Lại Ði Tìm Người Yêu
Entry for October 03, 2007
Lại Ði Tìm Người Yêu
(Hay Lòng Son Có Mõi?)
1. Có một thời thành phố nở rộ lên những chương trình được gọi là “live show”. Nhiều người thề độc là chính tai họ nghe một cô NSƯT đã thỏ thẻ với khán giả rằng mời quy vị khán giả thương yêu tuần sau đến Nhà Hát XX thưởng thức “li-dờ-sô” của em. Một chàng NSƯT khác, cứ nổi tính “trẻ con” (hay “ông già” ưa xắc mắc) của mình, ngồi hoá trang cho mình chuẩn bị thành một người khác, bỗng tự hỏi:
- Ủa, như tụi mình vẫn diễn hằng đêm mấy mươi năm nay chẳng phải là “live show” hay sao?.
2. Bây giờ tôi đã ở cách xa chốn ấy biết bao nhiêu. Nhưng tin tức về cái sinh hoạt mà mình gắn với nó “hơn nửa đời hư” lại gần gụi hơn bao giờ. Vô mạng đọc “Giải trí cuối tuần” thấy một vở cải lương mình có tham gia viết, dựng, thấy nhói tim một cái; nhìn tấm ảnh các bạn trẻ đang đóng vai bọn trẻ bụi đời có Ngọc Trinh đang tung tăng với vai con bé mù tên Xàng, lại nhói tim cái nữa. Từ hôm có liên hoan xã hội hóa tới giờ, bao nhiêu cái nhói tim. Bỗng nhớ câu tự hỏi năm nào của Thành Lộc: “Chẳng phải tụi mình vẫn là .. hay sao”.
3. Chẳng phải là Sân khấu Xã Hội Hóa hay sao? Những ngày theo chị Kim Cương đi tới nhiều nhà máy, xí nghiệp bán từng cái vé cho cái vở mà Ðoàn Khoa dựng, tôi chuyển từ một vở kịch Mỹ. Bao nhiêu người xin chữ ký, đòi chụp hình chung nhưng lúc mua vé thì (!).Chị Kim nói, em thấy chưa, lãnh đạo thành phố nói, rán giữ đoàn đi em, đoàn giữ khuynh hướng kịch Miền Nam tốt quá; mấy người bạn cũ ở Hải Ngoại về cũng nói y như vậy, nhưng rồi chẳng ai cho cắc nào để mình làm. Chị lớn tuổi rồi, không chịu đựng nổi sự thương tổn, thôi để chị rút lui. Vậy là đoàn rã.
4. Chẳng phải là Sân khấu Xã Hội Hóa hay sao? Những năm 1985, đúng ngày báo chí Việt Nam, Câu Lạc Bộ Ðạo Diển Trẻ của chúng tôi (mà có được phải nói công đầu do đạo diễn Hải Ðệ, tác giả Trương Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bạch, Bùi Kinh Lăng, sau đó là các tác giả Việt Thường, Kiên Giang (*1) và nhiều anh chị em nữa) ra mắt vở “Dư Luận Quần Chúng”. Phòng diễn là tầng ba của 5B. Võ Văn Tần, ghế khán giả còn mượn của cơ quan. Chúng tôi cũng mang vé tới từng nhà máy, cơ quan nhờ mua vé giùm. 10 xuất đầu khi ra rạp lớn, phải nhờ tới tên tuổi lớn của hai chị Bạch Tuyết và Hồng Nga. Nhớ xuất diễn ở rạp Quốc Thanh, tôi diễn vai con nhỏ nuôi gà bị người lớn vu oan, vừa bươc ra bị khán giả xóm Mã Lạng thấy lạ hoắc đuổi vô, chị Hồng Nga bước ra tiền trường nói, ai coi thì ở lại coi, còn không thích cứ thoãi mái đi về, giữ trật tự cho người khác thưởng thức; vậy mà họ im coi tiếp và sau đó thấy có người ngồi khóc. Và làm sao quên được những ngày lưu diễn miệt Thất Sơn, Sóc Trăng, Cà Mau. Khi cả nhóm rời khu chợ Cà Mau, có mấy anh nông dân chận lại hỏi sao diễn có hai đêm vậy? Bộ coi thường tụi nầy không biết thưởng thức kịch nói hay sao?.
