Saturday, October 27, 2007

Ly Lan film

Day la kich ban film tai lieu ve co ban van, viet cach day nhieu nam, khi Ly Lan vua ra sach moi, va doc than.
Ly Lan và những góc riêng

Một. Chiếc nôi ấu thời.
Sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương, Lý Lan gần gũi với Lái Thiêu quê mẹ hơn là quê cha, vùng Quảng Ðông Trung Quốc mà cô chưa một lần được về thăm...
Trước bước ngoặt lớn của đời mình - mất mẹ ở tuổi lên tám - những vườn cây trái ngọt ngào cùng những mảng đất sét nâu hồng ở Lái Thiêu đã là khu vườn cổ tích của Lý Lan.
Người ta thấy thấp thoáng trong truyện của Lý Lan, bên cạnh những người khách trú tha phương, còn là những con người miền Ðông hồn hậu chất phát mà không kém phần duyên dáng của vùng đất nơi cô đã được sinh ra.
Ðất vườn chia năm xẻ bảy nhưng ngôi nhà tự vẫn còn... Chiếc võng đu đưa trong vườn nhà vẫn là nơi cô về ngã lưng thả mình trong thế giới sáng tạo mà chất liệu như đã bày sẵn chung quanh cho cô xếp lại theo ý mình...
Con sông Búng như ngày nào vẫn lượn quanh chợ Búng. Ngôi chợ không lớn, không khác nhiều những ngôi chợ lâu đời khác, chỉ đậm đà thêm hình ảnh những ghe thuyền chở lu, hủ đổ xuống một góc chợ...
Từ chiếc võng giăng ngó lên những đọt cau màu ngọc và trông ra những mương nước trong vườn, cô hồi ức lại mùa mưa lầy lội, những con đường ghề ghề trở thành những con đường nước, thậm chí thành suối... Ðâu đó gần nhà vẫn còn một con suối nhỏ bé những bụi cây che khuất.
Theo những lối mòn được che mát bởi những cụm tre trúc cong đầu, cô đi lần về khu gò mả của dòng họ cùng nén nhang thắp cho mộ mẹ với nỗi lo trong một tương lai không xa gò đất này sẽ không còn... Như gò đất lớn hơn ngoài kia, xưa được bọn trẻ cho trâu tràn lên ấy để thả diều nay đã bị phạt gần hết chỉ còn một mảng gò được giữ lại để làm Ðài Liệt sĩ. Không biết tìm đâu ra những người bạn ấu thời cùng đi xúc cá, nặn đạn đất sét bắn chim.
Có vẻ như không khác lắm dòng sông kia, vườn cây nọ... Vẫn những đứa trẻ say sưa vọc vầy đất sét bày ra một góc nhỏ cảnh đời với ngựa, trâu, voi chó, với những quả măng cụt, sầu riêng, chôm chôm bằng đất sét... như thời nhỏ cô vẫn thường cùng bè bạn chơi đùa. Vẫn những quán bánh bèo bì tấp nập người từ các phương khác cần chút thanh tịnh vườn cây...
Nhưng thật ra đã khác lắm rồi, quê xưa của cô.
Các khu vườn đã bớt dần vẻ dân dã ngày nào mà đã được quy hoạch lại... Và cái nghề gốm thủ công đâu còn nữa những người thợ xoay những mẩu đất trên bàn quay bằng tay chân chậm chạp.
Dọc xa lộ và những nơi có xe hơi, xe tải ra vô thuận lợi đã có khá nhiều công ty gốm sứ chiếm diện tích đất khá lớn với những dãy nhà xưởng, lò nung hiện đại cũng như những phòng trưng bày đầy những món đồ với kiều dáng hiện đại để phục vụ đời sống đang thay đổi hàng ngày... Dĩ nhiên, rãi rác đâu đó vẫn còn những lò gốm cổ đổ nát với những dấu vết xưa đứng khá ngậm ngùi.
Bên kia xa lộ mọc lên khu công nghiệp Singapore tấp nập những công nhân trong các đồng phục chính là những người bạn nông dân ấu thời của cô nay được khoát vào y trang khác...
Chính cô cũng bớt giờ cầm viết để những con chữ chạy dài dưới tay cô gọi ra trong chiếc máy tính xách tay nay luôn sát theo cô.
Thỉnh thoảng cô dừng tay và võng lại đong đưa...
Sự đổi thay này nhóm trong cô nỗi buồn vui lẩn lộn... Trong sâu thẳm, chính những điều này tạo nên tác phẩm... Nỗi đau mất mẹ... Sự câm lặng truyền sức cho đám con thơ của người cha... Khu vườn thất lạc... Những người tha hương phương Bắc lại phải tái tha hương ở các phương trời xa lạ khác... Màu xanh cây, ruộng mất dần để những ống khói mọc lên.
Tất cả những sự thay đổi đó được ghi rõ trong các tác phẩm của Lý Lan, đã và đang... Những con chữ rơi ra từ chiếc máy... vẫn không ngăn nhịp võng đong đưa... Ðó là Lý Lan!

