Monday, September 24, 2007

“THÚY” vẫn chưa về

I/ Sách - những năm sau 1975 - cứ gơị cho gia đình chúng tôi những ấn tượng nặng nề. Nhân đợt cán bộ văn hóa đi lùng kiếm nhạc vàng, tình cờ khám phá trong nhà tôi tàng trữ một khối lượng sách khá lớn mà trôi qua bao nhiêu tỉnh, cha tôi đã bán sạch các thứ, trừ sách. Trước đó mẹ tôi đã đề nghị cân ký bán nhưng chúng tôi tiếc lần khân giữ lại. Sau khi cha và anh tôi bị đưa ra tòa án Nhân dân và có ở tù - lý lịch “gia đình liệt sĩ” của mẹ tôi cũng chẳng gỡ được - vì vụ án sách năm đó, chúng tôi đi chợ mua tỏi tiêu thì nhận ra chúng được gói bằng giấy xé ra từ sách có đóng dấu tủ sách nhà mình (trong đó có các loại Tự Ðiển, truyện Tàu, Tây mà bây giờ đa số đều in lại).
1983, một người bạn vong niên của tôi là dịch giả Diễm Châu sang Pháp định cư có gửi lại cho tôi khá nhiều sách, trong đó có khá nhiều vở kịch hay và theo ông Châu mới cho tôi biết, gần như tuyệt bản. Thấy sách, tôi vừa ham vừa sợ. Cũng may thầy môn đạo diễn của tôi lúc bấy giờ là cô Nguyễn Tường Trân có tầm nhìn rất thoáng. Là Khoa trưởng Khoa Ðạo Diễn, cô chủ trương cho dàn dựng nhiều kịch bản dựa trên các nền triết học khác nhau. Nhiều khi cô bị nhà trường kiểm điểm vì chủ trương này.
Cạnh các bản dịch kịch không thể có trong thư viện nhà trường của anh Diễm Châu, chúng tôi còn được bổ sung thêm nguồn nầy bởi Trần Như Vĩnh Lạc.

II/ Khi rời Việt nam, dich giả Diễm Châu mới kịp dịch “Những nhà vật lý” của Friedrich DĂrrenmatt để năm 1988, Phùng Nguyên, một cậu đạo diễn học cùng lớp em tôi, Minh Phượng, đã dựng vở nầy để tốt nghiệp và dự Liên hoan sân khấu Thể Nghiệm lần thứ Nhất ở Sài Gòn. Có giai thoại là DĂrrenmatt đề nghị sau khi đem kịch của ông ra công diễn, nếu thấy đoạn nào khán giả cười thành tiếng thì cắt giúp những đoạn đó ngay. Ông muốn khán giả đến với mình chỉ mỉm cười ngẫm ngợi vì kịch của ông hoàn toàn không phải để giải trí. Ðó cũng là là lý do vở “Những nhà vật lý” không bán được vé sau khi dự Liên Hoan.
Trước thời gian đó, chị Kim Cương vừa tu nghiệp thêm ngành đạo diễn ở Bungary về có rủ Hồng Phúc và tôi về cùng cộng tác với Sân Khấu của Kim Cương về mặt dàn dựng lẫn biên tập.
Sau khi làm chung các vở “Lôi Vũ” của Tào Ngu, “Con gái chị Hằng” của Hà Triều - Hoa Phượng”, “Trà Hoa Nữ”, “Nụ hôn đầu xuân”, “Người mua hạnh phúc” phỏng theo các truyện và kịch nước ngoài (La Dame aux Camélias, My Fair Ladyà), chúng tôi lục thêm kho kịch ngoại mình đang có trong tay để kiếm kịch bản nào thoả ba yêu cầu sau đây:
+ bán vé được.
+ có vai nữ chính hay và hợp vóc dáng, tuổi tác cho chị Kim Cương.
+ hội đồng kiểm duyệt không thấy có vấn đề gì.
Chúng tôi lục được một mớ kịch ngoại đạt yêu cầu đó như “Tám người đàn bà”, “Ngôi nhà của Bermada Alba” của Garcia Lorca, “The Visit” của Friedrich DĂrrenmatt (bản tiếng Anh của Patrick Bowles từ bản gốc “Der Besuch der alten Dame”)à
Vừa phóng tác, biên tập xong thì đoàn Kim Cương phải giải tán. Tiếc những kịch bản nầy, chúng tôi có đem đi giới thiệu ở nhiều nơi, chỉ có “Tám người đàn bà” là được sân khấu IDECAF cho ra đời được, còn số phận của “The Visit” tức “Nàng Thúy trở về” khá là truân chuyên. Riêng tôi đặc biệt thích vở nầy từ lúc được xem cốt truyện film được kể lại (hình như người kể là Mai Thảo) đăng kèm hình của Anthony Quinn và Ingrid Bergmann (đạo diễn film là Bernhard Wicki) trên báo Kịch Ảnh của ông Quốc Phong vào những năm 70 trong mớ sách báo bị tịch thu của gia đình tôi.

