Thursday, January 31, 2008

Entry for January 18, 2008
doc truyen nay sao nghe wen wen,
xin ve tu http://www.lethieunhon.com/showpost.php?id=2539
Chợ Trời phi vật thể
Truuyện ngắn của HOÀI HƯƠNG
1.
Gọi là cái quán cho có vẻ bình dân như cánh nghệ sĩ đến đây bảo thế, nhưng thật ra nó là một tiệm cà phê- bar khá lớn và đủ độ sang trọng để không làm phật lòng khách sang lẫn khách hèn. Nó nổi tiếng vì nằm kề ngay trụ sở của một Hội nghệ thuật lớn nhất nhì trong các Hội, ở thành phố cũng lớn nhất nhì nước. Những người hay tới đây tòan “tao nhân mặc khách” trong giới nghệ. Họ trình diễn bộ mặt nhân gian với đầy đủ cung bậc của những hỉ, nộ, ái, ố, ai, bi, lạc. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến khuya. Lúc nào chủ quán cũng có khách đến ngồi. Vào quán này, được cái tự do, không ai mắc mớ đến ai, và được coi đủ thứ chuyện: có mua, có bán, có vừa bán vừa mua, hệt như phiên chợ Bưởi ở đâu trên đường mang tên hùm xám Yên Thế mé hồ Tây gì đó.
Chủ quán, nhân viên đều biết thân phận của mình, tuyệt không hé răng, giả bộ như mắt nhìn mà không thấy, tai nghe mà không hiểu, lại coi khách hàng đúng như Thượng Đế. Thành thử, khách tới đây dù thân phận khác nhau, tuổi tác khác nhau, âm mưu khác nhau khi ra về đều thấy có phần hỉ hả.
Ông chủ quán lặng lẽ như tượng đá, nguyên là một nghệ sĩ thất vận, vô duyên với nghiệp sỹ, có duyên với nghề buôn, vốn liếng chữ nghĩa cũng không đến nỗi nào, hay thở dài… Những lúc như thế ông vừa lau bàn, lau đến sạch bóng mới thôi, và nghĩ về Goethe và Fauxt – linh hồn và quỷ sứ.
2.
Khuất sau bể cá cảnh, một nhóm người tòan những gương mặt nổi tiếng trong làng nghệ, hình như uống hơi nhiều nên lớn giọng, nghe thoáng tưởng cãi lộn nhau. Lộn xộn, không đầu, cuối nhưng hình như người trong cuộc cố tình.
- Sao cuộc này ông không chơi?
- Dại gì! Chơi phải cúng cho chủ xị. Có thắng cũng lỗ.
- Chú mày vào mùa được mấy “chiếu” rồi?
- Nhiều, đang cố lên 2000, lập kỷ lục.
- Thắng không?
- Chịu chơi vậy chắc ăn như bắp.
- Khó lắm. Chánh chủ khảo đang rao giá, sợ theo không kịp.
- Phù phiếm. Hão.
- Hão mà có danh. Tiền vào như nước.
- Đại lọan!
- Lọan rồi. Trường thi mà A thành B, B thành A, giám khảo mắt nhòe mắt ướt.
- Nghe nói có tay trẻ dòng dõi hòang tộc Đông A, cứng cổ lắm.
- Cứng! Được “khuyên” rồi, nhưng Chánh tổng mích lòng “sổ” , ai dám trái ý, thế là “bay”.
- Thế không nghẹn à?
- Nghẹn thế nào được. Ăn đồng chia đủ. Đòan kết nhất trí. Tôi mâm ông bát.Họng trơn tuồn tuột. Trôi hết.
- Chỉ có ông mờ mịt. Đi học khôn chút, được nhờ.
- Đến đây ngồi vài buổi “sáng” liền.
- Đây á?
- Còn chỗ nào khác. Chợ Trời phi vật thể đấy.
- Phi vật thể?
- Có ai thấy được “cháo” nhưng tiền vẫn “trao”. Không phi vật thể là cái gì.
Ông chủ quán khẽ nhếch mép nhưng cái nhếch mép vụt tắt ngay. Để rồi ông lại cầm mẫn lau bàn như một thói quen ưa thích hàng ngày hơn là công việc thường nhật. Những lúc như thế, trông ông không có vẻ ngoài chủ quán mà như một nhân viên “già” thất nghiệp làm ở quán như kiếm chút vui ngắn ngủi trên thế gian này.
3.
Họ có ba người. Một người tóc bạc, mặt hồng hào, nhìn sang trọng kẻ cả. Một người thấp lùn, ngồi cứ phải dựa ưỡn cái bụng phệ. Người kia gầy đen, mắt bé nhưng tinh ranh. Trên bàn có ba chai rượu, gu uống của họ khác nhau, một Làng Vân, một Votka Nga, một Johnny Xanh, thói quen của họ từ hòan cảnh – người học ở Nga 7 năm, người chưa bước chân ra khỏi biên giới nước Việt, người thì đi nước ngoài như đi chợ. Nhưng họ có một cái chung, cùng mang danh hiệu nghệ sĩ, cùng là thành viên cao cấp của một hội nghệ thuật, cùng có quyền sinh quyền sát trong tay.
Chúng ta phải quy ước với nhau, sòng phẳng từ đầu dễ ăn nói về sau.
Tóc bạc mở đầu câu chuyện.
Gầy đen gật gù sau khi tự rót vào chén rồi dốc tuột vào họng.
Thấp lùn cười nhạt:
- Được! Thế hai ông có mang ghi âm không đấy? Tôi phải hỏi thẳng kẻo xảy chuyện. Vụ ông họ Đỗ ăn quả đắng vừa xong đấy.
Không hẹn, cả ba cùng móc điện thọai di động, để hết lên bàn, cùng bấm tắt.
- Xong!
Gầy đen mở miệng:
- Trên cho cả trăm, không “vẽ” ra, thừa phải trả lại, phí. Mỡ tới miệng mà chê à. Hai ông tính “vẽ” thế nào? – Tóc bạc liếc cả hai.
- Vẽ để hồi sau. Bây giờ sắp xếp ai Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Lại quả sao cho đẹp.
Thấp lùn nhổm người nhỏ nhẹ
- Bằng giá trị tương đương vị trí. Nhưng các ông đã “khuyên” ai chưa?
- Rồi! Đây các ông xem. Một học trò tôi, mấy đứa kia là chỗ quen biết của hai ông. Còn một là người nhà quan đầu ngành.
Tóc bạc hạ giọng nói ra mấy cái tên.
Gầy đen lắc đầu:
- Trong này có mấy đứa tệ lắm, sợ không ổn, có người chọc vô khó xuôi. Phải làm ra vẻ công bằng, thêm vài tên nữa hợp lý hơn
Thấp lùn quay sang Tóc bạc
- Học trò ông hay học trò tôi Trạng nguyên? Còn đám Tiến sĩ, tính thêm đi, nhiều nhiều cho nó khỏi để ý. Tiền đâu phải của mình, còn được lại quả lo gì.
- Thế ông tính thêm ai? Nhưng Trạng nguyên phải là học trò của tôi, nó khá hơn so với người của hai ông. Vả lại, tôi chưa lần nào có học trò làm Trạng nguyên. Lần này để tôi.
Gầy đen lắc đầu:
- Không được. Học trò ông chưa danh phận, chân ướt chân ráo mới vào nghề. Ông cho Trạng nguyên thì sổ tọet hết cả đám danh sĩ kia, tự ái nó chả lọan lên, băm nát hết cả ba. Không khéo mất cả chì lẫn chài.
- Nhưng khổ lắm, tôi trót hứa và nhận trước một nửa rồi.
- Một nửa thì Bảng nhãn, Thám hoa, cũng danh giá kém gì. Mới chơi lần đầu cho leo cao quá không xong đâu.
- Thôi! Vào việc cụ thể. Ai nào?
- Được rồi. Tôi nhượng bộ. Hai ông lo dàn xếp Trạng nguyên. Học trò tôi phải là Bảng nhãn.
Gầy đen quay sang Thấp lùn
- Tôi nhường Trạng nguyên cho ông. Người của tôi quả là kém, thôi lấy các Thám hoa là được. Coi như xong việc lớn. Còn bọn Tiến sĩ, cũng nên cho mấy thằng “đầu gấu”, không nó kiện tụng lôi thôi, viết này viết nọ rắc rối, lại phải giải trình báo cáo phiền phức.
Vừa rót thêm rượu, Thấp lùn vừa nói
- Các ông có định cho thằng mang họ hòang tộc Đông A vào tiến sĩ không? Nhiều lần đánh trượt nó rồi. Thằng này ghê gớm lắm, không khéo nó “tương” vài quả lên báo là lắm chuyện.
- Ừ…xem xem… kể ra nó khá thật, có tài đấy. Nhưng nó cương quá, lại hay quấy đảo anh em mình xất bất xang bang. Thôi, lần này cho nó một xuất, để dán cái miệng. Coi như hi sinh chút đỉnh.
- Tính thế cũng được. Dù sao cũng phải đánh tiếng cho nó biết. Chúng ta ưu ái, giúp nâng đỡ tài năng trẻ. Nó ngọ nguậy không biết điều, thì mai này không còn cửa.
Cả ba gật gù. Xong một việc nữa.
- Cuối cùng là “vẽ”. Các ông tính thế nào? – Tóc bạc hỏi.
- Còn tính thế nào. Bày ra cho thật nhiều, lấy danh nghĩa là cho hòanh tráng, phong phú, đa dạng,… Ứ lên như bội thực thì còn phân biệt đẹp xấu hay dở thế nào được. Có thế ta mới không bị “bóc” mấy cái Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, …
Thấp lùn hào hứng.
Gầy đen ngẫm nghĩ một lúc
- Phải. Nên thế. No xôi chán chè, còn biết ngon dở ra sao mà bình với phê. Lại còn được tiếng là mở rộng khuếch trương phong trào, người người, nhà nhà, tỉnh nọ thành kia trăm hoa đua nở
- Hay lắm. Cạn chén!
- Mà này, phải thề độc đấy. Ông nào lộ thông tin bữa rượu này là “trúng gió” mà “đi”.
OK ! Tôi còn yêu đời lắm. Cuộc đời thật đẹp. Nào cạn chén.
- Khoan đã, theo ngu ý của “thảo dân”, nhân đây bắt bọn Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa phải bù thêm một chuyến đổi gió cho bõ …
- Rồi – Chén cuối cùng – Cạn.
Họ kêu nhà chủ tính tiền, cả ba móc ví trả phần rượu của mình. Mỗi người hướng về một phía. Họ không ngờ ở một góc khuất gần kề đó, sau một chậu cây cảnh lùm xùm, có một người vô tình ngồi và nghe không sót chữ nào cuộc “mật đàm” của ba người kia. Anh chính là người được họ nhắc tới – người mang họ Hòang tộc Đông A.
Sau khi ba người ra về, anh cũng kêu tính tiền và rời quán. Môi anh thóang một nét cười trên gương mặt lạnh.
Ông chủ quán vừa lau bàn vừa ngó lên trần nhà, nơi con thạch sùng cứ tối đến là tặc lưỡi tiếc nuối.
4.
Anh được thừa hưởng nét tài hoa sắc sảo của người mẹ, tính cách ngay thẳng nghiêm cẩn của người cha, truyền thống thanh bạch của cả họ nội, họ ngọai. Dù còn rất trẻ, anh đã có chút ít tiếng tăm về tài năng và sự thẳng thắn trong giới nghệ sĩ. Đó cũng như cái mầm họa cho anh khi xung quanh tòan những kẻ bất tài vô dụng song lại hay ghen ghét, khích bác, xoi mói, xu nịnh, “thượng đội hạ đạp”, cho nên anh luôn lao đao lận dận trong công việc, trong sự nghiệp.
Anh hay ghé vào cái quán này, khi thì một mình, khi thì với mấy người bạn, ít nói, chỉ ngồi nghe. Anh cũng không tò mò để ý những câu chuyện ở xung quanh, vì nghĩ nó chẳng liên quan đến mình.