Hai. “Nhà!”.
Trong cuốn “Sàigòn - Chợ lớn rong chơi”, người ta có thể hình dung được cái xóm lao động mà ngày rời thế giới cổ tích của cái lò gốm và vườn cây ăn trái mà cô cùng gia đình đã trôi giạt về...
Ngôi nhà cũ của cô có lẽ là ngôi nhà độc nhất còn để đổ nát trong lúc các nhà chung quanh đã xây mới hoàn toàn tạo nét khang trang cho xóm cũ... Hiếm hoi lắm những người Hoa lớn tuổi mang hàng rong đi bán lang thang (bánh bò, bánh tiêu, ve chai, lông vịt...)... Tháng 7 và tháng 8 âm lịch vừa qua nhưng xóm cũ vẫn gợi nhớ được những tháng 7 âm đi giựt cô hồn và tháng trung thu thắp nến chưng lồng đèn, xếp cổ cúng trăng.
Trong căn nhà ọp ẹp của xóm cũ, náo nhiệt những mảnh đời cơ cực, cô đã được theo học các trường: Tiểu học Chợ Quán, Trung học Gia Long và Ðại học Sư phạm...
Ra trường cô nổi trôi mấy năm (4) ở vùng Cần Giuộc để dạy học rồi về lại Sàigòn dạy cho Trung học Hùng Vương, Trung học Lê Hồng Phong, Ðại học Dân lập Văn Lang, Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội (Chi nhánh Nguyễn Du - Sàigòn).
Bây giờ thì cô đã phải tạm ngưng các buổi lên lớp (ở trường cũng như ở nhà) để chỉ dồn sức vào cái việc dịch thuật, sáng tác và viết báo...
Cũng bây giờ, tương đối đời riêng cô đã ổn định trong căn phòng dành riêng cho gia đình cô ở lầu ba một chung cư góc Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương.
Nơi đó, cha cô không được khỏe lắm, nhưng tinh thần đã thanh thản hơn, đang sống chung với ba cô con gái và đứa cháu ngoại. Cô đã viết nhiều về ông, đôi chân trần lăn lộn các nẽo phố Sàigòn của ông, nỗi đau tha hương, gánh nặng gà trống nuôi con của ông... Một trong như?ng việc hiếu cô đã thực hiện được khi cha còn sống là đã tổ chức được một chuyến hồi hương thăm đất đai, dòng họ, bạn bè vùng Quảng Ðông cho ông...
Và tiếp nối với cái ấu thời đứt đoạn ở Lái Thiêu là những mẫu chuyện rời được chắp vá từ ông, đã un đúc nên tinh thần cương nghị nơi cô... Qua đó, cô hiểu, gia tộc xưa là dòng dõi khoa bảng, luôn coi trọng chữ nghĩa nên có trôi giạt đến đâu vẫn phải “giấy rách giữ lấy lề”...
Cha cô không nói nhiều, bằng chính những việc làm để mưu sinh và gồng gánh gia đình của ông, bằng sức khỏe và sự câm lặng không muốn làm phiền con cháu của ông đã truyền dạy bao điều lớn lao cho cô.
Giờ thì ông đang vui những ngày cuối đời với cậu cháu ngoại nghịch ngợm - con trai của cô Út - và chờ đến giờ chiếu những bộ phim Trung Quốc để các con bật máy lên xem...
Một góc khác trong nhà bề bộn sách vở là góc viết của Lý Lan... Cô cho biết đã có lúc cô ở lì nơi đó suốt bảy ngày trong tuần mà không hề thấy trống vắng... Công việc luôn đầy cho cô trong một thời gian dài trước mắt...
Như khá nhiều người viết văn nữ ở thành phố này, đất nước này, cô đã, đang và hứa hẹn sẽ kéo dài khá lâu cuộc sống của một người “đơn thân bận rộn”... Riêng với Lý Lan, cái bóng của người cha cùng gia tộc vắng mặt của ông luôn là một điều gì to lớn với cô. Chuyện lập gia đình riêng không quan trọng bằng việc cô đã dấn thân vào hai nghề mà ông chỉ mong con cái góp tay vào: viết văn và dạy học...

