Thursday, October 18, 2007

HOA CỦA ÐẤT






1. Chuyến đi Mỹ đầu tiên của tôi, tôi được ở chung phòng với biên đạo múa Bùi Thục Anh. Những ngày đầu còn sung sức, chị rủ viết một cốt truyện nào đó để chị làm múa. Trong lúc tôi nối mạng với bạn bè cũ mới thì gần như chị chỉ băn khoăn tìm cách gọi về cho chồng và nhất là cho con. Tôi rất thích chất mềm mại, dịu dàng, đầy nữ tính toát ra từ vở múa gần nhất có tên “Hoa của đất” của chị. Chị giải thích thêm, đó là con người. Bỗng nhớ đến gần 500 xuất, vở “Dư luận quần chúng” của câu lạc bộ Ðạo diễn của chúng tôi ngày ấy, lúc nào cũng có banner với dòng chữ: “Con người là vốn quý nhất”.
Bài học đầu tiên tôi được học nơi đây - mà lẽ ra tôi phải học nhuần nhuyễn từ thuở có đủ trí khôn để tự lo cho mình được - là phải ngủ thật đầy đủ. Một cô bạn cũ của tôi đang làm việc cho chính phủ Mỹ ở W.D.C. cho biết, hôm nào không ngủ đủ tám tiếng là hôm sau bị “ngu” ngay. Với loại bài học này, tôi không phải là loại ngoan. Ngày đi dự lớp hay đi nhồi thân thể mình vào các lớp múa đương đại hay hình thể nhẹ lẫn nặng, tối đi xem, khuya viết. Cứ thế, tôi kéo dài gần bốn tháng ở New York. Chính vở “Hãy khóc đi em” được tôi tẳn mẳn ngồi viết tay rồi fax về cho Ái Như trong khoảng từ 0 giờ trở đi của những ngày đầu năm 2004.
Phải, khi ở Mỹ, vào lúc nửa khuya, 0 giờ là giờ được tôi tặng mình cho những trang viết. Với một người mà quỹ thời gian không còn nhiều như tôi, thật là quý báu khi ở xứ người, tôi vẫn cố cày được vài chương tiểu thuyết, và cũng kinh khủng biết bao khi về đây ròng rã hơn nửa năm, tôi không viết thêm được một chữ nào cho cuốn tiểu thuyết dỡ dang.
2. Tôi thường đặt và bị đặt câu hỏi - cho những người vì nhiều lý do, mục đích phải đi nhiều - rằng bạn thích nơi nào nhất? Vì sao? Những câu hỏi này để giúp một cô gái già hai lần kết hôn giả chỉ để giúp em, giúp cháuà Cô luôn bị di chuyển từ nước này sang nước khác để làm người trông cháu không công. Gặp lại người xưa trong hoàn cảnh éo le. Chàng ngày trước có quan niệm cho rằng “Quê hương là chỗ nào người yêu của tôi ở”. Nàng ngày nay thì ngậm ngùi nghiệm ra cho bản thân mình: “Bao năm nay, với em, quê hương là chỗ nào - cháu tôi sắp đẻ” - . Nàng đang là nhân vật chính của tôi trong vở “Người vợ còn trinh”.
Phần tôi, người viết, thì đơn giản hơn, chỉ mong được tạo điều kiện để làm việc, được cảm nhận những món quà của thiên nhiên trời đất như nước, không khí, ánh sáng.. để loại hoa của đất như chúng tôi được sống, sống với dưỡng khí tràn đầy buồng phổi và thải ra thán khí sau đó, chứ không phải ngược lại. Một trong những giây phút hạnh phúc ở xứ người là lúc được dắt hai cháu đến trường dưới rừng đào ở Vancouver, cảm được hương dịu dàng của cơn mưa hồng đào, nhạc là tiếng cười vô tư của bọn trẻ chạy lăng quăng trên nệm hoa phủ hồng cỏ biếc.
Hạnh phúc nữa là lúc được tưới cây ở vườn hoa nhà Ý Nhi và Trân Sa. Tưởng chừng như nghe được hoa lá reo vui mỗi lần được chúng tôi tắm mát. Ngôi nhà yên ắng đầy đá, cỏ và hoa, nhạc của Nhi và thơ của Sa, nơi mà họ đã cặm cụi chăm sóc bọn trẻ đủ màu da để có những đồng tiền sạch lâu lâu về thăm nhàà Họ là loại hoa của đất đã biết cách đâm mình, luồn rể vào đất đen để đem lại sự sống, để tạo cảm giác ấm áp và chia xẻ cho đời, cho người.
