Về Quê Nhà (The Journey Home)
(Kịch bản đã được in bằng 3 thứ tiếng Anh, Thái, Việt từ một dự án do tổ chức PETA bảo trợ trong chương trình Tiểu Vùng Mekong được lưu diễn tại các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2006. Ấn phẩm còn có sáng tác của nhà văn nữ Thái Lan Pornat Damrhung viết chuyện một cô gái trẻ đầy đam mê kịch nghệ đã tham gia chương trình lưu diễn kịch, để cuối cùng người mẹ đã phải sang Bangkok mang xác cô gái trẻ Nguyễn Sĩ Hồng Hạnh về)
Lời của Nguyễn Thị Minh Ngọc: Trong đời bạn có lẽ đã từng trải qua nhiều chấn động trước cái chết của bạn mình hay những người thân. Nhất là khi cái chết đó phần nào gắn bó với nghề nghiệp mình đã gắn vào cả đời, gắn với một quê hương mà mình vừa rời xa. Tôi đã hơn một lần muốn bỏ nghề khi đối diện với cái chết kiểu đó.
Ngày 28 Tháng Tám năm 1988, cái chết của cả gia đình gồm ba người tài năng trong đó có một người viết kịch bạn tôi, anh Lưu Quang Vũ, trong một tai nạn giao thông đã làm chấn động cả đất nước tôi cho mãi đến giờ. Mất ở tuổi bốn mươi, anh để lại một tài sản đồ sộ khoảng năm mươi vở trong đó đa số đều là vở hay, đem lại danh dự và nuôi sống nhiều đoàn hát trên toàn quốc. Khi tôi đi nói chuyện về sân khấu Việt Nam ở nhiều nước khác vẫn có nhiều người hỏi tôi về cái chết của anh. Trước khi chết, anh Vũ đã viết nhiều về cõi âm và giới “thiên đình” cùng những oan khuất của cõi nhân gian. Trên tất cả, chính anh là người khuyến khích một nhà văn tốt nghiệp đạo diễn như tôi nên đi vào ngành viết kịch bản sân khấu vì theo anh ở Việt Nam có thể thừa đạo diễn sân khấu nhưng khá thiếu những kịch bản hay và có tính văn học bởi thiếu những nhà văn, nhà thơ xông vào lãnh vực đầy hiểm nguy về tinh thần lẫn vật chất này.
Cái chết của anh cũng khiến tôi ngưng lại cuốn tiểu thuyết “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ của mình” khởi viết từ 1988. Mãi đến 2006, sau cái chết của những người thân, trong đó có Nguyễn Sĩ Hồng Hạnh, tôi mới khởi viết lại để hoàn tất.
Cái chết của Hạnh cũng là một trường hợp khiến tôi chấn động tưởng phải ngưng mọi hoạt động sáng tạo của mình.
Ở đất nước tôi, ngành biểu diễn có một thời gian dài không được xem trọng. Do thành kiến từ ngàn xưa “xướng ca vô loại”, con cái của những nghệ sĩ biểu diễn có lúc bị cấm tham dự các cuộc thi đổ để làm quan. Tôi tham gia vào ngành nầy vì nghề này chọn tôi. Sau 1975, đất nước tôi thống nhất nhưng lòng người còn đầy ly tán. Gia đình tôi có hai người thuốc phe thắng(gồm má tôi và em ruột của bà đã chết) và ba người thuộc phe thua(gồm cha tôi, hai người anh của tôi trong đó có một bác sĩ là cha của Hạnh . Lý lịch bị trừ một (2-3 =-1) đó khiến tôi thi vào các trường đều rớt trừ trường Sân khấu. Ròng rã ba mươi năm học rồi dạy và hoạt động diễn, viết, dựng trong ngành nầy, tôi được nhiều giải thưởng nhưng số vở bị chỉnh sửa thậm chí cấm luôn cũng khá nhiều. Cay đắng nhất vẫn là những vết thương tinh thần gây ra bởi những bạn bè, đàn anh đồng nghiệp.
Những chấn thương tinh thần của tôi càng khiến trong dòng họ tôi không muốn có thêm ai nữa tham gia nghề này. Cha mẹ của Hạnh cũng có suy nghĩ đó. Hạnh đã phải chọn ngành khác để theo. Rồi không biết có phải tại số phận không? Những cọng sự của tôi đã không đeo đuổi đến cùng những dự án nghệ thuật vì sự phát triễn của cộng đồng không lợi, kém danh này. Khi giúp tôi thực hiện các dự án, trong Hạnh lại bùng lên ngọn lửa yêu nghệ thuật biểu diễn. Cô cháu gái nhỏ bé của tôi đã lao vào với tất cả nhiệt tình và trách nhiệm hơn hẳn bao người.
Tôi và Hạnh hẹn gặp nhau tại Jakarta. Hạnh cho biết sẽ đi sớm hơn qua Thái Lan để phụ một tay trong dự án của nhóm sân khấu Việt Nam từ miền Bắc. Rồi tin dữ đến, cũng là một tai nạn giao thông mà trên xe, Hạnh là người độc nhất ra đi ở tuổi 26, hệt chuyến xe của anh Vũ có nhiều người mà chỉ mất đúng trọn gia đình của anh.
Phần tôi, sống được đến giờ này, luôn tin vào thế giới tâm linh; và vẫn tin còn có người tốt quanh mình. Tập kịch này ra đời cũng do những người tốt ấy. Cám ơn Pornrat Damrhung và PETA, trong đó có Lea, cùng những dịch giả, nhà hát, nghệ sĩ đã tham gia hai buổi đọc các kịch bản này ở Việt Nam và Thái Lan. Các bạn giúp chúng tôi tin rằng cái tốt, cái đẹp và điều thiện vẫn còn lan toả quanh cõi đời này.
Lời của Pornrat Damrhung:
Những kịch bản trong cuốn sách này được gầy nên từ cô bạn trẻ Việt Nam vừa mất của tôi, cô có giấc mơ sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn, và đã có những khởi nghiệp tốt đẹp. Giấc mơ của cô đẹp và mạnh mẻ ngay từ lúc cô muốn biến nó thành sự thực nhưng cái chết bất thần của cô đã là duyên phận khiến cô đã không thể thực hiện điều nầy.
Những người bạn của cô trong Dự A’n Tiểu Vùng Mekong bảo trợ bởi PETA đã làm việc tại Hà Nội vào tháng Mười năm 2006 rất thương mến Hồng Hạnh. Họ đã có những hồi ức tuyệt vời về giấc mơ nghệ thuật mà Hạnh đã bắt đầu biến nó thành sự thật trước cái chết quá sớm của cô đúng vài tuần sau ở Thái Lan. Điều này khiến tôi buồn vô hạn bởi đêm trước khi cô ấy vĩnh viễn ra đi, chúng tôi vừa nói chuyện với nhau và hẹn nhau ba ngày sau sẽ gặp lại. Thay vào đó, tôi đã gặp mẹ của cô để giúp và hướng dẫn bà đi khắp Băng Cốc cùng các văn phòng chính phủ khác để bà có thể hoàn tất những thủ tục mang xác con gái của bà trở về quê nhà Việt Nam.
