảnh làm tình thật sự trên sân khấu đã khiến tôi cảm giác bị shock mãi đến bây giờ. Không phải tôi bị choáng váng vì hai diễn viên làm tình quá thật trên sân khấu và vì toàn vở kịch có nhiều cảnh shock hơn. Hai người đồng tính tỏ tình với nhau lần lượt bị cắt lưỡi, cắt tay, cắt chân, xiên lình và cắt cổ.
(3)
Kẻ ra tay thủ ác, thường khoác áo bác sĩ, có vẻ là người thống trị khu đại học ấy lại chỉ có khả năng bỏ những đồng tiền vào chiếc hộp để xem ngưười phụ nữ múa cột. Khi có được cô trong tay thì gần như anh ta không còn đủ “bản lĩnh đàn ông” để đem lại hạnh phúc cho cô. Một vài chi tiết thơ mộng như những cánh hoa hướng dương xuyên đất vươn lên che phủ cô gái và hồn ma người anh thì chưa đủ lãng mạn để làm mềm đi bản dựng đến độ cậu diễn viên trẻ của nhà hát Berlin tức tối nói với tôi là có lẽ ông đạo diễn lớn tuổi đến từ Hambourg đã không hiểu hết những ẩn dụ và thông điệp của nhà viết kịch tự tử ở tuổi 28, sau khi viết xong năm vở gây sóng gió chốn kịch trường Au Châu, muốn gửi gắm. Nhiều nhà phê bình sau nầy vẫn cho là không thể đơn giản khi muốn giải mã ngôn ngữ kịch đầy chất thơ chứa nhiều tầng nghĩa của Sarah Kane với nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ từ thời cổ đại Hy lạp đến triết lý của Nietzche. Tình yêu là sự hòa hợp hay là một cuộc chiến? Cho đến giờ Sarah Kane vẫn còn để mở kết luận nầy cho những ai quan tâm đến sáng tác của cô. Riêng tôi, khi xem cảnh làm tình giữa cô gái với hồn ma người mình yêu nhất, trong thời điểm đó, không gian đó lại là một cảm xúc ngậm ngùi khi liên tưởng đến một đất nước bị tách đôi; đến lúc được ráp lại làm một, luôn phải có khá nhiều đắng cay, nghiệt ngã phải trả.
(4)
@ Cũng năm đó, được xem vở “Ngôi nhà của Bernarda Alba” của Garcia Lorca tại Berlin do nhóm sinh viên năm cuối thuộc Viện Sân Khấu Ðức biểu diễn, tôi thấy một xử lý khá thông minh của đạo diễn. Dưới sự khống chế khắc nghiệt của bà Bernarda Alba, không muốn cho hạt giống tình yêu nẩy nở trong ngôi nhà của mình, mỗi chiếc giường của các cô gái son trẻ trong nhà ấy như từng cổ quan tài. Cuối cùng, người tự tử, người nổi loạn trốn đi, đưa đến sự suy xụp của “đế chế Bernarda Alba”. Hình ảnh cuối đập vào mắt mọi người là một người đàn ông trần truồng vẫn được cô gái mà bà yêu nhất dấu trong “chiếc quan tài” của cô hằng đêm, bung chạy ra. Không cần phải bày ra một giây nào về cảnh ân ái giữa họ, vẫn nói lên được sự bất lực của tham vọng thống trị muốn đi ngược lại những quy luật của cuộc sống, tình yêu.

@Cảnh sex trong điện ảnh là điều mà khán giả đã xem đến độ nhàm chán nếu không có những xử lý mới và đắt giá. Trong lĩnh vực sân khấu, càng không thể xem thường và xử lý chuyện nầy tùy tiện. Theo những vở tôi đã được xem, chưa bao giờ sân khấu các nước đưa yếu tố nầy ra công chúng với xu hướng câu khách. Những đạo diễn sân khấu tài năng khi đưa cảnh nầy vào tác phẩm luôn để trao đến khán giả một thông điệp đầy tính nhân văn. Ở Việt Nam, chưa nên đòi hỏi điều nầy nơi đạo diễn lẫn khán giả khi bản thân tác giả kịch bản còn chưa có những cái nhìn cách mạng và cách thể hiện quyết liệt, trên cơ sở minh triết của các nền triết lý phong phú mà chúng ta đã thừa hưởng được của Phương Ðông.

Nguyễn Thị Minh Ngọc.
2 008, tháng Năm.
Cac canh trong vo Cleansed cua Sarah Kane:
1- Co gai va hon ma nguoi anh trai.
2 - Co gai chi mo duoc giong het anh minh
3 - Mot anh dong tinh bi XXX cat luoi sau khi thot loi yeu duong voi ban tinh
4 - Nguoi anh bi XXX tiem vao mat va chet ngay dau vo kich
XXX: thường khoác áo bác sĩ, có vẻ là người thống trị khu đại học ấy


Labels:

Tuesday, May 13, 2008

Chuyện Sân Khấu.

(Tặng những ai bị bắt OAN)

Cảnh tra tấn, thường treo tấm bảng.

“Không CÓ, đánh cho CÓ,
Có, đánh cho KHAI
KHAI, đánh cho CHỪA”

Nhưng Không CÓ, làm sao CHỪA??????
Khi ra khỏi tù, giận quá, bèn làm cho CÓ luôn.

Ðó là nguyên nhân khiến mẹ tôi có mối tình lớn với Cách Mạng.
Nhưng Chánh Trị thì không phải Cách Mạng.

Chánh Trị là cuộc chơi của những người có vũ khí với những người không có vũ khí, của những người điều khiển những người sống bằng cách Ðánh người không có vũ khí.

Ai nói cây bút là vũ khí?
Ai sẽ nói thay người chết đây?
Nếu như

“Không CÓ, đánh cho CÓ,
Có, đánh cho KHAI
KHAI, đánh cho TIÊU LUÔN”

Labels:

Monday, May 5, 2008

... "thiến hoạn đàn ông người Việt.."

Nhà Minh thực hiện chính sách xóa bỏ nền Văn minh sông Hồng bằng các cách như đốt, phá và chở về Yên Kinh tất cả các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, của dân Việt tạo lập, thiến hoạn đàn ông người Việt, khiến cư dân Việt rất uất ức và căm giận. Hơn 1.000 năm, các triều đình Trung Quốc không đồng hóa được văn hóa Việt, nên việc làm của nhà Minh đã đem lại một kết cục xấu cho sự đô hộ của họ.

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_L%E1%BB%A3i
tim tai lieu de viet kich ban, gap doan nay

Labels:

