Con đường không dài
Những ngày sống vô tri, khỏe khoắn như đá như là đã qua. Ngày cũ, những dịp này, bạn cũ thường nhắc nhở: “Mắt hãy biếc đi nào, tháng giêng đang tới”. Bây giờ thì cười một mình được rồi. Mặc kệ tháng giêng. Tôi mặc kệ nó nhưng nó không mặc kệ tôi, những tia nắng quỷ quái bóc vỡ lớp tuyết đóng trên mặt khiến tôi bỗng dưng cảm thấy như thể trơ trụi. cái nỗi lạnh lẽo trần truồng của mấy bà quen phấn sáp, ngày nọ súng đạn về sát chân tường chưa kịp bôi hết. Tôi nhắn nhẹ với má. Tết này con không về. Má ừ, được thế thì tốt. Em gái tôi thêm, xì, chỉ sợ bà khoác lác rồi lại chịu không nổi bò về như mọi lần. Một ngàn hai trăn chín mươi tám cây số, nếu bò được, ắt hẳn tiêu mất ngày nghỉ của trường để men theo quốc lộ mà về. Những ngày được gọi là cận Tết, người anh ruột ở đồn Vệ La xuống cho tôi một lít rượu. Ðừng cho ai nha mầy nhỏ. Của lính tao biếu đó. Chôn dười đất đúng chín mươi chín ngày. Tôi chiết sang chai thuốc ho đã hết. Thả vào vài hột nhãn. Lúc lắc. Lúc lắc. Rất không ngờ, Phần ra thăm tôi. Hắn hỏi mừng không. Tôi cười mênh mang: “Mừng chết đi được”. Hắn chê bai: “Cái mắt bạn không mừng. Cái mũi bạn không mừng. Cái môi càng không mừng. Cả cái tiếng thốt ra cũng lạnh lẽo như băng. Mấy tháng xa bạn không thay đổi chút nào hết. Vừa lười lĩnh không chịu ngụy trang đóng kịch cho tròn vai”. Tôi không thay đổi thật à? Ðó là một người ngoài nhận xét. Dầu có đúng hay sai. Cũng đành vậy. Tôi đã gắng hết sức tôi để thay đổi mình. Phần cười khẩy thêm: “Cái mốt đó xưa rồi”. Ðố các bạn biết hắn ám chỉ điều gì. Dù tôi thừa sức hiểu nhưng hắn cứ giảng nghĩa thêm “Cái mốt mấy con nhỏ mới lớn thương mấy thằng cha bằng tuổi ba mình vợ con đùm đề đã xa rồi. Xi-nê, sách vở nói nhiều quá rồi. Bồ thích khác người lắm mà. Dám đi ngược lại mốt không”. Khích dở quá. Tôi ấp tay Phấn vào giữa tay tôi: “Dừng nổi nóng, bạn yêu dấu. Khác người là sao. Không khác người là sao. tại sao tôi lại phải khác người. Tôi có để ý người là thế nào đâu, thì làm sao có thể đi ngược lại họ được. Hơn nữa, chính đầu óc bạn mới bị xệch xạc bởi xi-nê, sách vở. Lên chưa có vợ con dầu tuổi ông ta quá suýt soát tuổi ba tôi. Nhưng mà tôi đâu có yêu Lên, tôi đâu có yêu ai! Không sợ gì mà tôi phải che lấp tiếng thở dài mà cũng là nỗi kiêu hãnh đó. Mấy tháng xa nhau, được nghe nhớ bạn cũ một chút. Trong những bạn cũ, có bạn tên Phần, có bạn tên Lên. Bây giờ, bạn ra thăm tôi. Cái mốt đó đã không còn. Có vậy thôi! Khi Phần bỏ đi thì ba tôi đến. Tôi cao lêu nghêu và ốm hơn ba tôi. Có thể định nghĩa tôi là ba tôi ép dài ra. Và nói theo sách vở của phù thủy Gà-Mên, ép thêm vào, ít hoàn độc-ác-của-tuổi-trẻ, vài giọt nhõng-nhẽo-của-con-gái, chút bột du-côn-của-con-trai. Tôi rút trong quần ra điếu Cẩm Lệ quấn bằng lá theo kiểu xì-gà đưa cho ông. Thịt nơi mắt trái ông giật giật: “Mày xài thứ này sao, bẩn vậy”. Tôi lúc lắc cái cổ cao: “Con mua để dành cách đây mấy tháng rồi. Con