Monday, July 13, 2009

Trinh Tiên . 3. NHẬP MÔN

Entry for March 21, 2008
3. NHẬP MÔN


Hai tuần đầu học quân sự, Tiên đã quen gần hết lớp. Nhiều lúc ngồi ngắm nghía, Tiên thấy có khối đứa đẹp hơn mình. Bỗng thấy mình nhỏ quá. Khóe miệng cong lên, quai xách! Lại điểm một sẹo nhỏ ở má trái. Nếu thấy Tiên tự soi kính hiển vi vào mình kiểu này, người đầu tiên phản đối chắc là ba. Nhiều lúc thấy ba kỳ vọng hơi quá đáng vào mình, Tiên vừa thương vừa bực. Hôm đi thi, Tiên cứ sợ mình hơi thiếu chiều cao là ba chỉ ngay cho Tiên thấy những cô mang guốc tấc hai, cả những cô lỏng khỏng như cò hương để kết luận:

- “Như con mới gọi là cân đối!”.

Ông kiếm ở đâu ra một câu kết luận như vầy nữa:

- “Những cô nào xinh đẹp hình như chẳng chịu thi vào trường này, trừ con ra, dĩ nhiên!”.

Khi kiếm ra được một số cô xinh xắn trong trường, Tiên thật sự mừng vì nhiều lẽ. Nếu được đứng đầu lớp, Tiên thích mình được đứng đầu về sự duyên dáng, thông minh hơn là nhan sắc. Ðã từ lâu, Tiên có ấn tượng những đứa đẹp lắm thì hơi đần một chút như luật bù trừ. Ðương nhiên, Tiên cũng không thích làm một đứa cực kỳ thông minh mà xấu như Chung Vô Diệm trong thời kỳ còn dị hình, dị tướng. Hơn nữa, như bọn con trai, Tiên rất thích ngắm những người nữ đẹp như những cánh hoa mà đặt nơi đâu cũng sẽ làm nơi ấy rực sáng lên. Má, là một ví dụ buồn, đã tợ như một nhánh hoa rũ héo khiến cả nhà Tiên u trệ hơn dù đã có lúc nhan sắc má sáng rỡ niềm vui .

Ở lớp Diễn viên Sáu của Tiên, và so với tất cả học sinh, sinh viên nữ trong trường, Tiên cho Thiên-Kiều điển cao nhất 20/20. Nó đẹp như những nhân vật Người Ðẹp trong phim hoạt họa Walt Disney (không kể tới con chó La Belle). Trên khuôn mặt nó nổi bật nhất là đôi mắt. Mắt to, ánh mơ màng, lông nheo cong vút cao, lúc nào cũng như sóng sánh nước, gợi nhớ câu thơ Kiều của Nguyễn Du :

”Làn thu thủy, nét xuân sơn.

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Miệng nó lúc nào cũng ở một tư thế nũng nịu, mũi cao tự nhiên, cân đối với khuôn mặt. Ở Kiều có một vẻ công chúa mà trẻ thơ. Nó “công chúa” hơn mình nhiều, Tiên nghĩ. Trông nó rất có dáng vẻ của một nàng thơ, sinh ra để những nghệ sĩ làm thơ, vẽ tranh ca ngợi. Mới ngó tưởng nó dễ tính là lầm chết. Nó là một đứa “bà cụ non” nhất lớp này. Con nhà giàu, luôn ở trong trạng thái bệnh tưởng, ít tiếp xúc ai, không biết sống hòa đồng một cách cố ý. Nhưng nhan sắc, sự ngây thơ của một đứa giàu từ trong trứng, ít giao tiếp của Kiều... đã khiến Tiên tha thứ được hết những câu nói ngớ ngẩn, hớ hênh thậm chí khinh mạn một cách vô tình của nó. Một con bé nữa, cũng đẹp không kém nhưng đường nét sắc và đậm hơn. Lông mày như hai vệt đen sẫm trên nền da trắng. Môi đỏ tươi. Tóc dài huyền hoặc. Con bé này hơi thấp và ăn bận màu sắc rối tung. Lông trên tay nó rũ mượt như tơ. Nói chuyện thì chán phèo như một con búp bê bằng sừ rổng ruột bên trong. Tên nó là Anh Hoa. Với cái lối nói chuyện khá vô duyên, nó lê la làm quen với toàn lớp và cả những lớp khác sớm hơn ai khác. Tiên cho điểm nhan sắc của nó là 19, trừ 5 điểm vô duyên, còn 14. Tóm lại, Tiên không thích nó.

