Sunday, October 28, 2007

Vẫy gọi Nhau, làm Nghề...

Một bạn trẻ hỏi tôi, sao chị không viết chuyện nghề nghiệp, như bên blog của anh đạo diễn BTC.
Dạ, thưa bạn, sau khi xem những cuốn sách về nghề của Nga(Stanislavski), Mỹ (Anne Borgat), “em” đã viết gần như một cuốn sách về chuyện luyện kỷ năng biểu diễn cho sanh viên Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trên cơ sở thực tiễn mà mình và cô giáo của mình nghiên cứu. Cái tựa cho cuốn này dự kiến là:“Thư gửi người diễn viên trẻ”. Nhưng khi viết đến chương cuối thì thấy hình như các sanh viên trẻ của mình đã không còn kiên nhẫn ngồi nghe nữa mà đã chạy mất dép, hoặc bỏ nghề, hoặc theo cuộc mưu sanh.
Kiếm bài cũ đăng lại thôi.
Mà loại bài đơn giản như nầy, cũng không biết có sanh viên sân khấu nào chịu đọc hay không?
Bài nầy viết cách đây khá lâu, hình như đâu khoảng 2000. Thấy anh Phan Huy Ðường viết, “Vẫy gọi Nhau, làm Người” mình cũng bắt chước.

Vẫy gọi Nhau, làm Nghề...