III/
+ Ðể dễ cho mọi người làm việc, tôi ghi tên người phỏng dịch KHÔNG phải là tôi.
Sân khấu 5B luôn là nơi tôi nhắm đến đầu tiên vì dù sao đó cũng là nơi chúng tôi tụ về để “thể nghiệm” nhiều chuyện khi mới ra trường. Chúng tôi còn định nếu chị Kim Cương không chịu về đây đóng thì sẽ mời chị Ngọc Giàu. Ðọc cho Hội đồng nghệ thuật của sân khấu 5B xong, tôi nhận được nhiều đề nghị phải chỉnh sửa. Việc sửa kịch của tác giả nầy rất không thể tùy tiện được khi tác giả đã ghi chú rất rõ là Bi - Hài kịch.
+ Tôi có một anh bạn làm thiết kế sân khấu. Gần như các sân khấu anh đều có cộng tác qua. Khi tôi hỏi ý kiến anh nên giới thiệu vở nầy cho sân khấu nào, đọc xong anh nói đùa, chỗ thích hợp nhất là dựng ngay trong lòng hay trước Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Tuy nhiên, tôi cũng thử thời vận đưa cho một sân khấu chịu đầu tư những vở kịch tử tế, “hoành tráng” như sân khấu của Nhà Hát Hòa Bình. Hình như Nhà hát có đưa kịch bản đi thẩm định ở phòng Sân Khấu, nhưng hơn mười năm nay, chưa bao giờ tôi nhận được câu trả lời chính thức lý do vì sao không dựng được.
+ Không mệt mỏi, tôi gửi đi những ai hỏi tôi: “Có vở nào hay hay không?” kể cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, kể cả các sinh viên đạo diễn cần có vở tốt nghiệp. Giám đốc một Nhà Hát Kịch của Nhà Nước đọc xong hỏi tôi: “ Chị có ý đồ gì mà giới thiệu vở nầy?”. Tôi chỉ thấy nhà nước Việt Nam cấm hai dạng vở sau đây: chống Cộng và đồi trụy mà theo tôi tự thẩm định, vở nầy không nằm trong hai dạng đó.
+ Một trong những giám đốc của sân khấu tư nhân làm tôi thấy ấm lòng khi vác vở nầy đi giới thiệu lại là Phước Sang. Phước Sang lúc mới ra mắt Sân Khấu Kịch Sài Gòn rất muốn làm nhiều chương trình có chất lượng cao dù kén khán giả bên cạnh những vở thiên về giải trí. Sang cũng tính mang vở ra Nhà Hát Thành Phố, nếu chị Ngọc Giàu không đóng được thì sẽ có Hồng Vân. Tôi đã nhờ hoạ sĩ Chu Thơm lên phác thảo màu rồi. Nhưng Sang nói, theo như Phòng Sân Khấu của Sở Văn Hoá Thông Tin tính toán, chắc không đưa chị dựng được đâu. Ðạo diễn vở nầy tối thiểu phải là một NSƯT hay Ðảng viên, mà loại đảng viên có chức tước đi kèm, như trưởng phòng, hay giám đốc Nhà hát (đương kim hay Cựu cũng được). Và nữa, phải có người đứng tên Chỉ Ðạo Nghệ Thuật.
Hồng Vân đọc rồi, cũng thấy thích. Có lúc Vân còn nói với tôi, hay để cho Lê Tuấn Anh tốt nghiệp đạo diễn vở nầy. Tôi bằng lòng ngay. Ai cũng được, miễn sao vở được ra. Vì tôi tin, nếu hiểu được khán giả của mình, chắc chắn vở sẽ được nhiều tri âm chia xẻ.
+ Có dịp gặp ông Trưởng phòng Sân khấu, nghe tôi kể trong bản tiếng Anh có nói tới việc vở nầy ra đời song hành với chương trình Marshall (tên của ngoại trưởng Mỹ chủ trương trút tiền khá lớn cho Âu Châu như Ðức, Pháp để tái thiết các nước đó sau Thế Chiến Thứ Hai), ông ta hỏi mượn ngay bản tiếng Anh - “để bảo vệ ý tưởng của tác giả và ý định của cô” - ông ta nói.
Lần chót gặp, trước khi ông về hưu, ông cho biết, chỉ chấp nhận cho vở nầy được dựng, nếu giao cho đúng một đạo diễn thôi, đó là một đạo diễn - có đảng viên và NSƯT hẳn hoi, và dĩ nhiên phải có cái KHÁC những đạo diễn cũng - có đảng viên và NSƯT khác. Oái oăm thay, đạo diễn đó lại không hào hứng lắm với vở nầy, hoạc như ông nói với tôi, ông chưa nghĩ ra phong cách, “chìa khóa” nào để dựng cho thích hợp.
+ Ví dụ như ông có hào hứng thì Giám đốc sản xuất nào sẽ bỏ tiền ra cho ông làm đây? Phước Sang thì sau hai vở cố gắng làm nghiêm chỉnh là “Nguồn sáng trong đời” của Lưu Quang Vũ và “Lôi Vũ” của Tào Ngu, doanh thu không khả quan, nên tập trung chuyên làm các vở thuần hài và làm film, ngó bộ an tâm và an toàn hơn.

