Sunday, July 12, 2009

“Lặng Lẽ Ðoàn Bá

Entry for November 03, 2007
Bài “Lặng Lẽ Ðoàn Bá” hay “Hột nút áo “của” thầy Ðoàn Bá” nầy tôi viết đâu cũng cách đây tám, chín năm, do sự hối thúc của Huỳnh Thanh Diệu và anh Quốc Kế.
Thầy Bá có hai con trai, ba con gái thì có một cô lại là học trò của tôi. Nó nói cô giống ba em, ở bên đây mà cứ tơ tưởng về Việt Nam, trong khi đã ra đi rồi, có dễ dàng trở về làm nghề nữa đâu, khó đủ trăm bề.
Trước khi sang đây, tôi cố làm được hai chương trình cho cô Tường Trân là cô giáo dạy đạo diễn của tôi đã mất và một người thầy đã về hưu là thầy Ðoàn Bá. Nhân đó mà xúi thầy ghi lại một tập khá dầy, gần như là Hồi Ký. Thấy hay quá, tôi ghi thành bài báo, có gởi một chỗ khá quen nhưng không được đăng.
Trong bài “Tranh Tứ Bình” nầy, đứa nhỏ năm tuổi chèo ghe trên dòng sông đầy xac chết là tôi lượm ra từ đó.
- Vào năm (T-23) có đứa nhỏ năm tuổi chèo chiêc ghe đi vô cứ tìm cha sau khi mẹ đà chết cháy. Ðêm trăng tròn vành vạch sáng trắng tái màu môn luộc cho thấy những xác chết ngược dòng, đờn ông trôi xấp, đờn bà trôi ngữa, có cả người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng như má nó dường như nằm bất động muốn mỉm cười với nó. Chẳng hiểu sao nó không thấy sợ họ mà chỉ sợ không gặp được cha. Nếu chỉ có vài ba xác thì nó có thể xón đái trên sàn thuyền như vẫn sợ những thằng chỏng chết trôi; đằng này xác người lềnh khênh dày nghẹt cả khúc quành của dòng sông tới độ gần như dòng sông không còn nước để có thể đẩy họ trôi ra biển lớn. Phải chi nó chạy trên bờ chắc đã gặp được gặp cha từ đời tám hoánh. Thằng nhỏ đã nậy mái chèo qua từng cái xác một cách tuyệt vọng. Nó chỉ có một nguồn an ủi duy nhất là không có má nó trong những cái xác nằm ngửa ngực vì bà chết cháy rồi còn đâu. Suốt đoạn sông nghẹt xác (mà sau nầy, khi đã là một đạo diễn tài danh bầm dập, đứng giữa mớ kẹt xe nghẹt người sống nó luôn liên tưởng) thằng nhỏ luôn than thầm cha ơi cha, cha ở đâu làm ơn làm phước lên tiếng cho con an lòng là không có cha trong những cái xác úp mặt (không thể) trôi sông kia.
http://toichoitutoi.blogspot.com/2007/10/tranh-t-bnh.html
Cũng nghĩ đến thầy mà tôi soạn bài “Ngụy Tín” nầy. Khi giảng về “cậu Vania” của Chekhov, thầy nói ở đời có hai loại người: loại chuyên làm làm mọi như cậu Vania, sau phát súng nổi loạn thất bại, lại tiếp tục làm mọi nữa; còn loại thứ hai chuyên hưởng thụ thành quả của loại một làm ra, như anh Giáo Sư Tiến Sĩ trong vở kịch cùng tên, chuyên nói những điều mà người thông minh biết hết cả rồi, còn bọn ngu dốt không thèm quan tâm đến.
http://toichoitutoi.blogspot.com/2007/10/ngy-tn.html
Lặng Lẽ Ðoàn Bá
Một buổi đi diễn sớm, leo lên phòng máy, xem một khúc trong vở “Khúc Nguyệt Cầm”, tôi như được gặp lại một người thân thất lạc đã lâu, nhất là khi hạt nút áo trên người anh thợ đàn (do Thành Lộc đóng) rớt ra, tôi nói với đạo diễn Hùng Lâm đang ngồi bên cạnh: “Chi tiết này đã được thầy Ðoàn Bá ôm theo người đâu khoảng ba mươi năm, mừng cho thầy đã gặp được những tri âm như Thành Lộc”.