biết thế nào ba cũng ra”. Ba tôi lơ đãng đốt thuốc: “Ừ, nếu chẳng có mầy nhắc chẳng bao giờ tao về lại chốn này. Hồi bằng mầy, tao thèm hút thứ Cẩm Lệ cho biết chết đi được. Ông không cho dù ngày nào ông cũng tì tì một gói. Tụi bạn thì chế nhạo chỉ có dân Ăng-Lô-Si-A mới xài thứ đó. Bây giờ thì thấy dửng dưng ghê. Mầy thấy đó. Mọi thứ thuốc tao đều nếm qua. Ðể biết. Nhưng chẳng thấy ghiền thứ nào hết. Bạc tình, vô nghĩa là tao”. Tôi vòng tay, chùng người xuống ôm ngang cái bụng phệ của ông: “Con ao ước được như ba biết bao”. Ông cười. Bụng rung. Miệng móm. Gần lục tuần rồi đấy. Có cô gái nào tin được không? Ngang qua Ty Ngân Khố, ông chỉ cho tôi thấy cái góc lầu ngày xưa ông ngồi đó. Ngày qua ngày. Cho đến một ngày vẫn như mọi ngày, ông thản nhiên xách va-ly bạc ra Vinh với một cô gái nhỏ nào đó ở đây. Người ta gọi cái sự thản nhiên đó là thụt két, và cái sự lãng mạn kia là theo trai. Dĩ nhiên, cô gái đó không phải là má tôi, người nữ chính trị phạm đã khiến ba tôi bị họ nội từ bỏ trong khi cái chuyến lãng du ra Vinh kia được tha thứ, tẩy xóa. Má tôi được coi như nguy hiểm trên mọi sự nguy hiểm khác. Thích chưa! Tôi hỏi thời vàng son của ba ắt hẳn đã tàn. Thế mà con nghe phong phanh vẫn có người mê ba. Cái miệng móm cười: “Tao không phải chứng kiến cái thời qua. Vì thời chỉ hết khi tao chết”. Ui chù chào, là thương quá cái miệng móm, cái cằm lẹm chẻ đôi. Tôi muốn liệng cái gối vào mặt bà Quán già khi bà lấy cái que sóng lá thò qua ô cửa vỡ khều chân tôi: “Dậy đi cô, dậy mà đón giao thừa”. Cái que sóng lá này hôm qua còn thừa sau buổi gói bánh ú. Tại sao không là bánh tét bánh chưng? Những chiếc bánh chưng thịt đùn ra bốn góc, nếp chính giữa để bẫy khách, to bằng hai đòn gạch thẻ của má tôi thường gói mỗi tối áp Tết. Rõ ràng ba tôi có mang ra. Có dắt tôi vào một quán cà-phê nào đó ở đường Hồ Quý Ly có cây đèn lồng cổ lổ kiểu Pháp trước cửa vào giống hệt mấy cây đèn đứng buồn hiu trong Grall. Rõ ràng ba tôi có nhờ người hầu bàn mang bánh vào chiên vàng cháy rốp. Rõ ràng ông có xắn một muỗng dù mỡ da nếp đậu, gắp thêm cà-rốt đỏ, hành tím, củ cải vàng, kiệu trắng trong thẩu dưa món định đút cho tôi. Rõ ràng tôi có há miệng to gần bằng khuôn mặt choắt cheo của người hầu bàn. Tại sao bà già lựa lúc ấy mà đến. Bạc ác thì thôi! Song dù tôi có liệng tung cái gối úc núc này thì cũng bị bật lại. Bà già đã được che chở bởi những chấn song. Trông bà có vẻ là một người tù dù người bị nhốt là tôi. Chùm chìa khóa lạnh lẽo dưới gới chệch đi áp lạnh lên gáy nhỏ. Tôi dở sổ ra đếm coi mình có mấy người bà con trong thành phố này. Nếu trí nhớ ba tôi không lầm thì tôi còn bảy bà o, hai ông bác, một ông chú. Tôi nhắm mắt chấm đại một hàng. Vừa thay quần áo vừa nhẩm trong đầu một địa chỉ khó tiêu. Thăm viếng vào giờ này sẽ bị cho là khiêu khích chăng. Hình như cái bộ mặt của tôi đủ là một hãm tài cho mọi người. Khi đi ngang Thư Viện thì tôi như đã tiêu hóa và