Ngày Của Cậu.
Entry for October 17, 2007
15 tháng 10 . Ngày Của Cậu.
Cậu là một Người Yêu Dấu Không Biết Mặt của tôi.
Cổ tích cho chúng tôi thời nhỏ là những chuyện ở tù của má và chuyện của Cậu
Nhiều người tả về cậu:
“Cậu là người cao lớn, đẹp trai, đàn giỏi hát hay, khá nhiều cô gái đẹp trong vùng mê.
Má và Cậu mồ côi mẹ khi còn nhỏ xíu. Bà ngoại sanh em bé bị băng huyết mất trong đêm giao thừa.
Ông ngoại từ Quảng Nam vào Phan Thiết sống, lập ra Quảng Nam Ðồng Châu Hội. Ông có giọng hò hay. Khi vợ chết, ông kiếm vợ kế để chăm sóc con thơ và bất cứ lúc nào biết được các bà ăn ở tệ với con mình là ông ngoại dứt ngay. Cứ như vậy mà Má tôi và Cậu có tới khoảng chín bà dì ghẻ.
Khi lớn lên, Má tôi vô Sài Gòn học thợ may, bị bắt oan rồi trôi nỗi theo các trại tù ở Khám Lớn, Căn Bà Rá. Cậu tôi làm thợ hớt tóc. Rồi khi Kháng Chiến bùng nổ, Cậu xung phong vô Cảm Tử Ðội, chuyên đi xử tội việt gian. Người Pháp treo giải thưởng cao để lấy sanh mạng những ai trong đội cảm tử này.
Má tôi kể, lâu lâu Cậu ghé nhà, gởi cất giùm trái lựu đạn, con dao găm; có bữa Cậu chạy vào nhà kiếm dao rọc hai ống quần chật để bơi sang sông Cà Ty cho dễ. Cậu vừa đi là mật thám đưa lính Pháp tới soát nhà.
Cậu chết vì bị sự phản bội của người quen. Ở ngoài chiến khu đưa Cậu vào thành bằng chiếc xe bò chở đầy rơm. Khi đi ngang cổng chữ Y, có người báo cho lính Pháp biết. Họ nã đạn vào thùng xe. Từ đó đến Ðồn Hai (trước 75 là đường Khải Ðịnh), cậu mắng chửi bọn cướp nước và tay sai không tiếc lời nên chúng không băng bó lại mà cứ để cho Cậu bị chảy máu cho đến lúc cạn kiệt máu mà chết.
Má tôi lúc đó đã lấy chồng xa, rồi lại tái tù. Ông ngoại tôi không biết xác con mình nơi đâu, thất lạc tâm thần một thời gian. Những người bà con còn tỉnh táo đều đem hình ảnh, đồ đạc, cả cây đàn của Cậu tôi ra đốt vì sợ bị liên lụy.
Cậu chết năm 1947, khi vừa 20 tuổi. Từ lúc được tin, má tôi lập bàn thờ Cậu cùng với ông bà. Cha tôi làm công chức, có vợ là Việt Minh nên bị chuyển đổi liên tục, và dù có đi đâu trong nhà chúng tôi cũng có bài vị tên Cậu mà không có một tấm hình.
Năm 1975, mỗi lần họp dân chúng lại, má tôi chống chuyện bắt những người vợ “ngụy” ngồi cô lập một khu, cọng thêm nhiều chuyện nữa nên đụng với những người gọi là “Ba Mươi Tháng Tư” . Má tôi nói, chồng người ta đã đi học tập cải tạo rồi, còn chừa đường cho vợ con người ta sống với, không nên phân biệt đối xử như vậy.
Ðịa Phươngg cọng điểm gia đình tôi cho là nhà có ba người ngụy và hai cách mạng nên coi như âm một. Từ đó họ không cho phép má tôi thờ Cậu tôi (nhưng làm sao cấm được chuyện nầy) mà đặt bàn thờ Cậu tôi ở phường.
Có lúc ngôi nhà của chúng tôi ở Phan Thiết bị phường muốn lấy làm nhà trẻ. Nếu má tôi không dũng cảm đứng trước đầu xe ngăn chận những người liệng đồ đạc của chúng tôi đưa lên xe cho đi kinh tế mới ở Tánh Linh thì coi như chúng tôi mất căn nhà của ông ngoại tôi dựng nên rồi.
Mãi đến sau nầy, những đồng đội của Cậu tôi còn sống, tìm ra má tôi, mới chăm lo giấy tờ cho Cậu. Cách đây vài năm, nhà tôi nhận được giấy chứng nhận Cậu là liệt sĩ vào ngày này, 15 tháng 10. Và Má tôi chọn đó là ngày giổ, còn trước đó cứ cúng chung vào dịp Tết với ông ngoại, bà ngoại tôi.
Năm 2004, tôi xộc vào viết kịch bản film tài liệu về đề tài những nhà ngoại cảm, cũng với một mục đích nhân đó tìm ra hài cốt của Cậu. Tiếc là bộ film không thành vì nhiều lý do. Vài nhà ngoại cảm nổi tiếng cũng hao mòn điện, người nầy chỉ quanh quẩn sang người kia và đa số từ chối vì nói Cậu tôi chết không để lại bất cứ di vật nào nên thân nhân phải tự tìm lấy thôi.