Sunday, May 4, 2008


Người đàn bà bốc mộ

Trời mưa lầy. Xe phải ghé nhiều chỗ. Chẳng chuyện gì xong. Ngang khúc đèo Mẹ Bồng Con có một xe vừa lật. Mọi người nhắc anh tài đang là tháng bảy âm. Chạy cẩn thận dù tới trễ vẫn hơn.
Chúng tôi đến huyện Ðắc L. trời đã tối lung. Buổi cơm ở văn phòng ủy ban được dọn lên trong ánh đèn dầu. Người thanh niên dọn cơm nói nếu tới sớm một chút thì có điện...
Vẫn mưa. Tôi lầm lũi ăn, và đã thấy nhớ chồng. Lúc tôi báo tin sẽ vắng nhà đâm nay, Trân có vẻ không bằng lòng. Anh hỏi, bỏ được không? Tôi kêu kẹt quá. Cứ đổi người khác đi hoài thì thấy mình không biết điều. Mấy người đàn ông đang bàn, xem nên gầy “độ” gì sau bữa cơm. Rượu hay bài? Những đêm tối vắng nhà, Trân cũng thường chọn một trong hai thứ đó. Bạn tôi an ủi, dù sao cũng đỡ hơn một phụ nữ nào khác. Giai đoạn đó tôi cũng đã nếm qua. Tưởng đã bỏ nhau. Vì hai đứa sống không con cái, không tài sản là hai thứ rất vướng víu khi ra tòa. May mà Trân và cô gái kia đã tự giải quyết trước khi tôi quyết định. Người phụ trách tiếp khách ở ủy ban cho biết sau bữa ăn sẽ gởi tôi qua đêm ở chỗ chị Trinh. Có lẽ thấy đám khách có vẻ không vui, người thanh niên dọn cơm tự hào hứng bằng cách giới thiệu những mẫu chuyện khá ly kỳ về người phụ nữ tên Trinh này. Thử tưởng tượng coi, chị ta đã đứng ra hốt được trên một trăm bộ cốt ở khắp huyện Ðắc L.. Rồi hai người, ông phụ trách tiếp khách cùng người thanh niên lo việc cơm nước kia, đua nhau kể những huyền thoại về chị Trinh. Có người cho rằng chị ấy có người yêu là bộ đội, trên đường đi tìm người yêu, chị đã thuận tay hốt giúp hơn trăm bộ cốt khác, riết thành nghề, nhưng mãi không tìm ra tung tích người yêu. Người khác giả thiết đây là vợ một sĩ quan phía đối nghịch, chắt mót, tần tảo nuôi chồng học tập bên trong và đàn con bên ngoài, đến khi chồng ra trại lại dắt con đi vượt biên với người đàn bà khác. Một anh nói:
- Cô hên, đợt này đã có người đến nhận cốt hết rồi. Hôm trước, có cán bộ trung ương tới thanh tra phải ngủ lại, chị nhường phòng ra nhà dân ở. Chẳng ông nào ngủ được vì sau tấm màn mỏng cứ lịch kịch suốt đêạm. sáng hôm sau, nghe kể lại, chị tỉnh bơ nói các cậu bộ đội ấy trẻ nên nghịch lắm. lúc vén màn ra các ông muốn xỉu, độ mươi cái cốt đang nằm đợi thân nhân đến rước về.
Ông phụ trách tiếp khách của ủy ban dặn thêm:
- Chị Trinh không thích những người viết văn, viết báo và đặc biệt càng không thích ai viết về chị ấy.
Những người đàn ông cùng đoàn với tôi thắc mắc tại sao. Anh thanh niên bênh vực giả thiết của mình:
- Có người cho biết, hóa ra người yêu của chị Trinh còn sống, lấy một cô làm thơ, con của một ông có uy có cánh viết báo. Anh ta cùng vợ đã có dịp về đây nhưng không dám nhìn chị.
Ðám đàn ông còn lại cười:
- Ðủ cho cô này viết được một vở cải lương rồi.
Vậy là họ yên tâm khi giao tôi cho người đàn bà chuyên bốc mộ ấy.
(
Không ai nói với tôi chị Trinh là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện này. Chỗ ở của chị là một góc cơ quan. Ánh đèn dầu làm tăng thêm chất kỳ bí của nhân vật này. Bóng chị in trên vách cứ khiến tôi nhớ tới tích Nam Xương. Chị uống trà khá đậm, hỏi tôi có sợ mất ngủ thì pha loãng hơn.
Trời vẫn mưa. Căn nhà tựa lưng một góc núi. Hơi mưa luồn qua lá rừng nghe càng hung bạo. Chị Trinh đưa tôi vớ và mền, nói có mệt thì cứ lên giường ngủ trước. Phần chị thì chiếc ghế bố gần đó. Tôi quả có mệt sau một ngày đường, vì nhiều chuyện phiền toái chưa giải quyết hết ở những điểm ghé trước, nhưng không ngủ được vì nhớ Trân và... sợ ma. Gió lay tấm màn sau ngọn đèn chong cứ tạo cảm giác có người đang lúi húi làm gì sau đó.
Phòng ngoài, vẫn có người đội mưa tới gặp chị Trinh nhờ giải quyết chuyện chế độ chính sách. Có cả một ông thương binh ở chân núi bên kia tới nhờ chị lo chỗ ở cho con gái sắp lên huyện học cấp ba.
Tiếng chị Trinh:
- Chỗ ở thật ra không khó. Kẹt lắm thì ở chung với tôi. Có điều cháu nó đang tuổi mới lớn. Biết tôi có trông coi được nó? Lỡ có chuyện gì, biết nói sao với anh chị đây?
Người đàn ông nằn nì mãi, rằng con bé học giỏi, ngoan, lại thương mạ, thương em, chắc không đến nỗi phụ lòng chị.
Tiếng chị Trinh:
- Thôi anh về đi kẻo khuya. Mai tôi lên xã anh trả lời.
- Mai chị lên vụ gì?
- Tặng nhà với miếng vườn cho mệ Khoai.
- Chị cũng kỳ, lo nhà đất vườn cho bao người mà không kiếm được miếng đất xây nhà riêng ở, chẳng lẽ ở chung với hài cốt suốt đời vậy sao? Nói chị bỏ lỗi, chị có an cư, mấy ông mới dám nhào vô xin cưới. Khi chị về hưu càng không có chỗ mà về.
- Mấy ông ủy ban có biểu ưng miếng nào thì nói, họ sẽ cho ngay nhưng tôi không nhận.
- Chị cứ nhận đại đi, chết ai đâu!
- Sao không! Chết tôi đây nè, tiền đâu mà xây? Chi phí bốc mộ không đủ cho tôi sửa xe. vay mượn khắp nơi mua được chiếc Honda... sắp trả hết nợ thì xe vừa nát, đổi lấy chiếc Simson để lội rừng núi gai góc, sắp bung vỏ chưa có tiền thay đây.
- Tôi không biết. Nhưng báo trước cho chị rồi. Về già không chồng, không con, không đất cắm dùi, lúc đó có hối cũng không còn kịp nữa.
Im lặng.
- Thôi, tôi về! Chị đi nghỉ đi. Còn ai tới nữa thì hẹn mai. Tôi không định đến khuya vậy đâu. Nhưng mưa lớn quá. Chắc là bão rớt.
Khác về. Chị Trinh lịch ca lịch kịch một hồi rồi mới sè sẹ bày chiếc ghế bố ra, giăng mùng và chui vô. Chắc chị tưởng tôi ngủ rồi. Một lát tôi nghe tiếng hít mũi mấy lần. Tôi vội chìa chai dầu sang:
- Xức dầu đi chị Trinh! Trời trở gió vầy chắc chị cảm rồi.
Tiếng chị như sũng nước:
- Trưa nay trời còn nắng lắm. Nắng như hạn. Lên tới đỉnh núi. Trời khô. Cây đứng gió. Ðào mãi không ra cốt. Người chỉ đường cũng phải sốt ruột, hối về.
Bây giờ thì mưa và gió. Gió như rúc trong xương, chẳng thấm gì đâu tấm vải mong manh chị đắp vì phải nhường mền cho tôi. Trong lúc đưa chai dầu sang bàn tay lạnh ngắt của chị, tôi chợt có cảm giác người đàn bà này đang khóc. Chưa biết nói chuyện gì để chị vui, thì như có ai nhập, tôi kể một mạch những giả thiết tôi đã được nghe về chị, chỉ giấu tên người nói.
Chẳng ngờ những câu chuyện ấy làm chị vui thật. Chị cười sặc sụa khiến tôi có cảm giác nỗi buồn nào đó trong chị đã vơi nhanh.
- Chẳng có chuyện nào đúng cả. Họ chỉ vin vào một vài câu nói đùa của tôi rồi tán ra. Thôi được, tôi sẽ phác sơ vài nét về tôi, nhưng phải hứa với tôi là tuyệt đối không được viết gì về tôi trên báo...
Khi tôi còn bé, gia đình tôi là một gia đình du mục. Cuộc sống trôi nổi hết nơi này đến nơi kia chưa đủ thì giờ cho tôi có những mối tình, dù rất ngắn. Lý do vì sao cha mẹ tôi phải luôn du cư có thể viết thành truyện nhưng tôi sẽ không kể. Cô chỉ nên biết là chúng tôi, những đứa con của gia đình ấy, khá vất vả để có thể học và thi. Thường thì mẹ dạy chúng tôi. Rồi đến một lúc cha mẹ tôi quyết định phải rải mỗi đứa con ở mỗi chốn khác nhau...
Cuối cùng tôi trôi dạt về đây và lạc dấu mọi người thân. Với hai bàn tay của mình tôi đã làm nhiều nghề để sống. Nghề đơn giản nhất ở đây là nghề đốt than. Mặt và tay chân trùm kín nhưng vẫn bị nắng lửa táp đen. Giải phóng xong, trong lúc đi làm than tôi biết được có nhiều mồ hoang mả lạc nên đến đây báo. Người chỉ đường luôn được thưởng. Nhưng nói có vong hồn những hài cốt xiêu lạc chứng giám, tôi làm những việc này chẳng phải vì tiền mà vì tôi thấy họ giống tôi, cũng đứt rể, đứt nguồn. Chỉ khác họ chết còn tôi sống.
