Sunday, July 12, 2009

NGƯỜI ÐÀN BÀ ÐỨC HẠNH

Entry for November 01, 2007

Tôi đưa bài nầy lên để tạ lỗi với một tri âm là anh luật sư Lộc, bạn của chị Trần thị NgH. Trước đó tôi chưa hề quen anh.
Mời bạn đi xem, bạn tôi mời anh đi cùng. Khi về anh viết cho một bài báo tử tế ghi lại cảm xúc như vầy. Tôi đưa cho một người. Chị xin để đăng trên báo chị, mình tưởng thiệt đưa ngay. Một thời gian sau, mới thấy bài nầy được “xào” thành khoảng vài bài nhỏ và mất luôn ý tứ chính lẫn tên của tác giả.
Từ đó đến nay tôi chưa được gặp lại anh. Bạn tôi thì tặng ngay hai chữ “man rợ!”
Cũng đã gần mười năm rồi còn gì.
Khi chuyển sang cải lương, Phương Hồng Thủy đóng vai nầy.
Thỉnh thoảng, đi nói chuyện về sân khấu Việt Nam, không mang được hai nàng NSƯT tài sắc nầy theo được, con mụ tác giả đành phải nhào ra “minh họa” đại một đoạn lúc cô đào chuyển từ tỉnh sang điên.
Chuyến về Vietnam kỳ nầy, tôi rất muốn có dịp diễn cho bè bạn coi chơi, nhưng chưa biết phép tắc thế nào.Hôm qua, Minh Phượng đã nhận được giấy phép cho biểu diễn từ sứ quán Canada.
À, phải nói thêm chuyện nầy. Trong mười bài báo khen, cũng có một bài chê vở diễn làm mất ý chính của anh Sáng. Anh Sáng cho cô đào ngủ với anh khán giả ái mộ mình để anh tỉnh mộng rằng cô cũng bình thường như bao cô gái khác. Ý anh muốn kêu gọi xóa bỏ thần tượng. Chúng tôi thì không cho điều đó xảy ra. Những nhân vật nữ nói chung và đào hát nói riêng của chúng tôi thường vẫn “trinh tiết” một cách bất bình thường như vậy.
Chính vì vậy cuối vở cô đào hát mới hóa điên và mới có sự tích “Người Ðàn Bà Ðức Hạnh” nầy
http://blog.360.yahoo.com/blog-_I799N8_aKt8rBoZeaKuT7oC?p=173#comments
TÔI ÐI XEM KỊCH “NGƯỜI ÐÀN BÀ ÐỨC HẠNH”
NGHỆ THUẬT & “CHUYỆN NGƯỜI ÐIÊN”
(((
T
ôi đã từng bỏ cả tuần lễ để đi xem kịch Shakespear ở thành phố Ashland, tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ). Nơi đây họ dựng cả một thành phố với nhiều lâu đài để diễn lộ thiên. Khiến, ranh giới giữa khán giả và kịch sĩ không còn. Có mùa hè tôi ghé đảo Bali gần Nam Dương để xem kịch lộ thiên. Kịch bản được dựng ngay trên một cánh đồng bát ngát. Âm nhạc đệm cho vở kịch được thực hiện bởi tiếng phát ra của hơn một ngàn người hiện diện trên cánh đồng. Họ không phải là diễn viên và cũng không phải là khán giả. Công việc chính của họ là phát ra những âm thanh để đệm cho vở kịch.
Hai kỷ niệm trên về kịch gây một dấu ấn khá sâu đậm trong tôi về sự xóa ranh giới giữa sân khấu và khán giả.
Nhưng, tháng tư năm nay (1998), nhân chuyến về thăm quê hương, tôi được xem vở kịch “Người đàn bà đức hạnh” của Nguyễn thị Minh Ngọc chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Quang Sáng do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng trên sân khấu IDECAF.
