Sunday, July 12, 2009

Ai tri âm đó...

Entry for October 25, 2007
Mới đọc tin một nhân vật suýt kết hôn với tui bị vướng vào một vụ rắc rối có lên báo. Kỳ đó, đi coi tử vi, thầy nói nếu kết hôn thì tui sẽ gặp đại tang nên tui chạy mất dép.
Truyện nầy viết từ .. thế kỷ trước,sau khi đi Ðà Lạt quay film “Môt Cõi Ði Về” với Báng Gùi Búi Giàng. Ðưa lên lại để tặng một cô gái trong nghề biễu diễn, vừa mới Hồi Hương. Một Mình.
Ai tri âm đó...
Người Kiều Huyên hâm hấp sót. Cô muốn bệnh từ hôm qua. Từ lúc chìu người chồng sắp cưới, cô soạn đốt gần một tủ nhỏ, thư ái mộ của khán giả. Sau đó, Mã cho người mang một bó hồng vàng tới tặng cô, với tấm thiếp ghi lời xin lỗi không thể đưa cô đi Vũng Tàu vào ngày thứ hai như đã hứa, nhưng thứ ba, năm giờ chiều, anh vẫn đưa cô đi hát như thường lệ.
Lúc mới quen, Mã thường đích thân mang hồng nhưng đấn tặng cô, hàng tuần vào mỗi tối thứ hai. Giờ còn một tháng nữa cưới, Mã đổi sang tặng hồng vàng, và người đưa thường là anh tài xế với tấm thiếp xin lỗi vào các đêm cuối tuần đông khán giả.
Kiều Huyên ngó đồng hồ. Kim ngắn số sáu. Kim dài số mười hai. Mã đã trễ đúng một tiếng. Nếu chờ Mã thì cô thấy một tiếng sao quá lâu. Còn sợ trễ tuồng vì giờ này chưa làm mặt, cô lại thấy một giờ sao nhanh quá. Thôi không nhìn đồng hồ nữa. Cô đi ra, đi vào. Ði chán, cô ngồi bệt xuống trước tấm gương, làm mặt sơ sịa để chuẩn bị tự đi đến rạp nếu ba mươi phút nữa, Mã không đến đón.
Bóng cô trong gương ngó kém tươi, có lẽ vì chờ đợi. Nhiều người phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng trên thế giới đã cho biết, mỹ phẩm quan trọng nhất cho nữ giới chính là tình yêu. Có lẽ phải nói thêm đó là loại tình yêu thuận buồm xuôi gió, còn loại tình yêu khi trắc trở, có lẽ đó là một thứ hủy hoại nhan sắc nhanh chóng không kém cường toan.
Cô ráng gượng cười. Giờ này anh đang ở đâu, làm gì, hỡi người chồng sắp cưới? Nụ cười gượng không làm mặt cô tươi hơn. Ngó mình trong gương, cô tự hỏi không biết khán giả thích mình nhất ở điểm nào: khuôn mặt, đôi mắt, hay giọng ca, bộ diễn... Cách đây mười tám năm, một ký giả đã tả về cô: “Kiều Huyên có một đôi mắt nhỏ, hơi xếch, một chiếc mũi to, một cái miệng rộng, và tất cả cái đó ở trên một khuôn mặt hơi thô. Nhìn riêng thì không có nét gì đặc sắc nhưng tất cả đã gộp lại thành một nét duyên dáng lạ lùng. Và khi cô cất cái giọng sầu thương đặc biệt của cô lên thì trời ơi, đúng là đoạn trường nghiến ruột...”. Khi cô hỏi Mã, người chồng sắp cưới của cô: “Anh thương em vì cái gì?”. Mã nói: “Cái gì anh cũng thương hết!”. Mã đáp hơi hớp tớp. Dường như anh quá sức bận rộn, không có cả thì giờ để ngắm cô và suy nghĩ về cô.
Huyên thì bắt buộc phải để thì giờ ra mà ngắm mình. Cô cần phải nghiên cứu những cách vẽ mặt sao cho hợp với tính cách của vai trò mà cô đang thủ diễn. Thời gian này ngồi trước gương cô vừa thấy nao nao buồn, vừa thấy cõi lòng ấm lại khi phát hiện những nếp nhăn ở đuôi mắt nhắc cô tới tuổi nghề đã cao, tuởi đời cô cũng đã chồng chất. và cô càng biết ơn Mã biết bao khi anh đã ngỏ ý muốn sống chung với cô trong cái tuổi sắp bốn mươi này.
