Nhân mệnh
Kịch bản
Viết tặng Thành Lộc và “you”
Đ&Ng.
Nhân vật:
Y: nhân vật trung tâm từ nghĩa đen tới nghĩa bóng, thường ở vị thế trung tâm so với A, B, C, D
A: thường gắn với chiếc gậy đen.
B: gắn với thanh kiếm bạc.
C: những mẫu giấy báo nợ có sắc vàng được gắn vào.
D: gắn với quả tim và những đóa hồng xanh.
Thời gian:
Có thể từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại.
Không gian:
Bất cứ nơi nào đó trên mặt đất trơ trọi.
Không bóng dáng các loại động, thực vật và con người. Chập chùng màu đen bao quanh.
Trên mặt đất lờ mờ một vật hình bầu dục hai màu xanh đỏ trong văn vắt…
Ngổn ngang đâu đó, bốn bức tượng Tứ đại thiên vương…
Nhất
Sấm sét dữ dội…
Y vác ra một chậu đất rộng miệng đặt giữa miếng trong bầu dục, trong đó có chiếc rương bằng giấy và Tứ đại thiên vương cũng bằng giấy.
Dường như vừa có điều gì mất mát trong Y.
Y bày tỏ nỗi oán trách sấm sét đã đem đến cái chết, sự thất lạc những gì Y đang yêu mến rồi châm lửa hóa vàng tất cả hàng mã trong chậu đất.
Sấm ngưng.
Cuồng phong. Mưa tuôn xối xả. Y lạnh. Và để khống chế cái lạnh, Y chuyển động toàn thân để đến một lúc nào đó cả gió và mưa đều ngừng.
Lũ ào ạt tràn về. Y đi quơ được một thân cây to (khá giống chiếc rương giấy vừa đốt) và leo lên trên để khỏi bị nước cuốn.
Y thử làm lại các điều đã làm mà ngẩu nhiên sau đó sấm ngưng, mưa gió tạnh. Nhưng dòng cuồng lưu vẫn bất trị. Y loay hoay tìm cách khác… Một trong những cách đó là vỗ thân cây hát khúc Ai Ca:
Bài hát thứ nhất: KHÚC AI CA
Đất trời vô cùng, ta rơi lệ
Trời còn nhỏ lệ, ta tựa vào ai?
Đất mãi tuôn lệ, hãy tựa vào ta, cùng sống.
Khi trời đất đổi thay, cạn lệ, ta vẫn là ta…
Khi Y hát đến đây lũ bỗng ngưng tuông.
Y ngồi ôn lại những gì mình đã làm, cơ mặt chuyển động để bày tỏ nỗi oán giận, lòng thương tiếc rồi toàn thân phải xoay trở vùng vẫy để đỡ lạnh và cuối cùng là khúc hát bật ra từ cổ họng bỗng mọi vật bình thường.
Song song với những việc làm ôn lại của Y, sấm, gió, mưa, lũ lại lần lượt vây bủa nhưng trước sự cố sức thoát ra của Y; và cũng có thể là do ngẫu nhiên… cuối cùng mọi thứ dừng lại.
(Sấm, gió, mưa, lũ đợt hai được tạo bởi A, B, C, D bước ra từ bốn tượng Tứ đại thiên vương).
Y hân hoan vỗ tay reo cười như đã tìm ra khí giới để chống chọi lại mọi bất trắc của thiên nhiên. Như để thưởng mình, Y phủi cho êm thân cây to rồi nằm xuống, yên tâm ngủ.
(A, B, C, D đứng bốn góc quay lưng lại. Phía lưng họ đều màu đen, tương phản với màu trắng phía trước. Họ chìm vào màu đen của vạn vật phía sau).
nhị
Y vừa nằm xuống, một nửa màu đỏ trong của tấm hình bầu dục vươn trùm lấy Y vào trong như dáng bọc của vỏ bào thai.
Giấc ngủ chưa kịp chui vào đầu Y thì B đã rút cần câu sau lưng gắn mồi là một thanh kiếm bạc đưa tít lên cao.