Hà Phi cao nhất đám con gái, lại hơi gầy nhưng nhờ nét duyên ngầm nên Tiên đã nâng nó từ 15 lên 18 điểm. Tiên thích màu da nâu, tiếng hát và cách ngồi gãy guitar khá nghệ sĩ của nó. Bọn con trai cho là nó hơi dữ, có lẽ vì cặp mắt hơi xếch và cánh môi hơi mỏng của nó. Hồi còn học ở cấp hai, cấp ba, lọt vô lớp nào, Tiên cũng được một vài đứa tới bắt cặp làm quen để kết thân. Ở lớp này coi như Tiên đã được chọn bởi Hà Phi. Tiên có cảm giác ở nó có một cái gì đó bổ sung cho mình. Ðầu tiên, nó có vẻ rất giàu có hơn Tiên hai điểm này: nhiệt tình và trách nhiệm.

Trong nhóm những đứa con gái học xong cấp III đậu vào lớp này còn có Mã Yến, dân quận Tư. Yến có khuôn mặt khá “ngầu” nhưng hiền khô. Nó ăn bận thoải mái tới độ các thầy Giám thị phải nhắc khéo. Ăn hàng nhất lớp có lẽ là nó. Yến xài phóng tay dù nhà nó cũng chẳng khá giả gì. Mặt nó có duyên nhưng hơi bề xề. Ðây cũng là một trong những đứa khá hòa đồng nhưng không gây cảm giác giả tạo như Anh Hoa. Theo Tiên, con nhỏ này chơi được. Tiên chỉ cho nó 14 điểm nhưng lại bớt 1 vì hình thể chưa được chăm chút cúa nó. Tiên chỉ khuyên nó nên tập thể dục và tự hứa sẽ trả lại 1 điểm cho nó nếu ngày nào nó chắc thon người lại.

Trong bốn đứa chưa xong lớp 12, Lãm Thúy tách ra chơi một mình. Mặt nó sắc sảo, buồn lạnh. Sau này Tiên mới biết vì sao nó không thích chơi với ai. Gia tộc nó có một thời khá huy hoàng, nay đang sa sút. Trước đây, trong họ nhà Thúy có nhiều người nổi tiếng trong nghề này nên nay nó phải học ở đây như một cái nghiệp phải theo. Thúy tâm sự với Thi là nó luôn phân vân không biết có đủ sức theo suốt 4 năm không. Ðó là lý do nó luôn rút vào vỏ ốc cho chắc ăn. Tiên không thích nó lắm nhưng Tiên thấy Thúy là một đứa khá có cá tính. Tiên cho nó 16 điểm trên 20.

Ba đứa còn lại chơi bộ ba: Mộc Lan, Miên Phương và Hiền Chi. Lan còn có biệt danh ở nhà là Lan tồ, mắt một mí. Tiên thích chi tiết này ví mắt Tiên cũng không được to và cũng có lẽ nhờ vậy Tiên cho nó 15 điểm trên 20. Miên Phương mặt trong veo, đầy chất sữa, khá bụ bẩm, 16 điểm trên 20.

Da nâu và hát hay như Hà Phi nhưng Hiền Chi lại có thêm một núm đồng tiền ở má. Tiên cho nó tạm thời 17/20 với hy vọng vài năm nữa nó cao hơn. Tiên thích cái tồ của con Lan, chất sữa của con Phương và lúm đồng tiền cuả con Chi nhưng Tiên không chơi với tụi nó. Tiên đã 18 tuổi còn tụi nó 16 tuổi, thậm chí con tồ mới 15. Có thể trong tương lai một trong ba đứa nó sẽ có người cao vọt hơn Tiên nhưng năm nay, 1981, thì chưa.

Ðám con trai, đa số bằng hoặc hơn Tiên. Suốt thời gian học cấp III, Tiên đã quá ngán những cậu con trai bé bỏng ngang tuổi, kém sức học so với cô. Còn mấy anh bạn học mới này, với từng ấy tuổi đời, thật ra vẫn chưa có gì hứa hẹn là sẽ chửng chạc hơn bọn Tiên, Phi, Yến, Hoa và cả Kiều, Thúy.

