Monday, July 13, 2009

Tìm con

Entry for January 19, 2008
Nhan chuong trinh cua mot Nghe Si Vinh Vien khg bao gio duoc fong tang Uu Tu (nhu tui), dua lai 1 truen ngan viet nam 1996, tu doi that cua chi.
Tìm con
Mỗi lần có dịp đi máy bay, chị rất sợ có một bất trắc nào đó làm máy bay không xuống đất được. Thời chiến tranh, chị cứ sợ súng ở dưới bắn lên. Thời bình thì khi bên dưới nghiêng đảo nhà xe cây cối sông đường chị lại lan man tưởng tượng thân thể mình sẽ rơi như thế nào, nếu lỡ…

Chị không đẹp nếu không muốn nói là xấu. Có lẽ vì thương giọng hát chị, nhiều người nói chị xấu duyên. Chị chỉ biết nhan sắc mình biến đổi theo tình cảm. Chị được khen đẹp những khi chị đang đắm đuối mê man vào một chuyện tình nào đó và cũng chị, thường bị chê bê bối quá đúng vào những thời điểm chị chỉ muốn chết đi để phủi trắng những món nợ tình mà dường như chị đã cho vay ăn lời cắt cổ đâu từ kiếp trước.

Những người đàn ông đến với chị thường có một trùng hợp tình cờ tới mức kỳ lạ. Không hẹn mà các ông đều quyết tâm dứt khoát với chị khi hay tin chị cấn thai nên chị luôn sanh nở trong tư thế một mình. Người đến sau bao giờ cũng chê người đến trước là “vô trách nhiệm!”. Phần thì nói nặng hơn: “Họ không có khả năng có trách nhiệm!”. Cái ngày Phần biến khỏi đời chị, ngó lại nửa tá con nheo nhóc chị mới hốt hoảng cho đời mình. “Ngu hơi lâu!...”, đám bạn gái của chị đã phán về chị như vậy khi thỉnh thoảng liếc sang.

Lúc mới đưa Phần về nhà, anh cứ thắc mắc chẳng hiểu bằng cách nào chị đã nuôi được năm đứa con. Khi xuống tàu ra đi, có lẽ Phần chẳng ngờ được anh đã để lại cho chị đứa con thứ sáu. Trong sáu đứa con, nó là đứa xinh đẹp nhất, khôn ngoan nhất. Và đó là lý do khiến chị rứt ruột chọn nó gởi cô Minh ở cùng xóm mang đi. Mọi người an ủi chị, dẫu gì đời nó cũng sẽ sướng, chẳng hơn bảy mẹ con ngồi ôm nhau chết đói hay sao? Nếu Phật Trời thương thế nào cũng có ngày gặp lại. Nó đi rồi chị ngã bệnh cả năm trời nhưng vẫn tin mình chọn đúng. Chị thuộc nhóm những bà mẹ thích dồn tình thương cho những đứa con vô phần, kém phước, không đẹp lại ngu ngơ. Năm đứa con còn lại chẳng mong có ngày đám cha chúng vòng lại ngó mặt con. Riêng Phần thì chị tin anh sẽ có cách tìm lại con khi biết được nó tồn tại ở một xó xỉnh nào đó trên mặt đất.

Bây giờ chỉ còn một đứa ở với chị: con Cam. Bốn đứa kia chị đã dựng vợ gả chồng xong. Ðâu có dè trong vòng mười năm, chỉ sống nhờ cái nghề mà chị nghĩ rằng hạ bạc này, chẳng ngờ được thập phương bá tánh thương góp vốn cho chị mua đất, cất nhà, giờ chị đã có một dinh cơ khá bề thế ở ngoại ô. Con Cam đang được khá nhiều người ngấp nghé một phần vì vậy. Và trong ngôi biệt thự mênh mông lạnh lẽo, giờ đây những đêm khuya, nỗi nhớ nhung đứa con thất lạc lại cồn cào nổi.

Mằn mò mãi mới ra dấu vết người hàng xóm cũ ở một châu lục xa xăm. Cô Minh cho biết người nhận nuôi bé Ti lại ở một châu khác, nhưng đường dây để có thể liên lạc đã đứt mối và xóa dấu, không hy vọng tìm ra. Còn nước còn tát. Nhân những chuyến đi lưu diễn khỏi nước, chị đưa tên cha mẹ nuôi nó ra để níu gọi khắp nơi phụ chị tìm. Và từ đó, mỗi lần bước lên máy bay, chị càng nơm nớp lo một trục trặc nào đó khiến chị không thể gặp lại Ti của chị.