Bữa nay thì khác. Vô tình anh đã nghe được hết câu chuyện của ba vị chức sắc nọ, càng nghe anh càng thấy phẫn nộ, có lúc tưởng như không kìm chế được. Lâu nay anh đã nghe râm ran nhiều lời đồn chuyện nọ chuyện kia, nhưng anh không tin. Người ta ở địa vị đó đáng gì phải làm ba cái chuyện đó, hèn người đi.
Nay anh ngẫm lại bản thân. Đúng là có nhiều sự việc rất vô lý đến anh, nhưng anh cho đó là ngẫu nhiên.
Không chỉ một lần, qua thông tin bạn bè anh biết mình là người chiến thắng, thế nhưng đến khi công bố, tên anh hoặc đứng hàng cuối cùng, hoặc bị lọai ra. Anh cứ nghĩ chắc tại mình kém, thiếu sót gì đó, tự nhủ lần sau sẽ cố gắng hơn. Lần khác, anh được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao và chọn anh làm đại sứ đem chuông đi ứng thí tài năng với các xứ khác, anh đem vinh quang về, nhưng anh lại thảm bại tại xứ mình với lời phê “Không thích hợp”?!
Có lần nghịch chơi, anh đổi tên khác đi thi, không ngờ anh đậu thủ khoa, khi xướng tên, thấy anh, cả Hội đồng mắt tròn mắt dẹt nhìn anh như vật thể lạ. Họ bắt anh đưa bằng chứng gốc. Rất minh bạch, và luật cho phép lấy bất kỳ tên gì. Danh sách đã được công bố cho các cơ quan truyền thông nên không thể thay đổi.Cũng từ lần đó, anh không có duyên với chiến thắng. Bây giờ thì anh hiểu.
“Một con én không làm nổi mùa xuân”, nhưng chỉ cần một viên sỏi nhỏ, mặt nước sẽ gợn sóng.
5.
Tất cả đã ngà ngà say, nên không còn ý tứ, không còn giữ gìn, ồn ào lộn xộn tiếng nói tiếng ly chén chạm nhau. Hai cái bàn ghép lại, hơn mười người, không ai là người lạ ở quán này. Họ đều có danh có tiếng.
- Cạn!Rót thêm…Các cậu đã thỏa mãn thì nên tính tóan cho đẹp với đàn anh…
- Dạ… Bọn em sẽ chung đủ.
- Đủ là thế nào… Còn cái vụ đổi gió?
- Dạ…Nhưng…
- Sợ thiệt à? Bảng vàng ghi danh báo chí đăng tên ầm ầm không cần quảng cáo, thiên hạ ùn ùn kéo tới. Tha hồ hốt bạc gấp hàng chục hàng trăm. Các anh đây chỉ có một lần. Các cậu ăn dài dài. Chả mấy chốc thành đại gia.
- Dạ… Các anh thích chơi kiểu gì, ở đâu để chúng em hầu.
- Chỗ nào xa, cảnh đẹp, du lịch sinh thái, mà đừng quên món “chân dài” kèm theo. Đảm bảo I dô nhé!…
- Thôi… Mấy anh có cái hẹn. Các cậu ở lại chơi.
Ba, bốn người đứng lên, ra cửa, ông chủ quán còn nghe được một câu : “Phải tranh thủ “đào” bọn nó. Năm tới chúng ta chắc gì ngồi được mâm này. Đang có mấy tay bắn tin nhòm ngó, nghe nói nặng “đô” lắm. Lại thêm bọn báo chí lèm bèm đòi thay đổi thành phần”.
Bên trong cuộc bia rượu vẫn tiếp tục có phần sôi động hơn, lời lẽ trần tục, không kiêng dè, trôi chảy theo rượu bia.
- 20 triệu một xuất, lại còn “du” với “hí”, lắm trò khỉ
- Được cái danh thơm còn muốn gì. Cả nước chỉ có một. Còn hơn trúng số độc đắc.
- Chưa thấy tài lộc đâu, chỉ thấy hết tiểu hao rồi đại hao.
- Đừng chạy, đừng mua, đừng nhận. Giờ lại than.
- Cái cậu họ Hòang tộc Đông A thế mà gan, khâm phục.
- Hình như có chuyện, chứ không dưng trả lại cái Tiến sĩ khối người mơ.
- Có nghe lúc đó cậu ta nói không, “Tôi xin cảm ơn. Nhưng đây là sự đánh giá tài năng thực chất. Không phải ban ơn hay ân huệ cho bất kỳ cá nhân nào ở một người nào”. Biết đâu cậu ta “ngửi” thấy mùi gì. Cậu ta nổi tiếng trong làng là thính mũi và thẳng thắn, không sợ ai.
- Chuyện gì. Các ông ấy bao sân kín kẽ hết. Sao mà hở được.
- Nhiều chuyện… Uống…Chết mấy ông đó. Chết gì mình. Các ông đi đêm có ngày gặp ma. Ông này xuống, ông khác lên. Tiền ai không mê. Lo gì không có cá cắn câu..
- Này, thật 100%. Một lần anh Cả đi chơi quịt tiền gái, bị gái thu quần dọa điện thọai về nhà cho vợ. Phải cầu cứu tôi đến giải vây. Em cầm tiền, phán một câu xanh rờn : “Nghệ sĩ mà bẩn hơn điếm”.
- Đi chơi gái mà không đem tiền theo à.
- Ngu vừa thôi. Ví mấy lão này chỉ có danh thiếp dày cộp. Ra vẻ nghệ sĩ nghèo túi không ví rỗng. Hết bao nhiêu có đệ tử thanh tóan. Bữa đó chắc đệ tử biến đâu, nên gặp nạn.
- Ôi! Chuuyện thường hàng xã. Tôi đây chứng kiến nhục quốc thể không biết giấu cái mặt đi đâu.
Một lần được tháp tùng ngài chuyến xuất ngọai. Ăn buffet sáng, ních bụng căng đến phải nới thắt lưng, vậy mà còn lấy một đĩa bánh đầy tú hụ trút hết vào túi xách. Nhân viên nhà hàng thấy, đề nghị bỏ ra…Không đỏ mặt mới hay, lại còn cười “tớ thấy nhiều, phí quá”. Đúng là “bó tay chấm com”.
- Kể hết chuyện ngàn lẻ thêm hai đêm cũng không đủ. Mà sao họ bền thế nhỉ. Như bê tông, cốt thép.
- Thế mà cũng hỏi. Có dưới phải có trên. Dây mơ rễ má nhùng nhằng bứt không đứt được.
- Uống tiếp đi…Cạn…Vòng cuối rồi rút. Mai chiến đấu bù hao hụt.
- Nào…100%. Chúc các đại gia tương lai. Chúc thành danh thành tài. Chúc 1700 show. Chúc kỉ lục Guinness. Chúc vua không ngai. Chúc…Chúc…
Chủ quán trầm ngâm. Đời là một cái chợ lớn, mà quán mình là một cái chợ nhỏ.
6.
Ba gương mặt quen thuộc hoan hỉ bước vào quán. Vẫn cái bàn cũ. Họ bắt tay nhau vồn vã.Cùng kêu rượu mỗi người một gu riêng. Votka-Làng Vân-Johnny Xanh.
- Chà! Sướng quá. Đời phải có lúc hưởng thụ. Làm Thượng Đế thật đã. Hai ông đi đâu?
- Lên rừng.
- Xuống biển.
- Chưa khi nào tận hưởng đến bờ đến bến như lần này. Đàn em khá lắm, biết chiều lòng đàn anh.
- Nên cho bọn nó thêm một lần làm cú đúp. Hưởng 200%.
- Ta cạn… Đời thật đẹp…Không tranh thủ thì phí.
- Sắp có một cuộc chơi nữa đây. Có tài trợ ngọai, ấm lắm.
- Tính sớm đi, kẻo thằng khác nhảy vào hớt tay trên.
Có tiếng chuông điện thọai. Cả ba cùng nhổm người sờ túi quần, móc điện thọai ra. Điện thọai của Tóc bạc.
- Nói to lên, đang trong quán ồn quá. Cái gì…Tin gì…Không biết anh mày có bao giờ nhìn tới vi tính, in-tơ-net mà hỏi. Sao… đúng không… mau đem tới đây.
Tóc bạc mặt tái nhợt, trán đẫm mồ hôi, tay run run bỏ điện thoại xuống bàn, thì thào như hụt hơi.
- Đại họa rồi…
Thấp lùn, Gầy đen cùng một lúc
- Chuyện gì thế…
- Đại họa rồi…Sắp chết rồi… Thằng đệ tử nói, trên mạng tường thuật chi tiết cuộc gặp của ba chúng ta hôm trước về vụ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa…Ai trong hai ông? Không phải tôi…
- Tôi thề cả sinh mạng. Không phải tôi.
- Không phải tôi
Một dáng người tất tả, vội vã bước vào, ngó dáo dác, nhìn thấy ba người đang vò đầu bứt tai… Đi nhanh tới, chìa xấp giấy.
- Đây anh xem…Em vừa in trên mạng.
Cả ba vội vàng móc kính, dí mắt đọc…như đánh vần từng chữ. Được một lúc, cả ba buông giấy buông kính ngồi thừ ra, mặt lúc xanh tái, lúc đỏ, có lúc lại trắng bệch. Những sung sướng hả hê ban đầu giờ nhường cho không khí nặng nề muốn nín thở.
Tóc bạc sau một hồi im lặng, riết róng
- Hôm đó chỉ có ba ta, tại sao họ lại biết. Mà còn đủ chi tiết đến từng câu từng chữ từng người. Hay hai ông có ông nào để máy ghi âm trong người. Tính chơi nhau, triệt nhau…Sắp bầu bán nhiệm kỳ mới mà…
Gầy đen bình tĩnh hơn
- Khoan đã. Ba người chúng ta từ lâu nay “ăn đồng chia đủ”, không làm chuyện đó để giết nhau. Có giết cũng là giết mình. Xem lại hôm đó mấy bàn cạnh ta có ai…
Thấp lùn hùa vào
- Ta hỏi chủ quán, quen mặt khách. Nhưng mà đông thế lại cách mấy tuần rồi, sao nhớ được.
- Bây giờ có tìm ai cũng khó. Mà tìm làm gì. Vỡ chuyện rồi. Giết nó à. Đừng cãi nhau nữa. Tính thế nào đây?
- Tính gì?
- Cãi không có? Im lặng? Im mà được à. Báo chí nó rùm beng lên, rồi ở trên chỉ xuống bắt trả lời.
- Các ông lo gì. Bằng chứng đâu? Mấy thằng kia dại gì khai tôi bỏ tiền mua danh… Ta cứ nói.Chúng tôi làm đúng quy trình, bảo đảm quy chế bảo mật, công bằng, không có gian lận… Thiếu gì việc to hơn Trời mà còn giấu được còn trôi hết. Chuyện này nhỏ, phong trào mà, đâu quan trọng gì…Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn. Thôi thì bỏ ra một ít hầu mấy anh trên…Sẽ ổn thôi.
- Ông lạc quan quá. Nếu họ không chịu, nhân vụ này hất anh em ta xuống, đưa người của họ lên. Ghế này nhiều người nhăm nhe, rình rập lâu rồi…
- Không khéo, họ lật lại mấy đợt trước…Phen này “xong phim” mất!
- Mẹ kiếp, nhức cả đầu. Thôi “trí tuệ tập thể” đi. Thêm ba chai nữa ông chủ ơi.
7.
Chỗ cái bàn ấy có ba người. Họ đang hào hứng vui vẻ chúc tụng nhau.
- Một lão “quy tiên”, một lão bán thân bất toại sau cơn tăng xông, một lão lảm nhảm suốt ngày nửa ngây nửa dại. Chẳng tốn tí công nào mà được. Đúng là trò chơi tạo hóa! Cơ này là Trời cho chúng ta.
- Cụng…100%. Này, có một dự án mới “thơm” lắm, cả nội-ngoại kết hợp, tha hồ cho chúng ta sắp đặt.
- Thế thì lên kế họach ngay, cờ đến tay, chậm là hỏng.
- Nhưng mà sao tôi thấy sợ…gương ba ngừơi tiền nhiệm… hãi quá.
- Sợ gì? Họ “rắn” và tham quá nên phải trả giá. Ta phải “mềm dẻo” hơn. Ngọt với báo chí, “lộc bất tận hưởng”. Rồi các ông xem, mọi chuyện êm thôi.
- Cứ thế mà làm. Rồi sẽ đâu vào đó.
- 100%... Cái quán này hay thật
Ông chủ quán thở dài…Goethe có sống dậy, ông dám cá cược cả cái quán này, ông ta sẽ viết một tác phẩm còn hay hơn cả Fauxt. Con thạch sùng trên trần kêu “chách”, “chách”!
Tags: chợ trờiphivậtthể Edit Tags
Friday January 18, 2008 - 10:21am (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments

Labels: ,

Entry for January 25, 2008

Vua thay mat ong Truc Nhat Phi do, chua kip tra loi, da bi bien mat roi.
Chua kip lam hanh dong chom chia vai entry cua ong, chi kip chop duoc mot bai thoi
Thư ngỏ...

Thảo dân Trục nhật phi rất run rất sợ dâng lời xin Hữu Thừa tướng Học bộ Thượng thư Nguyễn công đại nhân ra ơn trước án tạm ghé mắt xanh. Thường nghe Văn chương có quan hệ đến thế giáo, khoa cử cốt chọn lựa kẻ hiền tài. Cái gọi là văn chương đây tức học vấn hữu dụng, cái gọi là hiền tài đây tức trí thức thực sự. Dân không có học vấn hữu dụng ắt nghèo, nước không có trí thức thực sự thì yếu. Sở dĩ xưa nay lịch triều chư quốc đều coi trọng việc học, đề cao người thầy, chính vì học vấn là cái người đời không thể thiếu. Người thiên tư tầm thường thì cần có học vấn để mưu sinh, kẻ chí khí hơn đời thì muốn có học vấn để giúp nước. Cho nên xưa nay lịch triều chư quốc phần nhiều đều đặt ra Học bộ chủ trì việc văn chương khoa cử, coi trọng Học chính không kém việc quốc kế dân sinh, không phải là điều viễn vông đâu. Nhiều năm trước học chính rối ren, học quy be bét, sư đạo ngày càng sa sút, sĩ phong ngày càng suy vi, những người có học có lòng trong nước đều vỗ ngực giẫm chân, mong nếu không có bậc tôn sư Thái sơn Bắc đẩu thì cũng có kẻ đại thần rường cột quốc gia đứng ra chủ trì chấn hưng học chính, sửa sang học quy, thay đổi học phong, xiển dương học nghiệp, ngõ hầu bước vào thời hội nhập thì người học nước Việt có ngày rạng mặt với liệt quốc Á Âu. Cho nên nghe đại nhân tuổi vừa tri thiên mệnh, học vấn tới mấy bằng, ra giữ chức Thượng thư Học bộ, kế phong Hữu Thừa tướng, danh nghĩa chỉ là Tá nhị cho Thừa tướng nhưng sự thật là người chủ trì việc tư văn trong nước thì bất kể nam phụ lão ấu ai cũng nhón chân rướn cổ hướng về, người có lòng thì mong đại nhân đáp ứng nỗi lòng, người có học thì chờ đại nhân thi thố sở học. Không chỉ những người có học có lòng, mà cả nông phu ở thôn quê, dân nghèo nơi chợ búa cũng đều hớn hở đập tay lên trán nói với nhau rằng “Con em chúng ta sắp không phải học thêm tối mắt tối mũi mà vẫn có thể là con ngoan trò giỏi rồi, chúng ta sắp không phải è cổ ra nuôi báo cô đám thầy bà vừa dở với dơ rồi”, không biết có thật không nhưng thảo dân nghe đồn thế cũng trộm lấy làm vinh diệu thay cho đại nhân. Còn bọn Thạc sĩ chạy chọt xin điểm, đám Tiến sĩ lo lót mua bằng nghe tới đại danh của đại nhân đều mắt hoa đầu váng, tim đập chân run, hối hận ngày xưa trót dại đi tắt mua danh, lại oán trách cha mẹ bạn bè vợ chồng đã không can ngăn còn góp sức giúp tiền cho mình làm bậy, không ai bảo ai mà cùng soạn rương lục tủ lấy tấm bằng tậu được ra ứa nước mắt ngắm nghía rồi thở dài gói lại cất riêng, phòng khi Học bộ có lệnh kiểm tra trình độ thì mang nộp lại ngay để còn được tiếng thành thật khai báo, không biết có thật không nhưng thảo dân nghe đồn thế cũng trộm lấy làm hãnh diện thay cho đại nhân. Phàm trò ngu thương trò giỏi kính là thầy giỏi, dân lành thương dân gian sợ là quan giỏi, đại nhân mũi dùi vừa ló ra khỏi túi đã khiến học giới xôn xao, lòng người náo nức, há chẳng phải là điềm cát tường của học chính học quy, học phong học nghiệp nước nhà ru? Nhưng trong thiên hạ những điều không được như ý, mười phần vẫn có tới bảy tám. Đại nhân từ khi ra coi việc học chính chắc cũng lao tâm khổ tứ không ít, nhưng việc có khi khó vì việc, có khi khó do người, có khi khó bởi mình. Những chuyện khó vì việc, khó do người theo lẽ cũng là trách nhiệm của đại nhân, nhưng học chính của nước như người bệnh nhiều năm, khí suy tinh kiệt, không phải một thang thuốc một mũi châm mà có thể vãn hồi nguyên khí, hồi phục mười phần, việc học chính lại đa đoan nhiều mối, giáo pháp giáo thư, học quy học cụ, ban bệ nhân sự, phòng ốc học đường, đám chuyên viên ăn hại làm bậy khó trừ, bọn giáo viên bất tài ít đức khó trị, thiên hạ có người vì nôn nóng việc chung lại không xét hết chỗ khó của đại nhân nên có khi chỉ trích quá lời, nghĩ chắc đại nhân có thể bao dung không chấp. Nhưng có những việc rất giống như đại nhân tự làm khó mình, thảo dân tối tăm không sao hiểu nổi, mạo muội nêu ra ở đây, mong đại nhân rộng lòng dạy bảo cho kẻ ngu hèn, cũng để dập tắt những lời đàm tiếu của người thiên hạ. Trang web này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức thuộc quyền kiểm soát của đại nhân. Việc thuộc viên chào mừng thượng cấp mới vốn là điều lễ nghĩa giao tế thông thường, không có gì đáng nói. Nhưng có hai ý kiến, một của nguyentatson xem tướng cho đại nhân nói ngài tướng mạo oai phong, sự nghiệp thăng tiến post ngày 15. 7. 2006, một của acqua nói nếu ngài làm Thừa tướng thì tốt hơn post ngày 28. 6. 2006 lại là chuyện không thể không bàn. Trước hết hãy nói tới chuyện xem tướng. Mệnh vận vốn có chuyện biết trước được có chuyện không biết trước được, nên tướng số cũng có chỗ tin cậy được có chỗ không tin cậy được. Nhưng thánh hiền quân tử, anh hùng hào kiệt xưa nay phần nhiều đều chỉ trích phê phán thuật tướng số, vì sao như thế? Đó là vì nhỏ thì sợ người thiên hạ lười biếng rông càn ôm lòng cầu may mà không lo làm tròn bổn phận, lớn thì sợ đám gian dân lợi dụng thuật số mua danh cầu lợi mà có chỗ làm hại kỷ cương. Thật ra đám hàn sĩ như thảo dân có khi cũng đùa gieo quẻ Dịch, nghịch bấm nhật thần tự xem cho mình, có khi đúng cũng có khi không đúng, nhưng vốn không phải người trong quan trường, cũng không khinh suất bàn bừa số mệnh của ai, càng không dựa vào đó kiếm hớp nước miếng cơm, thì cho dù ngu muội tối tăm cũng không hại gì tới nhân tâm quốc pháp. Nhưng đại nhân đứng đầu Học bộ lại công nhiên để người ta xem tướng xem số cho mình ngay trên trang web của bản ty, là muốn được tiếng có phúc tướng chăng, hay muốn được tiếng có hạnh vận chăng? Nghe nói quân tử cầu họa không cầu phúc, anh hùng cầu công không cầu danh, đại nhân vừa thượng nhiệm đã có người đem thuật tướng số tới bàn chuyện họa phúc công danh, là đùa cũng được là thật cũng được, nói đúng cũng được nói sai cũng được, theo lẽ đều phải nghiêm lời từ tạ răn bảo, ra lệnh cho thuộc cấp xóa đi lập tức mới đúng với đạo Hết sức người để biết mệnh trời. Nay đại nhân lại như không thấy không nghe, nếu ngày khác có kẻ hiếu sự hay ác ý bàn nhảm nói bừa về tướng số của đại nhân thì danh suông chưa có mà họa thực đã gánh, ít thì mang tiếng cho mình, nhiều thì mang nhục cả bộ, với chính giáo thì gây hại thế nào, với sĩ phong thì ảnh hưởng thế nào, người thân mang trọng nhiệm như đại nhân tại sao không nghĩ tới việc ấy, đó là một điều thảo dân không sao hiểu được. Thứ nữa xin bàn tới việc Thừa tướng. Chức vụ này qua lịch triều có điểm khác nhau, nhưng tóm lại đều là đứng đầu việc hành chính trong một nước, thăng giáng quan lại, bổ nhiệm công khanh, cất nhắc kẻ hiền tài, đè nén bọn gian nịnh, trong thì xem thế nước mà điều chỉnh việc nội trị, ngoài thì nhìn lân quốc mà hoạch định việc ngoại giao, chức trách lớn lao, công việc nặng nề, không phải là kẻ tầm thường có thể gánh vác được. Vẫn biết các bậc đại quan đương triều phần đông đều tài đức song toàn, nhìn xa thấy rộng, thanh liêm mà kín đáo, sáng suốt lại đồng tâm, với nước ngoài thì rất mực lễ nghĩa tín thành, với thuộc cấp thì rất mực khoan dung độ lượng, kẻ giữ được chức Thừa tướng không phải một ngàn cũng là chín trăm, tiếc là ngôi cao lại chỉ có một. Đại nhân vinh thăng Hữu Thừa tướng ngày 2. 8. 