Khoan nói về nội dung của kịch bản, về hình thức và dàn nhạc đệm đã gây cho tôi một mối ngạc nhiên không nhỏ. Thường ra, một vở tuồng cải lương chú trọng phần ca diễn và nhẹ về thoại kịch. Ở “Người đàn bà đức hạnh”, tôi bắt gặp yếu tố thoại kịch nặng hơn cải lương. Nhìn vào sân khấu chèo miền Bắc, sân khấu tuồng miền Trung và sân khấu cải lương miền Nam, phần âm nhạc về bài bản ca hoặc nhạc đệm của cả ba loại hình sân khấu này có tính kỹ thuật rất cao. Ðể có thể thích được, chưa nói đến đam mê, âm nhạc chèo, tuồng và cải lương khán giả phải được sửa soạn rất lâu. Tôi muốn nói đến hai loại khán giả: những nhà nghiên cứu hoặc khán giả “ghiền nặng coi chèo, tuồng, cải lương từ tấm bé đến già, thu nhận giá trị nghệ thuật bằng cảm tính hoặc thói quen.
Muốn “mê” chèo phải thưởng thức được hát sử, hát cách, hát sa lệnh bằng, hát sắp cổ phong, hát nhịp đuổi, hát làn thảm, hát điên, hát say, hát hề... Muốn “sính” tuỗng phải thưởng thức được những điệu xướng, bạch, thán, oán, ngâm, vịnh, khách tẩu... Muốn “ghiền” cải lương phải thưởng thức được những bài bản của những điệu Bắc, Nam Oán, Quảng, Lý...
Ðiều không thể tránh được là giới trẻ ngày nay có nhiều dịp tiếp xúc với âm nhạc Tây phương đã dần lánh xa nhạc dân tộc. Tuy nhiên, khi đi xem “Người đàn bà đức hạnh” tôi thấy khán giả đa số là giới trẻ ở lứa tuổi đôi mươi. Như thế người viết kịch Nguyễn thị Minh Ngọc và đạo diễn Hoa Hạ đã thành công trong việc lôi cuốn được giới trẻ thưởng thức nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Trong suốt gần hai tiếng đồng hồ, đạo diễn Hoa Hạ dùng rất giới hạn những bài bản cải lương. Có phải chăng Hoa Hạ muốn khán giả trẻ “tập làm quen” với âm nhạc dân tộc trước khi làm cho họ yêu thích? Tôi đồng ý với đạo diễn Hoa Hạ khi trả lời Phạm Thúy Phương trong một buổi phỏng vấn rằng: “Cải lương là một ngành nghệ thuật đủ sức để thể hiện một cách thuyết phục tâm tư, tình cảm con người: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục; đủ sức thể hiện những tư tưởng cao và trình bày những vần đề xã hội rộng lớn thì không thể xem thường (cải lương - chữ của người viết) được đâu”.
Tôi hoàn toàn đồng ý lần nữa với đạo diễn Hoa Hạ. Nhiều khi vì không hiểu, hoặc vì mặc cảm tự ti, mình coi thường âm nhạc cải lương. Trong khi đó trên thế giới rất nhiều nhà nhạc học đã nghiên cứu về sân khấu và âm nhạc cải lương rất nghiêm chỉnh. Ở Hoa Kỳ, Ernie Duane Hausch đã soạn hẳn một Luận án Tiến sĩ Âm nhạc về đề tài “Cải lương Việt Nam”. John Trainor cũng viết một Luận án Tiến sĩ Âm nhạc về đề tài “Ðiệu thức trong nhạc tài tử miền Nam”. Trong thời Pháp thuộc, ông Hàn thực dân Jules Lemaitre thuộc Hàn Lâm Viện Pháp đã dùng những lời lẽ khiếm nhã để thóa mạ bộ môn hát bộ của ta. Cũng vì sự bực tức này, ông Huỳnh Khắc Dụng đã viết cuốn “Hát bộ, sân khấu cổ truyền của Việt Nam” bằng hai thứ tiếợng Việt - Pháp rất công phu, kỹ lưỡng để người Pháp chớ nên coi thường bộ môn nghệ thuật này của Việt Nam nếu chưa hiểu rõ. Tóm lại, điểm son mà đạo diễn Hoa Hạ đã tạo được là sự phối hợp hài hòa giữa âm nhạc sân khấu cải lương Nam Bộ và kịch nói khiến cô lôi cuốn và làm cho khán giả trẻ thích loại âm nhạc này.