Nhân viên ở phòng này thường mướn những đàn ông đi hốt cốt nhưng không phải lúc nào cũng mướn được vì tiền công thấp quá. Tôi thấy vậy lãnh đào giúp. Dần dà họ khám phá ra tôi có một số vốn văn hóa khá ngang với những người trưởng phòng ở huyện này. Họ kêu tôi làm giấy tờ để vào biên chế luôn. Lãnh lương rồi thì sẽ không có tiền thưởng, nhưng đó là chuyện phụ. Vui nhất là khi thân nhân của những người thất lạc từ các miền xa xôi khác đến đây nhận được xác con. Có những bà cụ già chân đã đi run rẩy, mắt nhìn đã bớt tinh, da dẻ đã nhăn nứt như đất trong cơn hạn... Thường thì mẹ đi tìm cốt con nhiều hơn vợ đi kiếm xương chồng...
- Vì sao chị trở thành trưởng phòng?
- Có lẽ vì những người đàn ông lần lượt bỏ đi. Huyện núi nghèo cằn, không diện, không trò vui. Có mỗi cô gái độc thân là tôi thì phải hì hục với người chết hơn là người sống nên họ bỏ cả mà đi. Người ta lần lượt đưa những người khác lên làm. Riết rồi họ giao cả cái phòng này cho tôi.
- Nhưng tôi tin là chị làm được việc, họ mới giao.
- Dù là trưởng phòng hay không, tôi vẫn chủ trương từ lâu là với những gia đình liệt sĩ thương binh không chỉ tặng nhà tình nghĩa suông mà phải cho luôn đất, vườn và vốn trồng cây để có thể sống được lâu dài.
- Còn chuyện chị không ưa những người làm báo viết văn?
- Nói vậy kể cũng oan cho tôi và oan cho những người đó. Thật ra vì quá gần những người chết, tôi rất ngại khi nói về mình. Người ta biến thành bụi kia sao không nói tới. Khổ lắm, hàng năm, cứ trước khi bước vào những ngày lễ lớn là có những người viết văn, viết báo đi truy tìm nhân vật và cốt truyện. Có lẽ khi đi ngang đây, họ đã được nghe những mẫu chuyện tưởng tượng về tôi như cô vừa kể. Thế là họ đi săn lùng tôi cũng gần như tôi đi truy tìm hài cốt. Có lẽ tạng của mỗi người mỗi khác. Tạng của tôi thì khi bị lôi lên mặt báo hay một cốt truyện hư cấu nào, cảm giác ngượng cứ như có một cắp mắt tò mò nhìn vào những sinh hoạt thầm kín riêng tư. Mà có gì ghê gớm lắm đâu. Tôi chỉ là người do đi đốt than rồi trở thành nhân viên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội này. Tôi làm việc hết sức mình vì tôi yêu nghề của tôi. Vậy thôi!
- Nhưng xin lỗi chị, hồi nãy nghe lén chuyện của chị và của ông thương binh kia tôi thấy ông ta có lý. Chị cũng nên kiếm một cái nhà, sống mãi như vầy sao?
- Ngoài việc đi tìm cốt người chết và kiếm đất cho những người đang sống đáng được có, tôi chủ trương chẳng đi tìm kiếm thêm cái gì khác. Gia đình, hạnh phúc, người yêu... nếu đến được thì nó sẽ đến. Mà không có cũng chẳng sao... Tôi biết có nhiều người nay đã hóa cốt mà chẳng có được một mối tình lận lưng. Tôi ít ra còn có cái may được sống.
- Chị đừng đi so với những người đã chết đó nữa. Cốt hài kiếm hoài rồi cũng có lúc hết.
-... Nhưng những người sống thì việc còn hoài. Như cô biết đó, trong ngày mai. cạnh việc cấp nhà, vườn cho mệ Khoai, tôi còn phải tính cho xong chỗ ở tạm của cô nữ sinh chuẩn bị bước vào cấp ba kia. Thôi nói chuyện khác đi, kể chuyện con của cô cho tôi nghe với. Tôi mê trẻ con lắm. Ai cũng xúi kiếm một đứa mà nuôi. Ðể công việc thư thư, chắc tôi sẽ kiếm.
(
Chuyện gia đình của tôi thì không được vui lắm dù tôi rất yêu chồng tôi. Ðứa con của tôi chết khi còn trong bụng mẹ và rất ít hy vọng tôi sẽ còn có khả năng sinh sản nữa bì bệnh tình của tôi. Tôi phải mượn mẫu từ những đứa cháu thông minh xinh xắn của tôi và những lời nói ngộ nghĩnh của tụi nó để kể cho chị Trinh nghe...
Gió đã dịu hơn. Nhưng mưa thì vẫn gõ đều trên mái tôn như tiếng ru của đất, từ một thuở nào, xưa thật là xưa... Khi tôi dứt chuyện, tôi tưởng chị Trinh đã ngủ. Hốt nhiên, trên nền mưa rải, tiếng chị nhỏ đều, vẳng qua từ chiếc ghế bố, như một huyệt sống, bên kia:
- Có một lần, tôi tưởng đã lấy chồng. Nhưng chuyện đã không thành như một định mệnh, hay đó chính là phần số của tôi. Anh ấy là người tiền nhiệm của phòng này. Tôi lúc ấy vừa vào biên chế. Anh đề nghị tôi trở lại nhiệm vụ đầu tiên chuyên đi tìm nơi có xác chứ không bốc mộ nữa. Anh ấy là con độc nhất. Bà mẹ rất mong có cháu. Phải giữ gìn sức khỏe để có những đứa con ngoan, đẹp cho bà. Anh không hút thuốc uống tượu và càng không đụng tới những thứ linh tinh khác có hại cho sức khỏe.
Bấy giờ có một ẩn số lớn chúng tôi cần phải giải. Trước 1975, có một trận giao tranh ác liệt ở khu vực giáo đường. Bộ đội vào đó hơn mười người. Bên kia ào vào đông gấp đôi. Rồi hình như do một sự nhầm lẫn nào đó, bom Mỹ dội vào chết sạch. Và cho đến năm đó, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được một mẩu xương con dù thân nhân của cả hai phía vẫn đến phòng van nài khóc lóc nhờ hổ trợ kiếm xương con, cốt chồng. Ai cũng biết những cái xác nằm đâu đó trong khu vực giáo đường, nhưng đó là nơi bất khả xâm phạm. Bên cạnh tháp chuông cổ đổ nát, người ta vẫn dựng lên những nhà nguyện mới. Chắc chắn một trong những linh mục ở đó biết nơi vùi xác nhưng làm cách nào để ông ta nói thì mọi người đầu hàng.
Cũng năm đó, nạn đói kém mất mùa gây bao hậu quả tệ hại ở vùng này. Nhất là những gia đình từ phương xa đổ về đây lập nghiệp. Con cầm dao rượt mẹ.Chồng say đòi đốt rẫy đốt luôn cả vợ con. Tôi đến gặp ông linh mục già nhất ở nơi ấy, đặt thẳng vấn đề phải giúp những người đã chết được siêu thoát hầu cầu an cho mảnh đất này. Ông giễu cợt tôi đã đem triết lý nhà Phật rao giảng một cách nghiệp dư cho một nhà thần học chuyên nghiệp là ông. Nhưng cuối cùng rồi ông cũng siêu lòng trước sự kiên trì lì lợm của tôi. Ông đưa anh ấy và tôi đến một cái giếng cũ bên hông tháp chuông, kéo tấm đan đậy kín qua một bên và chỉ vào: “Ở dưới đó!”.
Không người đàn ông nào trong huyện chịu làm cái việc bốc vác lên cái nấm mồ khổng lồ phức tạp ấy. Nhiều người đề nghị cứ đổ thêm đất vào, vun thành một nấm mồ tập thể cho xong. Ngay cả thân nhân của một vài người nằm trong đó cũng đề nghị như vậy. Nhưng tôi thì không chịu được điều đó. Có lẽ tôi tin vào những điều tôi đã nói để thuyết phục ông linh mục. Trong những người nằm kia, có người không vợ, không con, không cả một mối tình. Giấc ngủ cuối cùng trong lòng giếng chật chội với họ vậy là không yên. Và mảnh đất này bất ổn theo.
Tôi trèo xuống lòng giếng cạn trong ánh mắt thảng thốt của ông linh mục và trước khuôn mặt tái xanh của người đề nghị cưới tôi. Tôi tưởng đã ngất đi bao lần trong quá trình chuyển xác lên trên. Sau này, người ta kể lại, khi cái xác cuối cùng được kéo lên, tôi không còn đủ sức lên trở lại mặt đất. Chính anh ấy đã xuống mang tôi lên và mọi người kinh hãi khi thấy được mặt tôi, một bộ mặt đã bị dị dạng sưng phù bầm đen vì hơi thịt người thối rữa đã tạo nên độc khí.
Anh ấy vẫn chăm sóc suốt thời gian tôi nằm ở bệnh viện, nhưng khi tôi bình phục thì anh ấy bỏ đi. Trống chỗ trưởng phòng, người ta đề nghị tôi thay. Ông linh mục thì sau đó cởi áo và chọn đất khác làm nơi sinh sống. Trong một lá thư cho tôi, ông viết: “Khi cô bước xuống lòng giếng, hốt nhiên tôi liên tưởng đến Thạch Sanh. Và than ôi, không có công chúa, không cả chằn tinh đợi cô dưới ấy mà chỉ trơ trên miệng giếng những Lý Thông - trong đó có tôi...”.
Cơ hội lấy chồng độc nhất của tôi đã trôi qua như vậy. Tôi đã không gặp “công chúa” dưới hang sâu nhưng nếu mọi chuyện được lập lại, và nếu cũng không có người đàn ông nào chịu trèo xuống thì tôi cũng sẽ lại xuống hang thôi.
Tôi kể lại cho cô nghe những chuyện này vì khi kể những mẫu chuyện vui về những đứa bé thông minh kia, tôi nghe cô khóc. Tôi hiểu cô vì tôi cũng thèm được có con biết là bao nhiêu. Có lẽ thư thư một chút, tôi sẽ kiếm một đứa bé bị bỏ rơi nào đó, nuôi và nhận làm con...
(
Cho đến sáng, tiếng mưa vẫn gõ đều như tiếng kể chuyện. Nhưng khi tôi thức dậy, chiếc ghế bố đã được xếp gọn vào một góc. Một nhân viên của phòng cho biết chị Trinh đã đi công tác ở một xã xa, nằm ở chân núi bên kia.