Khi tôi gặp Minh Ngọc tại Nam Dương vào thượng tuần tháng Mười Một, ngay sau cái chết của cô cháu gái Hồng Hạnh của Ngọc, chúng tôi nghĩ phương cách tốt nhất để tưởng nhớ việc vừa mất một cuộc sống đầy sinh động trẻ trung này là phải tìm cách thể hiện một cách trân trọng những đam mê của cô ấy về sân khấu. Chúng tôi quyết định viết những vở kịch về cô ấy. Những kịch bản này thâu được kết quả còn nhờ vào sự giúp đỡ của những người bạn của Hạnh là những nghệ sĩ đã đọc chúng tại Băng Cốc vào tháng Tám, 2007. Chúng đã được thực hiện bởi những đoàn kịch mà Hạnh đã cùng cọng tác như Crescent Moon, B-Floor, Sao Dung, and Makhampom.
Vở kịch của Minh Ngọc đã giúp người Thái Lan của chúng ta hiểu và thông cảm hơn vài đoạn đời của Hồng Hạnh mà chúng ta không hiểu hết, nó cũng giúp ta hoà nhập vào nghệ thuật Cải Lương diễm tuyệt, khiến ta thấm đẩm hơn ca dao và âm nhạc Việt Nam
Kịch bản của tôi đã được lấy cảm hứng từ chuyến đi đến Thái Lan để tìm nhận và mang xác con gái về Việt Nam của bà Phước Hồng, mẹ của Hồng Hạnh, mà do lọt vào hoàn cảnh buồn khổ này, bà đã trở thành bạn của tôi. Cốt truyện viết về hành trình của người mẹ, cảm tác từ chuyến đi của bà đến Thái Lan trong thời điểm đau buồn ấy. Tôi cũng góp vào đây hai vở kịch ngắn khác mà tôi đã viết ở Thái Lan và Michigan, về cuộc hành trình của những phụ nữ, dựa trên cảm giác bị chia ly với những gì mình yêu dấu. Hai vở ngắn sau được cảm tác bởi sự mất mát bất ngờ của những nghệ sĩ trẻ, điều đó cũng đã tạo cảm hứng cho chúng tôi còn có thể tiếp tục cuộc hành trình của chính mình trên những nẻo đường của Nghệ Thuật
Nguyễn Sĩ Hồng Hạnh.
Nhân vật 1. Châu: 48 tuổi, trước đây là cô giáo, viết kịch bản film tài liệu, nay trông coi người già ở một tiểu bang quạnh hiu bên Mỹ. 2. Hân: 25 tuổi, sinh viên ngoại ngữ vừa ra trường, đang làm cho một dự án về giáo dục của Mỹ tại Việt Nam, cháu của Châu. 3. Mây: 27 tuổi, từ Úc về Việt Nam để nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam.
MỘT
CHÂU: A lô, Hân phải không con? Con đang ở đâu mà ồn quá vậy?. HÂN: Cô chờ một chút, con đang ở một trường tiểu học. Hôm qua con gọi tới nhà cô chỉ nghe máy nhắn để message1 lại. CHÂU: Cô phải đi thông dịch cho bà Tám, một người mẹ lặn lội từ Việt Nam sang đây kiếm con. Ðứa con đầu là đứa mà mà đặt hết hy vọng vào. Giờ bà bị đau tim nặng, chỉ mong được gặp con trước khi chết. Ròng rã mấy tháng trời, bà đã đi mấy tiểu bang rồi bằng sự trợ giúp của nhiều người tốt. Có người cho biết đứa con tâm thần của bà đòi tới tiểu bang nầy, vậy là bà băng tuyết, băng sương tới những chỗ dân homeless thường ngủ để kiếm. HÂN: Cô chưa có thẻ xanh mà đã có việc làm rồi à?. CHÂU: Khi mới tới đây, chồng cô có ghi tên sẽ dịch miễn phí cho những người Việt nào không biết tiếng Anh. Thành phố nầy chỉ có mươi gia đình người Việt. Hôm qua chồng cô đi xa nên cô đi dịch thay. Con vẫn làm cho cái dự án của mấy người Mỹ tặng sữa cho các trường học tiểu học ở vùng Mékong, phải không?. HÂN: Dạ, nhưng cô cần gì cứ nhờ. Cô ở bên đó mọi thứ ổn chưa?. CHÂU: Ổn, chỉ có tuyết nhiều quá, mà cô thì chịu không nổi lạnh. HÂN: Một chuyện buồn cười là thêm một Việt kiều muốn cầu hôn con. CHÂU: Người thứ mấy rồi?. HÂN: Con không nhớ. Con chưa muốn lập gia đình, càng không muốn đi xa khỏi Việt Nam lúc này. Có nhiều chuyện con chưa làm xong và chỉ làm được ở đây. CHÂU: Bao nhiêu năm ròng rã, cô đã nghĩ như con. Công việc thì không bao giờ xong với Việt Nam hết. HÂN: Chắc tại con chưa gặp trúng người. CHÂU: Con đã kiếm được ba cô gái hát nhạc ngũ âm giùm cô Sen, biên đạo múa bạn của cô chưa?. HÂN: Cả tuần qua mọi giờ rảnh của con chỉ để lo việc này. Coi như xong rồi. Một người đoạt giải giọng ca hay, một người còn đang học nhưng có đi hát vào cuối tuần, một người thuờng ca cho truyền hình.. Cả nhà cứ tưởng cô lập gia đình ở nước khác rồi sẽ không dính vô những chuyện nghệ thuật này nữa. CHÂU: Cô cũng nghĩ vậy, và chồng cô cũng muốn vậy. Nhưng Sen là một bạn tốt của cô. Cô ấy khó khăn hơn cả cô mới gặp đúng người để kết hôn. Họ phải sang nước khác ra mắt gia đình chồng để chuẩn bị làm đám cưới trước khi Sen từ Âu châu về Việt Nam triển khai dự án này cho đúng hạn. HÂN: Chồng cô Sen cho cô ấy về Việt Nam làm cả năm như vậy sao?. CHÂU: Ðó là điều kiện đầu tiên của cô ấy đưa ra khi được cầu hôn. HÂN: Bao giờ cô Sen về Việt Nam, con sẽ xin theo phụ để học hỏi. CHÂU: Ba má con chắc không vui khi nghe con tính như vậy đâu. HÂN: Vì ai cũng thấy cô Sen và cô đều bầm dập quá. Nhưng tới thế hệ tụi con mọi thứ phải khác hơn chớ?. CHÂU: Không được quên đây là một nghề nguy hiểm. À, ba má có khỏe không?. HÂN: Sau lần cấp cứu, ba yếu lắm. Má vẫn tham gia chuyện từ thiện. Nhà con vắng lắm từ lúc chị con đi lấy chồng. Ba má luôn coi con như một đứa con trai. CHÂU: Nhà cô và bạn bè cô vẫn coi cô như vậy. Khi cô lấy chồng ở tuổi gần năm mươi nầy, điều cô ray rức nhất là mẹ cô đang sống đơn chiếc ở Việt Nam. HÂN: Con thấy tóc ba con bạc hết mà thương quá. Con không tin có người đàn ông nào đủ sức lôi con rời khỏi nhà con, đừng nói tới rờiViệt Nam. CHÂU: Vậy sao con theo nghề này được? Con vẫn lén ba má đi học hát đó chớ?. HÂN: Cô sẽ ngạc nhiên lắm khi gặp lại con. Con sút đi năm ký, không những học hát con còn học... CHÂU: Thẻ điện thoại của cô sắp hết rồi đây. HÂN: Ðể sáng mai con gọi lại cho cô, bên Việt Nam gọi sang rẻ gấp hai mươi lần. CHÂU: Sáng bên con là tối bên cô, giờ đó có thể cô đang làm bếp. Thay mặt cô Sen, cô cám ơn con trước. HÂN: Con mới là người phải cám ơn. Ở Việt Nam con tìm không ra người dạy múa đương đại.(Tiếng máy báo thẻ đã hết dùng được).
