Monday, July 13, 2009

Mai Sau Du Co bao giờ

Entry for March 18, 2008
Mai Sau Du Co bao giờ


Nghề nghiệp của tôi bây giờ tương đối ổn định. Ðồng lương hàng tháng không nhiều. Dĩ nhiên phải làm thêm một số việc mới đủ sống. Nhưng tất cả những nghề tay trái hiện tại đều không làm tôi vui thú. Chúng bắt buộc tôi phải tiếp xúc với quá nhiều người, phải ngồi lê la ở những quán ăn, quán nước, quán nhậu... Nói chung, tôi không ưa quán xá... Tôi không ưa hình ảnh tôi với những nụ cười nhiều kiểu (cười ngoác tới mang tai, cười ra vẻ hiểu vấn đề, cười cho những người đối diện đừng trơ, cười đối phó...). Thích thích những nghề nghiệp không phải gặp gỡ nhiều người hơn. Ðỡ phải giả bộ. Ðỡ phải phô lộ sự vụng về của mình ra. Ðỡ phải xúc phạm tới những người khác, đôi khi...

Trong những nghề trước đây, có một nghề tôi rất thích. Lúc đó tôi đang đi học, tiêu chuẩn hàng tháng, ngoài học bổng tôi còn được mua 15 ký gạo, vài trăm gờ-ram thịt, vài thước dây thun, mấy miếng lưỡi lam (chúng tôi thường nói đùa, thun để chúng tôi thắt lưng buộc bụng và lam để cứa cổ nhau khi cần thiết). Một ông bạn già đã giúp tôi kiếm thêm tiền bằng cách giới thiệu tôi được đi bỏ báo tận nhà theo địa chỉ có sẵn cho một tờ nhật báo.

Hãy hình dung những buổi sáng đèn đường chưa tắt, thành phố sạch sẽ thơm tho, những ô cửa chưa mở, cây cỏ tươi tỉnh ướt sương, tôi với chiếc xe đạp không vè không thắng thường trực của mình, đạp thong dong qua những con đường vắng, đầu óc nhẹ nhàng phơi phới. Thôi không phải sợ những buổi kiểm điểm moi móc truy bức từng ý nghĩ vớ vẩn... Bà bí thư nào cũng quan trọng hóa vấn đề. Nỗi sợ hãi mọi thứ khiến bà co rút lại như một cô gái mười một tuổi, thân thể không phát triển. Dường như hàng tháng không nắm được trong tay những bản tự kiểm của tôi, bà ăn cơm không ngon. Bên cạnh bà còn có một số người nữa, lúc nào họ cũng có cảm giác lỏng tay một chút, tôi sẽ đốt cháy mất ngôi trường trang nghiêm của họ. Sự thật thì nào có gì đáng ghê gớm tới vậy đâu. Tôi vốn có một số người thân được coi là “bất hảo”. Tôi lại hay thích nói đùa. Và trừ cô Tâm ra, toàn nhóm lãnh đạo nhà trường dường như không biết thế nào là sự hài hước...

Có một thời mà mặc những chiếc áo đẹp cũng bị coi là tội lỗi. Tôi nhớ một một buổi biểu diễn nhạc rock của một ban nhạc nước ngoài đến thành phố. Tôi lục lại chiếc váy xanh áo trắng cũ, là đồng phục của thời tôi còn là học sinh của trường St. Paul, ra bận đi xem. Sáng hôm sau bị lớp trưởng bắt viết kiểm điểm vì cách ăn mặc không “dân tộc” của tôi. Ở trong lớp đối diện với ông lớp trưởng căng cứng. Bước ra khỏi lớp lúc nào cũng thấy có đôi mắt nheo lại sau cặp kính trắng của bà bí thư dõi theo. Nên các bạn có thể hiểu được, tôi sẽ hạnh phúc biết bao khi những giờ phút đầu ngày được đi trong một những thành phố vắng người.

Từng ngôi nhà như những cô gái vô cùng hiền hậu, dễ thương khi đang nằm yên, say ngủ. Tôi lại được giao cho bỏ báo ở nhiều khu nhà rất đẹp, có sân, có cây, có hương hoa thoang thoảng vương đọng lại từ đêm trước... Nói như thế không phải là tôi không thích những ngõ hẻm quanh co. Giữa cái thời buổi đã có một ai đó cho rằng những lưỡi lam và dây thun luồn quần là nhu yếu phẩm cho những sinh viên như tôi, mà vẫn có những người chịu bỏ tiền đăng ký xem báo tháng là một điều vô cùng quý giá.