1995

Labels:

Friday, May 2, 2008

Mot Dao Dien vua goi sang bao cho toi biet: Trong nuoc don chi bi ben cong dong Viet Nam o Hai Ngoai tay chay vi da dien thanh cong vo “The Missing Woman” o New York.
Chen oi, co dam giao du voi ai dau ma tay voi khg tay.
Truoc mat, chi mot duc ong chong tay chay la du met roi.
Duoc MK va CC bao la bai da dang, khg biet con bao nhieu % ban goc nay


“Người đàn bà được tìm gặp” ở New York,

Khi ngồi ghi lại những cảm xúc của mình lẫn khán giả sau mười hai xuất diễn vở “Người đàn bà thất lạc” ở New York, tôi mới thấy công việc nầy khó khăn với mình biết bao. Con đẻ ra, ai mà không thương, nhất là với đứa con “đẻ khó” như vở nầy, tôi e rằng mình sẽ chỉ ghi lại những xúc cảm tích cực về nó.
Xin phép không ghi lại đây những khó khăn đã gặp, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn những may mắn mà tôi đã được gặp, tại New York.

May mắn đầu tiên là quen được Tisa Chang, giám đốc Trung Tâm Sân Khấu Liên Á. Khi vở diễn đi được nửa chặng đường, tôi đọc được một bài báo đăng trên The Epoch Times và đưa lên Broadwayworld.com đã ca ngợi Tisa là “Người Ðàn Bà Tìm Ðược” vì đã giới thiệu được một tác phẩm độc đáo về bình đẳng giới của sân khấu Việt Nam. Ai cũng thấy đây là một cách “chơi chữ”. Nếu người đàn bà đồng ngiệp ấy không cố công tìm cho ra một tác phẩm sân khấu Việt Nam để giới thiệu cho công chúng Mỹ như bà đã giới thiệu các vở diễn của Hàn, Trung, Tây Tạng, Nhật.. thì vở nầy cũng rất khó có cơ hội chường mặt ở New York. Trước tôi, khi nữ đạo diễn Phạm Thị Thành đến New York, bà Tisa cũng đã có những trao đỗi để mong thực hiện được chuyện nầy nhưng trở ngại về tài chánh, phải tự lo vé cho nhóm nghệ sĩ sang đây cũng như tự lo lấy chỗ ở trong suốt thời gian biểu diễn vẫn là một trở ngại khó thể vuợt qua.
Tisa luôn nhắc với mọi người việc bà và tôi đã âm thầm chuẩn bị cho giấc mơ nầy trong mấy năm ròng rã. Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng trong việc xin tài trợ, tôi đã tính với các diễn viên là chúng ta sẽ tự túc lấy tiền vé, nhận thù lao tác giả, đạo diễn và diễn viên để bù vào, còn chuyện ở thì ở tạm nhà của bạn bè tôi.

May mắn thứ nhì phải kể đến việc được Công Ty Bạn Yêu Nhạc (MFC), một công ty tư nhân góp tay vào tài trợ cho ba cái vé cho ba diễn viên và Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Mỹ lo cho chỗ ở của hơn mười người trong 12 ngày, gia đình designer La Thanh Thảo, cô bạn thời đại học Huế, đã cưu mang cả đoàn trong năm ngày đầu khi chưa có hotel.

May mắn kế là sau bao nhiêu lần từ chối lời mời của các đạo diễn Mỹ lẫn bạn bè Việt sang biểu diễn tại Mỹ, Thành Lộc đã nhận lời tham gia vở nầy với chúng tôi. Không thể về Việt Nam trong tháng ba, tôi còn đề nghị Lộc lãnh đạo diễn vở để tập cho nhóm nghệ sĩ ở Việt Nam nhưng Lộc không nhận. Tuy vậy, phải ghi một điểm son lớn cho Lộc trong ý tưởng đề nghị cho Hồ Nguyệt Cô nhập hồn vào người chồng. Cũng những lời thoại ấy nhưng phong cách tâm linh đậm nét hơn đã nâng thêm một tầng ý nghĩa cho vở: Anh chỉ có thể cảm nhận sâu sắc nổi đau của người đầu ấp tay gối cùng anh nếu anh sống trong chính cuộc sống của họ, đau chính cái đau của họ.
Không chỉ có Lộc, mỗi một thành viên góp tay vào cho sản phẩm nầy đều đã làm việc cật lực hơn cả sức mình. Có những ngày ráp âm thanh và ánh sáng, chúng tôi đã phải làm đến 13 giờ trong ngày. Thục Hạnh vẫn giữ thói quen làm việc riêng với tôi bằng điện thoại vào 11 giờ đêm sau khi đã lo hết mọi chuyện nhà cho cha, chồng và hai con nhỏ. Leon Le thì có bửa xin vào trể một tiếng vì cậu phải thức đến bốn giờ sáng để làm những đạo cụ cho các bạn diễn từ Việt Nam sang và chỉnh lại trang trí của toàn vở để thích ứng với sân khấu của nhà hát West End 86 W Street.

Những nổ lực của chúng tôi đã có những đáp trả đáng kể từ khán giả. Từ xuất đầu tiên đến xuất cuối, đa số khán giả đều lần khân ở lại chưa muốn về ngay. Pan Asian đã có hợp đồng riêng bốn xuất với các trường học tại New York và còn cẩn thận mời thêm chuyên gia đến nói chuyện thêm về nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam. Pan Asian. Ðó là giáo sư Rosalind C. Morris, chuyên về Nhân Chủng Học tại đại học Columbia. Ngay xuất đầu tiên, ông bà mục sư Charles Monaco, chuyên trách về âm nhạc của ngôi nhà thờ West End 86 W Street đã cho biết sẽ vận động cho tất cả những bạn bè, đạo hữu của mình thu xếp để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của tâm hồn phụ nữ Việt Nam.
Thu Trang, chuyên viên xã hội, cô gái quen nhau từ những ngày ở nhà mở Thảo Ðàn đã cho biết một thông tin thú vị là những vở kịch gần đây của sân khấu off- Broadway cũng khai thác vấn đề tương tự của thành phố tài chính đầu tư nầy. Công việc căng thẳng khiến những người đàn ông đành để vợ tìm nguồn an ủi nơi những cô gái khác, từ quan hệ bình thường chuyển sang tình đồng tính là chuyện đương nhiên; riêng bản thân các ông dù được các cô thư ký trẻ cố lấp vào chỗ trống cũng không còn đủ “bản lĩnh đàn ông” để chìu chuộng các cô. Ðó là lý do khiến có nhiều phát biểu cho rằng vở kịch đương đại nầy của Việt Nam đã nêu được vấn đề không chỉ riêng của một dân tộc mà còn là của toàn cầu.

Trong 12 xuất diễn, chúng tôi chọn đêm mồng Bẩy tháng Tư là đêm Opening.
Luật của sân khấu tại New York, báo chí chỉ được quyền chê khen gì sau đêm đó. Ðêm đó, chúng tôi ngập trong hoa và những lời chúc tụng. Những người bạn Việt Nam của tôi có mặt trong đêm đó cũng thấy ấm lòng trước những lời khen tặng trên cả mong đợi của những nhà tài trợ phía Mỹ và các bạn đồng nghiệp của sân khấu Mỹ.
Tôi nói với Tisa Chang: “Chúng ta gặp may” .
Tisa nói: “Phải nói là cá nhân tôi gặp may, vì đã được làm việc với các bạn, những nhân vật tinh hoa của sân khấu Việt Nam.”
Thành Lộc kêu tôi, nói riêng trong đêm Khai Mạc: “Chị có biết là vở diễn thành công lắm không? Bao nhiêu người Mỹ đến gặp Lộc để bày tỏ cảm xúc đó”
Tôi biết, và tôi cũng biết rằng thành công đó công của Lộc cùng bạn bè đóng góp vào rất lớn. Vở diễn kỳ nầy so với vở đã diễn ở Manila và phát sóng trên truyền hình dã là một bước tiến khá xa dù giữ lời hứa với hội đồng duyệt, chúng tôi gần như không chỉnh sửa kịch bản nhiều, chỉ khác mỗi đoạn Hồ Nguyệt Cô nhập hồn vào ngưòi chồng và cắt gọn hơn khúc Hồ Xuân Hương, dù chen thêm tiếng Anh vào cũng chỉ hơn 60 phút một chút.

Một gia đình vốn là fan của Thành Lộc được tin muộn, cả nhà năm người phải khó khăn kiếm vé máy bay vào giờ chót để từ Texas lên New York xem. Trong đó mấy cậu bé rành tiếng Anh hơn tiếng Việt cho biết thích nhất là vai đa sắc của Thành Lộc khi được Hồ Nguyệt Cô nhập hồn rồi thoắt làm người, thoắt hóa thú, thoắt đàn ông, thoắt mỹ nhân. Các cậu cũng thú vị với tích Nam Xương vì đã được ông nội viết sách về những câu chuyện dân gian bằng tiếng Việt cho học từ nhỏ. Diễm Tú, mẹ các cậu thì bất ngờ khi trong vở có cả Hồ Xuân Hương. Ba các cậu là một kỷ sư nhưng vẫn mầy mò tìm cách dịch Kiều sang tiếng Anh. Tú cho biết vừa thấy cây đàn bầu và đàn tranh bày ở một góc sân khấu là cả nhà đã thích mê đi rồi vì ở Mỹ ít khi nào được thấy nhạc cụ đệm sống theo trong các vở kịch như vậy, dĩ nhiên là trừ các vở musical.
Bạn Phạm Quốc Lộc lái xe từ Boston sang coi đêm trước đó thì lại ước rằng phải có guitar phím lõm đệm vào mới đủ làm nền cho tiếng hát Mỹ Hằng cùng NSUT Ngọc Ðáng.
Phải nói là nơi đất khách, bên cạnh những khán giả Mỹ, có được khán giả Việt nào đến và ở lại lưu luyến với anh em đều gây trong tôi một cảm giác tri ân, từ nhóm bạn trẻ của Tuấn lái xe từ Washington D.C bẩy người sang coi đến cô Ðào, người định cư ở New York từ ngày tôi chưa sanh ra cùng các bạn của cô trong đó có cô Minh Châu, người giữ nhiều tranh Việt xưa, nhà thơ Lê thị Hàn, tác giả cuốn “New York, New York”, nhóm bạn của cô chuyên viên tài chánh Thanh Trúc, designer Thân Thanh Hà, các bạn trẻ Bảo Hòa, Duy Võ, Minh Tú, cô du học sinh từ Berlin sang rũ rê chị ơi cố mang vở nầy sang Ðức nhé, Dick Hughes tức Nguyễn Văn Ðức, anh diễn viên Broadway trong những năm chiến tranh đã lăn lóc khu Phạm Ngũ Lão để phát sanh ra hai chữ “bụi đời” mà đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã dùng đặt tựa film.

