Ngụy Tín
Cảm tác từ “The Fat anh The Lean” (Le Gros et le Maigre, 1961, 15’, đen trắng. Ðạo diễn Roman Polanski (đồng sáng tác với Jean-Pierre Roussaeu, âm nhạc Krzysztof T.Komeda.) Phần Một: Tư Duy Cô Ðơn Trên bãi cỏ xanh ngát hoa và bướm, Chủ đang phơi mình trong nắng mai, đong đưa trên chiếc ghế chao. Chủ không có ý kiến gì về khúc nhạc mà Ta đang vừa thổi sáo, vừa gỏ nhịp trống. Ðời Ta vậy là vui khi Chủ không lên tiếng phàn nàn về những âm thanh dìu đặt do ta Sáng Tạo ra. Nhưng kìa, hình như Chủ đang có một ý định gì đó? Không, chỉ là Chủ lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt béo tốt của Chủ mà thôi. Cứ vậy mà Sáng Tạo Nghệ Thuật, nhé Ta. Không được, Chủ đang cho hai ngón tay béo tốt tự ngoáy lấy hai vành tai dày thọ sống lâu. Có vẻ như Chủ bắt đầu khó chịu với những âm tiết bật ra từ chiếc sáo và chiếc trốạng này. Chủ vẫy kìa, nhanh chân mà chạy đến ngay. Hoá ra Chủ muốn đích thân chơi trống. Chủ còn ra hiệu ta hãy nhảy múa lên. Thì múa! Như Kiến kêu Ve hãy múa thử coi vậy.Nhảy múa là nghề của Ta mà. Ta nhảy đây, các tư thế của ballet lẫn dân vũ. Cho dù Chủ có đập trống loạn xạ bất kể nhịp nội, nhịp ngoại và cả vô nhịp như thế nào. Là nghệ sĩ, còn niềm vui nào hơn khi ta được tung tăng nhảy múa với tất cả những kỷ năng đã được đào tạo và khát vọng của cả một kiếp người. Nhịp trống lơi rồi, Chủ rút chiếc nón phe phẩy quạt. Sao lại như vậy? Ðó là việc của Ta mà! Chiếc túi bên mình luôn chứa những chiếc khăn thơm chỉ mong được dùng trong những dịp nầy. Chấm nhanh những giọt mồ hôi rồi vào nhà vác ngay chiếc quạt “Khổ Lòng-Khổng Lồ “ ra. To béo như Chủ phải được quạt bằng những chiếc quạt xứng tầm vóc Chủ. Chân Chủ thoáng gợn xao động kìa, phải vác ra ngay chậu nước cho Chủ ngâm đôi chân cũng Vĩ Ðại chẳng kém mặt Ngài. Chủ nằm ngửa ngó trời, đàn chim thoáng hiện trong đôi mắt híp nheo. Khẩu súng được chĩa lên. Ðó là loại vũ khí mà loại Nghệ Sĩ như Ta mãn đời không nên nghĩ tới, đừng nói chạm vào. Một chú chim trời rơi. Chủ đã ra tay giết sinh vật nào, ít khi Chủ trật. Ta lo phần chế biến chú chim thành món ăn cho Chủ bởi cơn khoái khẩu của Chủ cũng là hạnh phúc bé mọn trong Ta. Thường thì “xây lúa khỏi bồng em”. Nhưng thế giới này chỉ có Chủ và Ta nên Ta cần làm tất, từ rô ti chim đến xoa bóp tay chân, lau mồ hôi trán, cả nâng niu giũa móng.. chứ không lẽ để Chủ dùng chính tay này giũa móng tay kia. Khói đâu bốc lên từ nhà bếp. Chú chim bị rô ti quá lửa rồi, phải buông những ngón tay chuối mắn này mà chạy đi chửa lửa thôi. Ta thề có trời, có ai vô đây chia việc với Ta, Ta lạy mà rước về ngay, tuyệt đối không xấu bụng muốn độc quyền phục vụ như bao người bên ngoài dèm xiễm. Ta có mọc bốn tay, tám chân cũng không thể nào làm kịp tất cả những chuyện để giúp Chủ có cảm giác an nhàn, khoan khoái. và thấy cuộc đời này mới đáng sống làm sao. Bóp nghẹt đi ngọn lửa. Cho em chim ngoan ngoãn vào lò. Bỗng nhớ những câu thơ của Nazim Hikmet. “Nếu tôi không cháy lên, Nếu anh không cháy lên, Thì làm sao, Bóng tối, Có thể trở thành Ánh sáng?” Khói vấn vương linh hồn thơ dại nào đã chết mà sao cứ trôi nỗi thế này. Khói đi đâu? Về đâu? Ta sống với khung cửa kính trên cao kia biết bao năm tháng, sao mãi giờ Ta mới nhìn thấy nó?. Một thoáng nhón chân. Toàn thân Ta bỗng tràn ngập một niềm khoái cảm lạ lùng. Hoá ra ngoài trời kia còn có trời, ngoài bãi cỏ xanh của Ta còn có những phố chợ làng mạc khác. Chiếc tháp vút lên trời như biểu tượng của Ðộc Lập, Văn Minh, Tự Do gần sát bên Ta thế mà bao năm nay Ta chẳng thể nhìn ra?. Ngừng mơ mộng ngay. Trể rồi! Phải bay nhanh ra ngoài kia chùi bóng đôi giầy không thể bóng hơn, trước khi khuân bàn ra ngoài cho Chủ thưởng thức món ngổng trời rô ti ngoài sân cỏ. Xì gà thượng hảo hạng có ngay sau bữa ăn. Có dù che ngay khi nắng soi gắt mặt Chủ kìa. Sẽ không hoàn hảo nếu thiếu chiếc bình cho Chủ tè vào trong tư thế ngửa. Nhưng lạ quá, vẫn là những chuyện Ta làm hằng ngày nhưng mọi thứ trong lòng Ta nay đã khác. Tất cả chỉ vì làn khói đong đưa khốn kiếp kia đưa Ta mộng ngoài khung kính để biết rằng ngoài trời nầy còn có những điều kỳ diệu hơn, và cần biết bao cho một Nghệ Sĩ Sáng Tạo như Ta. Sau ăn là Ngủ. Tay miết máu vào vĩ cầm nhưng đừng quên dùng chân đong đưa chiếc ghế chao ru Chủ ngủ, nhé Ta! Cám ơn những giấc mộng bình thường lẫn hay bất thường đang khép hai đường rãnh trên khuôn mặt nọng Chủ để thằng Ta nầy mới có thể phục hồi sức lực mà phục vụ lẫn Sáng Tạo cho đời. Ô hay, đầu của Ta ơi, sao chỉ hướng về cõi ấy? Như những hoa Không Hướng Dương chỉ hướng về những hướng Không Trời Dù củ cà rốt này hoàn toàn không có chiếc gậy đi kèm Ta cũng không thể nào bình tâm ăn tiếp; một khi những hạt giống của Văn Minh, Tự Do đã ám vào đôi mắt hèn mọn của Ta rồi. Cái mà Ta lâu nay ta vẫn tưởng là Hạnh Phúc Tư Duy Cô Ðơn hoá ra không phải là như vậy. Ði thôi, Ta quẳng củ cà rốt gặm dỡ dang qua một bên và cất bước chạy về chân trời mới của Ta. Phần Hai: Tự Do Có Thưởng Làm sao Chủ ngủ yên được khi cảm giác không còn Ta bên cạnh?. Chuyện nầy thì Chủ khá nhậy. Mấy thế hệ nhà Chủ làm Chủ, cũng như nhà Ta bao đời được làm Ta. Chủ chạy theo Ta. Coi vậy chớ khó bắt kịp một đứa nhẹ nhàng bụng đói là Ta khi Chủ đang nặng nề thêm với một con ngổng (trừ xương) trong bụng. Cái trò gì thế này? Có ai tưởng tượng được không, Chủ mang cả một con Dê to lớn, trinh tuyền với bầu vú căng đầy sữa đến tặng cho Ta. Ta gần như muốn nằm mẹp sát đất để ngắm kỷ bầu vú cương lên của Nàng Dê từ đây sẽ thuộc về Ta. Một gia sản mà cả đời Ta không mơ thấy được. Thất lễ quá, Ta luống cuống với Hạnh Phúc bất ngờ mà suýt quên chuyện quỳ xuống hôn tay cám ơn người đại diện cho những người Chủ thân thương với bao thế hệ làm Ta của dòng giống nhà Ta. “Từ đây Ta đã có Nàng, Có em đi đứng bên đời líu lo”. (Trịnh Công Sơn) Ta ngồi vắt sửa dê bên Chủ lim dim đi vào giấc mộng trên chiếc ghế chao. Sữa nầy sẽ giúp Ta đổi trứng, trứng đổi gà, gà đổi heo, heo đổi bò, bò đổi đất, đất đổi xe chạy, và biết đâu xe đổi được cả căn hộ trên cao. Hình như các cụ kỵ ngày xưa của Ta vẫn mơ thế . Nhưng ôi trời, tan cả nhà, xe, đất, bò, heo, gà, trứng và cả sữa. Con dê cái