Entry for September 15, 2007
Bai nay da dang tren Nguoi Dai Bieu Nhan Dan
Chung một ngôn ngữ mẫu tính (Phần một)
16/07/2007
Đại hội Phụ nữ Viết kịch toàn Thế giới bắt đầu được tổ chức từ 1988 tại New York, Mỹ. Sau đó cứ ba năm một lần, những phụ nữ viết kịch khắp thế giới lại có dịp gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm: 1991 tại Toronto, Canada; 1994 tại Adelaide, Australia; 1997 tại Galway, Ireland; 2000 tại Athens, Hy Lạp; 2003 tại Manila, Philippines. Xin trích giới thiệu tham luận của nhà văn và nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc tại đại hội năm 2006 ở Jakarta và Bali, Indonesia.
Sự diệu dụng và ngộ nhận của ngôn ngữ
Mỗi sáng, nhìn một lượt các tin tức khắp nơi trên thế giới, có lẽ các bạn thấy bên cạnh những tìm tòi để nâng cao cuộc sống con người thì máu vẫn còn đổ ở nhiều nơi vì khá nhiều ngộ nhận xuất phát từ chính kiến, niềm tin và cả từ sự không thấu hiểu nhau khi “bất đồng ngôn ngữ”. Cái chết và sự tàn phá lẫn nhau vì lòng tham ác, sân hận và ganh ghét nhau xảy ra khắp nơi không phân biệt nước đó giàu hay nghèo, văn minh cao thấp, văn hóa rộng hẹp nông sâu và người đó dùng loại ngôn ngữ nào để trao đổi. Nếu trái đất là một bà mẹ thì hẳn ngày mỗi ngày bà phải đau đớn lắm vì những vết thương gây ra trên cơ thể bà và trên cơ thể những đứa con của bà do chính chúng gây ra.Khi học năm cuối của Trung học, vì viết một vở kịch, từ một học sinh đỗ Thủ khoa khi thi vào trường, tôi đã bị đưa ra Hội đồng Kỷ luật và bị đuổi học. Trong vở kịch đó tôi đặt vấn đề: “Chưa chắc những người lớn tuổi hơn ta, như thầy ta, đã đưa ra những chân lý cho cuộc sống”. Cũng có nhiều giáo sư và bạn học của tôi ủng hộ tư tưởng đó. Họ đã bỏ học để ủng hộ tôi và bản án đuổi vĩnh viễn đã đổi thành đuổi một tháng. Bài học ngay từ đó là: ngôn ngữ là một cái gì rất diệu dụng và cũng rất dễ gây nên sự ngộ nhận.
Để giảm bớt ngộ nhận giữa những người cùng ngôn ngữ.
Mỗi quốc gia đều có một số vấn đề nhậy cảm của nó. Đặc biệt đất nước của tôi, nơi có câu chuyện mở đầu cho một dân tộc là cặp vợ chồng Việt đầu tiên, sau khi có với nhau 100 đứa con đã phải chia tay nhau, chồng đem 50 con xuống biển, vợ đem 50 con lên núi.Cùng một Ngôn ngữ Việt, nhưng không hiểu nhau là chuyện bình thường. Chúng tôi thường nói đùa với nhau khi có ai đặt vấn đề về Việt Nam, phải hỏi kỹ xem Việt nào? Việt Bắc, Việt Nam, Việt Trung hay Việt Kiều?Tôi muốn kể ở đây, một trải nghiệm nữa về một mẫu diễn có thể hiểu theo nhiều cách.Những khi đi một mình, tôi thường diễn lại những vai mình đã viết, dựng hay diễn để bằng một cách gián tiếp, giúp người xem có thể hiểu hơn một Việt Nam nói chung và một sân khấu miền Nam đầy phức tạp và nhậy cảm nói riêng.Một trong những cảnh tôi sử dụng là một người mẹ phải bỏ con trong chiến tranh để cứu sinh mạng của cả nghìn người. Đã có ít nhất năm cách nhìn khác nhau với trích đoạn này.