Entry for September 15, 2007
Bao Nguoi Dai Bieu Nhan Dan (17/07/2007)
Chung một ngôn ngữ mẫu tính (Phần cuối)
“Mẫu tính” ảnh hưởng sang những lãnh vực khác? Khi mang được tính mẫu này vào những lãnh vực khác trong cuộc sống, tôi tin rằng cái Ác, lòng Tham sẽ giảm nhiều. Khi ấy người ta sẽ biết cách sống hơn, bớt sân si ganh ghét và gây hấn với nhau hơn, biết hy sinh hơn, biết cho hơn, biết tự hỏi sẽ làm gì cho mẹ và con của mình hơn là đòi hỏi những người thân yêu ấy phải chết đi cho mình được sống.
Một biên kịch nước ngoài, sau khi quan sát tình hình điện ảnh ở Việt Nam đã nói đùa:Một đất nước đã chiến thắng hai cường quốc là Mỹ và Pháp như Việt Nam không ngờ nay lại bại trước các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Hoa trên Mặt trận điện ảnh...Năm 2004, vở Giữa hai bờ sương khói của tôi có cho thấy một số lớn tuổi trẻ ở nước tôi không nhớ nhiều lịch sử Việt Nam trong lúc khá am tường sử Tàu và đam mê các ngôi sao Hàn Quốc nhờ hệ thống ti vi và quảng cáo.Phải, khi đi dạy học, tôi đã từng khóc trước mặt sinh viên chỉ vì khi hỏi ra các bạn trẻ ấy quá mù mờ về lịch sử lẫn địa lý của nước mình. Họ rất ít biết những người có tên đặt trên những con đường họ đang đi qua thì còn mong gì họ nhớ đến những anh hùng, liệt nữ vô danh khác mà vì nhiều lý do không thể ghi hết sự hy sinh của những người đã chết để cho thế hệ hiện tại sống còn.Đánh thức “mẫu tính” nằm ở mỗi công dân để các lãnh vực khác có những tiến bộ hơn về nhận thức là một công việc sẽ chỉ mang lại hiệu quả tốt nếu chính những người cầm quyền cũng có trái tim người mẹ, lý trí người cha và tầm nhìn vượt mọi biên giới, đầy tình thương và trách nhiệm của những người cõng trên lưng trọng trách sự sống và tương lai của cả một dân tộc có một quá khứ đáng tự hào.Tiếng nói nữ trong kịch nghệChọn sân khấu làm phương tiện diễn đạt, là một phụ nữ, sẽ có nhiều ưu thế và cũng khá nhiều thất thế.Đa số tác phẩm văn học học nổi tiếng ở Việt Nam, ngay cả do những người đàn ông sáng tác, đều phải chọn nhân vật trung tâm là phụ nữ để gửi gắm vào đó tâm trạng và khát vọng của chính mình.Phải chăng phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp, tính Thiện và cả sự Chân Thật? Và khi các lý tưởng đó bị xúc phạm, dù thành công hay thất bại trong việc bảo vệ và nâng cao Chân Thiện Mỹ thì số phận của người phụ nữ dễ lay động những người thưởng ngoạn hơn?Nhưng cho dù những người đàn ông có quan sát thấu tình, đạt lý tinh tế đến đâu vẫn khó thể chạm đến những điều sâu thẳm trong đáy tâm hồn của phụ nữ bằng chính những người trong cuộc.Sống trong một đất nước có quá nhiều tấm gương đẹp của các bậc anh thư, tôi chỉ mong sao tâm tình, nỗi đau của họ được truyền đến đời này để chúng tôi tiếp tục có những hành vi sống đẹp.Dương Vân Nga đã phải là hoàng hậu của cả hai vị vua để giúp cho đất nước thoát nạn ngoại xâm. Hằng năm khi mang chiếc kiệu của bà từ đền vua này sang vua kia trong ngày chết, người ta vẫn còn quất vào chiếc kiệu ấy vì tội đã lấy hai chồng.Cách đây đúng 700 năm, Huyền Trân, một công chúa cũng phải sang nước khác làm hoàng hậu để đổi lấy phần đất khá lớn và về sau mảnh đất này được chọn làm kinh đô của triều đại cuối cùng.Năm 2003, trong vở The Missing Woman (Người đàn bà mất tích) được mời sang diễn ở Manila, giờ chót tôi bị đề nghị phải bỏ hình ảnh của hai phụ nữ này (Dương Vân Nga và Huyền Trân) thì vở mới được duyệt đi. Là một phụ nữ sáng tác, tôi đã chứng kiến, không chỉ ở ta, mà ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nữ đồng nghiệp của tôi phải bỏ nghề, thậm chí bỏ xứ vì bị khuấy rối tình dục, vì bị phân biệt đối xử so với đàn ông. Có người vẫn theo nghề thì phải giả ngu, giả điên hay biến thành người vô cảm trong những giai đoạn cần thiết; thậm chí biến cả thành đàn ông để tồn tại.Riêng tiếng nói của một phụ nữ trong kịch nghệ, khi có thể tồn tại được, thường mang trong nó một giá trị kép, vừa nói giúp được thân phận phụ nữ tượng trưng cho những phần thân thể của đất nước bị bạo hành bởi cái Ác, lòng Tham, còn là tiếng thét câm của những người phụ nữ trong cơn “đau đẻ” sáng tác để có được những đứa con toàn vẹn ra đời.