Ba. Tác phẩm và bạn bè.
Lý Lan đến với công chúng khá sớm qua truyện ngắn đầu tiên “Chàng nghệ sĩ” vào năm 1978.
Cô được mời dự ngay những trại viết đầu tiên của thành phố cho cả khu vực phía Nam. Ở đó, cô quen được Trần Thùy Mai đến từ Huế và họ in chung tập “Cỏ hát”.
Năm 1984, tập truyện thiếu nhi đầu tiên của cô cũng mang tên “cỏ” được giải thưởng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà Văn Việt Nam: “Ngôi nhà trong cỏ”.
Ðến năm 2000, Lý Lan đã có trên 20 đầu sách được in, trong đó có:
* “Chút lãng mạn trong mưa”.
* “Nơi bình minh chim hót”.
* “Hội lồng đèn”.
* “Chiêm bao thấy núi”.
* “Những người lớn”.
* “Mưa chuồn chuồn”.
* “Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh”.
* “Ðất khách”.
* “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”.
Gần đây, cô vừa được Nhà Xuất bản Văn Nghệ in một loạt sách để kịp ra mắt trong ngày hội sách toàn thành phố:
* “Sàigòn - Chợ lớn rong chơi”.
* “Quá chén”.
* “Khi nhà văn khóc”.
Với một người đã có số lượng sách đã in như Lý Lan có lẽ cũng không cần phải giới thiệu nhiều về tác phẩm của cô.
Ðó là những cuốn sách được nhiều giới, nhiều tần trình độ khác nhau đón nhận... Ðặc biệt, sách của Lý Lan được ưa thích nhiều ở môi trường học đường và cũng rất được những người Việt tha hương ưa chuộng... Có lẽ vì những mẫu chuyện thú vị nhân ái của Lý Lan luôn được kể bằng một văn phong giản dị, duyên dáng, chứng tỏ bản lĩnh vững vàng của một cây bút nữ tinh tế, đôn hậu, nếu không muốn nói là thông minh...
Lý Lan viết nhiều lý, tạp ghi... bên cạnh truyện ngắn. Cùng với hai cô bạn thân, Thanh Nguyên và Lưu thị Lương, họ có cùng in chung một tập thơ. Chúng ta có thể nghe phát biểu của những người bước vào văn đàn một lượt với Lý Lan này để hiểu thêm một đôi chút nào đó về Lý Lan...
Bên cạnh những người bạn viết đồng niên này, Lý Lan cũng có những người viết đi trước nhưng luôn theo dõi để có những trao đổi, động viên cô, nhất là khi cô gặp những khó khăn trên đường văn, đường đời... Ta có thể nhận ra sự trân trọng của lớp người này với một đồng nghiệp đi sau mình qua các lời phát biểu của: Sơn Nam, Trần Bạch Ðằng...
Không như những người viết văn khác, cô giao du không nhiều... Có thể kể thêm vài khuôn mặt để làm việc và rong chơi như: Kim Hạnh, Ngô thị Kim Cúc, Nguyễn thị Minh Ngọc, Hoàng Hưng, Nguyễn Hải Chí (Chóe) v.. v...