5. Chẳng phải là Sân khấu Xã Hội Hóa hay sao? Cũng ngày báo chí cùng năm đó, Thanh Bạch, Xuân Hương vừa học tạp kỷ ở Nga về, rũ rê lập nhóm, kéo thêm Tất My Loan, Bích Thủy, Minh Phượng, Quang Minh rồi tới “đặt vấn đề” với Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ bấy giờ là chị Kim Hạnh. Vậy là nhóm “ Tuổi Trẻ Cười Sống” ra đời. Xuất đầu có doanh thu diễn trong căn phòng của giám đốc một xí nghiệp cho vài chục công nhân viên coi, về sau có lúc ra sân vận động Long An có sức chứa 10.000 khán giả. Ấn tượng nhất là một lần Ðại Hội Ðoàn Toàn Quốc tổ chức ở sân vận động Phan Ðình Phùng, nhà văn Nguyễn Ðông Thức (manager của chúng tôi) rũ tham gia giúp vui đúng 5 phút. Xuân Hương diễn vai Trưởng Phòng Tổ Chức ra cắm bản “Cần người”. Những người đi xin việc là Thủy, Phượng, Minh và tôi đều có chuyên môn xuất sắc nhưng bị nhận định là Lý lịch quá tồi vì không là Ðoàn viên (người đợi hơn hai năm nên đã chán ngán, người thì lỡ có ông cố ngoại của người hàng xóm của cháu mình có đạo (Dừa), người xin ra khỏi Ðoàn vì ngán họpà). Rốt cuộc, chàng đoàn viên Thanh Bạch không có chuyên môn nhưng nhờ sở trường phát biểu đấu đá và rãnh rỗi mà trở thành Tổ trưởng của chúng tôi. Công việc đầu tiên của chàng là gom tổ viên lại cho đi họp. Sau đó chúng tôi phải mang cô cựu Ðoàn viên sợ Họp đi cấp cứu. (* 2)
6. Chẳng phải là Sân khấu Xã Hội Hóa hay sao? Nhóm Hoa Hạ, Bảo Anh, Linh Trung hùn tiền nhau cùng với Nhà Hát Trần Hữu Trang lập nhóm “ Câu Lạc Bộ Ba Thế Hệ”. Trong lúc có sao đi tỉnh lãnh 15 triệu một đêm (đó cũng là Xã Hội Hóa mà) thì đào nhất Phương Hồng Thủy lãnh có 200.000 đồng một đêm, và cũng cùng đi bán vé với chúng tôi. Ở một cái rạp mà đã có máu đổ, người chết vì vé chợ đen mà Hoa Hạ đã có “chiêu” truy tìm để diệt căn được tệ nạn này bằng cách đánh dấu lên những chiếc vé hạng mắc tiền. Rồi có vở đang ăn khách, có giấy phép rồi lại bị rút giấy phép trong lúc cũng vở đó, tác giả đó, diễn viên đó đài Cần Thơ làm thì được phát hành toàn quốc. Tôi không tham gia vở này nhưng cũng lên tiếng trong một bài báo và gặp rắc rối mãi đến giờ vì bài báo ấy. “Lòng son cũng mõi”, Câu Lạc Bộ lại rã.(* 3)
7. Chẳng phải là Sân khấu Xã Hội Hóa hay sao? Những nhóm cải lương cấp quận thậm chí cấp phường thời những năm 70, 80; những nhóm hát bội ngoài trung lấy vườn nhà làm sân khấu. Còn nhiều “kiện tướng” của cái gọi là Sân khấu Xã Hội Hóa lắm mà nếu kể chuyện vui buồn Sân khấu Xã Hội Hóa có lẽ dài đến mấy ngàn trang. Có những nhóm chỉ như một gánh sơn đông mãi võ (“Tuổi trẻ cười sống” nhái theo mô hình này). Có những nhóm sớm nở tối tàn, có những nhóm mà tác phẩm của họ được nhắc tới trong những đợt tổng kết nhiệm kỳ năm năm, mười năm của Sân khấu toàn quốc.(* 4)
8. Trong những bài báo chung quanh đợt Sân khấu Xã Hội Hóa này, những bó hoa đưa trể đêm khai mạc, buổi hội thảo “ế ẩm” của Trung Dân; một trong những bài đọng lại trong tôi nói lên ý tưởng “Xã Hội Hóa chủ yếu ở cái đầu”. Mỗi người có những trải nghiệm riêng để “dịch” năm chữ Sân khấu Xã Hội Hóa theo cách làm và nghĩ của mình. Riêng cá nhân tôi, người may mắn có hai vở được chọn vào liên hoan đợt này, không khỏi liên tưởng đến những “kiện tướng Sân khấu Xã Hội Hóa” đã có những giai đoạn đồng hành cùng tôi, những ngày này không có mặt như Hoa Hạ, Xuân Hương, Quang Minh, Tất My Loan, Mai Văn Thịnh. Nhớ cả những ngày còn theo học đạo diễn, khi nhà thơ Diễm Châu chất vấn tôi: “Kinh tế được cho năm thành phần nhưng văn hoá văn nghệ chỉ một thành phần thì làm sao sáng tác đồng bộ được?”. Nhớ cả tinh thần “Người tự nhận chức” của rất nhiều anh em. Trong vở kịch đó của cô gái Bến Tre (nay viết film ký Châu Thổ), chờ đám có chức đợi công văn giấy tờ xuống huyện thì rầy nâu đã xơi hết lúa, chàng kỷ sư đành nhào ra nhận đại một chức có thể giúp mình đi diệt rầy cho lúa sống cái đã rồi về nhận kỷ luật về tội “tiếm quyền” sau.