khốn kiếp kia le lưỡi liếm Chủ khiến Chủ nhột nhạt quơ gậy và toàn bộ giấc mơ Ta tan biến cảợ rồi. Mơ tan cho Ta kịp thoát đi. Chủ lại bay nhanh hơn ta, chân thành nắm chặt đôi tay nhỏ gầy nầy để trao vào chiếc Xích, ổ Khóa cùng chiếc Chìa be bé. Chả cần đau đáu To Be or not To Be nữa. Vấn đề được giải quyết rồi! Ta lại hôn tay của người mang lại giấc mơ Aãm No Hạnh Phúc đời Ta. Giờ Ta có Dê căng sữa, có Khóa, có Xiềng, Ta cứ việc mình làm. Ðốã ai ngăn cản Ta lại Lao Ðộng, Sáng Tạo. Và Mơ. Ta lại tay Trống, tay Sáo, tuy nhịp Trống có khác đi vì Nàng Dê húc Trống. Chủ lại lên cơn ngẫu hứng sáng tạo kìa, Ta lại được dân vũ, được ballet. Mọi thứ sanh hoạt đời thường lẫn Sáng Tạo Nghệ Thuật của Ta giờ luôn đi kèm với Nàng Dê cùng chiếc Xiềng, ổ Khóa. Lỗi có phải do thằng người ốm o, quần rách toẹt cả hai gối Ta đâu, khi điệu múa không còn rừng rực lửa, chiếc quạt bị kéo đi xa, chậu nước ngâm chân Chủ bị đổ ào khi gần đến đích, mùi hôi thúi toát ra quanh Ta quanh Chủ. Thức ăn được phục vụ muộn màng như bao lời thú tội muộn màng đã thốt. Ta chẳng cần phải Tố điêu ai hay Tố không điêu. Ai có mù cũng thấy thủ phạm đích thật là Nàng Dê Cái, phần thưởng của Chủ dành riêng để níu chân Ta. Ngoài khung cửa bếp, Chân trời xa, Phố chợ, Chiếc tháp biểu tượng cho Văn Minh, Ðộc Lập và Tự Do vẫn nằm đó. Không còn giờ để nghĩ về nó nữa! Bửa ăn phải đúng giờ cho Chủ. Ðiếu xì gà cần cắm ngay vào hai vành môi như hai con đĩa béo ngay sau giờ ăn cho dù Dê Cái cùng Khóa Xiềng này có quấn chân, quấn cẳng Ta đến độ Ta chỉ cò được một chân. Chủ có nhận ra không? Ðiệu nhạc do Ta kéo vĩ cầm ru Chủ ngủ đã biến đổỉ đứt đoạn đi nhiều. Con Dê Cái nầy khiến Ta bật ngửa té lăn nhào nhưng Ta thà nát mông lưng nhưng còn hơn dang dỡ khúc ru giúp Chủ trôi vào mộng. Chân trời ơi, Tháp cao ơi, Phố thị ơi, có biết là khi các ngươi đã đến hồn Ta, dù chỉ qua ngỏ mắt nhưng rỏ ràng chỉ có cái chết mới xóa được các ngươi trong tâm tưởng Ta thôi. Chỉ một dê, một xiềng, một khóa; mà cho dù có đến chục dê, trăm xiềng, ngàn khóa, khi có cơ hội Ta cũng sẽ tìm đủ cách để tiếp cận với Người. Cùng đào tẩu với Ta nhé Dê, hãy cùng về chân trời ấy khi phận Dê và Ta đã là hai kẻ chung xiềng. Sau lưng chúng Ta, Chủ lại bừng tỉnh thức. Hy vọng Chủ sẽ không cần truy đuổi nữa. Loại số nhiều như Ta ông quơ ở đâu chẳng có. UƯa mà lạ, sao các ngài Chủ luôn là số ít, lại thích ôm vào người chữ bôn- sơ vích rồi liệng sang chữ men-sơ-vích để gán cho Ta cùng đồng bọn (nếu có) của Ta?. Ta có hoa mắt không? Lóng lánh trong tay Chủ chiếc khóa vàng bé nhỏ. Ta có mơ không? Hoá ra Chủ luôn canh cánh quan tâm tới hạnh phúc của kẻ hầu người hạ nầy. Lại phải quỳ xuống hôn tay cảm tạ Chủ thôi! Ðã nhìn ra Chân Lý chưa? Kiếm tìm Hạnh Phúc đâu xa khi chính Ðộc Lập, Tự Do đang nằm ở hành động Chủ quyết tâm cỡi xích xiềng nô lệ cho Ta. Phần Ba: Hạnh Phúc Ngụy Tín “Từ đây Ta đã phá xiềng, Không ai đi đứng bên đời líu lo”. Không nàng Dê vướng víu bên người cùng Xiềng xích. Ta còn được thêm nhiều thứ khác. Tăng cường trống trên dàn cho Ta sáng tạo Cuồng Loạn