Entry for September 15, 2007
Day la ban goc cua Tran Nha Thuy
NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ MINH NGỌC: “TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY ĐỂ TẠ LỖI VỚI NHỮNG NGƯỜI ÂM”…(!)
Nguyễn Thị Minh Ngọc là một phụ nữ đa đoan và nhiều “danh phận”. Nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, diễn viên v.v…ở vai trò nào chị cũng “diễn” hết mình theo đúng chữ diễn (như đang diễn ra) của đời sống. Nhưng, thầm lặng và sâu lắng nhất đối với chị có lẽ là những trang viết văn chương. “Ky sự người đàn bà bị chồng bỏ” là tác phẩm văn chương mới nhất mà chị vừa hoàn thành, sẽ được Công ty Văn hoá Phương Nam-NXB Hội Nhà văn ấn hành vào cuối tháng 8 này. Trong mọi trường hợp, Nguyễn Thị Minh Ngọc chưa bao giờ xem việc mình làm là “nghiêm trọng”, như cách đây không lâu trả lời trên T.Trẻ, chị đã nói là mình chỉ muốn “tào lao” với nghệ thuật. Dù biết “tào lao” là ngôn ngữ của sự “ngộ”, nhưng vẫn tò mò muốn biết cuốn tiểu thuyết sắp ra mắt này có phải là thêm một “cú tào lao” nữa không?. PV đã có cuộc trò chuyện với chị…
Thưa chị, “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ” được ghi là tiểu thuyết. Nhưng được biết, đây là cuốn sách có & hơn 90% sự thật. Vậy, có thể xem đây là tự truyện hay “chuyện đời tự kể” của chính tác giả không?
Phần một là chuyện của một cô diễn viên kịch nói, rồi chuyển sang diễn cải lương, sau đó cô phải chuyển sang đi diễn tấu hài, và cuối truyện cô tham gia một loại gần với performing art. Phần hai là chuyện kể của của khá nhiều phụ nữ khác, kẻ bỏ chồng, người bị chồng bỏ. Tôi không phải là Tôn Ngộ Không để có thể phân thân thành nhiều phụ nữ trong cuốn tiểu thuyết này. Nếu có thể viết tự truyện hay “chuyện đời tự kể” của chính tmình, tôi tin là sẽ có nhiều yếu tố giật gân, gay cấn (hãy hiểu hai chữ này theo cách dùng của Bùi Giáng) hơn cuốn sách này nhiều.
Ðiều đáng đề phòng không phải đây là chuyện riêng của mình đem phơi ra cho công chúng coi mà tôi đang chờ không biết mình có sẽ bị gặp tai nạn nghề nghiệp nào không? Có lần sau một truyện ngắn của tôi đăng trên báo Sài Gòn GP, nghe nói có một người đàn ông tới toà soạn đòi xin tí huyết của NTMN. Chỉ sợ một ai đó thấy thấp thoáng bóng họ trong những nhân vật mà họ cho là không thú vị.
Như vậy, trong cuốn tiểu thuyết này sẽ có những chỗ mang “tính chất của sự thật” và liên quan đến “người thật việc thật”?
- Những lọ thủy tinh đựng những bào thai dị dạng và những phụ nữ chết vì thai trứng thì có thật. Tôi đã được thấy trong thời gian vào Bệnh Viện Từ Dũ viết và dựng cho bác sĩ và y tá ở đó.
- Vết xăm trong háng của bạn tôi là có thật dù trong bản sửa cuối tôi đã cho nhân vật cào đi và quên mình đã xăm gì.(có thể tham khảo thêm ở bài “Vết xăm của Thịnh” đã đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật tháng Năm-2006)
- Người đàn bà trần truồng đứng hát bài hát trước đây mình thường hát trước nhà hát thành phố này vào những năm sau 1975 là có thật. Có vài nhà văn đã viết thành truyện ngắn rồi, thậm chí một cô bạn của tôi còn muốn làm film.
- Có lúc tình cờ mà cô đào chánh của CLB Ba Thế Hệ, cô đạo diễn và … tôi lần lượt xuống tóc. Nhiều tin đồn mang tầm vĩ mô gán cho chuyện này. Các bạn sẽ thấy một chuyện tương tợ nằm trong một vở diễn ở cuối truyện.