Đồng thời A rút chiếc gậy đen sau lưng ra gỏ nhẹ vào Y. Y mở mắt, chiếc gậy đen chỉ về thanh kiếm bạc – giờ đã ở trên cao – như vạch ra một hướng mà Y phải vươn tới, đạt được…
Gậy đen chỉ thẳng lên trời, B thay thanh kiếm bằng một bức vẽ hình người đàn ông như một đích tới dễ dàng hơn. Y chỉnh trang, lục lọi phần ruột của thân cây và cả bên ngoài nó để buộc gắn vào mình những thứ sao cho gần giống bức vẽ. Vừa xong phần hình thức, Y nhái theo động tác của người đàn ông đang làm rồi còn phát triển hơn.
Tấm vải bọc đỏ rớt xuống. Y vót cây làm lao, mài đá và kim loại làm mũi giáo, mũi tên để đi săn bắn. Theo những kết quả Y làm được, chiếc gậy trắng dần và thanh kiếm mờ đen hơn.
Gậy đen lại được A chỉ lên cao. B thay thanh kiếm bằng bức vẽ người đàn bà. Y lại chỉnh trang, sửa đổi mình để được giống người phụ nữ đó. Xong, Y đi gieo trồng, may vá, chăn nuôi…
Y cảm thụ cây nẩy lá, nở hoa và cho trái. Y đi giữa cánh đồng trĩu hạt, gặt hái, trèo cây hái trái rời đỡ đẻ cho súc vật.
Bụng Y lớn dần lên. Bản thân Y cũng cảm thấy nỗi thôi thúc đẻ. Y ngồi thắt chiếc võng, ngồi đong đưa ru con như ru lấy chính mình
Bài hát thứ hai: ĐIỆU RU ĐƠN
Ngẫm kỹ đi, thấu nguồn cơn,
Cõi trần buộc khóc nhiều hơn nụ cười.
Đời tôi không thấy mặt người,
Tự ta ngủ, tự hôn dỗ mình.
Ngủ đi giấc ngủ linh đình,
Rồi hoàng hôn đến, rồi bình minh xa.
Sông vô thường chảy quanh ta,
Mập mờ nhân ảnh, tịch tà lạc nhau.
Khi Y hát, khúc gậy vẫn bớt đen và thanh kiếm vẫn bớt bạc đi như chúng đang cố đổi màu cho nhau.
Lượt này, Y ngủ do chính lời ru của mình. Một nửa màu xanh trong của tấm hình bầu dục vươn trùm lấy Y vào trong.
tam
Ánh sáng chuyển. A, B, C, D… đi tới lui như trong một xã hội công nghiệp hiện đại… Các loại tiếng động xôn xao của đời sống bên ngoài và bên trên vọng xuống nơi đây. Một trong bốn người A, B, C, D đưa ra tấm bảng ở đầu cần câu: “Đến giờ rồi, dậy đi, Y!”..
Y choàng dậy ngay, làm những động tác cần làm của một con người trước một ngày mới.
Một tấm giấy nợ (1) xuất hiện với nhiều con số cộng, trừ, nhân, chia, căn số, tam thừa… phức tạp để con số thành cuối cùng là – 4.700.000 đồng.
Bước ra vỏ thai, Y lục thân cây, lấy ra một hộp giấy vừa, mở vừa lấy một hộp nhỏ, mở hộp nhỏ lấy mày ra để hóa trang.
Mới làm được nửa mặt đã thòng ngay trước mặt Y một micro và một headphon. Y chụp headphone đeo vào đầu, đứng trước micro và hát bài “Để sống”.
Bài hát thứ ba: ĐỂ SỐNG
Bây giờ tôi còn là tôi, để sống
Tôi là cục bột, hãy nắn tôi.
Trời bập bềnh mây, bạn muốn tôi yêu hay ghét nó?.
Tim tôi lạnh đá,
nhưng nếu bạn muốn nó nóng bao nhiêu độ,
hãy báo ngay!
Tôi cho thuê tôi, một ngàt tám giờ hay hơn nữa,
Bạn cần gì, chiếc tai, ngón tai, mớ tóc, hay môi?
Phổi, tim đều cho thuê, mọi thứ trong tôi đều có giá,
Theo giá vàng lên, đô rớt…
thận, gan tôi xuống giá, lên đời…
Bây giờ tôi không là tôi, để sống
Bạn muốn nhuộm tôi màu gì,
Nói gấp, kẻo mất tôi.
