Ðường trường
Entry for November 02, 2007
Có bao giờ bạn bịa ra một câu chuyện để viết , rồi cuộc sống đẩy đưa, bạn rơi vào đúng tình huống mà bạn đã bịa ra?.
Nhiều người nói là những chuyện văn chương chữ nghĩa, và bày tích diễn trò nầy, nó lậm vào người, vận vào mệnh.
Bởi vậy khi được tặng cuốn Ký Sự Người Ðàn Bà Bị Chồng Bỏ, nghe kể nhiều người bạn của tôi hốt hoảng kêu lên: “Ua, mới lấy được chồng đây mà, bỏ rồi sao?”
Cho tới giờ nầy, tôi chưa hề bị chồng bỏ.
Có chăng cô em gái của tôi đã bị. Nhưng một thời gian dài, ông chồng cũ và nó khi gặp bạn bè và cả tôi vẫn diễn như không hề có chuyện bốn năm nay cậu em rễ của tôi đã sống cùng người khác. Khi đọc tin trên một bài báo nói bóng gío về chuyện nó bị chồng bỏ, nó còn trách tôi sao cứ đem chuyện buồn của nó cho báo chí biết làm gì. Xa quê nhiều năm, nó không biết rằng trình độ sáng tác của phóng viên ta ngày càng lên tay nghề. Chuyện không còn thành có huống chi chuyện buồn của nó chỉ che phần nào thôi mắt thế gian, khi đã từng là người của công chúng.
Tôi cũng bị lọt vào một tình huống khá trớ trêu khi viết truyện “Ðường Trường” nầy.
Từ mẫu nhân vật chánh là hiệu trưởng một trường cai nghiện ở phần Hai, tôi vẽ ra thêm phần Một như lời kể của một nghệ sĩ vướng nghiện. Phần Ba là lời của cô người yêu, trước cũng diễn viên, sau chia tay nhau, cô trở thành đạo diễn.
Trời xui đất khiến thế nào mà viết xong rồi, nhân tìm diễn viên cho vở “Người Ðàn Bà Ðức Hạnh” nầy, tôi lọt vô một tình hưống có thể nói là y chang .
Vừa rồi, nhân “cố nhân” có được lên báo, đọc trong bản sơ kết cuộc đời tình ái của “chàng” không thấy có nhắc đến tên mình, mà có khá nhiều “nàng” khác.
Tất cả những chuyện nầy, mỗi lần gặp nhau tôi thường được nghe “cố nhân” kể còn nhiều hơn thế nữa.
Cho tới giờ nầy, tôi chưa dùng những mẫu chuyện riêng đó vào bất cứ tác phẩm nào dù “chàng” đã cho phép khi còn là “bạn để ngồi” của nhau.
Nhớ lời phán của bà thầy H.H.: “Trời ơi, nếu coi sớm rồi hai người mới ráp, tôi đã cản từ đầu, vì quẻ lên thấy khi chia tay, giữa hai người phải nói là CẠN tình”
Nguyên nhân khiến tôi phải .. chạy, vì như đã nói hôm trước, dù “cố nhân” đã đưa má từ ngoài quê vào ghé gặp má tôi , nhưng thầy coi tử vi phán nếu hai người nầy kết hôn, nhà sẽ có đại tang. Ba tôi mất rồi, má lại bệnh yếu, lẽ nào tôi dám cãi số.
Còn cuộc hôn nhân hiện tại, lần đầu của tôi, nhưng là thứ ba của ông xã tôi, mong đang là trúng số. Thầy lần nầy phán hậu vận hai người sẽ khá. Chúng tôi về với nhau khi cả hai đều trắng tay. Thỉnh thoảng chúng tôi có mua vé số. Nhưng chồng tôi không tin là sẽ trúng. Vì anh cho là một đời chỉ trúng được lô độc đắc một lần.