Ba mươi tám tuổi đời, hai mươi hai tuổi nghề, ăn cơm tổ mòn răng, trên sân khấu cô đóng vai vợ có trên một trăm lần, mặc áo cưới đâu độ mười lần, độn bụng giả bầu đâu cũng vài ba vở... Ðổi bao nhiêu đoàn, cô vẫn lưu giữ thư của khán giả chất đầy mấy chồng cao ngất. Nhà chật, mấy đứa em đòi “thanh toán”. Cô ráng nắm níu cho đến một ngày Mã nói:
- Hay là em thiêu đi, cho nó siêu thoát, nhẹ nhàng trước ngày về ở với anh...
Sáu giờ ba mươi rồi, Kiều Huyên lục tìm hai viên thuốc cảm. Hy vọng trước giờ diễn cơn sốt sẽ tạm lui. Nhưng có loại thuốc nào không, làm vơi nỗi xót xa khi hoài nhớ lại mớ thư khán giả hôm qua đã bị cọ đốt thành tro bụi. Ôi những cô gái, chàng trai mới lớn cứ nằng nặc đòi làm em của chị. Ôi những cô cậu học trò cứ thích bỏ tất cả: sách vở, gia đình... để theo chị đóng một vai nữ tỳ quân sĩ nào cũng được... Những khán giả lớn tuổi ít khi viết thư cho cô, nhưng thư nào ra thư đó... Họ chửng chạc phê bình, hoặc khen hết lời, hoặc chê thẳng tay... Thường với những lá thư ấy, Huyên luôn thu xếp thì giờ để trả lời riêng chứ ít khi trả lời chung trên báo.
Nhói lòng cô nhất là mớ thư cột riêng bằng sợi dây ru-băng trắng. Ðó là những lá thư mà người viết tỏ bày tình cảm sâu đậm với cô, thậm chí ngỏ lời cầu hôn. Và điểm giống nhau chung giữa họ là không ai có vẻ bình thường... Này là chàng Huỳnh Tương, chàng trai trắng trẻo, tóc hơi loăn xoăn, má lấm tấm tàn nhang, chuyên vẽ hình Kiều Huyên lúc cô biểu diễn trên tivi rồi ghi sau tấm hình: “Ước gì tôi cưới được cô!”. Em gái Tương tới nhà xin Huyên tấm ảnh. Cô bé kể: “Anh Tương trốn lính, nằm mẹt trên gác riết rồi tâm tính cũng khác thường. Tối nào được coi tivi có chị diễn là ảnh vui lắm...”. Nghe kể khi hòa bình, Huỳnh Tương đã dần tỉnh lại, cưới một cô thợ may khá mập trước nhà nhưng có khuôn mặt giống Kiều Huyên như chị em một mẹ.
Này là thư của một người tự xưng tên là Miên Hạ Sầu Nhân Thế. Huyên chưa hề biết mặt ông ta, nhưng nếu tình cờ đọc được những lá thư của ông, người chồng sắp cưới của cô thế nào cũng nghi ngờ giữa hai người đã nghĩa nặng tình sâu: “...Kiều Huyên yêu dấu, Anh vô cùng cảm động vì đêm qua, trước hơn một ngàn khán giả, em đã công khai tỏ lộ tình yêu của đôi ta qua vở Tình Hận Cúc Mai Nương. Nhưng đau đớn thay, khi vãn hát, anh đứng mãi ở cột đèn không thấy em ra. Phải chăng chiếc xe hơi của gã bác sĩ kia đã khiến em bỏ rơi anh trong bóng tối”.
Người đàn ông ký tên Tống Ngọc là người đàn ông đầu tiên chính thức đặt vấn đề tổ chức đám cưới với Huyên. Sau đêm diễn vở “Gió thu trút lá”, cô nhận được một lá thư với những dòng chữ ngã nghiêng trên giấy xấu: “Em! Sau khi đi một vòng Sàigòn - Chợ Lớn - Thủ Ðức - Bình Ðông nghiên cứu tất cả các nhà hàng lớn nhỏ, nay anh chính thức quyết định, với uy tín của anh và em, chúng ta nên tổ chức đám cưới tại nhà hàng Thiên Hải Môn, món thứ nhất Bát Tiên Quá Hải, món thứ hai Song Phụng Kỳ Duyên, món thứ ba Viên Nguyệt Hạ Lâu, món thứ tư Ngọa Long Sào... Dĩ nhiên, mọi chi phí đều do em, thiên thần của lòng anh, toàn quyền trang trãi. Phần anh, anh chỉ hứa với em, anh sẽ không bao giờ đánh em. Không bao giờ! Anh còn đề nghị thêm một điều nữa. Nếu anh chết trước, em cố gắng ở vậy nuôi con. Còn em mất trước, anh hứa, người vợ sau của anh sẽ không bao giờ đánh đập những đứa con của chúng ta...”.