HAI
HÂN: Con đây cô Châu!. CHÂU: Khoan, hai tiếng nữa con hãy gọi, cô đang nấu cơm. Mọi người đã sẳn sàng hết chưa? Tuần sau, cưới xong cô Sen sẽ bay về ngay. HÂN: Sorry! Vậy để mai con gọi luôn vì lát nữa có một cậu sáng tác nhạc mới ở Thụy Ðiển sang muốn gặp con. Cô nấu món gì vậy?. CHÂU: Canh bầu tôm và cá ngừ kho. HÂN: Cô làm con bất ngờ quá, hồi ở Việt Nam đâu có bao giờ cô nấu... CHÂU: Ðúng! Nên mơ ước của cô bây giờ đơn giản lắm, cô chỉ thèm về nhà nấu một cái gì đó cho mẹ của cô, tức bà nội của con, ăn. HÂN: Dự án của Mỹ tặng sữa cho trẻ không ký được thêm với Việt Nam. Hiện có vài chỗ kêu đi làm, lương cao, nhưng nếu nhận lời chắc dẹp hết ước mơ được múa. CHÂU: Ý tưởng dính vào nghệ thuật một khi đã bám vào con, con sẽ rất khó bỏ. Tạm ngưng nghe, nồi canh của cô sôi quá rồi…!. (Hai giờ sau). CHÂU: (Một mình) Tôi vừa rửa chén xong. Chồng tôi đến cơ quan làm việc ngoài giờ. Tuyết dày cao hơn đầu ngưòi ngoài kia.Lần đầu tiên khi ngồi trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy toàn thành phố trắng như một cái bánh kem khổng lồ, và không có một chút chocolat. Mỗi lần đạp chân lên tuyết tôi cứ nhớ tới câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Và ai gánh máu đi trên tuyết!”. Hôm qua bà Tám tìm ra đứa con ở nơi mà những người homeless2 thường ngủ. Cậu ta cứ nói bà xạo, không phải mẹ cậu ta. Theo người bên cạnh kể, cậu ta cho biết, đã bị bắt bảy lần, sợ liên lụy gia đình nên bịa ra nhiều tên và lý lịch, giờ không biết tên và lý lịch nào là thiệt. Không biết lúc tâm sự đó là tỉnh hay mê. Cậu luôn lẩm nhẩm thơ Bùi Giáng: “Ðời ly biệt tơi bời lảo đảo, Em ra đi, trời bưng mặt khóc oà” rồi chuyển sang đọc Kiều “Mẹ ơi, những đấng tài hoa, Thác là thể phách, hồn là tinh anh…”. HÂN: (Một mình) Ai dè ba cô gái mới nhiệt tình nhận lời với mình là sẽ cộng tác với cô Sen, bây giờ cô sắp về lại từ chối hết. Một người đổ cho người yêu không cho, một người nói lý do sức khỏe, một người cho biết sắp tham gia một chương trình có tiếng vang lớn hơn. Khi người ta không yêu thì có một tỷ lý do có thể đưa ra. Còn mình không hình dung nổi cuộc đời của mình sẽ như thế nào nếu không được bày tỏ mình qua nghệ thuật. Không ai biết mình đã âm thầm khổ luyện như thế nào. Khi hát cho Steve nghe, cậu ta nói sẽ soạn riêng cho mình một ca khúc. CHÂU: (Nhận điện thoại) A lô, Tôi là Châu đây! Không, không thể như vậy được. Mong rằng ai đó lộn số, không thể có chuyện khủng khiếp đó. Thiệp cưới của Sen đã đưa gần hết rồi!. HÂN: (Nhận điện thoại) Ði uống cà phê hả? Cố mà kiếm được một tên bồ tử tế giùm đi. Cứ tụ tập đám con gái lại với nhau như vầy dễ bị nghi là đồng tính lắm!.