Ðã nói đến âm nhạc trong kịch bản thì không thể quên được dàn nhạc đệm. Hồi nhỏ, đi xem cải lương, tôi thường thấy một dàn nhạc Tây phương gồm piano, trống, saxophone và guitar để tạo những âm thanh phụ diễn cần thiết cho kịch bản. Chỉ khi nào diễn viên ca vô bài bản như Vọng cổ, Xuân Tình, Văn Thiên Tường, Khổng Minh Tọa Lầu, Trường Tương Tư, Sương Chiều Tú Anh... dàn nhạc dân tộc ngồi trong sân khấu mới đệm theo. Sự hiện diện của một dàn nhạc Tây phương như vậy rất lạc lỏng và làm mất cả không khí tinh túy của âm nhạc cải lương. Trong “Người đàn bà đức hạnh”, một dàn nhạc đệm được sắp xếp như sau: bên cánh phải của sân khấu là những nhạc sĩ sử dụng đàn tranh, đàn bầu, đàn cà và đàn nguyệt. Một nhạc sĩ có thể xử dụng hơn một nhạc cụ. Bên cánh trái chỉ có một nhạc sĩ đảm nhiệm bộ gõ và kèn Sona (kèn loa hay kèn đu đủ, hay kèn già nam hoặc kèn bát). Bộ gõ gồm trống cơm, trống cái, phèng la. Nhạc sĩ Hải Phượng, Phan Nhất Dũng và nhạc sĩ xử dụng bộ gõ rất xuất sắc tạo thành những tiếng động để tăng phần linh động của kịch bản. Nhạc sĩ bộ gõ có lúc không xử dụng trống sona để tạo thành những âm thanh ai oán, tức tưởi. Tiếng của nhạc khí này thật sắc và len lỏi khiến khán giả được gây một cảm giác ghê rợn trong lúc diễn viên trong cơn điên loạn. Về nhịp tiết, nhạc sĩ bộ gõ rất điêu luyện để điều hòa với bước đi của diễn viên, nhất là cảnh vào đầu lúc Quốc Thảo và Hồng Vân đóng vai Khắc Chung và Huyền Trân trong vở “Huyền Trân”. Nhịp trống rất ăn khớp lúc Quốc Thảo đứng trên bục cao, vuốt râu, nhảy xuống sàn, đi một vòng, dừng lại rồi xướng đôi câu. Nhịp trống và bước đi của Quốc Thảo hình dung ngay ra một tác động của hát bộ (ca ra bộ). Tựu chung, nhạc sĩ bộ gõ đã bao giàn trong việc tạo thanh rất khéo và điêu luyện trong suốt vở kịch, không “ồn quá” và cũng không “lắng quá”.
Trở lại với dàn nhạc đệm bên cánh phải của sân khấu. Ngoài những lúc vô bản đệm cho diễn viên trên sân khấu, Hải Phượng và Phan Nhất Dũng cũng cùng với nhạc sĩ bộ gõ đóng góp vào việc tạo thanh phụ diễn cho những động tác của diễn viên hoặc tình huống trên sân khấu. Thỉnh thoảng những “giọt” đàn nguyệt dạo lên vài nốt rồi ngưng, để lại khoảng không tịch mịch cho diễn đường. Tiếng đàn cò, tranh, bầu cũng đóng đúng vai trò khi phụ diễn và tạo thêm không khí cùng tình cảm cho kịch bản. Tóm lại dàn nhạc đệm dân tộc đã hoàn tất khéo léo được vai trò đệm cho bài bản của diễn viên và tạo thành những âm thanh phụ diễn (những loại tiếng động) cho kịch bản. Trong khi đó, cách đây hai mươi năm, sân khấu cải lương phải cần hai dàn nhạc Tây và ta mới làm nổi việc trên.
Một lần nữa, đạo diễn Hoa Hạ đã chứng tỏ được khả năng và bản lãnh trong việc xử dụng âm nhạc dân tộc khi sắp xếp dàn nhạc và bộ gõ phụ diễn cho kịch bản.
Cái khó của ca kịch là ca nhiều quá khán giả cũng “chán” mà nói nhiều quá cũng làm khán giả “mệt”. Khiến, xử dụng những bài bản cải lương trong kịch nói cũng phải vừa đủ liều lượng. Những bản ca chỉ đóng vai trò làm ngưng đọng và kéo dài những cảm xúc đã được tạo nên từ lớp cảnh trước. Nếu thời gian và những lần xử dụng bài ca vừa đủ, đúng chỗ, những xúc động người đạo diễn và người viết kịch bản muốn chuyển đến khán thính giả sẽ đạt được mục đích. Ở điểm này, tôi nghĩ, Hoa Hạ và Minh Ngọc nên rút ngắn hơn những bài ca cải lương. Thí dụ bài vọng cổ sáu câu có thể cắt ngắn hơn để khán thính giả hkỏi phải duy trì cảm xúc bi ai quá dài.