Trong những ý kiến thú vị, đa phần là khen ngợi, thi thoảng cũng có những cảm nhận trái chiều nhau, nhưng chỉ là những góp ý chân tình để rút kinh nghiệm cho tác phẩm sắp tới tốt hơn, nếu có.

Xuất diễn áp cuối, Thành Lộc mới nhẹ nhàng thông báo cho tôi biết mãi đến hôm nay vết thương của anh mới chính thức giảm đau, đó là chấn thương Lộc mang trong buổi tập đầu tiên mà những cuộc hẹn với bác sĩ sau đó đều không thành vì Lộc không còn giờ rãnh.

Chị Kiều Chinh vừa gọi cho tôi để đặt vé cho các bạn Mỹ xem một vở kịch Việt, mới hay đoàn vừa rời New York.
Khi chia tay tôi, ai cũng hỏi một câu: Bao giờ bạn trở lại với một tác phẩm mới?
Một mình tôi không thể trả lời câu hỏi nầy của khán giả, bạn bè ái mộ tại New York.

Nguyễn Thị Minh Ngọc
New York, tháng Tư, 2008.




Labels:

Hãy Nói Giùm Tôi, Hãy Sống Giùm Tôi, Hãy Thở Giùm Tôi

Bạn đã làm gì trong ngày 30 tháng Tư 1975?
Ðó là câu hỏi trong giờ học của cô giáo Nguyễn Tường Trân dạy môn đạo diễn cho chúng tôi.
Có bao nhiêu % sự thật trong những câu trả lời, những bài báo viết quanh ngày ấy?
Có những sự thật nầy phủ nhận sự thật kia.
Và có những sự thật nầy phủ nhận sự thật kia ngay trong cùng một con người..


Trần Viết Diễm Thúy, bạn tôi, ở trường đại học C, NY vừa kể câu chuyện về sự tranh chấp màu cờ của hai nhóm Việt Nam trong trường cô. Giải pháp của nơi ấy hiện nay là KHÔNG treo cờ nào cả.

Những bài của nhạc sĩ Tô Hải trong blog của ông kể về những ngày hậu chiến tại Sài Gòn của ông khiến tôi thấy xúc động nhất. Vì nó thật.
Xin mang về đây để nhắc mình.
Hãy Nói Giùm Tôi, Hãy Sống Giùm Tôi, Hãy Thở Giùm Tôi

Tôi không khóc được khi nghe chuyện người chị của bạn tôi phải bán thân để tồn tại trong những năm tháng đó để có thể sống được trong ngôi nhà của chính mình. Nước mắt không còn nữa????

Dịp 30 tháng Tư 1985, H. đề nghị tôi viết kịch bản tài liệu về “Những Người Năm Cũ” Tôi phải đi gặp khoảng mươi người còn sống của Miền Nam tiến vào Sài Gòn lúc đó.
Vinh nhục sau mười năm đủ cả, có người về làm ruộng, có người đi bán bánh tiêu, có người làm chủ hotel, có người làm bảo vệ. Kịch bản sau đó không được duyệt, vì nó thật quá, những sự thật chưa nói ra được.

Ðiều đau đớn là bây giờ có thể nói ra được, dù chưa chắc là có thể quay được, thì nhiều người đã chết rồi, như chú Tư T.
Kịch bản film đó của tôi cũng thất tán sau bao lần dọn nhà.
“Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?”

Hồi còn sống độc thân, tôi suýt được phân về đây, nhưng phải đưa một số $ lớn, mà tôi cách đây hai mươi năm cũng giống tôi bây giờ, làm ra $ khá nhiều nhưng toàn là được bạn bè giữ giùm hết, và họ luôn có một tỷ lý do hợp lý để chưa trả lại cho một con độc thân như tôi

http://blog.360.yahoo.com/blog-OOJtmTcldKkPt5ZeWinmN12p


Đó là một tòa cao ốc từ thời kỳ Pháp thuộc,chủ sở hữu là Nhà Chung,do một quản lý (gérant)có tên Lô-vợ đầm chỉ huy cả một bộ phận công nhân từ điện nước,mộc ,nề tới gác dan,vệ sinh quét giọn.Nhà thờ đã dùng tòa nhà này để kinh doanh nuôi Nhà Thờ?Chỉ biết là khi chấp hành chính sách,"tất cả những ai bỏ nước ra đi thì nhà cửa,tài sản để lại sẽ phải báo cáo lên ban Quân quản" ,một số căn hộ ở building này ,có hợp đồng cho thuê mà chủ đã chuồn trước 30 tháng 4 ra nước ngoài đã được phát hiện.

Và thế là riêng Nhà Xuật Bản Giả...i Phóng chúng tớ gồm Phó Giám Đốc Huỳnh Minh Nhật,Trưởng Phòng Quản Lý Nguyễn Văn Long và chuyên viên âm nhạc Tô Hải bỗng dưng được "thả dù" vào một xã hội Sài gòn thu nhỏ 100%!Nghĩa là có đủ thứ văn minh lịch sự ,hiện đại nhất cũng như đủ thứ đĩ điếm,ăn chơi,đủ loại Tây,Mỹ,Tầu ,Ta..,nhà báo,nghệ sỹ....đang còn kẹt lại.Và tớ đã phải sống chung với sự "đi xuống" không ngừng của cái building này suốt 18 năm trời.!Nó điển hình cho sự vô lý của việc ..."biến tư thành công",cha chung không ai khóc..Nhưng nó cũng điển hình cho sự xuống giốc nhanh chóng của CON NGƯỜI kể cả phía "bên này" và phía "bên kia"

Như trên tớ đã kể,tuy cái building này có từ thời Pháp thuộc nhưng nó được thiết kế và tổ chức rất là khoa học.Em tớ đến thăm cho biết:Trước đó chỉ có những người ngoại quốc làm việc lâu năm ở Việt Nam ,những nhà kinh doanh cỡ lớn,những tỷ phú,tướng lãnh lắm tiền thuê riêng làm nơi du hí và đặc biệt là nơi làm ăn của rất nhiều "điếm loại sang".Trước tòa nhà là hàng loạt xe hơi,hàng quán bán suốt 24/24 ...Và em tớ không khỏi lo cho tớ lạc vào cái thế giới này liệu có giữ được mình không?Tớ trả lời nó thế nào các friends có biết không?"Yên chí đi!Chỉ ba tháng nữa đến đây sẽ biết!"

Và quả là như thế,khi (nghe nói)Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình đã "hiến cho cách mạng"(?)đồng loạt với một số tòa nhà nào đó khác thì...một Ban Nhà Đất đã được hình thành ,mà quản lý nó là một ông cán bộ tập kết, khi ở miền Bắc chuyên làm việc ..phân phối vé đá bóng của Tổng Cục Bưu Điện(Khi gặp ông để ký hợp đồng thuê nhà trả tiền tớ đã gặp ông ta và ông thì nhận ra tớ( vì tớ là dân mê đá bóng)còn tớ thì chịu và cũng chẳng cần hỏi lại tên ông ta làm gì cho chặt chỗ cái bộ nhớ của mình!Dưới sự "lãnh đại và quản ný" của mấy ông này thì cái building đang sang trọng, lịch sự và quy củ như mọi building văn minh trên thế giới bỗng nhanh chóng "vô sản hóa" theo trình tự như sau:
1-Cho Ban Quản Trị nghỉ việc chỉ giữ lại có 4 người gác dan vì ở đấy còn cần bảo vệ một số cán bộ!
2-/Ngừng ngay thang máy và các máy điều hòa nhiệt độ để tiết kiệm điện !

Khốn khổ cho ông phó giám đốc nhà tớ mỗi ngày 4-6 lần lội bộ vì ông thích ở lầu trên cùng cho khỏi bị ai ở trên đầu mình !(có 7 lầu thôi)Có lẽ vì thế mà ông đau tim "đi" trước cánh tớ khi được điều về làm Tổng Biên Tập Báo Văn Nghệ Thành Phố (mới được "bầy" ra cho nó không thua báo Văn Nghệ Trung Ương!)Cái thang máy này ,mười mấy năm sau cũng không thể chữa nổi vì là thang máy của Pháp,bỏ lâu không dùng nên các linh kiện đã hư hỏng hết!Cho đến gần đây,tớ mới biết :thì ra người ta đã có "kế hoạch" ỳ ra không thèm sửa chữa để "kinh doanh bất động sản ở một địa điểm vàng giữa quận 1.

Căn hộ của tớ ,nếu chịu đựng gian khổ cố ở tới giờ có giá tơi ..14 tỷ VNĐ khi một công ty xây dựng nước ngoài định phá nó đi để xây nên một tòa nhà cao tầng mới!

3-/Để chắc ăn ,Ban Quản Lý Nhà đất còn cho người tới tháo tất cả các máy lạnh đi,để lại những lỗ hổng toang hoác mời gọi lũ chuột đang ngày một phát triển do khoang rác ở tầng trệt có khi cả tuần chẳng ai đến giọn đi!