IV/ Giữa lúc tôi hoàn toàn “tuyệt vọng” về chuyện giới thiệu vở nầy cho khán giả Việt Nam yêu mến của tôi thì năm 2004, lúc đang ở New York, tôi hay tin Viện Goeth ở Hà Nội sẽ đưa một đạo diễn người Ðức về Hà Nội dựng. Nhà hát sẽ làm chính là Nhà hát Kịch Việt Nam, đã từng được tôi giới thiệu vở nầy (Giám đốc ấy đã về hưu, nay là một giám đốc khác). Dĩ nhiên bản xử dụng không phải là bản phỏÔng dịch của tôi mà hình như là của dịch giả Lê Chu Cầu. Sau đó có dịp ghé Hà Nội, trao đổi với nhiều người, tôi cũng có một đề nghị là nên “Á Châu hóa” nó. Nếu “Việt Nam hóa”Ô thì vở sẽ khó được ra; còn để y như nguyên tác thì thấy trước là khó khăn vô cùng để kéo khán giả đến rạp. Khi dựng vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” của Bertolt Brecht, tôi còn phải “Sài gòn hóa” chứ không phải chỉ “Việt nam hóa”Ô nhưng diễn chỉ được mười xuất là hết khách.
Theo tôi biết, phía Nhà Hát Việt Nam sẽ phải bỏ ra cũng vài trăm triệu. Ðức và Thụy Sĩ sẽ hùn vào một đạo diễn, một thiết kế sân khấu và chi phí cho hai nhân vật ấy. (Nếu không có gì thay dổi thì tháng 8-2006 vở sẽ được khởi công).
Nghe được tin nầy cũng quá sức mừng, dù với số tiền ấy, trong miền Nam có thể dựng năm hay mươi vở coi được, do các sân khấu tư nhân tự bỏ tiền ra.
Nhưng điều đáng nói là, không phải có tiền trong tay mà có thể bỏ ra hiên ngang dựng vở được. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn chỉ là một đạo diễn - loại đạo diễn không gắn thêm chức danh nào hết ngoài cái nghề của mình, loại đạo diễn vừa được khuyến khích làm đơn xin nghỉ huu non dù đang độ chín tuổi nghề; và dù đôi khi đi chấm thi, tôi cứ phải đính chính hoài vì thường bị ghi “oan” là NSƯT. Nói điều nầy để thân hữu xa gần có gửi kịch bản cho tôi và muốn tôi dựng, hiểu giùm rằng không phải có vở hay, có nghề và yêu lấy nghề là có thể dàn dựng được ngay.