(
Ngôn ngữ và văn chương của kịch nói rất khác với tiểu thuyết và điện ảnh. Trong tiểu thuyết, người viết văn có thể giải thích tâm lý và tình cảm của nhân vật bằng văn chương. Trong điện ảnh, lời đối thoại của nhân vật được hổ trợ bằng ngoại cảnh nắng, mưa, sương, gió, ánh trăng... khiến người người xem phim hiểu nhân vật hơn. Trong kịch, lời đối thoại không được dài quá. Còn phông là cảnh tĩnh, không thể chuyển nhiều lần trong một lớp kịch. Như thế truyền đạt ý và tình của kịch bản đến khán thính giả là một vấn đề rất “gay” của người viết kịch, đạo diễn và diễn viên. Người viết kịch là người đầu tiên phải vác cái gánh nặng này. Khi chuyển thể từ tiểu thuyết “Người đàn bà đức hạnh” của Nguyễn Quang Sáng, Minh Ngọc phải chuyển thể cả văn chương tâm lý nhân vật sang lời đối thoại. Thế thì sự đối đáp phải là những “châm ngôn”. Trước khi đề cập đến những lời đối thoại có tính cách “châm ngôn” mà tôi còn nhớ được, vắn tắt cậu chuyện của kịch bản như sau: “Viên quan Ba thực dân thời Pháp thuộc mắc thói hoa nguyệt, bằng mọi cách bắt cô đào hát Cầm Thanh phục vụ mình, nếu không sẽ đóng cửa gánh hát. Vì muốn cứu gánh hát và đồng nghiệp, Cầm Thanh phải đến gặp hắn. Trong khi người đưa thư của viên quan Ba đến Cầm Thanh lại là người rất mê cải lương và Cầm Thanh, hắn tên Liêm. Liêm ngăn cản không cho Cầm Thanh gặp viên quan Ba. Viên quan Ba suýt làm nhục Cầm Thanh. Cô ta thoát được và trên đường về gặp Dũng, một nhà báo và sau này là chồng của Cầm Thanh. Tưởng Cầm Thanh bị thất thân với viên quan Ba vì sự bất lực của mình, Liêm hóa điên. Vân Hạc, bạn đồng diễn của Cầm Thanh dẫn cô đến gặp Liêm ở nhà thương điên để tìm hiểu tâm lý người điên cho vở tuồng mới. Cầm Thanh xúc động đến tột độ khi biết Liêm điên vì mình. Cô lén chồng săn sóc Liêm. Một hôm chồng bắt được, sỉ nhục cô. Vì bị hàm oan không giải thích được, Cầm Thanh hóa điên. Liêm, Dũng, Vân Hạc xuất hiện tại nhà thương điên và cố gắng làm cho Cầm Thanh hết điên loạn”.
Bây giờ trở lại với lời đối thoại. Khi thấy Liêm theo đuổi Cầm Thanh một cách khổ sở, Vân Hạc khuyên cô nên chấm dứt trò cười này: “Nghệ sĩ ai mà lại chẳng thích được khán giả ái mộ đeo bám, đến lúc họ rã rời rồi cũng là lúc phấn son của em nhạt phai”.
Nguyên một câu nói của nhân vật Vân Hạc đã chuyển được cà một triết lý chua chát về người mê đào hát và chính thân phận của đào hát. Một lần khác, khi Cầm Thanh đặt vấn đề tại sao Vân Hạc không lấy cô, Vân Hạc trả lời: “Muôn đời vẫn là tình yêu sân khấu, nó thật mà giả, giả mà thật”. Dưới ánh đèn sân khấu, diễn viên và khán giả đều bị cuốn hút vào kịch bản. Những cái phút “vong thân” này cũng chỉ là chiêm ngưỡng một cảnh đời trên sân khấu. Tuy nhiên, nếu diễn viên không khóc, cười với nhân vật của mình thì làm sao cuốn hút được khán giả. Như vậy tình yêu trên sân khấu là thật hay giả? Ai trả lời được? Ðó cũng là một triết lý về tình yêu.