2007, sau khi ý kiến của người kia post lên hơn một năm, đúng là tiếng ứng cùng ý triệu, người thuận thì chức thăng, vốn là điều hay, không phải chuyện kém. Người xưa có câu Qua điền bất nạp lý, Lý hạ bất chỉnh quan (Trên ruộng dưa không sửa giày, Dưới cây mận không sửa mũ), là có ý nhắc nhở bậc quân tử cư xử phải tránh sự hiềm nghi, còn đại nhân không thèm câu nệ tiểu tiết như hạng tầm thường, dám nhận lời khen trước vì tin sẽ vinh thăng sau, riêng một khoản hùng tâm ấy đã đủ cho người thiên hạ bái phục tới mức tứ chi mọp đất, không cần tới hạng thảo dân rườm lời. Có điều tuy người quân tử gặp điều nhân không nhường, nhưng đại nhân vừa vinh thăng Thượng thư là có người nói lẽ ra phải giữ chức Thừa tướng, đại nhân không sai thuộc cấp xóa đi lập tức hẳn vì tự thấy là đúng, thảo dân cũng nghĩ có khi đúng thật nên không hề áy náy về đức sáng khiêm cung liêm sỉ của đại nhân, chỉ là trộm băn khoăn thay đại nhân về việc đối xử với đồng liêu, quan hệ với thượng cấp. Đương kim Thừa tướng còn sống giữ chức mà tỏ ra mình có thể thay chức, thì chí nguyện thế nào? Sau khi được vinh thăng Hữu Thừa tướng vẫn giữ không xóa đi, thì tâm cơ thế nào? Những kẻ tiểu nhân sợ thiên hạ không đại loạn sẽ đơm đặt thế nào? Những bậc chí sĩ sợ triều đình không hòa thuận sẽ lo lắng thế nào? Bọn chống Cộng lưu vong không quên việc phá rối sẽ tuyên truyền thế nào? Đám ngoại nhân cậy mạnh không bỏ qua cơ hội sẽ lợi dụng thế nào? Đại nhân giữ hàm Hữu Thừa tướng nhưng còn là Thượng thư một bộ, các viên Tá nhị trong bộ thấy thượng cấp như thế sẽ tôn kính đại nhân thế nào, noi gương đại nhân thế nào? Người giữ chức Tá nhị của nước như đại nhân tại sao không nghĩ tới việc ấy, đó là hai điều thảo dân không sao hiểu được. Thứ ba là chuyện phát biểu hay nói chính xác là đối xử với người thiên hạ. Trong cuộc họp báo ngày 30. 8. 2007 đại nhân đã phát biểu vài câu mà sau đó ngoài Sài Gòn giải phóng có những báo khác cũng trích đăng. Nhưng vài hôm sau, đại nhân lại gửi thư cho ông Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng đề nghị cải chính và xử lý phóng viên đưa tin sai, trong có đoạn "...Tôi, Nguyễn Thiện Nhân, không thể là người thiếu lý trí và lương tâm tới mức đã phát biểu như báo đã trích dẫn". Thật ra lương tâm thiếu hay đủ vốn là chuyện không thể đánh giá qua ngôn ngữ, bởi như một câu nói tuy cũ mà vẫn đúng, Ngôn ngữ được tạo hóa ban cho con người để họ che giấu tình cảm. Nhưng lý trí thì phải gắn chặt với ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Sau đây là một đoạn có liên quan trong blog của Um A Hum (thảo dân chỉ sửa lỗi chính tả còn thì giữ đúng nguyên văn của y, kể cả đoạn y tô đỏ để đại nhân thưởng lãm. Trong trường hợp thấy phải xử lý y theo Luật Blog vì đưa tin sai, đại nhân chỉ cần ra lệnh một tiếng, thảo dân xin chuyển lời tới cộng đồng blogger ngay lập tức).
"Trong bản tin Thường trực Chính phủ đối thoại với thanh niên Việt Nam do VTV1 phát lúc 19h ngày 20. 12, có đoạn như sau (nguyên văn nghe từ VTV1): Anh thanh niên Nguyễn Cao Lễ (TPHCM) đặt câu hỏi : "Hiện nay vấn đề an toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc và cấp bách. Trong thời gian tới nếu Đoàn Thanh niên xây dựng một đề án cụ thể thì chính phủ có tạo điều kiện, tạo cơ chế và kinh phí đủ mạnh để cho Đoàn Thanh niên và ủng hộ Đoàn Thanh niên tham gia vấn đề này hay không?". Và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: "Cứ 45 phút, khi chúng ta kết thúc 1 tiết học, thì trên đất nước này lại có 1 người chết vì tai nạn giao thông, liên tục từ mồng 1 tháng giêng tới 31 tháng 12. Nếu các đồng chí có dự án chứng minh được rằng: mình tiêu số tiền này vào việc này, nhưng mà tiết kiệm được sinh mạng thiệt hại, tiết kiệm được tai nạn hơn rất nhiều, và không có phương án nào hơn phương án đó, thì chắc là chính phủ sẽ ủng hộ và cấp chi phí để làm cái đó...". Nghe đến đây, Um này hoảng quá, bèn Highlight một đoạn 12 chữ của Phó Thủ tướng để minh họa về năng lực ngôn ngữ của một người Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Phó Thủ tướng nước nhà!". Thật ra blogger Um A Hum cứ thích chê bai người khác, chứ theo thiển ý của thảo dân thì 12 chữ nêu trên nói chung và 5 chữ Tiết kiệm được tai nạn nói riêng vẫn hoàn toàn chính xác về mặt ngôn ngữ chứ chẳng có chỗ nào tỏ ra kém năng lực cả, nó chỉ phi lý về mặt ý nghĩa, tức không phù hợp chút nào với tình cảm và lý trí cần có của một người đang đứng về phía chống lại tai nạn mà thôi. Tới đây, chắc đại nhân cũng thấy lá thư nói trên chỉ xuất phát từ chỗ thể diện suông, nói ít văn chương là sĩ diện hão. Con người ai lại không có lúc sai sót lầm lẫn, thánh hiền xưa cũng nói có lỗi thì nhận, biết lỗi thì sửa... Nói cho công bằng thì phương án tăng học phí cũng là một trong những cách giải bài toán giáo dục nước nhà, đại nhân đã nghĩ ra thì cho dù có sai cũng vì chức trách mà giải sai chứ không phải không chịu giải. Có điều đại nhân nói xong nghe dư luận phản hồi lại thấy mình có lỗi, không kiên quyết giữ ý kiến tới cùng là quyền đại nhân, nhưng sợ có lỗi nên không nhận là mình đã nói, còn khẳng định mình không thể mắc lỗi, hăm dọa phóng viên, coi thường báo chí, khích nộ dư luận, làm trái lương tâm, thì hình ảnh trong con mắt quốc dân sẽ như thế nào, tiếng tăm trong dư luận xã hội sẽ như thế nào, người đã qua tuổi tri thiên mệnh như đại nhân tại sao không nghĩ tới việc ấy, đó là ba điều thảo dân không sao hiểu được. Nhưng trên đây chỉ là những chuyện vành ngoài, sau đây xin thưa về chương trình phát triển giáo dục nước nhà của đại nhân. Nước ta từ 1975 rồi từ 1986 trở đi luôn luôn đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, việc học chính hoàn toàn nằm trong tay nhà nước thì chuyện bị động tự nhiên khó mà tránh khỏi, các vị Thượng thư đại nhân tiền nhiệm không thi triển được tài năng không phải không có lý do. Đến lúc đại nhân thượng nhiệm thì cội nguồn khó khăn tuy đã lộ ra nhưng thói đời đã thế, mối tệ đã sâu, nhất thời cũng khó có thể xoay trời chuyển đất. Nhưng muốn lúa tốt phải trừ cỏ dại, kẻ thức giả đều thấy chính hệ thống giáo dục có nhiều vấn đề, thảo dân tối tăm nên chỉ xin nêu qua ba điểm. Trước hết, nhìn lại lịch sử nước Việt ta thì lúc đầu việc học cũng ít nhiều do tôn giáo đảm nhiệm, nhưng về sau đạo đời chia tách, nhà nước tam giáo hòa đồng chuyển qua nhà nước thế tục Nho giáo, cái học Nho gia trở thành chủ thể, tách giáo dục ra khỏi tôn giáo, đó là một bước tiến. Đến thời Pháp thuộc, mặc dù người Pháp chỉ cốt đào tạo cán bộ người bản xứ phục vụ cho họ, nhưng cái học phương Tây hiện đại tách giáo dục ra khỏi chính trị, đó lại là một bước tiến, nên đến 1945 khi Việt Nam dân chủ cộng hòa lập quốc nước ta mới có một đội ngũ trí thức đủ mạnh để kháng chiến thành công. Từ 1954 đến 1975 do chiến tranh nên hệ thống giáo dục ở miền Bắc phải hoàn toàn gắn liền với chính trị, âu cũng là chuyện Không biết làm sao, từ 1975 đến 1985 thì quán tính bao cấp thời chiến vẫn còn, hệ thống giáo dục tự nhiên cũng phải phát triển trong khuôn khổ của hệ thống chính trị, khoa học kỹ thuật phải theo kịp nhu cầu kinh tế của xã hội còn khá chứ khoa học xã hội thì khiếm khuyết nhiều bề. Nhưng khoa học xã hội là công cụ của việc quản lý xã hội ở cấp vĩ mô, mà trí thức Việt Nam từ 1975 đến nay phần lớn do chính quyền đào tạo, phần lớn do chính quyền sử dụng, tính năng động trí thức không cao, khả năng thích ứng xã hội cũng thấp, thời bình còn có thể miễn cưỡng làm tròn phận sự công chức thừa hành, nhưng gặp lúc thiên hạ có biến thì làm sao có hùng tài đại lược để định quốc an dân, kinh bang tế thế? Ngay các nhân vật đứng đầu chính giới Việt Nam sau khi Đông Âu sụp đổ từ 1990 – 1992 trở đi cũng một đời lại kém hơn một đời, trong đó có nhiều lý do nhưng cũng có phần do sự khiếm khuyết tiên thiên trước đó của nền học chính nước nhà, đại nhân muốn cải cách việc học sao không xét tới chỗ ấy? Nói cho công bằng thì chuyện này không phải quyền hành một viên Học bộ Thượng thư mà có thể giải quyết, nhưng lời nói việc làm của ngài trước nay đều không mảy may liên quan tới điều đó, đủ thấy chương trình hành động của ngài giống như bỏ qua căn bệnh trầm kha trong gan ruột mà chỉ lo chuyện ghẻ lở ngoài da. Thứ nữa, do phát triển trong khuôn khổ chính trị nhiều năm, học chính nước ta cũng bị