Friday, September 21, 2007

Sương mù bóng quế

Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Thuyên. Mẹ lo lắm, cứ dặn đi dặn lại: tốt hơn cả là con nên đi theo đoàn. Ai làm gì con làm vậy, kể cả ăn uống, đi chơi… Nhà Thuyên ở sát dòng kinh đôi, nơi có nhiều gia đình còn nghèo lắm. Mọi người có nhiều chuyện phải lo hơn việc đọc báo để biết được có một nhóm ca nhạc tài tử Nam Bộ được mời đi lưu diễn ở một số nước và lại càng không biết trong nhóm có Thuyên, một người con của xóm kinh đôi… Chuyến đi thật là kỳ thú, nhưng ở mấy nước đầu, Thuyên bị căng thẳng quá, chưa thấy vui dù nhóm cô biểu diễn khá thành công. Đi đến đâu cô cũng mua những cái post card nhỏ xíu ghi vài dòng gửi về cho má. Những thành phố đoàn đi qua có nhiều cầu đẹp, và nước thì trong xanh, cứ làm cô nhớ đến dòng nước sánh đen lừ đừ đằng sau căn nhà sàn của mình. Những đứa trong nhóm trạc tuổi vừa tốt nghiệp cao đẳng trường nghệ thuật như cô, đã bắt đầu kêu nhớ bồ. Cô thì chỉ biết nhớ má, nhớ những buổi đi tập mệt về, tắm xong, cô không buồn giở lồng bàn đậy những món ăn đơn giản như tàu hủ kho, rau lang luộc… để chúi vào chiếc giường đã được má cô trải chiếu, giăng mùng đâu đó chỉn chu… Trừ một vài người có bà con sinh sống ở bên đây đến rước họ về nhà riêng, đa số đều đi chơi cả nhóm trong những giờ không tập và không diễn. Thuyên không thích đi kiểu này, dù chính mẹ cô vẫn mong như vậy. Khi anh phó đoàn phụ trách ngoại vụ đưa cả nhóm đi thăm những viện bảo tàng lớn, cô cứ tiếc rẻ mỗi lúc cả bọn phải lướt qua những bức tranh hay nhiều vật trưng bày mà cô thích. Những chiếc quan tài với xác ướp Ai Cập chắng hạn. Nhiều người chọc ghẹo Thuyên khi thấy cô đứng hơi lâu trước những nắp quan tài khắc chạm người Ai Cập cổ ấy. Anh phó đoàn trêu, này người ta bảo những linh hồn xưa vẫn lảng vảng quanh đây để đi theo về tận nhà những cô gái có chiếc cổ hạc ma quái như Thuyên, em không thấy chiếc cổ hạc của em quá thích hợp với những chiếc vòng thời họ à. Anh ấy vừa dứt lời, Thuyên cảm ngay có một luồng khí lạnh phớt qua cổ cô, như có ai hôn vào gáy mình, nhìn quanh chẳng có ai, cô nghĩ ôi mình lại giàu tưởng tượng, dù có đôi chút hoảng hồn. Thấy Thuyên có vẻ sợ, chú Nguyễn phụ trách bộ gõ càng trêu già mỗi lần San Hà giúp Thuyên búi mớ tóc dày đen óng ả của cô trước khi ca hát để lộ rõ hơn chiếc cổ ba ngấn: - Chuyến đi này cô không gặp duyên lạ thì tôi đi bằng đầu. Hồn của những chiếc xác xưa cô thích ngắm sẽ nhập vào những người sống để tìm cách làm quen với cô, cổ cao ba ngấn ạ! **** Chỉ còn sang Anh nữa là hoàn tất chuyến lưu diễn của nhóm ca nhạc tài tử Nam Bộ mang tên Trầm Thuỷ này. Những cô gái lại trêu chú Nguyễn: Đến phút 89 rồi vẫn chưa thấy duyên lạ của Hạnh Thuyên đâu, chú chuẩn bị đi bằng đầu