Trò chơi của tôi trong khoảng từ năm giờ đến bảy giờ sáng là thử tưởng tượng xem người trong từng ngôi nhà như thế, những cuộc đời nào đã diễn ra... Tôi thích hình dung đằng sau những ngôi nhà xộc xệnh là những gia đình thuận hòa, hạnh phúc; và ngược lại, bên trong những ngôi nhà đẹp đẽ là những tâm hồn bất trắc với từng giấc ngủ không yên. Lúc đó đường thì vắng, nhà nhà khép cửa an bình. Còn tôi, chưa bao giờ thấy bất an với mớ báo chất đầy phía trước và nhét cứng trong ba-lô trên lưng. Ðôi khi tôi còn hát nho nhỏ những điệu nhạc mà khi còn cây đàn piano má tôi vẫn đàn cho cha tôi nghe. Từ năm giờ đến bảy giờ sáng, ở cái thành phố oi ả này, trong những ngày chớm đông cũng bày đặt lạnh se se, tôi được dịp choàng lên người những chiếc áo ấm xinh đẹp ngày xưa mà vì họ trả giá thấp quá, má tôi còn tiếc chưa bán tới. Có khi tôi còn khoác cả một cái field-jacket nặng nề. Ngó xa tôi như một gã con trai bụi đời đi xe ôm, xe thồ gì đó.

Khi thời tiết chuyển lạnh, chuẩn bị sang năm mới, đó cũng là lúc những người được tôi bỏ báo sớm, tỏ lộ tình cảm với tôi. Họ thường ghi cho tôi vài dòng vào hộp thư hay cổng nhà, nơi tôi thường liệng báo vào, để hẹn gặp tôi sau năm giờ chiều. Những buổi gặp gỡ sau đó bao giờ cũng cảm động. Họ rào đón nhiều lời rồi mới xin phép được được tặng quà năm mới cho tôi. Họ nói ngó cô như cô gái con nhà giàu. Những năm ấy, đâu khoảng trên hai mươi tuổi một chút, tôi cũng chẳng biết xếp mình vào loại giàu hay nghèo. Chính những người chung quanh cũng lúng túng trong chuyện này. Khi cần kiểm điểm tôi, họ cho tôi là thứ con nhà giàu đỏng đảnh. Khi có những cuộc vui riêng, họ lại sợ tôi nghèo quá, không đủ sức góp mặt vào.

Tôi tạm thời cho mình là một thứ nhà nghèo mới và là nhà giàu cũ. Nhưng dầu gì thì những món quà Tết cũng khiến tôi vui dù thật sự chúng không đáng giá gì... Vài cuốn sổ, cây viết... những vật lưu niệm vặt vãnh. Thích nhất là tôi được chăm sóc tận tình, là một trạng thái mà đã hơi lâu tôi không còn được có. Và như thế, tôi càng không thể quên, hai nơi chăm sóc tôi trên mức bình thường. Một là nhà của cô gái hơi lớn tuổi. Cô đãi tôi những mẫu bánh do chính tay cô làm. Tôi cứ hỏi thăm ông Chín Tr. là người giữ mục thể thao, văn nghệ cho tờ báo mà tôi vẫn bỏ cho cô mỗi sáng. Và cái cách nói của cô khiến tôi tin giữa cô và ông Chín Tr. hẳn đã có một thời quan hệ mật thiết. Năm 1975, tôi hai mươi hai tuổi, chưa có người yêu. Nhưng qua cô gái ấy, tôi thấy yêu được ai quả là một điều hạnh phúc.

Ngôi nhà thứ hai ưu ái đặc biệt với tôi là một nơi khá thơ mộng. Cuối một hẻm vắng là một cầu thang bằng gỗ nâu dẫn lên một bao lơn rũ đầy lan rừng và hoa chuỗi ngọc. Ở đó có Mộc Hương, người thiếu phụ đẹp dịu dàng như cô gái in trên một loại xà-bông xưa với búi tóc buông thõng sau lưng. Bà Mộc Hương nói, có một sáng tình cờ dậy sớm, thấy dáng tôi liệng vút tờ báo vào hộp thư dưới chân cầu thang, bà muốn đứng tim bởi tôi rất giống một người thầy cũ đã thất lạc sau ngày 30/4/1975 của bà. Chúng tôi cố ngồi đào xới lai lịch, gốc gác giữa ông ấy và gia đình tôi nhưng hai họ tộc hoàn toàn xa lạ. Trong lúc nói chuyện, tôi thường nghe tiếng đàn dương cầm vẳng vọng, thoảng xa... Bà Mộc Hương giới thiệu:

- Ðó là Thức, con trai tôi. Chính nó có ý kiến phải tặng quà cuối năm cho cô. Nó còn mong cô ghé chơi nhiều, khi có dịp. Nó đang ở trong một hoàn cảnh không thể đi đó đi đây nhiều...