chính trị hóa khá sâu, tư tưởng giáo dục chỉ hướng tới các mục tiêu gần, chiến lược giáo dục thì càng không có gì mà nói, từ 1986 trở đi chủ yếu chỉ là triển khai nghị quyết, chấp hành chỉ thị, nghị quyết thay thì chiến lược đổi, bốn năm năm có một nghị quyết mới, học sinh học hết phổ thông ít thì hai lần, nhiều thì ba lần gặp dịp thay đổi điều chỉnh chiến lược, giáo viên cũng thế, giáo trình giáo pháp cũng thế. Mà các Học sĩ soạn sách giáo khoa cứ sợ học vấn của mình không được con em trong nước biết tới nên ra sức trình bày sở học, chỉ hận không thể nhồi nhét nhiều hơn, các doanh nhân sản xuất sách giáo khoa một mình một chợ không sợ ế hàng nên năm nào cũng tân trang hàng cũ đổi bao bì mới, người buôn sỉ kẻ bán lẻ đồng lòng, nên chiến lược đổi một thì sách học đổi mười, cái gì cũng có mà không cái gì tới chốn tới nơi, kiến thức của trò, cách dạy của thầy đều thành hủ bại. Bộ máy giáo dục bị hành chính hóa cứng nhắc nên từ trên tới dưới, kể cả nhiều giáo viên đứng lớp đều hành xử theo lối công chức ăn lương, lương không đủ sống thì làm thêm, làm thêm không có lợi thì làm bậy, làm bậy sợ mang tiếng thì nhân danh nghề nghiệp, nhân danh tổ chức rồi tiến tới lợi dụng quyền lực, thỏa thuận tập thể để làm, dạy thêm thu phí, bán điểm buôn bằng, năm nào cũng lộ đề thi, nơi nào cũng có tiêu cực. Trên không ngay thì dưới ắt loạn, thậm chí còn vòi nhậu gạ tình, Gỗ mục trước rồi mọt sinh sau, đến nỗi theo chỉ tiêu thành tích. Thêm người trong nước nhiều kẻ nôn nóng không phải lối về sự học vấn của mình hay con em, có tiền thì muốn có danh, không tiền thì muốn có bằng, nên trường học chia hạng giàu nghèo còn thi cử thành việc mua bán. Bộ máy giáo dục như thế thì làm sao đào tạo được nhân tài hay lương dân, đại nhân muốn cải cách việc học sao không xét tới chỗ ấy? Đúng ra trong một bài phát biểu đại nhân cũng từng đề cập tới một số trong những tiêu cực nói trên, nhưng lại lập luận khá kỳ lạ "Nếu cứ tiếp tục chấp nhận tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích thì sẽ còn cung cấp cho xã hội ngày càng nhiều người tốt nghiệp trung học nhưng không đủ năng lực, phẩm chất làm người. Thanh niên tốt nghiệp trung cấp, Cao đẳng, Đại học nhưng không có năng lực hành nghề, kiếm sống nuôi mình và thúc đẩy xã hội phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta gây ra bốn lãng phí: lãng phí tuổi học trò và cuộc đời các em, lãng phí công sức tiền của của cha mẹ, lãng phí công sức thầy cô và nhà trường, lãng phí đối với đất nước vì nguồn tài nguyên lớn nhất và quý nhất của chúng ta là nguồn nhân lực. Đồng thời sẽ gây nên bốn sự suy thoái: suy thoái đạo đức của các em, của phụ huynh, của thầy cô giáo và của cán bộ quản lý nhà nước ngành giáo dục". Ai cũng thấy tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích không chỉ là vấn đề đạo đức, mặt khác là kết quả chứ không phải nguyên nhân của việc suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay. Đại nhân lại lấy quả làm nhân, coi ngọn là gốc nên giải pháp đưa ra tự nhiên là đối phó mà chắp vá, trước chỉ Nói Không Với hai nay đã phải Nói Không Với bốn, mà theo tình hình này thì không khéo sẽ còn phải Nói Không Với nhiều cái khác liên quan với hoạt động của Học bộ, ví dụ Nói Không Với nói cho oai, Nói Không Với nói mà không làm vân vân. Sau cùng là chính việc phát triển giáo dục hiện nay. Nhiều người cứ hiểu xã hội hóa giáo dục chỉ là cho tư nhân bỏ tiền ra mở trường hay hùn hạp với nhà nước mở trường, cách hiểu ấy cố nhiên rất sai. Có điều tuy giáo dục Việt Nam đang đứng trước một ngã ba đường phải lựa chọn về nguồn lực phát triển nhưng tiền bạc còn là chuyện nhỏ chứ tư tưởng phát triển mới là chuyện lớn, tức quan niệm giáo dục đào tạo là một ngành kinh tế đặc biệt mà nhà nước có trách nhiệm quản lý hay một sự nghiệp xã hội mà nhà nước có trách nhiệm chi trì. Năm trước có một Hội nghị ở Hà Nội nêu ra vấn đề giáo dục Đại học là hàng hóa, dư luận còn chưa thống nhất thì mới đây đại nhân nêu ra quan điểm phải tăng học phí cấ cấp phổ thông để tăng chất lượng giáo dục, gần đây nhất thì đề xuất biện pháp ghi nợ lên bằng tốt nghiệp của các sĩ tử vay tiền quốc khố học hành, xem ra đã nghiêng về hướng coi giáo dục nói chung là hàng hóa. Nhưng có tiền mua hàng là một chuyện còn mua được hàng tốt là chuyện khác, chất lượng giáo dục là một chuyện còn nhu cầu xã hội là chuyện khác, làm sao có thể đánh đồng? Không nói tới sự vận hành của toàn thể bộ máy giáo dục từ soạn thảo chương trình tới tổ chức thi cử đều góp phần làm nên chất lượng giáo dục, ngay nhân phẩm của người dạy và hoàn cảnh của người học cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục rồi. Xin thứ lỗi thảo dân vô lễ nhưng giả dụ đại nhân có tiểu thư đang học Đại học, lệnh ái về thưa lại có bạn gái đồng học bị quý thuộc cấp gạ tình đổi điểm, thì ngài có dám cho rằng lớp ấy khoa ấy trường ấy có chất lượng giáo dục cao không? Hay lệnh ái về thưa lại có bạn gái đồng học là người ở tỉnh ngoài vảo thành phố học hành, nhà nghèo phải bán thân để đóng học phí, cứ cho là cô ta học giỏi đi nhưng ngài có dám nói rằng cô ta được giáo dục một cách tuyệt hảo, tức mua được hàng tốt trong quầy hàng Đại học không? Quý thuộc cấp của đại nhân cả đứng lớp lẫn không đứng lớp hiện nay có không ít kẻ tâm tính lưu manh, tâm địa vô lại, tâm thuật bại hoại, đại nhân cứ thanh trừ đám khốn khiếp ấy thì chất lượng giáo dục sẽ tăng mà còn rất chắc chắn nữa. Tiền bạc trong túi người thiên hạ thì xa, vào tay cũng khó, thuộc cấp dưới quyền của đại nhân thì gần, tống cổ rất dễ, sao đại nhân lại bỏ chỗ gần nhìn chỗ xa, bỏ chuyện dễ làm chuyện khó? Tương tự, không rõ năm trước khi đề ra chỉ tiêu trong vòng mươi mười lăm năm sau sẽ đào tạo thêm hai vạn Tiến sĩ thì ngài đã tính tới nguồn kinh phí chưa, nhưng học vấn là một chuyện còn bằng cấp là chuyện khác, đào tạo là một chuyện còn sử dụng là chuyện khác. Vẫn biết đại nhân quý thể khang kiện, thấy rộng nhìn xa, nhưng người họa phúc khôn lường, trời gió mây khó biết, chuyện mươi mười lăm năm nữa không ai dám nói chắc, nếu không may có chuyện ba thì ngắn mà hai lại dài thì liệu lấy ai nối chí đại nhân? Hoặc giả lúc ấy thế nước hưng thịnh, tiền nhiều việc lắm, lại thiếu bảy ngàn một vạn Tiến sĩ thì làm sao đào tạo cho kịp, há lại không làm lở đại sự của quốc gia ư? Ôi, công có lúc có thể lập nhưng nên để cho người sau, lợi có chỗ có thể hưởng nhưng phải nhường cho kẻ dưới, đó là cái đạo tri túc để tránh tai họa Đầy quá thì tràn, đại nhân thích việc lớn ưa lập công vốn là chuyện rất hay, nhưng mưu việc có chỗ chưa vẹn toàn, hành sự có chỗ còn sơ suất, việc học của nước lại là chuyện quan hệ tới nhiều đời, các vị Thượng thư đại nhân tiền nhiệm cũng từng có những chỗ sai một ly đi một dặm, đại nhân sao không nhìn vết xe đổ của người trước mà tránh? Tóm lại từ hành trạng của đại nhân vài năm nay mà nhìn thì học chính về cương lãnh phát triển vẫn trong khuôn khổ xưa, Học bộ về thiết chế tổ chức vẫn theo cơ cấu cũ, học nghiệp quanh đi quẩn lại cũng chạy theo số lượng còn chất lượng vẫn rất mơ hồ, người chịu trách nhiệm chủ trì học chính, cai quản Học bộ, xiển dương học nghiệp như đại nhân tại sao không nghĩ tới việc ấy, đó là bốn điều thảo dân không sao hiểu được. Thật ra còn vài điều thảo dân không hiểu nhưng thư đã dài, cuối năm gần Tết đại nhân chắc cũng bận rộn không có nhiều thời giờ, nên xin tạm dừng ở đây đợi ngài chỉ giáo. Thư này định viết trong ngày 28. 12 năm trước nhưng vì điện cúp việc nhiều, đến nay mới xong thì đã qua năm mới, nhân dịp này cũng xin mạo muội kính chúc đại nhân cùng quý quyến tân niên hạnh phúc và bình an. Ngày 1. 1. 2008 Thảo dân Trục nhật phi bái thư.
Tags: 015
Sunday December 30, 2007 - 03:24am (ICT)
Next Post: Tết lạnh 1 Previous Post: Tìm nhà để thuê
Comments
(23 total) Post a Comment

