Monday, July 13, 2009

nhansắc

Entry for July 23, 2008
Nhan sắc

Một bài viết cách đây gần mười năm cho Xuân Phụ Nữ Thành Phố,đưa lên nhân bên Trục Nhất Phi’s blog bàn chuyện sắc đẹp Sài Gòn.

http://blog.360.yahoo.com/blog-0lIwRp4yeqlSlANVd_hNqS7b?p=2033#comments

Một
Tháng năm, nghe tin tôi sắp sang Ðức, một người quen gởi cho tôi vác sang một mớ quà cho một phụ nữ tên Thu, trong ấy có hai quả xoài tượng. Xoài từ màu xanh chuyển vàng rồi nâu đen xỉn lại tôi mới tìm được Thu ở Berlin. Những người bạn Ðức của tôi trố mắt trước một phụ nữ Việt Nam tóc bum-bê chừa một dúm dài đến vai, to khỏe, nói tiếng Ðức như gió. Sau đó Thu đưa tôi đi chơi suốt đêm ở khu phố cổ phía Ðông, uống cà-phê bằng bát to, dùng buổi điểm tâm nặng của những người nông dân, cuối tuần đi chợ Việt Nam rồi về ăn bún chả ở Câu Lạc Bộ Phụ nữ Á Châu do Thu làm chủ nhiệm. Một tháng Thu có vài ngày vào tù dịch cho các phạm nhân người Việt. Thu là một trong số hiếm hoi thông dịch viên không lấy tiền của người Việt.

Thư mới nhất, Thu kể một dọc những chương trình tưởng như bất tận của mình: những hội thảo, những chuyến đi nghỉ cho phụ nữ, những trại hè cho thanh thiếu nhi, đại hội thanh niên quốc tế dưới sự bảo trợ của Steven Spielberg và các tổ chức châu Âuà và vẫn còn giờ để nhập vào cái đám đông bị mê hoặc bởi giọng ca của Cesaria Erosa mà nỗi buồn ở đó đã được tôn vinh bằng cái đẹp và sự thánh thiện của một giọng hát xuất phát từ một trái tim chân thành và một kỹ thuật điêu luyện à Những năm sống và làm việc, hổ trợ đồng bào ở xứ người cho Hoài Thu một kinh nghiệm lớn: nếu không biết chăm sóc, bảo tồn truyền thống của dân tộc mình sẽ khó có thể hội nhập vào cộng đồng đang sống. Ði với Thu trong một thời gian ngắn, tôi hiểu vì sao giải thưởng người phụ nữ Berlin năm nay được trao tặng cho Nguyễn Loos Hoài Thu.

hai

Vài giờ trước khi rời Munchen tôi mới được gặp chị Thái Kim Lan dù trước đó vài ngày đã được đưa đến nhà hàng Cố Ðô của chị. Bối cảnh trang nhã, mộc mạc với những bức ảnh đen trắng chụp vùng Nam Việt vào những năm 1950 của một người Ðức. Cố Ðô ra đời từ ý định đầu tiên là để gây quỹ cho Hội Sinh viên Việt Nam ở đây. Những quán ăn Việt Nam lúc bấy giờ cứ nấu theo kiểu Tàu. Chị Lan quyết tâm làm những món ăn theo khẩu vị Việt, các món Huế phải có mắm ruốc hẳn hoi. Hiện chị đã có thêm một quầy thức ăn trong siêu thị trung tâm cạnh ngôi nhà thờ lớn của Munchen. Trong ngôi nhà tràn đầy cỏ hoa tre trúc của chị ở ngoại ô còn là lu, thố, ghế, giường, đàn, tranh.. vác từ Việt Nam sang. Ngó chị với quần lửng, tóc bím, ba-lô con cóc trên lưng, khuôn mặt luôn sáng rỡ những dự định phải làm được như khôi phục Ðồng Xuân Lâu vang bóng một thời cùng hát bội Huế, như phải triển lãm phục trang của một số các bà phi và vua, quan triều Nguyễn mà chị sưu tập được, phải dựng một vở của B. Bretch do chị vừa dịch xong cho dân Sàigòn coi.. Tôi có cảm giác thời gian không hề là gánh nặng chất lên cho người phụ nữ này mỗi lượt hết năm.