BA
HÂN : Xin lỗi đã để cô đợi lâu. Nhưng lúc này con đi làm chỗ mới bận quá! Phải, rốt cuộc rồi con cũng phải đi làm. CHÂU: Cũng như rốt cuộc rồi con cũng phải lấy chồng như cô thôi. HÂN: Nhưng bây giờ thì chuyện đó chưa có gì phải cần làm gấp với con. CHÂU: Hân ơi, cô chưa hoàn hồn vụ cô Sen. HÂN: Vì vụ cô ấy mà con quyết định đi làm đây. Cô nói đúng, những công việc mà cô và cô Sen đang làm đều cho thấy rõ đây là một nghề nguy hiểm. CHÂU: Nghe nói con gởi gần hết tiền lương cho má. Vậy là con giỏi hơn cô rồi. Hồi bằng tuổi của con, cô không làm được chuyện gì có ích cho gia đình. HÂN: Má nói chỉ giử giùm cho con, có chuyện gì cần má sẽ đưa lại. CHÂU: Mừng con đã kiếm được một nghề khác với những gì con mơ làm. Khách quan mà nói, những ai vướng vô nghệ thuật thường là những đứa con bất hiếu. HÂN: Trước khi cô Sen gặp tai nạn, con đã cố tìm cho cô ấy ba người khác, nhưng họ lại từ chối rồi. CHÂU: Theo con thì tại sao không ai tha thiết tới những dự án của cô Sen?. HÂN: Lúc đầu nghe nói làm cho cô Sen là một biên đạo múa giỏi về từ Ðức, họ nghĩ rằng không có tiền thì ít ra cũng có tiếng. Nhưng có người nhìn số tiền trong hợp đồng, chê thua xa thù lao trong nước. Có người nói nếu cần danh tiếng, thà họ tham gia một công trình sân khấu cấp quốc gia sẽ được diễn ở các thành phố lớn trong nước. Một cô thì nhận thâu cho mấy chương trình truyền hình ở các tỉnh. Có đêm họ vừa diễn ở Sài Gòn xong là có thể chạy về một tỉnh vùng Mékong để thu hình. CHÂU: Ðúng là họ không yêu thì luôn có những lý do để dội ra. Cách đây năm năm, sau khi cô Sen đưa một nhóm đi nước ngoài biểu diễn trở về, họ cũng đã nói với cô là cô Sen trả cho họ thấp quá, thua xa những người qua đây diễn cho cộng đồng người Việt, dù là trong sòng bài hay quán ăn. HÂN: Nhưng khán giả của cô Sen mở rộng hơn nhiều, cô ấy muốn văn hóa Việt phải được xuất hiện trang trọng trên các sân khấu lớn của thế giới và cô ấy đã làm được điều đó. CHÂU: Cô Sen đã trả giá nhiều cho chuyện đó. HÂN: Tai nạn xe cộ vừa rồi xảy ra cho cô ấy đâu phải do nghề này đưa đến?. CHÂU: Nếu không đeo đuổi nghiệp này, cô ấy đã yên với chồng con và giàu có. HÂN: Người chồng sắp cưới của cô ấy có hy vọng gì không cô?. CHÂU: Tệ hơn, nếu sống sẽ như thực vật thôi. Cha mẹ anh ta ngất xỉu mấy lần. Một bà bôhêmiên đã tiên đoán nhà họ sẽ gặp một thảm họa nếu kết hôn với người làm nghệ thuật. Thôi, kể chuyện đi làm của con đi. HÂN: Con vừa đưa những người cùng làm việc với con đến Cổ Loa. Bức tượng đá khổng lồ mất đầu của Mỵ Châu thiệt là ấn tượng. CHÂU: Mỗi lần đứng trước bức tượng đó cô cứ nghĩ, chẳng biết trong đầu Mỵ Châu có những gì để đến nổi bị vua cha chém bay đầu. HÂN: Theo truyền thuyết thì trong đó là một trái tim. CHÂU: Nếu tim đặt trên đầu thì chỗ của trái tim có thể là nơi đặt cả cái đầu. Trở lại chuyện cô Sen nè, mình phải giúp cô ấy hoàn tất công việc. HÂN: Con tự hứa sẽ cố gắng dù thì giờ của con lúc này vô cùng hiếm. CHÂU: Mọi chuyện coi như ở mức khởi đầu. Khi ra đi, cô nghĩ mọi chuyện đơn giản thôi, những sự thật thì khó khăn trăm bề. Mọi người đã coi mình là một người khác. Từ đồng nghiệp trong nước, tới học trò, đám cháu ngoài nước mà ngày nào cô chăm sóc từng miếng cơm giấc ngủ, đều nhìn cô như người lạ. May còn có Hân. HÂN: Phải nói thiệt với cô là con đầu hàng. Biết kiếm ai bây giờ? Bởi gần như ai cũng có những trái tim, cái đầu bình thường và chúng được đặt đúng chỗ, đúng nơi. Chỉ cần có việc ổn định hay tiền, danh tiếng nhiều hơn một chút là họ từ chối ngay. CHÂU: Cô tạm thời quyết định như vầy, cô sẽ tập qua điện thoại cho con. Cô cũng sẽ cố về. Ít ra cũng được hai người, con chỉ cố kiếm một người nữa. HÂN: Cô suy nghĩ kỹ chưa?. CHÂU: Cô chỉ sợ thì giờ của con và giấy tờ của cô không như mình muốn. Chưa chắc cô sẽ nhận được thẻ xanh kịp vào thời điểm phải hoàn thành tiết mục. HÂN: Con sẽ cố kiếm thêm hai người nữa cho yên tâm. Mình khởi tập đi cô. CHÂU: Cô xin lỗi con. HÂN: Cô xin lỗi về cái gì, con cũng thích được làm những điều nầy mà!. CHÂU: Nhưng con sẽ bị mất những giấc ngủ, con sẽ không còn sống được bình thường. Sẽ có thêm trong đầu của con, tim, lửa, cát, sạn và nhiều thứ khác.. (Người ta không nghe tiếng nói nữa, dù Châu vẫn tiếp tục nói và cách một đại dương Hân lặng lẽ làm theo. Hân đặt một đĩa nhạc vào máy và cô chuyển động thân thể theo những cảm xúc mà người dì bên kia Thái Bình Dương truyền tới. Hân xếp những chiếc nón lá theo từng hàng như những phụ nữ đang cấy lúa. Nhạc ngưng, cô cất tiếng hò). HÂN: Ðưa tay mà ngắt cọng ngò, Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.3
BỐN
HÂN: Thêm một người nữa rũ con tham gia một dự án mới về âm nhạc. CHÂU: Con vẫn đi làm chỗ cũ chớ?. HÂN: Ai mà chịu làm với một người mới vô đã xin nghỉ luôn ba tuần liên tục như vậy hả cô, dù con đã xin nghỉ không ăn lương?. CHÂU: Vậy là con lại bị thất ngiệp. HÂN: Nhưng lại là loại thất nghiệp bận rộn như cô trước đây. Chị họ của má con làm mai con cho một anh ở San Francisco về. Anh là người Hoa lai Nhật. Thấy con không hào hứng, má nói chắc con lại theo con đường lấy chồng muộn như cô. CHÂU: Lần nầy con không đưa anh ta đi thăm Mỵ Châu mất đầu nữa chớ?. HÂN: Anh nhờ đưa đi Ninh Bình, coi tượng của bà Dương Vân Nga vì nghe nói hằng năm khi chuyển tượng của bà từ đền vua Lê sang đền vua Ðinh trong ngày vua Ðinh chết, dân làng vẫn còn đánh vào chiếc kiệu của bà về tội lấy hai chồng. Anh còn cho con xem một film tài liệu của NHK làm chung với Truyền Hình Việt Nam về chuyện một cô công chúa Việt đã lấy chồng là một