AQ
Offline
Bài này có đăng báo chưa ? Phải post lên báo hoặc ít ra cũng gởi đến website của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Wednesday January 2, 2008 - 01:09pm (ICT)

Giaquoc
Offline
Hiện thời thiên hạ chỉ tập trung nhiều vào chuyện khen chê, chưa thấy ai đưa ra được một ý tưởng nào hay. Vì thế, Tiên sinh nên viết tiếp phần kiến nghị, tư vấn cho Quan thượng thư, vì Ngài đang rất bối rối với hướng đi của ngành Giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Rất mong!
Wednesday January 2, 2008 - 09:38pm (ICT)

Huyen…
Offline
Kính chúc bác năm mới an khang. Bài viết này của bác trục nhật phi thật sâu sắc, đáng để suy nghĩ. Cảm ơn bác. Giá mà bác dùng ít từ hán việt hơn một tí để đại đa số người đọc có thể hiểu dễ dàng hơn thì hay biết bao. Về việc bác Nhân, hôm trước có bạn nào đấy bảo bác Nhân hữu danh vô thực, riêng HS không nghĩ thế. Từng nghe một anh bên này kể chuyện cùng với đoàn doanh nhân các nước gặp bác Nhân bàn chuyện đầu tư khi bác ấy còn ở TP, nghe kể bác ấy xoay bên này nói tiếng Anh, xoay bên kia trả lời tiếng Pháp mà vẫn trôi chảy, mạch lạc, câu nào ra câu đấy. Nghe bảo bọn doanh nhân nước ngoài (toàn hạng sừng sỏ) phục lắm. Bác ấy học nhiều, đi Đông đi Tây lắm, nên chuyện thiên hạ kỳ vọng vào bác ấy khi bác lên làm ở bộ GD là đương nhiên. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của mọi nguời, từ khi bác ý lên thì hình như phần nhiều là chạy theo giải quyết những sự việc vụn vặt đã rồi nhiều hơn là nhìn xa, trông rộng mà hoạch định chiến lược lâu dài. Thiên hạ mong đợi một leader, mà bác ý thì chỉ mới tỏ ra là tầm manager thôi (mà manage cũng không đuợc tốt lắm hi hi). Cũng chẳng biết lý do vì sao, vì bác ý bị cuốn vào guồng máy, nên giờ trở thành giống những bộ phận khác của guồng? Hay vì bác ý bị chọc gậy bánh xe, thân đơn thế cô, loay hoay mãi chẳng biết làm sao? etc.Cá nhân HS thấy dư luận hơi quá nghiêm khắc với bác ý. Thôi thì cứ lạc quan và hy vọng, cho bác ý thêm tí thời gian hi hi. Bài viết này của bác trục nhật phi thật sâu sắc, đáng để suy nghĩ. Cảm ơn bác. Giá mà bác dùng ít từ hán việt hơn một tí để đại đa số người đọc có thể hiểu dễ dàng hơn thì hay biết bao.
Wednesday January 2, 2008 - 10:54am (EST)

Giaquoc
Offline
@HS: "bác ấy xoay bên này nói tiếng Anh, xoay bên kia trả lời tiếng Pháp" hay "Bác ấy học nhiều, đi Đông đi Tây lắm" thì chẳng ăn nhập gì nhiều với tài năng của 1 nhà lảnh đạo. Bởi vì, nếu thế thật thì các nhà khoa học thì có thể trở thành nhà lãnh đạo giỏi ư? Nếu HS nói đúng thì chúng ta đang đánh mất một nhà khoa học giỏi để đổi lấy 1 nhà lãnh đạo...tồi!
Thursday January 3, 2008 - 06:02am (ICT)

Huyen…
Offline
@Giaquoc: Hi hi, bạn không đọc hết cái comment dài ngoằng của tớ rồi. Còn có đoạn sau nữa hi hi. Những chi tiết đó thật ra vừa không thể dùng để minh họa cho tài năng lãnh đạo lẫn tài năng nghiên cứu khoa học. Chẳng ai dùng dẫn chứng giỏi ngoại ngữ, giỏi giao tiếp, học nhiều, đi lắm để kết luận một người có khả năng lãnh đạo hay có khả năng nghiên cứu cả. Nhưng thường tớ ít tin báo chí hơn là lời nói của người quen. Nên báo chí ca ngợi, thì có khi là "hữu danh vô thực" thật. Còn đằng này, ít ra đó là chuyện người quen tớ tai nghe mắt thấy cách bác ý tiếp xúc mọi nguời và giải quyết công việc. Đó là những chi tiết thêm vào (bên cạnh những gì bác ấy đã làm được với cương vị lãnh đạo khi còn ở Bách Khoa hay ở UBNDTP) để khiến tớ nghĩ bác ấy không phải "hữu danh vô thực" như một bạn nào đó từng nói, mà thật ra là người có khả năng. Chỉ là những gì bác ý đã và đang thể hiện cho thấy bác ý có bản lĩnh chính trị hơi kém và khả năng quan hệ công chúng hơi tồi mà thôi.
Wednesday January 2, 2008 - 07:18pm (EST)

Giaquoc
Offline
Ô la la... Dù sao, chúng ta cũng đang cần một hướng đi cho nền giáo dục nước nhà, mà hình như Bác ấy thí chưa đáp ứng nổi sự kỳ vọng của bàn dân thiên hạ!Dù sao, Bác ấy cũng rất can đảm khi dám nói ra những gì mình đang nghĩ để thiên hạ phán xét!
Thursday January 3, 2008 - 08:13am (ICT)