cho ra dễ dàng các địa chỉ nợ. Cái bóng đen lầm lũi đó làm tôi xúc động. Chúng tôi quen nhau ba tháng rưỡi nay, gặp nhau đều đặn mỗi tuần sáu lần. Cũng gặp gỡ nhiều, nhưng ngôi trường đứng kia sao mà lạt lẽo. Trừ một sáng rất tinh mơ. Ô cửa thứ chín trên lầu mở ra, cái đầu tóc dài của một người đàn ông ngó xuống, cười tươi như cỏ non. Tôi cũng rút khăn quàng thân mật vẫy. Ðã tan mờ cái hình ảnh đẹp đẽ đó. Một lần đủ cho một đời chưa? Những sáng cố đi học sớm nhưng không bao giờ gặp nữa tôi vẫn thường ngẩn ngơ tự hỏi. Cái cổng không bao giờ khép của Thư Viện có vẻ lúng túng trong cái áo mới màu trắng. Chào cô, không về quê ăn Tếợt à. Bác hỏi kỳ cục, bộ ở đây không phải là quê của con sao. “Quê-nội-yêu-dấu” đó bác. Trong cái hốc tối êm ấm của bậc thềm trước cửa tôi thấy lờ mờ dòng sông trước mặt và bên kia sông người chen chúc trôi đi, trôi đi. Còn năm phút nữa mới giao thừa. Tôi áo mới, quần mới đứng trên bậc cao cười một mình giữa hành lang màu trắng bệch. Khung kính này một lần ghi tên tôi trong danh sách những người tự ý mang sách ra khỏi thư viện không có giấy phép. Tôi yêu cái tính bạc bẽo đó của Thư Viện dầu đôi lần tưởng đã khóc vì gã. Mọi Thư Viện đều có ít nhiều nét dễ yêu. Chẳngh hạn một Thư Viện ở Sàigòn có tấm bảng đề: “...cấm mọi giao du thân mật giữa nam và nữ”. Bởi vì cấm đoán bao giờ cũng là một hình thức của sự khuyến khích ngấm ngầm. Ðến một phố lạ bao giờ tôi cũng xục xạo đi kiếm Thư Viện để ngắm. Nơi ba má tôi đang ở không có được một Thư Viện nhỏ. Mấy ông già bảo: “Văn chương không bằng xương cá mòi”. Biệt danh của tôi ở đây là Nhân Cá Mòi. Tự bản chất, cá mòi và văn chương có một cái gì đó khắc chế lẫn nhau. Chẳng thế mà bọn bạn thân biết tính chẳng bao giờ mang văn chương phú lục ra nói lảm nhảm với tôi. Quanh Thư Viện, ngoài cỏ non chẳng một cành cây bóng lá để hái lộc. Khi những ánh pháo tóe lên trên mặt sông hắt sóng đến hốc tối tôi đứng, tôi hối hả quay về. Năm mới hạnh phúc cho cô. Cám ơn bác. Cháu chỉ mong bác đỡ vất vả hơn. Mỗi lần thấy bao nhiêu người đứng chờ bác há miệng để chui vào đứng đen nghịt xô đẩy giành giự nhau quanh quầy gỗ đen nâu... để mượn những cuốn sách hiếm thấy thương bác làm sao! Bọn này vẫn nói đùa: “Ðời sao mà bon chen”, dĩ nhiên, cuốn hút trong guồng máy của bác, cháu thường như mình bon chen hơn ai hết. Trời không lạnh lắm trên đường trở về cư xá. Cọng cỏ non ngậm ngang môi ngọt mướt màu lục mạ. Ðó là lộc đầu năm nay. Mồng một tôi ngủ gần cả ngày. Những thức ăn dự trữ từ 23 tết - ngày thi thực tập xong, lười lĩnh rời nhà - chỉ còn sót lại đồ ngọt. Ngủ để bớt nghe nhớ quặn món thịt kho nước dừa với dưa giá chua của má và nồi măng hầm rục cuộn bánh tráng. Những miếng mỡ trong veo mềm mũm dầu được cột kỹ, đũa đen vân đỏ chạm vào là tan, chẳng thể gắp lên. Ngủ với chút hy vọng gặp ai đó trong gia đình ra thăm với thức ăn đầy ắp hai tay. Mồng hai chợ đã lác đác nhóm. Tôi lơn yơn xách giỏ qua sông. Ghé thăm o Duyên. O giận ra mặt. Nhưng không nói ra một lời. Huyền và Tuyên diện đẹp như những thức ăn gói bằng giấy kính đủ màu. Nguyễn nhét vào túi quần tôi một phong bì màu đỏ: “Lì xì cho chị đó”. Chuyên líu lo: “Mấy hôm nay có mấy người đến hỏi thăm chị Nhân nhiều lắm, có một ông ở Sàigòn ra”. Tôi nhăn mặt, chẳng lẽ lại là Lên. Huyền cười cợt: “Chàng đó à!”