Sunday, July 12, 2009

Họ tưởng tôi có cái mà họ tưởng là họ thiếu

Entry for October 04, 2007

Người có thể gọi là BẠN
1. Người đầu tiên là NgH. Vì đó cũng là thầy tôi- loại thầy mà thường tuyên bố với tôi nửa đùa nửa thật, “tốt hơn hết đừng cho mọi người biết N. là học trò tôi”.
Vì tôi vốn là “học sinh cá biệt”. Với môn Anh văn tôi càng “cá biệt” hơn. Thèm học lắm, yêu môn này lắm. Và tôi tin, nếu tôi khá môn này, tôi sẽ giúp cho đất nước mình nhiều hơn. Nhưng tôi luôn có những lý do hợp lý để vắng mặt trong buổi học, thậm chí cả những buổi học một thầy, một trò.
NgH. trong giờ học còn la rầy tôi nhiều tới độ một hôm NgH. tự nhận xét “Nhiều lúc tôi thấy tôi như má của bồ”. Về cường độ, sắc thái chì chiết thì NgH. có lúc hơn cả má tôi. Nhưng tôi cần như vậy… Không những vậy, NgH. còn mang cả lời những người khác mắng tôi tường thuật lại. Ví dụ, có lần trong một bài báo tôi có nhắc tới NgH. một câu, hôm sau nghe mắng ngay: “Thằng V. đọc xong, gọi cho tôi, nói, giết con mụ NTMN ngay”. V. nào đó, cho rằng tôi đã khuấy động sự im lặng sang trọng của NgH.
NgH. có nhiều trò chơi, văn kịch nhạc họa. Đủ! Lâu lâu NgH. có tụ học trò lại làm chương trình tổng hợp ca kịch Anh Việt đủ thứ do NgH. làm tổng đạo diễn. Diễn ở đó, tôi rất vui, vì nơi đây tôi được ở trong trạng thái nhập đồng, nghĩa là trước đó tôi không rõ mình sắp phải nói những gì, không cần phải thông qua ai. Ở nhà người thầy nầy, tôi có cảm giác tự do tuyệt đối.
Chỉ bất ngờ một lần. Tôi ngồi học để chuẩn bị tiếng Anh cho một Hội thảo về phụ nữ ở Châu Á. Khi tôi đưa ra tỉ lệ dự đoán về lượng phụ nữ còn bị nghèo, dốt và bạo hành tấn công ở Việt Nam, NgH. cho rằng tôi đã sống “trên mây” khi đưa ra con số thấp quá. Tôi cứ ngỡ một đứa lăng lê bò toài qua các trại nữ tù để diễn và dựng kịch như tôi sẽ gần gũi những người “dưới đáy” hơn một người không vướng bụi trần như thầy tôi.
Lượt này, tôi viết dài hơn một câu. Không biết có còn hạnh phúc được nghe NgH. tường thuật lại lời mắng của những người khác.
Còn phải ghi thêm một câu nữa về NgH. Cô giáo NgH. thỉnh thoảng có nấu cơm cho tôi ăn, và cô là một trong những người nấu khéo. Khi viết văn, NgH. cũng ký NgH.
2. Khi tôi mới quen anh Cao Tự Thanh, tôi có đưa NgH. đến ăn cơm với chúng tôi để nghe ý kiến. Tôi thấy hai người nầy có nét gì đó giống nhau. Tôi gọi anh Thanh là anh dù anh nhỏ tuổi hơn tôi. Con bé Ngọc Trinh có dạo gặp tôi cứ hỏi: “Bạn “dữ” của cô đâu rồi?”. Một đạo diễn film thì cho biết: “Gặp mặt đã thấy “xốc”, nghe nói chuyện càng bị “xốc hàng” hơn”.
Có lẽ đó là lý do khiến anh thường tuyên bố “Kẻ sĩ nên cho người đời biết tên chứ không cho biết mặt”. Thầy tôi, NSƯT Đoàn Bá thì rất nể anh. Khi ông dựng về Thủ khoa Huân ở Mỹ Tho có rước anh xuống để nói chuyện về Nguyễn Hữu Huân cho diễn viên nghe.
Nhiều tờ báo đề nghị tôi phỏng vấn anh nhưng sau đó là loại bài ít khi được đăng. Hỏi bình thường nhưng câu trả lời thường rất “xốc hàng” như: “Loại nghiên cứu ngoài biên chế như tôi khác loại nghiên cứu ngoài biên chế,tương tợ như gà đi bộ khác với gà công nghiệp - loại thứ hai ăn những thức ăn giống nhau sẽ dễ có những lời phát biểu giống nhau”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước những phụ nữ trí thức thường gặp anh để nghe “vấn kế”, anh cho rằng: “Họ tưởng tôi có cái mà họ thiếu…”.
Khắc nghiệt với cuộc lẫn bản thân mình, nhưng khi anh đã ra tay cứu bạn thì bạn thường “thoát hiểm”. Lời bình anh viết cho tôi nhân khi tôi đạo diễn chương trình sân khấu hóa về Sinh viên Học sinh cứ còn nằm trong bài giảng của tôi cho thế hệ sinh viên mới lớn. Không có anh thì thầy trò tôi đã không có bản dựng “Hồn Xuân Thu” trào ra tâm ý “cái mà vua chúa cần, chính là cần đầy tớ, chứ không cần tới hiền thần”. Tôi vẫn thèm được bỏ hết để cùng viết với anh “Khói sông Gianh”. Khởi từ Đào Duy Từ- vì thành kiến “xướng ca vô loại” phải trôi dạt chăn trâu, rồi cơ duyên đến, xây được Lũy Thầy ở Quảng Bình. Điều đó cũng có nghĩa ông trở thành tội đồ của lịch sử. Bốn mươi lăm năm sau, viên tướng trẻ hai mươi mốt tuổi ở bờ Nam tháo sông Gianh khỏi nhát cắt xắt đôi non nước lẫn linh hồn Việt. Công việc đầu tiên của viên tướng nầy là cho viết ngay hai bài văn tế chiến sĩ trận vong vô danh ở hai bờ Nam Bắc, đọc trong thành cho bờ Nam nghe; ngoài thành cho bờ Bắc.. và cả hai bài tế ấy đều bày tỏ thái độ trân trọng ngang nhau với những tử sĩ không tuổi, không tên, không phân biệt sắc áo màu cờ của phe nào.