Tôi hồn nhiên:

- Vậy bà cho tôi gặp anh ấy đi. Nghe tiếng đàn, tôi tin anh ấy là người tốt.

Bà Mộc Hương lúng túng:

- Nhưng mà...

Cuối cùng rồi tôi cũng được gặp Thức. Anh ngồi khuất mặt sau chiếc đàn trong vùng tối. Nến được thắp lên chỗ tôi ngồi. Bà Mộc Hương giải thích Thức không thích ánh sáng, rối rút lui, để chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau.

Một người không thấy mặt, bỗng dưng lại khiến tôi dễ chịu. Thức đàn chô tôi nghe rồi chúng tôi trao đổi với nhau một số điều về âm nhạc, sách báo... Tôi nói cho Thức nghe về những khó khăn của tôi trong hiện tại về vật chất lẫn tinh thần mà không chút úy kỵ người con trai kia sẽ hiểu sai về mình. Có lẽ vị thế trong bóng tối của anh giúp tôi có cảm giác được tâm sự với một vị linh mục nào đó, để ông ta tìm cách giúp mình. Tôi cũng kể cho Thức nghe nỗi bất an của tôi khi bước vào trường. Thức động viên tôi bằng những tấu khúc của Mozart, của Bath và một số truyện cổ tích quen được anh “biến tấu” đi đoạn cuối. Thức nói Chopin thì hợp với tôi hơn nhưng Bath và Mozart sẽ giúp tôi thấy cuộc sống tươi hơn.

Tôi ghé ngôi nhà ấy không nhiều như bà Hương và Thức yêu cầu. Tôi phải làm việc thêm gấp đôi, gấp ba những những bạn đồng học mới có thể tồn tại. Những mẩu chuyện trao đổi ít ỏi đủ để tôi hình dung ngày xưa Thức rất yêu đời và đông bè bạn... Những mẩu chuyện cùng âm nhạc ấy của Thức cũng đủ để tiếp sức cho tôi qua những giây phút mệt nhoài, chỉ thèm được buông xuôi, bỏ cuộc.

Tình thân của tôi với người con trai lặng lẽ ngồi đàn trong bóng tối ấy phát triển dần cho đến ngày tôi ghé mời anh đi dự buổi thi học kỳ của tôi thì Thức từ chối. Tôi nhớ mãi bàn tay đeo găng đen của Thức lọt vào vùng sáng để đưa cho tôi một lá thư. Thức nói:

- Ðọc đi, My sẽ hiểu tôi!

Tôi hờn giận Thức thật sự vì buổi thi ấy ai cũng có thân nhân, trừ tôi, nên đến sau buổi thi tôi mới mở ra xem. Lá thư đã khiến tôi mất ngủ liền mấy hôm. Thức nói anh vướng phải một nỗi đau không ai chia xẻ nổi. Anh không thể bước ra ngoài vùng ánh sáng. Anh nói sự có mặt của tôi gần đây đã khiến anh vui sống. Thức tin nếu tôi bằng lòng chia xẻ nỗi bất hạnh của anh, anh sẽ hóa kiếp, sẽ trút được nỗi khổ đang mang như trong truyện cổ tích, hoàng tử gấu được trở lại lốt người...

Tôi đọc thư, hoang mang. Tôi trước đó chưa yêu ai. Chỉ toàn là đùa cợt, để quên đi cái phần số chông chênh của mình. Biết lần này số mệnh có đùa cợt với tôi. Tôi rà soát lại mình. Ðứa con gái đã giàu và đang nghèo này sẽ gồng gánh nổi ai? Tôi giả sử những trường hợp nặng nề nhất: Thức bị mù, bị liệt, hay tâm thần? phạm pháp? vướng xì ke?... Dù thế nào anh cũng đã có lúc giúp tôi. Tôi với anh đều cần người chia xẻ với. Ðến hay không đến? Ðến để cùng lún vào vũng lầy của nhau? Hay không đền để mất hẳn một tri âm?..

