Monday, July 13, 2009

Cô gái giang hồ

Entry for July 21, 2008
Cho tới bây giờ tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra, tại sao Sở Văn Hoá Thông Tin TPHCM (tức Sài Gòn) không cấp phép cho đạo diễn Ai Như dựng vở nầy?.


Tam Ích

Ý văn 1



http://www.talawas.de/



Cô gái giang hồ

Tôi có cái may mắn được đọc gần hết sách của Jean Paul Satre. Riêng về sáng tác, tôi thích kịch của Sartre hơn tiểu thuyết. Kịch của tác giả L’être et le néant, chỉ có cuốn Les séquestrés d’Altona là tôi chưa đọc một chữ. Tại sao lại có chuyện thích và không thích ấy, đó lại là một chuyện hơi… phi lý: có lẽ là tại kịch của Sartre hấp dẫn và có tác dụng nghệ thuật đi thẳng vào lòng người và đánh thức hết tất cả những thực thể ngang trái còn tiềm ẩn trong cái tôi tế vi nhất của tâm hồn. Ý thuyết của một nghệ phẩm dù chỉ có tính chất phiến diện… cũng vẫn bám lấy một cõi riêng biệt nào đó của tâm hồn con người… Đối với tôi, cuốn La putain respectueuse là một vở kịch ngắn rất hay của Sartre.

Người ta thường phân loại sáng tác: có cả một ngàn lẽ… một loại: tâm lý, tả chân, duy nhiên, biểu hiện…

Rồi lại còn sáng tác có luận đề, không luận đề. Và thế này, và thế kia, và thế nọ… Quả tình, nghĩ cho kỹ, như vậy cũng hơn rắc rối và hay làm cho thiên hạ… cãi lộn! Tôi tưởng nên giản dị hơn để cho mọi người đỡ phân vân: về giá trị thì chỉ có sách hay và sách dở, và về nội dung thì chỉ có hai: một loại giải trí và mua vui đọc rồi nhân sinh thêm một mẩu màu hồng vì sách làm cho cười chúm chím cười ha ha… còn một loại, người ta đọc xong, người ta cũng… nhức đầu như đọc bất kỳ một cuốn sách nghị luận nào: nhức đầu vì suy nghĩ.

Trí thì suy nghĩ; nhưng lòng chia hai ngả: hoặc thấy đời sống có hẳn màu hồng gây can đảm mà sống: hoặc thấy đời sống nó… làm sao ấy – vì nó… làm sao làm sao ấy cho nên căm hờn… Có hai thứ người căm hờn: một thứ người không làm gì được ai thì chửi đổng và báo thù vặt… như cái ông xưng là tôi trong Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân; còn một thứ người thì vào một đảng cách mạng nào đó để làm cách nào cho chúng sinh của ngày sau khỏi phải căm hờn: không còn giả đạo đức; không còn bất công; không còn nhớp; không còn cảnh dùng tất cả những tĩnh từ bay bướm của ngôn ngữ để che cái xấu và cái dơ dáng dại hình của hạng người không có can đảm thú thật với người với mình thực chất dối trá của mình…

Chẳng hạn là vậy: chẳng hạn là vậy để cho thông minh con người dễ vạch biên giới… dễ tìm tiêu chuẩn, dễ định chuyện trắng đen… dễ nói chuyện nên và chăng… trong văn nghệ. Và trong vấn đề tác dụng của văn nghệ…

Cuốn La putain respectueuse của Sartre là một trong những vở kịch ngắn gây trong lòng người thứ chán chường ai oán – đượm một niềm căm giận cho những người dùng văn chương để lừa người, để cám dỗ người – đượm một niềm thương vay khóc mướn cho một hạng người hiện ra giữa đời sống lọt lòng mẹ thì đã mang một bản án chung thân là có… tội. Trăm dâu đổ đầu tằm: một thứ "bouc émissaire", một nơi cho người có nhiều tiền và có xe hơi… đổ lên đấy tất cả những tội lỗi những nhơ nhuốc họ đã làm trong tất cả những bóng tối kín đáo và u ám nhất của trời đất…

Chuyện xảy ra tại một thành phố miền Nam châu Mỹ – ở đây là Amérique Latine.

