Friday, June 20, 2008

Nhận được bài thơ nầy từ ông Bùi Thụy Băng, người con trưởng của cô Thụy An đã lâu nhưng hôm nay mới đưa lên được.
Theo bản viết tay của mẹ ông để lại thì Anh giáo trẻ trong bài thơ sau nầy chính là Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông cũng phủ nhận hoàn toàn chuyện quan hệ tình cảm giữa cô Thụy An và ông Ðỗ Ðình Ðạo là người mà “người ta” cho là cô đã đầu độc.
Theo ông thì ngoài người chồng (mà sau nầy chung sống với em gái của vợ mình, tức dì ruột của ông) thì mẹ mình chỉ có một rung động thời mười sáu tuổi nầy thôi.
Ðưa lên đây khi Anh Ðồ Xứ Nghệ còn sống để mọi người còn có thể kiểm tra lại.
Cô Thụy An đã mất, và cùng với vài người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, cô vừa được nhà nước ‘chiêu tuyết’ trong một thông báo năm rồi.
Nhân blog của chú Tô Hải đang nhắc đến Phùng Cung và Tuân Nguyễn, tưởng cũng nên nhắc đến người phụ nữ viết văn nầy, chủ bút tờ báo Ðàn Bà Mới tại Hà Nội, từng đứng trước toà, tự móc một mắt trái để minh oan vào những năm tháng nghiệt ngã nhất của đất nước cũng như của đời bà.
Sau lời nhắc của anh Nhơn là ông VNG quê Quảng Bình, có hỏi lại gia đình bà, ông Bùi Thụy Băng cho biết sẽ gửi những trang viết tay của bà khẳng định người thầy là ông VNG, nhưng có lẽ hồi nhỏ, nghe tiếng trọ trẹ, không hỏi kỷ, cô thiếu nữ bấy giờ ngỡ rằng thầy gốc Nghệ. Ông Băng cũng cho biết thêm, ông Trần Trọng Kim có nói đến chuyện nầy trong một bài viết. (ông Bùi Kỷ là bà con bên cha ông, Bùi Băng Sơn)
Ông Băng sẽ xuất bản một cuốn sách về mẹ mình, Thụy An, cuộc đời và tác phẩm, trong năm nay. Trong đó nói rõ hơn về tám năm sống trong Hỏa Lò (1958-1965) với chuột bọ của bà. Bà cũng có một tác phẩm được giải thưởng của Anh.
Sao Lại Mùa Thu?
Chuyện Anh Ðồ Xứ Nghệ
Thụy An
Năm ấy xuân vừa mười sáu
Mộng trinh bừng nở má tơ
Môi đào cười rung mắt biếc
Xôn xao lắm ngã học trò
Tay mềm ngoan ngoan cắp sách
Nghỉ hè theo học lớp riêng
Anh giáo trẻ mà mô phạm
“Các cô phải học cho siêng”
Vâng dạ bên ngoài lấy lệ
Ra về khúc khích bảo nhau
“Khéo ghét Anh Ðồ Xứ Nghệ
Hơn mình mấy tí tuổi đầu
Ðã thế...” Một ..chương trình nghịch
Phăng phăng được thảo ra liền
Mấy cô dẩu mồm đanh đá
“Muốn siêng, anh sẽ được siêng”.
Bài học cho chừng trang rưỡi
Mà hôm anh gọi đọc bài
Lập tức thao thao bất tuyệt
Liếm mồm đọc mãi không thôi
Liên tiếp cô này cô khác
Ðọc không dứt đoạn cầm hơi
Phút ngạc nhiên rồi, anh hiểu
Run run anh giận tái môi
Lớp học tan trong tẻ lạnh
Học trò lầm lũi bước ra
Mắt anh tối sầm tức. tưởi
Thương anh có kẻ trở vô
Ðã có lời gì qua lại?
Giữa đôi thầy giáo, học trò
Thầy vốn mang thân hàn sĩ
Trò nhiều tình cảm vẩn vơ
Chỉ biết kể từ buổi ấy
Lớp riêng ghi một lý riêng.
Trò gái chanh chua đáo để
Làm thinh, anh vẫn thản nhiên
...
Lặng lẽ nhìn vào góc khuất
Long lanh đôi mắt to đen
Ðôi mắt vuốt ve an ủi:
“Binh anh có tấm lòng em”
Hai tháng, chao! đi chóng quá
Qua rồi lớp học nghỉ hè
Nhưng người kia thôi chẳng tiếc
Nhìn em mắt chẳng nỡ lìa
Quê anh xa trong Xứ Nghệ
Núi cao, sông thật là sâu
Hung hãn vọng vào tiếng bể
Hờn căm rít ngọn gió Lào
Anh mang trùng dương giận dữ
Anh mang hoang dại khô khan.