- Ở những vùng quê, khán giả phải chèo ghe, đốt đuốc đến coi, những phụ nữ khóc vì thấy cuộc đời đầy hy sinh của chính họ trong đó.- Một nam khán giả trẻ ở Mỹ xem trích đoạn đó với chín trích đoạn khác do một mình tôi diễn thì đề nghị đàn ông Việt Nam đừng xem Minh Ngọc diễn vì anh nhìn thấy lời tố cáo sự vô trách nhiệm của đàn ông Việt Nam trong đó.- Khi diễn ở một hội nghị phụ nữ trong sân khấu ở Manila, những tiết mục của Việt Nam được cho là mélodrame.- Một người Việt ở Mỹ thì đề nghị tôi đừng diễn cho sinh viên Mỹ xem vì văn hoá Mỹ không chấp nhận mẹ bỏ con vì bất cứ lý do gì.- Một phụ nữ Việt ở Mỹ chưa được xem nhưng đã kết luận rằng tôi đã tôn vinh một người phụ nữ về sau làm chủ tịch hội phụ nữ ở Việt Nam với mục đích tuyên truyền cho chế độ hiện hành.Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu còn khoảng vài chục cách nhìn khác với trích đoạn đó. Ngay chính tôi, khi nhìn lại những điều mình làm, tôi còn có những cái nhìn khác nhau thì không trách chi những người khác. Đôi khi tôi nghĩ, người mẹ ấy chính là tôi, dù tôi chưa một lần sinh nở và sẽ không bao giờ còn được hưởng hạnh phúc làm mẹ, nhưng đứa con ấy có khác nào những tác phẩm của tôi, trong định mệnh khắc nghiệt của đất nước tôi, đôi khi chúng tôi phải bứt đi núm ruột của mình liệng đi, mặc tình sống chết giữa bão loạn bụi đời. Chỉ có một điều chắc chắn, khi sáng tác, tôi đã thành thực với điều mình làm.Thích ứng để tồn tại nhưng vẫn không được trá ngụy, phải chăng, đó là đặc tính của dân tộc tôi?Hãy hình dung một dân tộc có những cha mẹ sớm chia lìa như thế, nay trong nước đã vỡ oà ra trên tám mươi triệu dân. Rồi trong hai thiên niên kỷ qua, chúng tôi đã có khoảng 1.000 năm bị nước lớn phương Bắc tràn qua ảnh hưởng, khoảng 100 năm người Pháp vào xắn chúng tôi làm ba khúc Bắc, Nam, Trung. 1975, cái giá cho một Việt Nam thống nhất là nhiều sai lầm lẫn thù hận đẩy đưa mấy triệu người Việt trôi giạt ở nước ngoài. Rồi cũng chính mấy triệu đó đã có những đóng góp ngược trở về quê xưa nhiều tài sản vật chất lẫn tinh thần không nhỏ. Ở trong nước, hơn ba mươi năm hoà bình này chúng tôi đã phải đối diện với hai kẻ thù vô hình là cái Nghèo cùng cái Dốt (và hai cái này cộng lại dễ trở thành cái Ác).Nếu không có một cái nhìn rộng lòng của một người nữ, là con cháu của một bà mẹ tổ quốc đã từng rứt từ trong bụng của mình trăm đứa con liệng ra trăm hướng, thì những hận thù, gieo oán sẽ triền miên vạn kiếp không thôi.