Bốn. Góc riêng.
Lý Lan thường nói với bạn bè: “Nếu có bạn có những góc riêng như sân khấu, tuổi mới lớn, bình nguyên châu thổ, vùng cao, tuổi già... thì tôi cũng có một góc riêng là thế giới người Hoa đang sống ở thành phố này: khu Chợ lớn với những góc phố, ngôi chùa và những con người rất đặc biệt, rất riêng”.
Ðã từng tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Thành phố và cũng đã từng sớm xin ra khỏi Hội, hiện Lý Lan vẫn còn trong Ban Chấp hành của Hội Văn nghệ các Dân tộc Thiểu số.
“Ðất khách” là một trong những tập truyện bán chạy của Lý Lan đến độ sau này cô đứng ra tự phát hành cuốn “Quá chén” để tránh tình trạng sách bán bao năm trường mà người viết vẫn không có thêm thu nhập. “Ðất khách” cũng là tên bộ phim do Lý Lan chuyển từ truyện dài “Lệ Mai”, viết về một lớp người Hoa trẻ trưởng thành trên quê hương thứ hai của họ là vùng Chợ Lớn, sau ngày giải phóng. Lý Lan cũng được nhiều khán giả biết đến qua bộ phim này, dù trước đó cô đã viết nhiều kịch bản phim như “Nơi bình minh chim hót” (Hảng phim Giải phóng - Việt Linh đạo diễn).
Một tập sách về những người thành đạt ở vùng Chợ Lớn cũng đưa Lý Lan đến gần hơn những người đồng hương của mình . Người ta đã đọc được những trang viết cảm động về cô Bảy Phùng Há, những doanh nhân, những họa sĩ thủy mặc như Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Lư Tòng Ðạo.
Ngôi nhà trà đạo cùng xưởng vẽ của họa sĩ Lý Khắc Nhu trong Ðầm Sen vẫn là nơi những người đồng hương này gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi những thông tin trong thế giới của họ khi có dịp...
Những nhát cọ vẽ phác ra những cánh hạc, đóa sen vờn bay thư pháp như phụng như rồng...
Cô còn được gặp đồng hương ở các ngôi chùa cổ trong Chợ Lớn (chùa Ông, chùa Bà)... Nhiều người Hoa lớn tuổi đến đó thắp nhang đèn cúng bái với tất cả sự thành kính như để nguôi ngoai nỗi nhớ quê xưa, hoài vọng lại một nền văn hóa cũ... Những khu phố ăn trong Chợ Lớn cũng là nơi cô dễ gặp đồng hương hoặc Câu lạc bộ tiếng Hoa của báo Sàigòn Giải phóng bản Hoa ngữ.
Sau nhiều lần trắc trở, Lý Lan cũng dự được vài cuộc hội thảo và trại viết ở nước ngoài với tư cách một nhà văn... Ở những nước khác, những thành phố khác, cô cũng được gặp những người Hoa - Chợ Lớn trôi dạt đến đó...
Hiện cô đang tiếp tục dịch tiếp tập truyện thiếu nhi “Harry Porter” đang làm xôn xao nước Mỹ vì sự được ưa chuộng của nó ...
Còn dỡ dang trên bàn cô, tập truyện về thời niên thiếu của các danh nhân Việt Nam đương đại và nhiều công trình khác.
So với những cùng thời, Lý Lan có vẻ vượt trội về cường độ lao động cũng như bản sắc riêng tư... Ðược như vậy, theo cô, có lẽ vì hoàn cảnh đã đẩy cô vào những góc rất riêng...
Và trên tất cả những công việc đang làm: dịch, viết tạp ghi, viết báo... có lẽ trên tất cả với Lý Lan-nhà văn vẫn là được tiếp tục viết truyện ngắn - Những chuyện bình dị, duyên dáng, tưởng như không có gì dao to búa lớn nhưng cái hậu quả của chúng cứ theo ta như một làn hương lưu luyến mãi không thôi...



1 Comments:

At January 30, 2008 at 2:24 PM , Blogger Giang Nguyen said...

Em thich van cua chi Ly Lan lam, va cua chi nua, nhung ma doc chuyen cua chi, camthay than phan dan ba sao ma buon qua. Dot ve VN vua roi, em co tim mua quyen "Nguoi dan ba bi chong bo" cua chi.

 

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home