Ðó là đoạn Hai Giỏi vừa lầm thầm một mình vừa tom góp đồ đạc vào chiếc gương con trước khi rời khỏi nơi trú ngụ, đi mà không biết sẽ về đâu, chỉ với bạn đồng hành là chiếc rương con gói trọn cả đời người. Nút rớt, tìm kim khâu lại, tay ông mằn mò tìm kim trên vách, rất bất ngờ, kim chạm tay ông bật máu. Cũng là một diễn viên, tôi dư biết trong tay Thành Lộc không có cây kim nào hết, nhưng chẳng hiểu sao, ở nơi tận cùng của khán phòng đó, tôi nghe mũi kim nhọn đâm vào tay mình nhỏ máu, nhói đau. Một thời gian dài, đã có khá nhiều ngộ nhận tung ra với âm mưu cắt lìa hai con người đó: Ðoàn Bá & Thành Lộc. Cũng may mà..
Ðầu những năm 80, tôi học xong đạo diễn, long đong chưa có việc làm, đi bán vé số dạo một thời gian. Rốt, đạo diễn Tường Trân gọi tôi về trường, phân công làm phụ giảng cho thầy Ðoàn Bá. Lúc đó thầy đang dạy môn Kỷ thuật Biểu diễn cho lớp Diễn viên khóa Hai. Trước đó, cô Trân đã mời thầy cũng như mời tất cả những đạo diễn khác, đã được đào tạo ở nước ngoài, đến nói chuyện một số buổi cho lớp Ðạo diễn chúng tôi. Hải Ðệ và tôi là hai đứa thường “níu” thầy những lúc bí nghề. Còn nhớ nhà thầy có một tủ đá bán cà-rem mà thầy vẫn gọi là “lương tâm của thầy” bởi, nhờ nó thầy yên tâm làm nghệ thuật, không phải bẻ quẹo tay nghề để thỏa hiệp, kiếm sống, nuôi con.
Những buổi dạy của thầy Ðoàn Bá thường có học viên của các lớp khác xin vào học ké. Thầy là một trong những đạo diễn đầu tiên tập cho khán giả thành phố chọn vở xem không chỉ vì lòng tin vào những ngôi sao mà còn vì tên của người đạo diễn. Học sinh của thầy thường lớn lên không những do tay nghề được đào luyện, nâng cao bằng một phương pháp sư phạm đặc biệt mà còn từ một thái độ sống nghệ sĩ, không chìu lòn, thỏa hiệp, từ những mẫu chuyện kể, những câu nói tưởng như vu vơ của thầy.
Khoảng năm 1980, sau mấy tháng tập dượt, lớp Diễn viên khóa Hai chuẩn bị chạy đường dây vở “Câu chuyện Iếc-kút” của A.Arbuzov. Nguyên buổi sáng, các bạn ấy mệt nhoài vì đã đi đóng thêm cho vài bài tập của các anh chị học viên Ðạo diễn. Thầy và tôi hôm ấy được ngồi xem một vở diễn với lời lẽ, động tác, đường đi nước bước đều không sai nhưng không thể nào hay được. Xem xong, thầy đứng dậy, buông một câu:
- “Chào những nghệ sĩ tương lai… nhưng không có tâm hồn”.
Rồi thầy bỏ ra về.
Hột nút rơi trong “Khúc Nguyệt Cầm” chính là hột nút mà tôi đã được nghe thầy kể tại lớp nầy, lúc giảng về chi tiết. Người thầy của thầy, nghệ sĩ nhân dân A.A. Popov đã khai thác khi đóng vai nhà văn Tourgeniev trong hình huống phải từ giả Sarah Bernard, cô đào hát lừng danh của Pháp quốc để trở về với người vợ đang mỏi mắt chờ đợi ớ nước Nga xa xăm.