4-/Tiền thuê nhà với bọn tớ thì như ...cho không nghĩa là chỉ tính có 5% lương,Nhưng tiền điện,tiền nước thì đôi khi cầm tờ hóa đơn mà phát lạnh người!Tiền điện công cộng gấp 10,20 lần tiền điện của căn hộ.Nghĩa là bắt đầu có sự lưu manh,ăn cắp,câu điện...của nhiều gia đình...cán bộ lương ba cọc ba đồng!(Hiện tượng chưa từng có những tháng đầu khi tớ mới đến ở)Thế là chậm trả,Ông Điện cứ thẳng tay cắt điện.Mà ông Điện cắt Điện tức là cắt nước luôn vì cần điện để bơm nước từ tầng hầm lên nóc nhà!Chao ôi!sống giữa "Hòn ngọc Viễn Đông",xung quanh toàn là Tây,Đầm xì xồ,nước hoa thơm phức hành lang ,mà không có điện nước thì...ở trên rừng có lẽ còn sướng hơn nhiều!

Thảm cảnh cao ốc không điện nước này ,khi các ngoại kiều đã rút đi hết ,nhường chỗ cho một cái công ty Vegetexco thì càng thêm phức tạp !Anh nào có thế,có chỗ quen biết thì "xin"kéo ngay một đường giây điện riêng về thẳng căn hộ mình.Sau đó mua một cái máy bơm riêng bơm nước lên nhà mình."Mình vì mình kệ mẹ mọi người"Cái máy bơm lớn của chung nằm đấy cho đến lúc hỏng hẳn chẳng ai thèm quản ný cả!
4-/An ninh trật tự ,những ngày đầu ,khi tớ mới đến phải nói là tuyệt đối ,thì càng về sau càng thêm phức tạp.Chính nơi này đã xảy ra các vụ giết người,đâm chém nhau,đánh bạc,đĩ điếm mà điển hình là vụ Triệu Bỉnh Thiệt ở lầu 5!

Thì ra, từ lúc bắt đầu có công an khu vực,từ chú Thoan,chú Sơn,chú Tư nhỏ,chú Cao...mà tớ còn nhớ rất rõ không sót một ai, (hầu hết là lính mới tò te miền Bắc mới được chuyển vội sang công an)...cùng tổ dân phố quản lý,thì...chẳng ai quản cái building này nữa!Nhậu nhẹt,chửi bới oánh lộn,chẳng kể giờ giấc...Vệ sinh ,nước xả ,vỡ ống chảy cả xuống những hộ dưới.
Có vị cán bộ chạy được nhà riêng,trước khi đi đã tháo luôn cả lavabo,WC...để đến khi có nước,nước chảy ra ngoài,chui vào thang máy nổ đánh oàng như lựu đạn giữa thời bình,cho đi tiêu hẳn ba cái thứ văn minh thực dân mới!

Chỉ riêng câu chuyện thực tế quản lý một cái building có 7 tầng thôi, tớ muốn nói đến cái "tài"phá của ba ông gọi là cốt cán của cách mạng và sự cố tình phủ nhận phương pháp quản lý có bài bản khoa học của "giai cấp tư sản"thực sự làm chủ tài sản của mình!Tớ nhớ mãi lời tạm biệt của bác Sáu già,người được cách mạng giữ lại điều khiển ban bảo vệ,khi gặp tớ lần cuối cùng:"Tôi chẳng làm gì được nữa khi "người ta" (?) chẳng những không bảo vệ được cái gì mà còn phá ,phá sạch trọi cái cao ốc này,nơi tôi đã gắn liền với nó trên dưới 20 năm!Buồn lắm nhạc sỹ ạ!!Chúc nhạc sỹ sớm có nơi ở mới!"Nơi ở mới?Ông già này muốn gợi ý gì cho tớ về ba chữ "Nơi ở mới" đây?

Sự thật thì tớ cũng đã "bỏ của chạy lấy người",nhưng nơi ở mới của tớ không thể thoát khỏi cảnh cao ốc XHCN,:c/c Miếu Nổi Quận Binh Thạnh!Vvì tớ không có thế,chẳng có tiền và cũng chẳng có anh Tư,anh Năm,anh Sáu nào đỡ đầu cả!
Đấy! một trong hàng ngàn tấn bi hài kịch về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tay những kẻ vô trách nhiệm,vô lương tâm,cơ hội chủ nghĩa nó thể hiện cụ thể,kéo dài suốt 18 năm ngay trước mắt,trên đầu,dưới chân tớ .Nó tác động đến trái tim và khối óc tớ như những "dấu ấn đen" không thể nào tẩy rửa được...Tớ sáng mắt thêm ra ,nhưng lòng thì tối xầm lại vì một lần nữa thực tế cái chuyện building này chính là cái "building lý tưởng"nó đã xụp đổ trong tớ từ lâu rồi!

HAI CÔ SINH VIÊN Ở LẦU 2
Thư ngỏ gửi 2 cháu H và M...(thay lời giáo đầu)
Cho tới hôm nay,đã gần 30 năm không gặp lại hai cháu,Chú mạn phép hai cháu,kể lại một mẩu đời ngắn ngủi của hai cháu cho lớp trẻ hôm nay biết được các cháu đã phải trải qua những tháng năm khủng khiếp như thế nào do "những người bên phía chú" gây nên.Chú cầu mong,lạy Phật,lạy Trời,lạy Chúa lòng lành,lạy Thánh Allah:
1-Các cháu đang còn sống ở một nơi nào trên trái đất này đọc được những điều chú viết đây để một lần nữa các cháu tin là:Những người "nghệ sỹ có trái tim người" như chú đã có,đang có và còn có để đứng vào phía các cháu,luôn chia xẻ những niềm đau, nỗi buồn với các cháu trong quá khứ, hiện tại và tương lai....và vẫn hy vọng sẽ có một ngày Chú Hải và các cháu lại gặp nhau,kể lại cái câu chuyện "nửa đêm gõ cửa xin Mì Tôm và vài giọt nước mắm ngày xưa!
2-/Nói "phỉ phui" là ...lỡ các cháu đã trở thành cát bụi,rục xương ở một vùng kinh tế mới nào đó hay đã làm mồi cho cá mập đại dương thì chú cầu chúc cho oan hồn các cháu ...đừng siêu thoát! Hãy cùng hàng chục triệu linh hồn oan khuất đang còn vất vưởng khắp hoàn cầu về đây,về Việt Nam này, hiển linh,báo mộng cho lớp trẻ hôm nay về cuộc đời "đầu thai nhầm thế kỷ" của các cháu,để đất nước ta,không bao giờ còn có cảnh CÁI ÁC THẮNG CÁI THIỆN nữa!
Tên của hai cháu ,chú còn nhớ cả,nhưng chú xin phép gọi tắt là H và M...vì lỡ may ra các cháu đang có cuộc sống ổn định ở nước nhà hay bên trời xa mà đọc được những dòng này thì cũng coi đó là chuyện thật của ngàn vạn người khác ,chẳng nên buồn gì về cái thời 23 Lý Tự Trọng đã qua mà ông già 82 tuổi này vẫn còn lẩm cẩm kể lại...
Căn hộ của tớ được phân phối chỉ cho phép tớ được quan sát có hai phía ,qua cửa sổ có hai lớp rideau dày cộp và một lưới sắt chống muỗi.Các ông bà Tây đen có,Tây trắng có,Đài Loan,Phi Luật Tân,Pakistan...đủ loại tớ đều chạm trán hàng ngày,giữa hành lang hay ngay cầu thang máy...Tất cả, tớ đều "kính như viễn tri" vì tớ luôn cảm thấy mình không phải là đối tượng có thể bắt chuyện với họ...được.Tuy nhiên,sau những ngày đánh vật ở phòng thu hay đi họp hành về,tớ cũng có dịp để quan sát cái thế giới "Saigòn nhỏ"đó bằng cách nhìn qua lưới chống muỗi để phán đoán xem họ là loại người gì?Họ có nguy hiểm gì cho tớ không?...Khỏi nói đến những phán đoán vu vơ của tớ,họ dần dần cũng ra đi gần hết

Chỉ còn xót lại mãi đến những năm 80,90 một cặp vợ chồng Phi luật Tân và một cặp Tầu Đài Loan.Tuy nhiên,chỉ cách cửa sổ phòng khách của tớ chưa đầy 30 mét,có một cánh cửa sổ luôn luôn không kéo rideau bao giờ.Mỗi khi đi thu thanh khuya về,tớ thường không bật đèn,nhìn thẳng vào cái căn hộ đó như nhìn vào một màn hình 32 inch với tâm trạng thật ...êm ả và thanh thoát!Các friends có đóan được tớ đã thấy gì không?-Xin thưa:Dưới chân một chiếc bàn thờ nho nhỏ (mà tượng Chúa tớ chỉ nhìn thấy có một nửa),có hai người thiếu nữ hàng ngày quỳ đọc kinh rất khuya....Tuy không nghe được lời cầu nguyện nhưng tớ "thấy" được tất cả những gì là thiêng liêng,là chân thật là tin yêu nhất ở hai cô gái này...Tớ là một học sinh trưởng sơ,trường dòng,học nhạc père Rangel ,thầy Bích,thầy Quảng nên biết khá nhiều các bài thánh ca..từ hồi còn nhỏ,nên tớ bỗng nảy ra ý định;Để góp thêm vào cái không khí thiêng liêng ấy của hai cô,tớ đặt lên máy hát điện cái đĩa 33 vòng/phút ,nhẹ nhàng cho đọc lên bản "Magnificat" rồi đến "messe en si mineur" của J.S.Bach mà tớ mang từ Hà Nội vào.Ngày nào cũng vậy,tớ vừa được thư giãn bằng nghề nghiệp vừa giúp thêm cho sự bay bổng của niềm tin yêu của cả hai cô lẫn của tớ.....