Tôi cho thuê bụng, thuê tim
chín tháng mười ngày,
hay chỉ cần dăm phút
Chí giúp một điều, hãy chừa tôi một chút hồn nhỏ
Để hồi sinh
Người nghệ sĩ cạn lòng, cạn đời để vong thân
nhưng không bao giờ tha hóa..
Sau giờ đóng màn, được sống, tôi còn nguyên vẹn là tôi.
Khi Y hát xong, tấm giấy nợ (1) biến đi và tấm giấy nợ (2) xuất hiện với những con số mới để ra kết quả cuối cùng là – 2.900.000 đồng.
Y giự một sợi giây chuông đang đòng đưa trước mặt. Một cần câu khác thòng xuống gói xôi và ly nước. Y chưa xong bữa ăn, lại thêm một tấm giấy nợ (3) với con số – 150.000 đ có gắn những vật khua để lắc, kêu inh ỏi.
Y đẩy bữa ăn sang một bên, soạn trong khúc cây ra chiếc áo tứ thân… Y kiếm que gõ trống để diễn trích đoạn “Xúy Vân giả dại”.
Khi Y diễn xong, tấm giấy nợ (3) không còn nữa, tấm giấy nợ (4) ghi – 1.080.000 đ.
Y chụp lấy bữa ăn dang dỡ của mình nhưng lần này chưa kịp ăn thì tấm giấy nợ (4) lại lắc kêu thôi thúc.
Y lại đẩy bữa ăn sang một bên, lục trong thận cây ra chiếc áo gillet, nải chuối cùng chiếc xe đạp một bánh. Y vẽ ngay mặt khỉ, choàng gillet, lột chuối ăn rồi đạp xe đi lòng vòng. Cuối cùng Y trồng cây chuối ngược. Tiếng vỗ tay vang dội.
Tấm giấy nợ (5) xuất hiện với con số – 420.000 đ.
Tiếng vỗ tay càng lúc càng to hơn, đòi hỏi một sự đáp ứng hơn.
Y chụp tờ giấy trắng, đục lổ cho thành chữ BỆNH rồi máng vào một cần câu bất chợt của ai đó trong A, B, C, D.
Tiếng vỗ tay tạm lắng xuống.
Y ngó gói xôi và ly nước dỡ dang, không ăn nổi.
Y ngồi lảm nhảm một mình.
Độc thoại của Y:
Hồi nhỏ tôi thích chôn đồ ăn dưới đáy chén… Ăn cơm trắng trước, rồi một lúc nào đó, một phần tư quả trứng hiện ra, như một truyện thần tiên.
Đúng, chỉ là một phần tư quả trứng nhưng với một đứa bé con là con áp út của một gia đình đông anh em như tôi, ít khi được ăn trọn quả thì đó là một niềm vui khó tả.
Mẹ tôi là người chế biến giỏi, bà luôn tạo cảm giác chúng tôi được ăn ngon mặc đẹp dù số tiền cha tôi đưa bà hằng tháng chẳng bao nhiêu.
Có những bữa ăn chỉ là mớ rau muống với bát nước rau luộc dằm vào đó một quả cà nhưng dỗ cho chúng tôi ăn ngon miệng nhờ những chuyện cổ tích hết sức thơ mộng, kỳ ảo của mẹ.
Đã lâu rồi chẳng ai dỗ tôi ăn cả, cũng chẳng ai dỗ tôi sống, người ta chỉ bảo tôi làm việc đi.
A, B, C, D móc vào cần câu các hình của một số món ăn hấp dẫn nhưng điều đó không làm Y xao động. Rồi như chợt nhớ ra, Y nói:
Ờ, tại sao mình lại không tự dỗ dành mình…
tứ
Y lục lọi trong bụng thân cây ra một tấm gương to, chống dựng lên. Y lôi ra một tấm lụa mỏng, khoác vào người.
Y đứng quay lưng lại, hai tay che mặt, từ từ quay ra, đôi mắt bộc lộ sự sợ hại dưới bức tường thành tạo bởi hai tay che.
Bỗng từ đâu đó, phọt ra một trái tim với khá nhiều hoa hồng bên trong, Y rũ tay chạy theo chụp quả tim.
Quả tim không đứng yên, luôn tuột khỏi tay khiến Y mệt nhoài. Y phải liệng tấm lụa, đágiày để chạy cho dễ.