Ðường trường
Một
Tôi là một diễn viên nổi tiếng. Nói đúng hơn là tôi đã từng nổi tiếng. Bây giờ tên tôi không còn đứng đầu trên bảng xếp lương. Bây giờ phụ nữ không còn chen chúc ào ạt đứng chờ coi mặt và xin chữ ký của tôi sau đêm diễn. Nhưng dù như thế nào tôi cũng đã từng nổi tiếng. Khi Ngà đề nghị tôi vào Trung Tâm Cai nghiện của ông Năm Vĩnh, tôi phải quát lên: “Em có điên không?”.
Tội nghiệp Ngà. Cô ấy yêu tôi hồi tôi chưa là gì cả. Nhưng vì nhan sắc cô không nổi trội như những cô gái khác đang đeo đuổi tôi nên mãi đến bây giờ, khi tôi vướng vào cơn say ma quái này, dứt đi mọi hệ lụy khác, tôi mới ngó lại Thúy Ngà. Hiện tại, Ngà là chỗ dựa tinh thần lớn của tôi. Cô ấy luôn miệng nói: “Lúc này anh diễn hay hơn!”. Có lẽ cô ấy công bằng khi nói vậy. Hồi ấy, trên đỉnh vinh quang, tôi diễn sôi động mà nông nổi hơn. Bây giờ thì tôi vừa diễn vừa quý trọng chắt chiu những tán thưởng, đồng cảm hiếm hoi mà khán giả vẫn còn dành cho tôi. Ngà nói, em chỉ sợ những lúc mở màn mà anh chưa tới, cả đoàn lên tim thót ruột. Em thì tìm đủ mọi cách để biện bạch cho anh. rằng đâu phải anh điều khiển anh đâu, mà là một con ma quái ác đang cong vòi trói tay chân anh lại.
Kinh nghiệm cai nghiện thì Ngà không thiếu. Khi còn là học viên trường Sân Khấu, cô ấy thường lui tới chỗ cai nghiện, lúc đó còn gọi là trường, để tập kịch cho trại viên. Kịch bản thường do ông Năm Vĩnh, Hiệu trưởng trường, thân chinh ngồi viết. Ðó là chưa kể ba đời nhà Ngà, ông ngoại, ba và anh Hai nếu không vướng vào thuốc phiện thì cũng cocain. Trong giới giang hồ, có lẽ hiện đã có ít nhiều người biết đến chuyện tôi: Nghệ sĩ Hoàng Nam một thời nổi tiếng đang chơi xì-ke. Nhưng dù sao thì dấu được ai tôi vẫn dấu. Tôi dấu cả nhà, nhất là mẹ tôi. Ngà cũng không dám cho gia đình cô ấy hay rằng cậu con rể tương lai, là tôi, đang vướng xì-ke. Ngà âm thầm và quyết liệt giúp tôi chữa trị. Trăm phương ngàn cách được đưa ra xử dụng nhưng tất cả đều thua. Không phải tại Ngà mà tại ý chí tôi tồi tệ quá.
Ngà đề nghị: Hay mình cứ cưới nhau quách đi, có vợ, có con anh sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn mà cai được. Tôi biết, đám cưới với ngươì mình yêu, là ước mơ dung dị nhất của cô gái tài hoa này. Và lòng tự trọng cao khiến cô chưa bao giờ đề nghị cưới nhau với một ai, cũng như cô đã lắc đầu trước nhiều lời cầu hôn của những người đàn ông mà cô chưa hề xúc động. Phần tôi, không vì thế mà chụp ngay. Tôi cũng có chút đỉnh tự trọng là một thứ mà tôi hơi thiếu khi còn được đôn lên cao bởi những danh vọng phù phiếm cùng bạc tiền và sự ái mộ của những cô gái đẹp . Tôi nói thật lòng, ngày nào còn vướng ma túy, đời tôi kể bỏ, ghép vào ai cũng chỉ làm nặng gánh thêm cho người khác mà thôi. Hãy để cái đám cưới cuối đời lơ lửng đó là cái đích cho tôi bước tới để dứt bỏ được những cơn ghiền.