Một đêm vừa ca hát suốt sáu tiếng ở một hội chợ trên một nước lạ xong, như thường lệ, nhiều khán giả ái mộ mời cả “gánh” đi ăn, “nhẩm xà”... Chị mới cầm đũa thì Lân, cậu khán giả theo suốt các điểm diễn của đoàn, chạy ào vào, run, không biết vì lạnh hay vì mừng:

- Tìm ra rồi! Bà dám đi không, tôi chở đi ngay nhưng với một điều kiện là lúc qua biên giới bà phải thật tỉnh, để tôi lo.

Khi ngồi trong xe rồi, đến lượt chị run, không phải vì lo xe lật trước khi chị gặp con, không phải vì ngại những người cảnh sát biên phòng nào đó, mà vì chị không biết mình sẽ nói gì với con khi gặp lại đây. Khi rời chị, nó còn bé quá, ký ức về mẹ, chị, anh, em củas nó hẳn chỉ lờ mờ. Nó có giống không, những đứa trẻ Việt đã bị Âu hóa ở đây mà chị đã được gặp? Cảnh vật loang loáng bên ngoài càng làm tăng nỗi bối rối trong chị. Bao lâu nay nó sống, ngửi và ngắm, nghe những cửa hàng, tiếng động, bảng hiệu này... Mùi bơ ngầy ngậy nhà nào cũng nghe dường như thay hẳn mùi nước mắm vẫn nghe khi ở nhà... Chiếc xe Lân bước chậm trong một vũng kẹt xe... Cái cách kẹt xe ở đây cũng khác.

Chị hoang mang níu Lân:

- Tả bé Ti cho chị nghe đi! Nó giống ai?.

- Ngó cổ hao hao cô ca sĩ Thiên Hương!.

Nghe mà mát cả lòng, vậy là nó không giống chị. Hồi nhỏ nó vẫn đẹp. Ðám anh chị nó mặt má bầu... “ngó lâu muốn chửi”. Phần vốn mặt chữ điền “tiền rưỡi cũng mua”. Sau Phần, chị đã không yêu thêm ai. Nhờ vậy không sanh thêm đứa nào... Từ lúc cồn cào nhớ con, mỗi đêm nhắp nhang chị xin những đấng thiêng liêng giúp chị gặp lại bé Ti mà không dám xin thêm một cuộc tái ngộ với Phần chỉ sợ Trời Phật cho mình tham quá. Vậy là ước nguyện sắp thành. Thấy Lân vừa thoát đống xe kẹt, nhấn lút ga, chị van vỉ:

- Chầm chậm cho chắc, Lân ơi!.

Lân thản nhiên:

- Bà ngủ đi, đường còn xa, mai lại còn phải về kịp để diễn ở nước khác. Lỡ bà tắt tiếng, tui không yên với bà bầu đâu...

Ngủ gì nổi mà ngủ! Lân ơi, nó có hỏi thăm gì về chị không? Nó có biết bây giờ chị là diễn viên nổi tiếng vừa được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú? ố Biết chớ! ố Nó đọc báo ở nhà qua à? ố Nó rành tiếng Việt đâu mà đọc? ố Ờ, tại sao mình quên bẳng chuyện này. ố Vậy sao nó biết? ố Thì em nói. ố Rồi sao, nó có mừng không? ố Nó hơi ngạc nhiên, nó nói ủa sao mấy người Việt qua đây lại kể xưa có lần chị ra tiền đồn hát vậy mà vẫn được Nhà nước mới xài sao?.

Ti ơi là Ti, hai mươi năm rồi con. Hồi đó kéo má đi ra đó hát chơi là một trong những người cha của các anh chị con. Lúc đó má thật sự yêu ông ta. Từ lúc ba con đi, má đâu còn yêu ai được nữa. Nếu không có khán giả thương, má đã không sống được tới giờ này. Nhiều lúc cực lòng, thấy nghề này sao mà hạ bạc, nhưng nói đi rồi nghĩ lại, nếu không có nó má dám chết rồi, mong chi sống gặp con. Ðó, nếu không có cái anh khán giả tào lao này chắc má cũng hết cách tìm con.