9. Xem lại những vở kịch ở miền Bắc bị cấm vì nhạy cảm trong một giai đoạn nào đó như “Con nai đen”, “Nguyễn Trãi ở Ðông Quan” của Nguyễn Ðình Thi, đạo diễn Ðình Nghi, “Hình và Bóng” của Hoàng Yến - Thùy Linh, “Bạch Ðàn Liễu” của Xuân Trình, đạo diễn Ðình Quang đều lọt vào các đoàn quốc doanh. Còn các vở có vấn đề của sân khấu miền Nam đều lọt vào tay các đoàn thuộc khối Sân khấu Xã Hội Hóa như “Bí mật vườn Lệ Chi” của Huỳnh Hữu Ðản, Thành Lộc đạo diễn; “Tuyệt Tình Ca” của Hoa Phượng - Ngọc Ðiệp, Hoa Hạ đạo diễn (vở bị tố tác giả Ngọc Ðiệp có quá khứ làm mật vụ trong lúc nguồn tin đáng tin cậy cho biết, để vở lọt lưới kiểm duyệt thời đó, phải gắn tên Ngọc Ðiệp vào, mà ở chỗ của mình ông này chỉ giúp anh em chớ chưa hại đồng nghiệp bao giờ)
Cái gì khiến những người nghệ sĩ đó lao vào con đường kỳ khu gian khổ có thể bị mất rất nhiều mà trong đó cái mất trầm trọng nhất là mất lòng tin vào những quan chức nghệ thuật luôn tạo khó khăn để chứng tỏ uy quyền và che lấp sự đớn hèn đưa đến việc hủy hoại tài năng của chính họ. Một cách nào đó, chúng tôi là nạn nhân một thời của những người muốn độc quyền làm sân khấu, độc quyền Thể Nghiệm Nghệ Thuật lẫn độc quyền yêu nước. Và khi có thể thì họ “dùng bàn tay mặt xóa đi việc làm của bàn tay trái” (* 5) ngay.
Với tôi thì dù làm với Sân khấu quốc doanh hay Sân khấu Xã Hội Hóa, khi muốn làm tử tế , chúng tôi đều có niềm vui chung khi gặp được tri âm trong khán giả và gánh chịu những nỗi cực nhục với loại quan chức vừa kể, ngang ngửa nhau.
10. Làm sao tôi quên được tiếng chửi thề không kìm được khi đang cầm micro khiến cô đạo diễn bạn tôi được tặng thêm biệt danh”Người Ðàn Bà Ðức Hạnh”(* 6). Làm sao tôi quên được sau khi tôi xin được đưa một vở Cải lương đi dự Liên Hoan Thể Nghiệm trong nước, câu trả lời là Nhà nước hết tiền rồi, tôi ngây thơ hỏi tiếp nếu tôi tự xin nguồn tiền từ nước ngoài thì có được cho phép dự không, câu trả lời là hãy viết đơn đi. Tôi đã ngồi vừa viết vừa khóc vì nhục vì thấy tại sao mình phải xin phép làm cái nghề mà mình đã được đào tạo. Cuối cùng tôi không gửi lá đơn đó vì tôi biết nếu gửi đi, chắc chắn tờ đơn ấy sẽ nằm trong giỏ rác như lá đơn của nhân vật chính (do Anthony Quinn đóng) trong cuốn film chuyển từ truyện “Giờ thứ Hai Mươi Lăm” của C.Virgil Gheorghiu. Sau và sắp đi dự các liên hoan ở nước ngoài, vở này vẫn khó khăn khi xin được diễn trong nước.(* 7)
Ở cả hai loại Sân khấu nhà nước lẫn tư nhân, đã từng xóa tên mình dưới vài kịch bản, đã từng lãnh những đồng tiền như nhận của bố thí (* 8), tôi đã cố quen để thấy những chuyện này cũng thường thôi. Tuy vậy, những chuyện buồn, hậu quả của sự ác này, như những cây đinh khi nhổ ra rồi nhưng dấu đinh không sao xóa được. Tôi giữ thăng bằng cho tâm hồn mình khi nhìn lửa yêu nghề vẫn còn âm ỉ cháy ở quê nhà trong những Thành Lộc, Hoa Hạ, Huỳnh Anh Tuấn, Công Ninh, Ái Như, Trần Ngọc Giàu, Hồng Vân, Phước Sang, Hữu Quốc, Hoàng Song Việt, Xuân Hương, Ðức Thịnh, Vũ Minh, Lan Hương, Hoàng Dũng, Trung Hiếu, Ðăng Nhân, Mai Văn Thịnh, Trung Dân, nhóm Tao Ðàn mới Phương-Nga-Hùng và còn rất nhiều bạn trẻ khác.