Có nhiều lúc thương Ngà quá, tôi la hét xua đuổi Ngà để cô ấy dứt được món nợ phải hầu hạ, chăm chút cho con bệnh là tôi. Thậm chí tôi còn giả vờ đóng kịch, ôm ấp người khác để cô ấy chán tôi mà cắt đứt hệ lụy này. Khổ một điều, mẫu tính của Bích Ngà lớn quá, dường như cô ấy đã lỡ coi tôi như một đứa con cầu tự, nên dầu tôi cứ quậy phá, tai ác thế nào đi nữa, cô ấy vẫn không thể nào cắt lìa được đứa trẻ quá sức cá biệt này.
Một đêm diễn khá quan trọng. Cơn say ma ập tới. Tôi xóa hết mọi thứ trong bộ nhớ để chỉ lao đến nàng tiên nâu. Ðiện thoại gọi tới, tôi bỏ ra. Khi tìm ra tôi đang dúm dó trong một xó với cô gái mang thuốc tới mà tôi vừa nhờ tiêm, thuốc, anh phó đoàn phụ trách ngoại vụ nói: “Hoàng Nam, anh tiêu rồi! Chúng tôi đã kiếm được người thay!”. Tôi biết vậy là xong, sự nghiệp đã tan tành. Và tôi chấp nhận.
Có một điều tôi lầm. Tôi ngỡ Ngà bỏ tôi luôn. Nhưng đúng là như người mẹ không thể bỏ con dù nó hư đốn đến đâu, không hề tuyệt vọng, cô ấy dành tôi lại từ tay cô gái bia ôm kia, từ cơn say ma quái nọ, vổ về tôi và dỗ dành cho một ngày mai đi tìm nguồn thuốc mới:
- Ði đến gặp ông Năm Vĩnh với em đi, ông ấy sẽ có thuốc riêng cho anh!.
Chẳng ai chữa trị được tôi khi tôi đã không muốn chữa. Tôi đã nghe nhiều người nói về ông Năm Vĩnh này như một ông tiên. Láo toét! Không hề có tiên trong cõi nhân gian này. Tôi không tin! Nhưng tất cả vì Ngà, người yêu của tôi, mẹ hiền của tôi, người bạn chí cốt luôn ở bên cạnh những lúc tôi bị tuột xuống gần đáy vực, tôi cũng sẽ thử một lần lết đến gặp người đàn ông mà khá nhiều người ca ngợi này. Tôi nói thẳng từ đầu với Ngà là tôi không tin. Suy từ mình tôi biết. Tiên và quỷ đôi khi ở trong cùng một con người. Nếu hiện nay đang là tiên thì chắc ông đã có thời gian làm quỷ. Nhưng hiện tại ông ấy và tôi đều là người. Và đã là người thì tự mình lo lấy, đường ai nấy bước. Chẳng ai giúp nổi một ai đâu.
Hai
N
ăm Vĩnh là tên bây giờ của tôi.
(.............................................................)
Chuyện đời của tôi dài lắm. Ít khi tôi kể lại cho ai nghe, kể cả những người thân. Cô Ngà làm việc với tôi thường cũng chưa nghe hết. Cô ấy tha thiết nhờ tôi giúp cậu cai xì-ke với một phương thuốc đặc biệt nào đó vì cô ấy cho rằng cậu là một người ghiền xì-ke cá biệt. Nói về tôi vậy là không chính xác. Tôi không là bác sĩ nên chẳng chữa ai bao giờ. Tôi chỉ giúp mọi người biết cách tự chữa. Có một ông thầy thuốc trong mỗi con người.