- Cô giáo dạy đạo diễn của tôi chết vì giao thông vào tháng Sáu -1989 và gia đình một người tác giả bạn tôi mất cũng vì giao thông vào cuối tháng Tám -1988.
- Chuyện sắm nhiều áo cưới rồi trục trắc vào giờ chót, thậm chí người định làm chú rể mất ngay trong ngày cưới thì tôi ứng tạm cho một nhân vật phụ mượn thành chuyện của cô ta trong cuốn này.
Ngoài ra, những chuyện như vợ chồng giả bộ bỏ nhau để chồng kết hôn giả với người khác, chuyện chồng năn nỉ vợ cho “thử” với người làm để lấy kinh nghiệm thì đầy ở các tin lặt vặt trên mạng và báo giấy khắp nơi; chuyện ma ở các trường cai nghiện thì truyền nhau nhiều ở các học viên..
“Người đàn bà bị chồng bỏ”-một cái tựa nghe có vẻ “câu khách”. Nhưng hình như đây là điều mà chị muốn nhấn mạnh. Vậy xin hỏi: “bị chồng bỏ” là xét về mặt biến cố đời sống vào thời điểm đó hay nhìn trên phương diện trạng thái tinh thần, hay bao quát cả toàn bộ cuộc đời?
Nếu cần “câu khách” thì trong đây có khá nhiều đoạn có thể phát triển thêm để câu khách hơn cái tựa này nhưng tôi đã không đi sâu vào đó. Ví dụ, chuyện “chiếu chăn”, chuyện nhân vật chánh đã có lúc mang tiếng là “bai” (vừa là dân đồng tính nữ - lesbian- nhưng vẫn có khả năng sinh hoạt vợ chồng như các phụ nữ khác). Bản thân tôi cũng được vài “cô gái” ở nước ngoài về VN tìm vì tưởng tôi có khả năng đó.
Từ thắc mắc của bạn: “bị chồng bỏ” là xét về mặt biến cố đời sống vào thời điểm đó hay nhìn trên phương diện trạng thái tinh thần, hay bao quát cả toàn bộ cuộc đời?
Tôi hy vọng rằng cuốn truyện như tấm gương để mọi người có thể “đối mặt vào đó”, rồi có “vỡ một lần cho xong” hay không là tùy cơ duyên của mỗi người.
Ðược biết, đây là cuốn tiểu thuyết chị khởi viết từ năm 1985, cho đến nay đã hơn 20 năm. Ðiều gì khiến chị gián đoạn, chậm rãi như thế. Trong khi đó có thể nói, chị lúc nào cũng làm việc “tốc độ”. Có phải vì những trang viết của chính chị làm chị đau lòng, hay chị sợ làm đau lòng những người khác?
Khoảng những năm tháng đó, tôi vướng phải một căn bệnh lạ lắm. Lúc nào cũng cảm như có máu róc rách chảy ra khỏi người; có khi chảy giữa hai chân, có khi cảm như là máu chảy ngầm trong não. Viết lúc ấy như một cách tự chữa bệnh cho mình. Bác sĩ lúc ấy chia làm nhóm:một nói cứ để vậy rồi sẽ hết, một nói cần phẩu thuật ngay. Thậm chí tôi còn đi coi thầy bói để xem có nên phẩu thuật không. Ðến lúc tôi bị cấp cứu vào nhà thương, mọi thứ ổn định hơn, rồi một nhân vật mà tôi đang muợn mẫu để viết trong đó lại bị chết bất đắc kỳ tử, khiến tôi xếp tất cả lại.
Sau gần hai mươi năm, nhân vài người thân và bạn cũ ra đi trước tôi nhanh quá, tôi thấy mình có lỗi khi chưa tặng điều gì tử tế cho những người ấy, bèn soạn lại cuốn truyện này, viết một mạch Phần Hai. Một trùng hợp, cuối tháng Tám này, khi cuốn sách được ra đời, cũng là lượt giỗ thứ 19 của gia đình bạn tôi.
Chị là người đi nhiều, tiếp cận văn minh Phương tây nhiều, hiện lại sống ở Mỹ. Xét ở khía cạnh nào đó, chị là người tiếp thu rất nhiều cái mới mẻ, trong đó có cả kỹ thuật viết. Trong văn chương, người ta vốn xem trọng yếu tố “lời sau lời”. Nhưng dường như chị vẫn thích được là “người kể chuyện”?