Suốt một lớp kịch dài diễn tả nỗi điên của Liêm, đáng lẽ phải có nhiều “châm ngôn” triết lý hơn nữa. Nhưng những nét hài đã lấn lướt cả triết lý khiến, chỉ có một câu đáng nhớ của Cầm Thanh là: “Nếu còn những khán giả như anh, chẳng ai ăn hiếp được nghệ sĩ chúng tôi đâu... Nghệ sĩ chúng tôi tay yều, chân mềm, thời xuân sắc ngắn ngủi lắm...”.
(
Nói về cốt chuyện của kịch, Minh Ngọc tạo ra nhân vật Liêm là người say mê nghệ thuật, bảo vệ nghệ thuật (mà Cầm Thanh là hình ảnh của nghệ thuật) quá hóa điên. Cầm Thanh, hy sinh cho nghệ thuật (cứu đoàn hát và đồng nghiệp sẵn sàng đến nhà viên quan Ba, chăm lo săn sóc cho Liêm (người điên vì bảo vệ nghệ thuật). Vân Hạc, diễn viên dành hết tình yêu cho nhân vật trên sân khấu. Anh từ chối và lẩn tránh tình yêu thật ngoài đời để bảo vệ nghệ thuật. Dũng, chồng Cầm Thanh, nhà báo. Anh dám hy sinh vợ (nghệ thuật) cho sự nghiệp tuy rằng có lúc anh đã bảo vệ nghệ thuật (ca ngợi vợ trên báo). Viên quan Ba là một nhân vật vô hình, một nỗi sợ chung cho cả bốn nhân vật trên có dính líu đến nghệ thuật.
Trong bốn nhân vật hữu hình: Cầm Thanh hy sinh cho nghệ thuật và con người (cứu đoàn hát và bạn đồng diễn khỏi bị thất nghiệp, săn sóc Liêm trong cơn điên loạn). Vân Hạc trân trọng với nghệ thuật (né tránh tình yêu trên cõi đời để duy trì tình yêu cho những nhân vật trên sân khấu). Liêm thưởng thức và say mê nghệ thuật. Dũng hổ trợ nghệ thuật nhưng không trung thành với nghệ thuật (viết báo khen vợ, nhưng để bảo vệ sản nghiệp vẫn có thể hy sinh vợ, coi thường vợ, sẵn sàng cho vợ đi với người khác). Nghệ thuật, tình người và đạo đức là vòng xoay bốn nhân vật: Cầm Thanh, Vân Hạc, Liêm và Dũng khiến hai người hóa điên: Cầm Thanh, Liêm. Hai nhân vật này rất trung thành với nghệ thuật và có tình người. Cầm Thanh thương xót Liêm khi anh hóa điên, cô cũng vì gánh hát mà sẵn sàng gặp viên quan Ba. Minh Ngọc đẩy Cầm Thanh đi xa hơn nữa ở đoạn kết là cô còn là một người đàn bà đức hạnh (theo nghĩa đạo đức quy ước của xã hội): chưa thất tiết với viên quan Ba, vẫn trung thành với chồng trong khi săn sóc Liêm. Theo tôi, một khán giả, Cầm Thanh là một người đàn bà đức hạnh ở chỗ đã sống với lòng mình, thương gánh hát của mình, thương yêu bạn đồng diễn của mình (Vân Hạc), quan tâm và yêu mến khán giả (Liêm), trung thành với ký giả kịch trường đã nâng đỡ mình (Dũng, chồng Cầm Thanh). tất cả những tình thương đó phát xuất từ tình yêu trân trọng đối với nghệ thuật cải lương dân tộc và những đồng bào thân thương bên bờ kinh, vàm rạch (không phải những trọc phú đồng nội).