Lớn tuổi nhất lớp là Quân “già” vì đã có một vợ, một con. Cưới vợ cách đây ba năm, đâu hồi Quân 18 tuổi, vì là cùng đi nhảy đầm, rồi lỡ... có con với nhau sớm nên phải cưới nhau. Mặt Quân từa tựa những hình vẽ đàn ông trên lá bài, như là trung bình cộng giũa con bài K và con bài J.

Quân hời hợt nổi tiếng. Nói chuyện về những tác phẩm văn học, trong và ngoài nước, Quân còn thua cả ba cô nhóc Lan, Phương, Chi. Quân nói thật, chưa bao giờ anh đọc cuốn sách nào tới trang thứ hai vì cuối trang đầu đã thấy muốn ngủ gục rồi. Có lẽ do lập gia đình quá sớm nên Quân còn rất ham chơi. nghe các thầy cô báo học Quân sự xong, trường sẽ tổ chức ngày lễ truyền thống để tiễn học sinh sinh viên khóa cũ, đồng thời đón nhóm “lính mới” nhập môn, và được biết sẽ có dạ vũ sau buổi lễ, Quân tình nguyện đứng ra tập cho toàn lớp biết sơ qua vài số điệu nhảy thông thường. Quân còn một đặc điểm nữa là ưa nói giễu rồi tự cười trước khi nói đùa nên thường được cả lớp cười vì sự vô duyên chưa ai qua mặt được ấy. Biết Tiên đặt tên cho mình là “Da-đen-bóng”, Quân nhanh chóng “phi tang” bộ đồ ấy nhưng những bộ cánh trong suốt hai tuần học Quân sự của Quân vẫn bộc lộ ra anh là một chàng công tử nhà giàu thích trang điểm mình bằng màu sắc bên ngoài hơn là những gì giàu có bên trong.

Gần như tương phản với Quân là Thi. Thi ít nói nhưng nói câu nào là chắc câu đó. Tiếng anh trầm nhưng vang và truyền cảm. Một hôm, có lẽ mệt vì những lời ba hoa cuả Quân, Thi bỗng kể:

- “Ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ. Cô chị mở miệng ra có hoa rơi, nhạc trỗi. Còn cô em, con cuả bà dì ghẻ, mở miệng nói thì cóc nhái rớt ra. Hình như cô chị tên Thi. Còn cô em tên Q... U...

Thấy Quân mặt sượng ngắt, Thi tiếp lời:

- Q... U... Y... N... H. huyền Quỳnh. Nhưng sau khi được học môn Tiếng nói Sân khấu xong, tiếng Quỳnh còn hay hơn cả tiếng Thi. Khi Quỳnh nói người ta ngỡ có hạc bay ngang, hay nuớc suối sa, họa mi hót...

Quân khoái cười tít mắt, tuyên bố:

- “Trong lớp này, không ai đẹp bằng Thi”.

Với Quân, phẩm chất cao nhất của một con người chính là chữ ÐẸP, với ý nghĩa là dung nhan, diện mạo bên ngoài. Hà Phi thì nói riêng với Tiên:

- “Thi không phải là người đẹp nhất lớp. Nhưng về tính tình lẫn vẻ ngoài, anh chàng này đang là người có vẻ “đàn ông” nhất lớp”.

Là dân ở miền Tây lên học, gia cảnh Thi có vẻ khó khăn. Nhưng không như Thúy, Thi không che đậy, trốn tránh bạn hữu mà công khai sự cùng quẩn của mình. Có lẽ anh muốn tránh đi những ngộ nhận mất thì giờ. Nhiều cô gái trong trường cứ mong cái ngoại hình điển trai cuả Quân kết hợp được kiến thức tương đối uyên bác và vẻ đàn ông ngang tàng của Thi thì sẽ có được một mẫu người nam lý tưởng.

Ở tỉnh tới còn có Vương. Vương gốc Ðà Lạt. Con trai út của một gia đình khá giả ở gần Ðồi Cù, khá nhỏng nhẻo. Vương thích ăn quà vặt như Mã Yến và thích nhiều chuyện như Quân, kêu là có vậy mới đỡ nhớ nhà. Vương kết thân được với cả toàn lớp, đặt biệt là Quân và tất cả chín cô bạn gái trong lớp Diễn viên khóa 6.