Tôi đã nghe đời cậu qua miệng kể của cô Ngà. Chẳng biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó nhưng qua cách kể tôi biết cô Ngà yêu cậu lắm. Cô ấy nói cậu thèm những bữa cơm gia đình vì cuộc đời cậu lang thang từ nhỏ. Cha chết sớm, má hoạt động cách mạng gởi con đi khắp nơi... Năng khiếu diễn kịch đã đem vinh quang tiền bạc đến cho cậu nhưng cũng chính danh ấy, tiền ấy đã phá cậu. Cô Ngà cứ nói ráng cứu anh ấy nha chú! Giữa hai ta, tôi khẳng định với cậu điều này. Chẳng ai cứu nổi cậu đâu khi trong sâu thẳm lòng cậu, dường cậu như cậu đã không tự cứu. Nghe nói ngày có người báo tin không được theo nghề nữa, cậu đã dửng dưng như chưa hề đau đớn. Nếu vậy thì cậu khác tôi xa. Ngày bị báo tin không đủ tiêu chuẩn theo ngành, tôi suýt bắn vào người. Lúc ấy tôi còn giữ súng...
(.............................)
Chuyện nghề, chuyện đời tôi thì không phải chỉ một buổi kể xong. tôi chỉ thuật lại cho cậu nghe hai lần ấn tưọng nhất trong cuộc đời làm điều tra viên của tôi. Năm ấy tôi vừa trên hai mươi một chút, mặt còn non sữa, mắt sáng, môi đỏ, ai cũng khen tôi còn tươi dù đang sống thiếu thốn đủ thứ, chật vật đói ăn. Tôi được đưa sang Nhà Bè để thẩm vấn một thanh niên. Ngày nay ngồi đây kể cho cậu nghe lại, tôi vẫn còn nhớ rõ như in khuôn mặt thất sắc của cậu ta, dường như vừa xộc đầy mũi tôi cái mùi mồ hôi của cậu ấy khi bị kéo ngược lên trần nhà. Trong hồ sơ nói cậu bị khép tội làm liên lạc với địch nhưng cậu cứ một mực kêu oan.
Lúc ấy là những năm trước 1950, trên đường đi đến đại sự, mình đã có những cái quá tay. Ðó là một thời kỳ cực kỳ khó khăn. Chính tôi, khi đánh cậu ta, tôi cứ băn khoăn, khi mình bị địch tra tấn, mình không hiểu tại sao con người lai có thể đối xử với nhau tàn bạo như vậy? Giờ mình phải lập lại hành động này với người đã từng là đồng chí của mình, nỗi khó khăn nào kể xiết? Ðể có thể mạnh tay, tôi tự lý giải, địch không là con người nữa. Còn mình có mục đích khác xa chúng, làm điều này để bảo vệ lý tưởng người bóc lột người, để có một xã hội công bằng hạnh phúc trong tương lai... Cuối cùng rồi tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Kêu oan quá cũng mỏi, cậu thanh niên ấy đành nhận hết những gì hồ sơ đã ghi. Sau này, kiểm tra lại mới biết cậu ta bị oan. Sau 1975, tôi có loáng thoáng thấy cậu ta, sống thanh thản lắm, làm việc ở Công ty Du lịch Thành phố. Biết rằng lúc ấy mọi thứ mình làm là chuyện nước non, dân tộc, nhưng trong bụng vẫn thấy làm sao ấy, chẳng thể đối mặt nhìn nhau. Tôi thèm lắm được ôm cậu ta xin lỗi, nhưng tôi không thể... Cho mãi đến bây giờ, đã non nửa thế kỷ trôi qua, mùi mồ hôi của cậu ta ngày hôm ấy vẫn theo tôi mãi. Và tôi ngờ rằng cái mùi mồ hôi ấy sẽ theo tôi đến giấc ngủ cuối cùng.
(...........................................)
Phần đời từ lúc vào trường cai nghiện chắc cậu đã nghe nhiều người kể rồi. Có cái đúng, cũng có cái họ tô vẽ hơn sự thật đã là.
