Monday, July 13, 2009

“The Orphanage”

Entry for March 17, 2008
Tac gia bai nay la mot trong ba nguoi ban than cua nha tho Diem Chau.
Ý nghĩ riêng về màn ảnh hay nhất trong Oscar 80
Cao Thanh Tùng

Tôi xin nói ra các ý nghĩ riêng về các phim hay nhất Oscar năm nay, năm thứ 80 của giải thưởng. Đó là ý nghĩ của một khán giả. Trong liên hoan trao giải vừa qua, Jack Nicholson nói: “Tôi thích xi-nê. Màn ảnh giải trí chúng ta, mang đến cho chúng ta hy vọng, đem chúng ta đi xa, đặt vào một thử thách.. và tuy chúng ta không ai giống ai, màn ảnh nối liền chúng ta với cái chung, cái nhân bản bên trong mỗi người.” Thường thì chúng ta đi xem xi-nê hay tấm tắc với một diễn viên và một phim hay, mình cho là hay. Năm qua, tôi đặc biệt thích diễn viên Tây Ban Nha Javier Badem, người mới vừa đoạt Oscar 80 với Giải Diễn viên phụ hay nhất trong phim của anh em đạo diễn Coen “No Country For Old Men”.

Diễn viên nầy đã được đề cử lần đầu cho Oscar năm 2000 với phim “Before Night Falls”. Kế đó, trong “The Sea Inside” (2004), Javier Badem đóng vai một người nằm ỳ trên giường 28 năm vì đi nghỉ, khoái cảnh trời nước, làm một cú lông rông xuống nước, đầu đụng đá, liệt toàn thân nhưng không chết. Anh ta nằm ụ, nhìn ra cửa sổ, làm thơ bằng cách ngậm cán viết vào miệng, viết lên giấy nguệch ngoạc. Linh mục tới thăm, la lớn dưới thang gác: “Tự do hủy diệt đời sống phải là tự do.” Trên giường bệnh – trên gác – anh ta la xuống: “Sống mất tự do không phải là sống.” Và “tự do” theo anh ta, còn gồm cả tự do.. chết. Thủ diễn vai nầy 56 tuổi năm ấy, Javier Badem chỉ mới băm sáu.


Các diễn viên chính và phụ đoạt Oscar 80, từ trái, Daniel Day Lewis, Tilda Swinton, Marion Cotillard và Javier Bardem. GETTY IMAGES

Mới đây, chúng ta xem màn ảnh “Love in the Time of Cholera” (Tình yêu thời thổ tả) phỏng theo tác phẩm văn học của nhà văn Colombia, Gabriel Garcia Marquez đoạt Nobel (1982), Javier Badem giữ vai một nhân vật quyến rủ trên 622 đàn bà (tính nhẩm mỗi tháng một bà), đeo đẳng một mối tình 51 năm 9 tháng 4 ngày, lên tàu du lịch kéo cờ vàng, báo hịệu có dịch hạch, với người đàn bà mình yêu sau khi chồng chết. Bà ấy lúc đó trên 70 tuổi. Làm sao diễn những vai đó, nhỉ? – tôi tự hỏi, trước khi đi xem xi-nê. Vừa hóm hỉnh, vừa thủy chung, vừa say đắm, vừa gợi lên một ý nghĩ về đời sống. Oscar 80 năm nay chọn Javier Badem trong vai một kẻ giết người tỉnh bơ, lý do tùy hứng, đi ngờ ngờ ngoài đời sống. Lại một phim gợi lên ý nghĩ về kiếp hiện sinh phi lý của con người trong tay những kẻ giết người bề ngoài như mọi người, bề trong cực kỳ thông minh mà cũng cực kỳ quỷ quyệt. Nét mặt, kiểu tóc, dáng đi, tia nhìn của nhân vật Anton Chigurgh do Javier Badem thủ diễn vừa khiến chúng ta kinh sợ cho người bên cạnh, vừa khiến chúng ta nghĩ lại về sự hiện hữu của mình. Nghệ thuật của Javier Badem thật là độc đáo.

“Đàng sau một kẻ tuyệt vời là một phụ nữ tuyệt vời”, mẹ của Javier Badem tên Pilar Badem mang anh lần đầu tới hậu trường sân khấu để xin việc cho bà khi Javier mới lên hai. Bà ở góa (sau khi ly thân ông chồng vũ phu ở cái thời chính quyền nhà độc tài Franco đòi đàn bà chỉ “ra đi” khỏi hôn nhân sau khi chết) nuôi ba đứa con: Carlos, một diễn viên kiêm nhà văn. Monica, con gái kế, nữ diễn viên. Đứa thứ ba chết sau khi sinh ra, không tiêu hóa được thức ăn. Đứa thứ tư, cũng mang tên Javier. Khi Hoa kỳ mang quân vào Iraq năm 2003, Pilar Badem cùng các đồng nghiệp diễn viên tụ tập ở hành lang quốc hội Tây-ban-nha, mặc áo thun, trên vẽ hàng chữ “no-to-war”. Năm nay bà mẹ Pilar Badem 68 tuổi, người đã từng nói: “Tại sao đàn bà cứ phải giặt quần áo, nấu ăn? Làm linh mục không được sao?”. Bà đã xin đạo diễn nghỉ ngày Chủ nhật 24 để ra máy bay sang Hollywood cho kịp Oscar 80, chào mừng ngày đáng kỷ niệm của con.

