Friday, September 21, 2007

Tơ lòng ai gỡ

Bạn nhỏ! Đã lâu lắm tôi không liên hệ thư từ với ai, nhưng những lá thư tới tấp của bạn khiến tôi phải phá lệ. Nhân đọc một truyện ngắn của tôi, bạn bỗng có ảo tưởng là tôi có thể giúp bạn một lời khuyên thiết thực nào đó cho chuyện riêng cuả bạn… Phải nói thẳng từ đầu là tôi sẽ không giúp được gì cho bạn đâu nếu không muốn nói là ngược lại. Có thể bạn sẽ tìm được những lời khuyên hay ho từ những người khác, nhưng trong số đó sẽ không có tôi. Nói như thế không có nghĩa là tôi chưa bao giờ khuyên ai hay đi xin những lời khuyên. Thật sự, tôi cũng đã nhiều phen rơi vào những tình trạng tuyệt vọng, tưởng có thể chết đi được. … Có lẽ lúc đó là những năm tháng đẹp nhất trong đời tôi. Ở một tỉnh nhỏ ven biển miền Trung, tôi học trong một lớp toàn con trai, chỉ có vài người con gái. Hình như ở trong lớp và ở những lớp trên, thậm chí trong số các thầy cũng có một vài “nam nhơn” thương tôi nhưng tôi giả ngơ không biết… Ngu sao biết! Hồi đó tôi tự nhủ thầm như vậy. Tôi thấy thật tức cười khi phải là “bạn riêng” của nhau. Tôi thấy cuộc sống mới hồng tươi làm sao khi tôi cùng bạn bè đi cổ vũ “đội nhà” lúc đá banh, khi tổ chức picnic, khi cùng đi in những tờ báo roneo, và cả khi biểu tình… Khoảng năm 1992, áp dụng phương pháp giáo dục mới, trường tôi bỗng đẻ ra một cái phòng mang tích cách “gỡ rối tơ lòng” để giải đáp một số thắc mắc cho những cô cậu mới lớn về đủ mọi vấn đề như: kiến thức, hướng nghiệp, tình yêu, hôn nhân và gia đình và hạnh phúc lứa đôi... Người phụ trách phòng là một cô giáo dạy nữ công chuyển qua. Cô mang tên một loài hoa nhưng với học sinh cô còn có một biệt danh rùng rợn là “Quỷ Kiến Sầu” hay “Sầu Nữ’ vì cái vẻ buồn rười rượi của cô. Những anh chàng ban B cứ cho là nguồn gốc là do cô uỷ mị thái quá và rất lo lắng cho cô giáo gieo rắc một không khí “thương vay khóc mướn” trong trường. Tôi không nghĩ như vậy, cũng không đến nỗi như một số nữ sinh coi cô là thần tượng, tuyệt đối tin cô sẽ giữ kín chuyện riêng, nên đã đến đó trút bao nhiêu bầu tâm sự. Bao giờ có dịp tiếp xúc với cô tôi mới xác định cô là ai. Tiếc là tôi chẳng có chuyện rối rắm nào để chìa cho cô gỡ… Một buổi nghỉ giờ Triết, chân tôi đi vẩn vơ lạc tới phòng cô, cái đầu tôi bỗng tưởng tượng ngay một cốt chuyện ly kỳ: “Thưa cô, em không thể nào học thi được. Nhất là môn Triết. Thầy ấy giảng bài hay quá. Hay tới độ với em mọi tiểu thuyết trên đời này đều vô nghĩa so với sự hiện hữu của chính thầy ấy. Em biết thầy K. đã có một gia đình yên ấm, nhưng tình cờ em biết được gia đình thầy không hạnh phúc. Thầy rất cô đơn. Những giờ giảng bài em dịch những lời thầy K. sang một nghĩa thầm khác. Thấy thấy đang cầu cứu mọi người trong đó có em, nhưng không ai biết cả, trừ em. Em không thể làm ngơ trước cái nhìn tuyệt vọng…”. - Thế em đã làm những gì?”