. Mà Lên thật, trời ạ! Tôi muốn đưa hai tay lên trời. Hết Phần lại đến Lên. Trong khi những người tôi mong là ba, má, anh, chị, em lại không thấy bóng. Không phải tôi chuộng hai tay đầy ắp thức ăn hơn hai cánh tay đầy ắp tình thương mến. Nhưng tất cả, thành phố cũ, bạn cũ, tất cả những gì đã sống qua, tôi chỉ thương được khi mất hết. Lên điềm tĩnh hơn Phần trước sự thất vọng của tôi. Anh chàng được điểm của o Duyên lắm khi lên mặt la lối: “Sao em lung tung như con lật đật vậy. Ðang ở với O sung sướng như tiên lại xin vào cư xá. Cái xóm đó nổi tiếng du đãng. Ba má biết được chắc buồn lắm”. Tôi phải lôi Lên đi, đi chỗ nào cũng được. Ðể ngồi một chỗ anh chàng sẽ còn phải nói nhiều hơn nữa. Ðàn ông nói nhiều thường thì không tốt đẹp hay ho gì lắm. Tôi lẩm bẩm dọc đường: “Anh nói không sai. Em đã là tiên. Em đã ở thiên đàng. Thế mà em bỏ, em chui xuống hỏa ngục chơi với quỷ dữ. Quỷ dữ là bạn của em. Anh cũng có vẻ tiên ông lắm. Em có lới khuyên đừng nên chơi với quỷ sứ kẻo bị truyền nhiểm”. Thật ra, Lên chưa đủ thân thiết để tôi nói thật như thế này. O Duyên rất tốt, các en Huyền, Tuyên, Nguyễn, Chuyên, Luyến càng tốt hơn. Nhưng cái không khí ở đó quá giống gia đình tôi làm tôi sợ. Họ nhà tôi, phách tấu và rong chơi luân lưu ít nhiều trong máu, dầu thế có thất, cơ có sa đi nữa. Trong khi tôi đang cố gắng bỏ rơi con người cũ của mình để cong lưng chạy hụt hơi theo vòng xoắn bon chen cùng thiên hạ. Lên trầm ngâm: “Em có vẻ dễ làm cho người khác tin tưởng. Như bọn con cô Duyên, ai chiêu dụ cách mấy cũng chẳng có đứa nào hé môi tiết lộ chỗ ở mới của em. Ðến lúc anh phăng lần ra mối, đụng phải bà già lì lợm như em, cứ khăng khăng không mở cửa, bảo em đi về quê dù anh biết trong đó em đang lui cui với thức ăn. Rõ ràng người độc nhất còn lại trong cư xá là em. Chỉ em thôi trong căn phòng đèn sáng có cửa sổ nhìn ra cây đu dủ tía. Nhưng rồi em sẽ thấy, chẳng ai phục tòng em lâu đâu”. Tô lơ đãng: “Hình như điều gì đó chẳng cần thiết lắm đối với em”. Lên lầm lầm đưa tôi đến một chỗ lạ. Tôi ngủ ngon trong lòng xe. Gió thì mát mẻ. Gió Xuân mà! Vài phút trước khi xẽ ngừng tôi mở mắt ra, thích thú: “Thiên đàng hay địa ngục đây!”