(..........................................)
Ðúng là cũng có lúc bọn xã hội đen định “bụp” nhưng giờ cuối họ chùn tay vì khi đến thật gần tôi, họ hiểu ngay tấn công tôi chẳng khác nào đấm vu vơ vào khoảng không. Tôi thật sự là người muốn giúp họ và bạn bè họ làm lại cuộc đời chứ không mảy may có ý gì gọi là làm hại họ. Cậu thấy không, tôi có gì để cho họ đâu ngoài chính bản thân tôi, một hình hài đầy sứt sẹo sai lầm, vẫn vun quén một niềm tin rằng khi hối lỗi, con người ta vẫn không những sống được mà lại còn có thể giúp những người từng lỡ bước như mình bước tới một tương lai sáng sủa hơn.
Về đến chốn này, không phải sóng đã ngưng, gió đã lặng với tôi. Cạm bẫy đời vẫn tiếp tục giương ra. Tâm hồn những học viên ở đây khá mong manh. Tôi tự lập một nguyên tắc không được tạo thêm một vết nhơ dù chỉ là một hạt bụi để làm mất niềm tin một lần nữa trong những con người dễ vỡ này. Ðúng là có nhiều người quà cáp để đền ơn nhưng tôi tuyệt đối không nhận. Ðúng là có những buổi chiêu đãi nhau sau buổi tập, tôi cứ nằng nặc đòi phải để tôi trả tiền, nhiều người cứ tưởng đó là chi phí ngoại giao của trường nhưng thật ra tôi đã trích từ đồng lương còm cõi của mình. Ðúng là có những cô học viên kêu yêu tôi ngang xương và tôi phải khéo léo vô cùng để họ hiểu tôi là một con người gần như những tu sĩ không được phép yêu, nếu thật sự quá dồn tình cảm vào tôi, xin hãy chuyển thành nghị lực tránh xa ma túy.
Có người khen tôi đóng kịch giỏi khi là người đứng đầu cơ quan mà chẳng dùng tới xe hơi của trường, chỉ đi làm bằng xe bus. Nếu thật vậy thì tôi là một kịch sĩ khá bền sức ròng rã gần hai mươi năm gắn bó với trường, tôi gần như không bao giờ đụng tới chiếc xe con. Họ đâu biết rằng có biết bao nhiêu bạn bè tôi sống ray rức bất an suốt thời gian ngồi trên chiếc xe dành riêng cho Giám đốc, sao thanh thản bằng tôi khi được hòa nhập vào dòng chảy của những người dân còn gặp nhiều khó khăn của thành phố thân yêu này. Tóm lại, khi chọn phương tiện di chuyển là xe bus, tôi “được” nhiều hơn là mất.
Riêng tôi, về nơi đây sống, như gánh trên vai một món nợ oan khiên ngày cũ. Và ngày mỗi, có những học viên của trường này sớm về lại gia đình họ là nhẹ đi một chút, gánh nợ của tôi. Hoàng Nam à, những hôm tôi đưa cậu đi dạo chơi một vòng khắp trường cậu đã thấy, trường hợp của cậu rõ ràng chưa đến nỗi nào. Có những trường hợp tưởng như tuyệt vọng, như trường hợp anh N., vợ thấy chồng cứ bỏ đi đáo lại hoài không dứt được, buồn quá uống thuốc rầy tự tử, ngồi đó thắp nhang trên mộ vợ tiếc thương thì đã muộn rồi. Như chú R., ghiền nặng tới độ khều bán chiếc quần cuối cùng của vợ khi bà ấy tắm phơi ngoài vạt lá, vợ đành đưa chồng đến đây nhờ trường quản lý giùm. Như Thiên H., ngày nào trên chót đỉnh danh vọng với bao vương tôn công tử rạp mình dưới chân cô, nay thân tàn, tiếng tắt, ngồi mằn mò tráng bánh nơi đây để đoạn tháng, qua ngày...