Tiếng Lân cắt đứt giòng suy nghĩ của chị:

- “Giả bộ ngủ đi, tới biên giới rồi đó, mặc tui!”.

Chị nhắm mắt. Xe dừng. Tiếng nói xí xô xí xào của Lân và một ai đó. Chị lại vái Phật Trời. Chiếc xe lướt đi. Mãi đến khi Lân gọi chị mới mở mắt. Trời đã ửng sáng dần. Ðồng hoang mênh mông và những bụi cây mà chị không biết tên đứng gục đầu. Lân tấp xe vào một trạm rửa xe ven đường, gọi một ly cà-phê cho chị. Ngay từ cửa ra vào, một người phụ nữ trong trang phục linh mục thời Trung cổ, đội mái đầu giả hói rao bán những tờ vé số tombola cho một công việc từ thiện nào đó. Chị chỉ nhấp một chút cà-phê chua ngoét mà nghĩ đến một ngày nào đó con về sẽ được uống cà-phê phin do mẹ pha hẳn nó sẽ thích lắmnhư bao người đàn ông qua đời chị đã thích. Ðám trẻ con ngẩn ngơ nhìn người phụ nữ giả hói đầu lập đi lập lại câu mời rồi người đàn bà tóc bạc da vàng là chị rồi túm lấy cha mẹ kéo đến khu Mac Donald. Bấy giờ ngó bóng hắt mình trong gương chị mới nhớ mình chưa chùi mặt và thay trang phục biểu diễn. Chị bỏ ly cà-phê đi nhanh vào toilet. Nước trôi qua khuôn mặt chị trả lại làn da nguyên sơ sáng rỡ một tình yêu ố với bé Ti hay với Phần không rõ, chỉ biết chị đang đẹp lại bởi đang yêu.

Khoảng đường còn lại chị có thiếp ngủ một chút. Và rồi đường đi cũng đến. Lân nói:

- Bà đứng ngoài này, đợi một chút, chờ tui gọi hẳn vô.

Mười phút đầu toàn vẻ tươi tỉnh của chị còn nguyên nhưng những phút sau đó chị thắt lòng tự hỏi lẽ nào nó không vui khi gặp mẹ. Tình huống mới giống những vở cải lương chị đã đóng làm sao! Mẹ lặng lội tìm con. Con chối mẹ không nhìn. Chị dỗ mình. Ðừng ngờ oan cho Ti. Có lý nào nó không nhận người mẹ đã vượt bao núi cao biển sâu để tìm lại nó.

Lân chạy ào ra, y như lúc đầu tiên anh ta đến báo:

- “Ði về, bà ơi! Nó nói thông cảm cho nó. Nó đang có chuyện kẹt không thể nhìn bà”.

Dường như trái tim của chị rớt vào một khoảng không, y như lúc máy bay chao trong một lổ hổng nào đó giữa trời. Chị im lặng, cầm tay Lân, nước mắt lả chả rơi, nghẹn ngang cổ họng.


Lân vỗ về chị. Bà đừng khóc. Ðể tôi vào thuyết phục lần nữa. Chị nói. Tiếng . mất. Tiếng còn. Nói với nó, tôi là mẹ. Hồi đó không làm vậy không được. Ðừng oán mẹ. Bây giờ tôi là Nghệ sĩ Ưu tú. Hồi đó tôi có ham vui ra tiền đồn một lần.. Nhưng lúc nào tôi cũng.. Bé Ti ơi ! Cho má ngó mặt một chút đi con.

Lân lại vào. Chị ngồi thụp xuống, cầm bằng như mình rớt máy bay thôià Quanh đây là cỏ. Cỏ nhung. Bấy giờ chị mới nhìn rõ vị thế ngôi nhà. Nhà đẹp quá. Hay là nó sợ bị mình bắt về. Không đâu Ti. Mẹ thề mẹ chỉ dòm mặt con một cái rồi về. Chị lại vái Trời Phật. Có thương con thì thương cho trót. Sao nỡ kéo con tới đây rồi lại quay về. Lần này Lân ra nhanh hơn. Ôm vai chị. Kéo đi. Về thôi, nó sắt đá quá. Tôi kêu ló mặt ra một chút ngó mẹ mà nó vẫn lắc đầu.