Một
Bọn trẻ ở một vùng hẻo lánh thường canh giờ tàu chạy để vẫy tay chào hành khách từ những thành phố, thị xã, làng mạc khác lướt... Chẳng ai quan tâm tới chúng dù họ luôn trong tầm nhìn của nhau. Một ngày nọ, như một phép lạ, có một “quý ông” nhiệt tình vẫy tay đáp lại. Nhiêu đó cũng đủ cho bọn trẻ vững lòng tin, sống và hy vọng về cõi đời. Ở những nơi khác sẽ là bè bạn thân tình nếu có ngày chúng lìa quê, trôi giạt... Chẳng ai biết “quý ông” đó là một chú hề già đã giải nghệ, sống không xa bọn trẻ. Chính vai diễn cuối đời này đã giúp chú gần với chúng và cũng gần với nghiệp dĩ biểu diễn của chú hơn bao giờ hết.
Nghệ thuật sân khấu, như thế rất gần với đời sống, và cũng rất gần với một chữ ÐẠO viết hoa. Soạn giả Lê Hoài Nở đã từng “thuyết pháp” với đồng nghiệp rằng ông muốn đổi hai chữ “nghề hát” thành “đạo hát” vì với ông đó là “một cái gì thiêng liêng, cao đẹp, phụng sự cho tâm hồn, là tiếng nói của lòng dạ, tim gan trí óc; nó không phải là một nghề buôn bán, và nếu có nhờ nghề này để có cơm ăn áo mặc cũng là vấn đề thứ yếu”. (Vui buồn của 39 năm trên sân khấu ố Hồi ký viết năm 1966 của cô Bảy Nam). Chính NSND Bảy Nam cũng cho biết “...thú thật, tôi là người mê hát hơn mê tiền bạc, quý sân khấu hơn cả bản thân...” (Sđd).
Hai
Và bây giờ, cái nghệ thuật từ đời trở thành đạo rồi từ đạo bước ra đời này đang đứng trước một thách đố lớn của thời đại là vừa phải theo kịp trình độ và nhịp điệu phát triển chung của quốc tế bằng kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường, vừa phải giữ được bản sắc của riêng mình.
Một nhà nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không nên quên những bước: hàng hóa hóa, xã hội hóa, quy chế hóa và vật phẩm hóa.
Sân khấu truyền thống nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung, trên vòng tròn khép mở đời đạo - đạo đời này có lẽ cũng nên vận hành theo đó để vừa phát triển, tồn tại mà vẫn giữ được mình. Nó phải có khả năng tái sản xuất, mở rộng chính mình như những vật thể sống, những yếu tố cấu thành của xã hội hiện tại mà vẫn phải tránh được nguy cơ tha hóa vì khuynh hướng thương mại hóa...
Tháng 10-1999 ra Hà Nội xem Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc như một khán giả và nhân đó đến những cơ quan hữu trách xin những kịch bản hay để giới thiệu cho các nhà hát miền Nam (đặc biệt cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang của chúng tôi), tôi nhận được những lời từ chối nửa đùa, nửa thật: “Liệu đem về có xử dụng được không khi những kịch bản bị rớt và đánh giá không cao ở đây thì khi vào Nam lại chiếm được vị trí cao trong các cuộc thi lẫn trong khán giả; và khi các cuộn băng vidéo cải lương được mang ra đây duyệt cứ có những cốt truyện na ná như nhau với những mối tình tay ba, tay tư để kết thúc nếu không nối lại tình xưa thì cũng đi tu hay chết chóc...”. Nhân có đủ cặp trưởng, phó phòng sân khấu của Sở Thông tin Văn hóa Thành phố HCM đang có mặt ngoài đó, tôi hỏi ngay thì được đáp: “Ðó là những kịch bản chúng tôi chê dở, không duyệt, nhóm sản xuất vội tuồn sang xin giấy phép ở những hang khác thuộc trung ương nên mới có chuyện hội đồng duyệt bị xem các loại thứ và phế phẩm như vậy”...
Ba
Những năm sau này, chúng ta rất vui khi thấy có những kịch bản ở miền Nam được các đoàn ở miền Bắc dàn dựng và ngược lại. Một đạo diễn, NSND nổi danh như một “người truyền đạo” ở phía Bắc, tỏ ý băn khoăn, không biết tác phẩm nặng phần ÐẠO của ông có được “nhập thế” ở phương Nam. Theo ông quan sát, đã có một khối lượng lớn khán giả ở phía Nam đang tiếp tay làm xuống cấp nghệ thuật cải lương khi mê đắm vô lối những “thần tượng” ố bất chấp nhân vật nào ố của họ, chạy theo những vỏ ngoài hào nhoáng, những tình tiết sướt mướt, ly kỳ, những pha chọc cười đơn thuần giải trí bất chấp tính văn học và triết lý cần và đủ để một tác phẩm tồn tại lâu dài.
Ðiểm bất đồng độc nhất giữa ông và tôi là tôi tin trong tương lai điều này có thể xoay chuyển được vì nếu cho rằng loại khán giả này phải có trách nhiệm với nghệ thuật sân khấu của chúng ta thì chính chúng ta ố những người hoạt động sân khấu nói riêng và cả xã hội nói chung phải có trách nhiệm trong việc thay đổi phần nào nhận thức của họ. Ðiểm thống nhất lớn giữa ông và chúng tôi là đã có nhiều nơi cố tình hiểu sai ba chữ xã hội hóa nhằm mục đích bẻ quẹo sân khấu của họ theo một kiểu nào đó để chỉ phục vụ cho một thiểu số điều hành.
Nếu ở phương này có nhiều nhóm mừng rỡ trước ba chữ xã hội hóa như một chiêu bài để họ phục hồi những kiểu kinh doanh sân khấu tệ hại trước đây bằng cách mướn bảng hiệu, tuồn vốn đầu cơ nghệ thuật, chỉ o bế những nghệ sĩ đẻ ra tiền cho họ và đối xử bạc bẻo với những diễn viên, hậu đài không ảnh huỏng tới túi tiền của họ bằng giá thuê mướn rẻ mạt... thì ở phương khác cũng có khá nhiều những đoàn kịch quốc doanh coi ba chữ xã hội hóa như một thứ cấm kỵ (ôn dịch) không nên đụng đến.