Về phim hay nhất hằng năm cho Oscar, tôi cứ đoán trật lất. Năm nay, tôi quan tâm tới các phim nước ngoài. Nhìn lên bảng đề cử, không thấy “La vie en rose” nói tiếng Pháp, “Lust: Caution” nói tiếng Quan thoại, “The Orphanage” nói tiếng Tây-ban- nha, “The Kite Runner” nói tiếng Dari (Ba tư) trong số những phim nước ngoài hay nhất. Còn “Secret Sunshine” của Hàn quốc chỉ có một người mẹ trẻ đẹp và một em bé làm mưa làm gió ở Cannes năm qua thì không thấy đâu. Trong số những phim tôi vừa kể, có nhân vật nữ ca sĩ huyền thoại Edith Piaf nhỏ thó, tiếng hát rung nhanh, đi đôi với ắc cọt, là biểu tượng vươn lên bằng tiếng hát của một kiếp sống lao đao cùng cực trong chiến tranh và xã hội đảo lộn. “The Kite Runner” có những bước chân trẻ thơ chạy nhanh trên tuyết, tranh giành con diều giấy “băng”, tuổi thơ sớm bi ức hiếp và hảm hiếp.. Một tuổi thơ khác khôn lớn ở Mỹ, trở về quê hương, phiêu lưu tìm lại cho được đứa con của một người bạn ấu thời, mang đi tới nơi an toàn hơn để dạy nó … thả diều. Trước cái đã!

Còn “The Orphanage” thì có một người vợ xuất thân trẻ mồ côi, từng sống ở cô nhi viện, cùng chồng về vùng đất cũ, phục hưng cái cô nhi viện đó, nhận những trẻ mồ côi khác 7, 8 tuổi mà nuôi. Môt đứa trẻ mồ côi, thông minh, mắc bệnh aids được đem về gia đình, coi như con ruột. Khai mạc tòa nhà cô nhi viện cũ, đứa con nầy mất tích. Bà vợ thương người và can đảm kia gặp lại đứa con ở một thế giới nào khác. Tôi đặc biệt yêu mến tác phẩm điện ảnh nầy. Phải chăng, mỗi chúng ta đều mồ côi? Đều lớn lên ở một cô nhi viện? Thương kẻ khác, những đứa trẻ mồ côi khác, chúng ta chỉ muốn đem nó về, sáp nó vô cái thế giới cũ của chúng ta? Đó là cái thế giới của chúng ta, cái thế giới cần được trùng tu. Và chúng ta chỉ có những kẻ gọi là thân yêu, ở trong cái thế giới trùng tu đó. Rốt cuộc, đó chỉ có thể là cái thế giới bên kia cuộc đời nầy!. Hình ảnh cuối của phim: ở trong thế giới đó, bà mẹ và em bé cười tươi như hoa. Phim nầy đoạt 14 giải Goya ở Tây-ban-nha, tương đương với Oscar của Mỹ.

“The Orphanage” còn có Geraldine Chaplin là một nữ diên viên thời trẻ đóng vai nàng Tonia trong “Doctor Zhivago” (1960). Chaplin? Vua hề Sạc-lô, người đàn ông cột đá vào cổ muốn gieo mình xuống nước trong phim mang tựa đề “Thời đại tân kỳ”. Geraldine Chaplin tương trợ nhiều cho phim “The Orphanage”. Tôi trao giải thưởng của tôi cho phim nầy, một giải thưởng cá nhân, chỉ có danh xưng tào lao. Ý kiến riêng của tôi thật là chủ quan. Nhưng những tác giả làm phim (xin nhắc lại ý kiến của Warren Beatty tại “Golden Globe” năm ngoái) có khả năng nghe được người khác nói, muốn nhiều người lắng tai nghe mình nói, thì rất cần: thứ nhất, nhận diện ai là những “cá nhân” khán giả của mình để mình biết mình phải nói cái gì. Và, kế đó, nói cách nào để lôi cuốn những cá nhân đó đừng tạm dừng, đứng rồi đi mà là dứt khoát ngồi xuống nghe mình nói.

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home