Tôi loay suốt mấy ngày trời. Và khi tôi quyết định đến nhà Thức với một đóa cẩm tú cầu xanh biếc trên tay thì gia đình anh không còn ở đó nữa. Những người láng giềng mù mờ tông tích, phỏng đoán hai mẹ con bà nhà giàu ấy đã bỏ xứ, vượt biên. Tôi bứt tơi tả bó cẩm tú cầu để bói. Một ít, nhiều, đắng cay, say đắm. Cọng hoa cuối cùng của tôi dừng ở chữ đắng cay.

Năm năm sau. Tôi tốt nghiệp, vẫn không bạn bè. vẫn bước tới, một mình. Với một vài tình cảm dỡ dang. Mọi người cho là tôi quá cầu toàn. Trong vở diễn tốt nghiệp, tôi được giao đóng một vai chính, xuất hiện từ đầu đến cuối. Vở kịch viết về những tâm hồn đẹp ở một bệnh viện Hansen. Một trung tâm bài phong mời chúng tôi lân ấy diễn. Anh tôi sau khi đi học tập về cũng được mời về đó làm bác sĩ điều trị.

Chúng tôi đến B. vào một buổi chiều. Anh tôi đưa tôi xuống nhà các bệnh nhân để khoe với tôi những người đã được anh chữa trị. Chúng tôi được gặp bà Năm Huệ, rụng cả mười đầu ngón tay vẫn ngồi may từng mảng vải vụn ráp thành drap, áo gối... Ðối diện nhà bà là ông Bảy Tiền luôn giữ một lổ thủng dưới đáy bàn chân mà người ta gọi là lổ đáo. Anh ta nói ông Bảy rất khó dứt bệnh bởi thay vì nghỉ ngơi dưỡng sức ông cứ lẻn vào rừng thồ củi về bán kiếm thêm thu nhập.

Bao quanh khu gia cư đó là những khoảng rừng thưa. Mặt trời lặn. Tiếng côn trùng, ếch nhái kêu đã buồn, càng buồn hơn khi anh tôi nói riêng với tôi:

- Tương lai rồi anh không ở đây lâu được. Anh không chịu nổi khi một số người có quyền ở đây ăn chận bớt thuốc của những người cùi. Mà anh thì không thể chận đứng được chuyện đó. Anh vẫn là một người đi học tập về.

Buổi biểu diễn gồm có hai phần. Phần đầu do người của trung tâm biểu diễn. Phần sau mới đền vở kịch của chúng tôi. Trong lúc ngồi hóa trang, tôi bỗng nghe tiếng đàn quen lắm. Bath, Mozart rồi chuyển sang cả Chopin. Tôi chạy ra cánh gà nhìn, thấy được lưng anh. Ðúng Thức rồi. Nhưng khi Thức đàn dứt tôi phải đi thay áo quần để diễn cảnh đầu ngay. Có những lớp nghỉ, tôi rối tâm rối trí sắp đặt những những lời sẽ nói với anh. Tôi sẽ nói năm năm nay, anh vẫn là người duy nhất tôi tin cậy, người duy nhất không sợ liên lụy vì dính líu với tôi. Tôi sẽ nói người anh bác sĩ của tôi ráng chữa Thức hết bệnh. Tôi sẽ đợi ngày đó. Vở kịch của chúng tôi đã khẳng định bệnh phong sẽ chữa được. Tôi lại thua nhân vật của tôi sao? Tôi sẽ đợi được mà!

Sân khấu ở đây không có màn. Tôi khóc được khi ngó những bàn tay thiếu ngón cố vỗ vào nhau để tạo tiếng kêu vang khi vở kịch dứt. Buổi tiệc chiêu đã ngay sau đó không có Thức. Tôi nhờ anh tôi đi kiếm nhưng Thức đã được bà Mộc Hương đưa về SàiGòn ngay sau khi đàn dứt. Anh tôi cho biết lẽ ra Thức đã về từ tuần trước vì anh tôi đã chữa dứt bệnh cho Thức một tháng nay rồi. Thức ghi vội cho tôi mấy dòng:

“Rất tiếc không thể ở lại xem My diễn. Vì My rực rỡ hơn xưa nhiều quá. Xưa, còn mang bệnh trong người, không hiểu sao tôi lại có dư liều lĩnh điên khùng viết thư đòi My chia xẻ. Nay, tuy anh của My đã chữa cho tôi dứt bệnh nhưng tôi không còn đủ can đảm để gặp lại bạn đâu. Bạn sẽ không bao giờ quên được tôi đã có một thời gian vướng bệnh. Năm năm, nhớ bạn lắm... Nhưng tôi biết mình là ai và cũng biết bạn là ai..”.