Hữu thì chỉ chọn ba cô nhỏ Lan, Phương, Chi để kết thân. Tiên đoán trong ba cô đó Hữu thích đặc biệt một cô nhưng chưa rõ cô nào. Cách chăm sóc của Hữu với ba cô có vẻ giống như một bà chị gái hơn là một ông anh trai. Có lẽ vì Hữu là người con trai độc nhất trong một gia đình toàn các chị em gái nên ít nhiều nhiễm tính. Hửu còn có biệt tài diễn ảo thuật và kịch câm. Trong lớp Hữu còn kết thân với Chinh để tập những tiết mục ảo thuật, khi cần.

Chinh có nét hài trên đôi chân mày chữ ô nhưng đôi mắt thì dịu dàng như một thiếu nữ sầu mộng trên một cánh mũi thanh tú dọc dừa và một đôi môi chúm chím hình trái tim. Ai cũng nghĩ nếu trừ đôi lông mày hài hước ra, Chinh mà làm con gái chắc chắn sẽ rất xinh. Chinh giải thích về cái hình thể đã trắng xanh lại dài ngoằng như thằn lằn của mình:

- “Hồi nhỏ xíu, má tui nói tui đẹp lắm. Sau đó bị bịnh gì không biết, uống thuốc vô bị phản ứng phụ làm người bị kéo dài ra đến hết cỡ kéo mới ngưng. Bác sĩ nói tui ráng đợi đi, sẽ có ngày, gặp thuốc khác, cũng phản ứng phụ, sẽ làm người tui thúc lại bình thường như cũ”.

Tiên cho đây là một trong những chuyện “xạo” của Chinh. Chinh được trời phú cho sự duyên dáng rất cần thiết cho nghề. Có lẽ giống như Thúy, trong họ nhà Chinh đã có một số người khá nổi tiếng trong nghề. Cô không hình dung ra được Chinh sẽ làm một nghề gì khác ngoài cái nghề Chinh đang theo học.

Dáng vẻ khỏe mạnh nhất lớp là Duy. Duy có làn da nâu xẩm, tóc đen loăn xoăn lại hay cười, trông khá tương phản màu sắc với hàm răng và tròng mắt trắng dã. Duy bị căng thẳng khi phải nói chuyện với các thầy cô nhưng rất thoải mái khi nói chuyện với Tiên. Với ba cô nhỏ, Duy xưng anh, với các cô khác, Duy xưng tên. Chỉ riêng với Tiên, Duy xưng “bà, bà, tui, tui” nên Tiên cũng “tui, tui, ông. ông” lại như hai người già.

Nhìn chung, Tiên thấy những ông con trai của lớp này trên điểm trung bình, có vẻ là những người bạn tốt, nhưng khó làm nên một chuyện gì để cô nể trọng. Mà theo cô, đó là yếu tố đầu tiên để dẫn tới tình yêu.

*

* *

Ðể chuẩn bị cho ngày lễ Truyền Thống, ngoài việc Quân dạy cho cả lớp học khiêu vũ, sau những buổi tập quân sự còn có một người xuất hiện để giúp cho lớp Tiên một số tiết mục sẽ diễn trong đêm ấy. Ðó là cô Dung. Với lối tập nhiều sáng tạo và hết sức nhiệt tình, cô Dung gây ấn tượng đẹp về các thầy cô trong những ngày sắp tới. Ðứa nào hỏi mai mốt cô có dạy tụi em không, cô chỉ đặt một ngón tay lên môi chúm lại, mắt nheo cười, ra vẻ bí mật.

Sát tới ngày lễ, Quân đang tập buổi cuối cùng, bỗng giám thị tới làm biên bản, bắt ngưng. Quân tái mặt, run lẩy bẩy:

- “Cô Dung chỉ đạo em phải tập cho các bạn biết nhảy để vui chơi”.

Ông giám thị cười khẩy:

- “Cô Dung là ai? Ðó là một sinh viên đạo diễn vừa học xong ở đây ra, còn đi lang thang kiếm việc. Chưa ai cho phép cô ta vào đây dạy”.