“Mẫu Tính” hay con đường thứ ba để hiểu được và được thấu hiểu:
Có nhiều người cho là văn hoá Việt (cả đàn ông lẫn đàn bà) nghiêng về Âm tính, nhẹ phần lý trí mà nặng phần tình cảm, mang tính cách nghiệp dư hơn là chuyên nghiệp, nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng văn hoá của nước ngoài hơn là tự phát nội sinh. Tôi thích khái niệm “Mẫu tính” hơn là Âm tính.Khi bạn bị sống trong một ngôi nhà có quá nhiều chính kiến chỉ mong giải quyết bằng thù hận và vũ lực, quá nhiều những đứa con muốn yêu mẹ bằng cái cách riêng của mình (họ còn muốn “độc quyền” yêu và bày cho những người khác kiểu yêu mẹ sao cho giống hệt cách họ đang yêu bà mẹ tổ quốc chung đó).Bạn là một nghệ sĩ, lại là một nghệ sĩ phụ nữ, ngôn ngữ của bạn không thể là súng dao đối chọi với súng dao. Nhưng bằng trái tim người mẹ, cần phải mài sắc ngôn ngữ của mình để dạy con, để bảo vệ con và cả bảo vệ mình với con; những đứa con có thể giết ta. Mà tác phẩm đó cũng là con của ta thôi. Và cũng không được quên, những điều ta đang sáng tác đây còn vì những ruột thịt có miệng mà không nói được.Phải, tôi thường tự nhủ mình, hãy sáng tác vì những người không nói được. Theo tôi, những nam giới cùng nghiệp, cùng nghề, cũng sẽ có được ngôn ngữ tràn đầy “Mẫu tính” này nếu bên cạnh tài năng của lý trí, họ còn có được trái tim mẫn cảm và tầm nhìn khoáng đạt hơn của một người mẹ giàu tinh thần bao dung, trách nhiệm mà bây giờ phần lớn đàn ông Việt trong lẫn ngoài nghề đều rất thiếu.Cho đến hôm nay, tình cờ lại trôi giạt vào nghề ngiệp đầy nguy hiểm này, số lượng tác phẩm tôi được giải thưởng trong nước khá nhiều nhưng số tác phẩm gặp khó khăn, phải sửa đổi, thậm chí bị ngưng luôn cũng không phải là ít. Trong một bài phỏng vấn với tựa Tôi cám ơn những kẻ ghét mình tôi đã nói, như những bà mẹ thương những đứa con bất hạnh của mình, tôi phải yêu hơn những “đứa con” bị cắt mũi, chặt tay và thậm chí bị chết trong trứng nước. Điều đáng nói là đa số những người trong hội đồng kiểm duyệt ít khi có cùng chung ngôn ngữ với những người làm nghệ thuật. Nhưng nếu không nhờ sự không chịu thấu hiểu của họ chưa chắc tôi đã tìm ra một con đường thứ ba đầy khó khăn và thú vị. Nếu theo đường số một, khăng khăng giữ ý mình, tác phẩm sẽ bị cấm, không đến được khán giả (là những người mà nếu không có họ, tôi đã không sáng tác). Con đường thứ hai, cắt xén tác phẩm theo ý của hội đồng thì đó không phải là con của tôi nữa. Muốn tác phẩm không bị cấm và tôi không bị mất mình, tôi phải suy nghĩ sao để có một con đường thứ ba.Ví dụ, tôi có một vở kịch tên Sau cái mặt cười, trong đó nhân vật chính là Bạch, có khả năng đọc được những ý tưởng trong đầu người khác. Ai cũng muốn có anh ta trong tay để giúp họ; cô dâu muốn kiểm tra chú rể yêu mình hay yêu tiền của mình, người cha sắp chia gia tài cũng vậy, bọn xấu thì muốn dùng anh ta trong mục đích xấu. Bạch trốn vào nhà thương cũng bị mọi người vào đó truy lùng khiến anh phải trốn tiếp. Sau cùng, chúng đe doạ tính mệnh mẹ của anh để buộc anh phải ra mặt. Đoạn cuối vở kịch, bọn xấu có Bạch trong tay nhưng anh bị câm. Chín người trong Hội đồng kiểm duyệt đồng ý cho vở ra nhưng chỉ có một người thấy ý định của tác giả là: “Những ai biết quá nhiều phải câm miệng lại”. Ông đề nghị vở chỉ được cấp phép nếu tôi bỏ chi tiết Bạch bị câm vào cuối vở. Cuối cùng, tôi đã cho Bạch nói một chữ và vở được ký giấy. Nếu là các bạn, các bạn chọn chữ gì?Câu hỏi này tôi đã hỏi nhiều với những sinh viên. Có người nói: No!, người chọn: Why, Stupid, Crazy... Tôi chọn Mẹ! (Trong tiếng Việt, tùy cách phát âm, bạn có thể hiểu đó là tiếng kêu người mẹ thân yêu hay tiếng chửi tục khi bạn không thể dùng ngôn ngữ bình thường để nói chuyện được nữa).
Labels: Chung một ngôn ngữ mẫu tính
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home