. Lên cố làm ra vẻ bao dung: “Chỉ là một chỗ để thần kinh em dịu xuống. Ngó bộ lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, đầu óc em bị căng thẳng, trái tim em đập không được điều hòa”. Tôi biết đã từ lâu tôi có một trái tim không được điều hòa nhịp đập, đâu phải mới tuần nay. Như một kẻ mang vết thương, mê mải rong chơi, không băng bó, ngày ngày mở hoác thêm ra... Và tôi phải bắt đầu như thế nào đây. Người chồng, người vợ, hai đứa con ngon như hai cục kẹo, ngôi nhà cổ mênh mang khuất khúc, khu vườn đi hoài không hết, những tấu khúc trộn hương hoa mơ hồ lãng đãng. Tôi kêu lên với Lên, em ngộp thở quá chừng chừng. Tay tôi níu chặc tay Lên. Như sắp mất thăng bằng, tôi sợ ngã. Sợ cũng không thoát. Tôi áp một bàn tay lên ngực. Không phải rơi ngã. Mà là trôi. Quả tim rõ ràng thoát khỏi lồng ngực tôi trôi nổi bồng bềnh. Dưới mắt Lên có một đường vòng sung sướng. Cám ơn anh đã đem tôi đến chốn này. Người vợ là cháu của Lên. Bà ta không đẹp rực nhưng sang trọng, quý phái, dịu dàng và mỏng manh như mây. Người chồng có một nét lạnh bạc rất sát nhân hiện lên trên cái mũi gồ. Môi dưới bĩu ra, rõ là một kẻ khinh thế ngạo vật. Ðôi uyên ương này toát ra một vẻ gì tách bạch lạnh lùng mà trí thức. Vẻ cổ kính ma quái của ngôi nhà, vẻ bí mật của ngôi vườn như ướp lên mặt những người sống ở đây, chủ và gia nhân. Tôi thì thầm vào tai Lên: “Em sợ hai đứa bé lớn lên rồi cũng lạnh lùng như ba má tụi nó”. Lên không chăm chú nghe. Anh mãi ngẩng lên trời kiếm cho tôi một chùm nhãn. Người nữ chủ cố gắng vồn vã với tôi. Những người ở đây mặc nhiên coi như tôi thuộc về Lên, không chạy đâu cho thoát. Cả Lên cũng ngỡ vậy. Nếu quả tim không tê ngất trong khí ấm của lá mục tôi hẳn đã cười to vì sự lầm lạc này. Vết thương ẩn trong tôi được mơn man. Khi chủ nhân mời mọc ở lại qua đêm, tôi thở phào như trút được gánh nặng. Mới gặp ngôi nhà trong tôi đã nảy ý chiếm đoạt, mới một vòng quanh vườn cây tôi đã cầu được sở hữu. Thì có bao giờ tôi lại không ao ước chụp lấy những gì vừa mất dầu biết không thể. Bởi những mong mỏi của tôi chẳng bao giờ được ai nghe, nhất là chẳng có quỷ thần nào phò trợ cho những cầu mong - mà quanh tôi, người người cho là nhảm nhí - như vậy. Lượt này, chưa bao giờ tôi nghe dâng nỗi ước cầu ấy mãnh liệt nhồi nhụp tâm thần đến như vậy. Ở-lại-đêm có giá trị như cái vẻ an ủi cho kẻ trích tim mua hạnh phúc như tôi mà biết chắc trước mọi sự sẽ không lọt qua như không hạt cát nào chịu ở lại những kẽ tay. Chẳng bao nhiêu đủ thỏa kẻ tham lam như tôi huống hồ một ngày. Một ngày qua chưa đủ đi hết vườn rộng, chưa tách mở được chút nào nguồn bí ẩn khiêu khích của người và vật ở đây. Người chồng có cái lối nói chuyện lạnh lùng hơn cả khuôn mặt sẵn có. Tiếng ấm, trầm và nhỏ, mắt như hút trong hư vô, bất kể người đối diện. Ðề tài là những đất lạ đã được đi qua. Ông có vẻ ngóng tai một cách lơ đãng mà thâu thập hết những điều tôi kể. Phải nghe rất kỹ ông mới có thể nói với tôi như thế này: “Cô làm tôi liên tưởng đến Vêra...”