Cả lớp nhìn nhau ngơ ngác. Vậy là sao? Cảm giác đã có một điều gì đó lấn cấn trong giây phút nhập môn. Khi đến với lớp, cô Dung có nói cô Tần, Khoa trưởng và thầy Minh, chủ nhiệm lớp này nhờ tôi giúp cho các em mà. Phức tạp quá! Sau đó, Chinh và Hữu đi ngang qua phòng Hiệu trưởng nghe tiếng cô Tần đập bàn giận dữ:

- “Ðừng quên đây là một ngôi trường Nghệ thuật. Ðối xử với nhau phải có tình người. Lẽ ra các người phải trân trọng nó khi không có lương nó vẫn lăn lưng vô phụ giúp một tay”.

*

* *

Ðêm lễ đến, cả lớp được cô Tần dặn bận bộ đồ đẹp nhất cuả mình. Má nói sẽ đi mượn cho Tiên bộ đồ đầm ren trắng mà mấy năm trước con bác Hiền thường bận làm thiên thần đi rước lễ. Nhưng càng trông má càng bặt càng mờ. Mãi đến hơn bảy giờ tối má mới về, mặt mày thiểu não:

- “Trinh ơi, Quỳnh ơi, Thụy ơi, đứa nào đi với má đến nhà con khốn nạn Nguyệt Hương. Bố chúng mày hóa ra lâu nay giả vờ làm ăn chung chớ thật ra đã bị con kia bắt xác”.

Tiên thất thần:

- “Má ơi, áo của con đâu?”.

Má sửng vài giây:

- “Thôi chết rồi, má xin lỗi con. Má đã đến nhà bác Hiền nhưng nghe chuyện con khốn kia má mất vía mất hồn luôn”.

Khốn nổi bao nhiêu áo quần bận được Tiên vừa gom đi giặt hết. Thấy Tiên muốn khóc, má giải quyết nhanh:

- “Còn bộ áo dài trắng kia, ngó cũng xinh gái lắm. Xong tự đi vào trường, đừng đợi bố. Thằng Thụy coi nhà, còn con Quỳnh đi với má”.

Quỳnh quýnh quáng đạp đến trường mà lòng không yên nổi lo má và em Quỳnh. Chiếc xe đạp ba lần sút sên. Ðôi tay trắng trẻo cuả Quỳnh bê bết dầu đen phải tạm chùi vào cát, cỏ ven đường. Khi đến nơi, đèn đuốc còn sáng trưng nhưng người đã vào hết bên trong. Còn đầy một cổng trường xác pháo và lòng thòng một sợi dây treo như là vừa có lân, pháo ở đây. trường gồm có hai phần nằm ở hai bên đường đối diện nhau. Một bên làmột ngôi trường tiểu học cũ được xây cất thêm để làm nơi học và một bên là một rạp chiếu xi-nê hạng D được phá ra làm sân khấu và là khu nội trú. Bên trường chia làm bốn năm khu: nhạc cụ, cải lương, kịch nói. Bên kịch lại phân hai cấp: đại học đạo diễn và trung cấp diễn viên. Nghe nói trước kia trường còn có đào tạo diễn viên hát bội, nhưng sau khi cho ra trường được một khóa, chẳng ai thi vô nữa nên đành phải dẹp.

Thi đang sốt ruột đứng ở sân trường vắng đề đón Tiên đưa lên sân khấu nhỏ ở lầu 3. Một vài chỗ cầu thang tối anh phải nắm tay Tiên đi cho nhanh. Anh kêu lên:

- “Trời ơi, sao tay lạnh dữ vậy?”.

Lờ mờ rãi dọc cầu thang confetti đủ màu. Tiên lúng túng:

- “Xe sút sên. Tay dơ lắm!”.

- “Hèn chi! Cứ tưởng Tiên không đến. Cứ tưởng Tiên chọn chỗ khác vui hơn. Làm nãy giờ phải chạy lên xuống cầu thang này mấy lần”.

Khi họ vào phòng, những lớp diễn viên đàn anh đã diễn tới tiết mục cuối để tự giới thiệu về họ. Một cô trông rất ngổ ngáo, đút đầu vào chiếc lổ khoét giữa của một miếng vải to màu đỏ, đang hát say sưa một bài hát trong phim “Người đàn bà hát”.