May N
Offline
Bài này M bắt đầu đọc từ ngày 1 tháng 1 mà hôm nay mới dám comment, sợ đọc nhanh thì đâm lại hồ đồ (lần nữa) :DMây tự hỏi hỏng biết người xoay qua bên phải nói tiếng Anh, nghiêng qua bên trái nói tiếng Pháp hiểu hết không, vì nhiều từ Hán-Việt quá ! ("Tệ" là nó HAY hơn tiếng Việt Quốc ngữ nhiều, thiển ý!)Vẫn giữ ý kiến cũ trong đó có ý rằng đó người "hữu danh vô thực". M đã kỳ vọng ít nhiều vào sự sáng suốt đúng mực của người này. Nhưng mà từ bấy đến nay, nếu không nói suông thì nói bậy rồi lại rút lời. Người lớn không thể hành xử như đứa trẻ lên ba, cổ nhân dạy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói đấy thôi. (Lạc đề, may mà hồi xưa phụ nữ không được phát biểu ý kiến, chứ nếu không phải uốn đến chín lần gãy mất lưỡi :D )Làm người lớn bình thường khó, làm quan lớn trăm lần khó hơn. Chỉ sợ chẳng may quan có tài mà không có đức, làm phụ mẫu chi dân mà chẳng biết thương dân thì thành "kẻ cướp ngày" thôi.Bộ Giáo dục và ngành giáo dục mục nát, muốn chấn hưng phải toàn tâm, toàn ý và được sự hậu thuẫn tích cực của nhiều phía, chứ một mình quý ngài ấy, vui nói có buồn lại bảo không thì tội nghiệp con cháu quá. Kiêm thêm chức Hữu thừa tướng, thì coi như quý ngài ấy chỉ làm việc cho bộ GD một tay thôi, tay phải hay trái thì chỉ có ngài ấy biết. Lâu lâu tay Thừa tướng bảo làm, tay Thượng thư bảo vâng, hai tay vỗ lại thì kêu to ầm ỉ nhỉ ?Lại trộm nghĩ, người tiền nhiệm của thượng thư, mặt tròn căng bóng mỡ, hết nhiệm kỳ, được suất học bỗng đề án 322 đi học ngoại ngữ sáu tháng ở Anh quốc để nâng cao trình độ, học xong vừa tuổi về hưu cho tiện. Không khéo, mai này hết nhiệm kỳ, nhập bề dầy công trạng từ hai chức Hữu Thừa tướng và Thượng thư bộ Học, người nghiêng trái tiếng Pháp, xoay phải tiếng Anh kiếm được suất bay vào vũ trụ nói để hàn huyên với .... người ngoài hành tinh cho xứng tầm !
Thursday January 3, 2008 - 11:15am (CET)

Béo
Offline
"chúng ta đang đánh mất một nhà khoa học giỏi để đổi lấy 1 nhà lãnh đạo...tồi!", có thể lắm ạ, vì nghe các anh chị đã từng học trường Kinh tế trước đây rất khen ngợi kiến thức và cách giảng dãy của thầy Nhân khi còn "gõ đầu cử nhân" ở trường này! Trong mấy điểm mà Trục Nhật Phi tiên sinh nêu có thể thấy rõ phần lớn là lỗi ở chỗ tầm nhìn không vượt được chiếc bàn giấy (nơi vốn có nhiều chuyên gia vây quanh hiến kế). Có khi một người nên vui vẻ ở chỗ làm một giáo sư nhận sự kính trọng của bọn thư sinh hơn là bước dài trên hoạn lộ, làm trì trệ quốc kế dân sinh rồi chịu điều tiếng không hay vậy! "Ôi, công có lúc có thể lập nhưng nên để cho người sau, lợi có chỗ có thể hưởng nhưng phải nhường cho kẻ dưới, đó là cái đạo tri túc để tránh tai họa Đầy quá thì tràn,", chí lý thay! Chỉ buồn cho ngững người tin tưởng ở một nền giáo dục có thể hưng thịnh từ vị thượng thư được xem là tiêu biểu của nội các kỹ trị!
Thursday January 3, 2008 - 06:13pm (ICT)

Huyen…
Offline
Hi hi, xem ra mọi người ấn tượng với chuyện xoay phải nói tiếng anh, xoay trái nói tiếng Pháp nhỉ (yeah, tớ cũng ấn tượng, nên có nhiều chi tiết không nhắc, lại nhắc chi tiết này, tớ mà xoay kiểu đó thì thế nào cũng loạn xạ các thứ tiếng và ngã lăn quay hi hi). Theo lời các anh bạn tớ từng học ở BK trước đây thì bác Nhân là một thầy giáo giỏi, một người quản lý và lãnh đạo tốt. Những gì bác Nhân làm được ở trường BK HCM và UBND TPHCM là khá ấn tượng. Cái chi tiết xoay xoay tớ nhắc đến chỉ là một phần, cái chính là bác ý làm cho các nhà đầu tư nước ngoài và việt kiều lần đầu làm ăn ở VN có ấn tượng tốt và nể phục. Như thế để nói rằng bác ý có khả năng và không phải tự nhiên mà thiên hạ kỳ vọng vào bác ý. Nhưng thường hy vọng nhiều thì thất vọng lắm hi hi. Không hy vọng thì khỏi thất vọng. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao bác ý lại trở nên như thế? Vì chức vụ quá khả năng của bác ý, vì bác ý biến chất, vì bác ý bị chơi, vì bác ý có bản lĩnh chính trị kém, etc? Chả ai biết rõ cả. Tớ nghĩ chúng ta ở đây chỉ đứng ngoài nhìn sự kiện mà phỏng đoán, đánh giá, chứ không ai thật sự ở trong (hay ở gần) đấy mà biết rõ thật hư ra sao. Bộ máy chính quyền ở VN chẳng đơn giản như chúng ta ở ngoài nhìn vào. Ngay cả nho nhỏ như làm việc ở các cơ quan nhà nuớc mà cũng có khối chuyện rồi. Đơn cử ví dụ về chuyện nghiên cứu khoa học ở các trường và viện. Bạn nào ở đây làm nghiên cứu ở các nơi đấy, có đụng tay đụng chân nghiên cứu, xin đề tài lớn thì chắc biết. Chị bạn tớ kể, xin đề tài khoa học thì phải chi 30-40% nếu muốn được duyệt, tiền lấy được chả đủ để làm nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhà nước đầu tư hàng triệu đô xuống các phòng thí nghiệm trọng điểm, mua máy xịn về đắp chiếu, biết phí phạm nhưng không mua thì sợ sau này chẳng xin được cái khác nữa. Các cơ quan trúng thầu cung cấp máy móc là cơ quan ABC của bộ, giá cao, dịch vụ kém mà vẫn trúng thầu. Đề tài KH viết ra xong xếp xó. Nhiều thứ thế giới làm nát ra rồi, mình vẫn xin đề tài làm lại, thứ nhất an toàn dễ ra kết quả, thứ hai kinh phí thấp, thứ ba có thành tích mà báo cáo. Đấy, cơ chế nó thế, bạn có giỏi cỡ nào về đấy không theo cơ chế thì cũng bị đẩy ra hay bị làm cho nản. Về chuyện phát biểu, tớ từng tai nghe mắt thấy một số vị (cấp cao hơn bác Nhân) phát biểu nhiều câu chuớng tai hơn, làm nhiều điều chướng mắt hơn, lạ là không thấy đăng và mổ xẻ trên báo chí. Nói chung tuy tớ không đồng tình với những gì bác Nhân thể hiện gần đây, nhưng dù sao phê bình thì nên công bằng, cái nào ra cái đấy, không thể vì một số điều mà phủi sạch hết tất tật mọi thứ trước giờ. Có khi bác ý bị stress nên mới phát biểu linh tinh rồi ngượng mà chối, từ từ thích nghi thì sẽ phát huy được tài năng hi hi. Thôi thì lạc quan và tiếp tục hy vọng. Phải thế thôi, chứ bi quan thì nhìn đâu cũng chán. Thôi bye bye mọi người, chúc mọi người vui vẻ, tớ đi làm việc tiếp hi hi.
Thursday January 3, 2008 - 11:33am (EST)

trục …
Offline
* AQ: Tại hạ là gửi thư ngỏ, thuộc cấp của Nguyễn đại nhân lại rải khắp thiên hạ, lo gì không có ngày ngài đọc được, nhân huynh đừng nóng ruột. * Giaquoc: Đại sư cứ đọc kỹ đoạn khuôn khổ xưa, cơ cấu cũ sẽ thấy thấp thoáng sự kiến nghị. Có điều Cởi trói phải do tay kẻ trói, tại hạ không phải kẻ trói thì cho dù có nói được cách cởi trói cũng bằng thừa.* MN, HS: 1. Cá nhân Nguyễn đại nhân chưa đáng để tại hạ viết một cái entry ba ngày, tại hạ chỉ nói tới Hữu Thừa tướng Học bộ Thượng thư, chứ những kẻ thạo tiếng Pháp tiếng Anh, khéo giao thiệp, biết dạy học vân vân thì nước Việt ta không có một vạn cũng có chín ngàn. 2. Tại hạ không nói tới những việc khó vì việc hay khó do người, chỉ nói tới những việc do chính y làm khó cho y trên cương vị Học bộ Thượng thư thôi. 3. Học chính là việc lớn thiên hạ, xin hai vị bình tâm tĩnh khí bỏ đi những thương ghét riêng tư mới nên.* Giaquoc, Béo: Một cá nhân tùy theo thiên tư, học vấn, môi trường hoạt động, kinh nghiệm sống vân vân sẽ có một cái ngưỡng của tài năng, trong đó có tài năng lãnh đạo. Hàn Tín nói Lưu Bang nhiều lắm chỉ cầm được mười vạn quân, còn mình thì càng nhiều càng tốt, đó là vế trước. Nhưng khi Lưu Bang hỏi Hàn Tín ngươi cầm quân giỏi hơn sao lại bị ta bắt, Hàn Tín đáp Bệ hạ không giỏi cầm quân nhưng giỏi dùng tướng, đó là vế sau. Bậc danh tướng lưu danh sử sách chỉ cần một trong hai vế là đủ kiến công lập nghiệp, nhưng kẻ anh hùng xoay trời chuyển đất phải giỏi cả hai, lại còn phải biết thời nữa. Trời đất mang mang...* Béo: Một Nội các kỹ trị trước hết phải là một Nội các pháp trị, mà nước Việt ta khai quốc công thần rất đông, bọn tử đệ được tập ấm làm đại quan không ít, nếu pháp trị thì kẻ thanh liêm cần gì kín đáo? Cho nên người đầu tiên trong số huynh đài "buồn cho" nói trên chính là kẻ được (hay tự) xem là tiêu biểu của cái Nội các trong mơ ấy đấy.
Friday January 4, 2008 - 04:22am (ICT)