Trên một chuyến xe lửa nào đó có một số người. Một cô gái giang hồ nhưng cũng đẹp tên là Lizzie; hai ba hay bốn người thanh niên Nam Mỹ là Thomas, là Jonh – hay tên là gì gì đó cũng được; và hai người khác nữa có một cái tội lớn nhất là có một màu da là màu đen, đen lắm… Nói tóm lại: hai người da đen – da có màu.

Hai chàng phong lưu công tử dòng giống con nhà dở trò chọc ghẹo cô gái Lizzie. Chọc thì cứ chọc! Không! Đã chọc gái lại còn hành hạ – hành hạ bằng ngôn ngữ – hai người da đen… Sẵn súng mà lại say (say bí tỉ) thì hứng lên, hai chàng định liệng hai chàng da đen ra khỏi xe lửa! Liệng không xong – vì ai cũng phải tự vệ chứ – thì bắn. Bắn thì có chết: một người da đen chết. Còn người thứ hai nhảy xuống chạy mất – vì xe lửa đã tới ga rồi.

Bắn người thì bị bắt và bị nhốt, và sẽ ra tòa lãnh án sát nhân!

Chỉ có một cách cứu người có tội giết người là có một người chứng khai láo! Trên cái trái đất này chỉ có một người khai láo được là cái người có mặt tại chỗ có máu chảy: cô gái giang hồ tên là Lizzie. Nếu cô ả khai rằng gã đã đến định dở trò hiếp dâm người đàn bà da trắng… thì nhất cử sẽ lưỡng tiện: đã cứu được mạng kẻ sát nhân là Thomas, mà lại gây được một phong trào săn… cái anh chàng da đen còn sống kia: đổ dầu xăng lên mình nó và… đốt. Hình như ở bên Mỹ, người ta gọi việc đó là lynchage: có thể là tẩm dầu đốt; có thể là treo cổ; có thể là lột da; có thể là đánh cho đến chết mới thôi…

Thế là một âm mưu xảy ra. Trong cái thành phố Nam Mỹ ấy, có một ông sénateur và một người thanh niên tên là Fred, và hai ba người lính cảnh sát nữa… dàn cảnh đưa con đĩ Lizzie vào một đối tượng duy nhất: Lizzie sẽ ký vào bản văn kiện làm chứng láo… rằng cô ta bị hiếp… Dàn cảnh thì phải có lợi khí dàn cảnh: tiền, thế lực, hăm dọa, lời ngon ngọt… và nhất là… văn chương: Một thứ văn chương bóng bẩy có từ ngày lập địa khai thiên dùng hết tất cả những từ ngữ đẹp và những tĩnh từ hoa bướm nhất của những phần tử trí thức hay văn thi sĩ ưu tú nhất của loài người – và những hình ảnh văn chương và ý niệm văn hóa nhiều màu sắc nhất nhốt trong những bức tranh thần tượng và thần thoại học cao vun vút nhất có tác dụng áp đảo lớn nhất trong cõi hồn sâu xa nhất của con người… con người dùng nó ra để hăm dọa, để dỗ dành, để đánh vào chỗ yếu, để vuốt về những mặc cảm, để làm cho linh hồn con người quỳ xuống đất thấp… Và ký tên. Mô Phật!

Văn chương và ngôn ngữ đã thắng: con người Lizzie làm kẻ bại trận. Lizzie "thua" nghĩa là Lizzie bị khuất phục.

Lizzie tỉnh ngộ thì sự đã rồi! Dù sao, chàng sát nhân đã khỏi tội chết… và con điếm Lizzie có thêm một người yêu ôm Lizzie vào… lòng!
Và chàng Ferd, một trong mấy người dàn cảnh, nói: "Thôi nào, thế là đâu lại vào đấy! Có sao đâu! Tên tôi là Fred" (Allons, tout est rentré dans l’ordre. (Un temps). Je m’appelle Fred).

Sartre kết luận như vậy! Chứ còn kết luận làm sao nữa kia chứ hở trời! Cũng như thằng bé Carlos trong Les enfants de Guernica của Herman Kesten cũng đã nói: "Có làm sao đâu! Đâu lại vào đó! Chết đủ chín chục phần trăm, còn lại mười phần trăm… rồi ai nấy lại ăn ngon ngủ yên như thường… Con người ta sống như những kẻ… mù! U mê mãi sao! U mê mãi sao!".