Với những người làm Sân khấu không có chức quyền thì tiền và cả tiếng khá cần nhưng không phải là chuyện hàng đầu. Khi đưa tác phẩm ra thành hàng hóa, những người chủ đầu tư cần có đồng vốn xoay vòng để tái sản xuất mà thôi. Không chỉ tái sản xuất mà còn có khát vọng muốn đầu tư cho một thế giới tinh thần trong tương lai, có người hiên ngang rút tên ứng cử vào Ban Chấp hành Hội Sân khấu như Tuấn và Lộc để có giờ rãnh mơ mộng làm choàng những việc mà lẽ ra Sân khấu của nhà nước phải làm. Làm sao tôi quên được nụ cười hạnh phúc của Tuấn khi kể về ý muốn tạo thói quen tới rạp của trẻ ở ngoại thành và các tỉnh xa xôi bằng cách lấy tiền của trẻ giàu trong thành phố bù vào kế hoạch nhân bản các vở thiếu nhi và bù lỗ để bọn trẻ nghèo có những ký ức đẹp đẻ về sân khấu và giải quyết luôn việc làm cho nhiều diễn viên tốt nghiệp từ các trường nghệ thuật đổ về. (* 9)
Theo tôi, khi bỏ vốn tiền, vốn nghề, vốn tiếng tăm vào lãnh vực hiểm nguy này- có lần tôi đã so sánh với kẻ đi xiếc trên dây mà không hề có lưới an toàn (* 10) - anh chị em nghệ sĩ Sân khấu chúng tôi nghĩ đơn giản thôi:
“Chúng tôi muốn được làm nghề!”.
Xa hơn một chút, cái nghề này giúp chúng tôi tiếp cận được những tri âm của mình, trong khán giả.
(Tháng 10-2006)
Tags: theater Edit Tags
Wednesday October 3, 2007 - 09:33pm (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for October 04, 2007
Comments(5 total) Post a Comment
8Fieu
Offline
Bai nay viet nam ngoai, nhan lien hoan San Khau Xa Hoi HoaGui dang bao trong mien Nam, khg dang duocnua nam sau, gui ra ngoai Bac, da dang o to Ng Dai Bieu Nhan Dancu moi so (*) co boi mau do di kem, co the viet mot entry rieng
Wednesday October 3, 2007 - 09:37pm (ICT) Remove Comment
loichoi
Offline IM
Viet Nam la de tai muon thuo, ma khong giay muc nao co the ta cho xiet."Song co the can, nui co the mon. Song, van de noi tren cung khong bao gio thay doi."
Wednesday October 3, 2007 - 10:54pm (ICT) Remove Comment
Chuột…
Offline
Dễ hiểu nghệ sĩ VN bây giờ ai đã một lần ra nước ngoài biểu diễn y như rằng khi trở về lại VN thì "tư tưởng bắt đầu có vấn đề", khi hàng ngày bị ép mình vào khuôn khổ đầy hạn hẹp được định sẳn của chỉ "một nhóm người", và dần dần nhiều người dù muốn tiếp tục sống & cống hiến tài năng nghệ thuật của mình trên quê hương cũng đành phải dứt áo lần lượt ra đi khi có điều kiện!
Wednesday October 3, 2007 - 11:18am (CDT) Remove Comment
May♥N
Offline
Chuyện trong nghề của chị nhiều thứ phức tạp quá. Và rất tế nhị nữa. Nhưng em thấy chị quyết định ghi lại hết cũng hay. Đó sẽ thành một loại tư liệu quý.
Wednesday October 3, 2007 - 06:50pm (CEST) Remove Comment
duyth…
Offline
thấm thía quá bao nỗi đau nghề .
Saturday October 20, 2007 - 05:14pm (ICT) Remove Comment
Labels: Lại Ði Tìm Người Yêu
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home