. Lời nói, chỉ đủ một tôi nghe, như một con trùng lạnh luồn lẩy chạy dọc theo đường tủy sống. Vêra, tôi biết chứ, biết kỹ hơn Vêra của thầy Quyền mới dạy tháng trước vì hồi còn ngồi ẳm giữa hai tay ba tôi đã nghe ông kể đến thuộc câu chuyện mà ông thích nhất. Ðó là Vêra của Saki. Chưa người nào bộc lộ sự thấu hiểu về tôi một cách tế nhị và bạc ác như người chồng. Tôi nói để khỏa lấp: “Tôi không tin những người xông xáo mạo hiểm như ông lại chịu thúc chân từ đây đến xế đời”. Ông nhắm mắt: “Tôi già rồi”. Người vợ cười: “Nhà tôi cảm thấy già có lẽ lỗi ở tôi. Cám ơn cô đã khiến cậu Lên tôi cảm thấy trẻ lại”. Tôi cười gượng gạo: “Lên trẻ lại nhưng tôi già đi. Cũng như ông nhà già để nhường sự trẻ tươi cho bà. Những khóm hoa quanh đây như được chiếu hắt từ sắc đẹp của chủ nhân”. Câu tán tỉnh vụng về của tôi gây được tiếng cười ầm của mọi người. Má người vợ hồng lên. Mắt người chồng sậm màu hẳn. Tôi hơi giận. Như thế có vẻ ông không vừa lòng vì tôi chạm đến một chút sở hữu quý báu của ông chăng? Tôi xoay sang chơi với hai đứa bé. Ở trường là Ðại Hán và Tiểu Hán, ở nhà là Ali và Aline. Nhận xét của Lên quá đúng. Tôi dễ được lòng mọi người nhưng không bền. Mọi lần tôi không cần sự bền bỉ, thủy chung nơi bất cứ ai. Nhưng vây giờ, tôi như đang trôi trong cơn mê, tôi đang cần được thấy. Ali vỗ tay reo: “Cô kể cho em nghe rồi. Mỗi lần thằng bé nói dối, mũi nó dài ra, bà tiên áo xanh phải gọi chim đến mổ cho ngắn lại”. Aline suỵt anh nó: “Im nào, nghe chị kể”. Dĩ nhiên, chuyện của tôi phải khác chuyện của cô giáo Ali. Con bé bằng gỗ của tôi mỗi lần nói dối nó trở nên xinh đẹp hơn, và chim chóc tụ về ca ngợi. Vêra chỉ là Vêra khi nó nói dối. Buổi tối người vợ đề nghị sang cù lao Hống ăn thạch. Bên đò ngay sau nhà. Người chồng và Lên chèo. Người vợ kêu lạnh chui vào khoang. Tôi ngồi nơi đầu mũi, tựa lưng Lên, thòng chân khuấy nước. Cả bọn trốn Ali và Aline mà đi. Trời đầy sao, nước óc ách vỗ mạn thuyền, những bóng đen của cây cối nhà cửa ven bờ, cành củi khô như cánh tay gầy guộc của ai nhô lên kêu cứu. Tôi tưởng mình có thể chết được ngay đêm nay, hoặc như củi, rơi xuống âm thầm, trôi đi âm thầm. Rất khẽ, rất nhẹ, người chồng hát. Những bài dân ca lạ tai nơi những vùng ông đã đi qua. Những câu hỏi của Lên vẳng lên, trơ trẽn. Anh chàng phải lập lại mấy lần tôi mới nghe. Lúc rời thuyền, Lên hỏi khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn hồi nào không rõ: “Nhớ nhà à?”. Người vợ đưa t6oi khăn tay. Một mảng lụa mềm thơm mùi hoa Lung Thảo. Những sợi thạch trắng dòn bỗng như nhắc kỳ thi cuối học phần 13 Tết, những loại tảo thanh, hồng, cát, lục... Những cái tên Latin nuốt chẳng trôi như agar mềm trong miệng ngậm, polisiphonia, porphyra, gracilaiopsis, sangassul, turbinaria, dictyota... Làm thếợ nào để trở lại chốn đó. Trong những ngày nằm ngồi với đống cours tung vải khắp giường, tôi cứ như bị ám ảnh bởi một cơn mộng. Sẽ là mộng dữ hay lành? Những chiếc xe đi về An Long thấp thoáng sau hàng bàng ngoai cổng những dạng sặc sở của áo hoa. Vẫn còn là Tết. Chưa trôi qua một phần sáu của tháng giêng. Lên về Sàigòn ngay sau hôm đi chơi về. Trước đó có một cơn gây gổ giữa tôi và anh, gây rất êm đềm nhưng chắc chắn không còn gì để nói nữa (mà có