thương nhân Nhật và khi chết chôn ở Nagasaki. CHÂU: Có phải là film này không? (Chiếu một đoạn film “Thời gian và Vĩnh Cửu”). HÂN: Ðúng rồi, cô cũng xem qua rồi à???. CHÂU: Số phận hẩm hiu của những người tác giả film tài liệu là như vậy. Thường người ta chỉ nhớ tới tên đạo diễn, nhà sản xuất. Người viết script 4 đó là cô. HÂN: Ðúng là lâu lắm rồi, con cứ quên cô còn là một người viết. CHÂU: Có cháu lại nhớ về cô như một người chuyên đi phụ nuôi các cháu. HÂN: Thỉnh thoảng cô có diễn. Mà lại diễn toàn các vai ế chồng, số phận hẩm hiu. CHÂU: Những vai có vẻ hơi khùng khùng một chút, lớn tuổi nhưng không có kinh nghiệm về đàn ông lẫn cuộc đời nên luôn ngơ ngác về hai chuyện đó. HÂN: Tụi con ghé Huế, quê nội của mình và kiếm không ra tượng Huyền Trân, cô công chúa Việt được gả cho ông vua Chế Mân nước Chiêm để đổi lấy đất nay là Huế. CHÂU: Cô đã viết một độc thoại cho cô công chúa này trong vở Missing woman 5. Sau những đêm không ngủ giữa những người không cùng ngôn ngữ, thoáng trong đầu Huyền Trân ý tưởng trốn về quê. Cuối cùng rồi Huyền Trân không thể thực hiện điều đó khi nghĩ tới đất đã giao rồi, bao nhiêu gia đình Việt đã di dời vào đó sống, mà phần số của họ đa phần rất đáng thương: nghèo, lính thú, phạm pháp, tội đồ, lãnh án lưu đầy, trốn những món nợ đời không trả nổi. HÂN: Con có đọc, cũng như đọc đoạn độc thoại cô viết cho tượng Dương Vân Nga khi bị đánh. Cô viết chuyện xưa như chuyện đời nay. Bao giờ thì cô về được?. CHÂU: Ðó là điều cô chưa thể biết được. Mọi người đều kêu phải đợi. HÂN: Có khi nào cô nghĩ tới chuyện mình phải trốn về nước như Huyền Trân?. CHÂU: Tại sao lại phải trốn? Ðịnh mệnh và phần số của cô khác xa Huyền Trân. HÂN: Bạn của cô đồn là cô giả bộ kết hôn để được định cư ở Mỹ, cô biết không?. CHÂU: Nếu đúng là bạn, họ sẽ hiểu cô không muốn định cư nơi đây. Cô đã đi nhiều nước. Loại như cô Sen và cô có thể ở bất cứ nơi đâu nhưng khó có thể sống lâu ở bất cứ nơi đâu. HÂN: Theo cô nói, con hình dung ra, người nghệ sĩ không có quê hương?. CHÂU: Có người định nghĩa, “quê hương là nơi nào người yêu tôi ở”. Cô đang viết một vở kịch, vai chánh là một cô gái già, cứ phải lang thang hết nước này sang nơi khác để làm nanny không lương cho nhưng người chị em bà con có trẻ sơ sanh. Với cô gái già nầy thì “quê hương là bất cứ nơi nào mà cháu tôi vừa được ra đời”. HÂN: Vậy là người nghệ sĩ cũng không nên có gia đình?. CHÂU: Vai chánh trong vở của cô không phải là nghệ sĩ. Cô cũng không nên tiếp tục là nghệ sĩ. Những người thân chung quanh khổ về cô như vậy đã quá đủ rồi. HÂN: Vậy nếu thương ba má, con nên dừng công việc nầy ở chỗ giúp các cô thôi. CHÂU: Trước mắt cô sẽ cùng tập với con trong tình huống xấu nhất. Ví dụ như giấy tờ, tiền bạc khiến cô không về được đúng hẹn, con sẽ làm tất cả, một mình. HÂN: Cô có thấy như vậy vượt quá sức con hay không? Con chỉ là một đứa vào nghề bằng cách học lóm. Con thiếu quá nhiều kinh nghiệm về đời lẫn nghề. CHÂU: Nhưng có một điều hiện giờ chưa ai sánh được với con, con yêu công việc này. HÂN: Ý cô muốn nói là trong đầu con hiện đang chật chội một trái tim?. CHÂU: Con có tuổi trẻ, cả một quảng đời thanh xuân trước mặt để thiêu và đốt. HÂN: Chẳng lẽ các cô không còn lửa yêu nghề trong người sao?. CHÂU: Còn chăng đôi đóm lửa ủ trong tro xám. Cô Sen thì bất lực giương mắt nằm đó ngó. Cô thì đang giúp việc ở nursing home 6 cho những người già. Hôm qua cô gọi sang một người quen bên Cali, tình cờ gặp bà nấu ăn và giữ con cho họ cũng là người Việt. Bà cũng cỡ 70 tuổi, vì con dâu không bằng lòng cách bà chăm cháu theo kiểu Việt Nam nên bà tự giải quyết bằng cách đọc tin trên báo để kiếm việc làm. Bà dặn người chủ bạn của cô bịa ra là một người bà con xa tới chở bà về cho sống chung. HÂN: Con tập cho cô nhanh rồi còn sang ngủ với bà ngoại. Má con có ba người con mà một đã đi lấy chồng, một còn nhỏ, con phải thay má chăm sóc ngoại. Bà đang bệnh lại sống một mình. Bà nội cũng còn tám người con khác. CHÂU: Tiếng là mẹ của cô có chín người con nhưng giờ chỉ còn đúng một cô gái không chồng sống cùng để săn sóc bà. Nhiều khi cô đi săn sóc những người già bên đây mà cứ tự trách mình những ngày còn sống chung sao để giờ săn sóc mẹ mình. HÂN: (Vừa nói vừa rãi những chiếc nón lá ra và đập bẹp nó) Cô đi lấy chồng cách một đại dương, có chuyện gì không ai trách cô. Còn nhà con cách nhà ngoại có mấy bước, nếu ngoại có chuyện gì thì con có lỗi vô cùng. Có lẽ vì vậy mà con không thấy, đúng hơn là chưa cho phép mình, rung động với những người nam đến từ nước khác. CHÂU: Giả sử cô chưa về được, con phải lãnh luôn vai người mẹ đi tìm xác con. Trước hết, con tập vai cô gái trẻ đã. Con đã đập bẹp hết những cái nón lá chưa? HÂN: Con vừa làm xong, nhưng cảm giác ghê như mỗi chiếc nón lá là một con người. (Giống như cuối đoạn Ba, người ta không nghe tiếng nói nữa, dù Châu vẫn tiếp tục nói và cách một đại dương Hân lặng lẽ làm theo. Hân bận áo dài trắng ôm cặp đi học, cô không để nhạc và tự hát: Người con gái Việt Nam Da Vàng, Yêu quê hương như yêu đồng lúa chính. Người con gái một hôm qua làng, Trên môi thơm, vết máu loang tràn... 7 Hân chuyển dộng hình thể diển tả một cuộc sống thanh xuân vươn lên như một mầm cây trong nắng gió ban mai. Một loạt đạn tình cờ, Hân ngã xuống. Bên đây, Châu đi bươi những chiếc nón lá tượng trưng cho những xác người để tìm xác con, Châu tìm ra đứa con khoảng tuổi Hân và cất tiếng hát. Ôi tấm thân này, ngày xưa bé bỏng, Mẹ mang trong bụng, mẹ bồng trên tay. À ơi, a ới a ời.. Con ngủ tuổi hai mươi…7 ).