Một trong những người có thư đều đặn hàng tuần cho Huyên là một giáo viên giảng dạy Toán: “Tụi học trò của anh hôm nay cứ tưởng anh điên. Anh đã ra đề toán cho cả lớp làm rồi tìm cách đi về cuối lớp để giở bức hình của em ra ngắm. Ðêm qua anh thao thức tới nửa đêm vì anh đã hiểu, chỉ có tình yêu nồng nhiệt với anh mới giúp em diễn xuất thần tới vậy. Sau đó anh nằm mơ, thấy em đang diễn ngoài sân khấu, anh bế con trong cánh gà nhìn ra, con khóc đòi mẹ, anh dỗ nó, nín đi con, nín đi con, mẹ còn lo việc nước non chưa về. Chớ không phải sao, ngoài ấy, em đang hiệu triệu những người đàn bà thù chồng nợ nước như em giương cao cờ khởi nghĩa...”. Chàng giáo viên giảng dạy Toán này còn có cả một tập lục bát chép tay, vẽ lại cảnh gia đình hạnh phúc của cô và anh ta mỗi khi chiều xuống...
Kiên trì nhất vẫn là Bảo Gia. Bao giờ nghĩ tới Bảo Gia trong lòng cô luôn có một nỗi nhói đau. Anh là một thi sĩ có tên. Cách đây hai mươi năm, những vầng thơ của anh đã được nhiều người ưa thích. Một người dì của cô đã đưa Bảo Gia tới gặp cô để nếu được, tiến tới hôn nhân. Gia đình Bảo Gia giàu có nổi tiếng ở miền Trung. Cùng với các anh em, anh học Ðại Học ở nước ngoài, biết nhiều thứ tiếng... Bảo Gia gặp cô ngay sau khi anh vừa gặp một tai nạn thảm khốc. Toàn bộ thư viện của anh vừa bị cháy sạch sau một trận bom... Anh nói chuyện với cô bằng một giọng điệu khẽ khàng lịch sự. Trước khi về, anh khẳng định: “Tôi với cô nợ nhiều nhưng duyên không có. Nhưng hãy yên tâm, tôi sẽ giới thiệu cô với thằng cháu của tôi. Nó cũng thông minh sáng láng như cô. Hy vọng hai người sẽ đẹp mối duyên lành”. Một tuần sau, cô đang làm mặt, bỗng nghe báo có thi sĩ Bảo Gia đưa cậu cháu tới, cô lật đật đi thay chiếc áo đẹp nhất của mình. Ông cháu quả rất khô ngô nhưng chỉ có mười tuổi. Cô nổi giận đùng đùng cho là Bảo Gia chơi xỏ mình, định mắng cho anh vài câu rồi bỏ vô. Bỗng cô bắt gặp cặp mắt của Bảo Gia đang say đắm nhìn cô. Cô chợt hiểu ra một nỗi bất hạnh lớn nhất đã đến với đời anh. Quả nhiên, chỉ vài tháng sau, cô được tin gia đình Bảo Gia phải gởi anh vào Dưỡng Trí Viện ở Biên Hòa.
Và thế là ròng rã suốt hai mươí năm nay, ngày sinh nhật nào cô cũng nhận được thơ của Bảo Gia. Thường là lục bát bốn câu:
“Kiều Huyên tiên nữ phiêu bồng.
Trung niên thi sĩ vân mồng cảo thơm.
Một hôm lần giở trước đèn,
Hai con mắt đỏ, giọng khèn mù sương...”
Kiều Huyên chẳng bao giờ hiểu nổi anh chàng thi sĩ nọ muốn nói cái gì, nhiều khi chỉ cảm anh như một đứa trẻ thò tay vốc chữ rãi bung lên trời để diễn tả nỗi cảm xúc quý mến cô...