AQ
Offline
Đọc comment của HS, thấy nói cụ Thượng quay sang trái nói tiếng Anh, sang phải xổ Pháp ngữ ... sực nhớ ra, ở khu phố tây ba lô (Phạm Ngũ Lão) người ta đăng quảng cáo cần người thạo Anh, Pháp ngữ để phục vụ khách (hướng dẫn, cho thuê xe ...). Thật may, nếu cụ Thượng lỡ có thất sủng, e cũng kiếm việc làm dễ dàng. Có ai mách bảo cho cụ không ? Nếu cụ Thượng có thêm được khả năng "ngửa mặt xổ Nho" nữa thì tuyệt vời ! có thể giúp các tay bán đồ giả cổ, hay thư pháp dõm, giải thích ba lăng nhăng với khách ... kiếm bộn bạc nghen ! Kẻ hèn này cực kỳ ghen tỵ ! xin có lời bái phục !
Friday January 4, 2008 - 09:55am (ICT)

AQ
Offline
Các bạn phê phán cụ Thượng nhiều quá, cũng tôi nghiệp cụ ấy. Cụ ấy chỉ có nhược điểm là "biết nghe lời", bảo ngồi ghế cụ Thượng thì ngồi, lỗi là do người bảo cụ ngồi. Giống như trờng hợp cụ Lành trước đây, đang làm thơ hay là thế, bổng nhiên người ta bảo ngồi vào ghế Hữu Thừa tướng, cũng ngoan ngoãn ngồi, làm cho nước ta mất toi một nhà thơ, nền kinh tế VN suy vi một thời gian dài (kẻ hèn này không dám nói lớn, sợ cụ đội mồ dậy, bẻ cổ thì nguy). Các bạn thông cảm, ai lên sân khấu mà không phải múa may, ca hát hay diễn một trò gì đó. Người múa hát, diễn trò dở thì dể bị chê là lẽ đương nhiên. Kẻ hèn này khen cụ ấy dũng cảm và có lòng muốn phục vụ khán giả, bởi kẻ hèn này không bao giờ dám bén mảng đến sân khấu.
Friday January 4, 2008 - 10:16am (ICT)

Uyen
Offline
"...có khi khó bởi mình" đúng là bưng đá đập chân, "Qua điền bất nạp lý, Lý hạ bất chỉnh quan" xem ra Học bộ Thượng thư phải học thêm chữ Nho rồi.@HS: Entry này tiên sinh viết theo lối văn biền ngẫu rất đăng đối, âm điệu lên bổng xuống trầm, xem bằng mắt chưa hay mà phải đọc thành tiếng mới thú vị. Tiên sinh có ý dùng cổ văn để tiện xưng hô, nếu nói như HS thì thay vì dùng chữ "đại nhân" phải đổi là "đồng chí" hay gì gì à? Đọc không thuận mắt, nghe không thuận tai đâu.
Friday January 4, 2008 - 10:24am (ICT)

Huyen…
Offline
@Uyen: "dùng ít từ hán việt hơn một tí". Mà "đồng chí" cũng là từ hán việt hi hi.
Friday January 4, 2008 - 06:54pm (EST)

Uyen
Offline
@HS: Mình nói "Tiên sinh có ý dùng cổ văn" tức đã cố ý kéo lùi không gian văn hóa về thời xưa cách đây vài trăm năm, vì thế entry này đa số đều dùng các từ Hán Việt cổ mà ít dùng Hán Việt hiện đại. Ví dụ như dùng "lệnh ái" thay vì dùng "tiểu thư" v.v., HS đọc kỹ lại nhé.
Saturday January 5, 2008 - 09:29am (ICT)

Huyen…
Offline
@Uyen: Hi hi, xem ra cả tớ và bạn đều không hiểu ý nhau nhỉ. Tớ không chê bài viết không hay, cũng không nói nên thay toàn bộ từ hán việt thành thuần việt, cũng không nói nên tha
Tags: trucnhatfivaxuanbinh Edit Tags
Friday January 25, 2008 - 07:47pm (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for January 26, 2008 Previous Post: Entry for January 23, 2008
Comments(4 total) Post a Comment

NoName
Online Now
van hinh cua anh Xuan Binh
Friday January 25, 2008 - 07:49pm (ICT) Remove Comment

Tiêu-…
Offline
Bài này hay thật. Nhà chùa mà biết tác giả ngụ cư chốn nào, dứt khoát phải xách vò rượu ngon đặt trước cửa!
Friday January 25, 2008 - 05:18am (PST) Remove Comment

NoName
Online Now
oi, ong ni la nguoi uong ruou de giai khat thay nuoc. minh dem ruou ngoai den ma nhe wa la ong che, fai la loai cuc manh, sanh ngang woc lui nha minh. Nhau voi ong, dam moi chi biet hat bai "Cung Oan Ngam Khuc" vi bi bo be
Friday January 25, 2008 - 08:22pm (ICT) Remove Comment

Holly
Offline
cang cao ng` ta cang thich nhin xuong duoi wa lop suong mu hon la buoc xuong tan o duoi de thay nhi ? :)
Friday January 25, 2008 - 11:12pm (EST) Remove Comment

Labels:


Entry for January 24, 2008
@ Hôm wa đi lang thang, ghé vườn nhà chị Hồ (hay Hổ) Lang Hương, nghe mấy bài nhạc hay wá, xin vác về nhà.
Yanni - Prelude & Nostalgia
http://www.youtube.com/watch?v=U79esEAO7kk&eurl=http://blog.360.yahoo.com/blo...
I will survive - Gloria Gaynor
http://www.youtube.com/watch?v=Xv6lHwWwO3w&eurl=http://blog.360.yahoo.com/blo...
Bổng nhớ đến truyện ngắn “Bọn mình khốn nạn thiệt” đọc đâu đó trên Văn lâu rồi, không nhớ tên tác giả lẫn dịch giả.
Hai cha con vác chiếc máy hát đĩa từ quê nhà chuyển đi nơi khác, dọc đường bị bọn cướp giết chết để lột của. Xong, chúng loay hoay mở được những đĩa nhạc đó để nghe, khóc, rồi buông cái câu làm cái tựa truyện: Bọn mình khốn nạn thiệt!
Mong những kẻ uýnh giết ta xong, coi lại những sáng tác của chúng ta sẽ còn chút lương tâm mà kêu lên một vài tiếng kêu ân hận nào đó. .
Nỗi buồn của tôi - nước mắt của tôi- sự phẫn nộ của tôi- và sự giận dữ của tất cả!!!! http://blog.360.yahoo.com/blog-B6dpT0o5dK4vLLmbVHuHTIogWDRT21w-?cq=1&p=6315#c...
@ Gặp trên mạng cô sinh viên xinh đẹp ngày xưa nay đã là gái hai con, một hoàng tử có tên ở nhà là cu Bo, và một công chúa có tên “Mắt Giấy”. Chúc mừng Ngọc Nguyệt (nay là Nguyệt Phạm, phu nhân của Nguyễn Hữu Hồng Minh)
http://blog.360.yahoo.com/blog-4K0HC1w8dKlAv4YTKFTgbXl_0E4lDAI-?cq=1 @ Về nhà, thấy mấy dòng của SC, nói chị ghi vớ vẫn gi vậy, lấy ra câu đó kẻo người ta hiểu lầm. Không rành kỷ thuật, nên đành lấy ra cả entry. Song Chi cho bieát môùi maáy ngaøy maø ñaõ taêng hôn 11,000,000 Page views. Theo Chi, chac tai vu bi bat
Tags: Edit Tags
Thursday January 24, 2008 - 10:17pm (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for January 25, 2008 Previous Post: Entry for January 23, 2008
Comments(6 total) Post a Comment

Chuột…
Offline
Chị ơi, chị đã xem qua phim Đất Khổ chưa? Em đang tìm cách mua phim này về xem. Riêng tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế (Nhã Ca) thì Sông Văn (con gái nhà văn Nhã Ca-hiện là chủ bút tờ Việt Báo - Houston) hứa khi nào sách tái bản (đang in) thì sẽ tặng em 1 cuốn. Bài viết của chị Đinh Từ Bích Hà hay quá chị, em có post lại trong blog em. Tết lại đến, chắc chị cũng như em, nhớ nhà! Chúc chị vui và bình an.
Thursday January 24, 2008 - 03:59pm (CST) Remove Comment

Chuột…
Offline
Em đánh nhầm, chị ấy tên là Đinh Từ Bích Thuý!
Thursday January 24, 2008 - 04:05pm (CST) Remove Comment

Chuột…
Offline
Chị ơi, trong bài entry trên, Nguyễn Hữu Hồng Minh có phải là tác giả mấy bài thơ sốc "Dạng háng làm thơ" không?
Thursday January 24, 2008 - 04:32pm (CST) Remove Comment

Chuột…
Offline
Hinh nhu co Nguyet Pham nay la 1 trong 5 con Ngua Troi tac gia cua nhung van tho gay on ao cach day may nam phai khong chi? Co mot co hien gio la vo cua ong Trinh Cung. (Em go khong co dau vi em dang trong lop, PC nay ko co font tieng Viet, sorry chi).
Thursday January 24, 2008 - 07:23pm (CST) Remove Comment

NoName
Online Now
@CC dung la Chang va Nang"Dat Kho" con co Kim Cuong,Thanh Loc,Bach Ly, Son Nam canh Trinh Cong Son, Minh Truong Son, Bich Hop, Van Quynh
Friday January 25, 2008 - 08:57am (ICT) Remove Comment

Chuột…
Offline
Cam on chi da cho thong tin. Em dang cho xem cuon phim nay.
Thursday January 24, 2008 - 08:26pm (CST) Remove Comment

Labels: , ,