bao giờ, có gì để nói đâu). Mồng mười Tết, người chị ở Ðà Lạt nhờ người mang cuống mưòi tám đóa hoa hồng vàng còn nguyên nụ. Khí hậu ở đây không trồng được loài hoa đó. Trong nhà ươm của họ thiếu hạt giống hoa này. Tôi sung sướng với ý nghĩ mang đến cho họ những thứ mà họ không có. Trời vần vũ, gió nhiều nhưng không mưa. Ðường xa mô mấp. Cứ sợ đau những nụ hoa đang lần hồi mở cánh. Chiếc khăn ca-rô lướt thướt bay cho biết tôi đang đạp xe ngược chiều gió. Qua cây cầu sắt lớn sơn hắc ín đen nhưng lại có tên là Bạch Sư, gió như muốn xô dập tôi sang phần cầu dành cho xe lửa qua. Ðôi lúc đã định vòng xe về. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng đến. Cổng vào mở hoác. Nhà trước không người, nhà sau, cách một lối đi có mái che dài thấp thoáng những người làm. Và tôi nghe tiếng violon dặt dặt từ một chỗ nào, xa lắm. Những dáng lờ mờ trong nhà ươm hoa đủ cho tôi tưởng tượng như thế này. Trong đó người chồng đang kéo violon cho hoa nghe. Ali và Aline mắt đen như thỏ, cố gắng giữ im lặng trong hai tay ôm của má nó. Nhiêu đó, đủ để tôi về. Sau khi đặt chai rượu-chín-mươi-chín-ngày vơi đi một ít, bó hồng vàng đang nở và mấy phong sô-cô-la cho Ali và Aline... trong một hốc tường dầy khoét lõm vuông dùng làm kệ sách. Trên đường về, tôi đạp nhẹ nhàng. Trời thôi gió nhưng tôi vẫn như bay trôi. Về đên cư xá, vẫn chưa có người nào ra học lại. Rất nhiều rêu xanh trên lối gạch. Và cây bàng thì lá đỏ hung hung. Tôi ngồi lặng hằng giờ trong bầu không khí như ướp mật, dầu tôi biết, nếu nhắm mắt, nằm xuống, hẳn tôi sẽ có những giấc mơ ngọt và thơm. Như thế, xem như tôi rớt thực tập Thực Vật. Nhưng với người thầy này không có chuyện rớt. Ông bắt thi mãi đến khi đậu mới thôi. Nhiều cô cứ phải lên trường hoài trong khi bạn bè nghỉ chờ ngày sang học khóa hai, đã vừa khóc vừa thi. Trong năm lần tôi bốc thăm, mở ra hêt bốn lần là tìm glucid trong rễ thược dược. Những lần về sau tôi càng vụng về tệ hại hơn trước. Lần thứ năm máu nơi ngón trỏ nhỏ xuống lame. Thuận tay tôi bỏ vào kính hiển vi, ngắm nghía. Người trưởng phòng ghé mắt vào kính, la lối. Lamelle nát nhầu trong lòng bàn tay trái. Tôi không nghe đau. Chỉ hơi tê và buôn buốt. Khi rời phòng, trời đã tối, trăng mới nhú chưa tròn. Vẫn như bao ngày, đường sá khuất khúc thưa người. Những người hình như là cùng lớp đi ngược chiều nói thoáng qua những lời lẽ nào đó không nghe rõ. Gió lật tóc rối bung, trăng ướt nhễu, những ô cửa của cư xá đều sáng loáng ánh đèn. Một vài vòng khóa khua lách cách, cửa mở hé, tôi dẫm lên một thứ gì cộm dưới giày. Khi lột giày ra, soi đế dưới chân nhận ra nhúm hoa Tử Mai nhầy nhụa bênh bếch màu đỏ. Trong bốn người yêu mới của tôi, người vơ, người chồng, Ali và Aline, ai là người mang hoa đến vất vào khe cửa? Có phải trả nợ chăng? Vết thương ngỡ được chữa dứt, đâu ngờ mênh mang chỉ là những vết xoa để chuẩn bị cắm vào xẻ xuống một ngọn kim mũi giáo dùi đụt khuấy ra. Loại kim