Khi cô kể về những lá thư và những nhân vật ngộ nghĩnh này cho Bảo Tuyền nghe, Bảo Tuyền cười ngất. Tuyền cho biết, đa số những ái mộ Tuyền đều là con gái nhưng du côn cứng cỏi như con trai. Còn mấy người mê chị Trúc Phương Hoàng lại là các cậu mềm oặt như nữ nhi. Phần của Kiều Huyên là mấy ông điên. Tuyền kết luận: “Ai chứa điện nào thì hút điện người đó!”.
Vô nghĩa biết bao những dòng chữ tỏ tình, những lời cầu hôn, những ý thơ tỏ lòng ngưỡng mộ của những người cô không hề được gặp... Nhưng sao cô nghe lòng bỗng mềm đi, tim như một sợi tơ đàn chùng xuống khi hôm qua cô châm ngọn lửa thiêu hủy đi những bức thư của một thời con gái...
Thời con gái của cô đã kéo quá dài. Nên bây giờ cuộc sống một mình như đã là một thói quen khó dứt. (Dĩ nhiên, chỉ là một mình với bóng cô sau mỗi đêm diễn nhưng vẫn là cô với đông khán giả trong khán trường, trong đời riêng qua những dòng thư).
Cô đã đốt thư trong một chiếc chậu sành và nhớ lại vở cải lương mình đã đóng: “Nàng Ái Cơ trong chậu úp”. Cô vợ yêu của Tổng Trấn đất Hà Tiên bị vợ lớn ghen ghét nhốt trong chiếc lu sành vào mùa khô, suýt chết. Tổng Trấn về kịp cứu nàng thoát chết nhưng nàng chán cảnh đời ghét ghen hãm hại nhau nên đã xin người chồng cho nàng thí phát quy y.
Những cảnh đời mà Kiều Huyên thường đóng trên sân khấu mới éo le cay đắng làm sao! Ðời riêng của Kiều Huyên lâu nay thì tương đối nhẹ nhàng hơn. Cô sống hiền lành bên sự giám sát của mẹ cô. Nhiều người đổ thừa cô chậm lấy chồng vì mẹ cô canh chừng cô kỹ quá. Còn những ai mà mẹ cô đồng ý thì nhà chồng tương lai lại chê nghề của cô là “Ðời ca hát cho người mua vui!”.
Mã đến với cô khi mẹ cô vừa mất. Nếu mẹ cô còn, Kiều Huyên tin mẹ cô cũng vui mừng khi có một chàng rể như anh. Mã gốc người miền Trung nhưng tiêu xài rộng rãi như mấy cậu công tử miền Tây Nam Bộ thuở xưa. Anh là một kỹ sư nhưng bỏ nghề đi làm giao dịch thương mại cho một hãng buôn của Ðài Loan nhờ cái vốn tiếng Anh có được. Kiều Huyên không rành lắm về công việc của Mã. Chỉ thấy anh bận bịu thường xuyên và gần đây rất nhiều khi hẹn rồi lại cho người mang hoa đến xin lỗi.
Huyên ngó đồng hồ. Ðã bảy giờ tối rồi. Cô không đợi được. Huyên kiếm cặp kính đen thật to để ít người nhận ra cô rồi kêu xích lô đạp tới rạp. Cậu bán báo dạo trờ tới. Cô mua cho nó một tờ vì lời rao khá hấp dẫn: “Tin đặc biệt cho giới sân khấu đây! Sau ba mươi tám năm cô đơn. cô đào Kiều Huyên chuẩn bị bước lên xe hoa với một kỹ sư đẹp trai tới bến bờ hạnh phúc”. Ảnh cô và Mã đăng ở bìa sau, khi Mã vừa mở cửa sau cho cô, hôm cô đi lãnh giải về những giọng ca hay nhất trong năm do báo Tiếng Vọng Hậu Trường tổ chức.
Ðêm nay cô diễn tại rạp Thiên Thai. Nghe nói rạp này sắp sửa được những người Hồng Kông, Ðài Loan gì đó mua sửa lại làm khách sạn vũ trường. Anh bảo vệ cho biết có hai người đang ngồi chỗ bán vé đợi cô. Cô ngó theo tay anh chỉ. Một nữ và một nam lạ hoắc. Cô nói:
- Anh cứ cho họ vào bàn phấn của tôi.
- Ai vậy cô?.