3. Ở New York tôi cũng gặp được nhiều phụ nữ giỏi của Việt Nam. Ví dụ Nguyễn Bội Cơ. Cô đã ở Mỹ bảy năm để học và làm một nghề mà thầy của chị đã báo trước từ đầu rằng đây là một nghề cô độc, khó có bạn vì đồng nghiệp thường cũng là đối thủ. Rất tiếc mấy lần Cơ chỉ huy dàn nhạc Philadelphia ở Lincoln Center, tôi lại kẹt dự lớp bên New York University nên chưa có dịp chứng kiến tài nghệ của cô, nhưng ở xứ người, tôi thường được nghe nhiều người nhắc cô với một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Lần thoáng gặp Cơ ở nhà hát BAM với Kim Ngọc từ Ðức sang, được biết có thể sau Mỹ, nước cô dự định sẽ đến để học và làm là Ðức. Lần ngồi ăn chung với nhau ở nhà chị Minh Khai, nổi bật cạnh cô hoa hậu Thân Thanh Hà sôi nổi chuẩn bị đám cưới ở tuổi U50, là ánh mắt long lanh và nụ cười bình dị của Nguyễn Bội Cơ. Dĩ nhiên, cô cũng có một điểm tựa tình cảm để sống được với cái nghề có thù lao khá cao nhưng vô cùng khắc nghiệt này.
Minh Khai họ Nguyễn, thua tôi vài tuổi, đại diện Vinatex ở Mỹ, trông trẻ đến độ đến văn phòng của chị ở New York, nhiều người cứ ngỡ người Mỹ đang được thuê để làm trợ lý cho chị là xếp chứ không phải chị. Chị có một nhóm bạn, lúc nào cũng hùng hục làm, gần như không biết đến chuyện giải trí ở New York, dịp rảnh tụ tập ăn uống còn là dịp cùng ngồi điểm lại những chuyện buồn đang xảy ra ở trong lẫn ngoài nước do các thế lực đen gây ra, để cùng đau; rồi tan ra, lại cũng phải tiếp tục tươi cười, tiếp tục hừng hực làm như chưa hề có lời phẩn nộ, đau đời trước đó.
Ở nhà chị Minh Khai, tôi còn được gặp Trang Thu trong ngành ngoại giao, cũng xinh đẹp, tài giỏi và độc thân. Chính Thu là người “tiếp cứu” cho tôi mấy đôi giầy gót thấp để tôi liệng ngay đôi giầy rách nát tôi vừa lê lết ở Chicago. Chúng tôi ngồi nhắc lại người cô tài năng và đầy bất hạnh của Thu là cô Bình Thanh, người khởi xướng cuộc tọa đàm “Tâm hồn và trí tuệ của Phụ nữ Việt Nam” năm nào ở Idécaf. Cô cũng là một trong những nguồn cảm hứng giúp tôi ngồi xâu lại những vai đã diễn để diễn lại cho bạn bè xem. Một người con trai ở Cali sau khi xem xong đã nói với tôi: đàn ông Việt Nam có nên xem chương trình độc diễn này không, bởi qua đó thấy phụ nữ Việt bị thói trá ngụy và vô trách nhiệm của phái nam đày đọa quá.
Tôi không thích những thắc mắc phân biệt nữ, nam. Khi tôi hạnh phúc chẳng phải vì tôi không phải đàn ông; khi tôi bị ngược đãi, phản bội, bị tai họa giáng xuống từ trời, chẳng phải vì tôi là đàn bà mà chỉ vì tính cách của tôi, can đảm, hèn.. hay hòa hợp, thỏa hiệp sống, tôi có dám nói lên không, trong tác phẩm, sự thật về những người đối xử tệ hại không chỉ với cá nhân tôi mà còn với đất nước tôi, dân tộc tôi; và đôi khi cũng chính những người ấy luôn tìm cách chứng tỏ một cách hùng hồn cho mọi người thấy họ đã hết dạ yêu thương đất nước này, họ còn phải hy sinh thêm một khúc thời gian nữa dù sức đã cùng kiệt để lao vào nghĩa lớn giúp nghề, giúp đời.
Và dĩ nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở lời.
4. Vâng, đã cùng là hoa của đất, là con người, bất luận nữ nam, chúng tôi đều là những sinh vật sống, cũng có một trái tim biết đau, một cái đầu biết nghĩ. Có người mơ nhỏ, có người mộng lớn. Những đóa hoa của trời có thể lẫn vào nhau, có thể giống nhau hàng loạt, nhưng chúng tôi là hoa của đất, là con người, là phải khác nhau.
Những ngày cuối năm 2004, đi dự đại hội sân khấu Việt Nam lần thứ sáu ở Hà Nội, khi tàn cuộc bầu bán vắng vẻ những người tâm huyết với nghề, rưng rưng lời từ biệt của một người lớn biết thoát ra khỏi cái “trò đùa của người bé” để nhường sân cho lớp trẻ, chúng tôi, những phụ nữ trong ngành sân khấu ở miền Nam, từ nỗi nhớ nhung những người đã tặng nghề cả não, cả tim như Ngô Y Linh, Lưu Quang Vũ, Ngọc Linh.. bỗng thấy có nhu cầu đi thắp nhang cho những người trong nghề đã mất và thăm viếng gấp gáp những nghệ sĩ lão thành U100 trên đất Hà Thành.