Không bắt được tim, Y lột gần sạch những gì còn lại trên người. Vẫn không tóm được, Y lỡ tay lột cả lớp da trước ngực, lòi cả khung xương bọc tim mình.
Trái tim lạ vẫn lững lơ trêu ghẹo, thách thức.
Y mõi mệt ngồi phệt xuống.
Quả tim như hối hận, mon men đến gần, cạ vào người Y, âu yếm.
Y chộp lấy nó, ôm vào người…
Góc xương trên người Y lòi ra, chạm vào quả tim làm cả hai đều thốn đau, nó vọy khỏi người Y.
Y ngơ ngẩn, ngồi lấy da đắp thịt lại, lượm vải quấn vào người cho đỡ lạnh.
Y kéo trong bọng cây ra khúc tre, buộc vào một sợi dây, khảy đàn hát khúc Độc huyền cầm.
Bài hát thứ tư: ĐỘC HUYỀN CẦM
Ai như là mẹ ta,
lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ai như là chị ta
buốt tim khi ta xước trầy.
Ai như là em ta,
sụt xùi khi ta lỡ tiếng.
Ai như là trò ta,
nuốt từng lời ta như thánh.
Ai như là bạn ta,
hoạn nạn, về sớm quanh ta.
Ai như người ta yêu,
sang sông cùng người xa lạ.
Ai như người yêu ta,
dã quỳ chỉ một hướng đông.
Nhưng giờ ai còn ai mất,
Mà sao lạnh vắng quanh ta.
Đá, sương, đất hòa giun dế,
Chỉ còn một độc huyền cầm.
Ai trôi như là bóng ta,
Trên mây và trong lòng nước.
Độc huyền làm bạn tri âm,
Giạt về khúc cuối vô thanh. (*)
Bài hát cứ bị đứt khúc bởi tiếng khua từ những tờ giấy nợ dữ tợn, của trái tim lỡn vỡn mời gọi âu yếm chở che, của khúc gậy đen trắng dần lên và của thanh gươm bạc xạm đen trên đầu Y.
Y bứt dây đàn, lôi ra trong thân đàn khúc gậy bạc của mình. Cây gậy (của A) trở nên bất động. Thanh kiếm (của B) mất hút trong màn đêm. Các giấy nợ (của C) run rẩy xếp lại.
Y múa gậy bạc một mình. Vài cánh hoa từ quả tim (của D) được rứt ra tung rơi, đỏ thắm.
Y thanh thản, yên vị, cắm gậy bạc sau lưng, ngồi nối lại dây đàn. Lượt này đàn chỉ cho ra những âm thanh thô đục, chông chênh…
Y bực dọc liệng đàn, chỉa gậy lên trời. Vô số micro và headphone các nơi hiện ra.
Y cố hát nhưng tiếng tắt, không ra.
Y hiểu ra, rút gậy định liệng bỏ.
Chẳng ngờ gậy đã dính chặt vào người.
Bằng tất cả sức lực còn được, Y cố nhổ gậy bạc ra khỏi mình. Tấm vỏ da người bị lột theo, Y hóa cáo, chống cẳng tru dài.
Và rồi như tích trò “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” được tua ngược lại, Y cố cô tu luyện để trở ngược lại làm người.
ngũ
Bốn hướng đông tây nam bắc đã được trấn giữ bởi:
· A với cây gậy thắt nơ đen.
· B với thanh kiếm bạc cột tua rua bạc.
· C với trang phục là những lá vàng.
· D với quả tim đeo trên ngực, đầy ắp hồng đỏ buộc giải lụa xanh.
Chiêng trống khắp nơi dồn dập như thông báo một tình hình hỗn loạn đang dồn về chí sát thành lũy cuối cùng của họ.
Y nhổm dậy, chỉnh sửa tóc tai trang phục trong thế quay lưng với tất cả. Rồi bất ngờ quay phắt lại, ra dấu cho mọi âm thanh im bặt để cất lời.
Y: Thế giặc đã công sát chân thành, hỡi các quan tướng đầu ngành, hãy cho ta biết chánh kiến của các ông nên hòa hay nên chiến?.
Tất cả im lặng. Y đảo mắt nhìn bốn hướng rồi trầm giọng, nén thấp rồi khạc ra như phun đi một sự nhục nhã cái từ này.
Y: Sao? Hòa à?.