*
Tất cả bố cục của một tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng để mở một cánh cửa cho người thưởng ngoạn vào một cõi khác với cõi đời thường mà họ đang sống. Khi họ vượt qua cánh cửa đó rồi, người làm nghệ thuật lại sửa soạn cho họ những cảm xúc, những nút chặn để họ đạt tới cao điểm của cảm xúc lẫn tư duy. Nơi đây có tình tiết éo le, có những suy nghĩ khúc mắc, có những trạng huống rối như tơ vò, người làm nghệ thuật lại phải mở những cánh cửa để người thưởng ngoạn đi ra những vùng rắc rối này. Nói một cách khác, tác giả phải tìm cách gỡ những nút chặn, phải tìm cách giải quyết những vấn đề mình đã đặt ra một cách êm thắm, khiến khán giả thong dong ra về với nhiều ấn tượng. Ở “Người đàn bà đức hạnh”, Minh Ngọc dùng “viên quan Ba thực dân” là nỗi đe dọa thường xuyên cho bốn nhân vật Cầm Thanh, Vân Hạc, Liêm và Dũng (đóng cửa gánh hát, đóng cửa tòa báo). Minh Ngọc đã dẫn khán giả đi hết “vùng rắc rối” này sang “vùng rắc rối” khác: Quan Ba định làm nhục Cầm Thanh, Dũng lấy Cầm Thanh. Và điểm tuyệt đỉnh là Liêm hóa điên vì nghĩ Cầm Thanh bị làm nhục (hay nàng nghệ thuật bị làm nhục). Sau khi giải quyết nút chặn thứ nhất là làm cho Liêm bớt điên, Minh Ngọc lại tạo một nút chặn thứ hai “bi” hơn nút chặn thứ nhất là Cầm Thanh hóa điên vì không chứng minh được sự đức hạnh của mình đối với chồng. Minh Ngọc lại gỡ nút chặn này bằng cách tất cả những nhân vật Liêm, Dũng (nhà báo), Vân Hạc (kịch sĩ) hứa sẽ giải nỗi điên của Cầm Thanh. Sự giải quyết này không ổn vì vùng xoáy của tình cảm đã dựng lên ở nút chặn thứ nhất lúc Liêm điên loạn. Bao nhiêu tình cảm của Cầm Thanh, của Vân Hạc và của chính Liêm đã dồn hết vào vùng xoáy này. Hai mô-típ điên dựng lên một lúc rất khó giải quyết. Những lời hứa của Liên, Vân Hạc, Dũng quá nhẹ để giải quyết nỗi điên của Cầm Thanh trong kịch bản. như thế, để giải quyết chuyện điên của Cầm Thanh như thế nào, chỉ có chính Minh Ngọc, là người dựng lên nỗi điên của Cầm Thanh mới trả lời được.
(
Về diễn viên, Hồng Vân đóng vai Cầm Thanh, Lê Vũ Cầu đóng vai Trần Hữu Liêm, Quốc Thảo đóng vai Vân Hạc và Thương Tín đóng vai Dũng. Tôi đã xem Hồng Vân “chửi mất gà” trong một vidéo đóng với Lê Vũ cầu. Cô đã lột hết vẻ “chanh chua” của một phụ nữ đồng quê miền Bắc. Tôi cũng đã xem Hồng Vân đóng vai một phụ nữ “đanh đá” miền quê Bắc Bộ với Xuân Hinh. Tôi rất thán phục sự diễn xuất tài tình của cô đã lột hết cá tính của nhân vật mình đóng. Nhưng tôi không ngờ ở Người đàn bà đức hạnh, Hồng Vân đã “xoay” 180 độ khi thủ vai một cô đào cải lương Nam Bộ. Có hai người đã thủ diễn hai vai trò phụ nữ Nam Bắc cũng khéo là Hồng Ðào và Ái Vân. Nhưng so với Hồng Vân thì sự diễn xuất của hai cô ấy cũng vẫn còn gượng gạo. Ít có người thành công được ở cả hai lãnh vực chèo và cải lương Nam Bộ như Hồng Vân. Miễn bàn về chèo, Hồng Vân diễn cải lương không kém gì Thanh Nga hay Ngọc Giàu ngày xưa. Lối diễn xuất của cô rất nhiều nữ tính, lời nói, giọng ca Nam Bộ thật ngọt ngào, thật “mùi”.
Lê Vũ Cầu bên cạnh Hồng Vân cũng xuất sắc không kém, nhất là anh đóng vai điên. Anh đã lột hết được tâm lý nhân vật vừa “thảm” vừa “hài”. Mỗi lời nói của anh “xoáy mạnh” vào tình cảm của khán giả. Vì, nỗi điên của anh là kết quả của mối chân tình với nghệ thuật cải lương. Mối chân tình này đã thể hiện ngay đầu vở kịch. Anh dám tiết lộ sự “rớt nhịp” của người đẹp Cầm Thanh và phạt cô một bông hồng.