Cái chuyện hòa đồng không cần ngôn ngữ này cứ thế diễn ra mỗi tối kéo dài cho tới cái kết trọn bởi một hợp âm chủ đầy đặn và ngân dài của Bach thì ngừng lại cùng với động tác làm dấu thánh cuối cùng của hai cô....Nó cứ thế diễn ra như một chương trình đã định sẵn....Chẳng ai nói với ai điều gì.Chỉ có điều khác là : lúc trước khi gặp nhau giữa hành lang hay cầu thang máy ,hai cô thường khép nép tránh sang một bên,nhường bước, im lặng thì nay, cả hai đều khoanh tay cúi đầu lí nhí trong miệng hai tiếng "chào chú!"
Cho đến một buổi tối,trời mưa nặng hạt,tớ cùng họa sỹ LCN đang ngồi nghe "Sacre du pringtemps"của Stravínky thì có tiếng chuông...Tớ mở cửa thì...hai cô gái,áo dài trắng toát hiện ra trước như trong một giấc mơ!Thú thật là từ thuở bé ,tớ chưa bao giờ tiếp khách đàn bà mà lại ăn mặc lịch sự chỉnh tề như thế....nên cũng hơi có tí luống cuống ,mặc dầu năm ấy tớ đã đúng 49 tuổi!Hai cô rụt rè bước vào và tự giới thiệu:"Bọn cháu ở tầng dưới,hôm nay không được nghe nhạc của Bach nên tìm lên các chú nghe nhờ!" Chết chưa!Hai cô gái Sài gòn mà biết cả đến Bach thì đâu phải là người bình thường!Và chắc rằng các cô cũng đánh giá ba thằng "nghệ sỹ Việt Cộng" chúng tớ mà ngồi nghe những thứ "khó nghe"như "Khổ nạn Thánh Mathieu"(Passions de St Mathieu)thì chắc cũng phải là loại "Việt Cộng chơi được"nên các cô bàn nhau lên làm quen!

Và thế là....tớ trở thành "Chú Hải" của hai cô từ đấy!
Thì ra,H và M đều từ Đà-Lạt xuống Sài gòn ,H học Đại Học Y-Dược năm thứ 2,M học Đại Học Hành Chính (?)năm 2.Cả hai đều là con cưng của hai gia đình công giáo"có cỡ" và đều cùng là học sinh trường dòng.Do quen biết hay họ hàng gì đó với cha Bình nên được bố trí một phòng để trọ học không mất tiền ở cái Building này!H còn nói thêm:"Bố cháu đã tử trận tại Quảng trị năm 72.Mẹ cháu đang dạy học trển!" Còn M thì cho biết :"Bố cháu không đi lính nhưng là quan chức nghành ngoại giao của chính quyền,nay vừa về nước hết nhiệm kỳ thì..."giải phóng".Hiện nay đang phải đi học tập.Liệu có được về sớm không chú?"...Tất cả nhbững gì hai cô cháu giãi bầy tâm sự với hai chú chỉ làm cho hai chú biết ậm ừ hoặc lắc đầu,ngậm hột thị!..Hình như hai cháu cũng biết tâm tư của hai chú nên các cháu cũng tế nhị trước ,chuyển sang hỏi han về âm nhạc,về mỹ thuật với một trình độ hiểu biết hơn hẳn mấy ông nhạc sỹ chưa hề học nhạc ngày nào!
Cũng tưởng rằng mọi chuyện vui buồn của cuộc đời xảy đến rồi qua đi như ngàn vạn chuyện đời khác nhưng nào ngờ....câu chuyện về hai cô sinh viên này đã ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của con người tớ cho mãi đến ngày nay:
Số là:1-Sau khi cao ốc Gia Long được giao cho (hay hiến cho?)nhà nước thì tất cả đều phải trả tiền.Nếu loại cán bộ được phân phối như tớ chỉ mất có 5 đồng tiền mới /tháng thì các vị "tại chỗ" xin cứ chi ra:Trước 25-50 nghìn thì nay là 250 hoặc 500 đồng tiền mới (lương tớ chỉ có 95 đồng)Khổ thân hai cô sinh viên ,một cha tử trận,mẹ đi làm giáo viên,một cô bố đi học tập cải tạo,mẹ đang lo bán đổ bán tháo mọi đồ đạc tiêu dùng trong nhà di thăm nuôi chồng, hỏi làm sao có thể kham nổi những số tiền quá lớn vừa tiền nhà,tiền ăn ở,tiền học cho hai cô?Điều băn khoăn này,chỉ riêng có M ,một tối nhân lên tớ "xin ít nước mắm về ăn cơm nguội" đã tâm sự cho biết...

Ngồi nhìn con bé nước mắt đọng trên hàng mi dài,cong,nước da không phấn sáp mà vẫn hồng mầu Đà Lạt,tớ bỗng thấy mình...dại vô cùng!Bỗng dưng lại tự biến thành nơi "giải đáp về sự đời" cho mấy cô sinh viên không quen biết!Không những thế,tớ còn tiên đoán đến mọi tai họa mới sẽ còn giáng xuống đầu hai cô nhiều nhiều nữa!.Tuy nhiên,tớ cũng không sao không tìm cách giúp đỡ hai cô được phần nào hay phần ấy.Trước tiên là giúp làm đơn có chứng nhận của Nhà Chung, coi hai cô như những nhân viên cũ (đang còn được tạm thời lưu lại ).....mà người làm chứng là tớ !Chỉ riêng việc này thôi,tớ đã bị không biết bao điều tiếng là "Ách giữa đường mang quàng vào cổ" hoặc có kẻ ác ý hơn còn cho là tớ đã"có tí kiếm chác" được gì ở hai cô bé này.Chính những dư luận khốn nạn đó đã làm tớ nổi tự ái ,thúc đẩy tớ công khai ra mặt bảo vệ hai cô đó khi bị dọa trục xuất ra khỏi cái cao ốc nay đã thuộc nhà nước.Kết quả là hai cô còn được "ở...chịu để xét đơn"cho đến tháng 10/75!..

.Nhưng tai họa mới lại chụp xuống họ...
2-/Ngày nhập học,cả hai cô đều không có tên trong danh sách sinh viên năm học mới!Với hai cái lý lịch như trên vừa nói,việc "không đủ tiêu chuẩn"của hai cô là điều tất nhiên rồi!Tớ đã đoán trước được cả !Tuy nhiên,đưa ra một lời khuyên gì bây giờ đây cho các cô sau hai cú đánh "nhà ở" và "học hành"thì tớ...ngọng!Chỉ có một con đường khuyên các cô "trở về với gia đình",tìm công ăn việc làm chờ thời thế xoay vần tính sau thì...chính các cô lại nói ra :"Về địa phương bây giờ còn nguy hiểm hơn nhiều!Các gia đình tướng,tá,quan cách ở trển đang bị o ép đủ kiểu,kể cả đưổi đi Kinh Tế Mới để lấy nhà,lấy đất!"
Tớ thật sự thương cảm và lo cho số phận hai con người chẳng hề dây mơ dễ má gì...ở giữa cái cảnh bế tắc này...thì....một lớp sáng tác được tổ chức cho các nhạc sỹ trẻ đồng bằng sông Cửu Long đã kéo tớ "khuất mắt thông qua" cái cảnh đau lòng này....Tuy tớ tập trung vào việc giảng dạy nhưng cứ lúc nào rảnh rỗi lại nghĩ về hai cháu sinh viên không may mắn M và H..

Sau gần hai tháng có dịp trở về lại Cao Ốc 23 Lý Tự Trọng,tớ thật sự ngạc nhiên khi M và H vẫn...tồn tại!?Ngay buổi đầu tiên gặp mặt,M đã cho biết "Cả hai đã có công ăn việc làm!"và tiền nhà đã thanh toán đầy đủ.Tớ mừng cho hai đứa và càng ngạc nhiên hơn khi chiều về,H lại còn mang theo cả một bịch các thứ ăn ,mua ở chợ cũ,kèm theo mấy lon bia mang lên nhà tớ.. "mời chú ăn liên hoan!"Tớ để ý thì thấy cả hai ăn mặc có vẻ đã à la mode,mắt có quệt mascara,môi ,má đã có điểm chút son hồng!Đến đây tớ đoán là các friends đã nghĩ tới một kết cục hết sức tầm thường và phổ biến là các cô này đã sống bằng vốn tự có"chứ gì?-Không phải,hoàn toàn không phải...Chính các cô đã sống được nhờ những tấm lòng của những con người nghệ sỹ chân chính.