Chân chị trì níu lại. Chị muốn chạy ào tới cánh cửa kia dộng ầm lên cho nó phải ló mặt ra. Như đọc được ý nghĩ đó của chị, Lân nói. Bò đi. Ðây là xứ người. Họ có luật riêng của họ. Chị lết chân đi. Luật nào không cho mẹ nhìn con. Nhưng mà có phải tại luật đâu. Nó đó chớ. Nó quyết định không muốn gặp mẹ mà. Nhưng mà có phải tại nó đâu. Chị đó chớ. Chị mười mấy năm trước đã cắt ruột như tên cướp khét tiếng gởi mớ lòng về Tây Trúc cho Phật Tổ Như Lai. Ngày ấy nó mới đẹp làm sao! Hiểu rồi, con đẹp là con của Phật Trời. Trời đã đòi lại con, và cương quyết không cho chị gặp.

Trước khi bước vào xe, chị ngoái cổ nhìn lui lần chót. Dường như ô cửa sổ lồng chim nhà nó mở. Dường như dáng nó lờ mờ nhoài người ngó chị. Chị rớt xuống nệm xe. Coi như máy bay đã rớt. Ti ơi!.



Một tuần sau, chị ghé nhà một cô bạn cũ tên Tâm. Cô đang sống bằng nghề chăm sóc những người già. Tâm kể:

- Vui lắm! Chỉ cực một chuyện thay tả lót cho họ như thay cho baby. Còn thì chủ nhà luôn thích nấu nướng, chìu chuộng, cho mình ăn, kể cả khi họ di chuyển bằng xe lăn. Có vẻ như họ sợ mình sẽ bỏ công việc buồn chán này. Họ cần người để nghe họ kể chuyện. Quan trọng nhất - dù họ rất ít khi tuyên bố - bao giờ trong di chúc của họ cũng luôn có một phần kha khá cho những người chăm sóc.

Chị lờ mờ đoán. Có thể bé Ti của chị cũng sa vào một trường hợp tương tợ. Biết đâu một phần nào đó trong di chúc cha mẹ nuôi đã ngăn không cho nó bước ra nhìn mẹ ruột. Mà lỗi nào phải của nó. Con đẹp là con của Trời. Trời cho thì Trời đòi lại. Vậy thôi!.


■■■12/1996



Tags: timcon | Edit Tags



Saturday January 19, 2008 - 01:01am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for January 21, 2008

Comments(4 total) Post a CommentChuột… Offline Cho dù không được họ phong tặng danh hiệu ưu tú ưu tiên này nọ (em nghĩ chỉ là cái hư danh) nhưng cái thực danh của chị là người phụ nữ đa tài đa đoan luôn được nhiều người yêu mến, đó mới là điều luôn khích lệ chị. Đọc truyện ngắn này, em rất hiểu tâm trạng giằng xé giữa sự "dằn vặt" hối hận khi đưa con xuống tàu và sự khao khát được gặp nhìn lại mặt con dù chỉ một lần để từ đây về sau không phải sống trong cảm giác "dằn vặt" ngày cũ nữa.

Friday January 18, 2008 - 12:21pm (CST) Remove Comment
8Fieu Offline @ Chuot. hong biet nghi sao ma trong truyen tui fong tang danh hieu ưu tú cho nguoi fu nu nay.
Sao khg thay ai viet bai ve chuong trinh nay?
me giong cua hai ba chi Hong Nga va Ngoc Giau.
Chi Giau cung ke nhieu chuyen day nuoc mat. Dang viet truyen ve mot nguoi chuyen di khoc muon. Mong doc gia se cuoi.

Saturday January 19, 2008 - 03:45am (ICT) Remove Comment
nghi … Offline IM truyện buồn quá ... mỗi lần đọc truyện về mẹ phải xa con là em muốn khóc

Saturday January 19, 2008 - 10:35pm (EST) Remove Comment
chim … Offline Chị, cái viết ra được chỉ là một phần thôi phải không, đời bà kể ra còn lắm chuyện bi đát, bi ai lắm. Chuyện của cô Ngọc Giàu cũng não nề không kém. Mà tính ra đời những nghệ sĩ cải lương đích thực, sống trọn vẹn với nghề suốt một đời, không màu mè hoa dạng mỗi khi biết đến đều rưng rưng nước mắt cả. Em không nfờ là hai chị em lại có duyên với nhau về các nhân vật này như thế.

Sunday January 20, 2008 - 10:00pm (PST) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home