. - Em chẳng làm gì. Em chỉ nhìn. Nhưng đằng sau những cái nhìn trao đổi giữa em và thầy K. là những tràng đối thoại dài. - Em hiểu tôi không? - Hiểu chứ! Thầy cô đơn! Thầy phải sống giả trong cuộc sống hiện tại. - Hãy giúp tôi! - Em chỉ là một đứa học trò. - Tôi chỉ cần em ngồi đó, ngó tôi cảm thông và đại diện cho sự trong sáng của tuổi trẻ mà tha thứ cho sự sai lệch của tôi. - Hết năm này em sẽ không còn gặp thầy nữa. - Đó là điều kinh khủng nhất của tôi. Tôi cần em. Cần em bất cứ lúc nào. Bất cứ ở đâu, mãi mãi… Và cuối cùng ông ấy viết giấy hẹn gặp riêng em. Cô thấy em có nên đến điểm hẹn ấy hay không?”. Những lời thuyết giáo về đạo đức dài dằng dặc được tuôn ra. Cô Sầu khuyên giải tôi hãy vì hạnh phúc gia đình ông K. mà đừng nghĩ đến những buổi hẹn do ông K. đề nghị. Cô nói rất lâu về sự hy sinh, lòng ích kỷ, về cuộc đời tươi đẹp khác đang chờ tôi, nếu tôi học hành ngoan ngoãn, đừng tham gia những cuộc biểu tình và đừng tới những cuộc hẹn hò bất hợp pháp như vậy… Cô nói dài tới độ tôi tiếc rẻ vì đã phí thời gian cho một việc vô bổ như vậy. Rời khỏi văn phòng gỡ rối đó, tôi quên ngay mọi chuyện. Đầu óc tôi vẫn thường xảy ra những nhân vật và tình huống tưởng tượng như vậy. Và lúc ấy tôi chưa nghĩ ra cái trò viết truyện để giải thoát những nhân vật ra khỏi cái đầu của mình. Cho đến một buổi lên lớp kể của ông K., tôi bỗng rung động toàn thân trước cái nhìn kỳ lạ của ông ấy. Đột nhiên, ông K. nhìn tôi với cái nhìn mà tôi đã tưởng tượng ra để tả với cô Sầu. Cô không phải như những vị linh mục giữ tuyệt đối bí mật của những con chiến xưng tội. Cuối cùng, ông K. còn làm tôi toát mồ hôi hột khi mượn tập ghi chép của tôi rồi ghi vào trang cuối câu hẹn: “Tôi cần gặp em sau giờ tan học. Buổi chiều ở văn phòng tôi”. Từ đó đến giờ hẹn, tôi thật sự không tập trung học được. Ông K đang là Hiệu phó của trường. Ông dư khả năng đuổi học tôi. Văn phòng ông K. rất đẹp với bụi trúc xanh lá nhỏ, kiến trúc cổ từ đời Pháp còn giữ lại với hai màu đỏ nâu và vàng nhạt, cùng những mái vòm trắng uốn cong. Tại sao tôi lại chọn ông K. để nói xạo mà không là ông H. dạy Toán, ông T. dạy Anh văn, ông S. dạy Sử Địa, ông L. dạy Lý Hoá…? Có lẽ vì tôi ghét ông K.! Rất nhiều người không biết bí mật đời tư ông K., nhưng người chị học Đại học Khoa học ở Sài Gòn cho tôi biết, trước đây ông K. cùng Băng Trinh, bạn thân chị yêu nhau tha thiết, ông bỗng bỏ Trình để lấy cô Phước Hiền là con gái một người làm lớn trong Bộ Giáo dục để dễ bề thăng quan. Dầu sao thì tôi cũng không thể từ chối cuộc gặp này. Tôi đã gây ra tôi phải lãnh. Đuổi học hay không sẽ tính sau. Sau khi tôi gõ cửa và ông K. cất tiếng mời vào, trước mặt tôi là một người đàn ông đang cắn răng lại, để nước mắt không chảy ra: - Xin lỗi, hình như thầy không được khoẻ? - Ngồi xuống đó đi, Đông Ngâm! Em có bà con với Băng Trinh phải không? Em giống Trinh kỳ lạ! - Thưa thầy không, nhưng chị em quen thân với chị Trinh - Sau đám cưới tôi, Trinh đi đâu biệt tích