Tuy thời gian chúng tớ gây được tình cảm tốt đẹp với các cô không kéo dài được lâu nhưng ít nhất ,đã hai lần cả H và M đã thú thật "Có lúc bọn con đã nghĩ tới tự tử vì hết chịu đựng nổi lời dèm pha của người đời rằng tụi con tồn tại được nhờ....làm điếm!Cảm ơn các chú đã vạch cho chúng con một cách sống sạch sẽ ,trước khi ra đi mãi mãi khỏi mảnh đất không dành cho tụi con này!"Các friends có biết 2 cô sinh viên đó đã làm gì không?Thì ra trong thời gian tớ ở dưới Cần Thơ,giao căn hộ cho ông bạn họa sỹ LCN quản lý,ông ta đã giải thích về sự cao quí và công lao của những người mẫu trong sự nghiệp của các danh họa từ cổ chí kim...Họ đã làm sao ,làm gì, làm thế nào, để góp phần lưu lại cho đời sau bao bức danh họa ....Và cả hai cô đều đã trở thành NGƯỜI MẪU DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG HỌA SỸ TỬ TẾ!Rất nhiều các họa sỹ miền Bắc (và cả ở Rờ ra) đã nhờ hai cô mà có nhiều tác phẩm....mà tớ cũng chẳng ngại gì không kể đến một vài tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái,Nguyễn Sáng...Cả hai chỉ vào Saigòn có một lần và đều vẽ H vàM ở ngay nhà tớ một cách rất say sưa và thoải mái (Ở miền Bắc, muốn kiếm một người mẫu đích thực không phải là chuyện dễ dàng gì ,chưa kể đến những trường hợp có họa sỹ đang vẽ người mẫu với đầy đủ áo quần cũng bị ":quần chúng" phát hiện là...dâm ô đồi trụy phải lên Đồn "làm việc" hết sức rầy rà!-trường hợp họa sỹ S.V) .Thường thì mỗi buổi ngồi mẫu các cô đều được trả 50 đồng.Tuy nhiên cũng có người vừa vẽ vừa hỏi chuyện hai cô ,thấy thông cảm (có lẽ là thương hại nhiều hơn)đã không ngần ngại chi trả cả gấp đôi,gấp ba...Cần phải nói thêm là :rất nhiều người do không hiểu hội họa nên cứ nói đến người mẫu là nghĩ đến... người mẫu cởi truồng!Nhưng chính tớ đã chứng kiến,Bùi Xuân Phái chỉ vẽ có khuôn mặt và mớ tóc thôi đã mất cả một buổi.Tớ nhớ tất cả các buổi vẽ ở tại sa-lông nhà tớ ,người mẫu đều mặc áo dài, áo kimono,một thứ "của hiếm" ở miền Bắc những năm chiến tranh

Và cứ thế,một đồn 10,10 đồn trăm,H và M trở nên người mẫu thân quen của nhièu họa sỹ ở miền Bắc mỗi khi có dịp vô Sài gòn! !Cả hai,sống thoải mái,đắt khách,thậm chí có ông đạo diễn còn mang ra cả Hanội giới thiệu cho một số họa sỹ ngoài ấy!Kể ra hai cô cũng chẳng phải là tuyệt thế giai nhân gì.Được nhất chính là :mặt mày nhẹ nhõm và nhất là tính chất trong trắng,ngây thơ ở trong con mắt,nụ cười cộng thêm cái vốn có văn hóa trong giao tiếp nên rất "ăn khách"....Thế là từ hai sinh viên,hai cô đã bỗng chốc đổi nghề thành... người mẫu tử tế chuyên nghiệp. Riêng M, do có trình độ văn hóa âm nhạc tương đối cơ bản tớ đã bầy cho cách thi vào trường"Cao Đẳng Văn Hóa',Mới đầu M đã quyết tâm nộp đơn nhưng đến ngày thi thì không muốn thi nữa vì vẫn không tin vào cái lý lịch quá nặng căn của mình.Tớ phải đến tận phòng thúc giục,rồi chở đến tận trường.Gặp rất nhiều người quen ,lính tráng cũ,tớ đều nhận là "cháu, con chú em",mặc kệ dư luận đàm tiếu.Kết quả M đỗ điểm cao,trúng tuyển nhưng....không muốn rời bạn, không chịu làm tiếp thủ tục, hồ sơ....

Thì ra...trong lúc đi làm việc nơi này nơi nọ,cả hai đã được một "nghệ sỹ mả mẹ" nào cùng quê rủ rê chung tiền mua bãi vượt biên,Cả hai đứa dã về Đà Lạt chạy đủ hai cây mỗi người đóng góp cho hắn để rồi....chưa xuống bến đã bị tóm cổ hết vào tù...Còn hắn ta thì,ôm được một mớ cây,sau này đi thoát và đang "làm nghề"tại Mỹ!.Chuyện này mãi 2 năm sau tớ mới biết khi có việc đang chạy Honda qua cầu Chà Và thì có tiếng gọi "Chú Hải!Chú Hải!"Dừng xe giữa cầu,tớ ngạc nhiên vô cùng khi có một người đàn bà nhỏ thó,ốm yếu trong bộ đồ bộ nhàu nát, đang lội bộ qua cầu,tay ôm một chồng bao xi-măng che khuất mặt.Giở nón ra thì...trời ơi!Chính là cháu sinh viên H ngày xưa!Gần hai năm tù đã biễn cô gái Đà Lạt điển hình năm xưa thành một điển hình thanh niên vô sản thất nghiệp thế này đây!.Dắt cháu vào một quán cà-phê gần đó,tôi ngồi nghe kể chuyện vượt biên thất bại,chuyện ê chề tủi nhục khi ở tù và chuyện khốn nạn ,đểu cáng hơn nữa của một tên "văn-sỹ-kịch sỹ cách mạng" có tên... (thôi!nó chết rồi, cho nó được nằm im dưới địa ngục)khi gặp cô mới ở tù ra ,đã do quen cô qua LCN ,mà hứa hưôu ,hứa vượn,...giúp đỡ qua loa ,quit lít được tí tiền còm.....rồi biến về Bắc với bà vợ già cùng 4 đứa con,để lại cho cô cái bầu gần 3 tháng!Cô chưa biết cách xoay sở thế nào thì hôm nay gặp tớ.Hỏi về mẹ cô thì cô cho biết mẹ cô đã đi bằng đường Nha Trang nên đã thoát nhưng ...có đến được nơi nào chưa thì cũng còn cầu Chúa lòng lành!

Riêng M thì đã trở về Đà Lạt giúp mẹ buôn bán kiếm sống qua ngày vì với cái thân hình tàn tạ ,sau khi ở tù ra làm sao còn có thể tiếp tục kiếm ăn bằng nghề người mẫu được nữa!Tớ giận điên lên với cách hành xử của thằng nhà văn-kịch sỹ mất dạy và không nỡ để H trong hoàn cảnh khó khăn do "người mình"gây ra,nên hẹn H....Đúng sáng sớm mai có mặt ở bệnh viện Từ Dũ.Tớ có quen một bác sỹ ở miền Bắc mới vào,tớ sẽ nói với ông ấy lấy dùm cái thai ra.(Thời đó việc đi nạo thai đâu có dễ ợt như ngày nay)Mọi việc đều tiến hành êm ả mặc dầu tớ biết trong ánh mắt của ông bác sỹ và mấy cô y tá ,chẳng sao tránh được ý nghĩ :"Tác giả cái thai này là chính tớ chứ của ai nữa!"Mặc kệ ai muốn nghĩ gì thì nghĩ ,buổi chiều tớ vẫn đến chỏ H bằng Honda về bên kia cầu Chà Và,nơi cô đang giúp việc cho một gia đình ....trước kia từng làm... vú em nuôi H, khi bố H còn là sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Công Hoà,một giáo dân miền Bắc di cư mà ngồi nói chuyện một lúc tớ cảm thấy ngay đây là những con người còn tình thương để sống với nhau. Tớ yên tâm trở về sau khi rút ví lấy một số tiền nho nhỏ đặt vào tay H,gập lại và nói:"Chú chẳng có gì,chỉ có tấm lòng thôi! Cháu cố gắng chịu đựng chờ tin má!".....Tin má liệu có không?H có đi được theo diện gia đình tử sỹ không?

Tớ không bao giờ còn gặp lại H và M nữa...Nhưng khi nào nghĩ đến hai cháu H và M thì tớ luôn cầu chúc cho họ sớm vượt qua những cay đắng tủi nhục của cuộc đời.Tớ nguyền rủa cái tên "nghệ sỹ mả mẹ" và cái tên Văn-sỹ-kịch-sỹ ma cô!Cả hai đứa sống trên hai trận tuyến mà lòng dạ chúng đều mất dạy, đểu cáng giống nhau.Tớ cũng giận tớ luôn vì tại sao mình có một trái tim không đen tối,một cái đầu không đến nỗi u mê mà chẳng làm gì được hơn những chuyện "vá víu vặt những mảnh đời bất hạnh" để rồi đến lúc sắp gần đất xa trời, bỗng thấy mình quá ư kém cỏi,quá ư hèn nhát,quá ư lạc lõng,quá ư yếu thế để có thể làm được một "cái gì đó" to tát hơn,giá trị hơn là những bài entry rút ra từ phần "hồi ức bi thương" của chính tớ mà ,mỗi chữ tớ gõ lên máy như đều mang theo từng giọt nước mắt khóc cho nỗi đau,nỗi khổ do những con người "tính bản ác" đã và đang còn gieo rắc,đọa đầy,hủy diệt... những CON NGỪOI "tính bản thiện"!Bao giờ mới hết những số phận oan khiên của những H,những M... và hết cái cảnh "sáng mắt nhưng tối lòng" như tớ đã phải trải qua?

Labels: , ,