Chúng tôi rất tâm đắc với cáo nhìn của người NSND đồng nghiệp, lớn tuổi đời và tuổi nghề ấy, rằng những ông trưởng đoàn này cũng làm việc theo một kiểu chạy theo tiền, nhưng là loại tiền của Nhà nuóc (dĩ nhiên, đó cũng là tiền thuế của nhân dân), loại tiền đổ ra không thương xót trong số kinh phí lớn rót xuống đoàn hằng năm, cả những lượng tiền rót về bất thường một cách bình thường trong những ngày lễ lớn, những đợt hội diễn, để đầu tư cho những tiết mục xa lạ với dân nhưng đẹp lòng các viên chức, chỉ diễn vài lần rồi xếp xó, những lễ hội xa hoa, nhân hay mạo danh truyền thống làm nhói tim những người dân vùng lũ lụt vì dường như ai cũng ngửi được trong đó mùi mồ hôi và cả máu của đồng bào.
Bốn
Trong số các thành phố ở Úc và Âu châu mà chúng tôi đã được đi qua, tôi đặc biệt thích cách thức quản lý của sân khấu Ðức. Nhà nuóc rót tiền xuống cho các Nhà hát rồi để họ độc lập trong việc lựa chọn tiết mục sao cho vừa thể nghiệm những tìm tòi, sáng tạo vừa lôi kéo khán giả đến với mình để có thể xoay vòng đồng vốn, tái đầu tư. Nghệ thuật sân khấu ở đây được nhận định như một hoạt động mang tính xã hội cao, nhất hóa nghệ thuật và kinh tế, đưa tác phẩm vào đời sống, liên kết hoạt động nghệ thuật của nhiều người, ứng dụng kết quả sáng tạo của nhiều ngành... đồng thời góp phần đẩy mạnh sự giao lưu và đồng cảm giữa nhiều dân tộc, nhiều thế hệ.
Những người bạn ở đó đồng ý với chúng tôi, đây là loại hình hoạt động tự do và nhân bản nhất của con người. Khi anh hoạt động nghiêm túc sẽ tái sản xuất, mở rộng tài năng trên đường hướng tái tạo và hoàn thiện nhân cách con người, đồng thời là nơi đào thải những cá nhân không xứng đáng và không đủ năng lực một cách nghiêm khắc, công bằng nhất. Thế nên việc quản lý trong ngành này không chỉ là kiểm tra và giám sát mà phải tạo ra được những điều kiện giúp phát triển tài năng và phát huy được vai trò chân chánh của người nghệ sĩ trong sinh hoạt xã hội.
Quy chế hóa không chỉ là chuyện gom các nghệ sĩ lại cho học tập rồi cấp giấy phép hành nghề mà đòi hỏi những kế hoạch đầu tư cho trước mắt lẫn lâu dài, đặc biệt trong hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Bởi vì hơn ai hết, Nhà nước phải là một “ông bầu lớn” với tất cả tài năng quản lý, tầm nhìn xa rộng và một tấm lòng trải rộng cho ÐẠO ố nghề hát này để không dẫm lên tội ác của một số bầu sô coi đồng tiền là mục đích tối thượng, vắt kiệt những nghệ sĩ khi họ còn đang sức cống hiến và thiếu sự “trồng mới” cho những thế hệ diễn viên và khán giả trong tương lai.
Cũng ở Berlin, thấy rất rõ hai vùng sân khấu cũ của Ðông và Tây Ðức đã học tập ưu khuyết lẫn nhau để vun đắp một nền sân khấu chung mạnh mẽ, năng động và đậm đặc một bản sắc mới. Ở đó Shakespears, Chekhov, Bretch, Goethe, Schiller... đứng kề những tác giả ở toàn Châu Âu với lứa tuổi hai mươi, ba mươi... Và qua cách bày tỏ của những người làm sân khấu Ðức tôi nghĩ rằng vẫn lấp lánh trong các bản dựng của họ, những vấn đề của chính chúng ta, những con người đang sống trong cõi nhân sinh này.
Năm
Bên cạnh vở múa “Thế đấy, thế đấy” của Ea Sola, vở kịch khiến chúng tôi “xao xuyến” nhiều mang tên “Tẩy rửa” của Sarak Kane, 23 tuổi (cô vừa mất vào tháng 4-99) và được dựng bởi một đạo diễn ở Hamburg, 70 tuổi.
Cô gái đến một bệnh viện để xin lại bộ đồ của người Anh vừa mất. Giám đốc ở đó là một tay bệnh hoạn, bất lực. Ông ta đối xử tàn bạo với những quan hệ tình cảm bất thường của những người đồng giới tính. Còn với khát vọng muốn hòa hợp tâm hồn cùng linh hồn người anh của cô gái, ông ta cho chuyển đổi giới tính của cô ta. Vật thể vô hồn tổng hợp hai anh em cô gái ở cuối vở không khỏi gợi chúng tôi liên tuỏng đến những việc làm trái quy luật, cái vùng đất, con người bị tách nhập một cách thô bạo, ác độc thay vì nghĩ ra cách để họ có thể sống chung hòa nhập hổ trợ nhau...
Vâng, trong thời đại hiện nay, chúng tôi luôn cảnh giác những khuynh hướng cực đoan (dù bài ngoại hay phục cổ) nhưng thực tế cũng không khỏi chạnh lòng khi ngó quanh thấy những tác phẩm nghe nhìn của nước ngoài đôi khi đã chiếm lĩnh lòng tin yêu của khán, thính và độc giả nuóc mình. Ngay cả khi cầm được trên tay đồng tiền của bạn bè các nước đưa lại, chúng tôi cũng luôn giữ ý thức đây là chuyện giao lưu, hợp tác, cố tìm một tiếng nói chung để những tác phẩm giá trị của chúng ta cũng được vật phẩm hóa với số lượng và mức độ một cách tương xứng chớ không bị đẩy lùi trên chính quê hương ta bởi chính những người nhà; bởi vì nếu không cẩn thận, ta sẽ chỉ là những người làm dịch vụ, gia công để bạn bè nơi khác đến đây thể hiện những sản phẩm văn hóa của họ mà thôi.
Sáu
Nếu vở “Tẩy rửa” của Sarak Kane báo động về một cái ác đang muốn thống trị, khống chế quy luật cuộc sống thì vở “Tình nghệ sĩ” của Paul Galico gợi ra cảm giác yên tâm dù triết lý nhận được từ vở đó không mới lắm: “Cái ÐẸP sẽ cứu chuộc thế giới”... Một gã đàn ông cộc cằn luôn hành hạ thiếu nữ phụ việc cho mình. Chịu không nổi, cô gái bỏ đi. Y cảm giác lẻ loi và tâm sự với những con rối của mình. Cô gái tình cờ nghe được và họ yêu nhau...
Sẽ cứu chuộc thế giới, cái ÐẸP? Một trong những đại diện cho cái đẹp là sân khấu. Dĩ nhiên, trong thực tế, sân khấu của chúng ta và những mẫu vụn bếp núc hậu trường của nó không phải lúc nào cũng đẹp... Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải cố vẫy lại, để không phụ lòng những cánh tay đang giơ lên, vẫy gọi chúng ta./.




Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home