Tương tợ như người phụ nữ 97 tuổi cô Bảy Phùng Há cứ thích hát đi hát lại bốn câu vọng cổ mà người tri âm Năm Châu đã viết tặng cô thời xuân sắc, người phụ nữ 91 tuổi Song Kim nhớ không sai một chữ trong những dòng mà người tri kỷ Thế Lữ đã ghi sau lưng tấm ảnh tặng nhau trước phút tạm chia tay đi công tác về hai hướng thuở 1950: “Ðể Song Kim nhớ những vất vả trong yêu thương và hạnh phúc trong sáng tạo nghệ thuật. Anh sẽ theo dõi bóng em yêu dấu, gắng gỏi làm nhiệm vụ với đoàn, với sân khấu và với kháng chiến”.
NSND đã 91 tuổi Ðào Mộng Long cũng rất trẻ trung khi hào sảng cười: “Làm sân khấu mà chỉ mong kiếm tiền và danh cho riêng mình là hỏng cả. Cái thời của chúng tôi, viết và diễn một vở có thể bị bỏ tù là vài tháng chuyện thường. Dưới mũi súng bọn cướp nước, chúng tôi vẫn viết và diễn kịch để chửi bọn chúng với bọn Nam triều hèn hạ liếm giầy Tây.”.
Tiếc rằng chẳng còn giờ để ghé về Yên Tử, nơi các vua đời Trần đã đổi long bao lấy áo tu màu đất, khói:
“Mặc ai tranh bá đồ vương,
Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này”.
5. Ðất sẽ trở về đất; còn sẽ đi về đâu, “hoa của đất” - con người?.
Khi đến Montréal, được anh Ph. và chị Th. đưa đến ngôi đền thiêng mà người cầu nguyện phải đi bằng hai đầu gối từ chân đồi lên đến đỉnh. Anh Ph. cho biết có một nữ khoa học gia khá giỏi đến từ Việt Nam đã thành tâm cầu cho căn chứng nan y trong mình tuyệt căn nhưng vài tháng sau, tin dữ sang, chị đã bỏ cuộc, đầu hàng.
Nếu bạn là tôi, bạn có đi bằng hai đầu gối trần để nguyện cho mình, cho người; cho những người Việt trong và ngoài nước đừng nặng nề khích bác chia rẽ nhau để cùng tìm cách làm đẹp thêm hai chữ Việt Nam?.
Trước đó, trên đất khách, rất khó khăn khi tôi mời những người bạn thân trước 75 đến xem tôi diễn, dù là trong những buổi có mục đích từ thiện. Họ có thể cùng đi ăn, đi ngoạn cảnh nhưng riêng việc này thì họ luôn tìm mọi cách để tránh né như sợ bị phỏng bởi một thứ lửa đỏ được xuất khẩu chuyển khỏi quê nhà. Ðó cũng là lý do khiến tôi đã từ chối khi vài bạn trẻ đề nghị mang những vở hay từ Việt Nam sang dựng ở xứ người. Kịch là chia xẻ. Hãy xẻ chia từ những trăn trở ngay tại nơi đó, bây giờ. Tôi rất thích cách làm việc của những người bạn trẻ ở Club O’Noodles. Trong “Love Stories”, họ đã xắn từng khúc đời của chính họ để kể bày ra trên sân khấu: kẻ tu xuất, người đồng tính, kẻ đánh rồi yêu, người yêu rồi tử biệt.
Tôi rất thông cảm những người bạn muốn tôi giúp cho một vở kịch với tư cách tác giả hoặc đạo diễn nhưng không nên làm diễn viên vì e rằng sẽ rắc rối hoặc khó bán vé. Chẳng ai tin được một người đã đi lang thang trên mười nước như tôi, luôn tìm đủ mọi cách để giới thiệu một vùng văn hóa và sân khấu phía Nam lại vĩnh viễn chỉ đơn thuần là một người làm nghệ thuật.
Vâng, một trong những buổi sáng mùa hè 2004, trong một tâm thế pha trộn giữa hy vọng và tuyệt vọng, tôi đã lết hai đầu gối của mình trên những dốc nguyện khu đền thiêng với lời khẩn cầu như vậy, cho tất cả những hoa của đất Việt, trong và ngoài nước, của tôi. Ðể rồi, khi còn vài ngày nữa, chuẩn bị trở về lại quê nhà, nhận lời cầu hôn bất ngờ trên đất khách, tôi chợt như cảm được những hạt cát nhám chắc chắn và đau đớn dưới hai đầu gối của mình.
Xin lỗi vì không thể kể nhiều thêm về người bạn đời của tôi. Anh ấy không có thói quen phơi bày đời riêng của mình ra cho công chúng.
Bạn hãy tin một điều, một năm bắt đầu từ mùa xuân, mọi đời người , đời hoa của đất, dầu truân chuyên chìm nổi, rốt cũng sẽ phải gặp những kết thúc có hậu. Ðiều linh ứng này không chỉ xảy ra cho mỗi tôi mà sẽ còn hiện đến với nhiều người Việt nữa.
Hãy cùng tin với tôi...
Nhân dịp Xuân về!.
2004

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home