Vậy mà rồi họ cũng sống được, họ còn là diễn viên của tôi. Bởi dù nặng đến đâu thì số thương tích trên người của họ cũng chỉ kém hoặc bằng tôi. Hiện tôi ăn uống, hưởng mọi tiện nghi như họ. Tôi còn nghiên cứu cách giúp họ chữa lành cơn bệnh bằng nhiều cách, trong đó có cả cách ngồi viết kịch bản cho họ đóng, mà không hề tuyệt vọng. Có học viên hỏi đùa tôi, chú sống để làm gì mà tụi này thấy chú không gái gú, rượu chè, cờ bạc và không cả một chút hưởng thụ lạc thú ở đời. Họ không hiểu lạc thú của tôi bây giờ là được sống, sống một cuộc đời hết sức dung dị, bình thường mà tôi đã hơn một lần toan kết thúc sau khi vướng một lỗi lầm, bị tước chiếc áo Công An.
Thôi tâm sự với nhau như vậy cũng đã quá dài. Ngủ đi nhé, rồi ngày mai vào trường giúp tôi tập vở kịch mới nhất mà tôi vừa viết cho những học viên của tôi. Rồi sau đó tôi sẽ đưa cậu đi một vòng qua dãy nhà ở hướng Ðông, xem phương hướng chữa trị để cắt cơn bằng xoa bóp và nước lã...
Tôi bảo đảm là cậu sẽ qua cơn, sẽ lắng đi những nỗi cồn cào đòi hỏi. Cậu sẽ thấy những học viên ấy đến đây chữa bệnh nhưng về một mặt nào đó, họ sẽ là thuốc cho chính cậu, cho lẫn nhau. Và gần như chẳng học viên nào dè được, chính họ, chứ không ai khác, đã chữa trị, và đồng thời đem lại sự sống cho tôi.
Ba
T
ôi đến thăm ông Năm Vĩnh tại nhà. Trên bàn ông là chồng bản thảo công trình nghiên cứu “Những biện pháp hiệu quả nhất để cắt cơn ghiền nơi những nước chậm phát triển” do ông cặm cụi nghiên cứu bao lâu nay.
Ðã bao năm trôi qua từ lúc ông giúp Hoàng Nam, người yêu của tôi, ông chồng hụt của tôi, cắt được cơn ghiền. Bây giờ ông đã chính thức về hưu nhưng vẫn ngồi nhà soạn thảo những điều mà nhiều người nông nổi không còn coi là quan trọng. Sau khi Hoàng Nam dứt bệnh, nhiều chuyện lại xảy ra với chúng tôi, anh lập gia đình với một cô gái khác. Ông Năm thì gặp lại người yêu cũ, thời ông còn ở chiến khu D., nay cứ khăng khăng xin được về sống cạnh để chăm sóc những ngày cuối đời của ông. Chỉ có tôi, cô diễn viên Thúy Ngà năm nào, đã đi học thêm để trở thành một đạo diễn, là vẫn còn sống một mình.
Sau khi được ông Năm giúp cắt cơn, Hoàng Nam lại chuyển sang một cơn ghiền khác: đánh bài! Tôi lúc ấy thường đi diễn ở tỉnh, được bao nhiêu tiền ôm hết về giao cho ông chồng sắp cưới để dành chuẩn bị cho cuộc ra riêng. Nam lỡ thua bài, thoạt đầu định mượn tạm tiền đó để gỡ, không ngờ thua sạch. Tôi về, biết được, xót công sức vun đắp, giận Nam không biết kềm giữ mình, có lời qua tiếng lại chút đỉnh rồi tôi lại giận dỗi bỏ đi diễn tiếp. Nam buồn. Lại lao vào bia ôm và cuối cùng, anh chọn một cô gái trong giới đó để chung sống. Anh nói, cho xong đi, cô ấy thì đơn giản, còn em thì phức tạp quá, phức tạp y như cái ông Năm Vĩnh của em. Cai nghiện thì cứ nói đại là cai nghiện. Ðằng này lại nói văn vẻ, sống và làm việc mà cứ như một cách chuộc lại lỗi lầm xưa.