nhá. Chú Nguyễn lỡ trớn vẫn khăng khăng: Sắp qua hòn đảo nổi tiếng về mù sương và ma quỷ. Chờ đi! Với lại, cái con nhỏ Thuyên này phải tập tính đi chơi riêng thì mới gặp. Cho đến lúc sang Anh, đúng là chỉ còn mỗi mình Thuyên là chưa dám tách đi chơi riêng. So với những nước đã qua, nhiều người trong đoàn chê Luân Đôn xám xịt đơn điệu… nói gọn là chán! Thuyên lại có tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Nó giống mình, có lẽ. Cô thích cái màu đỏ nghịch ngợm chói chang của những chiếc xe bus hai tầng và những ô điện thoại. Cô thích cái màu trắng bạc có khá nhiều mảng chuyển xám đen như bồ hóng ở những nhà thờ xưa. Cô thích những con người hừng hực hát ca trên đường phố hoặc nằm lăn ra trên những thảm cỏ xanh hứng nắng ngoài công viên. Có cả những người tranh nước với trẻ con ở những quảng trường lớn, đông nghịt người và bồ câu… Dù đa số có vẻ thất vọng khi nghe tin sáu năm nay Luân Đôn biến mất sương mù nhưng Thuyên lại yêu cái nắng chiều hanh hao vàng nhạt ở đây. Đặc biệt những ngày cuối hạ đầu thu này, mặt trời cứ mãi chơi đùa không chịu lặn. Một gác đằng Tây cứ hồng hồng đưa bóng nắng đến chín, mười giờ đêm. Không gian như được hoà vào một dòng mật thơm gây cảm giác nếu chui vào ngủ sớm là đã làm một điều vô cùng hoài phí. *** Vừa mới sang đây, đoàn được mời đi xem một vở nhạc kịch rồi cùng đặt vé đi xem thêm một vở nhạc kịch khác. Thuyên nằm trong cái thiểu số gồm có cô, người trưởng đoàn, chú Nguyễn và San Hà thích vở sau hơn. Vở đầu chỉ gây Thuyên cảm giác bực bội cho dù có trực thăng ly kỳ từ trên trời bay xuống. Ai lại cho một anh Việt Cộng trở về thành phố thấy cô người yêu cũ có đứa con lai, lại yêu cầu cô cựu vũ nữ kia giết đứa con đi. Vở sau kể về chuyện một con ma sống, yêu điên cuồng tuyệt vọng cô diễn viên hát chính của nhà hát opera. Thuyên đứng tim lúc con ma cướp cô gái đi, chiếc thuyền trôi qua những khoảng nước lấp loáng đèn, chui qua những cửa hầm tua tủa chông sắt… để đến cái thế giới riêng của con ma. Cái thế giới ngay sát bên người sống, mong manh chỉ như cách một làn da, thế mà khó ai nhận được ra, người ta đa số bận mê với những điều không phải của mình… Và tim Thuyên cũng như rớt tuột xuống một cái vực hun hút sâu trước khi màn đóng, những người sống sót toan bắt một con ma thì trên chiếc ghế cô đơn của nó chỉ còn trơ chiếc mặt nạ thường để che đi khuôn mặt sứt sẹo, phết một vẻ ngoài ác thú trên tấm tình si của nó… Chú Nguyễn lại nhắc về Thuyên, về ngó lại đi, cô nhỏ ba ngấn cổ hạc kia… Biết đâu con ma đang sống đâu đó, sát cạnh cô… Thật ra trong đoàn có vài ba cậu thích cô, Thuyên biết. Nhưng cô không muốn tiến xa hơn. Trực giác cho cô thấy, giả sử không có cô, họ sẽ chuyển nhanh sang một cô gái khác. Yêu kiểu đó, cô mà có một