vậy? - Nghe nói chị ấy vào rừng… Nước mắt giàn giụa, ông K. bỗng kể lại một ấu thời cực khổ của ông, sự vất vả đắng cay của một người mẹ thôi thúc ông dặn lòng phải dẹp bỏ chuyện riêng để làm việc lớn. Có lẽ sai lầm lớn nhất cuộc đời ông nằm ở chỗ một hôm ông xếp Băng Trinh là “chuyện riêng”. Và việc đạt tới chức Hiệu trưởng là “việc lớn”… Cuối cùng, ông hỏi tôi có lời khuyên nào cho sự bế tắc hiện tại của ông không? Tôi điếng người trước đôi mắt tuyệt vọng của người đàn ông mà cách đó mấy ngày tôi tưởng tượng ra, nay đã thành hiện thực. Đôi mắt đó đeo đẳng tôi suốt những buổi học sau này. Tôi lao đao một thời gian vì trò đùa bỡn của chính mình. Tôi không thể nói thật với ông K. là tất cả chỉ vì tôi muốn chọc phá cô Sầu một chút. Tình hình càng rối thêm khi những đứa bạn cùng biểu tình và cùng làm báo với tôi bắt đầu nghi ngờ có một tình ý nào đó giữa ông K. và tôi. Người buồn nhất có lẽ là thày H. dạy toán mà cũng là người hướng dẫn đa số những hoạt động của chúng tôi. Ông K. vẫn bị xem là phe đối lập… Một tuần, ông hẹn gặp tôi một lần và có lúc mơ màng ông gọi tôi là Băng Trinh… Tôi ngồi nghe chuyện như là một cái cớ để ông trút vào những phiền não, bế tắc của riêng ông. Cuối cùng rồi cũng phải tự gỡ thôi. Tôi chưa yêu ông K. nhưng không còn ghét nữa. Chỉ thấy tội cho ông. Tôi lại đành phải kiếm cô Sầu với những giọt nước mắt thật và một câu chuyện giả khác: - Thưa cô, hôm trước em đã không nói thật với cô. Thực ra em yêu thầy H. chứ không phải thầy K. Cô Sầu nổi giận: - Nếu là thầy H. thì có gì phải nói. Thầy H. độc thân mà! - Độc thân nhưng vẫn là thày của em, em sợ mang tội. - Có sao đâu. Trong trường hợp này thiếu gì thày trò cưới nhau… Ngay ông H. mời mạ ở Huế vào coi mắt tôi, cũng là ngày tôi nghe ông K. làm đơn xin chuyển sang tỉnh khác. Cũng ngày ấy, tôi bỏ tất cả sau lưng để ra những đồi cát cô đơn, um tùm dứa dại của tôi, ngồi, ngó mông ra biển cả. Khoảng cách giữa cái thật và cái giả sao quá đỗi mong manh. Biển vẫn im lặng muôn đời. Còn sóng thì như lời khuyên lơn của thiên nhiên, xoa dịu trái tim tôi đang có một vết xước êm đềm. Những truyện ngắn đầu tiên của tôi đã được viết ra ở đó. Và bây giờ gần hai mươi năm qua. Cái tính khí bướng bỉnh kỳ chướng của tôi không bỏ được. Nên tôi đã không kết hôn với thày H. cũng như tất cả những người đàn ông tôi đã yêu và đã yêu tôi sau này. Tôi sống một mình. Và không bao giờ hối hận về những điều mình đã làm. Đó là lý do khiến tôi ít đi xin lời khuyên của ai hoặc đi khuyên ai. Mọi thắc mắc về cái trắc trở rối rắm kia chỉ là cái cớ. Khi đưa ra câu hỏi, bản thân bạn đã có sẵn lời đáp của riêng mình rồi. Đồng ý không, bạn nhỏ? Khi nào về thành phố nhớ ghé tôi chơi. Tôi đang bù đầu với những nhân vật của tôi. Những nhân vật giả, nhưng có thật, bởi những người thương yêu thật sự của tôi đã trở thành bóng ảo cả rồi…

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home