này không bao giờ sắc bén. Dĩ nhiên, nên sẽ tiếp tục nhầy nhục nhỏ máu hoài. Trong bóng sáng hắt của trăng qua song cửa, tôi mệt nhọc quờ quạng tìm nước sôi chế vào tách nhỏ chứa nhúm túy cúc, cam thảo, xí muội và gừng già. Có đêm bụng trống, tôi ngồi nhẩm tì tì mười tách rồi thiếp ngủ ngon lành quên cả những bài học phải sửa soạn cho sáng hôm sau. Ở đây, nhất là phân khoa tôi đang học, rõ ràng có cái không khí của một thứ trung-học-đệ-tam-cấp. Mà ngẫm, ép buộc vào khuôn, bon chen theo người, đôi lúc cũng hay hay. Dù không muốn, sự học hành coi như một thứ rong chơi trá hình. Nhưng biết sao đây! Tự bản chất tôi đã là một loài gì đó bạt bạt, không cố định. Không bao giờ được cố định. Nằm vắt vểnh lưng chừng giường sắt lạnh. Những tiếng động không khác gì năm cũ. Cũng tiếng học bài rào rào những phòng bên. Tiếng côn trùng thì thào. Tàu lá chuối quất vào nhau lách bách. Và vẫn muỗi - những con muỗi đói máu không chỉ bâu vào phần thịt hở mà còn đâm vòi qua lớp vải toil dày hút giùm tôi lượng máu thừa - vẫn ồn ào và kiêu hãnh một cách tội nghiệp. Chúng còn quá trẻ đã sớm hấp thụ tính hùng hổ, bon chen. Tôi muốn cứu chúng khỏi chết nhưng sự lạnh lẽo làm tôi không điều động nổi bó cơ nào đó trên cái thi thể như đang độc lập với những ý tưởng lềnh bềnh. Tưởng như mình đang được tách đôi ra để thong dong hồn ngắm xác. Như một lần được đàng hoàng trước bức tranh La Rêve lờ mờ dáng một thiếu nữ đang ngã xoài ngang lưng ngựa phi, tóc quện áo choàng bay theo đường ngang, mắt mở lớn nhưng đôi tròng trong veo không nhìn thấy gì hết. Họa sĩ và người yêu anh ta - người mẫu cho hầu hết các bức tranh trong phòng hôm đó, trừ La Rêve - đang đứng trong một góc tối thương lượng giá cả với một người ngoại quốc. Những đồng bạc rổn rẻng trong túi áo manteau tôi đêm đó mua một cái vé xi-nê chiếu ở phòng bên cạnh. Phim đầu ngoài âm thanh huyền hoặc của tiếng tù và vẳng vọng từ xa, không tiếng động nào khác. Phim kể, một truyện trinh thám xoàng, gã đàn ông giết vợ quăng xuống một cái hố quá đẹp dưới chân một ngọn núi tuyết. Bà đầm già bên cạnh đánh thức tôi dậy khi người chồng bị còng tay. Hình như tôi cố gắng thiếp ngủ đi một chút để khỏi phải thấy cảnh đó. Ra khỏi phòng chiếu, đã tắt mọi ngọn đèn bên phòng triễn lãm, thật dễ dàng để ăn cắp bức tranh. Trên đường về tôi đã hối hận toan quay lại nhiều lần vì đã bỏ qua cơ hội đó. Ðường vắng, thành phố đáng yêu biết bao nhiêu với những cửa sắt đóng kín, những ông tàu đẩy xe bò viên lục cục về nhà, những cây đèn bão đu đưa trong tay bà già bán trứng lộn. Và càng đáng yêu hơn, khi áp trong túi áo ngực trên tôi tấm điện tín báo tin đậu, ra gấp để kịp ngày khai trường và tấm vé máy bay sáu giờ sáng mai. Những ngày lầm lầm, những đêm lầm lầm... cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể xác định được đây là cơn mộng lành hay mộng dữ... (viet truoc 75) |
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home