chút sơ sẩy nào, họ sẽ bỏ cô ngay. Mà tính nết của cô thì mẹ cô vẫn nhắc hoài, đã trên hai mươi mà vẫn còn tâm hơ tâm hất lắm. Đoàn còn được đi thăm một lâu đài ma. Những con ma giả khóc giả cười trong băng cassette, tung mùi lưu huỳnh thúi hoắc trong những góc hầm tối, liệng tung một phần thân thể ở một đoạn cầu thang hẹp… Loại ma này không phải của mình, Thuyên nghĩ. Còn hai ngày nữa là xong. Sáng đó mọi người bung đi sắm đồ, Thuyên cầm bản đồ xe điện ngầm tập đi chơi một mình. Cô chọn một cái tên rất tình cờ để thử ló đầu lên xem nơi đó có gì đặc biệt. Hôm ấy cô bận một cái áo dài màu nâu gỗ may kiểu xưa, cổ cao, tà dài, chít ben, tóc búi lỏng buông đong đưa sau cổ. Trong đoàn ai cũng can cô đừng ăn bận lượt bượt như vậy kẻo gặp khó khăn khi di chuyển trên những phương tiện giao thông công cộng. Nhưng Thuyên không nghe. Cô đã thấy những người phụ nữ Ấn Độ loà xoà sari trên người, vẫn nhanh nhẹn có mặt khắp đường phố Luân Đôn. Tại sao cô không thử? Và không biết có phải tại chiếc áo dài nâu này hay không mà khi trồi đầu lên khỏi ga tàu điện ngầm, đi bộ một quãng, ngang qua những khu phố nhiều tầng, giống nhau một cách lạnh lẽo, cô bị một thanh niên đột ngột từ bậc thềm nhà cao bước xuống chạy theo đón đầu và nói: “Xin lỗi! Tôi rất muốn được làm quen với cô. Tôi muốn chết vì cái áo dài cô đang mặc. Tôi là người Pháp, đang ở tầng thứ tư trên kia. Còn cô?". Thuyên đứng như chôn chân tại chỗ, nghiêng cổ nhìn anh. Anh cao hơn cô có tới một cái đầu. Mặt anh xương, dài, hai má hơi hóp, cười có đồng tiền, tóc loe xoe xoắn, râu quai nón cạo xanh, mắt sâu buồn và đẹp. Con ma của mình đây chăng? Anh ngỡ cô không hiểu câu tiếng Anh vừa rồi nên chuyển sang tiếng Pháp. Thuyên cắt ngang: “Tôi xin lỗi. Tôi đang bận việc. Tôi phải đi…”. Chàng trai vui mừng khi nghe Thuyên mở miệng, dù đó là lời để chấm dứt câu chuyện. Anh ta cười, cố gắng gây ấn tượng mà không biết là nụ cười làm mắt anh ta bớt đẹp đi: “Tôi biết chiều nay cô rảnh mà. Đúng 17h ngày hôm nay, tại điểm này, tôi mời cô đi uống cà phê rồi cùng tôi ăn tối nhé?". Thuyên phát tay, lắc đầu yếu ớt. Chàng trai chụp lấy tay cô: "Cô sẽ nhận lời mà. Tôi biết cô ở thành phố này không lâu. Tôi đã xong công việc ở đây, và chuẩn bị về Strasbourg". Thuyên nói phân hai để thoát đi: “Tôi không hứa nhưng tôi sẽ cố gắng tới”. Chàng trai mừng rỡ buông tay Thuyên: "Tôi sẽ đợi, và sẽ đứng đây đến sáng mai nếu cô không đến”. Xạo chưa! Một con ma thì có cần nói xạo đến như vậy không? Ôi! Nhưng nếu là một con ma thì chẳng là gì chuyện nó đứng qua đêm ở đó… Cô sau đó tìm đường đến bảo tàng quốc gia rồi lang thang trong đó. Lại đứng bần thần trước những cái áo quan tạc hình người. Hôm nay thì chẳng có ai hối thúc, chọc ghẹo cô… Xế trưa, cô ra cổng