NĂM
HÂN: (Trên nền một bài nhạc cổ của Việt Nam, có thể là bài Phụng Hoàng hay Tứ Ðại Oán, Hân ngồi với laptop của mình) Bà ngoại phải có những điệu nhạc này thì bà mới ngủ được. Bà nói bà bây giờ bà giống đứa bé ngày xưa phải có lời ru mới an định tâm thần. Hồi nhỏ, mình bú sữa mẹ nhưng người ru cho mình ngủ lại là cha. Bà ngủ rồi, bây giờ thì mình có thể để một đoạn nhạc của anh bạn người Ðan Mạch mới gởi cho mình. (Ðổi nhạc đương đại, nhắm mắt) Bản nhạc nầy khiến mình có thể hình dung những con đường chạy qua những hẻm núi quanh co, vắt qua những hoang mạc lác đác xương rồng, qua những bải cỏ xanh mượt có những gia đình chuột đồng giương đôi mắt đen tròn ngó theo. Rồi lòng biển sâu và sóng hoang dại đập theo nhịp của những con bướm cách đâu đó hằng nửa vòng trái đất. Mây dưới lũng sâu, nắng trên đầu. Những thiên thần buồn chán bay. Họ thèm cuộc sống nhộn nhịp dưới thế mà không biết là đám trẻ dưới thế đang điên lên vì không còn đủ giờ để sống, để sáng tác, để chăm sóc người thân, để tận hiến cho quê hương, xứ sở, cho người yêu, và cho chính bản thân họ. Có những đứa đang ước có thêm hai ba đời nữa để sống cho cha mẹ, cho đất nước và cho mình. Phần tôi, chỉ cần một cuộc đời, ít ra tôi cũng phải biết được, như thế nào là một nụ hôn. Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi. CHÂU: (Nhạc blue jazz được hát bởi một phụ nữ da đen) Ðêm nào chồng tôi cũng để nhạc trong radio để ru hai vợ chồng vào giấc ngủ. Những âm sắc thay đổi hằng đêm. Những bà già tôi gặp vào giờ làm việc ban ngày cũng thích nghe nhạc, loại nhạc ngày thơ ở quê hương họ. Có nhiều khi đi giữa tuyết trắng trời, tôi thèm được thấy một dấu chân trẻ nhỏ, thèm hít một hơi hương cá kho tiêu, thèm nghe một câu hát cũ. Những ngày chồng vắng nhà, tôi thường thức trắng đêm, nghe đã đời một điệu hát xưa hay chính mình tự hát (Hát nhỏ) “Ngày trở về, anh bước lê, trên quảng đường đê đến bên lũy tre, Nắng vàng hoe, vườn hoa trước nhà, chào đón người về. Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ. Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ 7. (Có tiếng điện thoại reng) Dạ, con đây bác Tám, bác không ngủ được à? Bác muốn con hát bài gì cho bác nghe? Bác cho con số điện thoại đi. Ðêm nay chồng của con đi công tác xa, không về nhà. Con hát cũng được nhưng phải hát nhỏ thôi vì sợ hàng xóm nghe, mà tai bác lại nghe không rõ. Tụi con ở trong trailer nên vách mỏng lắm. Một cô cháu gái của con ở Việt Nam sẽ hát cho bác nghe. Bác chờ vài phút thôi. (Cúp máy rồi gọi lại cho Hân) Hân ơi, đang là buổi trưa bên đó phải không? Con đang làm việc à? Nghỉ tạm mươi phút được không? Con mở mail ra, gọi vào số phone cô gởi qua, hát giùm cô một bài hát ru nào cũng được. Ðây là bà Tám tìm con mà cô thường kể. Giờ mới biết sau một lần chuyến chứng kiến cảnh em gái bị cướp biển dập vùi mấy lượt ngay trước mắt, cậu con của bà Tám bị tâm thần, sống homeless2. Mỗi lần bà Tám lên cơn đau tim, không thuốc nào tốt cho bà bằng một vài câu hát ru. Chuyện này cô không làm được thì chỉ nhờ được cháu thôi. Học trò của cô ở trong hay ngoài nước thì cũng phải có thù lao tử tế mới dám nhờ. HÂN: Con có số phone đó rồi nhưng không có chỗ nào để chui vào hát đây. Chắc con sẽ leo lên sân thượng, có điều trên đó không có mái che, mà trời đang nắng lắm. (Hân chui vào khu nhà kho, cô hát một bài hát ru khác) Mỗi năm mỗi thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con.. 3.