- Ai cũng được, tôi có biết họ là ai đâu! À, được bao nhiêu vé rồi?.
- Dạ hơn bốn trăm.
- Khá quá vậy?.
- Chắc họ nghe tin rạp sắp bị đập, tới coi để chia tay...
Thời buổi này, được hơn bốn trăm vé là cả đoàn mừng ghê lắm. Mừng nhất là cô, dù cô sắp bỏ nghề theo yêu cầu của Mã. Cô cứ sợ mình lớn tuổi, không còn được khán giả ưa chuộng nữa. Cô uống thuốc lần thứ hai để dằn cơn cảm mạo xuống.
Người đàn ông vào phòng cô trước, trịnh trọng đặt trước mặt cô hai tờ giấy. Cô liếc sơ những chữ lớn in đậm ở trên. Một tờ là “GIẤY LY HÔN”, còn một tờ là “GIẤY XUẤT VIỆN” do một bệnh viện tâm thần cấp. Cô ngó người đàn ông trong gương, bấy giờ anh ta mới chậm rãi nói:
- Kiều Huyên à, tôi muốn kết hôn với cô!.
Kiều Huyên mời anh ta ngồi và kêu nước cho anh uống. Bụng cô nói thầm: “Lại một anh Bảo Gia nữa rồi!”. Cô chấm những vết phấn màu hồng lợt đều trên khắp mặt, chuẩn bị xoa lan và chuẩn bị vài câu xã giao với ông khách thì người đàn bà khi nãy ngồi gần chỗ bán vé chạy ào vào. Kiều Huyên mời ngồi, bà không ngồi. Bà đứng đó, mặt tái lét trong nỗi giận dữ cùng những lời thốt ra, nhỏ thôi, nhưng cay độc:
- Té ra cô là Kiều Huyên, khôi nguyên vọng cổ, đệ nhất, đệ nhị đào thương gì đây hả? Cô lên sân khấu giở giọng kèn tiếng uyển ru ngủ bao người chưa đủ sao mà còn đi quyến rũ chồng tôi. Phải, anh Mã là chồng tôi, dù chúng tôi ăn ở với nhau không có hôn thơ giá thú nhưng chúng tôi đã có với nhau mấy mặt con. Ðồ táng tận lương tâm! Ðúng là xướng ca vô loài!.
Kiều Huyên bỗng dưng phẩn nộ không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà Mã dấu chuyễn anh đã có vợ con. Vậy là đám cưới sẽ không thành. Nhưng các điều đó không khiến cô buồn bởi vì vừa khi biết Mã lừa dối mình, cô đã hết thương anh ngay. Cô chỉ nổi giận thật sự vì bốn chữ “xướng ca vô loài” bà ta vừa thốt. Cô chỉ muốn làm một cái gì đó cho hã tức. Phải chi là đàn ông, cô chửi thề một tiếng thật ngọt, Hoặc là đấm vỡ gương trước mặt mình. Cô muốn nói với người đàn bà. Bà không được quyền sỉ nhục nghề của tôi. cái nghề này vô tội. Có tội chăng là những người đóng kịch ngoài đời để lừa dối người khác như người đàn ông mà bà gọi là chồng.
Những người bạn diễn biết “có chuyện” nên lảng vảng tới gần định can thiệp, đẩy người đàn bà ra ngoài. Kiều Huyên bình tĩnh:
- Cứ để mặc tôi và bà ta!.
Cô tiếp tục xoa đều những vệt kem nền. Chuyện gì chuyện, ta cũng không thể quên hơn bốn trăm khán giả.
Dường như chưa đủ để dứt một tấn tuồng, một cô gái khoảng mười bảy chạy vô:
- Má ơi, lộn rồi! Ba mới rút mấy triệu để sắm hột xoàn cho con vũ nữ kia chớ không phải cho bà này. Ổng đang đưa nó đi nhảy trong Chợ Lớn đó...
- Nhưng tại sao báo lại đăng tin con này với ổng?.
- Má mắc mưu “dương đông kích tây” của ổng rồi. Ði lẹ lên để bắt ổng tại trận má ơi!..
- Chớ không phải mớ đồ nó đang đeo...
- Má buôn hột xoàn lâu nay mà còn lầm sao? Ðồ giả để diễn tuồng mà...