Thỉnh thoảng, khi tôi cần anh giúp một số kiến thức mang tính cách “xốc hàng” cho các trại viên ở các trại sáng tác kịch ở vài địa phương xa, anh sốt sắng đi ngay. Đôi khi anh nói thao thao mà quên hoàn cảnh quy định. Những ý tưởng của anh thì mới nghe qua rất dễ gây phiền toái. Ví dụ, lâu nay chúng ta cứ bị lầm lẫn về chuyện văn học nghệ thuật để phục vụ chính trị mà lẽ ra phải nói là để phục vụ cách mạng. hai danh từ nầy mới nghe tưởng giống nhưng thật sự khác nhau xa.
Mấy cụ về hưu đến dự thính trại thì cứ xuýt xoa : “Tiếc quá , những người cần nghe thì không có mặt ở đây để nghe”
Giúp một người bạn là tôi trong ngành sân khấu gỡ nhiều thế bí. Rất bất ngờ, có lần anh cho biết, môi trường sân khấu của tôi cũng tặng ngược lại cho công việc nghiên cứu của anh một số ý tưởng. Anh là loại bạn hiếm hoi làm “giàu có” thêm cho công việc của bạn bè. Ít ra, cũng cho một đứa “nghèo nàn” về tình bạn là tôi.
3. Gần như Tết năm nào tôi cũng có cớ để viết về cô bạn này đến độ một người quen tôi phải kêu lên: “Sao Tết nào chị cũng cho tụi em ăn món Sola mãi thế”.
Những giây phút hiếm hoi được gặp nhau giữa chúng tôi là những giây phút thư giãn. Vì cô là người có máu hài, trái với nhiều người ngỡ rằng ở cạnh cô chỉ có những giây phút căng thẳng. Và sẽ rất ít người hình dung ra cô là người ngưỡng mộ loại kiến trúc mà cô cho là toàn thế giới khó kiếm ra, Mỹ châu không có, Âu châu may ra có một chút ở đâu đó, miền Bắc hoàn toàn không có mà chỉ có đầy ở miền Nam Việt Nam- đặc biệt ở Sài Gòn. Với cô đó là những viên ngọc quý dù hầu hết, ngay cả chủ nhân của nó đều cho là quê mùa, lạc hậu, chỉ muốn đập bỏ đi. Đó là loại nhà có mặt tiền đá mài, đá rửa, có mặt ở miền Nam Việt Nam vào những năm 60, 70… Cô đặc biệt thích một số loại nhạc boléro đến độ cố xin tài trợ nước ngoài và cả trong nước để làm một chương trình cho nó ở trong lẫn ngoài nước cho cả cộng đồng Việt lẫn các cộng đổng khác chung quanh. Những ý tưởng này với cô không hề nhuốm màu sắc hài hước.
Chúng tôi cười vì những chuyện khác.
Tháng 11 năm nay, cô đưa đoàn về từ Âu châu, ghé Hà Nội được 5 ngày. Hai chúng tôi đều chưa được chỗ mình làm trả tiền. Tôi lại đi vay nợ để bù vào những chỗ mình lỡ dại lãnh nợ. Với một người sợ nợ như tôi, điều đó thật quá kinh khủng. Qua điện thoại, cô kể cho tôi nghe chuyện này:
“…Mình thấy cái người mà Nhà nước giao phụ mình, bao nhiêu công việc giao cho đoàn đều hư hỏng cả. Mình gắt gỏng, tại sao một người như anh lại không có khả năng làm những chuyện này. Anh đúng là một người… không có chuyên môn. Anh ta xăng xái gật đầu, chị nói đúng quá, em đâu có được đào tạo để làm những chuyện này… Đúng là em chẳng có chuyên môn.”
Đang căng thẳng tôi cũng phải phì cười vì chuyện nầy vì tôi cũng rất quen với những người nhiệt tình một cách ‘giết người” như vậy. Mà những điều nầy, lẽ ra kể ra không phải để cười. Hoặc có cười chăng thì ngay sau đó phải có những thay đổi tích cực như thế nào để cháu con chúng ta ngày sau khỏi khóc. Chứ chẳng lẽ ba mươi năm qua cứ phải nghe mải những loại chuyện cười nầy.
Dĩ nhiên, công việc khiến tôi quen biết khá là nhiều, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng ba người bạn này, một người biết cách la rầy tôi, một người giúp tôi “giàu có” hơn về tri thức và một người biết cách giúp cho tôi cười được trong những giây phút tưởng không thể nào cười.
Tags: friends Edit Tags
Thursday October 4, 2007 - 09:48am (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for October 05, 2007
Comments(1 total) Post a Comment
[dele…
... Họ tưởng tôi có cái mà họ tưởng là họ thiếu
Thursday October 4, 2007 - 02:53pm (PDT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home