hơn. Khi dùi trống sang tay Chủ, Ta nhảy múa bay bỗng hơn xưa, tưởng như có thể chạm được tới trời cao. Cách thức hầu quạt Chủ của Ta cũng tràn trề ngẫu hứng. Máu nóng tuôn trào rần rần trong huyết quản Ta lúc được giũa những chiếc móng thô tháp cắm vào những ngón tay như những quá chuối úc núc úc na. Khi được Chủ giao hẳn một con dao cạo, chiếc mặt nọng cùng một cổ họng đầy xà bông của Chủ, Ta cũng quên béng mất đi ngày xưa Ta đã từng mơ được cầm chiếc dao nầy cứa đứt phăng chiếc cổ mập ú ấy cho máu trào ngưng sự sống của sinh vật ấy đi. Ai nói Hạnh Phúc và Tự Do có thể đi kèm với hành động giết người? Ta quên rồi! Dù con người ấy cùng dòng họ Chủ đã đầy đọa bóc lột dòng họ Ta qua bao nhiêu kiếp. Ta tiếp tục tung tăng đánh giầy khác xưa, cung kính đút xì gà vào miệng chủ, đưa bình cho Chủ nằm ngửa đái, kéo vĩ cầm cho Chủ nghe, tất cả đều đã khác xưa. Bởi một sự thật hiển nhiên ai cũng thấy và chính Ta cảm nhận vào từng sớ thịt là Ta vừa được CỠI XIỀNG. Giờ Chủ đã yên ngủ thật rồi, những Chân trời, Phố thị, Kiến trúc Tháp cao xa tít xa, dù có thật như sức nóng của mặt trời đang làm tuôn mồ hôi nhỏ giọt trong Ta vẫn không còn sức quyến rũ Ta chạy trốn. Ta cũng không thấy cồn cào bụng để mang những củ cà rốt héo ra gặm nhấm như trước đây vẫn nhắm nỗi đau đời mà Sáng Tạo. Ðố mọi người biết Ta sẽ xử dụng giờ phút tuyệt vời này để làm gì khi Chủ của Ta đang ngủ?. Ta lại tìm ngọn lửa để đốt mình lên. Ta Sáng Tạo!. Nhại thơ Nazim Hikmet vậy. Cho nhanh!. “Cần gì Ta cháy lên, Cần gì Chủ cháy lên, Bóng tối, Vẫn trở thành Ánh sáng!” (Như sứcngười đã biến Sỏi thành Cơm) Này đây nến nhỏ bập bùng trong bếp tối, ta hơ chảy để ráp vào những nụ búp hoa bằng nylon. Chúng có tên gì Ta không cần biết. Có thể ở Aạu Châu nó là Uất Kim Hương, Nhụ Hương hay Hoắc Hương gì đó; còn Châu Á có thể chúng là Sen hay Mai, Ðào gì đó. (Có Sáng Tạo gì thì cũng có chán vạn đứa đã viết ve,ờ hát, múa, quay, diễn,khắc trước mình rồi) Chỉ biết Ta đã được cỡi xiềng rồi, ai Cấm được Ta Tự Do Sáng Tạo?. Cắm những đoá hoa thừa sự vĩnh cửu của nhan sắc nhưng vĩnh viễn thiếu hương trên bãi cỏ xanh quanh chiếc ghế chao gần mục nát theo tháng năm của Chủ, Ta nhào lăn, lộn ngửa với khoái cảm Sáng Tạo vừa mới trào ra. Cần gì phải “cầm dao khắc văn trên đá”( như “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán)?, cần gì phải có đôi mắt tỉnh thức của Chủ để Chấm Công cho lập trường phục vụ Ta tự nguyện hiến dâng?. Cuộc sống có hai loại người. Loại A còng lưng làm tất cả từ tài sản tinh thần đến vật chất; còn loại B hưởng những thành quả làm ra bởi loại trước. Loại Thúy Kiều và loại Thúy Vân. Loại làm Mọi (như cậu Vania của Anton Chekhov) và loại Chủ Nô hưởng thụ những gì bọn Mọi làm ra (như gã giáo sư trong vở kịch cùng tên của Chekhov, chuyên nói và viết ra những điều mà “người thông minh thì biết hết cả rồi, còn bọn ngu ngốc lại không bao giờ quan tâm tới” . ) Cùng với những nông dân chân đất cùng những công nhân tay đen Ta vĩnh viển thuộc loại đầu tiên. 2007. |
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home