Tôi bỏ đám đông, chạy băng qua những khu rừng thưa, tìm vô vọng ánh đèn của chiếc xe đưa Thức đi. Nhưng đóm sáng đó đã không còn nữa... Bạn của tôi! Người đã chia xẻ mỗi đau một thời của tôi. Bạn phải hiểu rằng nét rực rỡ của tôi lúc bấy giờ phần lới do ánh đèn và bột màu hóa trang bôi trát lên da mặt. Bạn đã không cho tôi một cơ hội được tỏ bày.

Từ lần gặp nhau mà không nói với nhau lời nào ấy đến nay đã thêm mười hai năm. Nghe anh tôi kể Thức đã lập gia đình với một cô gái trước đây cũng vướng bệnh như anh. Tôi cầu chúc những đứa con của họ xinh đẹp và khỏe mạnh. Tôi không tìm Thức nữa, dù tôi biết nơi anh ở chỉ cách tôi vài cây số đường chim bay, qua một chiếc phà.

Lẽ ra, hơn ai hết, Thức phải hiểu rằng, chiếc vỏ bao những sợi dây thần kinh ngoại biên của đôi tay Thức ngày nào bị bọn Hansen gặm nhắm nay đã có cơ hồi phục. Còn phần tôi, nỗi đau dường như không chỉ một thời. Loại Hansen hữu hình của Thức có sanh nên có tử, nhưng loại Hansen vô hình bọc quanh đời sống tôi dường như lãng đãng một kiếp không tha.

Một trong những lý do khiến tôi vẫn sống một mình chính vì tôi không muốn lụy phiền thêm cho người khác. Coi vậy chớ cái quá khứ vướng bệnh nan y của Thức sẽ được quên đi nhanh hơn cái quá khứ đã lỡ có những người thân được coi là “bất hảo” của tôi. Nghề nghiệp, vị thế hiện nay của tôi khiến tôi có dư khả năng cười ngọt, cười xòa, cười đối phó, cười tươi như hoa nở ngày xuân... bất cứ lúc nào có người cần, bất cứ ở đâu... Nhưng mà, Thức ơi, người bạn chưa từng thấy mặt năm xưa ơi, hiểu chứ?.

Comments(2 total) Post a CommentTran … Offline Đọc bài nhớ kỷ niệm lớp em hồi còn sinh viên di biểu diễn ở trại phong Bến Sắn cho bệnh nhân xem, một vở kịch của Lưu Quang Vũ

Cảm xúc y như chị Ngọc mô tả, nhìn những bện nhân vỗ tay cổ vũ mà mình muốn khóc

Monday March 17, 2008 - 06:58am (ICT) Remove Comment
NoName Offline @Tran Canh Don.
Anh Hai cua minh luc do lam bac si o Trai Phong Ben San. Co nghe Minh Phuong ke chuyen lop cua Don len do dien vo Loai Hoa Bat Tu.
Ngoc Phuong ( em dau cua Hai Teo) dong vai So Men da chet o Uc, Don co biet khg?
Ong ban gia gioi thieu cho mih di bo bao (Tin Sang) luc do chinh la ong Diem Chau, cung da mat thang 12 nam 2006.

Monday March 17, 2008 - 07:39am (ICT) Remove Comment


Tags: maisaudùcó | Edit Tags



Tuesday March 18, 2008 - 10:59pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for March 19, 2008

Comments(2 total) Post a Comment8Fieu Offline Co nguoi viet cho to bao dang truyen Mai sau dù có nay: “Tuong con M Ng la fe minh, doc truyen nay moi biet la khg fai.
Tui khg thuoc fe nao het. Do la chu de cua cuon Tieu Thuyet thu hai di xuyen wa War va Peace, Past va Future cua tui

Tuesday March 18, 2008 - 11:13pm (ICT) Remove Comment
8Fieu Offline Một ông bạn già đã giúp tôi kiếm thêm tiền bằng cách giới thiệu tôi được đi bỏ báo tận nhà theo địa chỉ có sẵn cho một tờ nhật báo.
Do la ong Diem Chau, hoi cac ong con to Tin Sang

Wednesday March 19, 2008 - 11:27pm (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home