Khác biệt trong ngôn ngữ “nghệ sĩ” giữa những cộng đồngPhụ nữ trên các quốc gia luôn chiếm một số đông hơn nam giới. Phụ nữ làm nghệ thuật có thể không nhiều nhưng ngôn ngữ của họ luôn là ngôn ngữ của số đông. Bởi vì khi lao vào lĩnh vực nghệ thuật, đàn ông ít nhiều cũng đã để lan tỏa “mẫu tính” trong tác phẩm của mình. Dùng ngôn ngữ của số đông để nói giúp luôn những vấn đề của phần còn lại của thế giới, ngôn ngữ tràn đầy “mẫu tính” của những nghệ sĩ sẽ vô cùng thích hợp để giúp cho những cộng đồng thông hiểu nhau hơn dù họ đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau.Gần đây, để viết một kịch bản phim, quanh việc nghiên cứu văn hóa của một dân tộc trước đây có lãnh thổ nằm trong đất nước mình, chúng tôi cũng cảm động nhận ra là đã có một số tiếng của người Indonésia (Bahasa Indonésia) thông qua ngôn ngữ Chăm đã tồn tại trong ngôn ngữ Việt (như các chữ pulao, ibu, susu... là cù lao, mẹ, cục cưng). Dòng thơ lục bát trước đây chúng tôi ngỡ chỉ là đặc sản của dân tộc Việt, sau này mới biết, người Chăm đã có từ lâu, chỉ chệch một chút gieo vần ở chữ thứ tư chứ không phải chữ thứ sáu, câu bát.Trong hoàn cảnh nước tôi, đôi khi cùng một vấn đề, nhưng sử dụng một vở kịch nước ngoài sẽ dễ được duyệt hơn. Năm 2004, qua một vở kịch của Trung Quốc, chúng tôi mới truyền được thông điệp: “Điều mà vua chúa cần là mong có nhiều tôi tớ để hầu hạ họ chứ không phải cần những hiền thần góp tay giải nguy cho đất nước”. Tuy nhiên, được nói bằng ngôn ngữ của mình về những vấn đề gan ruột của 80 triệu người dân nước mình, vẫn khiến chúng tôi hạnh phúc hơn mượn lời một dân tộc khác. Tôi cho đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên của tôi có học nhưng… dễ quên nhanh sử Việt. (Trong thực tế, khi nhờ kịch nước ngoài “nói giúp” cũng chẳng dễ dàng gì. Trong số những vở nước ngoài tôi phóng tác và dựng cũng đã có vài vở không ra đời được).Vấn đề nằm ở chỗ, như đã nói, giữa chúng tôi và hội đồng kiểm duyệt ấy tuy dùng chung ngôn ngữ Việt nhưng vô cùng khó khăn để thấu hiểu tim gan nhau. Nhưng dù ngôn ngữ có khác biệt đến đâu, chúng tôi vẫn tin rằng sống trên trái đất này, mỗi một con người đều do một người mẹ sinh ra, đều hưởng nhiều điều tốt đẹp từ sự hy sinh của người mẹ, nên chẳng ai trong chúng ta muốn phải nhúng tay vào những điều làm tổn thất, xúc phạm đến cái Đẹp, cái Thiện cùng sự Chân Thật.Nhu cầu khám phá của toàn cầu, cuối cùng vẫn phải đi đến một mục đích lớn là giúp con người sống với nhau có trách nhiệm hơn, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau và tử tế với nhau hơn. Với mục đích đó, không gì thích hợp bằng dùng ngôn ngữ tràn đầy “mẫu tính” là loại ngôn ngữ mà trong lúc nam giới còn phải khổ luyện thêm thì trong mỗi phụ nữ như chúng ta đã được có sẵn.Khi chọn con đường sáng tạo chông gai này, dĩ nhiên chúng ta không chỉ dựa vào những gì thiên phú mà còn phải khổ học nhiều hơn nữa, ngày mỗi ngày, nung một ý chí và não bộ tinh luyện hơn để vượt mọi thế lực muốn dập tan lửa sáng tạo, rèn một trái tim quả cảm hơn để chống mọi cám dỗ danh lợi đời thường, trữ một nhiệt huyết tiềm ẩn để nếu cần thiêu đốt ngay cả nhục thân ta để hướng về lý tưởng sống cho những tiếng nói câm lặng, những kiếp người còn oan khuất quanh ta.
Trái tim người mẹCó lẽ nhiều người đã nghe câu chuyện về người mẹ đã rứt ngay tim cho cậu con trai, khi theo yêu cầu của người yêu, cậu đòi có được tặng phẩm độc đáo đó. Và có lẽ các bạn cũng nhớ, trên đường hấp tấp mang trái tim của mẹ đến cho người yêu, cậu đã bị vấp ngã, quả tim trên tay rơi rớt bầm giập nhưng câu hỏi đầu tiên của trái tim ấy bật ra là:- Con có đau không, con?Để kết thúc bài này, tôi xin phép được thay mặt bà mẹ trái đất ấy và những nghệ sĩ phụ nữ, hỏi những người đang muốn dập tắt ngọn lửa sáng tạo và tấm lòng thành tha thiết yêu mến quê hương và cuộc sống này của chúng ta câu hỏi đầu tiên và cuối cùng đó:- Con có đau không, con?Xin chúc mừng những phụ nữ nghệ sĩ đại diện những nghệ sĩ phụ nữ khác không có mặt hôm nay. Chúng ta đã tặng đời những tác phẩm của ta lẫn những vết thương đi kèm theo những đứa con tinh thần ấy. Nếu không có một sự kiên trì, trầm tĩnh, nhẫn nại… vẫn tiềm tàng trong những người nữ, do thiên chức làm mẹ đã được trời phú sẵn cho mình, bạn rất khó đi đến cùng con đường mà mình đã chọn. Con đường mà dường như người ta chỉ dễ nhìn thấy giá trị của nó khi bạn đã chết đi, như số phận của đa số những bà mẹ của chúng ta.
Nguyễn Thị Minh Ngọc
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home