Như đã nói, tôi viết cuốn này để tặng, đúng hơn là để tạ lỗi, với những người âm, vì mình đã không chăm sóc họ đúng mức khi họ còn sống. Người âm thì không cần phải “câu khách” vì họ đang là chủ nhà; khách chỉ là chúng ta thôi. Chỉ mong những độc giả tri âm của mình sẽ kịp xem khi người viết và đọc chưa bước sang cõi ấy. Có lẽ với “người âm” được nghe một câu chuyện kể thì thú vị hơn chuyện mà bạn cho là “lời sau lời”.
Tôi cũng không có nhu cầu phải chạy theo những kỹ thuật viết mới. Tôi chỉ chọn những cách viết nào có thể chia xẻ được những vấn đề hiện tại của những tâm hồn gần gũi với mình. Một bạn nghiên cứu âm nhạc ở New York nói với tôi cải lương Việt Nam chính là một loại blue-jazz. Hiện tôi đang viết lại tích Thanh Xà Bạch Xà cho sân khấu Idecaf mà trong vở tràn đầy những lời thơ của Ðỗ Phủ (một nhà thơ được cho là chống cường quyền, yêu nước và yêu đồng bào tha thiết - hy vọng khi ra diễn vẫn còn nguyên).
Tôi cũng không quên độc giả của tôi còn là khán giả. Riêng với tôi, đặc biệt còn có hai loại độc giả, loại X, thích những chuyện tôi viết trước 1975 thì chê sau 1975 tôi viết dỡ quá và loại Y cho rằng sau 1975 tôi viết rõ ràng dễ hiểu hơn còn trước đây họ không hiểu tôi muốn nói gì?!
Chính vì vậy, bạn sẽ thấy cuốn sách có hai phần khá khác nhau. Phần đầu tôi cho cô Bội Bội Châu kể chuyện đời cổ, phần hai là những mẫu chuyện càng về cuối càng rời rạc lộn xộn như người kể là một thượng đế nào đó tâm thần cũng đang hoảng loạn; hay nói theo Shakespeare “một câu chuyện được kể lại bởi một tên khùng, đầy những âm thanh và cuồng nộ”. Ðoạn cuối lại là đoạn tôi thích nhất và thấy mình được là mình nhất khi viết. Cuốn này cũng đã qua tay một nhà xuất bản rồi chỉ vì nơi ấy đề nghị tôi viết lại phần hai.
Rất ít người biết (hay đã có nhiều người biết mà tôi không hay) hồi nhỏ xíu, khi từ Long Xuyên chuyển về Phan Thiết học mẫu giáo tôi đã bị gắn chữ khùng sau tên mình. Một thời gian làm việc bên sân khấu tôi cũng được khá nhiều người “âu yếm” gọi tôi là “Xúy Vân giả dại” . Nhưng xin đừng vì vậy mà xem chương Huyền Mi giả dại lại đoán nhân vật Huyền My đó là tôi.
Chị có nghĩ, mỗi cuốn sách ra đời cũng có số phận của nó, và số phận đó cũng “tương ứng” với số phận của tác giả hay không?.
Tôi chúc cho đọc giả của mình Cười khi xếp sách lại.
Nếu có ai cho rằng đây là chuyên bịa 90% , thậm chí tặng thêm một chữ Khùng nữa cho tôi thì biết đâu với tôi đó lại là điều an ủi nhất. Tôi cũng chúc cho nhà phát hành (dù chỉ được đứng tên ở bìa bốn) lẫn nhà xuất bản cuốn này đừng bị lỗ. Vậy thôi!
Tags: interview Edit Tags
Saturday September 15, 2007 - 08:13am (ICT) Edit Delete
Next Post: Entry for September 15, 2007
Comments(1 total) Post a Comment
NHON V
Offline
Tuy không phải là bản gốc, nhưng cũng hơn 1/4 trang báo, thấy cũng trang trọng lắm!
Sunday September 16, 2007 - 02:06pm (ICT) Remove Comment
Labels: Bai Goc cua Tran Nha Thuy
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home