Sau khi chia tay với Nam, tôi khó yêu thêm một người khác. Nhiều người chung quanh cho là tôi đã đối xử khá bất công với chính mình, trong lúc luôn sống như bát nước đầy với Nam và nhiều người nữa. Kể ra, tôi cũng có lỗi là không kềm chế được cơn nóng giận đã trút ào đôi lời gây sốc cho Nam. Anh phải hiểu tôi không hề tiếc tiền mà chỉ tiếc anh và tiếc cho mối tình mười lăm năm, một phần đời thanh xuân của tôi đã trôi qua vô nghĩa. Và dù thế nào đi nữa, tôi cũng không chấp nhận việc anh xúc phạm ông Năm Vĩnh, người đã giúp anh thoát khỏi những con ma kia.
Giờ đây, nhờ trông vào những người như ông Năm Vĩnh, tôi thấy khúc đường đời còn lại dù nghìn trùng vạn dặm xa ngái đến đâu, vẫn có thể bước được một mình, với niềm hy vọng do ông truyền sang, rằng cứ sống đẹp với nhau đi, rồi có lúc cuộc đời cũng đãi ngộ. Ðừng hằn học, đừng chua cay, đừng nặng nề với một quá khứ đã qua dù ta là thủ phạm hay nạn nhân của một ai...
Nghe nói, trước khi ông nghỉ hưu, người ta có đề nghị phục hồi mọi thứ cho ông Năm Vĩnh nhưng ông xin phép được đứng ngoài.
Tags: thuongtin Edit Tags
Friday November 2, 2007 - 01:39pm (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for November 03, 2007
Comments(4 total) Post a Comment
May♥N
Offline
Phần chị bây giờ coi như tiền hung hậu kiết, đọc blog chị X.O thấy chỉ cũng "lụy" dữ quá. Em quan sát được là Đàn bà tử tế hay gặp mấy "đứa trời đánh bảy búa" yêu rồi để cho "nó" lạm dụng sự tử tế của mình. Ngượ lại đàn bà "trời ơi đất hỡi" thì đàn ông tử tế một mực cút cung hầu hạ. Sao kỳ vậy ta ?
Friday November 2, 2007 - 08:20am (CET) Remove Comment
8Fieu
Offline
@ May N : Hoi do toi nghiep Le Khanh nghe tin cung mung cho "doi tre" lam. http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2007/10/3B9FBC61/http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Guong-mat-Nghe-sy/2006/09/3B9EEBD3/
Friday November 2, 2007 - 08:47pm (ICT) Remove Comment
May♥N
Offline
Chắc chị cũng chạnh lòng cho người xưa, thôi thì cái gì cũng có phần có số chị ạ. Nói vào lúc này nghe ác ác nhưng quả là "Gieo gì gặt nấy"Mà chị nói đúng, chẳng thấy báo nào đăng chuyện "đôi trẻ" này hết. Cũng lạ nhỉ. Em lại tò mò, chẳng lẽ chị chịu đựng những 15 năm sao? Mòn mỏi !
Friday November 2, 2007 - 03:02pm (CET) Remove Comment
8Fieu
Offline
@ May N 15 nam la mot vu an khac. Da noi la "bia" ma. Chia tay mot vi co" ba mon" fai bia ra mon thu tu cho khac doi. Ai de vi "Nguoi Dan Ba Duc Hanh" ma co khoang 1 nam voi nguoi co du "bon mon an choi"Co H. bao Nguoi Dep co dang tin luc co nguy co "ket hon" va cung co dang khi ra ganh
Friday November 2, 2007 - 09:54pm (ICT) Remove Comment
Labels: shortstory
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home