SÁU
CHÂU: A lô, cô đây Hân ơi! Mọi chuyện rồi đâu cũng vào đó khiến cô mừng quá. HÂN: Phải nói buổi diễn vừa rồi là con “thoát chết”. CHÂU: Tác phẩm của cô Sen rốt rồi cũng nhờ con mà hoàn tất được trọn vẹn như ý tưởng của cô ấy. Bác sĩ cho biết, sáu tháng sau, sẽ cho cô ấy tập đi. Cô cũng vui khi biết sau buổi diễn con được nhiều lời mời đi các nước. Ba má con chắc là buồn. HÂN: Rồi bao giờ cô mới về đây? Tính qua các dự án của cô là vừa. CHÂU: Cô chưa biết, giấy tờ có rồi lại khó kiếm ra tiền vé. Rồi mấy bà già Việt bị con cái bỏ đang cần cô bên đây. May mà mọi việc ở nhà có thể nhờ con. HÂN: Con chỉ là người tạm thay cô những lúc cô chưa về được. Cô ráng về làm cho xong vài dự án còn dỡ dang. Ở nhà nói cô đã lấy chồng bên đó còn vướng vào những chuyện tào lao này làm gì. CHÂU: Khó kiếm người phụ quá! Dính vào dự án xử dụng nghệ thuật truyền thống trong việc phòng chống HIV/AIDS nầy chẳng có danh mà cũng chẳng lợi. Ðó là chưa kể có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. HÂN: Nhiều người cho những công việc này là của thông tin tuyên truyền cổ động, của văn nghệ quần chúng. Nhất là khi biết làm xong, cô sẽ mang vào các trại cai nghiện diễn cho người nghiện và thân nhân của họ xem. CHÂU: Nếu cô không về kịp, dự án đó chắc sẽ dẹp luôn. Các bà già đang được cô chăm sóc bên đây thì nói không có cô hát, chúng tôi dễ vỡ tim mà chết. HÂN: Cô thử về đi, không ai chết đâu. Cô vì họ mà ở mãi bên đó thì chỉ có thân nhân của mình chết. Bà ngoại của con, và bà nội nữa, đều lớn tuổi hết rồi. CHÂU: Bà nội của con cũng là má của cô. Những ngày gần đây, cô nhớ má quá. Trước đây, tuy là một người di chuyển nhiều nhưng chưa bao giờ cô nghĩ sẽ đi lấy chồng sống ở nước khác khi má còn sống. Một hôm ngồi ru một bà già câu nầy mà cô khóc ròng. Má ơi, đừng gã con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu... 3. HÂN: Ðúng ra bà nội có ép cô đâu, cô tự chọn chồng, chọn chỗ về cho mình. CHÂU: Việc làm của con sao rồi?. HÂN: Con lại nghỉ làm rồi. Cô đã nói nghệ thuật là người tình cả ghen. Con định chỉ làm phụ cho cô và cô Sen thôi. Nhưng vì cô chưa về được, con đành phải chọn. CHÂU: Cô có nghe kể, sau đêm diễn, con đã khóc và nói với những người bạn đến từ các nước khác, bắt đầu từ đây, cuộc sống sẽ không còn bình thường nữa rồi. HÂN: Con không ngủ được mấy đêm nay. Con thương bà ngoại, như cô nhớ má của cô. Con muốn chăm sóc bà để trả hiếu giùm má con. Nhưng khi con bước vào con đường này, chuyện ấy sẽ không tròn. CHÂU: Ðêm nay cô cháu mình không cần tập cho dự án CảiLương và HIV/AIDS đâu. Vì cô Sen, mình mới khổ nhọc tập qua điện thoại. Với chương trình này, con rán đợi ngày cô về mình sẽ ráp lại. Nhắn với má của cô, cô sẽ về nhà ngay khi có thể. Thật ra thì, nói riêng với Hân, giấy tờ cô đã xong, chồng cũng cho phép rồi, chỉ chưa đủ tiền mua vé. Cô đang là người ăn bám, cô không muốn về quê bằng tiền của chồng. HÂN: Sao cô không trực tiếp nói chuyện với bà?. CHÂU: Mỗi lần nói chuyện, bà khóc nhiều quá nên cô sợ bà yếu thêm. Bà thấy chuyện cô Sen mà sợ cho cô. Hồi cô còn ở nhà, bất kỳ đi đâu xa, bà đều sợ. Ði Ðà Lạt, bà sợ xe lật đèo, ra đảo Phú Quốc, bà sợ bão tố, đi Hà Nội, bà sợ rớt máy bay. HÂN: Má con thì không sợ như vậy mà chỉ sợ một chuyện thôi. CHÂU: Sợ con vướng vô cái nghề nguy hiểm này chớ gì?. HÂN: Má luôn coi con còn nhỏ. CHÂU: Những người mẹ luôn coi con mình là còn nhỏ. Bạn cô, một nghệ sĩ nổi tiếng đã gần lục tuần vẫn bị người mẹ trên tám mươi tuổi cấm không cho yêu. HÂN: Cô coi lại trong thư xem những chuyện con cần phải làm giúp cô cho dự án mới này đã tạm ổn chưa? Con đã lo quà cho nhưng người bạn đến từ nước khác của cô rồi. Ngoài giờ làm việc, cô còn muốn con đưa họ tới đâu nữa?. CHÂU: Tùy con thôi. À, nghe nói con cạn tiền?. Con lại giống cô rồi, làm ra rất nhiều tiền nhưng lại để trái tim trên đầu mà giao hết cho bạn, lại không tính thù lao cho mình. Ngày mai, con ghé nhà bà nội nói chị của cô ứng cho con một chút tiền dằn túi để trang trãi mọi chuyện cho cô, và cho con nữa. HÂN: Con vẫn còn tự lo được mà. Thẻ điện thoại của con sắp hết rồi. Cho con hỏi cô một câu thôi, lần đầu, có người hôn cô, cảm giác cô thế nào?. CHÂU: Cô quên rồi. Nói chung là cô không biết hôn, mà cũng không được hôn nhiều. Còn con?. HÂN: Con chưa. Hôm qua có người đòi hôn con, nhưng con từ chối vì chưa thấy xao động; mà cũng chưa có ý thử. CHÂU: Hân à, nghe cô dặn nè, ủa, còn nghe cô không? Hết thẻ điện thoại rồi sao??.
BẢY (Hơn một trăm ngày sau).
CHÂU: Cô nghe không rõ lắm, Hân đó phải không?. MÂY: Thưa cô Châu, em là Mây, nghiên cứu sinh ở Úc về mà bạn cô đã giới thiệu để làm luận án về đề tài phụ nữ Việt Nam. CHÂU: Cô chỉ nghe được khoảng 50%, tiếng mất, tiếng còn. MÂY: Cho em chia buồn với cô chuyện của Hân. Mai là 100 ngày của Hân. CHÂU: Chiều nay bà Hai cứ ôm chiếc áo sờn cổ của con trai mà bà đem sang từ ngả tư Bẩy Hiền, nằng nặc đòi đón bus về Ao Sen để con dâu bà dệt cho tấm vải khác. Bà nói trong vòng 100 ngày nữa phải cho bà về kẻo bà vỡ tim vì không may tay kịp áo Tết cho con. Bà tin bước thêm 100 bước nữa là về Ao Sen ở làng quê Trung Việt. MÂY: Em nghe cô không rõ lắm. Em có ghé thăm cô Sen. Cô vẫn nằm bất động nhưng nói chuyện được. Bác sĩ dặn không nên cho cô Sen biết Hân đã mất bất ngờ trong chuyến mang tác phẩm của cô Sen đi biểu diễn. CHÂU: Chuẩn bị tập nghe Hân. Lần này khó hơn lần trước. Lần trước tác phẩm của cô Sen là nghệ thuật cao cấp. Lần