V/ Mới trao đỗi với dịch giả Diễm Châu, nhờ ông coi lại bản phỏng dịch của tôi xem có chỗ nào “lếu láo” quá không? Trước mắt, điều ông băn khoăn nhất là tên “Thúy” từ chuyện Thuý Kiều.
Có thể tôi sẽ đổi “Nàng Thúy “ thành một “me” nào đó.
Ông hào hứng xúi tôi sao không đem Thomas Bernhard về Việt Nam dựng.
Tôi thì thấy đã quá đủ từ Garcia Lorca, Victor Hugo, Dumas cha lẫn con, J. P. Sartre (vở kịch “Con đỉ biết kính nhường” được coi là vở thiên tả của ông, một người nữ đạo diễn, bạn của tôi, định dựng cũng không được cấp phép), một loạt các vở của ông nầy cùng A.Camus, Pirandello, Ionessco, S. Beckett, (có một buổi họp “nội bộ” đã có ý kiến cho là một trong những nguyên nhân làm cho khối XHCN ở Ðông Âu tan rã do đã phục hồi các vở kịch của các tác giả hiện sinh và phi lý), Cao Hành Kiện (2005, có người rũ dựng “Xa trạm” của ông nầy cho Trung Tâm trao đổi Ngôn Ngữ & Văn Hoá với Pháp ở Sài Gòn, giờ chót được thông báo phải ngưng vì Pháp sợ mích lòng Trung Quốc), Shakespeare (2001, dựng “Roméo & Juliette” theo phương pháp Sân khấu Giáo Dục để trả lời ba câu hỏi “Tuổi Trẻ Việt Nam hôm nay gặp khó khăn gì - Có vượt qua được không? - Và vượt qua bằng cách nào” cũng phải ngưng vào giờ chót. Từ Anh qua để dựng và làm workshop chung với tôi cùng giảng viên - đạo diễn Nguyễn Ðình Thi từ Hà nội, và các sinh viên, Roger Chamberlain, 60 tuổi, đã khóc như một đứa con nít trước cánh cửa rạp bị dán dấu X và chứng kiến khách mời từ các Lãnh Sự Quán lục tục ra về), Tennessee Williams (1997, bản dịch “Những con thú thủy tinh” của Luân Tế bị cho là có vấn đề vì dịch giả từng làm thông dịch viên cho Mỹ, còn khi Nhà Hát kịch Việt Nam do Allen Nause, đạo diễn Mỹ, và dĩ nhiên là tiền Mỹ nữa, đem vào Sài Gòn diễn thì (!!!),Oscar Wilde (“Lady Windermere’s Fan” phải chuyển ngọt ngào thành “Huyền thoại mẹ”), Y. Mishima (sau vài mươi xuất diễn thì phải ngưng vì khám phá ra điểm sai của vở là đã đặt trên cơ sở triết học ngoài Marx), kể cả DĂrrenmatt và Harold Pinter, E. Albee mà trước 1975, miền Nam đã dịch.
Và bởi vì, tại sao không có những tác phẩm sân khấu của người Việt Nam, viết về những vấn đề của người Việt nam cho khán giả Việt nam coi? Cuộc sống của người Việt quanh ta có thiếu những câu chuyện để chuyển thành sân khấu? Và bây giờ đã là 2006, tháng Haià

Ðạo diễn Nguyễn thị Minh Ngọc
* Sân Si ghi hai chữ Ðạo diễn trước tên mình vì cú shock lớn nhất trong chuyến về thăm nhà và làm việc vừa rồi (May 2007) bị yêu cầu KHÔNG nên đứng tên đạo diễn mà để người khác đứng cho tiện việc .. sổ sách.

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home