mua khúc bánh mì ăn với xúc xích vừa chiên của một ông già liến thoắng luôn miệng: "Cô gái ơi, áo nâu đẹp quá! Màu áo này làm tôi nhớ tới bà vợ goá của tôi. Bà ấy thích nhưng ít dám bận vì sợ già hơn tôi. Rốt cuộc bà ấy bỏ tôi đi trước. Những hôm trời lạnh, tôi cảm giác bà ấy luẩn quẩn đâu đây, hất gió vào tôi để trêu rằng ráng sống đi, ráng sống thay bà ấy những ngày còn lại. Bà ấy phạt tôi, không cho tôi gặp lại bà ấy sớm hơn đâu!…". 4g30 tới nhanh… Thuyên nghĩ tới cái hẹn của chàng trai. Cô bối rối suýt quên tên cái trạm tàu điện ngầm mà hồi sáng cô đã chọn đại chui lên. Và gặp. Có nên đến hay không? Tám giờ tối nay là buổi biểu diễn bỏ túi ở một Hội quán của người Việt. Cô tung đồng xu vừa được ông già thối lại, cầu linh hồn bà vợ ông chọn giúp. Nếu hình nữ hoàng ngửa, cô sẽ đi… Khi cô đến đúng giờ, chàng trai đã đứng đợi sẵn. Hình như áo quần được chọn lọc hơn một chút nhưng cô vẫn thích cái vẻ không chuẩn bị của buổi sáng cũng như thích đôi mắt đẹp sâu buồn của ấn tượng cái chớp mắt đầu tiên hơn là cái vẻ mừng quá đáng hiện tại của anh. Anh mời Thuyên vào một cái quán gần đó để tiết kiệm thời gian vì cô cho biết cô chỉ ngồi được tối đa 90 phút. Giữa họ có một ngọn nến. Quán thưa khách và dường như họ đều là những cặp tình nhân. Mình đang làm cái trò gì đây. Cãi mẹ. Đi một mình. Nhận lời đi chơi với một người lạ. Để cho cái người ngoại quốc này nắm tay. Và nghe kìa. Anh ta đang tỏ tình. Yêu cái gì mà lẹ vậy ông. Chắc tại cái áo. Chiếc áo dài màu nâu sẫm này, và cái quần màu nâu non. Hay tại cái cổ cao ba ngấn. Cái búi tóc kiểu xà – bông Cô Ba như bức ảnh má chụp chung với ba hồi còn hạnh phúc. Má nói đàn ông không phải là người mà là "quỷ ám". Cô nhớ tựa một vở kịch "Đàn bà là loài quỷ dữ" của một tác giả người Anh, để nói lên một điều ngược lại. Anh ta đang nói đến đoạn tôi còn ở đây có mỗi ngày mai. Mốt tôi đi rồi. Cô cũng vậy. Chúng ta về sống với nhau một ngày, được không? Thôi đi ông! Sống một giờ đã được chưa mà còn đòi tới một ngày. Thuyên ngó quanh quất. Cô tìm gì vậy? Đồng hồ. Chàng trai cười, rút từ túi chiếc hộp, mở ra lấy chiếc đồng hồ có sợi dây bện màu gỗ đưa cô. Thuyên không nhận, nói để mai hẵng hay. Mắt "người kia" lại buồn. Và lại đẹp. Của mẹ tôi đó. Mẹ tôi nói con phải cho ngay cô gái nào con thích nhất. Thật kỳ lạ vì tôi gặp cô chưa tới nửa ngày. Thuyên lại cười, chậm rãi nói: "Có lẽ vì cái áo nâu của tôi thôi". Anh ta cười theo: "Búi tóc nữa chứ, cái cổ, và tất cả, cái vẻ mặt như được thắp nến từ bên trong của cô". Thuyên ngó xuống cái đồng hồ có sợi dây bện màu nâu gỗ. Chín mươi phút qua rồi, tôi phải đi. Nhưng cô tên gì. Thuyên bảo mai nói được không? Thì mai, còn bây giờ tôi tạm gọi cô là cô Nâu. Miss Brown. Ngày mai. Chỗ này. Những thức ăn