Tiên ngơ ngác, không biết sao cả phòng lại cười rần rần trước một bài hát trữ tình như vậy. Hỏi Thi, Thi cười tủm tỉm - “Nghe kỹ đi. Nó hát tiếng Nga xạo”. Bấy giờ mới tới phiên Tiên cười. Và tạm thờợi quên má, ba, Quỳnh Tiên cùng cái bà Nguyệt Hương nào đó.

Rồi một đàn con gái, áo bà ba khăn rằn, tay chèo, tay xuyến như là đang ở trên một chiếc xuồng và xuồng thì trôi trên một dòng sông tưởng tượng. Những đứa con trai lớp đó hát đệm bài “Hương tràm”:

“ U minh bốn bể là tràm,
Chẳng biết tháng nào nở hoa,

Mà hương thơm dường như bốn mùa ướp mật vào hơi em thở...”

“Thuyền” đến giữa “sông”, nhạc chuyển sang “chiến đấu ca”, rồi có tiếng “đạn” nổ, “bom” rơi, các cô nhảy lên bờ rút “súng” và “lựu đạn” ra, đánh nhau hổn loạn. Từng cô lần lượt bị trúng đạn, và trước khi “chết”, mỗi đứa tự giới thiệu tên mình.

Trong nhóm đó, Tiên thích Nguyệt Túy là cô hát tiếng Nga xạo. Và một cô nữa, mới nhìn thì thấy xấu “điên lên được” nhưng khi cô nói năng, hoạt động thì duyên dáng vô cùng. Cô này chọn thế chết đứng, một tay vung, một tay đỡ, mắt mở to, miệng cười hé, răng hơi hô, ngó buồn cười không chịu được. Trước khi “chết”, cô còn hô : -“Hãy nhớ lấy tên tôi, Nguyễn thị Thoa Lanh tức Thanh Loa-Hồ Chí Minh muôn năm’.

Tiếp đó là phần tự giới thiệu của lớp Tiên. Bên con gái nổi nhất vẫn là cô cò hương Hà Phi chứ không phải những đứa đẹp như tranh... Một trong những bài học đầu tiên Tiên học được ở trường này là những người đẹp ở đây phải có một nhan sắc bên trong ẩn chìm mà sống động để làm tăng phần hấp dẫn của những dáng vẻ bên ngoài. Có người gọi điều đó là duyên sân khấu. Chỉ với cây đàn guitar, giọng hát truyền cảm, Hà Phi khiến cả một hội trường nhỏ đang nhốn nháo bỗng im phăng phắc. Hát xong, nó nói rất khẽ, và rất vang:

- “Ðó là một tình khúc của Trịnh Công Sơn. Còn tôi là Hà Phi. Phi là zéro. Mặc dù tôi ốm như số 1. Nhưng bao giờ nhìn số không hãy nhớ đến tôi”.

Khi Tiên bước ra, một trận vổ tay theo nhịp đều đặn vang lên:

- “Con khỉ già! Con khỉ già !”.

Tiên hiểu là tất cả yêu cầu Tiên diễn lại tiểu phẩm khi vào trường Tiên đã bắt chước con khỉ già nhà ông Sáu Xạo. Hốt nhiên Tiên nhớ đến má. Khổ cho thân má làm sao. Lẽ ra giờ này má phải được sống thanh thản. Nhưng nếu mình là má, liệu mình có nên ghen tuông rầu rỉ vậy không hay bỏ mặc.

Trong lúc bước ra giữa hội trường cô nghĩ như vậy và hốt nhiên cô không còn biến hình thành một con khỉ gây cười cho người khác nữa. Sự liên tưởng tới điển tích đoạn trường đẩy cô thành con vượn mẹ đang bế vượn con chạy trốn. Rồi vượn con chết, vượn mẹ kêu gào thảm thiết, ruột bục rơi đứt nát, chết gục bên xác con. Sau đó, Tiên không thể giới thiệu về mình vì tiếng reo hò đã át cả tiếng cô. Cô cười chào rồi bước vô. Tiếng vổ tay rập ràng bây giờ chuyển thành: “Vượn mẹ Trinh Tiên! Vượn mẹ Trinh Tiên!”.