Lúc đó Cậu mất đã 57 năm. Ai cũng nói chết đến 60 năm thì đừng tìm nữa vì chắc người chết cũng đã đầu thai mấy kiếp rồi. Một trong những người giúp tôi tích cực đi tìm là thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn. Cậu tôi là lính của cha anh Sơn. Cha anh tập kết ra Bắc, trở về quê làm lớn và chết chôn trong vườn nhà.
Năm 2005, giữa lúc tôi hoàn toàn tuyệt vọng, thì cơ duyên đưa đẩy khiến tôi gặp được một người giúp tôi tìm được và xây cho Cậu một ngôi mộ chỗ chùa ông Rau là nơi mà nhiều người cho là bọn Pháp vùi xác cậu. Ðầu tiên người tìm mộ từ chối vì cậu tôi họ Trần, tôi họ Nguyễn, không cách chi tìm được. May là tộc Trần của ngoại tôi vẫn còn người sống ở Phan Thiết nên khi ráp lại, mới tìm ra. Sở Lao Ðộng Thương Binh Xã Hội của tỉnh có hỏi nhà tôi có muốn dời cốt Cậu vào nghĩa trang liệt sĩ không nhưng nhà tôi nghĩ là Cậu thích nằm ngoài nầy trăng thanh gió mát hơn.
Tôi không biết bây giờ nếu Cậu còn sống, hay nếu Cậu sống thọ hơn cái tuổi 20 của cậu thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Chắc chắn là Cậu sẽ không hèn như tôi, như chúng tôi.
Tôi không hiểu suy nghĩ gì khiến một người con trai to lớn, đẹp trai nhiều phụ nữ mê như Cậu lại bỏ hết lao cả mạng mình vào những việc cầm bằng như không thể sống thọ?
Năm 2003, khi ở New York, có những lúc tôi thấy cuộc đời phi lý quá khi các bạn cũ, trong đó có người mà tôi rất quý cứ tránh tôi vì cho tôi là V.C.; còn khi tôi ló mặt về đến Việt Nam là cứ bị các anh Hai , anh Ba ngoắc riêng cho biết, tao bị chất vấn hoài tại sao cứ để mày đi nước ngoài thoãi mái, phát biểu linh tinh như vậy, giờ lại còn ở lâu bên Mỹ. Tôi tưởng đã qua cái thời mà chuyện đi Mỹ đồng nghĩa với điều gì xấu xatội lỗi ghê gớm(!)
Kể cho một cô bạn thân là Nguyễn Thủy Sola. Bạn tôi nói, sao Ng khg nói vơi những người đó như trẻ con vẫn nói .Ờ, thì tao là V.C đó, má tao V.C., cha tao V.C, anh chị em, nội, ngoại tao đều là V.C.
Ðó chỉ là nói đùa thôi. Bởi dòng họ nhà tôi, (không chỉ cha tôi và hai anh tôi khiến nhà tôi mang số âm trừ một) sống và nghĩ như vậy có thể gọi là V.C. sao?
Chỉ tạm khẳng định và tự hào rằng trong nhà chúng tôi có những người Yêu Nước. Và yêu nước theo cái kiểu riêng của chúng tôi.
Như Cậu tôi!
Trên bài vị của cậu ghi tên cậu là Trần Văn Sáu (tự Dần). Còn tên bạn bè thường gọi là Hoàng. Tiếng địa phương lại đọc trại đi là Hòn.
Không chỉ đến ngày 15 tháng 10 hằng năm, khi nhớ đến người cậu không biết mặt này, tôi luôn hình dung ra cậu ngồi trên xe bò với những lời lẽ hào sảng mắng bọn cướp nước lẫn mãi quốc cầu vinh và những dòng máu tươm đỏ trên mớ rơm vàng.
Cậu chết bởi sự phản bội nhưng cậu đã sống như một huyền thoại, với gia đình tôi và cả với những người ở ven sông Cà Ty, Phan Thiết cùng thời, những năm 40.
Tags: ngaycuacau Edit Tags
Wednesday October 17, 2007 - 05:21am (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for October 18, 2007
Comments(3 total) Post a Comment
May♥N
Offline
Con người sống trong chiến tranh gian nan và đau buồn quá chị há. Nhưng sau chiến tranh cũng có những đau lòng khác.Chuyện nhà chị hay quá, cảm ơn đã kể cho mọi người biết thêm về chị và gia đình.
Wednesday October 17, 2007 - 01:03am (CEST) Remove Comment
Bắc Hà
Offline IM
Thăm bạn mới chưa biết tên. Noname mờ!
Wednesday October 17, 2007 - 10:22pm (ICT) Remove Comment
Fashi…
Offline IM
Chị ơi, những câu chuyện của chị đều xúc động. Em luu tat ca nhung chuyen nay trong may, luc ranh lai lay ra doc va suy ngam... de minh cố gắng song tot hon va biet bao dung hon!!!
Wednesday October 17, 2007 - 10:45pm (CEST) Remove Comment
Labels: Ngày Của Cậu.
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home