Dìu dịu mùa Thu Xứ Bắc
Dạy anh biết thú mơ màng.
Ðẹp là mắt người em gái
Nhìn vai áo rách rưng rưng
Ðẹp là bàn tay mềm mại
Ðôi khi vuốt trán nóng bừng
Em thương cảnh anh hàn sĩ
E rằng trọ học không lương
Em về kêu nài thầy mẹ
Ðể cho anh giảng bài trường
Hận quá lòng em mười sáu
Dịu sao thương những là thương
Ngây thơ em đâu có biết
Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận non sông
Môi bẳm tai nghe rên xiết
Áo cơm đọa dưới cùm gông
...
Máu anh chẩy giòng uất hận
Anh là thù của chữ Thương
Rạt về mùa Thu Hà Nội
Sao lòng anh bỗng vương vương
Sao bỗng vui niềm trưởng giả
Ánh đèn sáng mái đầu tơ
Khô khan chàng trai Xứ Nghệ
Có chiều lại biết làm thơ.
Có chiều nhìn bàn tay trắng
Bút cầm trên giấy nhẹ đưa
Ám tả anh ngừng, quên đọc
Rằng: Em có nghĩ bao giờ
Về thăm quê anh trong đó
Ngắm nhìn Hồng Lĩnh cao cao
Hùng vĩ chín mươi chín ngọn
Khí thiêng sản xuất anh hào.”
Em cười giòn tan buồng học
“Em yêu Hà Nội mà thôi”
Lơ đãng ảo huyền cất bước
Thời gian bóng đổ u hoài
Nhưng anh vẫn chăm rèn cặp
Và em vẫn cố học hành
Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất
Ðời chưa vẽ nét đan thanh
Công lý tù đầy uất uất
Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh.
Anh mơ buổi mai nhân loại
Anh mơ cháy rực mắt sâu
Anh mơ lõm đôi gò má
Anh mơ tóc chĩu mái đầu
Ngoan ngoãn là người em gái
Cùng anh chung một mối mơ
Cùng anh chia niềm uất hận
Tương lai nhân loại hẹn hò
Ðổi thay cũng người em ấy
Mấy chiều chẳng đến học anh
Bóng vẽ lê mình gác xép
Tiếp phong thư ngỏ giật mình
“Em sắp lấy chồng, anh ạ
Mừng em, anh có gì không?”
Cười gằn, phong thư xé nhỏ
Xé tơi những ngón tay hồng.
Ghê cái mùa Thu Hà Nội
Hững hờ mấy lá vàng bay
Ru nỗi buồn câm phố vằng
Lê chân vẹt mấy gót giầy.
Em những âu vui duyên mới
Lâu lâu chợt nhớ tới anh
Môi đào nhoẻn cười hóm hỉnh:
“Hẳn là anh ấy giận mình”
Nhẩm tính thăm anh một buổi
Chần chừ nay hẹn đến mai
Riêng những tấm lòng phơi phới
Thời gian thâu vắn chẳng dài
Vun vút thoi bay cửa sổ
Mùa thu qua mấy mùa thu
Em đã con bồng con bế
Vô tình quên hết bạn xưa.
Ðể có hôm kia một buổi
Trời cuồng trút hết gió mưa
Kẻ lớn trong nhà xa vắng
Mình em nghe đổ phong ba
Anh bỗng hiện ngoài khung cửa
Xé trời tiếng sét nổ theo
Mắt cháy bừng bừng cuồng nhiệt,
Nhếch môi nửa hận nửa kiêu
Run rẩy thương lòng thiếu phụ
Phút giây bừng hiểu muộn rồi
Cúi mặt lắng nghe ân hận
Tràn dâng khóe mắt đầu môi
Anh đã nói gì anh hỡi!
Em nghe loáng thoáng mơ hồ
Tình lỡ sầu theo nửa mộng
Hẹn về toàn thắng mùa Thu
Mùa Thu mùa Thu về đây
Có người ghìm mộng trong tay
Có người mang tin chiến thắng
Ði tìm em của những ngày.
Em đã khóc rồi, em đã...
Biển dâu nào lại biển dâu
Vừa mới rụng tàn thế hệ
Ai còn “Hải thị thấn lâu”?
Thôi nhé, em về bên ấy
Mỏi rồi, chơi cuộc hú tim
Ðã rẽ đôi giòng lý tưởng
Hương xưa: ngọc đắm châu chìm
Em còn hẹn hò Hậu Kiếp
Anh không tin chuyện luân hồi
Lai sinh em chờ người đó
Kiếp này anh mộng cùng ai?
Mưa gió nấc câu tương biệt
Ai nhìn theo hút Tiêu Lang?
Ai đến bước chân luân lạc
Ai chờ nghe khúc khải hoàn.

(Nguyên Quy cũng là một bút hiệu của Thụy An)

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home