Y khụy chân xuống, thét lên một tiếng thét câm rồi bật dậy, điềm tĩnh, khoan thai.
Y: Thôi được, trước khi các vị ký một hòa ước mới, cho ta được trao mỗi vị một lời thôi.
Y túm cổ cây gậy một cách giận dữ:
Này A, tôi biết A không phải là người tệ, thậm chí A đã từng là người rất tốt nhưng hóa ra A chỉ yêu đất nước này qua một chiếc ghế nên ôm chặt chiếc gậy này. Khi không thể níu kéo, gán ép chiếc ngai cho cháu con, phe nhóm, mọi việc thiêng liêng nơi đây đều bị A đẩy về hướng hư vô.
Y bẻ gậy, quăng ra.
Y kính cẩn đến vái lạy thanh kiếm bạc.
Thưa ngài B, chúng tôi rất quý trọng ngài qua những điều trong quá khứ ngài đã làm cho dân cho nước. Nhưng để giữ nguyên tình cảm quý trọng ấy, chân thành rước ngài buông việc nghỉ ngơi kẻo vô tình, ngài trở thành khối đá triều dâng.
Y vác thanh kiếm, đặt vào chỗ khác.
Y đến gần những lá vàng của C, khinh bỉ, không ngó tới.
Có lẽ ta không nên tốn giờ nói gì đó với mi khi người ta đặt ngươi vào đây chỉ để đủ mâm, đủ bát chén đũa cho trọn một bàn cờ. Để giờ này ta đi trò chuyện với cỏ đất dế giun hay đầu gối của chính mình chắc chắn sẽ thú vị hơn.
C khúm núm tháo dâng các lá vàng kim trên người. Y đá thốc, lá vàng kim loảng xoảng văng ra. Y thất vọng nhưng vẫn cố hy vọng.
Còn có ai không, các chiến hữu cùng giọng hót với ta.
Y chợt thấy quả tim thân thuộc.
Ôi D, may mà ta còn có D luôn ở lại quanh ta.
Chẳng phải bao lâu nay ta đã sống, làm việc và vượt bao nỗi nhục nhằn bởi điểm tựa tinh thần êm ái này sao?.
Này D, giờ chỉ còn có hai ta, hãy cùng với ta vượt bao khúc quanh đầy ghềnh thác, hiểm nguy này.
Y khoác dãi lụa xanh buộc tim để máng vào người với quả tim được cỏng trên lưng.
Y bước từng bước thận trọng hướng về phía trước, bỗng cảm giác nhói đau như bị đâm lén vào tim, từ phía sau lưng.
Y quay phắt lại, chẳng thấy ai, chợt hiểu ra.
D hỡi D, sao lại nỡ tấn công từ phía sau lưng với người đã xem mình như tình yêu duy nhất. Hóa ra thủ phạm dấu mặt đem nước non này đi bán chính là mi.
Như thế thì, trong hai ta, chỉ một người được sống…
Y vật lộn với vật thể đã dính chặt vào mình như một cách đấu với chính mình, cuối cùng nằm vật ra… Im lặng.
Mọi tiếng động ban đầu trở lại: Sấm, mưa, gió và lũ…
Y ngóc đầu dậy, ngoài bọng cây to, một mặt đất hoang vu trống trãi.
Y: Không một ai sao?.
(Chợt nghe tiếng lạ, áp tai xuống đất, nghe)
Róc rách dưới đất sâu, ôi may sao
Vẫn còn có máu của tiền nhân muôn kiếp trước.
Đã đổ ra tửa sạch nhục ngoại xâm.
Âm thầm bước những bàn chân đất.
Những người vô danh đi không có ngày về.
Những người vợ đứng ngàn năm với đá.
Hãy cùng với ta, hát lại một lần khúc ca.
Khuya nghe tiếng trống gõ, nhớ chồng.
Y gom sức tàn, hát bài “Dạ cổ hoài lang” rồi lết tới vác khúc cây lên vai đi.
Mặt đất nơi đó lún dần.
Nhưng rồi Y cũng thoát được bãi lầy đó để tiếp tục đi trên những hướng đi vô định một cách có định hướng của mình.
Và với một gánh nặng như một nghiệp chướng, trên vai…
_______________________
(*)Dựa ý thơ Ðỗ Trung Lai
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home