Thế là hai má con te te đi. Không một lời xin lỗi Kiều Huyên. Tay cô tiếp tục xoa đều kem trên nền mặt. Nước mắt thì ứa ra như những mội nước ngầm vỡ mạch, nhạt nhòe son phấn. Bỗng dưng cô nhớ mẹ quá đỗi.
Còn năm phút nữa mở màn. Rồi còn nào vẽ mắt, vẽ môi, vuốt hai đường sóng mũi. Cũng may là cô sẽ ra cuối cảnh một. Khi vua Hán cần vời cô gái trong tranh có tên Vương Tường, tự Chiêu Quân cho ông diện kiến. Kiều Huyên ơi, có tới hơn bốn trăm khán giả đang chờ ngoài kia lận.
Người đàn ông hồn nhiên, lập lại:
- Kiều Huyên à, tôi muốn cưới cô!.
Huyên như vớ được mảnh ván trôi giữa dòng nước xiết. Ðiểm bám tâm lý cho buổi diễn đêm nay đây rồi. Ngoài hơn bốn trăm khán giả ngoài kia, còn là những người luôn ở tư thế sẵn sàng làm người yêu của cô như thi sĩ Bảo Gia, như Miên Hạ Sầu Nhân Thế, như Tống Ngọc, như anh giáo viên dạy Toán, như Huỳnh Tương... Những người tình đến từ trăm năm ngàn kiếp. Những người tình rất đổi thủy chung.
Mắt cô ráo hoảnh tức thì. Cô vẽ màu nước đen lên một con mắt. Nhớ đến đống tro vụn cô vừa thiêu hủy hôm qua. Ôi cần gì! Những câu thơ, lời chữ cô đã thuộc nằm lòng. Kìa đã xong một con mắt đen muồi. Một con mắt xanh xao mất ngủ. Một con mắt đen khóc. Một con mắt cười. Cám ơn biết bao những người tình đến từ trăm năm của tôi.
Anh đài trưởng đến hỏi nhỏ:
- Kiều Huyên, diễn được không?.
Cô đứng dậy:
- Ðược mà, tôi diễn được mà. Tôi đi thay quần áo đây. Út Châu chuẩn bị làm đầu cho chị!.
Út Châu nhắc:
- Chị mới vẽ một con mắt đó!.
- Ừ, chị sẽ vẽ sau, kịp mà!.
Huyên cười ngất khi tưởng tượng Chiêu Quân ra sân khấu với một con mắt được vẽ. Những câu thơ của Bảo Gia bỗng hiện lên trong tâm tưởng cô:
“Bỏ người yêu, bỏ bóng ma,
Bỏ hình hài của thiên nga trên trời.
Bây giờ riêng đối diện tôi,
Còn hai con mắt khóc người một con”(+)
Tags: aitriamdo Edit Tags
Thursday October 25, 2007 - 04:36am (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for October 26, 2007
Comments(4 total) Post a Comment

Lalat…
Offline
Cám ơn chị rất nhiều.Em vui vì nỗi lòng mình được đọc.Chị à..đêm qua em có giấc mơ nên giật mình tỉnh giấc.Giấc mơ có trong chi tiết của truyện..Mã đã có vợ con...Choáng tỉnh thì đọc đúng điều này...sao thế nhỉ??? Mà thôi..dù sao đi nữa thì em cũng đã quay lại với chính mình..
Wednesday October 24, 2007 - 04:25pm (PDT) Remove Comment

Tran …
Offline
Hahaha..Chị vui quá ! Hồi trước lúc chị chưa đi Cảnh Đôn có nghe vụ án này..hehe giờ nghe tin giật mình thì đúng là "trái tim chưa ngủ yên" !Nghệ sĩ tụi mình khổ là vì vậy !
Thursday October 25, 2007 - 06:38am (ICT) Remove Comment

8Fieu
Offline
@Lalatung. Riet roi khong biet Mo voi Doi, cai nao Dep hon. Bao Dam sao vu an nay em dien Bi+Hai kich deu hay hon.@TranCanhDon. His Mom da tu ngoai kia vao gap my Mom. Neu khg stop chac gio minh fai chuan bi di tham nuoi
Thursday October 25, 2007 - 11:02pm (ICT) Remove Comment

Tran
Offline
tung cau chuyen cua co luon chua day sac mau cua phan nao do trong cuoc song - ko buon lien , nhung ma nga'm tu tu Y_Y ..ac !
Monday October 29, 2007 - 07:54pm (PDT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home