Quốc Thảo đã thủ diễn vai trò của một kép cải lương rất trọn vẹn. Anh đã trân trọng với nghệ thuật (trân trọng tình yêu trên sân khấu, tìm đến nhà thương điên để học hỏi vai trò người điên), Với “bộ vó” đẹp trai và giọng ca mùi, anh đã để lại ấn tượng khá sâu đậm trong lòng khán giả sau khi xem “Người đàn bà đức hạnh”.
Thương Tín cũng đóng hết mình vai trò Dũng, chồng của Cầm Thanh. Ðáng lẽ ra với nhân vật này anh phải “hơi đểu” một tí mới thích hợp. Vì, Dũng là một nhà báo chỉ tính chuyện thủ lợi, dám hy sinh cả vợ cho sự nghiệp của mình.
(
Chuyên viên âm thanh và ánh sáng rất điêu luyện, không bị “rớt nhịp” nào. Âm thanh điều chỉnh đủ nghe, rõ. Tiếng đàn rất rõ, nhất là những “giọt” đàn nguyệt âm sắc tuyệt vời. Sự cân bằng âm thanh cho mỗi nhạc khí thật khéo. Chuyên viên ánh sáng đổi màu, đổi cường độ ánh sáng và đổi chiều ánh sáng rất kịp thời, thích hợp cho từng cảnh, từng diễn viên. Có một điều nên nói tới là đạo diễn Hoa Hạ nên “khó tính” hơn với các chuyên viên thâu hình dưới vùng ghế khán giả. Vì, các ông ấy mãi mê thâu hình, chiếu đèn sáng rực phá cả ánh đèn sân khấu đang tô màu cho cảnh và diễn viên.
(
Gần 30 năm trước tôi cũng ngồi ở thính đường này (ngày xưa gọi là Trung Tâm Văn Hóa Pháp) nghe Berend, một Tây Ban Cầm thủ người Ðức trình diễn nhạc cổ điển Tây Phương cùng với người đẹp Belinda. 30 năm sau, cũng tại đây, sân khấu IDECAF, tôi được thưởng thức nghệ thuật kịch cải lương với dàn nhạc dân tộc. Cám ơn người viết kịch Nguyễn thị Minh Ngọc, đạo diễn Hoa Hạ, các “siêu” diễn viên Hồng Vân, Quốc Thảo, Lê Vũ Cầu, Thương Tín, nhạc sĩ Hải Phượng, Phan Nhất Dũng, nhạc sĩ điều khiển bộ gõ (mà tôi không biết tên) cùng các chuyên viên âm thanh và ánh sáng đã cho tôi một món quà quê hương vô cùng quý giá qua sự dàn dựng được vở kịch “Người đàn bà đức hạnh”.
Tôi xin trích lời Joji Yuasa, một soạn nhạc gia người Nhật sau đây như một lời khen tặng gởi đến các bạn: “Một thời gian không lâu sau khi quyết định để trở thành một nhà soạn nhạc, tôi nhận thấy rằng, như một người Nhật, tôi nên kế thừa truyền thống của dân tộc tôi một cách có ý thức và rồi phát triển nó ra đồng thời khám phá được ngôn ngữ chung của nhân loại.”
Tags: ngdanbaduchanhcualsloc Edit Tags
Thursday November 1, 2007 - 09:12pm (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for November 02, 2007
Comments(3 total) Post a Comment

8Fieu
Offline
!0 nam sau, nguoi viet bai nay + tac gia + Quoc Thao o My.Le Vu Cau mo quan com chay tu thien.Hong Van da co san khau rieng voi Le Tuan Anh.Co Dao Dien van rat "duc hanh"Con Thuong Tin thi ... chac fai co mot entry rieng.
Friday November 2, 2007 - 10:25am (ICT) Remove Comment

Hoàng…
Offline IM
Mot bai viet phe binh san khau rat hay. Nguoi viet co mot su am hieu rat sau sac ve nghe thuat.
Friday November 2, 2007 - 11:02am (ICT) Remove Comment

Ngày …
Offline
vở kịch này đã được dựng thành tuồng cải lương Cô đào hát nè cô, con xem màh thương cho Cầm Thanh quá chừng. Cái khúc cổ bị điên vì bị chồng mình hiểu lầm là có tình ý với ng đàn ông khác, thiệt tội cho cổ wá chừng.Tiếc là con chưa đc xem vở kịch này, hồi đó sân khấu mình có nhiều vở kịch hay và xuất sắc, còn bây giờ sao hiếm wá cô à!
Monday December 31, 2007 - 03:43am (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home