Hột nút lăn, như nỗi đơn lẻ của ông trong cõi đời vô định. Ông tìm cách dấu lấp đi. Người nữ diễn viên lừng danh kia cũng vội vã “diễn” như mình không hề thấy để tôn trọng nỗi cô đơn của người đàn ông mà số phận đã không cho phép được trở thành người bạn đời của mình.
Hữu Châu khoe với tôi là mỗi buổi tập vở “Khúc nguyệt cầm” với thầy Ðoàn Bá là mỗi bài tập về kỷ thuật biểu diễn ngày xưa được cậu tự ôn. Vở xong, cậu cũng viết xong một bài viết tạm gọi là để nhớ ơn thầy. Và cậu dự định để gần tới ngày 20 tháng 11 mới gởi đăng một tờ báo nào đó, coi như hoa cho một người thầy, không chỉ truyền nghề mà còn truyền cả tâm hồn, thái độ sống.
Có một điều mà những học trò của thầy đều không thể phủ nhận được là chất nghệ sĩ của thầy. Thời gian bi kịch lớn nhất của thầy có lẽ là hơn hai mươi năm phải gánh trọng trách quản lý một nhà hát mà sức lực trút vào đó, luôn như trút vào một thùng không đáy. Ðó cũng là một bài học cho chúng tôi. Là một đạo diễn, lại là một đạo diễn giỏi, đắng cay bao giờ cũng gấp bội bả vinh quang. Vở càng thành công, càng dễ mất bạn, nhất là loại bạn cộng sự mật thiết tay mặt, tay trái tâm phúc với mình. Ðó cũng là một bài học lớn khác, chúng tôi đã được học từ chính cuộc đời thầy.
Vào những năm đầu chín mươi, tôi đã may mắn được chứng kiến những giây hạnh phúc của thầy, lúc thầy đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang thanh thản trong thời gian bị tạm ngưng chức, bởi chính những người đồng đội cũ đã từng đồng cam cộng khổ và chịu ơn thầy, loại ơn mà có thể chuyển thành oán rất nhanh trong lĩnh vực phù hoa, coi triều là nước này.
Những năm thầy còn ở căn nhà cũ tại đường An Dương Vương, đi ngang thấy tủ kem “lương tâm” như thầy gọi, vẫn còn. Bây giờ thầy đã về hưu, đã về mướn một căn nhà ở Phú Lâm heo hút, đã có lúc phải mua một chiếc vé vào một công viên, đợi giờ có người cùng về mới dám trở lại nơi tạm trú đó. Nhưng chúng tôi, những người đã được học qua thầy, rất mừng vì chính thời gian này thầy được trở lại làm nghề mà không hề bị mất đi phong độ của thời sung sức nhất.
Ở một thời điểm đã bị ô nhiểm nhiều không khí làm nghề như hiện tại, chúng tôi không còn dám nói thẳng với nhau những lời khen, tiếng chê vì đã chán ngán những rắc rối sau đó cứ phủ chụp xuống mình một cách vô tội vạ, rất vui vì vẫn còn có những người đi trước, cao hơn chúng tôi một cái đầu, còn tiếp tục trãi lòng tặng cho chúng tôi những bài học trực tiếp và gián tiếp như thầy. Với chúng tôi, đâu phải chỉ ngày 20 tháng 11, NSƯT Ðoàn Bá vẫn luôn là thầy của chúng tôi; vẫn luôn là tấm gương về một cung cách làm việc hiệu quả, miệt mài, rút ruột cho tới những sợi tơ cuối cùng để tặng đời, mặc những ngộ nhận sát nhân úp chụp xuống như một tất yếu phải có trong dòng nhân sinh thất cách, rất đổi phù du này.
Tags: doanba Edit Tags
Saturday November 3, 2007 - 10:53am (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for November 05, 2007
Comments(1 total) Post a Comment

sonata
Offline IM
Khả năng truyền cảm của nghệ sĩ kịch thật là kinh hòang, tôi cũng từng bị Thành Lộc mê hoặc khi xem Dạ cổ hòai lang. Sau đấy tôi không dám xem anh ta diễn những vở con nít trên TV nữa. Phí mất ấn tượng.
Monday November 5, 2007 - 07:27am (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home