này là loại nghệ thuật vì sự phát triển của cộng đồng, càng đi sâu vào nó càng có nghĩa là phải xóa mình đi. MÂY: Cô lộn rồi! Em là Mây chớ không phải Hân. Hân chết được 100 ngày rồi. Thầy em khuyên nên nói chuyện với cô Châu để hiểu thêm về phụ nữ Việt Nam. CHÂU: Ngoài Huyền Trân, Hồ Xuân Hương, Dương Vân Nga, tôi chỉ nhớ những Việt nữ trùng tên với tôi. Sau Mỵ Châu, “trái tim lầm lẫn để trên đầu”, còn có Bích Châu. Bà đẹp, thông minh, lại có trái tim nhân hậu, được vua yêu kính. Bà dâng sớ khuyên vua nên làm ngay mười điều trong đó có nhấn mạnh việc xin vua trọng dụng nhân tài. Trong miếu mà dân thờ bà ở Hà Tỉnh, còn ghi rõ mười điều này. MÂY: Cô cho em xin địa chỉ email và số điện thoại của bà ấy?. CHÂU: Bà ấy chết rồi. Chết trên đường về quê nhà. Bọn gian thần không dám giết bà nhưng để cho bà sống ngày nào thì họ sẽ không ngồi yên trên chức vị mà hưởng lộc từ máu dân. Khi cùng vua đi đánh Chiêm về, ngang cửa biển, sóng cuồn dữ dội, thuyền đứng. Có ác quan tâu, đoàn quân chinh chiến, sát khí nhiều, âm hồn những người trẻ của cả hai nước chết oan đeo đuổi, phải có một hồn nữ ếm nơi đây mói đem lại yên bình cho dân lành lưỡng quốc. Bà nhận làm người nữ phải hiến tế thân mình đó, chỉ xin vua nhớ lấy ít ra một trong mười điều đã dặn. Chuyện đã xảy ra cách đây mấy trăm năm. Những vua sau không ai ghé miếu bà, chỉ dân ghé vào đó xin những quẻ xâm đoán mạng và kêu với bà các điều oan khuất. MÂY: Em phải thay một thẻ điện thoại khác. Hay là để mai em gọi lại cô?. CHÂU: Người ở nursing home nhắn cháu tới nhận tiền của một bà già tặng. MÂY: Tại sao một bà già ở nursing home 6 bên Mỹ lại tặng tiền cho em?. CHÂU: Mấy lần Hân hát ru cho bà Tám, người mẹ bị đứa con tâm thần không chịu nhận, nhiều bà nằm gần đó cũng được nghe. Ðây là bà Út, một trong những bà bị con đem vô đó bỏ. MÂY: Rồi bà Út đã được về nhà chưa, thưa cô?. CHÂU: Ðám con ruột, cháu nuôi tranh tụng nhau mấy ngày nay nên xác bà Út còn phải để đó. Người đòi thiêu đem cốt về rãi sông Việt Nam, người đòi chôn bà nằm cạnh bà con ở đây, người muốn đem bà ra Bắc chôn gần chồng, mà mộ ông ta cũng xiêu lạc đâu đó ở dưới đáy lũng vực sâu. Sáng nay mới biết, trong di chúc bà ấy ghi toàn bộ tiền dành dụm của bà để tặng Hân, cô gái từ Việt Nam thường hát ru vọng sang cho cả phòng mấy người ngủ được. Tiếng hát của Hân đã đưa các bà về được tới quê nhà. MÂY: Có thể đưa nhiều người lướt qua các đại dương, đại lục dể trở về quê nhà bằng tiếng hát thật sao cô?. CHÂU: Người ta có thể làm được mọi chuyện, khi người ta yêu. MÂY: Cháu của cô, cô gái tên Hân mất được 100 ngày ấy, đã hát những gì?. CHÂU: Những bài mà khi nhỏ cha của Hân đã hát cho Hân ngủ. Chiều chiều ra đứng ngỏ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.. 3. Ðường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê.. 9. MÂY: Em vừa ghé nhà Hân, nghe cha của Hân ru cô cháu mấy tháng tuổi của Hân như vầy: Thác là thể phách, hồn là tinh anh 12 CHÂU: Tuyết hôm nay vẫn còn dày vượt quá đầu người, những đứa trẻ bận áo quần ấm ra nằm đầy trên bãi tuyết làm thiên thần để lập kỷ lục cho tiểu bang nầy. Kìa ai gánh máu đi trên tuyết 10. Em ra đi, trời bưng mặt khóc oà .. 11. Tôi có người yêu xác thả trôi sông, trôi trong ruộng đồng.. chết tình cờ, nằm chết như mơ.. 7. MÂY: Hòa bình rồi mà sao dân ca và nhạc Việt Nam sao nghe buồn quá. Nhất là khi nghe qua giọng một người cha mới mất con trong thời bình như cha của Hân. Ðôi chân ra đi, nhưng lòng ngoảnh lại, Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà! 7. CHÂU: Ðó là anh ruột của tôi. Nghe nói ban ngày anh không nói gì nhưng nửa khuya, anh xuống bàn thờ của Hân ngồi khóc. MÂY: Bà ngoại của Hân vẫn chưa biết Hân mất bất ngờ trên đường đi lo việc cho người khác, bà vẫn ngỡ Hân đi học xa. CHÂU: Nó vẫn chưa biết thế nào là một nụ hôn. Giống như những người lính chết trẻ. Những người lính của cả hai phe. MÂY: Không nghe được tiếng của cô nữa rồi. Internet của Việt Nam lúc này thường bị rớt vì thiên tai. Hồi nảy chồng của em từ Úc gọi về cũng không nói chuyện được. Em chỉ nghe loáng thoáng anh ấy nói nếu em không về nhà được thì anh ấy sẽ rời Úc, cùng về quê với em. CHÂU: (Bỏ máy xuống, một mình) Một nhạc sĩ ví chốn quê nhà chính là vòm tử cung trong bụng mẹ. Một nhân vật của tôi đã xem quê hương là nơi nào có những đứa cháu sắp được ra đời; hoặc là nơi có những bà mẹ không còn nơi nương tựa, phải lang thang nơi điếm cỏ cầu sương. HÂN: (Bỏ máy xuống, một mình) Những lúc trơ trọi như thế này, em thèm biết bao được nghe tiếng hát ru ngày xưa của mẹ. Như các cô gái Việt khác, em cũng đã từng bú sữa mẹ, và được nghe mẹ ru mới ngủ được. CHÂU: (hát) Ðêm nay hòa bình, sao mắt mẹ chưa vui, Mẹ thấy con đi, đường phố ngợp cờ... Mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình. Mẹ ngồi ru con, nước mắt gọi thầm, giọt buồn trăm năm. Mẹ ngồi trăm năm, như thân tượng buồn, tủi nhục chung thân Một dòng sông trôi, cuốn mãi về trời, bấp bênh phận người 7.
Nguyễn Thị Minh Ngọc Tháng Hai, 2007- Tết Ðinh Hợi _____________________________________________________________________ 1 tin nhắn. 2 không nhà ở. 3 ca dao Việt Nam. 4 bản thảo, kịch bản. 5 Người đàn bà thất lạc. 6 dưỡng đường tư nhân cỡ nhỏ, thường chứa người già. 7 nhạc Trịnh Công Sơn. 8 nhạc Phạm Duy. 9 nhạc Vũ Thành An - Thơ Nguyễn Ðình Toàn. 10 thơ Hàn Mặc Tử. 11 thơ Bùi Giáng. 12 Thơ Nguyễn Du - Kiều.
http://www.gio-o.com/NguyenThiMinhNgoc
© 2008 gio-o
|