ba
Ðó cũng là cảm giác của tôi mỗi lần gặp Thủy. Lần gặp gần đây nhất ở Hà Nội, Thủy hỏi nếu tôi là cô tôi sẽ chọn nơi nào để sống. Thủy phải trả tiền thuê hàng năm rất cao cho căn phòng sáu mét vuông ngay trung tâm Paris để chỉ ở trong khoảng thời gian chừng ba tuần. Về Việt Nam, cô phải cô phải trả giá gấp đôi mọi thứ nên phải chọn điểm nóng ngoài vùng đê sông Hồng để ở cho rẻ, nay cũng sắp phải dời đi. Mà nếu về đây ở luôn, dễ gì cô có thể cho ra đời những tác phẩm như cô đã và đang làmà Thủy biết nhiều người không thích cô vì cho rằng cô là một ngoại kiều, được hưởng đặc quyền đặc lợi hơn nhiều người sáng tạo khác, ở đây. Nhưng điều Thủy sợ nhất là cô bị nhìn như một cô gái có nhan sắc.

Riêng với tôi, ấn tượng đầu tiên về Thủy cho đến giờ vẫn là một cô gái nhỏ bước ra từ một truyện ngắn hoàn toàn hư cấu của tôi. Biết Thủy từ lúc cô gánh hai giỏ cần xé hoa vạn thọ lên sân khấu Nhà hát Lớn tặng ông thầy của cô, mãi đến giữa năm nay, lần đầu tôi mới được xem một tác phẩm của Thủy ở Ðức và Pháp. Và tôi được hiểu hơn cái cách mà những nghệ thuật phù du (nhưng không hề phù phiếm) đã lấy bớt đi năm sống của những người thắt tim vắt máu làm ra...

bốn
Những khuôn mặt phụ nữ được nhắc nhiều trong hội diễn kịch toàn quốc tháng 10-1999 ở Hà Nội là Lê Khanh, Thanh Bẩy, Thu Hà, Ðàm Loan, Thiều Hạnh Nguyên, Phạm thị Thành.

Nhan sắc của những phụ nữ trong ngành sân khấu lạ lắm, dù đứng trong bóng tối hậu trường để viết, dựng hay chường ra ngoài sân khấu, họ chỉ rực rỡ lên khi ném bản thân họ vào nghềà

Người có nhiều vở nhất hội diễn là đạo diễn Lê Hùng, cho biết những lớp diễn “đã” nhất vẫn là lúc đang tập. Ra đến khán giả rồi, rất dễ bị bóp lệch đi cảm xúc sáng tạo đầu tiên. Tôi tin Thanh Bẩy là một trong số ít diễn viên không làm thất vọng đạo diễn của mình. Gần như trong các buổi diễn của đoàn bạn đều gặp Bẩy trong áo dài trang trọng, tóc xỏa tha thướt đến chân, tay ngập hoa để tặng đồng nghiệp. Nhận ra đã gặp nhau ở Liên Hoan Sân khấu Toàn Quốc Ninh Bình, Bẩy chia bớt hoa cho tôi rồi chạy lên lầu hai ngồi, cương quyết không ngồi đại vào một ghế không phải của mình.

Một nhà lý luận kêu hội diễn này không có vai hay. Tôi hỏi Thị Nở của Thanh Bẩy thì sao? Anh ta lắc đầu, đó không phải là nhân vật trung tâm, nhân vật tích cực của chủ đề. Ôi trời, chúng tôi chỉ mong trong công việc của mình được tao ngộ với những nghệ sĩ có lòng yêu nghề cao độ, coi sân khấu là đạo như Thanh Bẩy để lưu lại trong lòng người hâm mộ những nét đẹp sau khi tắt ánh đèn màu, tàn cơn hội diễn…