dọn ra chỉ anh ta ăn. Thuyên chỉ ngồi nhấm nháp ly nước táo… Có gì không? Mẹ dặn đừng đi ăn uống với người lạ, coi chừng bị bỏ thuốc mê. Có gì đâu. Cô bỗng nhớ cách đây vài năm, cô còn được đóng vai Bạch Tuyết ở nhà văn hoá quận ở gần nhà cô. Khi bà phù thuỷ đưa quả táo cho cô ăn, cô phải ngã ra chết. Bọn trẻ khóc gào đến độ thằng Thuỵ đóng vai mẹ ghẻ phải ăn nốt phần táo còn lại, chết ngay để cô sống lại, vì như thế có nghĩa là lúc đầu nó đã đưa lộn phần táo không có thuốc cho cô… Chàng trai nâng tay cô, hôn vào chỗ anh ta tin là sẽ được đeo chiếc đồng hồ vào ngày mai. *** "Sẽ không có ngày mai đó". Khi ngồi trên chuyến tàu điện ngầm trở về khách sạn, nơi cả đoàn chờ cô đến buổi diễn cuối, cô xốn xang nghĩ vậy. Cô vừa 21 tuổi, chưa yêu ai bao giờ. Lần đầu tiên dám ngồi uống nước với một người nước ngoài ở một nước khác, lại để anh ta hôn lên tay, Thuyên nghĩ như vậy cũng đã là khá liều với mình. Ngày mốt cô về. Ngày kia cô sẽ trở lại ngôi nhà sàn trên dòng kênh đôi của mình với người mẹ cứ muốn tiêm vào đầu cô rằng đàn ông là quỷ dữ. Nhưng lẽ ra mẹ cô không nên chỉ dạy cho cô cách ca hát những bản nhạc xưa một cách đau đớn buồn thảm như vậy để cô luôn mang cảm giác sợ sệt khi có những niềm vui lạ chợt ập xuống đời mình. Khi anh hôn tay cô, cô cảm thức chắc chắn đó là người, không phải quỷ, càng không phải ma… Ngày mai, khi cô không đến, cùng lắm anh nghĩ rằng cô là một con ma, một con ma Á Đông rong chơi đến thành phố nổi tiếng về ma và sương mù, nhưng đã thất lạc sương mù sáu năm nay. Tên và địa chỉ của anh, Thuyên cũng đã đánh rơi trên chiếc tàu điện ngầm trở về. Một con ma thì cần gì lưu lại địa chỉ lẫn tên. Khi cần nó sẽ bay đến. Cũng như nó có thể đứng suốt đêm ở một chỗ nào đó, cho dù có hay không có búi tóc, và một chiếc áo nâu…

3 Comments:

At November 16, 2007 at 3:11 AM , Blogger margarita said...

Cám ơn chị Minh Ngọc, câu chuyện quá hay. Tôi rất thích giọng văn của chị, vừa như chơi chơi mà cũng rất chau chuốt, tỉ mỉ. Hiện nay tôi đang đọc"Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ" của chị. Bây giờ tôi mới tìm được blog của chị, tôi sẽ thường xuyên ghé thăm. Nếu như chị không qua bận rộn thì thỉnh thoảng chị viết cho tôi vài chữ nhé. Cám ơn chị và chúc chị sức khỏe để viết được nhiều sách hay, kịch nói nữa nhé. Nếu kịch của chị có vở mới được dưng ở TP, tôi cũng sẽ nhất định đi xem đấy.
Magarita.

 
At July 10, 2009 at 7:38 AM , Blogger minhngoc said...

lam sao lien lac duoc voi ban???

 
At July 13, 2009 at 1:06 AM , Blogger margarita said...

Chao chi Minh Ngoc,
that vui khi co SMS tu chi.
hien nay toi dang lam viec tai Tp.HCM.
My mobil;0913804834.
My name: thanh mai.
Many thanks.

 

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home