(Les gens eurent tôt fait de se tranquilliser. Que s’engloutissent les neuf-dixièmes de la terre, les survivants reviendront vite au calme. Les hommes traversent le monde en dormeurs. N’y-a-t-il rien pour les réveiller?).

Nhưng có cái câu: "Tên tôi là Fred" (Je m’appelle Fred) là làm tôi nghĩ đến cái cực tế cực vi trong tâm hồn Sartre khi Sartre sáng tác, và trong nghệ thuật sáng tác của Sartre. Té ra khi đi lại trong đời sống, người ta nói như Nguyễn Văn Xuân nói "mượn đúng cái bộ mặt lương thiện" – rồi mãi khi xong đâu vào đó mới lọ chân tướng và… xưng danh!

Và cái bộ mặt thực hiện ra, với cái tên thực xưng ra…

À, ra bao nhiêu chính khách trên thế giới, trong lịch sử… cũng mãi khi ăn trên ngồi cao rồi mới xưng danh để mà… để danh trong "sử xanh" – bất kỳ là thứ danh gì!

Chuyện nó thế, người làm sách nói thế, tạo nhân vật ấy, nói ngôn ngữ ấy… chúng sinh chúng ta muốn hiểu ra sao đó thì hiểu! Ủa, hiểu không được thì ráng mà hiểu vậy! Ráng không được thì đừng hiểu nữa, vậy thay! Ôi buồn…

Tôi không muốn viết ra đây hết những ý tưởng cuốn La putain respectueuse đã gây trong trí trong lòng tôi. Chỉ xin mách: loại sách bỏ túi cũng rẻ: bà con ai mua được nên mua coi vở kịch. Để cho biết. Để mà nghĩ – nghĩ về nhân sinh. Tên sách là, xin nói lại: La Putain respectueuse (suivi de Morts sans sépulture); nhà Gallimard ấn hành; loại sách Livre de poche phổ biến.

Ý nghĩa sách còn là ý nghĩa tượng trưng nữa! Lezzie chẳng phải một Lizze lẻ loi – một trường hợp Lizzie riêng biệt. Lizzie là cả anh, cả tôi, cả nó – cả bá tánh chúng sinh, tự mình lừa gạt chính mình với một thứ bùa có một tính chất cám dỗ mầu nhiệm nhất do chính thông minh (gọi là intelligence humaine đấy!) của mình tiết ra – tiết ra cũng như cơ thể con người tiết ra chất hồ dị mộng (hormone).

Thưa là văn chương. Thưa là ý niệm (idéeconcept) mang màu sắc và âm thanh cám dỗ đến cả cảm giác con người lãnh đạm nhất trong đời sống… Thưa là tất cả những thực thể cụ thể và trừu tượng mang giá trị thần tượng (valeur mythique) làm say mê người như những hương vị say sưa nhất… từ ngày có trời đất.

Lizzie bị gạt. Chúng ta bị gạt. Và đời sống chỉ là một sự dàn cảnh lớn. Một con đĩ mà còn tự hỏi được rằng: chắc là mình bị lừa. Một thằng bé Carlos mà còn nói… xéo được người lớn. Và kẻ dàn cảnh đã gạt người, chẳng phải chỉ có cai ông Sénateur, cái chàng Fred, chàng Jonh… của cuốn La putain respectueuse, mà là cả cái nhân sinh to lớn này.

Cả cái nhân sinh to lớn có năm châu và năm đại dương! Cả chính mình!


Nguồn: Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in Đăng Quang, 734a Phan Thanh Giản – Sài Gòn. Giấy phép số 481 TBTTCH/BC3/XB Sài Gòn ngày 22 tháng 2 năm 1967, ngoài những bản thường in thêm 100 bản đẹp dành riêng cho tác giả, nhà xuất bản và thân hữu. Thư từ, liên lạc về Nxb xin gửi cho Từ Mẫn, bưu điện xin đề tên cô Cao Ngọc Thanh. Giá 120 đồng. Bản điện tử do talawas thực hiện.



Tags: gaigiangho | Edit Tags



Monday July 21, 2008 - 08:02am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for July 22, 2008

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home