Tháng Bảy
ngày rằm xá tội vong nhân
Vũ Bằng
Thương Nhớ Mười Hai
.....
Nước khe cơm vắt gian nan, Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời Buổi chiến trận mạng người như rác, Phận đã đành, đạn lạc tên rơi. Lập loè ngọn lửa ma trơi, Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương. Công danh, phú quý, sắc đẹp, ngai vàng, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu trí tuệ, mưu cơ, rút cục lại cũng chỉ còn là những oan hồn đi vất vưởng đó đây, chờ lúc lặn mặt trời thì kéo ra để ăn xin một nắm cơm, bát cháo, la cà các đền chùa miếu mạo nghe kinh và suy nghĩ về chữ “giai không vạn cảnh”. Thôi rồi, lại nói chuyện “chiến bại” rồi. Thế thì còn đâu là tinh thần đấu tranh, tiến bộ? Nhưng giả thử ở đời ai cũng suy nghĩ một cách chiến bại như thế, chưa biết chừng thù hận sẽ ít đi, chiến tranh giảm bớt và do đó số oan hồn cơ khổ sẽ giảm rất nhiều cũng nên! Nhưng nói vậy mà chơi thôi chớ thế giới làm sao mà “thoái hoá” như thế được? Còn giống người thì còn ganh đua, còn ganh đua thì còn mâu thuẫn mà còn mâu thuẫn thì còn đâm chém giết chóc nhau, lẽ đó khó mà tránh được. Còn nhớ ngày xưa có một anh chàng tên là Candide, trong một cuộc lãng du cuối cùng, nhìn thấy ở giữa đại dương có một hòn đảo trên có người ở đông đúc như kiến cỏ. Candide quay lại hỏi ông cố vấn theo sau: - Người ta làm việc mà tấp nập như vậy? Vị cố vấn trả lời: - Thưa, họ chém giết nhau. Đất nước chia làm hai bọn: một bọn mang tiếng là bảo thủ, một bọn tự nhận là tân tiến. Bọn tân tiến lật bọn bảo thủ, hai bên giết nhau hơn cả người khác giống. Đi một lát nữa, đến một eo đất kia thấy người ta làm việc quên cả ngày đêm, Candide vỗ tay khen: - Học chăm chỉ quá. Chắc là họ kiến thiết quốc gia. Vị cố vấn chậm rãi nói: - Họ đang xây cất nhà tù đấy, là vì có mỗi khi có cách mạng thì có một số người chống cách mạng. Phe thắng sẽ bắt hết những người của phe bại, hoặc giết chết, hoặc cho vào nhà giam. Thế rồi, không còn chỗ để mà giam người nữa, họ phải hối hả xây thêm nhà giam mới để nhốt những đồng bào của họ. Candide hơi buồn nhưng chỉ một lát sau, chàng vui lại vì thấy ở trên một đảo khác có đèn giăng lá kết và từ trên chiếc tàu chạy giữa biển khi chàng nghe thấy tiếng đàn hát từ đàng xa vọng lại. Candide vỗ tay, bảo viên cố vấn: - Thôi, chắc chắn ở đây là thiên đường rồi. Nếu không, sao lại có nhã nhạc và sinh ca như thế? Viên cố vấn lắc đầu: - Bẩm, cũng lại không đúng nữa. Đây chính là địa ngục: những người đàn hát múa may đó có phải vui sướng gì đâu; họ phải theo lịnh chủ, múa hát đàn ca như thế để che lấp tiếng khóc than của muôn dân đói khổ rên xiết dưới gông cùm nô lệ. Có thế, chủ họ mới có lý do để tỏ cho thế giới biết là dân chúng không đồ thán mà trái lại, lại vui vẻ tôn thờ cả tớ lẫn thầy… Lần này, Candide không còn bám được vào cái gì để mà tin tưởng và yêu đời nữa. Chàng ngửa mặt lên trời mà than: “Đời đến thế này thì ra còn biết phân biệt ai là người, ai là quỷ. Chẳng thà toàn là quỷ cả lại còn dễ sống hơn! “Nói như thế là nói phẫn. Có nước nào chịu đựng chiến tranh và chét chóc nhiều đến như nước Việt Nam không? Oan hồn, ma quỷ hằng hà sa số, nhưng chính mắt người thì có mấy ai thấy chúng đâu, hay chỉ thấy toàn người – mà những người đẹp như tiên, thơm như mít, mỗi ngày nghĩ ra được thêm thú vui kỳ quái để tiêu khiển trong tiếngnhạc “sốt gơn” huyền ảo. “Anh ơi, đừng bỏ em ở nghĩa trang một mình…” Không. Có ai bỏ em đâu. Trăng chiếu lên nấm mộ em, hãy đứng dậy đi, chúng ta cùng hát một bản “sun”. Thế giới sẽ chụp lại hình ta và đó là một cách tuyên truyền hùng hồn nhất để tỏ cho c trần hoàn này biết là ở Việt Nam, cả người sống lẫn người chết đều sung sướng.
Labels: Vũ Bằng
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home