năm
Có những người chỉ cần một vai diễn đã đủ đi vào cõi nhớ của mọi người. Ðó là trường hợp Ngọc Lan trong vai bà Thuận Thành trong “Những khoảng cách còn lại” của Nguyễn Mạnh Tuấn do Trần Ngọc Giàu đạo diễn cách đây mười sáu năm. Tình cờ, biết được Lan cùng chồng là Dũng (Anh Vũ) và Hoài Linh mang 10.000 đô về tặng Hàm Tân xây hai lớp học sau cơn lũ đầu năm. Lan luôn miệng nói đây là công trình của rất nhiều ngườià Nỗi buồn của những người lìa xứ lại lỡ vướng vào nghề này thường nhân lên gấp bội. Nên khi có lời kêu gọi tụ tập lại làm cái đêm diễn vừa để gởi tiền về quê nhà cứu trợ vừa để đỡ nhớ nghề, bà con hưởng ứng ngay. Hai đêm diễn ở Sidney và Melbourne quy tụ trên một trăm ca-vũ-kịch sĩ Việt và Úc.. Trong đó Lan vừa tồ chức vừa bán vé, vừa đeo bám trên hai mươi nhà tài trợ, vừa làm M.C. kiêm luôn cả chuyện cùng với các cô con gái xếp dọn vài trăm ghế cho khán giả. Năm phút trước giờ diễn còn chưa kịp thay phục trang, Lan thề lần tới sẽ không bao giờ dám ôm hai chuyện biểu diễn và tổ chức cùng lúc. Về chuyến này Lan bắt tay ngay vào chuyện cứu trợ cho cơn lũ mới ở miền Trung. Cạnh đó, Hội Giao lưu Văn hóa Việt Úc của Lan và các bạn còn có ước mơ giới thiệu vài vở kịch trong nước cho đồng bào ở hải ngoại xem. Ít ra, cũng là một vở diễn chung giữa những đồng nghiệp cũ. Ví dụ, một cuộc hội ngộ ở Sidney năm 2000 giữa Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Nhí, Thanh Thủy và Hồng Ðào, Quang Minh, Quang Kiệt, Minh Phượng, Mỹ Linh..

sáu

Những người nữ lưu lại ấn tượng trong năm qua mà tôi được tiếp xúc luôn có ánh sáng tỏa hắt từ bên trong. Vẻ lóng lánh ánh ngọc khi ẩn khi chìm đó đã làm nên nhan sắc họ. Ở đời riêng họ rất yêu quý chồng con và trân trọng những giây phút đầm ấm gia đình. Còn nếu đang sống đời đơn lẻ họ vẫn không ngừng tạo được niềm vui cho chính mình và cộng đồng đang sống chung quanh.

Nhân ngày vui của thị xã Phan Thiết, mẹ tôi yếu quá, tôi phải thay bà về phường Ðức Nghĩa, nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ của cậu tôi. Trong lễ hội đông đúc, ở khu vực cựu chiến binh tôi thoáng thấy một phụ nữ mà dường như nhan sắc là một thách thức với thời gian. Ðược biết đó là một chiến sĩ tình báo, cũng có người yêu như mọi người nhưng đành phải chia tay để đi đóng vai người yêu với những nam đồng nghiệp. Nay chị đã về hưu, sống một mình, bày thùng thuốc tây bán lẻ để độ nhật mưu sinh. Khi hiểu ra và chấp nhận việc xử dụng nhan sắc như một vũ khí để lao vào cuộc chiến, coi như chị đã tặng niềm vui riêng lẻ cho lý tưởng mình theo. Một nhà văn quân đội kể, gần như năm nào anh cũng tìm cách vào Nam, đi thăm những nữ biệt động năm xưa, đẹp như một giấc mơ, tưởng như không bao giờ chạm tới, nay tàn phai vẻ ngoài, sống đơn độc ở những vùng heo hút. Và điều lạ lớn nhất là chưa thấy ai ngậm ngùi tuyệt vọng bao giờ.

bảy

Nhiều người trách tôi viết không vui, có người lại bảo những đoạn cuối của tôi bao giờ cũng loáng thoáng nét lạc quan như một gắng.. “gượng kẻo mà”, như những kết thúc có hậu của hầu hết các vở cải lương mà không nhiều thì ít tôi đã bị.. “quen mất nết”.

Tôi chỉ biết mình hoặc im lặng, hoặc không thể viết khác đi, khi dọc đường, đi và sống, tôi luôn được gặp những tia sáng vui thắp bởi nhan sắc đặc biệt của những phụ nữ lạ lùng giạt trôi kỳ ngộ, loại nhan sắc tỏa hắt từ bên trong, bất chấp thời gian..

1999

(phia tren la anh cua Ng Thủy Ea Sola)





Tags: nhansắc | Edit Tags



Wednesday July 23, 2008 - 04:08am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for July 26, 2008

Comments(1 total) Post a Commenttrục … Offline Cám ơn, nếu có dịp gặp Hoài Thu và Ea Sola xin cho tôi gởi lời thăm.

Wednesday July 23, 2008 - 04:27am (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home