Quân nhìn cô bằng một cái nhìn u ám:

- “Trinh Tiên đã “giết” đẹp những người xuất hiện sau Trinh Tiên rồi!”.

Mấy cô nhỏ Lan, Phương, Chi ngồi cạnh Tiên thì thào hỏi:

- “Sao Tiên tới trễ dữ vậy? Hồi nãy người ta giới thiệu thầy Minh sẽ là chủ nhiệm lớp mình. Và ngoài thầy ra, còn có cô khoa trưởng Hương Tần sẽ đích thân xuống dạy Kỹ thuật Biểu diễn nữa. Cô mắt sâu, mũi cao tên Mai dạy Hình thể. Thầy râu xồm tên Trọng dạy Tiếng nói Sân khấu, còn thầy tóc dài tên Hải dạy Lịch sử Sân khấu...”.

- “Còn cô Dung?”.

-”Cô Hương Tần giới thiệu cô là một “cảm tình viên” hay “ủng hộ viên” gì đó của lớp...”.

Lớp Tiên tự giới thiệu xong hết. Thầy Trọng đề nghị tất cả sang khu rạp bên kia dường để dự lễ trao bằng cho những học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp rồi sau đó... vui chơi.

Cô gái “xấu mà duyên” Thanh Loa tới ôm lấy Tiên:

- “Tụi con trai đang bàn nhau bắt cóc mày. Tao phải phổng tay trên tụi nó”.

Khán phòng bên rạp lớn được thiết kế lại thành những đường hầm tối tăm bí mật. Ông thần Dyonisios từ trên tầng lầu xuống với những bịch kẹo tung toé vỡ ra. Sân khấu và màn ảnh xuất hiện khắp nơi theo ánh đèn chiếu sáng. Bọn Tiên quay cổ khắp nơi để được xem Hát Bội, kịch câm, ca nhạc, múa rối và cả phim hoạt hình. Rồi sân khấu chính sáng lên với bảy mỹ nhân tượng trưng cho bảy ngành nghệ thuật, gom từ người đẹp các lớp, trong đó có Thiên Kiều. Lễ phát bằng cho những người vừa học xong được tổ chức ngay sau đó. Cuối cùng, tấm màn nhung đỏ đóng lại, có đính những dòng bạc mà theo Thanh Thoa thì chính cô và bạn bè đã luợm giấy bạc trong bao thuốc lá để bọc lại.

Dòng chữ đưởc trích từ một vở kịch cuả Arbuzov để tặng những người đã tốt nghiệp năm nay, và có lẽ để cho cả những người mới nhập môn như bọn Tiên:

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG,

ÐƯỜNG ÐỜI BẠN SẼ KHÔNG TRƠN TRU...

Tiên không ở lại để dự buổi dạ vũ do nhà trường tổ chức. Và cũng từ chối cả những người con trai lớp mình lẩn lớp khác đòi đưa cô về.

- “Tiên bận chuyện gia đình...”.

Câu ấy Tiên nói thật.

Về đến nhà, cô thấy một không khí như đám ma. Má đóng cửa phòng, gọi mãi không mở ra.

Quỳnh Tiên ngồi khóc nói cái bà Nguyệt Hương đó dữ lắm, muốn ghen ngược lại với má.

Lọ hoa vỡ tan giữa nhà. Thụy Tiên đang lui cui dọn, nói ba vừa mới ghé nhà và đã đi.

Tiên ngồi phụ dọn với cậu em trai. Giờ này các bạn đang nhảy nhót vui chơi. Chắc gì mình là đứa độc nhất có chuyện rối ren trong gia đình. Bỗng dưng Tiên nghĩ như vậy.

Bởi vì

ÐƯỜNG ÐỜI BẠN SẼ KHÔNG TRƠN TRU
Cô tin rằng đó là lời nguyền đẹp cho những ai đặt chân vào thế giới nghệ thuật này.



Tags: tt3nhapmon | Edit Tags



Friday March 21, 2008 - 07:27pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for March 22, 2008

Comments(1 total) Post a Commenttrangha Offline Ôi hình như là Trinh Tiên ngày xưa đúng không ạ, em mê truyện này lắm.

Friday March 21, 2008 - 09:30pm (CST) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home